CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Giới luật đạo đức là nền tảng của người xuất gia

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.

Kính lạy chư Phật Pháp Tăng mười phương ba đời;

Kính lạy Đức Tổ sư;

Kính lạy Giác linh quý Đức Thầy;

Kính bạch chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Hệ phái;

Kính bạch quý Ni trưởng, Ni sư;

Kính bạch chư Tôn đức;

Được sự chỉ đạo của chư Tôn Hòa thượng lãnh đạo Giáo đoàn III, con xin trình bày tình hình tu học cũng như hành đạo của Ni chúng GĐ III từ khi Đức Thầy Giác An thành lập Ni giới năm 1968 đến nay 2016 (gần 50 năm). Và đặc biệt từ năm 1981, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến nay 35 năm, đời sống tu học của Ni chúng đi vào nề nếp ổn định và từng bước phát triển đáng kể. Điểm đáng mừng là trong những năm gần đây, Ni đoàn chúng con đã mở khóa tu “Sống chung tu học” 7 ngày dành cho Tỳ-kheo-ni theo tinh thần “Nên tập sống chung tu học” của Tổ sư đã dạy. Mỗi năm, chư Ni Giáo đoàn III đều tập trung An cư kiết Hạ, đồng thời mở các khóa tu ngắn ngày dành cho chư Ni và Phật tử trong mỗi tịnh xá, nhằm nâng cao pháp hành hơn nữa. Bên cạnh đó, quý Ni trưởng, Ni sư đều có trách nhiệm tham gia công tác Phật sự của Giáo hội cũng như của Hệ phái và Giáo đoàn.

Tuy nhiên, chư Ni chúng con có rất nhiều trăn trở, về Ni chúng trẻ hiện nay đang chạy theo thời đại, tâm ý buông lung, không chuyên tâm hành trì giới luật, không thực hành Tỳ-ni, chạy theo đời sống thế tục. Một người xuất gia sống trong nhà đạo mà tâm luôn hướng ngoại tìm cầu, luôn bị chi phối bởi những thú vui của thế gian, như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống phạm hạnh của một tu sĩ. Không những thế mà còn làm tổn thương đến Phật pháp, đến Hệ phái. Vì nguyên nhân bức xúc đó nên con viết bài tham luận “Giới luật đạo đức của người xuất gia”.

1- Dẫn nhập

Về việc tu trì, giới luật vô cùng quan trọng. Giới luật là tự thể giải thoát bất diệt của pháp thân đức Phật, y theo thân này thì siêu độ hai thứ trở ngại: Trở ngại vì phiền não và trở ngại vì không thiện căn. Cho nên giữ giới viễn ly được lỗi lầm của ba nghiệp, thành tựu được ba nghiệp giải thoát.

Người xuất gia cũng như kẻ lữ hành muốn đến đích giải thoát Niết-bàn, chúng ta cần phải tinh tấn và trang bị tư lương. Tư lương của người xuất gia là Giới - Định - Tuệ, trong đó Giới là bước đi đầu tiên.

Vậy nên, bản thân người xuất gia phải thể hiện được đời sống tâm linh tự tại, đó mới chính là hình bóng của người xuất gia tượng trưng cho nền đạo đức từ bi và giải thoát.

2- Vấn đề Đạo đức

Ngày nay, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã mang lại cho chúng ta đầy đủ các tiện nghi, đáp ứng được các nhu cầu về vật chất của con người, nhưng cũng chính vì sự phát triển của khoa học đã cuốn hút con người vào cuộc chạy đua máy móc mà bỏ quên đi giá trị tâm linh, giá trị đạo đức vốn có của con người. Mỗi xã hội trong mọi thời đại, việc quản lý giáo dục con người là việc làm hết sức quan trọng, vì tương lai của một xã hội phát triển hay tụt hậu là do sự quản lý và giáo dục trong hiện tại mà ra. Đối với đạo Phật cũng vậy, đạo pháp hưng thịnh hay suy đồi là do đạo đức của Tăng Ni. Vì vậy công việc giáo dục về đạo đức Tăng Ni trẻ rất cần thiết trong thời đại ngày nay.

3- Nguyên nhân chủ quan

Bởi vì sự cuốn hút của khoa học xã hội, một số Tăng Ni trẻ ngày nay đã quên mất trách nhiệm và lý tưởng của người xuất gia mà Tổ Quy Sơn đã dạy, “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu”. Nghĩa là phàm người xuất gia là cất bước đến phương trời cao rộng, tâm hình khác tục, noi thạnh dòng Thánh, hàng phục quân ma, nhằm đền đáp bốn ân và cứu giúp ba cõi. Nếu chẳng như thế, xen lẫn trong chúng Tăng, ngôn hạnh hoang sơ, luống hao của tín thí. Lại có xu hướng chạy theo thế tục, vấn đề suy thoái về đạo đức của số Ni trẻ ngày nay là một vấn đề nghiêm trọng, tình trạng xuống cấp đạo đức này đã bị phản ảnh trên trang báo, mạng rất nhiều. Xã hội ngày một phát triển, phương tiện cuộc sống quá đầy đủ và tiện nghi, hầu như mọi thứ đều dễ dàng tiếp cận. Đây cũng chính là phương tiện cho một số Ni trẻ chạy theo thời đại, bỏ đi cuộc sống thanh bần giản dị, quên mất lý tưởng giải thoát.

- Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Trước tình huống báo động ấy trách nhiệm của Giáo đoàn, quý Ni trưởng, Ni sư, mỗi tu sĩ phải làm gì để ngăn chận kịp thời những phần tử làm hoen ố bản chất thanh tịnh của mỗi giáo đoàn.

4- Về nguyên nhân khách quan

Con xin nhận xét và góp vài ý chính sau đây:

Có những tịnh xá, Ni chúng sống không hòa hợp đoàn kết, không thực hiện pháp lục hòa trong đời sống Tăng đoàn, điều đó dễ khiến cho một số Ni trẻ thoái chí, vì họ không biết tin vào ai, không có nơi nương tựa để tiến tu trên con đường giải thoát.

Hoặc có những vị trụ trì, thầy đối xử với trò thiếu nhã nhặn, thiếu sự khoan dung độ lượng, thiếu sự hoan hỷ hòa đồng, mỗi lời dạy rầy la là tạt vào lòng đệ tử sự phiền muộn sợ sệt, có khi còn lộ vẻ mặt sân si. Do đó mà có những tịnh xá tuy lâu năm nhưng vẫn không có chúng.

Hoặc có những tịnh xá còn nghiêng về vật chất kinh tế, xây dựng nên Ni chúng phải lao động vất vả. Có số Ni trẻ ở nhà với cha mẹ chưa lao động bao giờ, nay làm quá sức mình, vì vậy họ tỏ ra chán nản và thoái chí nản lòng, nên xin đi học, xin hoàn tục hoặc xin chuyển hệ để có thời gian tu học.

Để chỉnh đốn tổ chức Ni đoàn ngày một kiện toàn, Ni giới chúng ta phải tích cực tham gia hòa đồng, cùng chung lo xây dựng Tăng đoàn cho tốt, tham gia những khóa tu Giáo đoàn mở, thực hiện lời Tổ sư dạy: “Nên tập sống chung tu học”. Cũng có một ít vị chưa thật tâm tích cực chăm lo cho Tăng đoàn, ít tham dự khóa tu, khóa An cư kiết hạ hoặc hội họp để làm gương sáng cho đàn hậu học. Vậy Ni giới chúng ta đang tu học theo Phật, phải nói những lời Phật nói, làm những điều Phật làm. Và từ hình ảnh uy nghi tự tại điềm đạm, thoát tục, người tu sĩ tỏa ra những nét đẹp trong cuộc sống làm mô phạm cho cư gia bá tánh. Nếp sống đạo đức của người tu sĩ là nếp sống luôn có tính phản tỉnh, không buông trôi và không phóng túng. Đó là tấm gương soi chiếu mọi ý nghĩ, lời nói và việc làm của mình. Nét đẹp của một tu sĩ Phật giáo chúng ta là phải làm thăng hoa những giá trị cao đẹp của truyền thống mà đức Phật đã dạy: “Xây dựng một tương lai tươi sáng cho đời mà không ưu tư và bâng khuâng trước sự thách đố của thời đại, và vấn đề đạo đức của Tăng Ni trẻ là một vấn đề quan trọng vì họ là những rường cột trong ngôi nhà Phật pháp trong tương lai”.

KIẾN NGHỊ

Để kịp thời khắc phục về những suy đồi đạo đức của Tăng Ni trẻ, con ngưỡng mong Giáo hội, Ban Giáo phẩm Hệ phái quan tâm đến các vị Tăng Ni trẻ nhiều hơn, tạo điều kiện cho các Tăng Ni có năng lực đã tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ, được công tác tại các trường Phật học, như vậy là vừa khích lệ tinh thần tu học của Tăng Ni, vừa tiện cho việc hoằng hóa và làm rạng ngời Phật pháp.

Cuối cùng chúng con xin chúc chư Tôn Hòa thượng lãnh đạo, chư Thượng tọa, quý Ni trưởng, Ni sư và đại chúng vô lượng an lạc, vô lượng kiết tường và hoàn thành tốt các công tác Phật sự.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan