Đôi điều về giá trị Tôn giáo và Xã hội của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- TT. Giác Duyên
- | Thứ Tư, 18:14 24-06-2020
- | Lượt xem: 5968
Tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng luôn hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ. Phật giáo có những đóng góp cho xã hội, cho khối đại đoàn kết toàn dân, điển hình là tịnh xá Phú Cường thuộc Hệ phái Khất sĩ thực hiện phần nào nhằm nâng cao giá trị này trong xã hội.
I. GIÁ TRỊ TÔN GIÁO VÀ XÃ HỘI CỦA HỆ PHÁI PHẬT GIÁO KHẤT SĨ THỂ HIỆN QUA VIỆC HÒA HỢP TU HỌC, SINH HOẠT
Đạo Phật là tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng nhất ở nuớc ta. Trên đường truyền bá và hội nhập, Phật giáo luôn luôn thực hiện tính khế lý và khế cơ. Giáo lý Duyên khởi là học thuyết căn bản giúp cho chúng sanh nhận thức được nguyên nhân và sự hình thành của các pháp tất cả là do nhân duyên kết hợp mà thành, nhân duyên ly tán các pháp liền tan rã. Từ đó, phản bác lý thuyết "Sáng tạo của Phạm thiên", không có một đấng siêu nhiên có quyền năng sáng tạo hay hủy diệt sự tồn tại của một thật thể.
Thuyết Nhân quả - Nghiệp báo dựa trên nền tảng học thuyết Duyên khởi. Với học thuyết này, các sự vật theo tiến trình nhân quả, chúng sanh hữu tình chịu sự chi phối bởi tiến trình Nhân quả - Nghiệp báo. Những gì do nghiệp khởi sinh trong hiện tại rất quan trọng vì hạnh phúc hay thống khổ trong tương lai phần lớn tùy thuộc vào hiện tại. Cũng như những hành động quá khứ ảnh hưởng nhiều hay ít đến tính tình, hoàn cảnh hiện tại. Mỗi người là vị kiến trúc sư xây đắp số phận của mình, thậm chí tạo thiên đường hay địa ngục cũng chính mình tạo nên.
Trong Phật giáo, tinh thần hòa hợp, đoàn kết tạo thành chất keo sơn gắn kết theo lý nhân duyên “cái này sinh thì cái kia sinh”. Từ xưa đến nay, tinh thần đoàn kết là một trong những yếu tố quyết định sự trường tồn hay sớm diệt vong của một tổ chức, một quốc gia. Chính điều này đã được đức Phật nêu ra trong kinh Đại Bát-niết-bàn (thuộc kinh Trường Bộ). Kinh thuật lại sự kiện quốc vương Magadha (Ma-kiệt-đà) là vua Ajatasattu (A-xà-thế) muốn chinh phục xứ Vajjī (Bạt-kỳ) nên sai đại thần Vassakara (Vũ-xá) đến bái kiến đức Phật, dặn vị này nhân danh nhà vua đảnh lễ và vấn an đức Phật rồi nhân đó thăm dò ý kiến của đức Thế Tôn về việc chinh phục xứ Vajjī.
Sau khi nghe đại thần Vassakara trình bày ý muốn của đức vua Ajatasattu, đức Phật không trả lời trực tiếp mà quay qua hỏi tôn giả Ānanda về tình hình nước Vajjī:
- Này Ānanda, ngươi có nghe dân Vajjī thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau không?
- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjī thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau.
- Này Ānanda, khi nào dân Vajjī thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau, thời này Ananda, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ānanda, ngươi có nghe dân Vajjī tụ họp trong niệm đoàn kết giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết không?
- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjī tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết.
- Này Ananda, khi nào dân Vajjī tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết, này Ānanda dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
(Trích Kinh Trường Bộ - Kinh 16, Kinh Đại Bát-niết-bàn)
Trong một tập thể cùng sinh hoạt chung, sống chung, tinh thần lục hòa cộng trụ của Phật giáo không thể không thực hiện. Lục hòa là sáu phương pháp cư xử với nhau cho hòa hợp từ vật chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm, đó là “Thân hòa đồng trụ”, cùng sống hòa hợp với nhau trong một cộng đồng; “Khẩu hòa vô tranh”, trao đổi với nhau bằng những lời khả ái không tranh cãi; “Ý hòa đồng duyệt”, cùng vui với nhau nhờ ý tưởng hòa hợp; “Giới hòa đồng tu”, cùng tu tập với nhau theo đúng giới luật đức Phật đã chế; “Kiến hòa đồng giải”, cùng nêu ra và giải thích với nhau những hiểu biết và những kinh nghiệm của từng người một cách chân tình; và “Lợi hòa đồng quân”, cùng chia sẻ với nhau mọi quyền lợi vật chất có được một cách đồng đều.
Đối với một gia đình, mọi nguồn lợi của gia đình phải được chi tiêu theo kế hoạch chung, không thể chồng hay vợ tùy ý chi riêng cho bản thân của mình. Rất nhiều gia đình xảy ra sự bất hòa cũng vì vấn đề này. Việc mua sắm may mặc cho mỗi cá nhân trong gia đình cũng phải được đề ra trong kế hoạch chi tiêu của gia đình. Vật chất chi tiêu không đồng đều hài hòa giữa các thành viên sẽ đưa đến sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình.
Trong một đất nước, nếu áp dụng được sáu phép hòa kỉnh như trên; cùng chung sống trong một nước, mọi người biết gìn giữ lời nói hòa nhã, không lớn tiếng cãi vả nhau, bao giờ cũng có ý niệm hòa hiệp vui vẻ với nhau, biết cùng nhau học hỏi nâng cao trình độ văn hóa, mở mang kiến thức, người giàu biết giúp đỡ người nghèo, biết điều hòa kinh tế, thì làm sao mà dân chúng không an vui hạnh phúc? Nếu cả xã hội áp dụng sáu phép hòa hợp này thì một xã hội an lạc hòa bình chắc chắn được xây dựng thành công trong thời đại này.
Phật giáo Việt Nam mang những đặc điểm khác biệt so với Phật giáo của các nơi khác trên thế giới bởi Phật giáo Việt Nam tiếp nhận cả hai dòng truyền lớn nhất là Bắc tông và Nam tông. Bằng sự dung hợp từ hai Hệ phái chính truyền ấy ở giai đoạn Chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX mà xuất hiện Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam (nay gọi là Hệ phái Khất sĩ).
Người khai sáng Đạo Phật Khất sĩ là đức Tổ sư Minh Đăng Quang, Ngài đã vận dụng kết hợp hài hòa được hai truyền thống lâu đời của Phật giáo thế giới, khẳng định con đường tu tập theo Phật giáo đều ngang qua GIỚI ĐỊNH TUỆ. Ngài đề cao đường lối “không phân Đại thừa và Tiểu thừa”, hình thành nên một hệ tư tưởng mang đậm tính dân tộc, thể hiện được tính phổ biến, gần gũi và dễ hiểu, dễ học, dễ hành trì. Vì thế, mặc dù ra đời sau hai Hệ phái lớn nhưng Hệ phái Khất sĩ đã có sức lan tỏa rộng và tầm hoạt động lợi đạo ích đời mỗi ngày một thêm lớn mạnh. Một trong những điều mà đức Tổ sư Minh Đăng Quang đề ra là "NỐI TRUYỀN THÍCH CA CHÁNH PHÁP", "NÊN TẬP SỐNG CHUNG TU HỌC."
Đức Tổ sư Minh Đăng Quang dạy:
- “Nào ai có thể tự sống riêng biệt lấy mình, mà không cần nhờ nơi tất cả? Chính thân ta đây, đã do biết bao người tạo sanh và nuôi dưỡng. Một điểm tinh cha, một chút huyết mẹ, hòa hiệp thành hình, từ lúc lọt lòng, đã chịu ơn muôn loại: thức ăn, sự mặc, chỗ ở, thuốc men, các việc nhu cầu, v.v... há phải chỉ một đôi người đảm nhận ? Vạn vật chung quanh ta lúc nào cũng đỡ nâng đùm bọc, ta là kẻ quá nhỏ nhen, đang xin nhờ nơi tất cả, mà mỗi chúng ta không ai tự mình có sẵn muốn chi được vậy.” (Chơn lý "Hòa Bình")
- “Đạo của sống là xin nhau sống chung, đạo của biết là học chung, đạo của linh là tu chung.” (Chơn lý "Hòa Bình")
- “Cả thảy chúng sanh đều là Khất sĩ xin học tu chung, tạm sống đổi thay mãi, đi tới hoài, không chỗ nơi an trụ, để tiến tới cảnh toàn giác, toàn năng, toàn sống, toàn tu, hoàn toàn vắng lặng tự nhiên bất diệt của đạo đức võ trụ.” (Chơn lý "Hòa Bình")
- “Ta là tất cả, tất cả là ta; ta sống cho tất cả, tất cả sống cho ta; tiếng ta đây là tất cả, đó tức là chơn lý võ trụ” (Chơn lý "Hòa Bình")
- “Võ trụ giống như bà mẹ, chúng ta là những kẻ sống chung, chúng sanh tất cả là con chung của võ trụ” (Chơn lý "Võ trụ").
- “Khất sĩ được để lại gương mẫu cho đời, về sự không tranh, bình đẳng, hiệp hòa, sống chung, học chung, tu chung với nhau để gương cho đời bằng sự thật hành tu tập, y theo chơn lý sống, biết, linh, trong võ trụ đạo đức.” (Chơn lý "Đạo Phật Khất sĩ").
Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang luôn nêu cao tinh thần sống chung, học chung và tu chung, không ngoài mục đích là “NỐI TRUYỀN THÍCH CA CHÁNH PHÁP”. Như thế, cái sống được an lạc, được hạnh phúc đúng nghĩa hay hơn hết là phải biết sống chung. Cái học hay nhất để tiến hóa, để đến với cái biết là phải học chung. Để thành tựu quả linh, đạt giác ngộ giải thoát, độ tận chúng sinh, con đường thù thắng hơn hết là phải tu chung.
Để tiếp nối con đường chư Phật, hàng hậu học cần theo Chánh pháp trung đạo (Bát chánh đạo), cần phải sống chung tu học. Bởi thế, mỗi năm, hệ phái Khất sĩ đều có:
- Các Khóa tu truyền thống Khất sĩ 7 ngày cho 6 Giáo đoàn và chư Ni.
- Một khóa Bồi dưỡng Đạo hạnh các vị Tân Tỳ-kheo, Sa-di, Sa-di-ni, Tập sự toàn Hệ phái và 2 khóa của Giáo đoàn III.
- Chư Tăng Ni mỗi Giáo đoàn đều tập trung lo Đại lễ Vu lan - Tự tứ vào dịp Rằm tháng 7 âm lịch. Đặc biệt, 5 năm một lần toàn thể Tăng Ni, Phật tử Hệ phái Khất sĩ lo Đại lễ Tưởng niệm đức Tổ sư Minh Đăng Quang dịp mùng 1 tháng 2 âm lịch.
Như thế, giá trị tôn giáo và xã hội vô cùng ích lợi, có ý nghĩa là đáng quý về một mặt nào đó trong tôn giáo, trong xã hội. Một trong những giá trị của tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng là tính nhân bản (tin vào thuyết Nhân duyên, Nghiệp báo, không tin vào Đấng Sáng thế) và thể hiện tinh thần hòa hợp, đoàn kết. Chính vì đoàn kết thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung. Cho nên, đoàn kết dân tộc là một giá trị tinh thần to lớn, một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, được hun đúc trong suốt mấy ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Nhờ tập sống chung tu học, mọi người có cơ hội gần gũi với nhau và cảm thông nhau hơn, cùng sách tấn, cùng được tu học tốt...
II. GIÁ TRỊ TÔN GIÁO VÀ XÃ HỘI CỦA HỆ PHÁI PHẬT GIÁO KHẤT SĨ TRONG XÂY DỰNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, ĐIỂN HÌNH ĐỒNG BÀO PHẬT TỬ DÂN TỘC THIỂU SỐ SINH HOẠT TẠI TỊNH XÁ PHÚ CƯỜNG
Tôn giáo nói chung Phật giáo nói riêng đều có mục đích đem lại sự an vui cho mọi người. Phật giáo truyền vào Việt Nam từ hơn 2000 năm. Đối với vùng Tây nguyên của Tổ quốc Việt Nam thân yêu mà nói, số lượng tín đồ theo Phật giáo đại đa số đều người Kinh, còn các dân tộc thiểu số khác theo Phật rất ít. Theo số liệu năm 2008 của Ban Tôn giáo Chính phủ, “cộng đồng dân tộc thiểu số Tây nguyên theo đạo Công Giáo, đặc biệt đạo Tin Lành. Năm 2005, ở khu vực Tây nguyên có gần 300 ngàn người dân tộc thiểu số theo đạo Công giáo và trên dưới 400 ngàn người theo đạo Tin Lành (Gia Lai : 70.946 người. Kon Tum 8950 người. Đắk Lắk và Đắk Nông: 130.515 người. Lâm Đồng: 68.500 người...[1]
Từ thông tin trên cho thấy, đến khoảng năm 2010 người đồng bào dân tộc thiểu số Tây nguyên theo Phật giáo chưa có bao nhiêu. Năm 2011 tịnh xá Phú Cường (tại thôn Phú Cường, xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) được thành lập. Lúc bấy giờ chỉ có vài người đồng bào làng Tà Ròn trong xã xin quy y theo Phật. Đầu năm 2013, khoảng 30 người đồng bào ở làng Blo (xã Blang, huyện Chư Sê) xin quy y. Tháng 10 năm 2013, 350 người ở 2 làng Hlú và Mung (thuộc xã Ia Blang) xin quy y theo Phật giáo. Tháng 9 năm 2014, 50 người làng Koái xin quy y và tháng 1 năm 2015 thêm 15 người ở làng Koái tiếp tục xin quy y. Rồi tiếp tục các làng: Tor, Gang, Á (xã Ia Lốp), làng Kueng Thoa, Kueng O, Tà Kuk (xã Ia Pal), Làng O Grưng (xã Ia Ko), làng Kueng Đơn (xã H Bông), làng Chư Ruồi, Kjai (xã Kông HTôk)… lần lượt về quy y tu học. Tính đến năm 2017, khoảng trên 700 Phật tử người dân tộc thiểu số JRai, Ba Na thuộc 14 làng ở 5 xã (Ia Pal, H Bông và Ia Blang, Ia Ko và Kông HTốk) của huyện Chư Sê đã quy y và sinh hoạt tu học tại tịnh xá Phú Cường. Tính đến ngày 15 tháng 9 năm 2019, chúng tôi đã hướng dẫn quy y cho khoảng 1900 người đồng bào hai dân tộc JRai và Ba Na thuộc 2 huyện Chư Sê và chư Pưh trở thành Phật tử tại tịnh xá Phú Cường. Tính đến ngày 15 tháng 6 năm 2020 số lượng đồng bào dân tộc thiểu số JRai và Ba Na đã quy y Phật do chúng tôi hướng dẫn khoảng 2400 người (bao gồm 33 làng). Có những làng họ đi theo Phật giáo gần hết như Hlú, Koái, Teng Nong, Kueng Đơn. Năm 2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Gia Lai cho thành lập Tịnh xá ngọc Đồng (tại xã Ia blang, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) dành cho 500 Phật tử dân tộc thiểu số JRai và Ba Na sinh hoạt. Hiện nay chúng tôi đang xin phép xây dựng cơ sở mới với tên Tịnh xá Ngọc Chư (ngay trong làng Chư Ruồi – Sul, xã Kông HTôk, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai cho hơn 500 Phật tử đồng bào dân tộc Jrai, Ba Na của 2 xã Kông HTôk và Ayun sinh hoạt. Sở dĩ có số lượng Phật tử 2400 người theo chúng tôi học Phật, có cuộc sống an vui là vì Phật tử người Kinh cùng người dân tộc thiểu số (JRai, Ba Na) hòa hợp đoàn kết tu học chung.
Thực hiện tinh thần Từ, Bi, Hỉ, Xả (tứ vô lượng tâm), vô ngã, vị tha của đạo Phật, cùng với tinh thần đoàn kết tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam:
Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Một cây đứng riêng lẻ, dù to lớn đến đâu thì cái cây ấy cũng lẻ loi, và khi có một cơn gió mạnh thì nó sẽ dễ bị quật ngã. Trái lại có ba cây mọc gần kề, cành lá đan xen vào nhau tạo thành một vùng rộng lớn như một khu rừng, vững chãi như quả đồi, hòn núi, khó có gì mà lay chuyển được. Như thế, câu ca dao gợi cho ta liên tưởng đến sự đoàn kết, sự hợp quần tạo nên sức mạnh. Cho nên, con người phải biết yêu thương, gắn bó với nhau, kết thành một khối vững chắc để dễ dàng đi đến thành công.
Lại nữa,
Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Hiểu được tinh thần lục hòa, tinh thần đoàn kết thương yêu nhau, nên tập sống chung tu học, chúng tôi không ngại gian khổ. Ngoài việc hướng dẫn họ về tịnh xá Phú cường, tịnh xá Ngọc Đồng sinh hoạt tu học, chúng tôi còn vào tận các buôn làng cách xa tịnh xá cả 15 – 20 km để “cùng sống chung tu học”. Chúng tôi thường xin những áo quần cũ gửi đến cho họ mặc. Mỗi năm, tịnh xá liên hệ được khoảng 2 đoàn Bác sĩ từ TP. HCM về khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện Chư Sê (trong đó có các Phật tử theo đạo Phât).
Đối với các em thanh thiếu niên, chúng tôi xin sách của các em học sinh người Kinh đã học qua, gom lại từng bộ rồi gửi tặng các em học sinh người dân tộc thiểu số JRai, Ba Na. Có những em đi học trường cách nhà rất xa từ 3 đến 7 km, chúng tôi xin xe đạp cho các em, giúp các em có thể đi học thuận tiện hơn. Hằng năm, Tịnh xá Phú Cường đều tổ chức Khóa tu Mùa hè cho gần 500 em tu 7 ngày, trong số đó có khoảng 100 em Phât tử người dân tộc thiểu số cũng xin tham gia. Nhờ đó, các em được hiểu sâu Phật pháp, có sân chơi bổ ích. Đây sẽ là cơ hội quý báu để xây dựng lại những nét đẹp trong tâm hồn tuổi trẻ, tạo nền tảng vững chắc cho các em trong tương lai khi phải đối diện với đời sống quá nhiều phức tạp, bất an; tạo dựng niềm tin và sức mạnh về một lối sống lành mạnh, bảo tồn những giá trị tinh thần cao đẹp như hòa hợp đoàn kết, tương thân tương trợ lẫn nhau của dân tộc, hướng đến đời sống Chân – Thiện – Mỹ, xa rời các tệ đoan tiêu cực của xã hội.
Ngoài ra, qua những lần giảng giải Phật pháp, hướng dẫn người dân hướng thiện và tránh ác, đa số các Phật tử này đã thực hiện Ngũ giới của người Phật tử tại gia. Trong sinh hoạt tập tục có nhiều thay đổi như phong tục uống rượu 3 ngày sau khi chôn cất để chia buồn khi có người chết nay giảm còn uống 1 ngày hoặc uống nước ngọt thay rượu. Tại làng Tung Ke (xã Ayun, huyện Chư sê) còn bỏ được tập tục: 1/ Người mẹ sắp sinh hoặc vừa sinh con ra nếu mẹ chết, đứa con đó phải buộc phải chôn sống theo mẹ; 2/ Khi vợ hoặc chồng chết thì người vợ hoặc chồng còn sống không được tắm 1 tháng v.v…
Sự chuyển hóa của 2400 người Phật tử 2 dân tộc thiểu số JRai và Ba Na đang sinh hoạt tại tịnh xá Phú Cường (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) thật có kết quả rõ ràng. Một số họ có thờ bàn Phật trong gia đình, biết ăn chay, đi chùa, tịnh xá, lễ Phật, đọc kinh, học Phật pháp. Với những đồng bào dân tộc thiêu số Tây nguyên, họ sống trong cảnh nghèo khó; cái đói cái rét thường xuyên. Con cái mới sinh ra đã được mang lên nương, lên rẫy. Nay, đi theo Phật, được học Phật, được giác ngộ rất nhiều về đạo Phật, họ biết ghi nhớ Tứ ân (ân cha mẹ, ân Tam bảo, ân chúng sinh và ân tổ quốc). Theo Phật, họ biết quy y Tam Bảo giữ 5 giới để làm người tốt: Không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Nhiều người theo Phật đã bỏ được rượu, họ yêu thương mọi người, bỏ được nhiều thói hư, tập tục xấu. Theo đạo Phật, họ càng yêu quý đất nước Việt Nam này. Vì thế, sống phải tuân theo pháp luật, không nghe kẻ xấu, làm điều xấu để làng bản được yên bình, gia đình được hạnh phúc. Như thế, có thể nói rằng, Phật giáo mang lại sức mạnh tinh thần, giúp con người có thể giải tỏa căng thẳng do áp lực cuộc sống, đem đến hạnh phúc an vui cho mọi người.
Chính tinh thần “đoàn kết”, “lục hòa cộng trụ” sẽ làm tốt đời đẹp đạo, làm lợi lạc cho chúng sanh, cho Đạo Pháp phát triển hưng thịnh.
Tóm lại, trong tôn giáo, trong xã hội, tinh thần đoàn kết, hòa hợp toàn dân vô cùng ích lợi, có ý nghĩa, là điều đáng quý của giá trị tôn giáo và xã hội. Đức Tổ sư Minh Đăng quang với tinh thần “Nối truyền Thích Ca chánh pháp”, “Nên tập sống chung tu học” đã kế thừa những lời dạy của đức Phật về sự hòa hợp, đoàn kết qua học thuyết “Duyên khởi”, “Lục hòa cộng trụ”, đúng với tư tưởng đại đoàn kết, tương thân tương trợ, làm cho các dân tộc đang sống trên mảnh đất Việt thương yêu luôn gắn bó xây dựng xã hội.
Tịnh xá Phú Cường, nơi có hàng ngàn người Phật tử các dân tộc Kinh, JRai, Ba Na ... cùng sinh hoạt tôn giáo, nhưng không có sự phân chia, luôn thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Điều đó đã nói lên giá trị tôn giáo và xã hội của nơi này. Mong rằng, dưới sự quan tâm của các cấp chính quyền, của Giáo hội, các Phật tử dù mọi dân tộc khác nhau nhưng luôn thực hiện tốt tinh thần hòa hợp, đoàn kết để cùng nhau tu học, sinh hoạt và góp phần cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng làm cho dân giàu, nước mạnh, tốt đạo đẹp đời
[1]Ban Tôn giáo Chính phủ, Tôn giáo và công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo, NXB Tôn giáo năm 2008, trang 35.
Các bài viết liên quan
- Đạo Phật Khất sĩ và bốn tinh thần tiêu biểu trước khi hòa nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Thứ Bảy, 08:56 14-05-2022 - xem: 3940 lần
- Công trình dung hợp khởi phát từ Tổ sư Minh Đăng Quang - Thứ Ba, 09:42 19-04-2022 - xem: 7456 lần
- Sư phát triển của Hệ phái Khất sĩ tại hải ngoại - Thứ Ba, 08:11 19-04-2022 - xem: 4893 lần
- Căn cốt của Hệ phái Khất sĩ và yêu cầu của từng thời đại khác nhau - Thứ Ba, 01:10 19-04-2022 - xem: 4791 lần
- Bước đầu nhận diện những nét chính của Giáo đoàn Khất sĩ và của vị Hành giả Chơn lý - Thứ Ba, 00:51 19-04-2022 - xem: 4116 lần
- Tinh tấn tu tập nhiếp phục thân khẩu ý thanh tịnh - Thứ Năm, 10:14 29-07-2021 - xem: 10239 lần
- Kinh nghiệm kiểm soát và chuyển hóa ác nghiệp - Thứ Hai, 11:47 26-07-2021 - xem: 6941 lần
- Phát huy những giá trị tốt đẹp của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ - Thứ Bảy, 22:38 03-04-2021 - xem: 7531 lần
- Phát huy giá trị tôn giáo và xã hội của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - Thứ Năm, 10:28 01-04-2021 - xem: 5849 lần
- Những giá trị của Hệ phái Khất sĩ trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - Thứ Năm, 10:08 01-04-2021 - xem: 7444 lần
- Hòa thượng Thích Giác Toàn chia sẻ nhân duyên với Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang - Chủ Nhật, 00:03 14-03-2021 - xem: 8138 lần
- Quá trình hình thành và phát triển Hệ phái Khất sĩ Việt Nam ở Bình Dương - Thứ Bảy, 02:54 18-07-2020 - xem: 8602 lần