Nghiêm trì giới luật - trang nghiêm Tây phương Tịnh độ
- ĐĐ. Giác Nhường
- | Thứ Ba, 05:01 27-06-2017
- | Lượt xem: 4879
Hệ phái Phật giáo Khất sĩ ra đời dựa trên nền tảng tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập. Tổ sư đã chú trọng về phương diện Tứ y Pháp – đời sống đơn giản về ăn, mặc, ở, bệnh, nhất là giáo hóa Tăng đoàn chuyên tâm hành trì giới, định, tuệ. Tăng đoàn nghiêm trì giới luật chính là một cảnh giới tịnh độ, cực lạc; đây cũng chính là quan điểm mà Tổ sư đã xây dựng một Giáo hội Tăng-già Khất sĩ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”. Trong bài này, người viết chỉ trình bày vài quan điểm của Tổ sư Minh Đăng Quang về Tịnh độ, Cực lạc - tức bản chất thanh tịnh, nghiêm trì giới luật của Giáo hội Tăng-già; về điều kiện truyền giới và tư cách giới tử để chính thức là thành viên của Tăng đoàn, Giáo hội.
Quan niệm về Tịnh độ Cực lạc
Theo quan niệm của Tổ sư Minh Đăng Quang thì “giới luật của Giáo hội Tăng-già là xứ Tây phương Tịnh độ, cực lạc an dưỡng của chúng sanh”[1]. Trang nghiêm Tây phương tịnh độ ấy chính là Giáo hội Tăng-già phải được trang nghiêm, các thành viên trong Giáo hội phải nghiêm trì giới luật. Tăng đoàn phải áp dụng giới luật trong đời sống thường ngày, trong giải quyết Tăng sự, thì giới luật mới phát huy được giá trị của nó, mới có được chức năng duy trì chánh pháp trường tồn. Mục đích mà Đức Phật chế địnhgiới luật có mười sự lợi ích đó là: (1) Vì nhiếp phục Tăng chúng; (2) vì nhằm triệt để nhiếp phục Tăng chúng; (3) vì muốn cho Tăng chúng an lạc; (4) vì để nhiếp phục những người không biết hổ thẹn; (5) vì để cho những người biết hổ thẹn cư trú yên ổn; (6) vì để cho những người không tin khiến họ tin tưởng; (7) vì để cho những người đã tin tăng thêm lòng tin; (8) vì muốn dứt hết pháp lậu hoặc ngay trong hiện tại; (9) vì để cho những lậu hoặc chưa sinh không thể sinh khởi; (10) vì muốn cho Chánh pháp được tồn tại lâu dài.
Tăng đoàn Khất sĩ của Tổ sư Minh Đăng Quang ở buổi ban đầu đã sống đúng tinh thần giới luật, y cứ giới luật để giải quyết mọi vấn đề Tăng sự và Phật sự trong Giáo đoàn. Tổ sư đã y cứ luật Tứ phần của phái Đàm-vô-đức làm nền tảng cho Tăng Ni Phật giáo Khất sĩ hành trì. Đây là bộ luật mà đa số các nước Phật giáo Đại thừa hành trì. Ngoài ra, để hỗ trợ Tăng Ni của Giáo đoàn Khất sĩ tu tập và hành đạo trong thời hiện đại, nhất là tại Việt Nam, nên Tổ sư đã quy định thêm một số điều luật, xem như là một bộ tiểu luật gồm 114 điều, những điều này không phải là giới điều mà chỉ xem như thanh quy nội bộ Hệ phái. Sau khi Tổ sư vắng bóng vào đầu năm 1954, Giáo hội do quý Trưởng lão đệ tử Tổ sư lãnh đạo và tiếp tục y như truyền thống mà hành trì. Cho đến năm 1966, Phật giáo Khất sĩ được chính quyền đương thời công nhận là một tổ chức Giáo hội với tên gọi Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam (GHTGKSVN), bản điều lệ được hình thành gồm 32 điều. Năm 1973, để đáp ứng tình hình thực tế trong quản lý và hoằng pháp, hệ thống tổ chức của Giáo hội lại phân làm hai viện, đó là Viện Chỉ đạo và Viện Hành đạo, với Bản điều lệ được chỉnh lý thành 26 điều. Đến năm 1975, Giáo hội đã tu chỉnh bản điều lệ thành 6 chương 27 điều. Như vậy, GHTGKSVN từ năm 1966 đến năm 1975 bắt đầu sinh hoạt theo mô hình quản lý hành chánh bằng nội dung bản điều lệ quy định. Tất nhiên, vấn đề Tăng sự vẫn duy trì theo truyền thống giới luật và bộ 114 điều luật mà Tổ sư đã vạch ra. Đến năm 1981, GHTGKSVN cùng với 8 tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), và từ đây GHTGKSVN đổi tên gọi là Hệ phái Khất sĩ, sinh hoạt theo quy định của Hiến chương GHPGVN. Nội dung của Hiến chương có quy định phải tôn trọng và tiếp tục duy trì truyền thống tu tập của các Hệ phái.
Vì vậy, dù ở thời kỳ nào, lời dạy của Tổ sư luôn luôn là tông chỉ cho Tăng Ni Khất sĩ hành trì tu tập, nhất là về giới luật. Tổ sư dạy “Giới luật trong sạch của mỗi sắc thân, ấy mới gọi là thế giới Cực lạc”[2]. Hay “Tịnh độ là lục độ thanh tịnh, là giới luật Tăng-già Khất sĩ giải thoát, giới luật giải thoát là Niết-bàn Cực lạc, xứ an lạc”[3].
Quy định Giáo hội Tăng-già
Theo Tổ sư Minh Đăng Quang, “một Tăng hay một chúng là 4 vị sư; một Tiểu Giáo hội Tăng-già là 20 vị sư; một Trung Giáo hội Tăng-già là 100 vị sư; một Đại Giáo hội Tăng-già là 500 vị sư”[4]. Theo đó, điều kiện số lượng tối thiểu cho một Giáo hội là phải đủ 20 vị xuất gia, và điều kiện căn bản là phải hòa hợp, thanh tịnh.
Một Giáo hội thì phải có đầy đủ chức năng giải quyết tất cả mọi sự việc, mọi sinh hoạt trong Giáo đoàn, nhất là phải đủ điều kiện để xuất tội cho một vị Tỳ-kheo, làm trang nghiêm Tăng thân, hòa hợp Tăng đoàn, duy trì và phát huy Chánh pháp. Hay nói cách khác, Tăng đoàn có khả năng khiến cho Phật nhật tăng huy, Pháp luân thường chuyển, tông môn vĩnh chấn và Tổ ấn trùng quang. Theo Luật Thiện Kiến, Đức Phật dạy Tôn giả A-nan có năm điều kiện khiến chánh pháp được tồn tại lâu dài. Năm điều đó là: “Sau khi Như Lai diệt độ phải lấy giới luật làm thầy; ở đời ít nhất có năm người trì giới; khi truyền cụ túc ở trung tâm phố thị thì cần 10 vị, biên địa ít nhất cần phải đủ 5 vị; khi xuất tội Tăng tàn cần phải đủ 20 vị Tăng; nhờ vào các vị luật sư”[5]. Hay theo Phật giáo Nguyên thủy, Luật tạng, Đại phẩm 2, chương Campa kiền-độ (Campeyyakkhandhaka)[6] có quy định nội dung bắt đầu từ “Công việc của nhóm 4 vị” đến “Công việc của nhóm 20 vị” quy định rằng đối với nhóm 4 vị tỳ-kheo thì không được truyền giới, tự tứ, xuất tội; nhóm 5 vị tỳ-kheo được truyền giới cụ túc nơi biên địa, nếu không phải là nơi biên địa xa xôi thì không được truyền giới. Ở nhóm này vẫn không được giải tội cho một vị tỳ-kheo; nhóm 10 vị thì trừ việc xuất tội Tăng tàn, còn tất cả các yết-ma khác đều được làm với túc số Tăng này; chỉ có nhóm 20 vị Tỳ-kheo thì thực hiện hết thảy các pháp yết-ma, giải quyết tất cả mọi Tăng sự. Trong luật này còn quy định rất rõ về tư cách để được tham gia tác pháp yết-ma của các nhóm trên, nhưng ở đây chỉ đề cập về số lượng Tỳ-kheo để tác pháp yết-ma cho Giáo hội Tăng-già.
Theo Hòa thượng Thích Phước Sơn trong Luật học tinh yếu , để thực hiện pháp yết-ma cần phải hội đủ 3 yếu tố mới hợp quy, đó là: nhân, pháp và sự. Trong đó, "sự" tức là sự vật cụ thể hay sự việc diễn tiến; "Pháp" là những nguyên tắc, những thủ tục... đã được quy định như trường hợp nào đơn bạch, trường hợp nào bạch nhị... "Nhân" tức là người hay nhân cách, nghĩa là những người đó phải đủ tư cách pháp nhân của một tỳ-kheo hợp pháp, và túc số phải phù hợp cho từng pháp yết-ma. Túc số này được quy định như:"Tăng gồm 4 người là túc số tối thiểu trong sinh hoạt thông thường như thuyết giới; Tăng gồm 5 người là túc số tối thiểu cho việc Yết-ma Tự tứ, ngoài ra, túc số này cũng có thể truyền giới Cụ túc tại những địa phương mà ở đó số Tỳ-kheo quá ít; Tăng gồm 10 người là túc số cần thiết để truyền giới Cụ túc; Tăng gồm 20 người là túc số cần thiết để xuất tội Tăng tàn và tất cả các pháp yết-ma khác. Trên túc số 20 có thể thực hiện bất cứ pháp yết-ma nào. Khi thực hiện các pháp yết-ma thì số người thừa không phạm, nhưng số người thiếu sẽ phạm luật" [7].
Theo tinh thần đó, Tổ sư đã cho rằng một tiểu Giáo hội là 20 vị tỳ -kheo, có nghĩa là số lượng tối thiểu để thực hiện được tất cả các pháp y ết- ma trong Giáo đoàn theo truyền thống Đức Phật đã dạy. Trong bộ 114 điều luật, Tổ sư còn dạy rằng: “Cấm không đặng thiếu sót sự hành đạo của Tăng, mỗi chỗ phải do Giáo hội chứng minh và các Giáo hội nhánh mỗi kỳ ba tháng phải trình bày về Trung ương một lần về sự tu học”[8]. Với quy định như vậy, Tăng đoàn vừa phát huy tinh thần hòa hợp, vừa h ỗ trợ lẫn nhau để cùng xây dựng và giải quyết các vấn đề tồn tại trong các Giáo hội nhánh trực thuộc Giáo hội trung ương. Các Giáo hội nhánh này nay là các Giáo đoàn thuộc hệ phái Phật giáo Khất sĩ, một trong 9thành viên sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Với cách nhìn trên, Tổ sư đã quy định các việc quan trọng trong Tăng đoàn cần phải đủ túc số là 20 vị Tăng, tức một tiểu Giáo hội. Nhất là sự kiện liên quan đến các việc như: truyền thọ giới pháp, tự tứ, xuất tội Tăng tàn,… đều phải đủ số lượng Tăng của một tiểu G iáo hội.
Quy định về Tăng cách
Tăng cách là tư cách của một vị xuất gia, là phẩm chất của một vị Tăng; là sự biểu hiện cách sống trong đoàn thể Tăng-già, được quy định thông qua giới luật. Nội dung trong bài này chỉ đề cập đến vấn đề Truyền giới cho giới tử để trở thành một thành viên trong Tăng đoàn Khất sĩ mà Tổ sư Minh Đăng Quang đã quy định.
Việc truyền giới và thọ giới là vấn đề rất quan trọng, vì đây chính là nguyên nhân chủ yếu để xây dựng Tăng đoàn, trang nghiêm Giáo hội, bảo tồn Chánh pháp lâu dài. Vì vậy, việc truyền giới và thọ giới không những chỉ chú trọng đến nội dung mà cần phải tuân thủ nghiêm túc về hình thức truyền thọ giới pháp. Vì đây là pháp yết-ma mà trong đó có sự tham gia của tập thể Tăng-già, cả tư cách của các vị giới sư và giới tử. Tăng cách một vị xuất gia thanh tịnh trang nghiêm, hay bê tha sa đọa đều ảnh trực tiếp đến sự thanh tịnh Tăng đoàn, trang nghiêm Giáo hội, không phải chỉ mang lại quả báo cho cá nhân vị ấy, mà còn ảnh hưởng đến sự hưng thịnh và suy tàn của chánh pháp.
Vì lý do đó mà Tổ sư Minh Đăng Quang đã quy định khi tác pháp truyền thọ giới cụ túc cho giới tử thì phải đủ 20 vị Tăng chứng minh. Tổ sư dạy:“Khi cho thọ giới Khất sĩ phải có đủ một tiểu Giáo hội 20 vị sắp lên, chứng nhận minh bạch, thiếu một vị cũng không được. Khi đó, phải có một vị sư đứng ra giới thiệu, xin giùm với Giáo hội, một vị sư truyền thọ quy giới cho, và phải có một vị Đại đức hay Trưởng lão, Thượng tọa đứng ra bảo đảm dạy dỗ. Lúc ấy, tất cả Giáo hội đều phải ưng thuận hết; nếu có một vị sư bất bình thì sẽ không được thâu nhận” [9]. Và Tổ sư nhấn mạnh rằng:“Cấm cho thọ giới Y Bát người không có đủ ba ông thầy chứng dự”[10] ,tức là trong số 20 vị đó phải thỉnh 3 vị Hòa thượng với ba vai trò là: Giới Hòa thượng (S. Updaya), tức chỉ cho Hòa thượng chính trao truyền giới luật, là nơi qui hướng để Tỳ-kheo đắc giới; Yết-ma sư (S. Karmadana), tức vị chủ trì nghi thức bạch tứ yết-ma truyền giới; Giáo thọ sư (S. Acarya), là vị thầy dạy về uy nghi tác pháp, hướng dẫn, mở đường hiểu biết cho các giới tử. Ba vị Hòa thượng này còn gọi là Tam sư: Hòa thượng Đàn đầu, Hòa thượng Yết-ma, Hòa thượng giáo thọ. Điều này cho thấy Tổ sư rất quan tâm đến một vị giới tử tân Tỳ-kheo, không chỉ quan trọng đến đời sống phạm hạnh của cả cuộc đời vị Tỳ-kheo này, mà hơn thế nữa là sự trang nghiêm Tăng đoàn, sự trường tồn của Phật pháp.
Đối với việc truyền thọ giới pháp cho giới tử Sa-di, Tổ sư dạy: “Chứng minh cho một người tập sự phải có đủ bốn vị sư trên hai năm”[11]. Điều thứ 52 và điều thứ 53 trong bộ 114 điều luật, Tổ sư dạy: “Cấm cho thọ giới một Tập sự chưa thuộc Tứ y Pháp, mười giới và bài kinh cúng dường”; “Cấm cho vào hàng Tỳ-kheo kẻ nào chưa rành môn oai nghi Giới bổn, những câu chú (Tỳ-ni), kinh tụng” [12].
Để được thọ giới Pháp, Tổ sư quy định “Người tập sự phải từ 18 tuổi sắp lên và từ 20 tuổi mới được thọ giới Khất sĩ 250 giới”[13]. Nhưng khoảng thời gian tu tập từ Sa -di đến Tỳ- kheo thì Tổ quy định “Sau hai năm tu tập đủ nết hạnh thanh tịnh và thiện căn, phước đức nhân duyên mới cho thọ quy giới, nhập chúng sau hàng Khất sĩ, bấy giờ mới được gọi là bình đẳng”[14].
Tuy nhiên, để hỗ trợ cho các Sa -di, t ập sự ch ững chạ c trong oai nghi, vững chãi trong phạm hạnh, để tự mình có thể kiểm soát đời sống của người Khất sĩ trong Tăng đoàn trang nghiêm, thanh tịnh, thì chư Tôn đức Giáo phẩm trong Hệ phái đã quy định thêm mỗi vị xuất gia sau khi thọ giới Sa -di 3 năm trở lên, sau đó mới được xem xét hạnh kiểm, giới thiệu thọ giới Cụ túc. Đồng thời, Hệ phái còn mở các khóa tu “Bồi dưỡng đạo hạnh” buộc các vị tân xuất gia phải trải qua các khóa này mới đủ điều kiện để thọ giới pháp.
Trong bài “Vài nét về truyền thống truyền thọ giới pháp của Hệ phái Khất sĩ” , Hòa thượng Giác Toànghi: “Một giới tử muốn thọ cụ túc giới phải hoàn thiện các tiêu chí sau: Phải thực hành Sa-di pháp ít nhất từ hai đến 3 năm trở lên để “uốn nắn tâm viên, giồi trau ý mã”; phải trong sạch các nhơn duyên của đời, nghĩa là không bị vướng một trong 13 già-nạn; Phải thuộc giới bổn, phạm hạnh thanh tịnh; Phải trọn lễ hầu thầy, tham thiền có ấn chứng và đầy đủ oai nghi tế hạnh; Phải thông thuộc một số kinh luật căn bản; Phải biết mục đích của mình, tôn chỉ của Đạo.Một số trường hợp đạo hạnh non kém, dẫu đủ 3 năm Sa-di vẫn không được thọ Cụ túc giới và phải chờ cho đến khi nào Bổn sư nhận xét đạo hạnh của giới tử tương đối được thì giới thiệu cho lên lớp thọ giới đủ” [15].
Tóm lại
Tổ sư Minh Đăng Quang đã chủ trương dùng giới luật để xây dựng một cảnh giới Tịnh độ, Cực lạc tại nhân gian. Trong Chơn lý “ Tu và nghiệp”, Tổ sư dạy: “Thân trong sạch ấy là xứ Phật / Miệng trong sạch ấy là pháp Phật / Ý trong sạch ấy là con Phật / Tâm trong sạch ấy là Đức Phật”[16]. Chỉ có dùng giới luật để trang nghiêm và trong sạch thân khẩu ý của vị Khất sĩ, chỉ có giới luật mới xây dựng xứ Phật thật trang nghiêm và thanh tịnh, một cảnh giới Tịnh độ, Cực lạc. Giá trị của giới luật chính là ở chỗ có chức năng làm cho vị Khất sĩ thanh tịnh và phát triển Tăng đoàn hòa hợp. Chính vì thế mà Tổ sư dạy: “Thế mới biết rằng thân giới là xứ Cực lạc Tịnh độ” [17] và “Giới luật thanh tịnh tu tâm là miếng đất Tịnh độ Cực lạc” [18].Và Tổ sư đã khiêm cung rằng :“Chắc ai cũng chưa thành Phật, thì đừng khinh giới luật. Vì giới luật là Phật thân…; Giới là trung đạo, không thái quá và bất cập” [19].
ĐĐ.TS. Giác Nhường
Giảng viên Học viện Phật giáo VN tại TP. HCM
Trưởng ban Văn hóa GHPGVN tỉnh Đăk Nông
[1]Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật nghi Khất sĩ , tr. 47, 1965.
[2]Tổ sư Minh Đăng Quang,Chơn lý “Vô Lượng Cam Lộ”, tr. 122. Nxb . Tôn g iáo, 2004 .
[3]Tổ sư Minh Đăng Quang,Chơn lý “Tu và nghiệp”, tr. 79. N xb. Tôn g iáo , 2004 .
[4]Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật nghi Khất sĩ, tr. 39, 1965.
[5]Đại chánh Tân tu, Thiện Kiến Tỳ-bà-sa , quyển 24, số1462, tr. 786a. ( 《善見律毘婆沙》,《大正藏》冊 24, No. 1462, 786a 页 ).
[6]Tỳ-kheo Indacanda ( dịch), Tam tạng song ngữ Pali –Việt, Tạng luật, Đại phẩm 2, tr.239 – tr. 265. Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka.
[7]Hoà thượng Thích Phước Sơn, Luật học tinh yếu, tr. 34, Nxb . Phương Đông , 2006.
[8]Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật nghi Khất sĩ, tr. 237, 1965.
[9] Sđd, tr. 41.
[10] Sđd, tr. 235.
[11] Sđd,tr. 40.
[12] Sđd, tr. 236.
[13] Sđd, tr. 40.
[14] Sđd, tr. 40.
[15]Hòa thượng Giác Toàn, “Vài nét về truyền thống truyền thọ giới pháp của Hệ phái Khất sĩ ”, trên Website www.chuahuenghiem.net/
[16]Tổ sư Minh Đăng Quang,Chơn lý “Tu và nghiệp”, tr. 91. Nxb . Tôn giáo, n ăm 2004.
[17]Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý“Vô Lượng Cam L ộ”, tr. 140. Nxb . Tôn giáo, n ăm 2004 .
[18]Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý “Tu và nghiệp”, tr. 90. Nxb . Tôn giáo, n ăm 2004.
[19]Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật nghi Khất sĩ , tr. 60, năm 1965.
Các bài viết liên quan
- Đạo Phật Khất sĩ và bốn tinh thần tiêu biểu trước khi hòa nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Thứ Bảy, 08:56 14-05-2022 - xem: 3937 lần
- Công trình dung hợp khởi phát từ Tổ sư Minh Đăng Quang - Thứ Ba, 09:42 19-04-2022 - xem: 7444 lần
- Sư phát triển của Hệ phái Khất sĩ tại hải ngoại - Thứ Ba, 08:11 19-04-2022 - xem: 4888 lần
- Căn cốt của Hệ phái Khất sĩ và yêu cầu của từng thời đại khác nhau - Thứ Ba, 01:10 19-04-2022 - xem: 4784 lần
- Bước đầu nhận diện những nét chính của Giáo đoàn Khất sĩ và của vị Hành giả Chơn lý - Thứ Ba, 00:51 19-04-2022 - xem: 4114 lần
- Tinh tấn tu tập nhiếp phục thân khẩu ý thanh tịnh - Thứ Năm, 10:14 29-07-2021 - xem: 10206 lần
- Kinh nghiệm kiểm soát và chuyển hóa ác nghiệp - Thứ Hai, 11:47 26-07-2021 - xem: 6937 lần
- Phát huy những giá trị tốt đẹp của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ - Thứ Bảy, 22:38 03-04-2021 - xem: 7528 lần
- Phát huy giá trị tôn giáo và xã hội của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - Thứ Năm, 10:28 01-04-2021 - xem: 5846 lần
- Những giá trị của Hệ phái Khất sĩ trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - Thứ Năm, 10:08 01-04-2021 - xem: 7441 lần
- Hòa thượng Thích Giác Toàn chia sẻ nhân duyên với Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang - Chủ Nhật, 00:03 14-03-2021 - xem: 8131 lần
- Quá trình hình thành và phát triển Hệ phái Khất sĩ Việt Nam ở Bình Dương - Thứ Bảy, 02:54 18-07-2020 - xem: 8596 lần