CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Vị hung thần

Chơn lý VỊ HUNG THẦN

Tác giả: Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang

NT. TUYẾT LIÊN chuyển thơ 

---o0o---

Một hôm có vị hung thần

To lớn xấu xí vô cùng hung hăng

Tài hay trí giỏi nghênh ngang

Mưu cao phép lạ bạo tàn vô song.

Đến hỏi vị khất sĩ rằng

“Sao ông mê tín, tin xằng vu vơ

Trời Phật là gì ở đâu?

Mà ông tin tưởng tu theo ích gì.

Làm người đấu trí đua tài

Việc hiện tại, trước mắt này thấy không

Có thân chẳng nghĩ đến thân

Tại sao không chịu đua tranh với người

Mưu cầu hạnh phúc cho đời

Không lao động lại làm người đi xin.

Xin ăn khi đủ tay chân

Làm cho xã hội thêm phần nhuốc nhơ

Ai cũng ố ghét khinh khi

Ông có hay biết thị phi trong đời”.

Vị hung thần nói một hơi

Không nghĩ thở, tỏ ra người uy phong.

Đứng chống nạnh bẹt hay chân

Múa tay chỉ chỏ nói năng ồn ào

Thể hiện oán giận dâng trào

Bất mãn cực điểm từ lâu lắm rồi.

Ung dung khất sĩ trả lời

Bằng giọng vui vẻ ngọt ngào êm tai.

Nầy người ơi ! Người biết chăng

Có bốn pháp lý thường năng vận hành

Kêu là đạo lý nhân hành

Ông cha con cháu tiến trình tự nhiên.

Ông muốn người ta gọi tên

Một trong bốn pháp ông ưng pháp nào?

Chọn lời nói, việc làm nào

Để cho nhân loại nhìn vào chính ông.

1.

Ông ơi ! Tư cách bậc ông

Là bậc trên trước, tiếng ông người già

Mắt chẳng hay ngó gần xa

Tai không nghe tiếng bất hòa thị phi.

Mũi chẳng hay ngửi mùi chi

Thơm hôi cũng được ít khi bận lòng.

Lưỡi không ưa tìm vị ngon

Thân không xúc chạm, ý không mơ màng.

Chơn như yên lặng định an

Cảnh giới trong sạch trang nghiêm ông già

Từ bi trí huệ dung hòa

Trầm tỉnh giác ngộ thật là bình an.

Ông phải là người dắt đường

Cho trẻ nhỏ nhít lạc lầm khổ đau

Giác ngộ chỉ bảo người sau

Là thầy hướng đạo nêu cao pháp hành.

Ông là thầy giáo chân thành

Tâm ông trọn sáng, trọn lành chơn như

Ông đi dạy học khắp nơi

Không nhận lương bổng của người trả công.

Ông chỉ phải còn có tâm

Cái tâm cứng chắc không còn lầm mê

Không tham sân si chấp nê

Tâm là chúa tể của người làm ông

Tâm ấy là sự thành công

Đức tánh toàn giác linh thông sống đời.

Tiếng ông là Phật cao vời

Khác cha, con, cháu nhiều người số đông.

Học trò lớp nhứt tròn xong

Chẳng giống các lớp còn đang học hành

Không dùng tài sức giỏi lanh

Cũng không nghĩ đến sắc thân của mình.

Ông như cái hột để dành

Vỏ thân ruột trái mất hình teo khô

Đâu còn phải mất thì giờ

Lo cho thân vỏ phỉnh phờ nhọc công.

Cái tâm trơ lặng không không

Dầu muốn phá bỏ cũng không được nào.

Như hột giống khô cứng đầy

Không thể thay đổi khi vầy, khi kia.

Kìa như một ông già kia

Còn đi xem hát người ta xô đùa

Một ông già còn nói cười

Ăn mặc chơi giởn như người trẻ con

Người ta ố ngạo khinh thường

Thân trí sức lực không còn để chơi.

Cái danh từ ông buộc rồi

Như một đạo luật của người bề trên

Cảnh ngộ thời duyên không còn

Kẻ nào có được cái tâm hột già.

Cái tâm cứng chắc như là

Cái trơ trơ lặng chính là tâm ông

Đâu có cái chi xen lồng

Cái tâm cứng đặc không còn lao xao.

Khen chê, còn mất không sao

Có không, sống chết chẳng nao ngại gì

Nghĩa là tất cả cái chi

Việc làm lời nói thảy vì tiếng ông

Sống với cái thật cái chơn

Làm người giác ngộ thoát vòng mê tân.

Do đó mới có tiếng ông

Lớp nầy vốn sẳn có trong cuộc đời.

2.

Tiếng cha có nghĩa là gì?

Là đạo lý kẻ sống vì nhân sanh

Tiếng cha là tên gọi chung

Của kẻ biết sống không mình không ta

Nếp sống xả kỷ lợi tha

Chia sẻ máu thịt xương da cho người.

Cha là người lớn là trời

Cái lớn quảng đại của người thanh cao

Tiếng cha cao thượng biết bao

Sống cho người khác chớ nào sống riêng.

Đạo làm cha là hy sinh

Xác thân đến lúc teo nhăn ốm gầy

Không còn nghĩ đến tương lai

Đã đến lúc sắp quay về cố hương.

Chơn lý vạch đúng con đường

Bậc cha đâu thể sống dường trẻ con

Không thể chơi giởn luông tuồng

Cha mà tư kỷ không còn tiếng cha.

Người chê trách kẻ làm cha

Mà còn tham đắm như là trẻ con.

Thế thì vật chất xác thân

Không phải nếp sống tinh thần người cha.

Thiện lành thức trí không ta

Không cái ta và của ta trong đời.

Cha có hai phận sự nầy

Nói làm mục đích của người làm ông

Vừa phải lo cho lớp con

Vừa là giữ được vẹn tròn lớp trên

Đến với đạo đức chơn nhơn

Cũng như ruột trí nuôi tâm hột già.

Người lớn phải nuôi ông già

Để mình tập cái tánh già của ông.

Bao dung thương xót trẻ con

Dạy dỗ cất nhắc đưa lên đường đời.

Để khi mình là ông già

Tiếng con sẽ trở thành cha nối liền

Tức là níu kéo dắt dìu

Đưa nhau đi tới làm người bậc trên.

Trí ruột vừa nuôi hột tâm

Vừa lo thân vỏ xứng tầm các duyên.

Cha là lý trí chư thiên

Là bậc trời, giáo lý thiên vững vàng.

3.

Tiếng con là đạo luật răn

Danh từ chỉ rõ hạng con bậc người

Hạng người tự độ hẹp hòi

Cái thiện cái ác song đôi khi làm.

Cảnh giới trẻ con tham lam

Thiếu thốn đói khát, ruột tâm chưa thành.

Thân phải bóng láng đẹp xinh

Lo cho vật chất, cho mình nhỏ nhoi

Sự học hành, là học đòi

Sống theo duy vật tô bồi xác thân.

Ăn mặc ở bệnh là cần

Tranh đấu, sống ác, biệt phân ta người

Xấu xa, dơ dáy, thúi hôi

Để đặng vun đắp tô bồi cho thân.

Thân vỏ chưa có ruột tâm

Chưa có cái thiện, cái nhân chút nào.

Hột tâm mới tượng bọt bào

Trí ruột mỏng yếu liệt vào tiểu nhân.

Ác là đạo lý của thân

Chỉ lo chen lấn đua tranh sống còn.

Mạnh được yếu thua bậc con

Chết rồi là hết không còn trí tâm

Đời con vô ích thăng trầm

Liều mạng nhắm mắt bước càn vu vơ.

Chỉ cần vui hưởng bây giờ

Chưa kinh nghiệm, chẳng thấy xa bền dài.

Tuổi ấy ai cũng như ai

Thèm thuồng, háo thắng, khoe hay việc làm.

Tìm kiếm cái lạ cái tham

Nên chưa biết được con đường về đâu

Sống không mục đích, mong cầu

Như em bé mới học, đâu biết gì.

Chưa biết mình học để chi

Chưa nghĩ đến lúc, ta thì làm cha

Dắt dìu cái cháu sanh ra

Tuy thiếu trí nhưng cũng là kiếp sanh.

Rồi ngày mai sẽ bước lên

Như trái non, theo thời gian cũng già

Đạo lý của con đúng là

Sống phải tư kỷ, vị ta bình thường

Nếp sống không có kỷ cương

Ăn nhiều, ngủ đủ lại còn ham chơi.

Người lớn phải nhọc trông coi

Giúp cho con nhỏ đúng thời lớn lên.

Lo ăn, lo sống là cần

Ta cũng phải biết sống đời cần ăn.

Cái ăn phải tập hiền lành

Thì mới có sống vui ăn được bền

Nhịn đói một buổi là thường

Chớ tham ác chỉ một giờ khổ nguy.

4.

Còn như đứa cháu bé bi

Là cái nhỏ nhít lúc khi ra đời

Chỉ biết ăn ngủ khóc đòi

Co ngoe, ỏng ẻo cùng vòi vỉnh thôi.

Tên cháu như một nụ chồi

Mới mọc non yếu giữa đời sống chung

Cháu, chắt, chít sự co thun

Nhu nhuyển, lỏng bỏng như không có gì.

Chết sống tự người lo chi

Thêm sự nhỏng nhẻo, làm nư giận hờn

Cháu như cây nhỏ, cỏ non

Không ai biết được vuông tròn ra sao.

Giáo lý của nó là sâu

Đạo lý là ác, đượm màu ghét ganh

Nó mê hoặc cả chúng sanh

Thế mà không tự biết mình là chi.

Là con vật nhỏ tí ti

Khiến người thương xót bỏ đi không đành

Tất cả mọi người sẳn dành

Thương yêu chăm sóc mầm xanh cuộc đời

Cháu là con vật nhỏ thôi

Chớ chưa được tiếng nhân người thiện lương.

Làm người bốn bậc như trên

Có bốn giáo lý, bốn tên trong đời

Ông, cha, con, cháu đủ rồi

Từ dưới thấp, tiến lần hồi lên cao

Từ thú đến người thanh cao

Đến trời Phật, bậc vượt rào tử sanh

Từ ác đến thiện huệ lành

Đến chơn như Phật viên thành giác chơn.

Phật thì có huệ, có chơn

Trời thì có được huệ chơn, thiện lành

Người thì thiện ác phân minh

Thú là ác quấy, thức tình chưa khôn

Tiến trình qua bốn nấc thang

Phật trời người thú, cha con ... xoay vần

Bốn món ăn của tinh thần

Chơn như, trí huệ, thiện lành, ác hung.

Bốn lớp chia làm hai phần

Đại nhân quân tử, tiểu nhân hẹp hòi

Chẳng hay ông muốn phần nào

Phương diện quân tử cùng nhau luận bàn.

Hay chọn pháp của tiểu nhân

Tôi xin hoan hỷ hết lòng giải phân.

Khi vị khất sĩ nói xong

Hung thần hổ thẹn lặng thinh nghẹn ngào.

Nhưng chỉ cách một ngày sau

Ông ấy lại đến cầu sư thương tình

Cầu xin dạy đạo cho mình

Mà không dám nhắc lời mình trước đây.

Sau sự giác ngộ thật hay

Được nghe đạo lý mỗi ngày tu thêm

Giác ngộ thoát lớp hung thần

Trở nên một vị thiên nhân rạng ngời.

Đắc được nhiều thần thông hay

Chư thiên quyến thuộc đông vầy hân hoan

Hưởng sự yên vui lạc an

Không còn chịu cảnh trần gian đọa đày.

Vị thiên ấy lúc sau nầy

Hết lòng quy kính Phật ngài toàn năng

Siêng học pháp, hộ trì tăng

Sau tu giải thoát đắc thành quả chơn

Hết luân hồi, dứt tử sanh

A La Hán đạo, quả thành viên dung.

Tiền thân là vị hung thần

Sau nầy tu chứng trở thành Thích Ca

Còn vị khất sĩ kia là

Phật Ca Diếp thị hiện ra độ đời.

Tiền thân Phật cũng là người

Cũng tội lỗi, cũng mê đời như ta

Nhưng Ngài sớm được nghe qua

Chánh pháp chơn lý để mà lo tu.

Không vì lời thẳng giận thù

Biết nín lặng, biết tiếp thu lời lành

Biết dằn lòng sửa tâm mình

Do đó mà được viên thành Như Lai.

Thật là gương sáng soi đời

Chúng sanh quy ngưỡng kính Ngài Thế Tôn.

Ở đời ai chẳng tự tôn

Cố sức bào chửa cái khôn của mình

Ít người chấp nhận là mình

Còn kém khuyết, để nghe lời nói hay

Không tha thứ cho một ai

Nếu họ chạm đến sự sai của mình.

Ta thường vỗ ngực xưng danh

Nào có chịu nhận là mình kém thua.

Càng làm sai, càng nói mê

Thái quá, bất cập không hay giữ gìn

Thái độ ít hay hạ mình

Quên nói là thiệt, làm thinh được lời.

Làm sai thất công mệt người

Ngồi không đắc lợi, do nơi định thần

Lo tính thất bại bao lần

Biết yên nghĩ, tất thành công vẹn toàn.

Theo đây ta thấy hung thần

Sau khi nghe nói lặng thinh buồn rầu

Dầu hung thần dữ đến đâu

Cũng không can đảm thốt câu nói càn

Tôi là tiểu nhân trẻ con

Tôi là kẻ ác chọn danh xưng cùng.

Thế mới biết thiện là cần

Sanh tử là trọng phải cần tư duy.

Nhịn ăn mười bửa còn hơi

Chứ ai sĩ nhục tức thời chết ngay.

Lẽ ra hung thần hôm nay

Bị chạm tự ái việc nầy khó dung

Nhưng không, thần biết hổ lòng

Vì người cũng có lương tâm nhận nhìn

Nghe lẽ phải biết mình lầm

Không sừng sộ, chỉ âm thầm lui êm.

Bởi người cũng có căn duyên

Nên ngày sau đến cầu xin dạy mình

Người không phải thiếu học hành

Về trí phương tiện cũng hàng thượng nhân.

Nên nghe vị sư phân trần

Chưa thốt lời, nhưng phục thầm trong tâm

Như đá cọ vàng lâu năm

Cọ sơ đủ biết tuổi vàng thấp cao.

Lời sư nói thật ngọt ngào

Đúng vào chỗ hiểm, tự cao của thần

Chỉ cần ngón tay tác nhân

Rờ chạm đúng chỗ thì thần phục ngay.

Trong đời đạo đức quý thay

Tiếng ông mới thật cao tài phục nhân.

Hung thần không thể thốt rằng

Tôi muốn nghe đạo, tinh thần bậc ông.

Bởi cử chỉ quá hung hăng

Cùng lời nói, sự miệt khinh sỗ sàng.

E sợ vị sư giảng thêm

Tự thân hổ thẹn biết mình quá sai.

Còn như nói tôi muốn nghe

Việc tiểu nhân, tự ái không mở lời

Vị ấy suy nghĩ kỹ rồi

Thấy rõ cái thiện là ngôi lực hùng

Đạo thiện, đức lớn bao trùm

Kẻ mê, người ngộ nên làm khác nhau.

Chớ không ai dám tự hào

Con vật, cái ác làm sao an bình

Vị hung thần biết rằng mình

Hủy mạ người, mà chính mình tổn thương

Bị thất bại, bị cùn đường

Biết được đạo đức cao trên muôn người.

Vị sư bình tỉnh phân trần

Là tâm vị ấy đạt phần cao siêu

Bậc trời người có được đâu

Càng nghĩ, càng thẹn mới cầu quy y.

Ông cũng thấy nơi vị sư

Tâm tánh chánh trực từ bi thương đời.

Sư chẳng tự kiêu quá lời

Mà là chỉ dạy cho người lầm mê

Lời sư mở rộng lối về

Giải thoát, giác ngộ chớ hề thua hơn.

Là đức tánh bậc siêu nhân

Thứ tha thương xót lỗi lầm thế nhân

Sư ấy đã thật trau tâm

Dể gì kiếm gặp xuất trần thượng nhân.

Hung thần đã thấy ra rằng

Tài trí dễ kiếm, hạnh tăng khó tìm.

Tài thắng đức vi tiểu nhân

Đức thắng tài mới là chân đại hùng

Chọi với đức tài vô dùng (dụng)

Thế mới biết đạo đức cần yếu hơn

Có đạo đức mới thành công

Con đường nào rồi cũng chung một đường.

Do từ đạo đức khởi nguồn

Ai mà lạc nẻo lầm đường bơ vơ.

Vậy nên tất cả chúng ta

Lấy đạo làm gốc, đức đường tu thân.

Bằng như đang ở ngọn ngành

Xa gần cũng nhớ gốc chân đạo lành.

Tập lần bước tới tu tâm

Chớ nên tự phụ hư tâm của mình

Chớ nên đắm bả hư danh

Thì nạn khổ chết hết làm khổ ta.

Nên nhớ tất cả mọi người

Ai cũng đang ở trong từ tiếng danh

Đang bị sức mạnh buộc mình

Cũng như tiếng gọi chức danh ông già.

Cha, con hay cháu đều là

Đang ở tất cả nơi ta, nơi người.

Nơi tất cả mọi hạng người

Tùy theo ý chí hay nơi việc làm.

Danh nào phận nấy rõ ràng

Vậy ta tu tập để làm bậc ông

Vì cái kết quả cuối cùng

Ông là sau rốt, tiếng Ông vẹn toàn./.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết: