Khổ và Vui
- NT. Tuyết Liên
- | Thứ Ba, 07:41 15-11-2022
- | Lượt xem: 3580
KHỔ VÀ VUI
Tác giả: Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang
NT. TUYẾT LIÊN chuyển thơ
---o0o---
Xưa có bốn vị Tỳ khưu
Ngồi lại bàn luận với nhau vấn đề
Các sự khổ ở bên ngoài
Cuộc sống thế tục não nề khổ đau
Thầy nói dâm dục khổ cao
Thầy cho đói khát khổ nào sánh qua
Thầy cho hờn giận khổ a
Thầy nói sợ hãi chính là khổ hơn
Bốn thầy bàn cãi thiệt hơn
Ai cũng nói ý mình trên mọi người.
Phật đi ngang thấy vậy rồi
Bèn kêu hỏi các thầy bàn việc chi?
Bốn thầy bày tỏ vân vi
Bốn điều khổ nhất cảnh nầy thế gian
Phật nghe bèn dạy rõ ràng
Điều các ngươi nói luận bàn không sai
Song chỉ cạn cợt bên ngoài
Chớ chưa hiểu rõ cội nguồn khổ đau.
Trong thế gian không khổ nào
Hơn khổ thân xác bởi bao vấn đề
Vì có thân mới chiêu vời
Đói khát, nóng lạnh tức thời có ngay
Hờn giận, sắc dục họa tai
Bao nhiêu khổ từ thân nầy sinh ra
Nếu không thân khỏi rầy rà
Nếu không thân, khổ khó mà gá nương.
Thân là gốc khổ đoạn trường
Trăm sự khổ, ngàn sự phiền do thân
Muốn tránh khổ báo thế nhân
Thì phải tu tập nguyên nhân đoạn trừ
Không sợ hãi các vấn đề
Không nhiễm sự tục, không mê cảnh trần
Nương theo chánh đạo tu thân
Giữ tâm thanh tịnh cảnh trần lánh xa.
Nay ta thuật chuyện đã qua
Chuyện quá khứ, đã rất xa lâu rồi
Có vị Tỳ khưu tìm nơi
Cảnh núi thanh vắng thảnh thơi tu hành
Bốn con vật đến sống quanh
Hươu, rắn, với quạ ở cùng bồ câu
Một đêm bốn thú hỏi nhau
Trong thế gian sự khổ nào cao hơn?
Chim câu khi ấy tỏ phân
Sự dâm dục hành hạ thân vô vàn
Khi lòng dâm dục nồng nàn
Thì nó khiến trí mơ màng nghĩ sai
Không phân phải trái đúng sai
Chỉ vì sắc dục, có ngày mất thân.
Con quạ thì lại nói rằng
Sự đói khát làm khổ thân nhất rồi
Lúc đói khát thân ốm gầy
Thần thức mê mệt thân nầy khó an
Vì đói phải đi kiếm ăn
Sa mình vào bẩy rập, tan nát hình.
Con rắn nói theo ý mình
Hờn giận rất khổ bởi lòng sân si
Khi lòng sân dấy khởi thì
Bất luận phải quấy, nghĩ gì thân sơ
Phải làm hại mới đã nư
Hậu quả phải lãnh, tội từ đây sanh
Con hươu theo ý phân rành
Thì sự sợ hãi là kinh nhất rồi
Vì nó thường bị các loài
Hùm sói rượt đuổi, cùng người thợ săn
Chỉ cần nghe đến tiếng tăm
Lo chạy trốn, dẫu sụp hầm gẩy chân.
Lắng nghe bốn thú luận bàn
Thì ông cất tiếng thở than như vầy:
Trong thiên hạ chỉ thân nầy
Các thứ khổ cũng từ đây hình thành.
Khổ đói khát, khổ giận hờn
Khổ sợ hãi, khổ tà dâm hiện bày.
Và khi xưa có một ngày
Ở Xá Vệ, có bốn thầy tỳ khưu
Mới nhập đạo đi dạo chơi
Thấy phong cảnh đẹp, hoa tươi đơm cành
Cảnh đã đẹp hương ngạt ngào
Nên cùng bàn luận điều nào sướng hơn ?
Tỳ khưu thứ nhất nói rằng
Mưa hòa gió thuận, phong quang cảnh trời
Trăm hoa đua nở tốt tươi
Cảnh thiên nhiên ấy là vui nhất rồi.
Tỳ khưu thứ nhì nói rằng
Gặp ngày lành tốt gia đình đoàn viên
Khúc đàn tiếng hát nỉ non
Chén say dưới nguyệt, sướng còn nào hơn
Thầy thứ ba tỏ nguồn cơn
Lầu cao, nhà đẹp, đầy rương bạc vàng
Bộ dạng của người giàu sang
Tới đâu ai cũng hoan nghênh sẵn lòng
Thầy thứ tư phân thiệt hơn
Vợ hầu xinh đẹp má hường môi son
Mày ngài mắt phượng tóc đen
Da trắng như tuyết lại còn xông hương
Quần là áo lượt phô trương
Khi trêu ghẹo bướm lúc thường cợt trăng
Cảnh như thế sướng nào bằng
Ôn nhu thỏa thích tình trong ý ngoài.
Phật nghe biết rõ các thầy
Còn ham sự tục việc đời chưa quên
Ngài liền đi đến chỉ thêm
Sự vui mà các ông bàn luận qua
Đó là cái nghiệp xấu xa
Nó làm tâm trí rầy rà không yên
Chưa phải là đạo vững bền
Nay ta giảng rõ biết đường tu chân.
Cảnh vật tươi tốt trong trần
Khi sanh khi diệt khó đương lâu dài
Thân thuộc đoàn viên một ngày
Dẫu nay vui hiệp mai ngày ly tan.
Còn như bọt nước giàu sang
Nay tụ mai tán họp tan vô thường.
Sắc đẹp chính là lưỡi gươm
Khiến người quân tử đảo điên tinh thần.
Sự vui chốc lát mong manh
Mà sự khổ lụy chất thành núi cao
Thế nhân mà đã vướng vào
Tham lam dục lạc biết bao ưu phiền.
Các sự vui vừa kể trên
Người tham đắm, sẽ là nhân chác sầu
Bốn vị nghe rõ đuôi đầu
Đều xin sám hối tâm cầu đạo thanh
Dốc lòng học đạo tu hành
Trí huệ tỏ sáng tịnh thanh pháp trần
Sau đều chứng quả vô sanh
Tâm không sanh vọng đắc thành quả chơn
Giải thoát giác ngộ vô thường
Sống với cái sống chơn thường bền vui.
Chúng sanh chấp lầm khổ vui
Là bởi chưa hiểu ngọt bùi trên dao
Chấp thân nên mới khổ đau
Hay đâu thân tạm có đâu bền dài
Thân là áo tạm bên ngoài
Do tâm chủ, mượn tạm thời học tu
Chúng sanh lầm tưởng thiên thu
Tính kế trường cửu cho dù đổi thay
Chấp thân nên mới miệt mài
Vui rồi phải khổ dưới tay vô thường
Khổ vui xen lộn gá nương
Chỉ bấy nhiêu việc không ngày rảnh rang
Vô minh tăm tối lạc đàng
Si mê dẫn lối tưởng tình đảo điên
Vậy muốn dứt trừ các duyên
Khổ não vô ngã của đường hữu vi
Thì ta phải dứt mê si
Xem thân không có vô vi đạo mầu
Mới đắc hữu thường lý sâu
An lạc hữu ngã một mầu vui yên
Được chơn như sống tự nhiên
Của bậc La hán nhập miền vô sanh.
Như thế trước phải trau tâm
Lấy vô thường để hiểu thêm vô thường
Lấy khổ trừ khổ nhiễu dương
Lấy vô ngã để biết thường không ta
Phát sanh thường lạc an hòa
Có được hữu ngã cái ta chơn thường.
Lấy chấp trừ chấp pháp nương
Để đến vô chấp là đường đạo trung
Vô chấp là người đại hùng
Bậc A La Hán hữu cùng vô vi
Là cái sống thật chơn như
Chơn thường tịnh lạc. Cũng như có người
Từ trong tứ đại sinh thời
Vượt khỏi tứ đại là người hiểu xa
Sống đúng ý nghĩa chính là
Cái sống ích lợi để mà học tu
Biết là học, khổ là tu
Sống là sống mãi thiên thu chơn thường.
Vấn: Sao gọi là lấy vô thường
Trừ vô thường khổ là phương tu hành
Đáp: Quen lấy thay đổi thực hành
Khi gặp thay đổi cũng thành tự nhiên
Không kinh ngạc, chẳng ưu phiền
Đâu có chi lạ sự thường mà thôi.
Như một người muốn chết rồi
Khi gặp cái chết sẽ coi là thường.
Giống như kẻ kia biết rằng
Đời này kiếp khác thân thường đổi thay
Xác thân thay đổi nay mai
Cha mẹ con cháu thường hay đổi dời
Ruộng đất cũng thế mà thôi
Phải đâu bất biến hiểu rồi mới an
Biết đời là cõi bất toàn
Người thấy chơn lý chẳng màng chi chi
Sống để học đạo từ bi
Sống chung bình đẳng thực thi pháp lành.
Thay đổi trước sự đổi nhanh
Chính sự thay đổi pháp hành người tu
Vừa sống đúng lẽ chơn như
Bình đẳng giác ngộ vô tư không phiền
Trước sự thay đổi biến thiên
Mỗi tháng thay đổi nhân duyên một lần
Đổi cha để được có phần
Tiếng cha không mất trước lần đổi thay
Bởi nếu chấp ông cha này
Tiếng cha sẽ mất trong tay vô thường
Mà còn gây hại nhiễu nhương
Ta người tranh đấu tình thương một người.
Như mỗi tháng đổi một người
Bạn để tu học chắc thời tiến nhanh.
Đổi con để tập thực hành
Biết cách học, dạy sẽ thành toàn năng
Trong một kiếp sẽ tiến nhanh
Bởi đã trải nghiệm thực hành nhiều môn.
Đổi nhà cửa, đổi xóm thôn
Trọn đời chỉ cất tạo thêm một lần
Mỗi ngày đổi bộ áo chăn
Trọn đời may chỉ một lần mà thôi
Cái hư rách sẽ theo người
Chết mất đi, cái mới thời có ra
Với người vừa mới sanh ra
Thực hành như thế thật là hợp thay.
Ta thay đổi trước đổi thay
Sẽ không khổ sở vì tai nạn này
Cái thường ở nơi vô thường
Người giác ngộ, mỗi khắc thường nhận ra
Thấy mỗi hơi thở vô ra
Như sanh kiếp mới, bỏ qua một đời
Nhờ thế trong tâm cái ngài
Thanh tịnh dứt nghiệp không hay chấp thường
Ấy là phép lấy vô thường
Trừ vô thường, được chơn thường tịnh an.
Cái nhà hiền triết hiểu rằng
Vô thường là đạo yếu đăng chơn thường.
Vấn: Sao gọi lấy vô ngã trừ
Vô ngã sẽ được chơn như niết bàn
Đáp: Tâm không nương chấp gá nương
Nghĩa là biết không có mình của ta.
Biết người, tài sản người ta
Thì người biết lại cho ta khác gì
Do đó tránh được tham si
Bởi lòng vị kỷ. Giống như một người
Tham lam vơ vét của người
Dùng uy dọa nạt mọi người ra oai
Gây thù chuốc oán trong ngoài
Để rồi lại bị mọi người hại thân.
Nếu biết xả kỷ lợi nhân
Biết quên mình, biết thi ân giúp đời
Kết nối tình thương vạn loài
Có như thế, thiên hạ rồi sẽ tin
Nuôi cơm áo giúp cho mình
Tránh sự bận rộn lợi mình biết bao
Tâm của mình được dồi trau
Lời nói, ý tưởng việc nào cũng thông
Không làm sái quấy không công
Thì thiên hạ sẽ tin dùng giúp nương.
Như thế mình sẽ giàu sang
Như cả thiên hạ là đang của mình
Người người gìn giữ cho mình
Thương yêu quý trọng chân tình với ta
Như vậy mới gọi có ta
Hữu ngã trường cửu ta bà vân du
Tránh được thất bại nghịch thù
Cái chết, tai nạn, bất ngờ bủa vây
Trừ cái vô ngã riêng tư
Đổi được chơn ngã, lợi nầy lớn lao.
Khác hơn là hạng tự cao
Buông lung phá của ngày sau khổ nàn.
Một hạng thì biết khiêm nhường
Tích trử của để trở thành giàu sang
Ngày mai phá phách tiêu hoang
Để khi hết của cũng cam khổ nàn.
Người tu trí huệ là đang
Vô ngã trừ (vô) ngã con đàng chơn như
Đặt mình trong cảnh hư vô
Thấy thân tâm trí, cơ hồ như không
Thế nên các vị ấy hằng
Nhập định yên lặng, hồng trần không tham
Sống bằng chơn như tịnh an
Lìa xa phiền não, nói làm như không
Thấy đặng cái ta dung thông
Không sở chấp, bản tánh đồng Như Lai.
Vấn: Sao gọi lấy khổ để trừ
Cái khổ não, là nghĩa như thế nào
Đáp: Ví như chai nước đã đầy
Sẽ không thêm được nước vào trong chai.
Kẻ đã phơi nắng tối ngày
Mà nay phơi một vài giờ đáng chi.
Như người đang khổ xét suy
Xét cho cùng tận khổ nầy từ đâu.
Hết khổ sẽ được nghĩ ngơi
Khổ là mùi vị sướng vui trên đời
Cho ta kinh nghiệm cuộc đời
Giác ngộ sẽ được nhẹ vơi nghiệp trần
Như trả nợ cũ lần lần
Như cho vay mới không cần tính lo
Vui chịu khổ, không đắn đo
Đã quen chịu khổ tức là như không
Được như thế sẽ tịnh lòng
Sống trong khổ não mà tâm an hòa.
Giống như người tu xuất gia
Không mặc đồ tốt, cùng là ăn ngon
Không ở nơi chỗ cao sang
Là sợ cho tánh tập quen lâu ngày
Mai kia khó mà hòa hài
Trong cảnh khó khổ tâm nầy không an
Ăn quen nên nhịn không quen
Kham chịu không nỗi ắt sanh não phiền.
Các Ngài vui trong cảnh buồn
Xa chỗ đông, để tâm thường an yên
Tập ở chỗ vắng cho quen
Mai sau khi chết tâm hồn thảnh thơi
Bởi đã quen cảnh vắng rồi
Không sợ ý nghiệp kéo lôi luân hồi
Tập buồn, tập khổ quen rồi
Sẽ thấy vui sướng như hồi còn sanh (sống)
Vĩnh viễn miên trường tịnh thanh
Kêu là cực lạc chẳng sanh ưu phiền
Tu không hưởng phước thế gian
Phước hưởng sẽ hết khó toan lâu dài
Bởi nghĩ thế nên các Ngài
Nhường lại, bố thí đức nầy thêm cao
Khi ngồi cũng chẳng ngồi cao
Thấy xa dè dặt nên mau đắc thành
Niết bàn cảnh giới cao thanh
Của trí tịnh định cảnh lành thảnh thơi
Cái vui hào nhoáng bên ngoài
Ngầm chứa cái khổ, cái không bền dài
Càng cố chấp, càng họa tai
Xưa nay các món phô bày đẹp xinh
Khó giữ được riêng cho mình
Bởi bao kẻ khác tranh giành với ta
Ấy vậy tại sao chúng ta
Không chọn cái đẹp, búp hoa lâu dài
Ẩn trong cái vỏ sần sùi
Cái đẹp kín đáo ít người nhận ra
Đẹp ấy là của riêng ta
Không ai giành choán rầy rà khổ vui.
Lấy khổ trừ khổ được vui
Đó là ý pháp diệu vời cao xa
Thế thì vui khổ có ra
Tại nơi ý muốn của ta chiêu vào
Chớ cái vui khổ bên ngoài
Là không có thật tự nơi tâm mình.
Khi thương ta dám liều mình
Dẫu mất thân mạng của mình vẫn vui
Ghét ai một chút khổ thôi
Cũng chịu không nỗi buông lời than van
Thế thì vui khổ muốn ham
Tại nơi cái ý không can cảnh ngoài
Sao chúng ta cứ mãi hoài
Tìm vui để khổ ngàn đời không xong
Khổ do sở chấp bất công
Muốn cho ý định công bằng sướng vui
Trước dứt bỏ cái ham vui
Giữ tâm tịnh định sau rồi thành công
Trí yên, tâm định sạch trong
Ngàn đời muôn kiếp khổ sanh bệnh già
Không còn làm khổ được ta
Muốn thương ghét giận mới là lắng yên.
Tóm lại vui khổ các duyên
Vốn không chơn lý đủ duyên tác thành
Do thái quá bất cập sanh
Sái với lẽ thật trung bình tự nhiên
Đi mau thái quá mệt thân
Đứng lại dừng nghĩ thì thân khỏe nhàn
Vậy ta muốn được bình an
Hãy nên giác ngộ cái đang hiện hành
Thái quá thì vui khổ sanh
Chi bằng giữ mức khởi hành tự nhiên
Chậm rãi hoài mới thật yên
Vui trong cái khổ triền miên nối dài
Thế mà lắm kẻ mê say
Tìm vui với cái bên ngoài viễn vông
Người ta sợ cái khổ hơn
Là cái chết khi mất thân đời nầy
Chết thân rồi sẽ có ngày
Tái sanh trở lại làm người bình yên
Chớ nếu cái khổ triền miên
Thì mãi mãi cứ theo duyên luân hồi
Thế thì vui khổ có nơi
Từ cái chấp của những người vô minh
Hết vô minh trí huệ sinh
Dứt cái sở chấp khổ tình có đâu
Những ai tìm học đạo mầu
Giác ngộ công lý có đâu luân hồi
Thái quá, bất cập dứt rồi
Gọi là Phật, bậc sống đời rảnh rang./.
Các bài viết liên quan
- Đạo Phật Khất sĩ - Thứ Sáu, 06:09 18-11-2022 - xem: 2524 lần
- Khổ và Vui - Thứ Ba, 07:41 15-11-2022 - xem: 3580 lần
- Hòa Bình - Thứ Ba, 02:43 18-10-2022 - xem: 2258 lần
- Chơn Như - Chủ Nhật, 15:53 09-10-2022 - xem: 2779 lần
- Sám Hối - Thứ Tư, 16:56 21-09-2022 - xem: 1880 lần
- Số Tức Quan - Thứ Sáu, 21:38 16-09-2022 - xem: 2391 lần
- Pháp Chánh Giác - Thứ Sáu, 08:05 26-08-2022 - xem: 2197 lần
- Chơn lý Thờ Phượng - Thứ Tư, 21:50 10-08-2022 - xem: 1587 lần
- Pháp Hoa - Chủ Nhật, 20:08 07-08-2022 - xem: 1291 lần
- Chơn lý Địa Tạng - Chủ Nhật, 22:18 03-07-2022 - xem: 2225 lần
- Đời đạo đức - Thứ Sáu, 19:51 01-07-2022 - xem: 2304 lần
- Chơn lý Đi học - Thứ Sáu, 19:02 01-07-2022 - xem: 1427 lần