CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Nghĩa ân nuôi thọ cảm

Con người ai cũng ước muốn hạnh phúc, tìm sự vui sướng và tránh sự khổ đau, đó chính là tâm lý chung. Một chuỗi ý thức, con người sinh ra từ những cảm thọ này, có những thọ cảm giúp nhận thức con người thăng hoa, cống hiến những giá trị đạo đức cho đời, có thọ cảm làm con người đọa trong bể khổ sinh tử, đời sống tư tưởng bị cùng đường nghẹt lối: “Hồng nhan bạc phận” hay “Thân tàn ma dại”. Suy ngẫm về lời dạy của Tổ: “Nghĩa ân nuôi thọ cảm”, thiết nghĩ đây là những điều hết sức quan trọng để con người chọn lối sống đúng cho cuộc đời mình.

Theo Từ điển Lạc Việt, "Ân nghĩa" là tình nghĩa gắn bó mang ơn lẫn nhau. Vậy muốn làm cho thọ cảm được sống thì con người phải sống trên nền tảng của ân nghĩa.

Như chúng ta đã biết trong bài Chơn lý "Ngũ uẩn", Tổ đã dạy con người do sắc – thọ – tưởng – hành – thức hợp thành. Bài viết này chúng ta bàn về cách khắc phục cảm thọ ác.

Như chúng ta được biết cách thiền sư chỉ dạy điều tiết những cảm thọ khổ: “Lưỡi mến vị ngon, tai nghe tiếng / Mắt theo hình sắc, mũi ngửi hương / Bôn ba làm khách phong trần mãi / Ngày hết quê xa vạn dặm đường”. Lời giải thích trên đã chỉ rõ cho chúng ta thấy rằng, một sự thật, một lẽ tự nhiên, một thói quen khó sửa từ trong bản thân của mỗi con người. Cuộc đời ấy, theo suy nghĩ của quí ngài, là cuộc sống vô nghĩa, thật uổng phí cho một kiếp sống con người.

Theo giáo lý nhà Phật thì có 3 loại cảm thọ: thọ vui, thọ khổ, thọ không khổ-không vui. Con người thiếu sự hiểu biết này thì sẽ không nhận ra, những chuỗi cảm thọ cùng sanh cùng diệt, vui buồn lẫn lộn, trắng đen không phân…chuỗi nhân duyên thay đổi không ngừng. Tâm người bị chi phối bởi các cảm thọ qua hành động từ thân khẩu ý. Khi chúng ta hiểu được những ý nghĩa này thì con người hạn chế được phần nào sự tác động của các cảm thọ khổ, bồi hồi, không yên, hay sân hận, tham lam, si mê… Các cảm thọ này chi phối từng giờ từng phút lên cuộc sống con người chúng ta hằng ngày.

Trong bài Ngũ uẩn Tổ nói đến: “...đất, nước, gió, lửa…đều có mầm sống", xét về nguồn gốc tiến trình phát triển các cảm thọ, khi trái đất còn trong thể nguyên sơ, các loài đơn bào phát triển thành đa bào, thực vật phát triển động vật, trải qua hằng tỉ năm phát triển sự sống của các cảm thọ này, cái biết của cảm thọ được hình thành, mỗi thời kỳ được tiến hóa đi lên. Lời dạy của Tổ hoàn toàn không xa lạ gì với khoa học đã cho thấy được vấn đề này.

Ngày nay dưới sự nghiên cứu của các nhà khoa học, "Những khám phá vĩ đại của nghành khoa học vật lý lượng tử đem đối sánh với kinh điển Phật giáo đã phần nào hé lộ chân tướng vũ trụ trong con mắt và sự hiểu biết của loài người. Điển hình như là sự khám phá về đời sống thực vật, cũng vui ghét giận hờn trước thái độ đối xử của con người. Một kẻ cầm dao chặt cây, từ trường đo được méo xệch chứng tỏ cây đang run sợ. Cũng cầm dao nhưng người ấy chỉ giả bộ, từ trường phẳng lặng cho thấy cây đi guốc trong bụng người. (Giác ngộ/ số 709, tr:167)

Đời thường, những nhân duyên sinh khởi trong cuộc sống làm cho cảm xúc con người dễ buồn, giận, thương, ghét, muốn…những cảm thọ này thay đổi rất nhanh chóng, dễ hợp và dễ tan. Nhưng những hậu quả để lại quả thực là không nhỏ. Tổ dạy: “Thọ cảm ác sinh trộm cắp”, bởi con người chưa có kiến thức về các cảm thọ này, vui thích mà giữ lại, nuôi dưỡng cái sống của chính mình bằng cảm thọ ác. Nhiều người có nhận thức sai lầm như chúng ta nhận thấy: con nghiện ma túy, cờ bạc, nghiện rượu, thuốc lá…cho đến khi thân tàn lực kiệt mà muốn rút lui cũng không được nữa, cảm giác đói khát, thèm muốn, đoạt lại cảm xúc đã mất…Tất cả đều do cảm thọ ác gây ra. Tâm không làm chủ được các cảm thọ của chính mình, sống theo ý thức buông trôi của cuộc sống đời thường, làm cho con người không thể kiểm soát được hành vi của chính bản thân mình. Khi tâm bị thọ cảm ác dẫn dắt, nô lệ cảm xúc, nhận thức này dễ đưa con người tạo nghiệp trong sanh tử. Hành động theo bản năng của con người rất dễ bị sai lầm, biết bao gia đình phải chịu cảnh chia ly, biết bao cuộc đời bị thiêu cháy bởi cảm xúc này. Khi ấy, tâm con người đọa vào cõi tối tăm tội lỗi. Sự bám víu vào cảm thọ ác chính là chất độc đã làm nhiễm bẩn tâm hồn của mỗi con người chúng ta vốn có.

Theo lời các bậc cổ đức chỉ dạy: “Quay đầu là bờ.” Hiểu biết được điều này, chỉ có thông qua sự thực hành chánh niệm, sống với chánh niệm, hiểu biết được nguồn tâm của chính mình…trong thiền định hằng ngày. Bền tâm kiên trì khổ luyện, chúng ta sẽ hiểu và nắm bắt được quy luật vận hành của cảm thọ này. Khi hiểu được, chúng ta không vì cái giận, cái thương, cái vui nhất thời mà quên mất đi chuỗi vận hành của cuộc sống con người đang tồn tại. Quan sát những cảm thọ này chúng ta thấy nó sanh ra, ở lại, và mất đi. Đã hình thành nên một chuỗi ý thức liên tục…liên tục đối với mỗi con người. Thường thì chúng ta thích cái cảm thọ vui, cảm thọ dễ chịu, cảm thọ mang lại hạnh phúc, đã có biết bao nhiêu câu chuyện “Người giàu cũng khóc” đã từng xảy ra trong đời này… Mặt khác, những cảm thọ khổ chưa hẳn là không tốt, trong quá trình huấn luyện tâm thì người hành giả luôn xem đây là con đường để trải nghiệm, để hiểu rõ về tâm và giá trị sống đích thực của đời người.

Thông qua đây Tổ dạy: "Nghĩa ân nuôi thọ cảm" mỗi nhận thức từ cảm thọ có ra, chúng ta hết sức cẩn trọng xét về những lợi ích lâu dài của nó. Qua đó có thể hiểu được: đây là những nhu cầu của bản thân, những thiết yếu cần có trong sinh hoạt tối thiểu, hay đây chính là ý niệm phát khởi từ lòng tham, lòng sân, lòng si của con người, những động cơ xuất phát từ thiện hay là bất thiện nghiệp.

Thế nên ý nghĩa pháp tu “Nghĩa ân nuôi thọ cảm” đã hàm ý mang lại cái sống chung của ta và muôn loài. Thực hành được lối sống này chính là chúng ta hỗ trợ nhau cùng tiến hóa đi lên. Những ai đã hình thành cảm thọ già chắc thì phải biết giúp đỡ lại những nguời có cái biết còn non kém, như vậy mới hợp với lẽ đạo. Lời Tổ dạy: Lấy ân nghĩa mà cư xử với muôn loài, đây là nguyên tắc sống, là lẽ đạo, thuận theo tiến hóa tự nhiên, lẽ sống này đáp trả ân nghĩa mà chúng ta đã vay của chúng sanh trong nhiều kiếp sống.

Lại nữa, "Nghĩa ân nuôi thọ cảm" lấy thiện lành đối xử với ác pháp, lấy tình thương đối xử với lòng vô cảm, lấy sự hiểu biết để hạn chế hành động bản năng do nghiệp lực chi phối, lấy từ bi trí huệ để hóa giải hận thù... đây chính là lối sống đạo cao đẹp, không tạo nên oán thù oan trái. Bên cạch đó, con người còn nuôi dưỡng phước báu, tăng thiện duyên, hỗ trợ điều kiện cần thiết để xây dựng cõi Phật tại thế gian này. Mỗi người hiểu ý nghĩa pháp, thực hành lối sống đạo thật là đáng quí biết bao. Ai là người thiện thì phải sống với thọ cảm thiện, thọ cảm trong sáng vô tư vô nhiễm của tâm hồn.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan