CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Bước đầu nhận diện những nét chính của Giáo đoàn Khất sĩ và của vị Hành giả Chơn lý

BƯỚC ĐẦU NHẬN DIỆN NHỮNG NÉT CHÍNH CỦA GIÁO ĐOÀN KHẤT SĨ

VÀ CỦA VỊ HÀNH GIẢ CHƠN LÝ[1]

Thích Minh Thành

Khi nói “Bước đầu nhận diện”, người viết ý thức được rằng đây chỉ là những điều sơ khởi và còn thiếu sót chứ chưa phải là nhận diện một cách đầy đủ. Do vậy, sự nhận diện này cần được bổ sung bởi những bài viết khác cùng đề tài, cần được điều chỉnh để tăng độ an toàn về học thuật hay giao tế xã hội, cần được đóng góp để có những góc nhìn khác đáng được quan tâm. Khi nói “Những nét chính của giáo đoàn Khất sĩ”, người viết ý thức rằng về phương diện học thuật muốn gọi là nét chính thì trước hết phải liệt kê tất cả những nét của giáo đoàn[2] Khất sĩ, cả chính lẫn phụ, sau đó mới đặt ra những tiêu chí để phân biệt chính phụ; những nét nào đáp ứng được những tiêu chí thì gọi là chính, còn lại là phụ. Người viết không hề theo lộ trình đó, vì vậy mà có mức độ chủ quan.

1. Chức năng của giáo đoàn là thay thế khung kết nối thế tục bằng khung kết nối phi thế tục.

Khung kết nối thế tục mà người viết muốn nói đến là khung kết nối gia đình. Trong khung kết nối gia đình, mối quan hệ giữa cha mẹ mà con cái được mặc định bằng yếu tố tự nhiên là huyết thống, trong đó yếu tố ý chí hay ý muốn chỉ là yếu tố phụ hay yếu tố thứ yếu. Khung kết nối phi thế tục hay khung kết nối giáo đoàn rất khác. Khung kết nối giáo đoàn không phải là cái được mặc định sẳn mà được Đức Phật thiết kế khá chi tiết và sau đó chư vị tổ sư tiếp tục phát triển cho đến ngày nay. Trong khung kết nối giáo đoàn không hề có yếu tố huyết thống, nếu có thì chỉ do tình cờ mà có và cũng chỉ đóng vai trò thứ yếu mà thôi. Yếu tố thứ nhất của khung kết nối giáo đoàn là ý chí hay ý muốn.

Mặt khác, mối quan hệ thi ân và báo ân trong khung giáo đoàn mang yếu tố tự nguyện rất cao và đóng vai chính, yếu tố ràng buộc rất thấp và đóng vai phụ. Khung kết nối huyết thống gia đình thì ngược lại, yếu tố ràng buộc bổn phận là chính, kéo theo là sự kỳ vọng lẫn nhau giữa hai bên thi ân và báo ân. Chơn Lý nhìn vào thế giới bản năng của loài thú, nhìn vào thế giới vừa bản năng vừa thiết kế của loài người với những hệ lụy như “xẩn bẩn vì nhau mà dốt tệ... ông đầu thai làm cháu nội luân hồi” để đưa ra khung kết nối giáo đoàn mang tính “rảnh rang, tấn hóa”. Trong khung kết nối gia đình thì mối quan hệ giữa người thi ân và người thọ ân mang hình thức của một vòng tròn khép kín hay là một đoạn đường hai chiều, mỗi người chặn kín một chiều. Trong khung giáo đoàn cả hai đầu đều mở và không có chiều nào bị đóng. Chơn Lý nói: “Loài thú cũng có ân nghĩa lòng thương giống theo cây cỏ, nhưng bởi gần gũi đụng chạm cảm xúc tình dục mới sanh con. Loài người nếu khác hơn là: nên thi ân bất cầu báo, còn kẻ thọ ân thì nên làm ân lại kẻ khác nữa, chớ đừng trông mong trả ân lại cho người đó. Cho nên theo giáo lý của Phật thì cha không nên nuôi con, khi con đã mười tám tuổi. Và con không nên nuôi cha, khi cha đã được bốn mươi tám tuổi. Nghĩa là con lớn thì tự làm lấy mà ăn, hoặc tự đi tu mà nhờ lấy. Còn cha già bốn mươi tám tuổi thì đi tu giải thoát, để sống nhờ chung trong giáo hội tăng già, lâu năm sẽ có đệ tử đông giúp đỡ. Như vậy là cha không đòi nợ con, để cho con rảnh rang, tấn hóa kịp theo người, để tránh khỏi cái nạn cha chết thì con đã già xẩn bẩn vì nhau mà dốt tệ. Lại diệt bỏ sự quyến luyến, để tránh cho sự ông đầu thai làm cháu nội luân hồi.[3]” Vị hành giả Chơn Lý phải thực hiện sự thay đổi này, buông bỏ khung kết nối thế tục vừa do thiết kế vừa do bản năng rồi thiết lập khung kết nối phi thế tục ở mức độ cao nhất có thể. Nói cách khác, vị ấy phải nhận ra những yếu tố của mối quan hệ với các thành viên khác trong giáo đoàn, theo đó mà ứng xử và tu tập, theo đó mà thích nghi, phát triển và thăng hoa bản thân.

2. Nhận thức và sống theo nguyên lý vận hành của giáo đoàn: Công lý võ trụ, một dạng pháp quyền của những pháp quyền.

Chơn Lý xem giáo đoàn hay giáo hội là cảnh giới cực lạc, hiện thực và khách quan, ở đây và bây giờ (CLHKOB), chứ không phải là cảnh giới Tây phương cực lạc ở bên kia thế giới. Đây là một mô hình xã hội, trong đó không có giai cấp cai trị và giai cấp bị trị. Mô hình xã hội này vận hành theo một dạng nguyên lý pháp quyền được định danh là công lý triển khai thành giáo lý. Xin được xác định rằng công lý mà Chơn Lý nói không phải là dạng công lý pháp đình của một địa phương, một quốc gia hay một khối địa chính trị đa quốc gia. Công lý của Chơn Lý là công lý võ trụ[4], dạng công lý tinh tuyền không bị pha tạp, biến thể hay biến dạng bởi phong tục địa phương, văn hóa, tôn giáo, thể chế chính trị. Trong thế giới Phật giáo, dạng công lý này không bị ảnh hưởng bởi pháp môn, tông phái, sơn môn, hay các tổ chức tương tự. Thành viên của giáo đoàn hay công dân của xứ CLHKOB được định tính là “muôn năm hạnh phúc, vĩnh viễn yên vui, giải thoát hoàn toàn”. Trong thế giới CLHKOB, yếu tố “oai quyền chế độ” được xem là không nên mong chờ hay kỳ vọng. Chơn Lý nói: “Kìa xứ cực lạc, nọ Giáo Hội Tăng Già, nơi ấy chỉ có công lý là pháp bảo, giáo lý học hành, không giai cấp phái môn, chẳng ai làm việc cho ai, mà được muôn năm hạnh phúc, vĩnh viễn yên vui, giải thoát hoàn toàn, nào đợi oai quyền chế độ[5]. Cụm từ “chẳng ai làm việc cho ai” nên được hiểu là thành viên của giáo đoàn tương tác với nhau một cách hài hòa và hiệu quả để làm cho giáo đoàn trở thành môi trường ưu việt, tốt nhất cho việc tu học và chuyển hóa, tự độ và độ tha. Trong môi trường hay văn cảnh Phật giáo, từ vựng “công lý” còn có thể chỉ cho dạng tinh thể Phật giáo sau khi đã loại trừ hết những-yếu-tố-không-phải-là-tinh-thể như phong tục tập quán, văn hóa tín ngưỡng, chính trị xã hội. Tinh chất của dạng Phật giáo nguyên chất là một khái niệm có thể sử dụng[6].

3. Góp phần xây dựng mô hình giáo đoàn, một mô hình của văn minh đạo đức, mô hình này là hiện thân của sự tương tác mật thiết giữa nội dung với hình thức, giữa việc tự thân chủ động tu tập với việc cùng nhau xan sẻ vật chất hay giữa siêu thoát với thực tiển.

Đạo đức là văn minh, thiếu đạo đức thì dù lên đến sao Hỏa hay sao Kim, dù có lặn sâu đến lõi của quả địa cầu, dù trang bị hệ thống 5G hay 6G, dù có làm cho 72 phép thần thông mà Bồ-đề lão tổ dạy cho Mỹ Hầu Vương thành hiện thực thì Chơn Lý cũng xem đó là một xã hội thiếu văn minh. Xã hội loài người khi đó cũng còn là một dạng rừng hoang, trong đó sinh linh vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Giáo đoàn theo Chơn Lý là mô hình của một xã hội có hạnh phúc mà hạnh phúc là một hiện tượng lưu xuất từ văn minh. Một xã hội có văn minh như đã nói là một xã hội có đạo đức, có sự hòa hợp đạt chất lượng cao, có hiện tượng không-danh-không-lợi nơi các thành viên của xã hội đó. Đó là những tiêu chí mà xã hội loài người nên hướng đến; hướng đến ở đây lại có nghĩa là trở về, một cuộc trở về với cảnh giới đạo đức vững bền mà Chơn Lý gọi là “trường phục”. Trong khung nhìn của Chơn Lý, xã hội loài người được chia là ba tầng hay ba lớp học của trường học có tên là cõi đời, trong đó chỉ có lớp cao nhất về mặt đạo đức mới được định tính là “trường phục”, hai lớp dưới thì không. Để minh họa cho sự “trường phục”, Chơn Lý dùng ngôn ngữ ước lệ: Muôn năm, ngàn năm, và trăm năm. Về chuyện lâu dài hay chóng vánh, kinh tạng truyền thống có nói rằng cái gì là lõi cây cái đó đứng vững và tồn tại[7]. Lõi cây mà Chơn Lý muốn nói ở đây là lõi cây đạo đức trong việc xan sẻ đời sống vật chất và tinh thần. Trong khung nhìn của Chơn Lý thì xã hội nào thực hiện việc xan sẻ này một cách tốt nhất thì xã hội đó được xem là văn minh nhất thuộc lớp cao nhất, sau đó là văn minh vừa vừa của lớp giữa, và văn minh chút đỉnh của lớp chót, lớp của cuộc sống thế gian. Ở lớp cao nhất có hai chuyện được đề cập là đời sống vật chất và công phu tu tập, chuyện thứ nhất thì cùng nhau xan sẻ là yếu tố nổi trội, chuyện thứ hai thì tự thân chủ động là yếu tố nổi trội. Chuyện cùng nhau xan sẻ đời sống vật chất và chuyện tự thân chủ động tu tập được Chơn Lý xem là hai nét sinh hoạt căn bản của thành viên trong giáo đoàn. Còn những chuyện khác bị xếp ở vị trí thứ ba trở đi. Người đọc xin thưa thêm rằng trong thực tế hai điều này có mức độ đan xen tương tác với nhau. Khéo vận dụng là yếu tố có vai trò quan trọng và đạo đức vẫn là nền tảng vững chắc muôn năm để thực hiện bất cứ điều gì. Lấy thực chất đạo đức làm nền tảng thì dụng từ “muôn năm” tuy là ước lệ nhưng không còn tính sáo rỗng. Chơn Lý nói: “Đời mà không đạo như rừng hoang, người mà vô đạo chẳng vui an. Vậy nên trong mọi sự thất bại, tan hoại, chia rẽ, trong mọi điều sập đổ, trong mọi cuộc hư hao, trong cơn nguy túng, trong lúc rối ngặt… Nếu không kíp dùng đạo đức, không mau chấn lập nền tảng Tăng già, không sớm nâng cao nền Khất sĩ, thì không bao giờ được trường phục vĩnh viễn, vĩnh viễn mãi cho được! Trong đời không sự hòa hợp nào bằng Giáo hội Tăng già, của các nhà du tăng Khất sĩ không danh lợi. Khất sĩ là giáo lý muôn năm của ông già, bền dài hơn xã hội ngàn năm của người lớn và giáo lý trăm năm của gia đình kẻ nhỏ. Trong Giáo hội mặc dầu không ai nhắn bảo mỗi ngày, mà các bậc khất sĩ sống chung bằng xác thân rất thuận hòa, chan sớt cho nhau, nương tạm cùng nhau, như các xã hội ông già yếu đuối. Còn tâm trí mỗi người, riêng ai nấy lo tu học, thân thì sống chung, tâm thì lo riêng. Nhờ giới luật nên chẳng hay xao xuyến, tuy luận bàn mà không hay cãi lộn cõi ấy an lạc thong thả biết bao.[8]

Nói cách khác, giáo đoàn theo Chơn Lý là một mô hình tổ chức có khả năng cao nhất trong việc chuyển tải thực chất có tên là Khất sĩ hay còn có thể gọi là Đạo-lý-của-cho-và-nhận. Đạo lý hay đạo đức này xuất phát từ nguyên lý tương quan tương duyên và tương tác giữa các thực thể. Nói gọn, giáo đoàn là mô hình tổ chức cật ruột với đạo lý hay thực chất Khất sĩ. Thực chất, tinh chất hay tinh thể này có thể hình dung là lõi cây mà người viết tạm gọi là dạng Phật giáo nguyên chất đã được chưng cất một lần nữa để trở thành tinh thể sau khi đã loại trừ hết những yếu tố không phải là tinh thể như phong tục tập quán, văn hóa tín ngưỡng, chính trị xã hội[9].

Khi cõi đời là một trường học lớn thì tất cả chúng sinh là học trò. Khi giáo đoàn là một lớp học trong trường thì việc tuyển sinh đầu vào cần phải thiết lập bằng cơ chế thử việc hay tập sự. Cơ chế này lọc lấy thành phần tinh hoa xã hội theo tiêu chí “hiền đức siêu nhân” để đào tạo hay chuyển hóa thành vị Khất sĩ với tâm tánh thuần thục. Hai thành phần được bộ lọc đầu vào ngăn cản, không cho xâm nhập là người tội lỗi và kẻ tự cao. Môi trường giáo đoàn được thiết lập và vận hành theo hướng tạo nên và duy trì độ khử độc rất cao. Trong môi trường đó, chất độc có tên là “tà ác vô minh khổ não” không có cơ hội nẩy sinh, phát triển là lan tỏa. Nhờ những tiêu chí trên mà giáo đoàn được miêu tả bởi ý niệm liên quan với cánh chung luận như “cõi Niết-bàn hữu dư trên mặt đất hiện tại”. Chơn Lý nói: “Những ai mới vào tập sự, coi khá, thì cho mặc y bát tạm một thời gian, hoặc từ hai năm, nếu được thì cho nhập đạo, bằng xem xét không được thi cho trở ra về thế. Vì sự lựa chọn kỹ lưỡng bậc hiền đức siêu nhân, cho nên đạo Khất Sĩ y bát tuy ít, mà lại rất cao, người tội lỗi khó bước lên, kẻ tự cao khó bước xuống, trong đó thảy thuần thục như nhau, sự tà ác vô minh khổ não không sao có được, nên mới gọi giáo hội tăng già, là cõi Niết-bàn hữu dư trên mặt đất hiện tại. Mà không xã hội gia đình nào, ví sánh sự hòa hiệp yên vui của đạo cho kịp. Cho nên đạo là trên trước quí báu hơn hết trong đời.[10]” Nói gọn lý tưởng mà một người hướng đến khi đứng ra xây dựng giáo đoàn là tái hiện lại cõi hữu dư Niết-bàn trên mặt đất. Đầu vào giáo đoàn là cửa hẹp và bộ lọc nhuyễn, cụ thể là độ thử thách phù hợp; đầu ra sẽ tương ứng với đầu vào.

4. Tiêu chí để có một vị đứng ra khai lập và lãnh đạo giáo đoàn là có lý tưởng tái lập cõi Niết-bàn hữu dư ngay từ đầu và những phẩm chất khác khi triển khai hiện thực hóa lý tưởng.  

Tấm lòng dành cho việc xây dựng giáo đoàn được xem là điều mà tất cả vị Khất sĩ dù thuộc căn cơ nào đều cần phải có. Trong đó đối với vị Khất sĩ thuộc căn cơ đứng ra hành trì và khai lập giáo đoàn thì Chơn Lý đề ra năm tiêu chí mà vị ấy cần có gồm: (1) Thông chơn lý; (2) Có giới hạnh; (3) Hiểu chánh pháp; (4) biết cách học tu; (5) Rõ sự quý giá của muôn đời; (6) Nếm được mùi vị của Niết-bàn đạo lý. Rõ ràng bộ tiêu chí này đa số Khất sĩ không đáp ứng được và không thể là người khai lập mà chỉ là người làm theo mà thôi. Chơn Lý nói: “Giáo lý y bát không phải dễ, không phải tự ai muốn bước ra hành là được, nếu kẻ bắt chước, ham vui hoặc không thông chơn lý, chẳng có giới hạnh, không hiểu chánh pháp, chẳng biết cách học tu, không rõ sự quý giá của muôn đời, chẳng nếm được mùi vị của Niết-bàn đạo lý, thì khó mà thật hành, khó mà chắc chắn bền dài, khó mà giữ hạnh đắc đạo, và nhứt là sẽ bị ma vương phá đổ, chư thiên xô đùa, nhơn loài bắt tội, thú dữ hại thân, chớ dễ gì đủ can đảm diệt lòng tự trọng[11], để đứng ra đi xin ăn, bữa no bữa đói, thấp thỏi ăn mày cho chúng khi ngạo chửi la, làm như kẻ tội nhơn bị sa thải phải mặc áo tù, đầu cạo trọc, xấu hổ hơn kẻ tật nguyền. Bởi vậy cho nên từ xưa đến nay, đứng ra dẫn đầu lập đạo, thì chỉ có chư Như Lai Bồ Tát, bậc Chánh đẳng Chánh giác, đại hùng, đại lực, đại từ bi hỷ xả, mới thật hành được. Và từ sau đó, tăng đồ nương theo nẻo sẵn mới dễ dàng đi. Chớ bậc vua trời người, tuy cũng hiểu thông lẽ ấy, mà ngán sợ nỗi thi hành lâu năm nhiều tháng, chán nản rớt rơi té nặng.[12]

Trong tông chỉ “Nối truyền Thích ca Chánh pháp” có từ vựng “nối truyền” hàm nghĩa “làm theo”. Trong thực tế, chỉ là làm theo thôi cũng đã là một thách thức lớn lao, huống hồ gì đứng ra vạch vẽ chủ trương và làm mẫu: “đủ can đảm diệt lòng tự trọng, để đứng ra đi xin ăn, bữa no bữa đói, thấp thỏi ăn mày cho chúng khi ngạo chửi la, làm như kẻ tội nhơn bị sa thải phải mặc áo tù, đầu cạo trọc, xấu hổ hơn kẻ tật nguyền.[13]

Đoạn Chơn Lý trên cho thấy ai đủ chuẩn đứng ra, ai đủ chuẩn làm theo khi bậc vua trời người[14] vẫn bị xem là dưới chuẩn. Thử đặt câu hỏi: Làm theo mà có độ thách thức lớn như vậy, tại sao vẫn có người thực hiện? Nhìn từ một góc độ thì người ta thấy nó hấp dẫn ở chổ đó là một thiết bị đong đo để có thể nhận ra mức tối đa mà sức người có thể làm được khi dốc lòng tìm đạo. Đó là bộ máy đong đo ý chí hay độ quyết tâm của một người tìm đạo. Nơi đó người ta có thể thấy được giới hạn cuối cùng của bản thân về trí tuệ và bản lĩnh, về sức sáng tạo và sức thích nghi khi sống theo đạo lý hay còn gọi là làm theo.

5. Tinh chất xuất gia[15] là cái mà giáo đoàn cần có như một nét chính hay linh hồn của đoàn thể mà theo nguyên lý thì tổ chức tu hành nào cũng có thể có và có thể không có.

Khi xem cõi đời là trường đại học thì đầu vào là tất cả chúng sinh, giáo trình từ cấp một đến cấp hậu đại học có tên là tiến hóa, lớp cao nhất có tên là giáo đoàn, bằng tốt nghiệp cao nhất có tên là Niết-bàn. Năm cấp học trong trường học cõi đời gồm: (1) Lớp ác; (2) Lớp thiện; (3) Lớp huệ; (4) Lớp giải thoát; (5) Lớp Niết-bàn. Điều thú vị, Chơn Lý cho rằng cả năm lớp không lớp nào là không hữu ích. Cái nhìn của Chơn Lý vừa phân chia thứ lớp, tôn ti trật tự nhưng vẫn mang tính bình đẳng khi thấy rằng thậm chí lớp ác có sự hữu ích của lớp ác, có giá trị của lớp ác. Khỏi nói, lớp thiện hay lớp huệ chắc chắn có sự hữu ích và giá trị rồi.

Trong năm cấp học thì bốn cấp học đầu được định danh là tông giáo cư sĩ. Dựa trên định danh “tông giáo cư sĩ”, người đọc có thể hiểu rằng trong cái nhìn của Chơn Lý thì có cảnh giới gọi là “phi-tông-giáo xuất-gia” (PTXG). Đây là thuật ngữ rất riêng và rất Chơn Lý với hai mục từ đặt đồng vị với nhau. PTXG có thể được hiểu là tinh chất xuất gia, nó vượt ngoài những định nghĩa từ trước tới nay dành cho thuật ngữ xuất gia. Chơn Lý nói: “Vả chăng cõi đời trường học, có đủ nhiều lớp, từ thấp đến cao để dắt người, từ ác, đến thiện, đến huệ, đến giải thoát, đến Niết bàn, mà giáo pháp khất sĩ lại là mức cao viễn cuối cùng tối thượng! Người được đây là đã phải trãi qua bao lớp học của các tông giáo cư sĩ; thế là các phái môn đàng nào cũng hữu ích cả.[16]

Tinh chất xuất gia có mật độ tỷ lệ thuận với cấp học từ thấp đến cao và cao nhất được định danh là giáo pháp khất sĩ. Vì sự nhạy cảm xã hội, người đọc cần nhận thức một cách chắc chắn rằng giáo pháp khất sĩ ở đây đã rời khỏi ý nghĩa hay phạm vi của giáo đoàn, hệ phái, tông phái, giáo phái, giáo hội. Khất sĩ ở đây không liên can gì đến tên gọi hay danh xưng của tổ chức mà chỉ là một dụng từ để chỉ cho tinh chất xuất gia mà thôi. Hiểu như vậy thì một tổ chức hệ phái, tông phái, giáo phái dù tên của tổ chức đó có từ tố khất sĩ vẫn không nhất thiết có nghĩa rằng nơi đó có hay không có tinh chất xuất gia, một dạng tinh chất phi-tông-giáo. Nói theo chiều ngược lại, một tổ chức mà danh xưng không có từ tố khất sĩ cũng không bao hàm ý nghĩa là nơi đó không có hay có tinh chất xuất gia, một dạng tinh chất phi-tông-giáo thậm chí là phi-tôn-giáo[17].

Tinh chất xuất gia có thể hiểu là một dạng Phật tánh. Hiểu như vậy giúp giải thích lý do tại sao mà giáo đoàn không bỏ bất cứ ai muốn theo, dù đó là kẻ ở lớp thấp nhất trong năm lớp học miễn là kẻ đó có Phật tánh có hạt giống của tinh chất xuất gia nằm sẳn trong tâm hồn. Nói như vậy không hàm ý tứ rằng giáo đoàn cố gắng thâu nhận thành viên cho đông đảo.

Nhất quán với việc lấy tinh chất xuất gia làm điểm xuất phát mà cũng là cảnh giới chung cuộc, cuộc sống của tân thành viên trong giáo đoàn tập trung trọn vẹn cho việc tu Giới Định Huệ. Việc học văn tự chẳng những không được tính vào mà còn công khai bị loại ra. Điều này có thể giải thích là để tạo nên bước đột phá, một bước ngoặc lớn mang tính cách mạng giữa hai chương tương phản nhau trong cuộc đời của một hành giả Chơn Lý. Có thể xem đó là một màng lược có tính thanh lọc cao độ để khi đi xuyên qua màng lược này thì còn đọng lại chỉ là những tân thành viên xuất phát với thái độ buông bỏ cao độ và tập trung cao độ. Kết quả là số thành viên có tính giới hạn, phù hợp với nguyên lý càng tinh chất thì số lượng càng ít. Chơn Lý nói: “Bởi Giáo hội Tăng già Khất sĩ tu Giới Định Huệ, không có sự học, nương văn tự của bước đầu. Khất sĩ là pháp tu hành sau sự tập học của cư sĩ, chỉ là một lớp riêng rất ít của chúng sanh. Thế nên chư Tăng không bỏ những ai muốn theo, nếu có thể giữ giới luật được, mặc dầu cư sĩ nào muốn bước vào, và không bao giờ thâu nhận số đông lớp yếu nhỏ.[18]

 6. Giáo đoàn là bộ phận của một đại học có tên là chơn lý. Đại học chơn lý có lời hiệu triệu nhằm quảng bá thông tin về thành phần theo học, điều kiện học hành liên quan đến thân, tâm và trí, cũng như lợi lạc mà việc học mang lại.

Đại học chơn lý được xem là cấp học cao nhất và thành phần theo học là những bậc thượng trí. Vì tính đặc biệt của nó mà những nguyên lý thông thường không còn áp dụng. Cụ thể, nơi cư trú hàng ngàn năm qua được xem là nền tảng để người ta có thể làm nên bất cứ sự nghiệp gì, dù đó là sự nghiệp học hành. Điều này được cô đọng thành nguyên lý “An cư lạc nghiệp”. Cha mẹ, quyến thuộc hay mái ấm gia đình được xem là hậu phương vững chắc (HPVC) hàng ngàn năm qua chứng tỏ là nguồn lực về phương diện tình cảm, vật chất, tài chính, uy tín xã hội để một người có thể học thành tài ở những đại học thế tục. Biết bao nhiêu người đã lỡ dỡ chuyện học hành ở mọi cấp học thế tục vì thiếu HPVC. Trái ngược là trường hợp của đại học chơn lý, nơi mà nguyên lý HPVC chẳng những không phát huy tác dụng mà còn là một trở ngại cần phải vượt qua để gia nhập vào giáo đoàn với tinh chất xuất gia đạt mức cao nhất. Chơn Lý nói: “Vậy chúng ta nên học chơn lý! Chơn lý tức là trường đại học của bậc thượng trí! Mà muốn học, ắt chúng ta phải giải thoát những buộc ràng, lìa nhà cửa thế tục, xa cha mẹ trần gian, thân phải trong sạch, tâm được yên lặng, thì trí mới huệ sáng, nghĩa là phải xuất gia giải thoát làm Khất sĩ, nhập đạo tràng Giáo hội, vừa học vừa tu, học tu tuy cực nhọc hơn buổi ăn chơi, chớ thật là trung dung mạnh khỏe, và một kiếp tu hành, ngàn đời rảnh khổ, một thời ngộ đạo, vạn thuở an vui.[19]

Ở trên là sáu góc nhìn về giáo đoàn, từ chức năng đến nguyên lý vận hành, từ tính nhất quán nội tại đến nhân sự đứng đầu, và từ tinh chất xuất gia như là linh hồn của giáo đoàn đến lời hiệu triệu liên quan đến trạng thái thân tâm trí cần có và lợi lạc của việc tu hành mà môi trường giáo đoàn đem lại. Người đọc cảm nhận rằng cái nhìn của Chơn Lý chứa đựng yếu tố vĩ mô, quán xuyến, xuyên suốt và bao trùm, cụ thể là công lý võ trụ. Cái nhìn của Chơn Lý còn chứa đựng yếu tố siêu vượt có tên là tinh chất xuất gia và yếu tố hiện thực như cách xử lý hay thái độ đối với chuyện nhà cửa áo cơm. Đại học chơn lý mà Chơn Lý thiết kế và lập hồ sơ thiết kế được phê chuẩn và ấn ký bằng một tâm thái tin tưởng lạc quan của một tâm hồn an trú thảnh thơi trong chánh pháp: “Vừa học vừa tu, học tu tuy cực nhọc hơn buổi ăn chơi, chớ thật là trung dung mạnh khỏe, và một kiếp tu hành, ngàn đời rảnh khổ, một thời ngộ đạo, vạn thuở an vui”.

 

[1] Ngoài vai trò là một hành giả Phật giáo với những điều cần quan tâm và hành động theo sự dẫn dắt của Giáo hội hiện hành các cấp, các ban ngành viện cụ thể qua những đường lối, chủ trương, quyết nghị, quyết sách đã được thông qua thì vị hành giả Chơn Lý còn có những điều gì khác cần phải quan tâm, hành trì và sống theo để có thể xưng gọi là hành giả Chơn Lý có thực chất ở một mức độ nào đó.

[2] Thận trọng về danh xưng, người viết dùng phép nói giảm là giáo đoàn chứ thật ra Chơn Lý dùng từ chính xác hơn. Đó là từ “Giáo hội tăng-già”.

[3] Chơn Lý Nam và Nữ.

[4] Xin tham khảo thêm Chơn Lý Công Lý Võ Trụ.

[5] Chơn Lý Công Lý Võ Trụ.

[6] Original Buddhism at its well-refined or ultimate purity.

[7] Kinh Ðại không (Mahàsunnata sutta). 

[8] Chơn Lý Khât Sĩ.

[9] Buddhism at its well-filtered or well-refined essence after getting rid of elements from culture, faith, religion, society and politics.

[10] Chơn Lý Y Bát Chơn Truyền

[11] Dùng từ bất thường để nhấn mạnh yếu tố khó khăn và đối diện thách thức lớn nhất.

[12] Chơn Lý Y Bát Chơn Truyền

[13] Chơn Lý Y Bát Chơn Truyền.

[14] Người viết không triển khai ý nghĩa cập nhật của vua trời người.

[15] Sơ tâm xuất gia hay xuất tam giới gia.

[16] Chơn Lý Cư Sĩ.

[17] Theo nghĩa là không thuộc về một tôn giáo nhất định nào cả.

[18] Chơn Lý Cư Sĩ.

[19] Chơn Lý Học Chơn Lý

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan