Pháp Chánh Giác
- NT Tuyết Liên
- | Thứ Sáu, 08:05 26-08-2022
- | Lượt xem: 368
PHÁP CHÁNH GIÁC
Tác giả: Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang
NT. TUYẾT LIÊN chuyển thơ
---o0o---
Tứ diệu đế sanh pháp chơn
Pháp là chánh giác của trong tứ đề
Tứ diệu đế ví như dùi
Cõi đời mặt trống, Phật người chỉ ra
Dùi chạm mặt tiếng vang xa
Tiếng ấy là pháp diễn ra trong đời
Còn chúng sanh là những người
Được nghe chánh pháp ngộ rồi pháp tu
Tứ diệu đế bốn pháp mầu
Khổ, tập, diệt, đạo ý sâu vô cùng
Thương đời khổ Phật dạy rằng
Nầy là khổ, vấn đề cần tư duy
Nguyên nhân sanh các khổ nầy
Là do tập khởi như vầy quán soi
Nầy là pháp diệt khổ rồi
Đề mục diệt, nên kịp thời hiểu ra
Nầy là đạo đế dung hòa
Vấn đề, đề mục để mà huân tu
Đạo con đường chánh thanh cao
Đưa đến tận diệt khổ đau luân hồi
Diệt tập nhân gây khổ đời
Khổ là bởi tập luân hồi thành quen
Khổ, tập, diệt, đạo bốn tên
Bốn vấn đề cần phải nên nhận nhìn
Đề mục dùi trống phát sinh
Là do cái khổ nhân sinh cõi đời
Pháp giác ngộ chỉ cho người
Thấy rõ mặt trống cõi đời duyên do
Phật giống trống pháp chỉ cho
Con đường thoát khổ để lo tu hành
Tiếng trống chính là diệu âm
Sư tử âm, hải triều âm dạt dào
Tiếng trống có đủ ba hồi
Lại thêm chín chập để bồi nhân duyên
Tam thừa, cửu phẩm diệu huyền
Đây là lối thoát cắt duyên khổ sầu
Tứ diệu đế, như bốn căm
Của bánh xe pháp thường năng vận hành
Tam thừa, cửu phẩm có sanh
Ba vòng chín lớp tựu thành theo nhân
Cõi đời mặt đất cảnh trần
Phật là người chủ chuyển vần xoay quanh
Chơn như trụ cốt an lành
Chúng sanh là kẻ bộ hành đang đi
Thùng xe chỗ chứa tiện nghi
Phật làm phương tiện trong khi độ đời
Đưa về cực lạc thảnh thơi
Xe có bánh nên chuyển dời lăn xoay
Có căm mới chạy đông tây
Chơn như làm cốt, sanh căm tứ đề
Tứ đế chánh pháp chuyển mê
Chúng sanh nương đó mà về nẻo chơn
Niết bàn thùng xe chánh chơn
Là chỗ đựng chứa đưa lên nẻo lành
Giải thoát khổ não tử sanh
Về nơi cực lạc hóa thành bên kia
Sự cố gắng như con bò
Nguyện lực ví dụ như là dây cương
Roi thúc dục bò lên đường
Nguyện lực như thể dây cương buộc ràng
Chăm chỉ đi tới niết bàn
Ba vòng chín lớp vận hành từ xưa
Đường còn ghi dấu chân xưa
Pháp chánh giác cho chúng sanh nương về
Nầy bốn xứ niệm cận kề
Thân thọ tâm pháp lối về chánh chân
1. Ta hằng niệm tưởng đến thân
Tìm xét thấy rõ tận căn cội nguồn
Thân là thay đổi vô thường
Chớp bóng, huyển hoặc, mù sương, mơ hồ
Thân là tứ đại hữu vô
Đừng tham chấp, một đống đồ hợp tan
Rồi có ngày sẽ rã tan
Thoạt còn, thoạt mất mơ màng chiêm bao
Tứ đại duyên hợp cùng nhau
Thành một thân sống, khổ đau bắt đầu
Sáu căn tay chân mình đầu
Có sống, linh, biết, lửa cầu đưa duyên
Lửa tắt, duyên hết, nghĩ yên
Như xe máy chạy hơi chuyền, bánh lăn
Có trớn có đủ dầu xăng
Thì nó chạy mãi thời gian lâu dài
Nhưng rồi sẽ có một ngày
Máy mòn tan rã xe nầy hoại hư
Thân cũng thế nó giống như
Vi trùng kết tụ đấu tranh lâu dài
Bên thắng, bên thua chạy dài
Rã hàng tan ngũ lâu ngày mất luôn
Các pháp dung hợp có thân
Nhơn duyên sanh khởi lần lần đổi thay
Cái nầy, cái nọ đổi thay
Cái kia, cái khác nay mai đổi dời
Sắc ấm là thân trong đời
Là trung đạo giữa hai bờ có không
Hợp nên có, tan nên không
Thân là vỏ tạm, nuôi thân hột nầy
Thân vỏ mất, tâm hột còn
Cây sanh nhánh lá, rốt tồn hột tâm
Nguồn cội có, giáo lý sanh
Các pháp, trí huệ thân tâm ta người
Thân là vật tạm trong đời
Như lỗ cống, như rác đồ bẩn dơ
Hang sâu, hố độc lửa hừng
Như con ngạ quỷ, hung thần gớm ghê
Lớn như biển cả hư vô
Nhỏ như kim nhuyển mơ hồ như không
Thân như lầu ngọc, núi châu
Đền vàng, ao bạc kim cương trong đời
Thân tai họa, thân thúi hôi
Ích lợi vô hạn, độc thời vô biên
Gọi nó là gì tùy duyên
Như mặt đất chứa không riêng thứ gì
Danh từ pháp lý chi chi
Tên gì cũng được phải tri vô thường
Phải hiểu tánh nó không bền
Không là ta, không của ta chớ lầm
Chớ nên cố chấp thích ham
Tự cao luyến ái mà nên nhận nhìn
Biết ra chủ tể nơi thân
Tìm xét coi cái nguyên nhân chỗ nào
Như một đống lửa cháy cao
Tìm coi biết rõ nhân nào gây nên.
Nguyên liệu nào lửa cháy bền
Nhận ra thấy được ta liền dứt mê
Giác ngộ thấy rõ đường về
Không bị cái sắc phủ che tinh thần
Thân không có, thân không bền
Dứt được sở chấp tâm hồn tự do
Không cần biết thân là chi
Tâm được an ổn oai nghi rỡ ràng.
2. Ta hằng niệm thọ trong thân
Tìm xét thấy rõ thọ trần không vương
Bởi có thân, thọ gá nương
Không thân thì thọ cũng dường như không
Khi có việc, tạm dùng thân
Khi hết việc, chẳng có thân thọ gì
Lúc cần dùng, ta tùy nghi
Hết dùng hủy bỏ có thì như không
Có lúc thân như kim cương
Lúc như thây chết sình chương ngoài đồng
Nó hợp với trẻ con đông
Với ông già lão nó thường bỏ đi
Có thân, có bệnh thường khi
Thái quá bất cập bệnh thì phát sanh
Bệnh nương gá thân hình thành
Dùng thân nuôi bệnh, hết dùng bỏ đi
Người nói nuôi bệnh ngẫm suy
Bệnh không có hết khi thì còn thân
Trong đời không có xác thân
Không bệnh hoạn, như nạn nhân giữa đời
Thân, bệnh là pháp đổi dời
Các tánh chất ở trong đời tạo sanh
Các vi trùng bệnh hoành hành
Một may, muôn rủi phải đành mà thôi
Trẻ nhỏ nào cũng ham chơi
Là nhân tạo bệnh, chiêu vời bệnh duyên
Không ai muốn bệnh, muốn phiền
Bệnh là không có, không bền như ma
Lúc có, lúc không rầy rà
Thân không, bệnh do đâu mà phát sanh
Quán suy thấu hiểu đành rành
Dứt được niệm bệnh, bệnh thành như không.
Bệnh không làm ta nãn lòng
Thân đâu hết bệnh, không cần quan tâm
Mà ta nên nhớ nghĩ rằng
Dùng thân tạm để nuôi tâm trưởng thành
Ngày kia mục đích đã thành
Trí đầy, tâm đủ đâu cần đến thân
Bệnh không ảnh hưởng tinh thần
Can đảm lướt tới, tựu thành thắng duyên
Dứt niệm bệnh, hết não phiền
Tinh thần hăng hái không phiền, không ưu.
3. Ta hằng niệm tưởng ý căn
Tìm xét thấy ý cũng là không không
Chấp sống nên sợ tử vong
Sợ mất thân, nên ý hằng khởi lên
Sợ già, sợ bệnh triền miên
Mãi mê vọng, ý nói làm theo duyên
Ý có do bởi sáu căn
Ý thái quá bất cập gần một bên
Tương đối không định, không bền
Tốt xấu, dơ sạch, như hình huyển ma
Ý tham sân si rầy rà
Ý giới định huệ như là báu châu.
Nơi đứa bé thọ làm đầu
Thân thọ không có ý đâu còn gì
Còn ý, khổ còn kéo trì
Hết ý, hết khổ lấy gì gọi ta
Ý là giặc, ý là ma
Ý là bệnh, của tâm tà ác sanh
Là thầy hướng đạo dạy lành
Cũng là kẻ dẫn vào đàng ngục môn
Ý theo cảm giác sinh tồn
Vốn không thông sáng cũng đồng vô minh
Ý trình độ tạm chúng sinh
Khi đến trí giác, ý tình hoàn không.
Ý có do tưởng, thú cầm
Đến lớp người, ý tập hành nhớ lo
Đến trời thì ý chết co
Đến Phật diệt tận, ý là không không
Theo lẽ tấn hóa đại đồng
Ý không tồn tại, theo dòng thời gian
Trẻ sanh ý, lớn ý còn
Già thì ý hết buộc ràng vấn vương
Kẻ muốn tấn hóa vượt lên
Không bảo thủ ý chấp nương thọ tình
Bỏ quên, ý mất không sinh
Thân còn không có ý nương đâu tồn
Niệm như thế, khiến tinh thần
Cứng cõi, dõng mãnh lực hùng phát sanh
Dứt được niệm ý tiêu tan
Không còn chấp ý dứt đàng trầm luân.
4. Pháp là phương pháp cảnh trần
Ta niệm tưởng pháp ngộ lần theo duyên
Có thân, thọ, ý gá nương
Pháp tùng theo đó tâm vương biến hành
Pháp có ác, thiện, chánh chân
Pháp là kinh nghiệm, công năng, luận bàn
Chỉ giải hướng dẫn rõ ràng
Pháp là luật pháp, con đàng kỹ cương
Pháp có, do ý dẫn đường
Hết ý, hết pháp tự nhiên yên bình
Pháp là huyển dối, danh xưng
Như ngón tay chỉ, đồ dùng, bè đưa
Hết việc rồi sẽ bỏ đi
Nhờ pháp trí huệ đủ đầy chơn như
Pháp là sự học ban đầu
Cho người cái giác, hiểu sâu cuộc đời
Có thân, thọ, ý gọi mời
Mới có pháp, thân, thọ rồi huyển mơ
Thân không, thọ ý không ngơ
Pháp nương đâu có, bấy giờ đều không
Các cái ấy nó tạo lần
Cái ta thành tựu, các nhân tiêu hình.
Như tứ đại kết thành thân
Sau thân có, chỉ biết thân đủ rồi
Ta, chơn như, định là tôi
Như nhiên chơn thật, vun bồi biết linh
Cái ta là cái thật tình
Thường bền bất biến, thọ tình thì không
Do thân thọ ý pháp sanh
Còn thân, còn ý thọ tình gá nương
Còn thì khổ não vô thường
Hết thì hết khổ, pháp dường như không
Pháp là cái chấp viễn dông
Vô thường, tương đối, có không đổi dời
Không ta, không của ta rồi
Pháp nương đâu có, ta người ở đâu
Pháp tà là pháp khổ sầu
Pháp chánh là pháp nhiệm mầu an vui
Trung đạo giải thoát thông lưu
Pháp tà biên kiến gọi mời tử sanh
Tà pháp, chánh pháp mông lung
Không căn, không gốc tạm dùng tùy duyên
Bình thường mỗi lúc tự nhiên
Như không có, lúc gặp duyên lộ hình
Nên gọi pháp không chỗ nương
Niệm tưởng như thế tâm thường định an
Lấy định làm tâm hàm tàng
Không còn lầm chấp mơ màng có không
Chấp lầm khổ não vô cùng
Bị pháp mê hoặc chơn tâm đâu còn
Chơn tánh võ trụ bình thường
Mới có sống biết, mới thường tự tin
Mới thật có sống, biết, linh
Là vô năng sở, pháp tình hết trơn
Tâm như thế như kim cương
Thời gian vạn vật không làm chuyển lay
Dứt đặng niệm pháp xưa nay
Không còn chấp pháp tâm rày an nhiên
Thân, thọ, ý, pháp là duyên
Là bốn ý pháp còn thiên bên lề
Bốn cõi đọa lạc chấp nê
Như tứ chi, không phải là trái tim
Bốn cảnh huyển ma đảo điên
Không nên quyến luyến, cái triền khổ vui
Thì tâm mới được yên vui
Trí mới rộng sáng thành người trượng phu
Dứt đoạn niệm thân ban đầu
Thọ ý pháp cũng một mầu thanh lương
Là bốn dứt đoạn phi thường
Giúp người giải thoát khỏi đường tử sanh
Cảnh giới chơn như tựu thành
Không chi ngăn ngại, tựu thành bốn thông
1. Bởi không còn cái sắc, không
Cái có che đậy, định thần thấy xa
Nhờ dứt đoạn bốn niệm tà
Tâm hằng định, thần đủ và linh thiêng
Điện lực mạnh mẽ vô cùng
Đắc được đạo nhãn dung thông xa gần
Mắt trần, mắt thần linh thông
Từ nơi mắt thịt nhìn trông khắp cùng
Chánh tín là nhân thành công
Trời, thần, pháp, huệ cũng không xa rời
2. Dứt đoạn thọ được thảnh thơi
Thái quá bất cập sự đời có không
Thọ chuyền níu không cản ngăn
Tai trí thông suốt tiếng tăm, cõi đời
Vạn vật chúng sanh đổi dời
Nhờ dứt bốn niệm thảnh thơi trí lòng
Tâm hằng định, thường linh thông
Tai đạo nghe suốt khắp cùng
Tại nơi tai thịt niệm lòng chánh chơn
3. Bởi dứt đoạn ý sạch trơn
Không còn phiền não là nhân đoạn lìa
Xa khác hẳn thế gian kia
Trí phân biệt, đã phân chia tỏ tường
Thấy rõ trong ngoài pháp nương
Nhờ trong chỗ định thấy tường bất an
Trong chỗ kín thấy rõ ràng
Trong chỗ trống hở, lại càng định tâm
Nhờ sự kín đáo âm thầm
Tâm dứt bốn niệm, thâm trầm vô vi
Trở nên huyền bí diệu kỳ
Tâm hằng định, thần đủ đầy linh thông
Sức linh thành tựu vượt dòng
Điện lực đầy đủ tinh thông các mùi
Biết hết tâm ý con người
Không chi ngăn ngại mũi trời tỏ thông
Mũi thần, pháp huệ linh thông
Mũi đạo chứng đắc nhờ không biếng lười
Chánh tinh tấn đưa đến nơi
Trong ngoài hết thảy đạo đời đều thông
4. Bởi dứt đoạn pháp có không
Ngăn che, nghi hoặc thảy đồng sạch trơn
Trí được huệ, tâm được chơn
Cắt đứt mạnh mẽ không không nhẹ nhàng
Không bị níu kéo buộc ràng
Nhờ dứt bốn niệm tâm càng định yên
Sức linh thành tựu theo duyên
Tinh thần đầy đủ đắc liền thần thông
Lưỡi trời, thần, pháp, huệ thông
Lưỡi đạo chứng đắc tự trong lưỡi người
Nhờ lực trì giới chuyển dời
Thân mạng vượt khỏi cảnh đời gian nguy
Lời nói thần lực diệu kỳ
Do sự kín đáo tường tri mọi điều
Nầy bốn thần thông cao siêu
Thiên nhãn, thiên nhĩ rất nhiều sự hay
Tha tâm, thần túc kỳ tài
Do bốn dứt đoạn trừ ngay vọng tà
Tâm định yên trụ sáng lòa
Gom thần góp điện chắc là thành công
Người tâm định có bốn thông
Sanh năm căn bổn tánh đồng chơn như
1. Mắt căn thanh tịnh bi từ
Sanh ra chánh tín là từ niềm tin
2. Tai căn thanh tịnh nhiếp tâm
Sanh ra chánh niệm không lầm, không mê
3. Mũi căn thanh tịnh vẹn bề
Sanh chánh tinh tấn hết mê hồng trần
4. Lưỡi căn thanh tịnh chánh chân
Sanh trì giới, biết giữ gìn ngăn che
5. Thân căn thanh tịnh lắng nghe
Sanh ra thiền định tâm đà lặng yên
Việc làm trong sạch không phiền
Mắt, tai, mũi, lưỡi có liền bốn thông
Vậy nên gọi nhãn TÍN CĂN
Nhĩ căn là NIỆM quá trình tự nhiên
Thiệt căn TRÌ GIỚI vui yên
Thân căn THIỀN ĐỊNH vui miền chơn như
Là năm kết quả do tu
Năm chứng đắc, có được từ năm căn
Bốn dứt đoạn, bốn thần thông
Năm căn thanh tịnh tạm là có ta
Năm căn thanh tịnh có ra
Do chơn giác ngộ, gọi là quả linh
Mắt không ngó việc phàm trần
Tai không nghe tiếng tục trần đúng sai
Mũi ngửi không đắm không say
Lưỡi nếm vị cũng không hay nhiễm trần
Không ô nhiểm khi chạm thân
Bởi căn trong sạch trở thành thánh căn
Bậc tu đến đây chỉ cần
Tín, niệm, tinh tấn, giới phần trang nghiêm
Thiền định, không vọng định yên
Mắt, tai, mũi, lưỡi phàm trần sạch trong
Tín, niệm, tinh tấn làm căn
Không dùng năm lực, năm căn thế trần
Niệm lực sức mạnh chánh tâm
Tinh tấn, sức lực mạnh phần siêng năng
Trì giới lực sức oai thần
Thiền định lực sức định thần cạn sâu
Nhờ năm sức lực nhiệm mầu
Quả linh đạo lý có phần tăng thêm
Năm sức lực được thành nên
Là do cội rễ năm căn của mình
Thanh tịnh trong sạch các trần
Thắng phục tất cả trở thành toàn năng
Khó ai làm chủ xác thân
Khó ai dạy độ được phần trí tâm
Khó ai kềm chế tự thân
Vậy mà năm lực oai năng lực hùng
Kềm chế phục trị các căn
Đổi phàm làm thánh có phần khéo hay
Không còn sanh tử khổ dài
Thân trong sạch, do lưỡi nầy sạch trong
Lưỡi trong sạch do mũi căn
Mũi trong sạch do tai căn sạch trần
Tai căn trong sạch có phần
Mắt căn trong sạch góp phần tạo nên
Mắt trong sạch do bốn thông
Bốn dứt đoạn, bốn niệm phần thọ thân.
Như thế có thể hiểu rằng
Bốn niệm đọa lạc sanh phần giác chơn
Ngộ rồi đoạn dứt căn duyên
Bốn thần thông chứng sanh thêm căn phần
Thứ năm tức là căn thân
Là thân thánh đã trọn phần viên thông
Có năm sức lực dung thông
Sanh ra cái giác Phật thân tròn đầy
Cũng nghĩa từ bốn niệm nầy
Sanh bốn giác ngộ đoạn ngay não phiền
Chứng bốn thần thông định yên
Tín, niệm, tinh tấn, giới niềm lạc an
Chánh tín là thiên nhãn thông
Mắt trời thông suốt xa gần duyên nhân
Tai trời là thiên nhãn thông
Chánh niệm trợ giúp thần thông tai trời
Chánh tinh tấn lực đại hùng
Tha tâm thông suốt mũi trời viên dung
Trì giới là thần túc thông
Lưỡi trời thông suốt chơn thần bay cao
Bốn căn viên mãn dạt dào
Sanh ra thiền định một màu thanh lương
Nhờ sức lực của định thiền
Phát sanh ý giác châu viên pháp hành.
Giác là lực của năm căn
Gọi chủ tể hay tâm hồn của thân
Do sức lực của căn thân
Thành tựu ý giác bảy phần thanh cao
Thất bồ đề ý giác cao
Sống, biết, linh đủ gọi tên tam hồn
Hay giới định huệ mạng môn
Một thân hình Phật phách hồn tinh thông
Bảy ý giác thể đại đồng
Ý chơn chánh, ý Phật hằng lợi sanh
Là bồ đề báu trong trần
Bồ đề ý giác bảy phần thanh cao
1. Phân biệt lành dữ khác nhau
2. Siêng năng tinh tấn tiến vào đường chơn
3. An lạc trong chốn thiền môn
4. Thắng phục tâm ý không còn phân vân
5. Niệm tưởng đạo lý quả nhân
6. Nhứt tâm đại định trọn phần an vui
7. Vui chịu mọi cảnh trong đời
Bảy ý giác tức bảy phần huệ sâu
Bảy ý chánh chơn pháp mầu
Là ý Phật, ý dẫn đầu huệ chơn
Ý giác là gốc cây chơn
Bảy ý giác, bảy nhánh tàng xum xuê
Năm căn bổn là rể cây
Thiền định rể cái nuôi cây vững vàng
Năm sức lực sự sống an
Bốn pháp thần túc vượt đàng tử sanh
Cái ta hột giống để dành
Bốn xứ niệm mặt đất dành trồng cây
Bốn dứt đoạn cuốc đất nầy
Vun tưới nuôi hạt có ngày thành công
Bát chánh đạo quả thuận dòng
Thành nên trái giác giữa dòng thời gian
Bảy ý giác, bảy nấc thang
Bảy trình độ tạm con đàng vô sanh.
1 Phân biệt lành dữ thực hành
Là nhân bố thí quả thành Nhập Lưu
Xuất gia giải thoát các điều
Nhập vào nguồn đạo cao siêu thuận dòng.
2. Tinh tấn lực, tâm đại hùng
Thực hành nhẫn nhục chứng phần Nhứt Lai.
3. Tâm an lạc đạo hòa hài
Nhân tinh tấn, quả Bất Lai sẽ thành
4. Thắng phục tâm ý làm lành
Nhân trì giới tất quả thành Vô Sanh
5. Nhớ tưởng đạo lý thực hành
Nhân thiền định, Duyên Giác phần quả chơn
6. Nhất tâm đại định kiên cường
Nhân trí huệ, quả đắc thành Giác tha
7. An vui mọi cảnh dung hòa
Chơn như giác ngộ kết tòa Như Lai
Bảy ý giác được hòa hài
Bồ đề bảy trượng nhiếp hòa lợi sanh
Là tòa thất bảo an lành
Là chỗ Phật ngự chứng thành viên thông
Là bảy món ăn tinh thần
Của chư Khất sĩ thường dùng tu tâm
Giác thứ nhất chính là cơm
Bảy ý giác một con đường thông lưu
Kết quả từ đầu đến đuôi
Từ bỏ ác, đến chơn như sau cùng
Như sanh, già, chết thuận dòng
Cái giác chót là trọn thành nghĩ yên
Tròn trịa vô chấp, vô phiền
Chơn như đắc quả nghĩ yên Niết Bàn
Cái nóc nhọn tột cao trên
Là chỗ rốt ráo vững yên tinh thần
Sự tròn trịa sẽ góp phần
Lăn xoay đi tới không còn nạn tai
Cái ta ngồi nghĩ yên nơi
Dưới cội chánh giác thảnh thơi thanh nhàn
Dưới tòa báu, tâm kim cang
Đắc thêm hai pháp thần đang hiển bày.
1. Túc mạng thông, rõ xưa nay
Mạng số bao kiếp trả vay cuộc đời
Nhất tâm đại định hiểu nơi
Trở lực mạng số đầy vơi kiếp người
Người tu tâm định sáng soi
Nên mới biết hiểu mạng người chúng sanh.
2. Lậu tận thông dứt tử sanh
Gốc nguồn phiền não rõ rành cội căn
Vui chịu với mọi duyên nhân
Hòa vui diệt tận khổ căn luân hồi
Đắc Niết bàn thật thảnh thơi
Ứng cúng, La hán xứng người đại nhơn
Như cá đã nhảy khỏi ao
Học trò thi đậu, là điều vinh vang
Ít người được, báu thế gian
Người người quy ngưỡng xứng hàng vô sanh
Đắc xong bảy giác thấy mình
Như là Phật tử mới sanh ra đời
Sống bằng mạng Phật thảnh thơi
Có đủ giác tánh, từ nơi xác phàm
Ở trong nhà Phật khuôn vàng
Mạng sống chánh giác ngày càng lớn lên
Đến già tâm mới chắc nên
Nghĩ ngơi thiệt thọ gọi tên bồ đề
Như Lai toàn giác trọn bề
Hoàn toàn trọn vẹn, lối về chơn như.
Con đường sống tiến bên kia
Tám pháp thánh, tám con đường độ sanh
Bát chánh đạo pháp thực hành
Ở ăn làm việc an lành biết bao
Bởi cõi giới pháp thanh cao
Việc đời cõi thế không vào nơi đây
Ý giác lẽ sống tròn đầy
Chơn như rốt ráo cõi nầy bình an
Tám chánh đạo là con đàng
Của bậc giác ngộ đã đang thực hành
Chứng quả Phật độ chúng sanh
Vừa tu đi tới dắt lần người mê
Khoảng đường đi tới bồ đề
Thân tâm cảnh giới lối về chơn như
Không còn nghĩ điều riêng tư
Cõi vô tận, cảnh chơn như tinh thần.
Khỏe khoắn sung sướng vô ngần
Ít tu, thiếu phước khó gần cảnh chơn
Cõi thánh, tám chánh đạo chơn
Thấy chánh, nghĩ chánh, nói làm chánh chơn
Sống chánh, siêng năng không sờn
Niệm tưởng, yên định chánh chơn trọn phần
Thực hành Bát chánh chuyên cần
Niết bàn và chốn hồng trần khác chi
Nhưng trái lại chúng ta thì
Cũng đang ở tại cõi ni cảnh đời
Luân hồi khổ não chơi vơi
Thật là đáng tủi cuộc đời trầm luân
Tám chánh đạo, chơn lý 05
Tìm xem rõ biết pháp đăng diệu kỳ.
Tóm lại quyển Chánh Giác nầy
Ba mươi bảy pháp bồ đề giác chơn
Bốn xứ niệm hiểu tận tường
Bốn dứt đoạn, chấm dứt phần tử sanh
Bốn thông chứng đắc đành rành
Năm căn bổn, để đắc thành lực năng
Bảy ý giác, pháp thánh nhơn
Tám chánh đạo, ba bảy phần kết chung
Cách tu thành đạo viên dung
Của chư Bồ tát vô cùng quý hay
Pháp tu thành đạo xưa nay
Lục thông chứng đắc không sai con đường
Chúng ta nên phải thường thường
Đọc đi, đọc lại mới tường lý chân
Nếu chưa đắc được lục thông
Thì đâu đắc được quả đồng Bích Chi
Bồ tát, Như Lai tổng trì
Con đường chánh giác lối đi tỏ tường
Những ai đã từng thực hành
Mới thấy rõ, rộng xa hơn pháp nầy
Như người uống nước tự mình
Nóng lạnh tự biết, quanh mình ai hay
Pháp Chánh Giác, rất chánh ngay
Nhưng người tu đã có ai thực hành
Tự mình cố gắng trì hành
Không ai giúp được nếu mình không tu
Pháp Chánh Giác viết đến đây
Thì cũng tạm đủ viết nhiều không hay
Vậy xin kính chúc ai ai
Hữu tình cùng với vô tình hữu duyên
Tất cả đều được tiến lên
Con đường Chánh giác đặng nên đạo lành./.
Các bài viết liên quan
- Đạo Phật Khất sĩ - Thứ Sáu, 06:09 18-11-2022 - xem: 323 lần
- Khổ và Vui - Thứ Ba, 07:41 15-11-2022 - xem: 450 lần
- Hòa Bình - Thứ Ba, 02:43 18-10-2022 - xem: 282 lần
- Chơn Như - Chủ Nhật, 15:53 09-10-2022 - xem: 355 lần
- Sám Hối - Thứ Tư, 16:56 21-09-2022 - xem: 368 lần
- Số Tức Quan - Thứ Sáu, 21:38 16-09-2022 - xem: 333 lần
- Pháp Chánh Giác - Thứ Sáu, 08:05 26-08-2022 - xem: 368 lần
- Chơn lý Thờ Phượng - Thứ Tư, 21:50 10-08-2022 - xem: 458 lần
- Pháp Hoa - Chủ Nhật, 20:08 07-08-2022 - xem: 382 lần
- Chơn lý Địa Tạng - Chủ Nhật, 22:18 03-07-2022 - xem: 540 lần
- Đời đạo đức - Thứ Sáu, 19:51 01-07-2022 - xem: 545 lần
- Chơn lý Đi học - Thứ Sáu, 19:02 01-07-2022 - xem: 534 lần