CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Chơn Như

CHƠN NHƯ

                                                  Tác giả: Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang

NT. TUYẾT LIÊN chuyển thơ

---o0o---

1. Kinh Kim Cang xưa ghi rằng

Bồ Đề trưởng lão bạch cùng Thế Tôn

Như Ngài ít có, ai hơn

Như Lai hộ chúng bằng tư tưởng lành

Vốn hay đem các điều lành

Phó chúc Bồ Tát nên hành lợi tha.

Bạch Thế Tôn xin dạy qua

Như có các bậc trai hòa gái tin

Phát tâm cầu quả chánh chơn

Thì nên an trụ vững bền vào đâu?

Hàng phục cái tâm thế nào?

Đức Phật dạy bảo: Bồ đề lắng nghe

Chư Bồ tát phát tâm cao

Thì nên hàng phục tâm vào pháp chơn

Đối với tất cả chúng sanh

Dầu sanh từ trứng, hay trong thai bào

Dầu thấp, hóa hay thế nào

Dầu có hình sắc hay loài không thân

Dầu loài có tưởng hay không

Hay phi phi tưởng thảy đồng như nhau

Ta nên dùng pháp dung thông

Dạy cho tất cả vượt dòng sông mê

Đắc nhập cảnh giới bồ đề

Niết bàn trọn vẹn, vẹn bề độ sanh

Diệt độ vô số chúng sanh

Vô biên, vô lượng thật hành lợi tha

Tuy nói vậy, nhưng thật ra

Không có sanh chúng nào mà độ xong.

Tại sao vậy ? Bồ Đề ông

Bồ tát còn chấp ngoài trong khác mình

Tướng người cùng tướng chúng sanh

Mạng số, thọ giả chẳng thành tướng chi.

Bồ tát thay Phật độ sanh

Đem tâm bình đẳng lợi hành vô biên.

Nhưng tâm hằng giữ kiền thiền

Chơn như đại định tự nhiên bao trùm

Vắng lặng cảnh giới không không

Đạo đức trùm chứa, thể đồng chơn như.

Như kim cang bất hoại tâm

Không ranh mé, toán số không luận bàn

Tâm người võ trụ hàm tàng

Chơn như vô chấp việc làm tròn xong

Tâm như thế thật đại đồng

Phước đức như thế không cùng, không biên

Ấy mới gọi là kim cang

Thế mới gọi là việc làm đại nhân.

Sau đó Phật giải thêm rằng

Bậc Bồ tát theo pháp hành lợi sanh

Bố thí không chấp tướng hình

Tiếng tăm, mùi vị sáu trần không vương

Được như thế phước không lường

Tứ phương thượng hạ không cùng, không biên

Tâm bố thí không trụ nương

Không  cố chấp thì phước dường hư không.

Đức Như Lai dạy thêm rằng

Chơn như tròn sáng tánh đồng Như Lai

Chẳng vọng động là bổn lai

Chớ thân tứ đại bên ngoài vô can

Ngài không chấp quả giác chơn

Cũng không chấp pháp chi cần thuyết ra

Không cố chấp bốn tướng tà

Chơn như đại định chính là tâm trung

Tâm ngài giải thoát tột cùng

Không còn dính mắc ngoài trong việc gì.

Dứt bốn tướng, tức thành y

Quả Phật chánh đẳng, phước gì cao hơn

Cái không là cái thật chơn

Cái nhiều là chẳng suy lường được đâu

Cái lớn không thấy hết đâu

Cái có là cái không hay giữ gìn

Cái không hư hoại là còn

Cái chơn như Phật, bậc toàn giác chơn

Là tâm của Phật hiện tiền

Chơn tâm không vọng không lường, không biên.

2. Kìa như Bát nhã tâm kinh

Là bài kinh nghiệm, tâm mình hiểu ra

Trong cái chơn không bảo hòa

Đâu chi là có hay là cái không

Chỉ còn chơn không mực trung

Không sắc thọ tưởng hành cùng thức tri

Trong đó không chấp biết gì

Sanh già bệnh chết ưu bi không còn

Khổ tập diệt đạo hết trơn

Đâu chi là pháp, đâu còn vô minh

Đâu có cái trí thức tình

Cũng không cái đắc, mà trông niết bàn

Vì bởi chơn như hàm tàng

Tức là cảnh giới niết bàn nơi đây

Không tìm kiếm ở đông tây

Ba đời chư Phật tâm nầy làm nên

Cái trung tâm mới vững bền

Trụ cốt, chỗ đến, điểm chung mọi người.

3. Kinh Lăng Nghiêm Phật chỉ bày

Phương tiện dạy bảo cho Ngài A Nan

Đèn là cái để trợ duyên

Cho cái sắc được tỏ tường bày phô

Mắt là cái thấy điểm tô

Thấy được sắc tướng là do tấm lòng

Biết được sắc tướng ngoài trong

Là do cái biết, tấm lòng nhận ra.

Chúng sanh trong cõi ta bà

Không thành chánh giác, vào nhà vô sanh

Cũng đều do bởi khách trần

Làm cho lầm lạc không còn nhận ra

Khách trần như lữ hành xa

Mệt ghé quán trọ, đói vào tiệm ăn

Ăn ngủ xong lại dời chân

Tiếp tục làm kẻ khách trần lang thang

Người không đi, cứ ở an

Chủ nhà chơn định, ta đang chủ quyền.

Bởi không ở lại khách duyên

Làm kẻ lữ khách vọng duyên gọi mời

Còn trần là bụi chơi vơi

Lúc ban mai ánh mặt trời chiếu soi

Nhìn vào lổ hổng mà coi

Thấy bụi xao xuyến đầy trời không an

Còn hư không vẫn lặng yên

Bụi thì xao xuyến vọng đang gọi mời.

Khi ấy Phật bèn giơ tay

Xòe ra, nắm lại, hỏi Ngài A Nan

A Nan ngươi thấy gì không?

A Nan Bạch Phật con trông thấy Ngài

Tay Phật xòe ra, nắm vào

Cái thấy vẫn tịnh một màu tự nhiên

Không có cái tên tịnh yên

Huống chi lại có cái phiền động sao.

Phật khen ngươi luận phải nào

Bấy giờ tay Phật chỉ vào bên đông

A Nan quay đầu ngó trông

Tay Phật lại chỉ qua phần bên tây

Đầu A Nan cũng ngó xoay

Nhìn qua, ngó lại, Phật Ngài hỏi thêm

Sao đầu day động hai bên

Tay Phật chỉ trỏ, nên con day đầu

Day động là tại cái đầu

Hay do cái thấy, động từ đâu sanh?

Cái thấy chủ vẫn tự nhiên

Tại cái đầu khách, không yên xoay chiều

Đức Phật khen nói đúng điều

Bấy giờ Phật nói cho nhiều người nghe

Có người biết bụi lăng xăng

Mà chưa biết, hư không hằng lặng yên

Biết kẻ đến đi khách duyên

Không biết kẻ tiếp khách, chơn chủ nhà.

Các người nghĩ kỹ, xem qua

Đầu A Nan ngó lại qua xoay vần

Cái thấy vẫn tự nhiên chân

Cái không thay đổi là phần chơn tâm

Có sao quên mất cái chân

Nhận cái sống chết làm mình đổi thay

Duyên theo biến đổi cảnh ngoài

Mà chịu sống chết trong tay vô thường

Luân hồi sanh tử thảm thương

Các ngươi chác lấy con đường khổ đau.

Lời Phật dạy như ngăn rào

Dạy ta đừng buộc khổ đau vào mình

Nhận ra chơn như là mình

Không không vắng lặng yên bình làm tâm

Trung tâm trụ cốt không lầm

Cái biết có sẵn không cần tìm đâu

Tự nhiên có tự thuở nào

Nếu không có sẵn, giờ đâu tựu thành

Trước chưa xuất lộ tập thành

Là đang ẩn, trong chúng sanh vạn loài

Biết linh có sẵn nơi người

Đã, đang, sẽ có chớ nào phải không.

Nó là cái có sẵn dành

Ở trong võ trụ hư vô bao đời

Chơn như đạo đức là tôi

Đang sẵn có ở trong từng sát na

Nên gọi chơn như là ta

Là chúa tể, là tâm ta hiện hành

Là chỗ đến của chúng sanh

Là cái Phật, sự viên thành giác chơn

Là Ngọc đế, cao thượng nhân

Là pháp cao thượng không trên ai bì

Đế là thẩm sát diệu kỳ

Thượng đế là pháp xét suy kỹ càng.

Là chơn như pháp hàm tàng

Đề mục nắm lấy, dẫn đàng bước lên

Là pháp chơn như vững bền

Làm chủ nắm lấy đưa lên cảnh lành.

Đế nghĩa cái trán, đầu đề

Đề mục bình luận vấn đề chúng sanh

Nên gọi chơn như tạo tâm

Là pháp hóa trí, chúng sanh con người

Là tạo hóa của vạn loài

Chúng sanh tiến được ngó ngay con đường.

Là thầy mẹ, là pháp vương

Ngọc hoàng, Thượng đế, pháp nương danh từ

Là Phật, là pháp chơn như

Chung cho tất cả không trừ một ai

Tự nhiên là Phật bền dài

Cái trời chắc thật, đổi thay đất bằng

Không không, có có xoay vần

Ông Trời, bà Đất cõi trần có không

Trời đất giáo lý đại đồng

Tiên Phật ở núi, không không nhẹ nhàng

Bậc chơn như thì tự nhiên

Giác ngộ chơn lý từ trong cuộc đời

Chớ không phải ở một nơi

Ở ngoài vũ trụ, hay bầu tam thiên

Chơn như trong cái tự nhiên

Gồm có đủ cả có không đất trời

Tạo hóa sanh sản khắp nơi

Chúng sanh, vạn vật, pháp rồi biết linh

Những ai lấy nó làm tâm

Giữ tâm chơn chánh, tánh đồng Như Lai.

Chơn như là đạo bền dài

Đức độ dung chứa trong ngoài khắp nơi

Giáo lý tích chứa tùy thời

Chớ không phải bỏ, để rồi chấp không

Tốt xấu đều có thể dùng

Mỗi lúc, mỗi việc hoặc trong, hoặc ngoài

Pháp nào cũng có chỗ hay

Chúng sanh tội lỗi có ngày cũng nên

Giáo lý dưới giữa hay trên

Đều có chỗ dụng, ích nên cho người

Ví như có kẻ thốt lời

Không tin có Phật, có thần giúp ta

Ta phải tự tin lấy ta

Sự thành công đến, khi ta thức thời.

Hiểu như thế, thật hẹp hòi

Mình sống, phải có những người chung quanh

Nào ai thấy bụi sau lưng

Nào ai tự sống mà không cần nhờ

Tất cả cỏ cây thú người

Sẽ thất bại, khi tự mình tự tôn.

Tự cao, tự đại, tự mình

Là trái ngược với tiến trình Thế Tôn

Người tôn, hơn mình tự tôn

Mình phần nhỏ, trong cộng đồng chúng ta

Tiếng ta toàn thể chan hòa

Ta là tất cả, cái ta đại đồng

Các pháp hợp lại dung thông

Tinh thần, vật chất hòa đồng mới nên.

Có Phật cũng có Thần Tiên

Có khoa học, các pháp liên kết thành

Cái ta đúng nghĩa đúng danh

Hòa trong vũ trụ mới thành tiếng ta

Câu nói khiêm nhượng nhu hòa

Việc người thì sáng, việc nhà rối ren

Nhiều người giúp mình mới nên

Mình, người hòa hợp mới thành công cao

Sống chung giúp đỡ cùng nhau

Là cách sống đúng thanh cao mỗi ngày

Chơn như là tích lâu dài

Tích mà không chấp, có người gọi tiêu.

Xin học, giáo lý Phật nêu

Tài pháp trao đổi, cho nhau pháp tài

Đang xin và học pháp hay

Kẻ cho người nhận đổi trao tùy thời

Mình qua khỏi, để cho người

Không chi tiêu bỏ, giúp người đi sau

Không cố chấp, tạm gọi tiêu

Mình tiêu, người tích thảy đều ích nên

Mình dùng rồi bỏ một bên

Để cho người khác tiến lên tạm dùng.

Đi qua, cuốc lộ sau lưng

Ăn dư liệng bỏ, xin đừng làm sai

Mang tội hủy hoại nặng thay

Không chi tiêu bỏ, nối dài lớp sau.

Đường đời ta trải qua mau

Người khác bước tới, thì trao cho người

Với mình tiêu bỏ qua rồi

Với kẻ khác, là tích bồi thuận duyên

Chấp hay không chấp tùy duyên

Cả hay đều đúng, chấp phiền làm chi.

Đối với giáo lý tùy nghi

Dung hòa tất cả biết tùy theo duyên

Có lấy, có bỏ không phiền

Không thiên vị, không bỏ quên cái nào.

Pháp tánh bình đẳng trước sau

Vô tranh mới gọi pháp cao Phật đà

Pháp nào cũng phải dung hòa

Võ trụ nuôi chứa đều là pháp hay

Biết lấy hay bỏ mới tài

Là người giác ngộ, giỏi hay hành trì

Vạn pháp sẵn có chơn như

Chơn như gồm đủ, pháp từ đây sanh

Nương lấy nhau để tác thành

Đem sự giác ngộ chúng sanh con người.

Như đe và búa liên hồi

Dập nhau chan chát để rồi tiếng vang

Có hình tượng, có âm thanh

Chúng sanh nhìn nhận, thấy hình nghe danh.

Chơn như tích chứa đủ thành

Các pháp tiến hóa là tiêu qua rồi

Bờ sông, bên lở bên bồi

Có cao, có thấp, để rồi có không

Có trời, có đất dung thông

Có chơn, có vọng thảy trong cuộc đời

Mới có giác ngộ con người

Trước biết lấy bỏ, sau rồi mực trung

Để dắt dẫn kẻ sau lưng

Cái giữa mới đúng là chân như hành

Vượt qua, không chấp mới thành

Chơn như vượt khỏi song hành hai bên

Qua khỏi chơn, không chấp chơn

Mới thật chơn đạo vượt trên thế tình

Cũng như cái trí nhận nhìn

Vượt qua cái Phật, tâm mình mới chơn

Bởi con mắt nhìn phải hơn

Bàn chân một bước, thì thân vững vàng.

Đạo Phật chính là con đàng

Tâm chơn là Phật rõ ràng mục tiêu

Phật độ chúng sanh, dắt dìu

Khuyên người nên hướng đến điều chơn như

Chơn như mới thật tâm từ

Tâm của tất cả y như một người

Chính nó, hột giống tốt tươi

Trường tồn vĩnh viễn, sống đời biết linh

Chơn như võ trụ tự nhiên

Khi nào trí vọng thế gian không còn

Đứng ngừng tất cả không còn

Xao xuyến vọng động, do không ác tà.

Muốn không tà ác chính là

Giữ tâm chánh thiện, cùng là giới nghi

Trì giới, nhập định hành trì

Đứng ngừng mọi việc, dứt đi buộc ràng

Trí huệ sáng suốt, tâm an

Võ trụ yên lặng một màn chơn như

Sự thật là vậy đúng như

Tánh của ác, là thiện từ giới nghiêm

Tánh của thiện giới làm nền

Là tâm thanh tịnh, đắc liền tâm an.

Tánh của nhập định lặng trang

Diệt độ trí huệ tánh càng tỏ thông

Tánh của diệt độ sáng trong

Chơn như yên định thoát vòng trầm luân

Chơn lý đã sẵn trong trần

Như thân ta vốn rất cần sạch an

Khi thân sạch thì chẳng màng

Tâm không chất chứa, tâm an trí mầu

Đồng với võ trụ chơn như

Đó là pháp học, pháp tu sự thường

Hay sự giác ngộ lẽ thường

Sanh tử còn mất, con đường nhân sanh

Lẽ thật chơn lý đành rành

Nếu mà sai lệch chuốc thành họa tai

Bởi nơi yêu ma giỏi hay

Cuốn lôi thân trí, đọa đày tâm chơn

Sau khi giác ngộ lẽ chơn

Chúng ta bảo giữ pháp chơn trì hành

Chơn như có do huệ sanh

Trí huệ đoạn diệt, pháp hành chấp mê

Các pháp, bè tạm đi về

Để đưa ta đến bến bờ chơn như

Không nên chấp pháp huyển hư

Tạm mượn các pháp cũng như chiếc bè

Bố thí, trì giới, thiền tư

Tinh tấn, nhẫn nhục, cũng như trí lành.

Hết thảy pháp để giữ gìn

Chơn như tu tập tâm mình chánh chơn

Đủ đầy trí huệ cao trên

Lầm mê đoạn diệt, không còn ngăn che

Trước diệt cái sở chấp thân

Không màng sợ bệnh, dứt ngăn ý tình

Không cho các pháp khởi sinh

Trước tập bố thí, nói năng dịu dàng

Nên tìm sự lợi để làm

Lợi ích sanh chúng trên đường chơn như

Thường nên phát triển lòng từ

Với người hòa hợp, diệt trừ ý riêng

Hoặc phát nguyện kết nhân duyên

Từ bi, hỷ xả, chánh chơn lớn tròn.

Các pháp lớn nhỏ vun bòn

Việc gì cũng được vuông tròn chơn như

Pháp Phật là đại bi từ

Giải thoát trong sạch chơn như hiển bày

Là pháp giác ngộ không sai

Trong sạch chẳng nhiễm, không hay đắm trần.

Kim Cang đại sư vững thân

Dưới cội chánh giác định thần thiền tư

Ngó tranh xoi lủng gối như

Quạ thì làm ổ ngụ cư trên đầu

Gió mưa sương tuyết dãi dầu

Ngài không lay động, ngỏ hầu đắc chơn.

Thế gian dòm ngó thua hơn

Chỉ trích xoi xỉa, ghét thương đủ điều

Còn quạ làm ổ trên đầu

Là khi tâm định, xét sau thấy rành

Tai họa xảy đến cho mình

Tâm không nao núng, hãi kinh bàng hoàng

Không lo sợ, bỏ đạo tràng

Do đó nên gọi Kim Cang lực thần.

Đức Phật có mười danh xưng

Như Lai, Thiện Thệ, Minh Hành, Biến tri,

Thế Gian giải, Thiên Nhân sư

Vô Thượng sĩ, Điều Ngự Phu danh vàng

Sĩ Trung Thắng, Thiên Thượng tôn

Cả thảy danh pháp gốc chơn như hành

Lại như kinh, luật, luận thành

Tam thừa giáo lý phát sanh dạy đời

Phương tiện thấp cao tùy thời

Là để đem lại cho người chơn như.

Nầy là Bồ Tát ... Thinh Văn

Đã đắc thánh quả lục thông đủ đầy

Lớp giữa xuất gia hiện nay

Cũng hàng Bồ tát, hiển bày Thinh văn

Tại gia cư sĩ thường hằng

Là hạng bậc dưới cũng đang hành trì

Chín phẩm đồng một pháp nghi

Tu học giáo lý đến thì chơn như.

Ba giáo lý cũng giống như

Trẻ nhỏ, người lớn đến khi tuổi già

Hưu trí nín nghĩ khỏe  a

Không làm, không nói tức là chơn như.

Thú cây cỏ, đồ vật chi

Trải ba giai đoạn, mới đi đến cùng

Sau chót là đến chơn thường

Kẻ giác ngộ sớm sẽ thường được vui

Tránh khỏi thất bại khổ đau

Chơn như tế độ cũng như mẹ lành

Bàn tay cứu vớt chúng sanh

Những ai dễ dạy, ngó nhìn thương yêu.

Không lãng quên sống thuận chìu

Vui lòng toại ý, được nhiều phúc cao

Thật vậy những chúng sanh nào

Dù mắc phải cảnh đọa vào ngục môn

Mà khi giác ngộ chánh chơn

Hết lòng cung kính niệm chơn chuyên trì

Khác nào hầu hạ cúng dường

Ba đời chư Phật phước tồn bình an

Và sẽ đắc quả niết bàn

Chơn như bửu pháp vô cùng oai linh.

Như trời cao với chúng sinh

Chúng sanh cát bụi thấp mình xấu dơ

Biết nhô đầu hướng lên cao

Hưởng được yến sáng chơn như đời đời

Sẽ được biết linh sống đời

Hoàn toàn thọ hưởng cuộc đời bình an

Chơn như, như mặt đất vàng

Kêu là Phật địa đỡ nâng con người.

Lại như khí thở của người

Ai cũng nhờ đó cuộc đời tồn sanh

Nó sẽ dung chứa sản sanh

Tất cả đang ở quốc thành chơn như

Là xứ cực lạc chơn như

Miếng đất trong sạch, bà con vui vầy

Nó như áo mặc của người

Cơm ăn, nước uống, ngôi nhà ấm êm

Nói tóm lại, không được quên

Nếu ta quên lãng thì liền khổ đau.

Mà khi nhớ lại vui sao

Nên người giác ngộ dạt dào niềm tin

Chơn như là sự thành công

Chơn như là pháp đại đồng độ sanh.

Là pháp rốt ráo không trên

Xưa Phật hỏi (các) vị tu tiên trong rừng

Pháp nào diệt được tử sanh

Pháp nào áp dụng được thành công cao?

Không ai trả lời một câu

Sau Phật giác ngộ chơn như tu hành

Chơn như, vọng ngã không sanh

Chơn như, chơn ngã mới thành không ta

Chơn như, chánh pháp ma ha

Chơn như, chánh lý dung hòa chúng sanh

Đạo tâm tức là Phật tâm

Tức là đạo Phật thậm thâm trên đời

Tu học với vạn pháp rồi

Chúng ta mới thấy cuộc đời mong manh

Vạn pháp là ở nơi mình

Tự mình chủ động, không còn nương theo

Nên gọi chơn như tự nhiên

Chớ không phải có, không, trung pháp nào

Hiểu được chơn như pháp cao

Quý báu bậc nhất, trong bao pháp hành

Đi theo ánh sáng hướng nào

Sau rốt chỗ đến mặt trời chơn như

Ai cũng đang có chơn như

Có trong mỗi niệm, trong từng phút giây

Cả thảy ở trong chơn như

Biết sống trong cảnh chơn như an bình

Vậy nên tất cả chúng sinh

Nên phải đến với chơn như pháp từ

Mục đích của các pháp tu

Rốt ráo vũ trụ chơn như đại đồng

Vạn pháp tu, thật mênh mông

Sau rốt điểm đến đại đồng chơn như./.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: