Đạo Phật Khất Sĩ: Quá khứ và hiện tại
- ĐĐ. Minh Duy
- | Thứ Năm, 07:01 27-07-2017
- | Lượt xem: 4257
I. Dẫn Nhập
Đạo Phật Khất sĩ (ĐPKS) ra đời tại miền Nam Việt Nam vào giữa thế kỷ XX (1946), giai đoạn lịch sử đầy biến động của chính trị và đời sống xã hội. Đây cũng là lúc diễn ra tình trạng tín ngưỡng bị pha tạp giữa các niềm tin tôn giáo. Trong bối cảnh ấy, xu hướng chung của con người là tìm cho mình một chỗ dựa tinh thần, một điểm tựa tâm linh an ổn hầu vượt qua những cam khổ của cuộc đời. Giữa lúc đó, một nguồn ánh sáng mới xuất hiện góp phần củng cố lại niềm tin và đồng thời đã trở thành một trong những nguồn dưỡng chất tinh thần, tâm linh cho quần chúng tại Nam Việt Nam thời bấy giờ. Nguồn ánh sáng mới đó cũng chính là dòng đạo mới mang đậm bản sắc đặc trưng của người dân Việt Nam với tông chỉ và tên gọi: “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”.
ĐPKS là mô hình khôi phục và tiếp nối đường lối y bát chân truyền và tu tập sinh hoạt theo đúng nguyên mẫu Tăng đoàn lúc Phật còn tại thế. Sau khi đức Phật nhập Niết-bàn ba thế kỷ, giáo pháp Phật lưu truyền theo hai hướng Nam, Bắc. Tùy theo căn cơ, trình độ, phong tục, địa dư và văn hóa đời sống của dân chúng có khác nhau mà phương pháp tu tập, hành trì cũng có điểm khác nhau.
Đạo Phật truyền vào Việt Nam từ hàng ngàn năm qua và đã trải qua bao độ hưng suy theo biến thiên lịch sử. Đến đầu thế kỷ XIX, cả ba miền Bắc Trung Nam đều nổi lên các cuộc phong trào chấn hưng Phật giáo (bắt đầu từ năm 1923 cho đến năm 1935). Trong thời gian đầu, các phong trào chấn hưng vẫn còn nặng về mặt lý thuyết, chưa đi sâu vào thực hành. Theo nhận định của TT. Thích Mật Thể: “Phật giáo hiện thời đã có phần chấn chỉnh. Nhưng có một trở lực mà chưa hội nào hay sơn môn nào giải quyết, là bằng cổ động thì hội nào cũng cổ động bằng quốc văn là nền văn hóa phổ thông, nhưng kho kinh điển triết lý nhà Phật vẫn còn nguyên khối bằng Hán văn. Vả lại, dấu tích đồi bại, điêu tàn của ngày qua, hiện nay vẫn còn lưu hành rõ rệt và có thế lực. Nên thật ra cả mấy hội Phật học ấy, ngoài mấy việc xây hội quán, làm chùa và cổ động một số đông người quy y, còn chưa hội nào làm được việc gì vĩ đại có vẻ đỉnh cách cho nền Phật giáo cả. Trong lúc này, đại đa số Tăng đồ trong sơn môn vẫn còn mơ màng thiêm thiếp, chưa làm một việc gì tỏ rõ là người thức tỉnh. Cho nên, tuy hiện giờ có phong trào chấn hưng mà kỳ thực mới là chấn hưng hình thức và danh hiệu” [1].
Phản ánh thực tế này, Tổ sư Minh Đăng Quang trong Chơn lý đã nói: “Đạo Phật ngày nay không còn giống như xưa nữa, ai cũng gọi mình là đệ tử Phật, niệm tên Phật mà không giữ giới luật. Tông giáo càng rộng, tín ngưỡng càng nhiều thì giới luật càng mất, Tăng đồ càng suy vi thì vật chất càng thạnh. Tăng là giềng mối tâm hồn, là tinh thần sanh chúng, thế mà Tăng chia lìa thất lạc thì thần vật chất sao chẳng hoành hành, chôn lấp chúng sanh, trần thế sao không nguy hại”[2].
Thật vậy, đây là lúc tình hình Phật giáo Việt Nam nói chung và miền Nam nói riêng trong tình trạng suy vi bi đát. Nam Bộ vốn là vùng đất mới của Tổ quốc. Phật giáo ở vùng này có điểm khác biệt với Phật giáo miền Bắc và miền Trung, vốn có truyền thống lịch sử lâu đời.
Phật giáo miền Tây Nam Bộ là sự pha trộn giữa tín ngưỡng dân gian mang đậm màu sắc mê tín (bùa ngãi, phù chú), cùng với tâm thức con người còn in đậm yếu tố môi trường sống của một vùng đất mới khai phá còn hoang vu, đầy sơn lam chướng khí và thú dữ. Tính cách của người dân nơi đây vốn chất phác, nhân hậu, hào hiệp nhưng cũng rất dễ tin. Họ dễ bị tiêm nhiễm những tư tưởng tiêu cực, ít bữa nghe nói chỗ này Phật về, vài hôm lại nghe chỗ kia Thánh hiện. Ai cũng tự xưng mình là Phật mượn xác, là thánh nhập hồn để cứu nhơn độ thế. Tà giáo ngoại đạo lợi dụng kẽ hở này để xâm nhập vào những nơi tín ngưỡng như chùa chiền chẳng hạn. Những bậc tuệ đức thì hiếm hoi, hoạt động tín ngưỡng thì lỏng lẻo, thiên về cúng bái quàng xiên, thiếu môi trường giáo dục. Vì vậy, cả tu sĩ lẫn cư sĩ mỗi ngày một ít, từ chỗ chánh tín chuyển thành mê tín, chánh mạng thành tà mạng là điều không tránh khỏi.
Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam là một hệ phái biệt truyền do đức Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập. Tăng đoàn do Ngài hướng dẫn sinh hoạt và tu học theo truyền thống của Phật Tăng xưa (trì bình khất thực, ăn ngọ, không giữ tiền, du phương hành đạo, sống dưới những gốc cây v.v...).
Xã hội ngày nay đang trong bối cảnh toàn cầu hóa, Phật giáo cũng đang chuyển mình và đồng hành tốt trong quá trình này. ĐPKS cũng không thể nằm ngoài quy luật ấy nếu muốn phát triển một cách hài hòa vào lòng dân tộc. Theo quy luật tự nhiên, không một sự vật, sự việc nào tồn tại một cách độc lập mà không cần những yếu tố ngoại duyên. Chúng cần phải có sự quan hệ hỗ tương mà trong giáo lý nhà Phật gọi là trùng trùng duyên khởi. Có thể nói, trong thời điểm hiện nay Phật giáo Việt Nam nói chung, hay ĐPKS nói riêng, đang trong giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, khi bình tâm quán chiếu một cách sâu sắc thì chúng ta nhận ra rằng ĐPKS đã “phát triển” khá xa so với thời kỳ nguyên thủy.
II. Nội Dung
1. Kiến trúc – thờ phụng
Tịnh xá là nơi thờ phượng và cũng là chỗ cư trú, sinh hoạt chư Tăng Ni, Phật tử. Công trình chính của tịnh xá là ngôi chánh điện. Mô hình chánh điện nguyên thủy của ĐPKS là hình bát giác (8 cạnh); tượng trưng cho Bát Chánh Đạo, một lối kiến trúc độc đáo, đặc trưng. Đây là biểu tượng con đường trung đạo đưa chúng sanh đạt được sự an lạc, giải thoát. Bên trên là hình tứ giác tượng trưng cho Tứ Diệu Đế - nền tảng căn bản trong giáo lý Phật-đà. Theo quy cách xây dựng xưa kia: “Tịnh xá phải 8 thước, vuông bốn phía, hình bát giác. Có nhà giảng thuyết pháp, góc vuông 16 thước. Có nhà độ cơm nghỉ mát, bề ngang 8 thước, bề dài 16 thước (ba cái này gọi là nhà Tam bảo), và có nhà thờ riêng cho cư gia, bề dài 8 thước, bề ngang 4 thước.” [3] Phía bên trong chánh điện thờ tôn tượng của đức Bổn sư Thích ca ngồi bên trong tòa bảo tháp 13 tầng, biểu tượng của con đường tiến hóa từ chúng sanh đến quả Phật (lục phàm – tứ thánh – tam tôn).
ĐPKS buổi đầu không nặng về hình thức, thờ phượng cốt tượng, đức Tổ sư dạy trong Chơn lý: “Thuở Phật sanh tiền, Phật và Tăng là bậc giải thoát tu chơn, nên không có thờ phượng. Các Ngài không có bày ra sự thờ phượng bên ngoài, cùng các nghi lễ cúng kiếng phức tạp; các Ngài chỉ quý trọng tư tưởng giáo lý. […] Vậy thì chúng ta nên hiểu rằng thờ phượng là một phương pháp tạm trong lúc đầu cho kẻ ác quấy tội lỗi yếu tâm non dạ. Sự thờ phượng tạm ấy là để an ủi khuyến khích kềm giữ đức tin, nhắc nhở cho kẻ mới sơ cơ, như nhỏ dại một lúc đầu thôi, rồi về sau là phải tự giác ngộ, tự lo tu để mà làm Phật, y như Phật, chớ phải đâu vĩnh kiếp làm tôi đòi cho cốt tượng”.[4] Chính vì thế mà tịnh xá Khất sĩ thời kỳ đầu kiến trúc rất đơn giản với chòi tranh vách lá, vật liệu chủ yếu là cây gỗ. Mô hình thờ phượng ngoài tôn tượng đức Phật Bổn Sư và tranh hình Tổ, không thờ thêm bất cứ hình cốt nào khác.
2. Đời sống tu học
Việc ăn ở ban đầu khi ĐPKS ra đời, Tăng đoàn chỉ trú gốc cây không quá hai đêm một chỗ, không nấu nướng cất giữ, không thọ nhận tiền bạc vật báu. Sau khi có trú xứ, chư Tăng chỉ được phép lưu trú không quá 3 tháng một nơi. Ngày nay, do tùy thời duyên, Tăng đoàn Khất sĩ đã hòa nhập chung với sinh hoạt Giáo hội, việc bổ xứ thường trụ hay cất giữ tiền bạc, ăn ngọ... cũng được tùy duyên phương tiện. Tuy vậy, những điều căn bản trong nếp sống truyền thống tăng đoàn Khất sĩ vẫn nghiêm trì.
Đời sống tu học của Tăng sư Khất sĩ truyền thống dựa trên nền tảng Tứ y pháp. Tứ y pháp là bốn điều khuyên dạy của đức Tổ sư Minh Đăng Quang dành cho đồ chúng mà một vị Tỳ kheo phải hành trì suốt đời với mục đích làm thanh tịnh thân tâm, hướng đến hạnh xả ly, đạt được giải thoát khỏi mọi sự ràng buộc của vật chất đời thường. Tứ y pháp giúp cho hành giả sống một đời sống thanh cao, thanh bần đạm bạc của một nhà sư phạm hạnh. Tứ y pháp gồm: 1. Nhà sư khất thực phải lượm những vải bỏ mà khâu lại thành áo nhưng có ai cúng vải thì được nhận; 2. Nhà sư khất thực chỉ ăn đồ xin mà thôi nhưng ngày hội thuyết pháp, đọc giới bổn, thì được ăn tại chùa; 3. Nhà sư khất thực phải nghỉ dưới cội cây nhưng có ai cúng lều am nhỏ thì được ở; 4. Nhà sư khất thực phải lượm phân uế của bò mà làm thuốc trong khi đau, nhưng có ai cúng thuốc dầu đường thì được dùng.[5] Sống và hành theo Tứ y pháp, tức là đang sống và đi trên con đường xả ly tịch tịnh, hướng đến sự giác ngộ, giải thoát như chư Phật ba đời. “Khi xưa Đức Phật chỉ ra chánh pháp là tứ y pháp, trung đạo mà chư Phật và chư Tăng đã hành trì” và “ai hành trì đúng tứ y pháp là đúng chánh pháp của chư Phật ba đời, là giáo lý y bát chơn truyền.”[6]
3. Tên gọi - Pháp danh
Thời đức Thế Tôn còn tại thế, Ngài gọi các đệ tử của mình là Đại đức, như Đại đức Xá Lợi Phất, Đại đức Mục Kiền Liên, v.v... Cũng như thế, đức Tổ sư Minh Đăng Quang gọi các đệ tử của mình là Đại đức Giác Chánh, Đại đức Giác Tánh, v.v... Pháp danh của các vị đệ tử Tổ sư đều nhất quán với chữ Giác, như Giác An, Giác Nhiên … Đến mùa Tự tứ năm 1968, Pháp sư Giác Nhiên - Tổng Tri sự Trưởng Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam đã quyết định chọn chữ “Minh” thay cho chữ “Giác” để đặt pháp danh cho tăng sư Khất sĩ.[7] Xưa nay, cách đặt pháp danh cho Tăng Ni trong Hệ phái đều nhất quán và mang nét đặc thù. Từ đó đến nay tất cả pháp danh trong Hệ phái chỉ lót chữ Giác hoặc Minh đối với chư Tăng, và chữ Liên dành cho chư Ni. Thế nhưng thời gian sau, vấn đề này không còn tính nhất quán nữa. Hiện nay, một số giáo đoàn đặt pháp danh cho đệ tử chữ đầu là Giác, Minh, Giác Minh, Giác Đăng, Tịnh… Chư Ni Khất sĩ thì trước nay được mọi người biết đến với chữ Liên đi kèm, nhưng nay lại xuất hiện chữ Hạnh, Tâm, v.v... Việc đặt pháp danh như vậy chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng không dựa vào hạ lạp mà chỉ dựa vào cảm tính của vị thầy hoặc của từng Giáo đoàn. Nếu cần có sự thay đổi thì ít nhất cũng nên thay đổi đồng bộ và quán triệt bằng văn bản hay nội quy chung của toàn Hệ phái.
4. Pháp phục
Cũng như đặt pháp danh, vấn đề pháp phục cần có sự đồng bộ và thống nhất về màu sắc, kiểu may. Đây là một vấn đề đã từng được chư Tôn giáo phẩm quan tâm và chỉ thị, nhưng sự thực thi vẫn còn tính chất tự phát, chưa có sự đồng bộ và quán triệt một cách rộng rãi toàn vẹn. Một số vị có khuynh hướng sử dụng y điều của truyền thống Nam truyền hoặc là may y bá nạp quá dày, quá nhiều màu. Việc thái quá bất cập ấy cần phải được điều chỉnh để sự thống nhất của Tăng đoàn được biểu thị ở hình thức pháp phục.
Những điều vừa đề cập trên đây tuy không phải là vấn đề mang tính cấp thiết sống còn, nhưng chúng cũng không kém phần quan trọng. Mặc dù có những vấn đề chỉ mang tính hình thức ngoại tại nhưng từ những hình thức này cũng thể hiện sự hoà hợp, nói lên tính nhất quán đồng bộ của một tập thể và đó cũng là một trong những nét đặc thù của Hệ phái Khất sĩ. Thiết nghĩ, đây là những vấn đề mà chư Tôn đức lãnh đạo Hệ phái cần nên lưu tâm hơn nữa để cho những nét đặc thù, bản sắc của Hệ phái được gìn giữ và phát huy.
III. Kết luận
Dẫu biết rằng, ngay từ thuở khởi nguyên của đạo Phật, lúc đức Thế Tôn còn tại thế, cũng như lúc ban sơ của ĐPKS, khi những bậc Tổ, Thầy còn hiện tiền thì những vấn đề về hình thức không quan trọng, không mang tính cấp thiết mà mục đích tối hậu của một hành giả là nỗ lực tu tập để đạt được giải thoát. Thế nhưng, Phật giáo muốn tồn tại song hành cùng với thời đại thì phải có những thay đổi cho phù hợp với thời duyên nhưng đừng đánh mất đi bản sắc.
Chúng ta đang sống trong thế kỷ XXI của khoa học và tri thức thì không thể cứ mãi ù lỳ và cứng nhắc, cứ rập theo những khuôn mẫu của xa xưa, mà phải uyển chuyển và ứng dụng tính phương tiện và nhập thế của nhà Phật. ĐPKS cũng vậy, không thể cứ phải cứng nhắc y theo những gì của buổi sơ khai như là không giữ tiền, sống dưới những gốc cây…, mà phải uyển chuyển thích nghi với quốc độ mà mình đang hành đạo.
Những gì là tinh hoa đặc thù của Hệ phái thì cần phải phát huy và gìn giữ, thế nhưng những gì không còn thích ứng và phù hợp với thời đại thì cần phải sửa đổi. Tiếp thu có chọn lọc, phát huy trên nền tảng cũ là điều ĐPKS cần làm để có thể đứng vững và phát triển theo cùng thời gian. Có những điều cần phải thay đổi để cho phù hợp với cuộc sống xã hội đương thời thì không thể khư khư chấp chặt. Tuy vậy, tinh thần cốt tuỷ của đạo Phật cũng như ĐPKS, cái bản chất ban sơ vốn có của nó cần phải gìn giữ và phát huy, không được đánh mất hay làm phai mờ đi.
Xin được trích dẫn lời của HT. Giác Toàn phát biểu tại buổi lễ Tưởng niệm 55 năm đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng thay cho lời kết: “Sự thay đổi hình thức sinh hoạt của Phật giáo nói chung, và của Hệ phái Khất sĩ nói riêng, là tùy cơ để phù hợp với thời duyên; nhưng cái tinh thần khất sĩ của Tăng Ni vẫn mãi duy trì”.
[1] TT. Thích Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược.
[2] Chơn lý 51, “Thờ phượng”.
[3]Chơn lý “Luật nghi Khất sĩ”, tr.55.
[4]Chơn lý 51 “Thờ phượng”.
[5]Chơn lý“Luật nghi Khất sĩ”, tr.47.
[6] Chơn lý 25 “Chánhpháp”.
[7]Chỉ có Giáo đoàn IV đổi chữ Minh, các giáo đoàn còn lại vẫn tiếp tục lấy chữ Giác.
Các bài viết liên quan
- Đạo Phật Khất sĩ và bốn tinh thần tiêu biểu trước khi hòa nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Thứ Bảy, 08:56 14-05-2022 - xem: 3937 lần
- Công trình dung hợp khởi phát từ Tổ sư Minh Đăng Quang - Thứ Ba, 09:42 19-04-2022 - xem: 7444 lần
- Sư phát triển của Hệ phái Khất sĩ tại hải ngoại - Thứ Ba, 08:11 19-04-2022 - xem: 4887 lần
- Căn cốt của Hệ phái Khất sĩ và yêu cầu của từng thời đại khác nhau - Thứ Ba, 01:10 19-04-2022 - xem: 4783 lần
- Bước đầu nhận diện những nét chính của Giáo đoàn Khất sĩ và của vị Hành giả Chơn lý - Thứ Ba, 00:51 19-04-2022 - xem: 4114 lần
- Tinh tấn tu tập nhiếp phục thân khẩu ý thanh tịnh - Thứ Năm, 10:14 29-07-2021 - xem: 10202 lần
- Kinh nghiệm kiểm soát và chuyển hóa ác nghiệp - Thứ Hai, 11:47 26-07-2021 - xem: 6937 lần
- Phát huy những giá trị tốt đẹp của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ - Thứ Bảy, 22:38 03-04-2021 - xem: 7528 lần
- Phát huy giá trị tôn giáo và xã hội của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - Thứ Năm, 10:28 01-04-2021 - xem: 5846 lần
- Những giá trị của Hệ phái Khất sĩ trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - Thứ Năm, 10:08 01-04-2021 - xem: 7441 lần
- Hòa thượng Thích Giác Toàn chia sẻ nhân duyên với Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang - Chủ Nhật, 00:03 14-03-2021 - xem: 8130 lần
- Quá trình hình thành và phát triển Hệ phái Khất sĩ Việt Nam ở Bình Dương - Thứ Bảy, 02:54 18-07-2020 - xem: 8594 lần