CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Hòa thượng Thích Giác Toàn chia sẻ nhân duyên với Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang

Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN, Trưởng ban Thường trực giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ, vừa hoàn thành việc chuyển toàn bộ Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang sang thơ ngũ ngôn. Nhân tưởng niệm 67 năm Tổ sư vắng bóng (1954 - 2021),  BTV Báo Giác Ngộ đã ghi nhận những ký ức, chia sẻ của HT.Thích Giác Toàn chung quanh bộ Chơn lý và việc thi hóa Chơn lý.

Hòa thượng Thích Giác Toàn, Trưởng ban Thường trực giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ - Thành viên sáng lập GHPGVN (Ảnh: Bảo Toàn/BGN) 

Tôi chào đời năm 1949, biết được đạo và đến với Đức thầy Từ Huệ, đệ tử lớn của Tổ sư vào năm 1962, lúc 14 tuổi, trong khi Tổ đã vắng bóng từ năm 1954. Tôi không có nhân duyên được gặp gỡ Đức Tổ sư, nhưng khi tôi xuất gia với Đức thầy Từ Huệ tại Mỹ Tho thì thầy lại là người theo Tổ từ lúc ở Hà Tiên, rồi về lại Phú Mỹ.

Nhân duyên với Chơn lý và con đường Khất sĩ

Đức thầy Từ Huệ là người ở Ga Ông Táo, Tân Hương. Từ Ga Ông Táo, Tân Hương, băng đồng đi tắt thì qua Củ Chi tầm năm, bảy cây số. Đức thầy từng gánh gạo, củi từ Tân Hương qua Củ Chi để cúng dường Tổ. Trong hai năm Tổ sư Minh Đăng Quang ẩn dật ở Củ Chi, Đức thầy Từ Huệ là người được hầu cận đầu tiên - Ni trưởng Huỳnh Liên sau này đã xác chứng điều đó. Vốn trước kia, pháp danh của Đức thầy Từ Huệ là Từ Hóa, do một vị Đại lão Hòa thượng hệ phái Bắc tông đặt cho lúc truyền Tam quy, Ngũ giới. Khi gặp Tổ, được Tổ hỏi và biết Đức thầy có pháp danh Từ Hóa rồi, Tổ chỉ đổi một chữ thành Từ Huệ. Trong quyển Pháp giáo còn ghi lại về một vị sư già chính là Đức thầy Từ Huệ.

Xuất gia với Đức thầy Từ Huệ, ban đầu tôi chỉ học được mấy quyển như Bài học Khất sĩ, Bài học Sa-di. Lúc đó tôi ham học Chơn lý, nhưng lại chưa có một bộ sách riêng, chỉ đọc sách trong chùa có. Tới đầu năm 1965, chiếc xe của tịnh xá Trung Tâm đưa chư Tăng đi từ Sài Gòn - Gia Định về Sóc Trăng, tới Long An thì bị nạn ở cầu Rạch Ván, 6 vị sư đi trên xe chẳng may thiệt mạng. Lúc bấy giờ, Pháp sư Giác Nhiên thường đi về Long An để làm giấy tờ bãi nại cho chủ xe. Mỗi lần về Long An, Pháp sư Giác Nhiên thường ghé Mỹ Tho. Những lần gặp tại đây, tôi được biết tiếng Pháp sư là ông thầy của Hệ phái Khất sĩ đi hành đạo cùng khắp. Biết Pháp sư là người đứng ra in bộ Chơn lý, tôi đến đảnh lễ xin và lần thứ nhì ghé Mỹ Tho, Pháp sư đã mang về ban tặng cho tôi. Từ đó tôi giữ bộ Chơn lý để học. Cũng nhờ siêng học, nên cứ trung bình một tuần tôi học xong một quyển, lúc đó tôi khoảng chừng 15, 16 tuổi.

Qua năm 17 tuổi, tôi xin Đức thầy Từ Huệ cho được về tịnh xá Trung Tâm (Bình Thạnh, Sài Gòn) y chỉ Pháp sư Giác Nhiên và đến tháng 11-1965, tôi chính thức về nơi đây. Từ đó tôi có cơ hội học bộ Chơn lý nhiều hơn, theo từng chủ đề như: Võ trụ quan, Ngũ uẩn, Lục căn, Thập nhị nhân duyên, Bát Chánh đạo,… Đó là cái duyên đầu tiên giúp tôi tiếp cận được bộ Chơn lý.

Hòa thượng Thích Giác Toàn với Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng tại tổ đình Minh Đăng Quang (tỉnh Vĩnh Long)

Khác mà không khác

Sau này, tôi cũng đọc và thích bộ Phật học phổ thông của Hòa thượng Thích Thiện Hoa. Từ đó, tôi học song song Chơn lý và Phật học phổ thông. Khi theo đoàn du tăng đi giảng, có lúc tôi đọc, giảng Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang; có lúc tôi lại đọc những bài giảng trong Phật học phổ thông.

Về tịnh xá Trung Tâm, lần lượt tôi được giáo đoàn cử đi trụ các nơi, mỗi nơi tầm ba tháng, lúc thì Vũng Tàu, Bà Rịa, Trảng Bom, Dĩ An, Biên Hòa, về Lái Thiêu, Thủ Đức, lên Hóc Môn, Trảng Bàng,… Cứ đi như vậy đến khoảng năm 1968 - 1972, tôi quay về lại tịnh xá Trung Tâm, làm phụ tá cho Pháp sư Giác Nhiên. Cho đến năm 1978, Pháp sư về Vũng Tàu, tôi được giao đảm nhiệm trụ trì, quản lý tịnh xá Trung Tâm cho đến sau này.

Tôi từng có may mắn được tiếp cận, gần gũi Hòa thượng Giới Nghiêm - Tăng thống Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, được đến chùa của Hòa thượng tại Núi Lớn, Vũng Tàu trú học trong ba tháng mùa hè. Thân cận rồi, tôi mới có cơ hội được thấy tín hạnh của một vị Đại lão Hòa thượng rất đặc biệt.

Năm 1974, khi về học tại Đại học Vạn Hạnh, tôi được một pháp lữ là thầy Tâm Ngoạn đưa đến đảnh lễ trực tiếp Hòa thượng Minh Châu. Trước đó, thỉnh thoảng tôi được hầu thầy Từ Huệ đến tổ đình Ấn Quang, gặp cố Đại lão Hòa thượng Thiện Hòa. Nhờ duyên lành ấy, tôi nhận thấy giữa các vị cao tăng, tuy hình thức, y phục có khác, nhưng gần lại mới thấy không khác biệt trong đường đạo.

Sau này, tham gia Ban Vận động Thống nhất Phật giáo, tôi lại có cơ hội được hầu nhiều Hòa thượng lớn như quý Ôn: Hòa thượng (HT) Trí Thủ, HT.Giác Tánh, HT.Trí Nghiêm, HT.Thiện Siêu, HT.Mật Hiển… Những nhân duyên đã khiến tôi được gặp các bậc cao tăng, từ Nam tông cho tới Bắc tông. Đặc biệt, với Hòa thượng Minh Châu, có cơ hội làm việc cùng Hòa thượng trong hơn ba mươi năm, tôi vô cùng quý kính. Dù là đệ tử của Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết theo Bắc tông, nhưng khi du học ở Ấn Độ về, Hòa thượng Minh Châu lại đắp y Nam tông. Hòa thượng từng chia sẻ hạnh của phái Khất sĩ giống với phái Nhất thiết hữu bộ, thời Phật giáo Bộ phái.

Chư tôn đức trong lễ khánh thành tổ đình Minh Đăng Quang (tỉnh Vĩnh Long)

Thấm nhuần Chơn lý

Vào học tại Đại học Vạn Hạnh được khoảng một năm, tôi mới có cơ hội biết rõ hệ thống Kinh tạng Nikaya do Hòa thượng Thích Minh Châu biên dịch, từ đó thấy được tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy gần gũi với Chánh pháp, Chánh kiến,… Từ đó, tôi cũng phân biệt rõ ràng hơn tư tưởng Nguyên thủy với tư tưởng bát ngát, thoáng đạt của Đại thừa trong những bộ kinh như Pháp hoa, Hoa nghiêm,… mà tôi đã được tụng hồi còn nhỏ ở các tịnh xá. Từ đó, tôi mới liên hệ và thấy được nơi tư tưởng của Tổ sư Minh Đăng Quang hiện lên tố chất của người Việt vùng Nam Bộ: bình dị, chơn chất, sự tu học luôn xác định ở nơi chính thân mình chứ không ở đâu xa xôi. Khi học hỏi qua tất cả những hệ thống kinh điển như vậy, tôi mới thấy mình gần gũi với Tổ sư Minh Đăng Quang nhiều hơn, từ đó tôi học hỏi bộ Chơn lý nhiều hơn.

Đến năm 1977, tôi mở lại được lớp giáo lý tại tịnh xá Trung Tâm. Trong khoảng thời gian 3 năm từ 1977 đến 1980, tôi giảng bộ Chơn lý được 2 lượt. Cứ mỗi chiều Chủ nhật tôi lại giảng một quyển, như vậy khoảng một năm rưỡi, tôi giảng được khoảng gần 60 quyển. Lúc đó, tôi nghĩ đơn giản rằng với một vị Tăng Ni thuộc Hệ phái Khất sĩ, việc học Chơn lý cũng như con trẻ uống sữa mẹ để lớn lên. Khi trưởng thành rồi, ta mới đi học thêm, chu du, từ đó mới mở rộng kiến thức trí huệ nhiều hơn.

Hệ phái Khất sĩ ngày càng tăng trưởng - Ảnh: Vũ Giang/BGN

Nhân duyên tích lũy

Nói về việc diễn thơ bộ Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang, tôi thấy rằng phải có nhân duyên mới có thể thực hiện được công việc này. Trước đây, trong thời gian theo học tại Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM), tôi từng muốn dịch từ chữ Hán một câu thơ Lý - Trần nhưng lại dịch không xuôi, chuyển ngữ được nhưng đọc lại thấy không vừa bụng. Đôi khi tôi muốn dịch những câu thơ để đưa vào luận văn nhưng cũng vì không ưng ý mà đành bỏ hết và sử dụng lại bản dịch của những tác giả thuộc các thế hệ tiền nhân trên trước.

Đến dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi cứ suy nghĩ rằng tại sao Phật giáo không có hoạt động gì hướng tới dịp trọng đại này, trong khi Thăng Long và thời đại Lý - Trần lại gắn liền với Phật giáo. Đến cuối năm 2009 giao thừa 2010, tôi bắt tay vào công việc dịch thơ văn Lý - Trần và thấy mọi thứ dần sáng ra. Không chủ quan, tôi đem tất cả những bản dịch liên quan đến thơ văn Lý - Trần trước đây được học để tham khảo cách dịch, cách chuyển ý của người đi trước như thế nào. Cũng từ đó, tôi phát sinh cảm hứng để cho ra đời cuốn Hương thiền ngàn năm, vừa kịp ra mắt trước dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nhân duyên với công việc chuyển thơ bộ Chơn lý cũng tương tự như vậy. Nhiều anh em quen biết từng đặt cho tôi câu hỏi rằng tại sao tôi không thử chuyển thơ bộ Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang. Tôi từng không nghĩ đến việc chuyển thơ bộ Chơn lý bởi vì bộ sách này quá mênh mông, lượng sức mình làm sao có thể chuyển thơ được, tuy nhiên trong lòng tôi vẫn ấp ủ ý định đó.

Trong thời gian dưỡng bệnh, tôi đi đến quyết định diễn kệ Chơn lý. Ban đầu, tôi dự định chuyển thơ lục bát, tuy nhiên khi bắt tay vào việc tôi mới thấy không có cách gì gieo vần được. Cho đến một hôm tình cờ chuyển phần Ngũ uẩn sang thể thơ ngũ ngôn, mọi thứ trôi xuôi, tôi mới nhận thấy rằng khi chuyển thơ năm chữ, mọi thứ trở nên dễ làm, dễ nghe, dễ hiểu, lại gần với ý tứ của Tổ sư Minh Đăng Quang hơn. Chừng một tháng rưỡi thì việc chuyển thơ Chơn lý thành tựu được tập 1, với 10 chủ đề. Đến nay, sau 10 tháng làm việc liên tục, tôi đã hoàn tất bộ Chơn lý, với 59 chủ đề, trừ 10 chủ đề liên quan Luật học, xin được giữ y, không chuyển thơ. Đó là niềm khích lệ vô cùng to lớn đối với đạo nghiệp tu hành của tự thân.

Trong lúc diễn kệ Chơn lý, tôi có một nhân duyên khá kỳ lạ; đó là khi tôi thực hiện được việc chuyển thơ bộ sách này rồi, tôi có cảm giác mọi việc giống như những bộ bàn này đây, tất cả đã được Tổ sư đục, bào, đánh bóng, mở mộng sẵn cả, tôi chỉ là người lắp ráp lại - cảm giác nhẹ nhàng, thân quen xuất phát từ đây. Cũng chính vì vậy lời lẽ trong những bài diễn kệ Chơn lý cũng trở nên rất nhẹ nhàng, không bị bất cứ sự dùn dằn, gút mắc nào về ngôn từ, mà khi đọc, chúng ta sẽ cảm nhận được rõ ràng điều đó.

Hòa thượng Thích Giác Toàn 

CHƠN LÝ CỦA NGŨ UẨN

Về thuyết ngũ uẩn này

Rất cần cho tự thân

Vì sau khi hiểu biết

Mới có sự tu tập

Sự ứng dụng hành trì

Đúng theo đường chơn lý

Pháp tu rất tự nhiên

Giúp cải thiện đời sống

Biết nhận ra chính mình

Thấy rõ điều kém khuyết

Để tu tập dần dần

Ta có tìm, có biết

Tất sẽ thấy ngũ uẩn

Có nhiều pháp khác nhau

Tưởng chừng như tương phản

Thuyết ngũ uẩn vô trụ:

Quả địa cầu trước kia

Đất nước lửa gió… hiện

Cỏ cây thú tiến hóa

Đến lớp người, Trời, Phật

Thuyết ngũ uẩn – con người

Từ khởi điểm vọng thức

Tụ thai bào sắc thân

Rồi thọ cảm, tư tưởng

Đến hành vi, thức trí

Thuyết ngũ uẩn – vọng pháp

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức

Hằng tríu mê chấp thủ

Tự trói buộc khổ đau.

Ngũ uẩn có hai pháp:

Hữu: Có và Vô: Không

Thiện – ác và Giác – mê

Có lớn và có nhỏ

Có thân và có tâm

Có chủ và có khách

Thuyết lý vốn không cùng

Ngũ uẩn được phân định

Phân loại từng pháp môn

Pháp môn nào cũng vậy

Không tách rời chơn lý

Pháp phụng sự con người

Giúp người mau giác ngộ

Khi được giác ngộ rồi

Con người tự làm chủ

Tìm lẽ sống an vui

Không khổ não, lầm vọng:

Chấp cõi đời là thật

Chấp thân ta là thật.

Pháp nghĩa chữ chơn lý:

Chơn như là không vọng

Chơn như là tự nhiên

Lý là lẽ chơn thật

Chơn thật là tự nhiên

Tự nhiên vốn ngàn xưa

Nếu ta đang rối khổ

Hiểu được lẽ tự nhiên

Biết dừng lại chơn như

Vốn ngàn xưa hết khổ.

Có thiện và có chánh

Là tự nhiên chơn như

Không ác và không tà

Cũng tự nhiên chơn như

Kẻ tối trong Niết-bàn

Người sáng trong luân hồi

Cả hai khi bừng ngộ

Đều tự tại an vui

Pháp không hai, không một

Không có, cũng không không

Biết dừng lại tự nhiên

Án-ma-ni: Di hồng,

Án-ma-ni: Thanh trong

Tự nhiên chơn như pháp

Là tự tại tịnh không.

Tóm lại:

Chúng sanh, sanh từ ấm

Nhân duyên lần chuyền níu

Cái này, sanh cái kia

Có, có rồi khổ thọ

Có hiệp rồi có tan

Để rồi sanh này, nọ!

Tứ đại càng lăn xoay

Vạn vật càng sanh hóa

Lâu lắm được thân người

Khó lắm được thân người

(Ai sống sai chơn lý

Ai sống ác, bất thiện

Người ấy khổ đời đời!).

Ai sống đúng chơn lý

Người đó trọn an vui!

Niết-bàn một kiếp một

Nhất định chẳng sai ngoa

Chúng ta đệ tử Phật

Biết dừng lại chính mình

Chúng ta đệ tử Phật

Hãy sống trọn giác chơn.

Sa-môn Giác Toàn diễn kệ

từ Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang

PV.Minh Đăng Quang, Q.2, TP.HCM

Mùa Phật đản PL.2564, năm Canh Tý - 2020

Nguồn: giacngo.vn

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan