CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Đạo Phật Khất sĩ

ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ     

Tác giả: Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang

NT. TUYẾT LIÊN chuyển thơ

    ---o0o---

Đạo Phật là một con đường

Đưa người đến quả giác chơn Phật thừa

Họ của chư Phật chính là

Con đường Khất sĩ Phật gia nối truyền.

Khất sĩ lẽ thật chơn thường

Mục  đích chung sống là phương pháp mầu

Đến với giác chơn làu làu

Toàn học biết sáng một mầu tự nhiên

Dứt hết mê lầm đảo điên

Khất là xin sống, hiền học tu

Cho được cái biết chơn như

Giải thoát khổ não, để trừ chấp ta.

Để tạo nên một cái ta

An vui bền thật tránh xa lạc lầm

Cái sự nô lệ không công

Tham sân vô nghĩa viễn vông bao đời.

Phật pháp phương tiện độ người

Giúp cho sanh chúng hết hồi khổ đau

Căn cơ mỗi người khác nhau

Giáo lý giác ngộ thấp cao tùy thời.

Học Phật mới chỉ học thôi

Học khoa Phật học, học rồi chưa tu.

Đạo Phật là con đường tu

Thực hành thành Phật, y như Phật Ngài

Là Tăng Khất sĩ sau nầy

Y bát giới luật Tăng nay hành trì

Đức Phật là một ông Thầy

Biết sáng chỉ dạy cho người lầm mê

Kẻ khổ muốn quay trở về

Không cần phân biệt, sơn khê thị thành

Là người hữu hay vô thần

Có cha mẹ hay cô thân lạc loài.

Không bảo làm hoặc không làm

Hữu vi hình thức, hoặc toàn vô vi

Chúng sanh sống ở chết đi

Bộ áo thay đổi có chi lâu bền.

Khổ vì cái biết lạc lầm

Mê muội mỗi lúc luân trầm mãi thôi

Sống chết đều khổ chơi vơi

Đáng sợ hơn hết là hồi lầm mê

Không có mục đích, đường về

Căn nguyên nguồn cội không hề thấy ra

Nhọc công vô ích phiền hà

Chớ kẻ trí thức tỉnh ra khỏe liền

Giải thoát được các khổ duyên

Đứng ngoài sự vật nhìn xem hãi hùng

Không ưa sự bị trói mình

Như trăm họ, chịu nhục vinh giàu nghèo.

Khất sĩ sống đời tiêu dao

Là Tăng tu học nghèo giàu chẳng ham

Chỉ sống tạm với thời gian

Cho được cái biết hoàn toàn ngày mai.

Không có chi của hôm nay

Vinh nhục sống chết đổi thay sự thường

Trước sanh, sau chết vẫn đương

Chúng sanh đang học trong trường tự nhiên

Không không lẽ thật diệu huyền

Bốn đại vận chuyển trong guồng lăn xoay

Giác ngộ vượt thoát ra ngoài

Sống bằng cái biết không ngày trở lui

Chun xuống bánh xe luân hồi

Để phải nhào lộn như hồi vô tri

Không còn lầm nhận cái gì

Của ta tứ đại như khi mê lầm.

Con đường tiến sống chánh chơn

Là đạo Khất sĩ là Đoàn du Tăng

Tức là đạo Phật toàn năng

Toàn giác yên nghĩ thường hằng vĩnh miên.

Mỗi người giác ngộ nhơn duyên

Chớ không ỷ lại thần quyền chi chi

Phật xưa còn bỏ cung vi

Bởi biết rõ lẽ không ta vô quyền

Ta nay lầm chấp đảo điên

Để phải khổ não vô thường không công.

CHỦNG TỘC SA MÔN

Thuở xưa Sĩ Đạt một hôm

Ra đi dạo bốn cửa thành xem qua

Gặp cảnh người chết, bệnh, già ...

Sa Môn một vị thật là thong dong

Thái tử mới nhận ra rằng

Sa Môn Khất sĩ phải chăng con đường

Sống hữu lý, đáng theo gương

Con người nay sống, không đường tới lui

Sống để già, bệnh, chết thôi

Nhận ra mục đích sống là biết xin

Biết là học, sống là xin

Tiến từ trong cái ác lần sáng ra

Tượng thai máu mẹ tinh cha

Sinh ra dùng sữa huyết mà lớn lên

Nhỏ phá phách, hại cha anh

Đến trường học thì quấy rầy xung quanh.

Đến biết tự lo cho mình

Sau lo con vợ gia đình cá nhân

Lớn hơn lo xã hội chung

Già mới nghĩ đến chúng sanh vạn loài.

Từ ác đến thiện quý thay

Từ bất công sẽ đến ngày công minh

Từ mê muội đến thông minh

Chúng sanh đang sống tự mình xin vay

Ta đang xin nơi cỏ cây

Thú người tất cả, mọi loài xung quanh

Xin đừng thiếu lẽ công bình

Chẳng đợi đồng ý, giựt giành lấy ngang

Hoặc xúi kẻ khác làm càn

Cướp sự sống của thú cầm cỏ cây.

Cái sống của ta đang vay

Cái vay mượn tạm để mà học tu

Ai ai cũng đang học tu

Chọn đường Khất sĩ khả thi hơn nhiều.

Xin mà biết giữ giới điều

Xin trực tiếp, không xin nhiều, tránh tham

Xin vay nhưng lòng rất an

Tự lòng người thí, không ham chứa nhiều.

Học trò khó, xin nơi người

Khi được giúp hộ, hết lòng lo tu

Đi tới trên đường chơn như

Rốt ráo đền đáp nghĩa cho vạn loài.

Khất sĩ còn tạm xin vay

Sẽ ít tội lỗi có ngày đền ơn

Được vậy là tốt đẹp hơn

Biết sao khi đã mang ơn mọi người

Bởi thế con đường chọn rồi

Sa môn Khất sĩ cũng thôi ngại ngùng.

Ngài dạy thiện, người tập lần

Kẻ giữ một giới cử lần sát sanh

Không giết loài người đã đành

Giữ năm giới biết thương cùng thú to

Tám giới thú nhỏ cũng tha

Mười giới không đốn cây to thọ thần

Hai trăm năm chục giới răn

Không hại cỏ nhỏ giữ tâm trọn lành.

Đến lúc Ngài được toàn năng

Ngài về xứ, sáng vào thành hóa duyên

Vua Tịnh Phạn đón thưa rằng

Ngài quên tôi chủ quốc thành nầy sao?

Dòng họ Thích Ca tự hào

Xưa nay vua chúa có nào xin ăn

Ngài quên tôi có khả năng

Cung cấp toàn thể chư Tăng lâu dài.

Phật, Đại Sa môn trả lời

Bệ hạ bảo vệ giống nòi Thích Ca

Còn tôi bảo vệ Phật gia

Ba đời chư Phật đều là Sa môn.

Họ hàng Khất sĩ bảo tồn

Truyền thống khất thực Phật môn bao đời.

Khi nhập diệt Phật có lời

Dặn chư đệ tử nhớ lời giáo khuyên

Giữ gìn giới luật tinh chuyên

Phải lấy giới luật Sa môn làm thầy

Giới còn đạo Phật lâu dài

Giới mất đạo Phật đến ngày diệt vong

Giới luật Khất sĩ Sa môn

Yếu tố tồn tại con đường Như Lai.

Ngài dạy Tăng chúng sau nầy

Chớ sanh sống như những người thế gian

Chớ quên mục đích nhà Tăng

Tạm vay tu học, xin ăn trọn đời

Hãy xem gương của Đức Ngài

Bát y khất sĩ trọn đời giữ nguyên.

Chúng sanh nghiệp tội triền miên

Tham sân ngã mạn, nối duyên bao đời.

Đạo Phật thì chẳng đổi dời

Niết bàn, khất sĩ sống đời bình yên

Pháp ấy giải thoát các duyên

Con đường cái lớn của chung vạn loài

Nó cứu vớt biết bao người

Khỏi sự chết khổ, sống đời không ta.

Kìa hãy xem gương của ta

Giúp cho bao kẻ yếu già khổ nguy

Xã hội tình thương bỏ đi

Họ sẽ đến với ta khi họ cần

Sống vui tiến đến tinh thần

Những ai giác ngộ, sẽ lần nhận ra.

Ta là Khất sĩ không nhà

Đạo là chơn lý ta bà lớp trên

Họ xuất gia khi đủ duyên

Chớ không đợi lúc tai ương khổ nàn.

Nhưng các ngươi nên biết rằng

Đạo Khất sĩ lẽ công bằng cao siêu

Thế gian rất khó hành theo

Lớp già rất ít, lại thêm chết già

Trẻ nhỏ đông lại sinh ra

Đâu phải tất cả đều già như nhau

Đối với chúng sanh cỏ cây

Giáo pháp Khất sĩ bàn tay cứu đời

Đưa lên chỗ tột cao vời

Khất sĩ là đạo, ba đời Phật chung

Mà Khất sĩ là trung dung

Tạm mượn đường ấy đến cùng một nơi

Đạo chơn thật của mỗi người

Chớ đạo không phải của người đặt tên.

Đạo khất sĩ, chúng sanh chung

Họ của chư Phật danh đồng sa môn

Là xin học, khất sĩ môn

Ai cũng đang tiến trên đường vô sanh.

VIỆT NAM ĐẠO PHẬT KHÔNG CÓ PHÂN THỪA

Sau Phật tịch đạo lưu hành

Ba Li truyền giáo xuống gần miền Nam

Ấn Độ rồi đến Tích Lan

Cao Miên, Lào đến Việt Nam kế thừa

Giáo lý đúng truyền thống xưa

Nhưng quá bảo thủ nên không hợp thời.

Kìa Jésus dạy đạo trời

Dân ăn thịt sống nên Ngài tạm ăn

Tam tịnh nhục mượn tạm dùng

Để sống dạy đạo cho dân biết lành.

Thích Ca dạy cấm sát sanh

Nhưng đến cụm rừng gặp bọn thợ săn

Tạm dùng tịnh nhục nuôi thân

Vì đói chết, bỏ chúng sanh sao đành

Vì mọi người chưa biết dùng

Rau trái thảo mộc nên đành vậy thôi.

Việt Nam, Tàu biết ăn chay

Sao còn tập ác không hay chút nào

Cái thiện là không giết người

Tiến hơn không giết thú và cỏ cây

Tiến đến trong sạch từ bi

Công bình với tất cả vì chúng sanh

Mới không còn nạn chiến tranh

Vậy nên giáo lý phải nên nâng dần

Ăn chay cho được trọn lành

Ắt là đúng lý rất cần, rất hay.

Có người riêng xưng ta nay

Đại thừa giáo nên đổi thay pháp hành

Đại thừa là pháp cao thâm

Trình độ trí của chúng sanh mọi người

Để kẻ khác biết cho mình

Không treo bảng hiệu hay mình tự xưng

Kìa xưa Ca Diếp chơn tăng

Đức cao huệ lớn truyền đăng pháp mầu

Truyền đến Đạt Ma Tổ sư

Tổ thứ hai tám cũng như bao đời

Là bậc học hạnh đi đôi

Đi lên Bắc Ấn sang rồi Trung Hoa.

Đến xứ Tàu gặp nho gia

Đương quyền nhập thế ấy là vua quan

Vì quyền lợi của cá nhân

Không cho sải Ấn đi sang xứ Tàu

Lại cũng chẳng cho dân Tàu

Đi tu học đạo, về sau thuận thời

Bởi không ngăn nổi lòng người

Nên kinh sách Phật được hồi mở mang

Đến đời Võ Đế họ Lương

Trọng pháp học, nhưng cấm ngăn pháp hành

Giới luật không cho thực hành

Khất sĩ trong sạch lợi danh chẳng màng

Do muốn tu nên vào rừng

Thiền định, kêu gọi Thiền lâm xứ Tàu.

Chùa thờ bấy giờ lớn cao

Chứa kinh dịch sách nhuốm màu Nho gia

Thiền lâm sở dĩ có ra

Là do đạo Phật truyền qua xứ Tàu

Bị nạn tông giáo cản rào

Có học pháp mà không sao thực hành

Không giới luật, có thông minh

Nên đạo Phật mới biến hình theo duyên

Ít ai đắc định huệ chơn

Bởi không giới luật không Tăng truyền thừa.

Cư sĩ học nhân ở chùa

Tham sân chấp ngã vẫn chưa dứt trừ

Có đi du hành được đâu

Là chư thiên để duy trì pháp kinh

Sống theo nếp sống triều đình

Có đủ nhạc lễ, âm thinh trống kèn

Hình thức mão hia áo  quần

Sanh nhai qua buổi nghề lành thế thôi

Phúng tụng kinh kệ chiều mơi

Tập lần tu học như người cư gia

Chớ ít hay chịu xét ra

Pháp hành của Phật, tăng già khi xưa.

Học thì học Phật đại thừa

Tu thì hình thức theo Nho nhập trần

Tưởng mình đạo Phật canh tân

Mà quên chướng nghiệp chúng sanh bao đời

Tham sân si mạn cao ngôi

Lập ra tông giáo, xưng tôi là thầy

Tín đồ bổn đạo đông vầy

Chấp chùa riêng, mất danh từ đạo chơn

Chấp có nhỏ, quên lớn không

Lớp dưới mở rộng, lớp trên ít người

Kẻ không dạy mà xưng thầy

Người không học đạo gọi nầy trò tôi

Thâu góp cho đông để rồi

Tranh đua tông giáo, giành người công dân

Không còn là đạo cao thanh

Phật không là Phật chúng sanh tôn thờ

Chúng sanh không nơi nương nhờ

Chùa là chỗ để tôn thờ cái tôi

Chớ chùa không phải là nơi

Chư Tăng an trụ xứng ngôi đạo tràng

Và cũng vì bận rộn đang

Công việc chức phận, bạc tiền hữu vi

Thâu thập bà con đông vầy

Xưng đại thừa giáo xe đầy lớn to

Tham sân, bản ngã khó dò

Chỉ cần lo dạy, quên lo tu hành.

Cũng có kẻ lại hợm mình

Xưng là Phật, bởi cấp bằng chức danh

Cho rằng y bát không cần

Giáp pháp khất sĩ là danh tiểu thừa

Chẳng lẽ Phật cũng tiểu thừa

Phật là tự độ, kiêm phần độ tha

Chớ không phải như chúng ta

Chỉ lo độ chúng, nhưng mà quên tu

Chớ chi các vị nghĩ suy

Xét mình sửa lỗi, lo tu cho mình.

Thế giới chiến tranh hoành hành

Đừng lo quyên tởi, đua tranh cất chùa

Nên lo chỉnh đốn luật xưa

Trong mỗi lúc để theo vừa khả năng.

Ngay như trong xứ của mình

Xin đừng tưởng là đang còn nạn tai

Như khi xưa thuở Tổ Thầy

Hãy lo chỉnh đốn bát y thực hành

Giáo pháp khất sĩ du hành

Ăn chay trọn thiện chắc thành Phật tăng

Và mai kia khỏi ăn năn

Bởi hối tiếc, sự cấm ngăn lỗi thời.

Con đường đạo đã tỏ rồi

Y lẽ chánh đạo, hợp đời mới nên

Thì đời quý trọng kính tôn

Quy theo đạo đức, mới nên đời đời.

Xứ Việt ngày nay hiện thời

Cụng đầu hai pháp không trai, chứa tiền

Chớ chi ai nấy tùy duyên

Y theo giới luật không tiền, ăn trai

Như Phật xưa quý báu thay

Chắc đạo xứ Việt quý hay thạnh hành

Bởi trình độ dân thiện lành

Tăng không tà ác, ắt thành đạo thiêng

Tăng chúng hòa hiệp không riêng

Có hòa, có đạo mới yên dân tình

Chúng sanh sùng bái kính tin

Mới khỏi mê tín, không sinh cảnh tình

Nuôi kẻ trộm cướp, sát sinh

Vô tình tạo tội cho mình trả vay

Có hiểu như thế ai ai

Biết lo tu, khỏi phân hai làm gì.

 Mô Phật

QUY Y THỌ GIỚI

Vấn:  Thế nào gọi là quy y

Và thọ giới pháp có gì ích chăng?

Đáp:  Quy, về theo Phật Pháp Tăng

Ai mà giác ngộ, biết mình đang quy

Hay đã quy y kính vì

Phật pháp tăng bảo ngôi nầy cao trên.

Phật là ông thầy giáo hiền

Pháp bài học, dạy cho mình tu tâm

Tăng người gương mẫu siêng năng

Cõi đời gương mẫu, Phật tăng là thầy

Chúng sanh ai cũng học trò

Đang học để biết, để lo trau mình

Thời gian đi tới mong manh

Chúng sanh mỗi kiếp tử sanh lạc loài

Vào trường để học điều hay

Xa cha mẹ để không hay ỷ mình

Nhưng chúng sanh quên chính mình

Lãng quên bổn phận tu hành hôm nay

Quên luôn bài vở lớp bài

Hoặc cố chấp một ông thầy tư riêng

Giữ mãi cái ghế ngồi yên

Thương bè bạn, tiếc vách ngăn mỗi đời.

Ham vui vật chất không thôi

Lo ăn ở bệnh để rồi quên tu

Mặc cho năm tháng đến đi

Kiếp đời lăn lộn được gì? Là ai?

Dẫu có gặp được thầy hay

Bạn hiền, pháp sáng, không hay thấy đường

Thân dầu đang ở trong trường

Nhưng lại chẳng khác nào phường côi hoang

Hoang đàng trốn học mê tham

Xúm nhau trửng giởn, khóc vang rồi cười

Vọc bùn, giởn đất, cất chòi

Bày ra đủ việc mê người lăng xăng

Bận mãi suốt đời quên rằng

Mãi lo lăn lộn không thành việc chi.

Thế nên kẻ tỉnh ngộ thì

Gặp được Tam bảo quy y ngay liền

Mau trở gót khi gặp duyên

Y theo chánh đạo, gặp thuyền du tăng

Nương Phật bảo, pháp thường hằng

Kẻ ấy từ bỏ việc làm quấy sai

Lời nói ý niệm hòa hài

Y theo chánh pháp Như Lai giáo truyền

Lần trở nên học trò hiền

Mà thành Phật, đó sự thành quy y

Tam bảo tự tánh, tự quy

Thì đang hoặc đã quy y chính mình

Với người đã quá lạc lầm

Đã quen tật chướng nên cần quy y.

Sự chứng tỏ đã quy y

Là phải nghiêm giữ hành trì luật răn

Đó chính là pháp ngừa ngăn

Tập giữ từ một đến năm giới điều

Tám giới, mười giới luật nhiều

Hai trăm rưỡi giới mới siêu hồng trần

Trở lại tánh cũ thiên chân

Như trò hiền sáng dứt lần tâm mê.

Mỗi giới một bước quay về

Giảm một nết xấu si mê lạc lầm

Như nấc thang thiện cao dần

Nên gọi giữ giới chính phần quy y

Tự mỗi người giác ngộ đi

Biết giữ quy giới được thì cao thanh.

Bằng như có kẻ yếu tâm

Không rõ giới luật bước chân ban đầu

Cần nương người trước dắt lần

Như người cư sĩ giữ tròn giới răn

Ngũ giới tam quy trọn phần

Chỉ dùm kẻ một, ba phần giới thôi

Tám giới dắt chỉ cho người

Năm giới trau sửa thành người hiền nhân.

Mười giới chỉ tám giới răn

Hoặc mười giới học với (250) phần giới trên.

Kẻ trí tự mình nghiêm răn

Người còn mê muội phải cần quy y

Nhờ người trên trước dắt đi

Ấy là tạm dắt kẻ đi cùng đường

Sau trước cũng tùy nhân duyên

Đâu phải nô lệ vì tiền bán thân

Hoặc cùng nhau níu dính chùm

Ỷ lại để phải khổ cùng với nhau.

Bởi đó mà Phật thời xưa

Mỗi một pháp hội biết bao nhiêu người

Thấy ra mục đích cuộc đời

Tự phát tâm thiện, tin về quy y

Nghiêm giữ giới luật hành trì

Tìm tăng, học pháp nên vì đạo sư.

Phật là thầy, Thiên nhân sư

Chúng sanh tất cả quy y phụng hành

Ai ai cũng tự nhận mình

Tín, tự quy để là tăng học trò

Phật Thích Ca cũng tự cho

Mình là đệ tử con trò Phật xưa

Là thầy giáo tạm để đưa

Tiến trước một bước, chỉ chưa biết đường

Thầy trò là bạn chung đường

Người sau kẻ trước vẫn đương đồng hành

Ngày mai điểm cuối đăng trình

Chúng sanh bình đẳng người, mình như nhau.

Ngài như gạch nối trước sau

Giới thiệu đạo Phật, người sau tỏ tường

Chư Phật quá khứ nêu gương

Vị lai sanh chúng người đương học hành

Đạo Phật có từ chúng sanh

Biết ra đạo là tự tâm mỗi người.

Ngài không chấp mình xưng thầy

Cũng không kêu gọi người nầy trò tôi

Đối lẽ chung tất cả rồi

Đích đến có một ai người thầy ai

Người đời tôn trọng kính Ngài

Ngài vẫn giải thoát không hay chấp mình.

Tỳ kheo khất sĩ như danh

Bình đẳng xin học quá trình như nhau

Không có phân biệt trước sau

Sa di tập sự khác nào học sinh

Cư sĩ quên học lâu thành

Nay quay trở lại thấp mình trau tâm

Theo một khất sĩ dạy răn

Hai năm trở lại tạm danh thầy trò

Khi tập sự được xét cho

Đưa vào giáo hội học trò lớp trên

Khất sĩ bình đẳng đủ duyên

Không còn kêu gọi với tên thầy trò.

Ai nấy đều là Tăng già

Đang tu, đang học, đang là bạn Tăng.

Và sau đó khất sĩ tăng

Trước kia mới nhận thâu thêm một người.

Bởi pháp dạy đạo là thầy

Chịu trách nhiệm sự học và hạnh tu

Xác thân trò cũng do sư

Ăn mặc ở bệnh cũng như nhu cầu

Người ta cúng dường cho thầy

Thầy cho lại, nên ơn nầy vô biên

Trò không còn tự ý riêng

Vì sự phải quấy các duyên do thầy.

Chẳng giống thế gian làm thầy

Dạy ở lớp học, giờ thầy dạy xong

Về nhà nên hư tự lòng

Dạy ăn lương, nên số đông rất cần.

Vì lẽ ấy nên Phật tăng

Xem cư gia, thiện tín chung đại đồng

Không nhìn bổn đạo số đông

Đệ tử quyến thuộc vòng trong đạo tràng.

Chỉ những ai phát tâm lành

Xuất gia nhập đạo, trở thành người tu

Nhận nhiệm vụ hướng đạo sư

Bởi cùng chung ở, nên hư giữ gìn.

Các Ngài khi đã hiểu rằng

Mục đích tất cả chúng sanh hướng về

Tu học đắc quả thoát mê

Không lập bè phái, tính về số đông.

Khi xưa cư sĩ ít phần

Mà muốn nhập đạo thì tăng khuyên rằng

Hãy nên học nghiệm khắp cùng

Gia đình, tông giáo cho thông trước rồi

Sau mới quyết định nên vào

Vì khi nhập đạo là vào trong khuôn

Buộc phải giữ giới luật tròn

Chương trình quy tắc theo khuôn Phật dòng.

Người cư sĩ ở ngoài vòng

Phải nên lựa chọn nếu cần đổi thay

Vào lớp rồi khó trở day

Dòm qua ngó lại, không hay chút nào.

Nhất tâm tu đến một ngày

Đủ tư cách đúng bậc thầy, dòm xa

Bởi thế xã hội, cư gia

Gia đình, tông giáo đều là trò chung.

Các Ngài không có thâu giành

Tín đồ riêng biệt không tranh số nhiều

Không bênh vực, không nghe theo

Hay nhìn nhận thiện tín nào của ta.

Vì cư gia không phải là

Thiện tín riêng của các nhà sư đâu

Tám giới, năm giới bên nào

Cũng như nhau, cũng giống nhau khác gì.

Nhơn thiên học tập hành trì

Theo với lẽ phải, không vì Phật đâu

Mà phân biệt chấp danh từ

Cho thêm chia rẽ đạo hư còn gì

Khi du phương thì các Ngài

Ở đâu cũng được không hay chấp phiền

Cả chúng sanh ai có duyên

Có thể thân cận tùy duyên học hành.

Đạo Phật của cả chúng sanh

Ai thọ quy giới đều hành như nhau

Ngài không choán phần lớp nào

Đạo Ngài là một lớp cao chương trình

Trong trường học của chúng sanh

Giải thoát giác ngộ, có phần như nhau

Danh từ Hòa thượng trên cao

Của Sa di chỉ tạm vào hai năm

Yết ma dạy lễ khi cần

Giáo thọ truyền giới cho tân học trò

Truyền giới xong là hết rồi

Không phải giai cấp chức to quyền hành

Để người kêu gọi chức danh

Cấp bằng thi đậu mà thành danh xưng

Nếu như lầm tưởng thì đừng

Hiểu như thế mới biết tăng là bình

Bình đẳng chánh lý không tranh

Quy y phái điệp là không có rồi.

Mô Phật

GIÁO LÝ KHẤT SĨ

Khất sĩ xin ăn học thôi

Học trò bần khó xin rồi học tu

Tìm học pháp giải khổ đau

Để mà tu tập hành theo đến cùng

Khất sĩ là chúng sanh chung

Không riêng chủng tộc gia đình với ai

Chúng sanh là tiến lên hoài

Không ở một mực càng ngày tiến hơn

Xin học với lẽ phải nên

Xin theo lẽ phải ích nên trong đời

Không hề bỏ sót một nơi

Kết duyên tất cả trọn đời xin ăn

Không  ta, không của ta chân

Chẳng tự cao, cùng tự xưng dạy người

Không tranh lời nói, chỗ ngồi

Chức cao, chia rẽ ta người không hay

Khất sĩ lắng nghe lời hay

Không tranh luận với ai ai mọi người

Xưng trò với tất cả thôi

Khi có người hỏi, tùy nơi sở hành

Chia sẻ chút ít chân thành

Giữ giới thanh tịnh, thường hành pháp chân

Thiền định tập ít nói năng

Gìn thiện cảm với xa gần ai ai

Không tự gọi là dạy ai

Cũng không trị lập, ta người như nhau

Bình đẳng không thấp, không cao

Thế tôn chớ chẳng dám nào tự tôn

Khất sĩ gương mẫu cho đời

Không tranh hòa hiệp ta người sống chung

Để gương bằng sự thật hành

Y chơn lý, sống biết linh bao đời

Con đường khất sĩ dụng nơi

Bố thí pháp học và nơi sự hành

Trao đổi tài pháp lợi sanh

Mình đi, dắt kẻ đồng hành cùng tu.

Nay pháp khất sĩ mờ lu

Xa Phật, thiếu học kém tu rõ ràng

Phép kính Phật có thực hành

Nhưng không nhận được mình đang là gì?

Đời hay đạo, hay chi chi

Đang tập tu học đang đi trên đường

Rửa lòng trong sạch làm gương

Pháp tu nên giữ thường thường mực trung

Ta người hiệp một trung dung

Ai ai tất cả thầy chung của mình

Luôn nhớ để tự răn lòng

Khất sĩ thấp kém học cùng khắp nơi

Đâu đâu cũng đến xin lời

Với bậc trên trước không hay tị hiềm

Đúng với chơn lý không riêng

Chúng sanh là khất sĩ hiền trau tâm

Là pháp nhẫn nhục đang hành

Pháp thí trí huệ chúng sanh ta người

Sự học tinh tấn không thôi

Tiến hóa giải thoát lần hồi bước lên

Từ thấp bước lần lên trên

Trước sau thứ lớp theo gương Phật ngài

Từ sơ học đến toàn tài

Toàn tu viên mãn sống hay hoàn toàn.

Mô Phật.

NGUỒN KHẤT SĨ NAM VIỆT

Khất sĩ nhựt nguyệt tinh quang

Là ánh sáng giữa đêm đen mịt mù

Dắt người khỏi chốn âm u

Đưa người ra khỏi ngục tù khổ nguy

Minh Đăng Quang khất sĩ sư

Xuất gia bốn bốn(1944), đi từ Vĩnh Long

Tìm học Phật hai giáo tông

Đại tiểu hòa hợp dung thông một nguồn

Một chín bốn sáu (1946) Nam Vang

Chiến tranh khói lửa tràn lan các miền

Chiến tranh đốt phá núi rừng

Sĩ hiền không chỗ dung thân qua ngày

Minh Đăng Quang, khất sĩ Ngài

Rời Cao Miên trở về ngay nước nhà

Thực hành giới luật Tăng đồ

Mỹ Tho tỉnh lỵ, giáo đồ lập môn

Đến một chín bốn tám (1948) niên

Giáo pháp Khất sĩ kết duyên sài thành

Ánh sáng y vàng phất nhanh

Thổi mạnh tung cửa thị thành giáo tông

Kêu gọi tăng chúng hòa chung

Quay về kỹ luật khắp cùng đông tây

Một chín năm mươi (1950) đổi thay

Huỳnh y trở gió bay về phương nam

Nổi lên lố nhố tháp vàng

Nhất là ở Cửu Long Giang tỉnh thành

Bửu tháp vượt lên cao thanh

Vào năm Quý Tỵ, một ngàn năm ba (1953)

Rằm tháng bảy, năm năm ba (1953)

Du tăng khất sĩ tách xa dặm ngàn

Ngược dòng từ Cửu Long Giang

Thuyền trí huệ, lướt sóng vàng trùng khơi

Miền trên kết duyên độ đời

Thuyền tế độ, đang vớt người trầm luân

Bọc gió rẽ nước ngược dòng

Trung gian đứng giữa hai dòng trào lưu

Mục đích tìm học để tu

Đang tu tìm học đạo từ mở khai

Vì đạo quả, vì tương lai

Hơn là hiện tại trả vay luân trầm.

Cái sống khất sĩ thậm thâm

Đang xin vay của chúng sanh vạn loài

Từ vô thỉ đến hôm nay

Hẹn ngày viên mãn sau nầy trả xong

Thành quả chánh đẳng giác chơn

Mới đem chánh pháp đền ơn cho người

Khất sĩ là học sinh nghèo

Xin ăn tìm học mục tiêu tu hành

Người giúp khất sĩ mặc ăn

Khất sĩ đền trả pháp hành cao thâm

Không đền ơn bằng lợi danh

Của tiền ăn mặc hoặc bằng tình thương

Bởi xét kỹ tận gốc nguồn

Trước sanh, sau chết trong tay vô thường

Hay ngày hiện tại vẫn đương

Không ai có, bởi vô thường đến đi

Khất sĩ sống bằng xin vay

Tạm xin để sống qua ngày học tu

Không dám cất để cái dư

Phí giờ tu học, cũng như nghĩa tình

Đi đó đây để hỏi xin

Tạm sống nuôi cái biết linh vững vàng

Tuy nói là xin thế gian

Chớ trong phận sự cũng đang trả dần

Thí pháp cho kẻ tối tăm

Ấy là tài pháp xoay vần trả vay

Tạo nên lối sống hòa hài

Một con đường sáng cho người đàng sau

Giáo lý khất sĩ thanh cao

Dứt ác, hành thiện tùy vào cảnh duyên

Vì tâm mà làm sự hiền

Không chờ kết quả chấp phiền đắn đo

Ba là cốt yếu giữ cho

Tấm lòng trong sạch đừng cho lấm trần

Khất sĩ danh từ lý chân

Của tất cả, của nhân sanh vạn loài.

Xin để sống tạm hôm nay

Cho được linh biết không hay vị mình (tư kỷ).

Khất sĩ đang mang tướng hình

Của đạo Phật, nhưng phải kinh nghiệm rằng

Phật là giác chơn toàn năng

Là cái biết thật như rằng tự nhiên

Nghĩa lý tiếng Phật không riêng

Mục đích là biết tự nhiên không lầm

Chớ không mù quáng tối tăm

Trói mình trong tiếng Phật, Tăng đạo gì

Tiếng đạo hay tông giáo chi

Chia rẽ phân biệt lấy gì giác chơn

Khất sĩ học mọi duyên nhân

Với tất cả, võ trụ chơn, pháp gì

Tách mình ra khỏi sự chi

Mang tính trói buộc cái gì, với ai.

Tu tập tìm học trong ngoài

Lẽ phải, ích lợi, sự hay hành trì

Quyến thuộc của khất sĩ thì

Những ai đã thật hành y pháp lành

Ngoài ra tất cả chúng sanh

Bạn lữ chung bước, sống chung trong đời

Khất sĩ là của mọi người

Gồm chung vạn vật, ta người chúng sanh.

Khất sĩ nhật nguyệt tinh quang

Ánh sáng chỉ rõ con đường giác chân

Hạnh phúc quý báu sống chung

Yên vui tiến hóa giữa trong ban ngày

Là con mắt thấy đường ngay

Tỏ rõ phân biệt không hay đổi dời

Con đường trung đạo sáng ngời

Chánh đẳng giác, đi đến nơi niết bàn

Là con đường giữa nhân hoàn

Con đường tạm, khất sĩ đoàn du tăng.

Mô Phật.

TÔI PHẢI LÀM SAO

Nghĩ xét lại tận nguồn cơn

Thuở chưa xuất thế còn đang trong trần

Dẫy đầy tội ác tham sân

Quả báo khổ, thiên hạ đang giận hờn

Thần quỷ cũng chẳng dám gần

Ai cũng than trách, bởi vì chưa tu

Vì thế nên tôi đi tu

Tu cho đỡ khổ để trừ tham sân

Lúc mới tập tu diệt lần

Tập làm thiện, tập diệt lần muốn ham

Thế gian ai cũng phàn nàn

Tu sao chưa bỏ sân tham ích gì

Khi tập xuất gia ở chùa

Cũng chưa hết nghiệp nên chưa tịnh lòng

Mới tìm nơi chốn thong dong

Tham thiền tịnh mặc ngoài vòng thế nhân

Thì người nói tu vô tâm

Chúng sanh khổ nạn sao đành ngồi yên.

Vã lại cũng biết túc duyên

Ở một chỗ còn chấp phiền cái ta

Còn giữ cái có cho ta

Tham tiếc sân giận, sẽ xa đạo lành.

Thế là khất thực du hành

Đến thì tạm ngụ, đi làm viễn du

Không không thấp thỏi như tù

Xấu xa hạ mạt cũng như ăn mày

Không vật chất, chẳng tiền tài

Có chi tiếc rẽ không hay giận hờn

Đi mãi, học hoài, hiểu hơn

Bài học kinh nghiệm thế nhân vô thường.

Vậy mà người cũng trách hờn

Đi xin, biếng nhác thật không nhân từ.

Bởi vậy nên mới buộc lòng

Giảng đạo thuyết pháp, cộng đồng khuyến tu

Chỉ đường sáng, vẹt mây mù

Dạy bảo điều thiện khuyên tu điều lành

Dấn thân lập đạo độ sanh

Thì người lại nói tu hành cái chi

Tu sao không ngủ nghỉ đi

Lại còn nói, lại còn đi dạy đời.

Hỏi vậy tôi phải làm sao

Nhờ người chỉ bảo kế nào cho hay

Đến nước nghe theo người nầy

Lại có kẻ khác la rầy huyên thiên

Theo kẻ kia, người nọ phiền

Thật đời muôn mặt, ức lòng rối ren.

Như thế xét kỹ lại rằng

Dung hòa mực giữa phẳng bằng mà đi

Kinh xưa chư Phật chép ghi

Có động, có tịnh tùy nghi đạo đời

Phép tu định huệ không rời

Động tịnh là một, tùy thời ứng cơ

Mới là trung đạo hiện giờ

Một lẽ một, giữa sạch nhơ đạo đời

Xét nghĩ giác ngộ khúc nôi

Thấy ra được giác ngộ đời sống an

Ngày thành nên ánh đạo vàng

Là ngày thế giới sang trang hòa bình

Từ ý ấy hiểu sự tình

Sửa đời lập đạo tự mình nghiệm ra

Đạo là đạo của chính ta

Sửa đời lập đạo việc ta nên làm

Chớ không lệ thuộc cái tên

Hay gọi đạo ấy là đường bền lâu

Người xưa hay nói một câu

Mặt đất hết cỏ mới hầu được yên

Mới không còn giặc gây phiền

Cỏ mọc sau trước khó yên thuận chiều

Bao giờ chúng sanh biết điều

Có học biết đạo điều nhu tâm mình

Không sanh nghiệp chướng tự thân

Có đạo đức biết sống chung tu hiền

Mới mong hết giặc được yên

Nếu chẳng thế, mình khó yên với mình

Lời nói, ý tưởng, việc làm

Trước sau bất nhất ta làm khổ ta

Láo dối, cãi cọ rầy rà

Là giặc nghịch, của chính ta khác gì

Chúng ta cố gắng hành y

Đời có đạo đức, là khi hòa bình

Hòa là đạo đức trọn lành

Trong sạch trọn vẹn không sanh ác tà

Phải diệt bỏ sở chấp ta

Tham sân ác trược gian tà tự thân

Vừa tu vừa độ chúng sanh

Trước cứu, sau độ pháp hành đi đôi.

Tạo con đường chính được rồi

Con đường trung đạo chính là mực trung

Xưa Phật dạy pháp tu thân

Mực trung chính giữa tu thân sửa mình

Có ta có người đi đôi

Có hành, có trụ song đôi mới thành

Biết thế rồi không chấp danh

Cũng chẳng để ý chung quanh làm gì.

Sự tu cần phải thực thi

Dứt các điều ác bỏ đi tận cùng

Hai là làm các điều lành

Dầu cho nhỏ nhít cũng đừng bỏ qua

Rửa lòng trong sạch nhu hòa

Ba điều cần yếu, đủ ba hoàn toàn

Nhớ ba pháp cái mà làm

Tức theo chánh đạo, lời vàng Phật xưa.

Kìa như Phật Thích Ca xưa

Dạy đừng làm quấy, phải chừa tận căn

Việc phải cần nên thực hành

Làm cho trong sạch ý căn của mình

Ba cái lý đó nhớ rành

Tóm rút đạo lý pháp hành ngàn xưa.

Đức Phật Ca Diếp dặn dò

Chớ làm điều ác, phải lo làm lành

Sở ý trong sạch tịnh thanh

Chư Phật đều dạy cách hành luôn luôn.

Cũng như trong pháp sống chung

Tam tụ Phật dạy tập trung mấy điều

Dứt các điều ác mục tiêu

Điều lành thực hiện là điều cần chuyên

Từ bi tế độ nhân thiên

Có bi, có trí tâm liền sạch trong

Thế nên ai cũng khởi lòng

Từ bi tế độ chúng sanh mọi miền.

Lẽ sống sẽ được bình yên

Ai cũng từ ác tiến lên thiện lành

Tâm từ tế độ chúng sanh

Là tâm trong sạch viên thành pháp tu

Phật dạy chúng sanh pháp tu

Cũng bấy nhiêu, cũng chỉ từ tu tâm

Những lời quở trách xa gần

Cũng là đạo lý dạy rành cho ta

Hãy giác ngộ, hãy nhận ra

Có làm, có nghỉ mới là người khôn

Có nói, có nín song phương

Không cố chấp, mới rộng đường tiến thân

Mới thật gọi là tiến lên

Mà chớ nên vội chấp phiền ai ai

Lời nói dầu đúng hay sai

Đều ta bài học rất hay trau mình./.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: