Những giá trị tôn giáo và xã hội của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- NS. Tín Liên
- | Thứ Sáu, 03:54 17-07-2020
- | Lượt xem: 5436
Tọa đàm khoa học do Ban Tôn giáo - Ủy ban Trung ương MTTQVN tổ chức với chủ đề: “Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam – Các giá trị tôn giáo và xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc” một lần nữa nhấn mạnh vai trò của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ (HPPGKSVN). Giá trị này có ý nghĩa rất lớn bởi Hệ phái Khất sĩ ngoài việc chuyên tâm vào việc tu học cho tự thân, giữ gìn mạng mạch Phật pháp, còn mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng nhân sinh.
A. NHỮNG GIÁ TRỊ TÔN GIÁO
Những giá trị tôn giáo của HPPGKSVN chính là:
- Những điểm đặc sắc trong giáo lý, triết thuyết mà người Khất sĩ đang theo đuổi, học tập, suy tư.
- Những điểm đặc sắc trong nếp sống hành trì tu tập thường nhật.
- Lý tưởng rốt ráo hướng đến của người tu theo hạnh Khất sĩ.
Thứ nhứt, những điểm đặc sắc trong giáo lý, triết thuyết của HPPGKSVN chính là tôn chỉ tu tập và hành đạo của đức Tổ sư như ngọn cờ hiệu triệu. Đó là: “NỐI TRUYỀN THÍCH CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM”.
Đức Tổ sư Minh Đăng Quang không làm một điều gì mới, không phát minh một điều gì mới lạ, mà chính là muốn tiếp nối và truyền lưu rộng rãi ở thế gian ngọn đèn chơn lý, ngọn đèn Chánh pháp, những lời dạy chơn chánh của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, mà qua thời gian hơn 2.500 năm đến giờ đã bị lu mờ, mai một, biến chất. Trong Chơn lý “Hòa bình I” (Đoàn Du Tăng), đức Tổ sư nói: “Khất sĩ chúng tôi tập nối truyền Chánh pháp của Phật Thích-ca Mâu-ni, xuất hiện nơi xứ Việt Nam này, với mục đích cố gắng noi y gương Phật, thay Phật đền ơn và để đáp nghĩa chúng sanh trong muôn một đang thời nạn khổ.”
Giáo lý Khất sĩ chỉ có ba pháp vắn tắt: Dứt ác, tăng thiện, giữ lòng trong sạch. “Một là dứt các điều ác, hai là làm các điều lành tùy theo nhơn duyên cảnh ngộ, không cố chấp, vì lẽ không có thì giờ dư dả, và cũng biết rằng: Các việc lành là để trau tâm, vì tâm mà làm sự phải, chớ không ngó xem nơi việc làm kết quả và ba là cốt yếu giữ lòng trong sạch”.[1] Đức Phật Thích-ca Mâu-ni có dạy rằng: “Hãy giữ lời nói của ngươi, hãy làm cho tâm ý của ngươi trở nên thanh bạch, đừng làm một việc gì sái quấy, giữ ba điều ấy là theo chánh đạo, đạo của chư Phật đó”.[2] “Chư ác mạc tác/ Chúng thiện phụng hành/ Tự tịnh kỳ ý/ Thị chư Phật giáo.” Khi đạt đến “lòng trong sạch” là tâm không vấy bợn tham, sân, si, thuần khiết, thanh tịnh, là tâm Phật, thành Phật.
Thứ hai, để đạt được điều này, chuyển phàm ra Thánh, con đường hành trì tu tập của người Khất sĩ chính là con đường Giới-Định-Tuệ. “Người Khất sĩ chỉ có ba pháp tu học vắn tắt là: Giới, Định, Tuệ”.[3] “Hễ thân giới trong sạch thì tâm định yên lặng và trí huệ mới sáng suốt; có Giới-Định-Tuệ mới mong được chơn như chánh giác!”[4] Để dần hoàn thiện con đường Giới-Định-Tuệ, người Khất sĩ hành trì Tứ y pháp, bốn pháp mà người tu theo hạnh Khất sĩ y cứ, nương theo, giữ gìn hành trì suốt cuộc đời, đó là:
1/ Không chen lộn trong đời về chỗ ở; 2/ Không vướng bận về vấn đề ăn mặc; 3/ Không được cất giữ tiền, bạc, vàng, đồ quý giá; 4/ Bình đẳng vô trị: Nghĩa là sống ở cõi không hình phạt, không quyền, không trị, chỉ có một sự dạy mà tất cả được yên.[5]
“Khất sĩ đi xin ăn mà chẳng than van, không có gì hết mà chẳng than nghèo, đầu trần, chân không, đội trời, đạp đất, sương màn, cỏ chiếu, mà chẳng bao giờ chán nản. Khất sĩ khuyên lơn người giàu, an ủi người nghèo, làm gương không không, tránh khổ cho người giác ngộ. Khất sĩ cảm hóa kẻ ác, dạy dỗ người thiện, để dấu hoa sen không ô nhiễm vào nơi trí óc tâm người, vạch hàng chữ đạo nơi cửa ngõ đường đi, khoe sự tốt đẹp của giới hạnh, nhắc nhở sự yên úy đến cho người.”[6]
Cụ thể chi tiết áp dụng hành trì, đời sống tu tập của người Khất sĩ có thể được thể hiện gói gọn trong hai từ “Khất sĩ” mà đức Tổ sư giải thích: “Khất, ấy là xin; Sĩ, đây là học. Xin ấy rồi lại cho. HỌC đây rồi lại dạy. XIN phẩm thực để nuôi thân giả tạm. CHO sự thiện lành phước đức để bảo giữ sự sống dài lâu. HỌC bằng cách lượm lặt phương pháp khắp nơi, rút nhiều kinh nghiệm. DẠY là đem kết quả thật hành đặc điểm chỉ lại cho người. Cái xin, cái học, cái dạy, cái cho, hai pháp nương sanh, mở ra một con đường xán lạn cho tất cả kẻ về sau tiến bước. Con đường ấy kêu là đạo. Đạo của sống là xin nhau sống chung, đạo của biết là học chung, đạo của linh là tu chung.”[7] “Khất sĩ là cái sống của chơn lý võ trụ, mà tất cả chúng sanh đều là học trò cả thảy… Đạo Khất sĩ không phải là mới, nói cho đúng: Ai ai cũng là Khất sĩ cả thảy. Vì ai mà không có gặp được sự học mỗi ngày, ai mà không có sự xin nhau từ chút!”[8] “Khất sĩ là đạo của chúng sanh chung, ai ai cũng đang mang danh từ Khất sĩ, họ hàng Khất sĩ, họ Phật, chủng tộc Sa-môn, là học xin, Khất sĩ hết.”[9]
Suy tư ý nghĩa hai từ Khất sĩ để sống và thể hiện trọn vẹn ý nghĩa ấy, chúng ta rút ra được những quan điểm đặc sắc, chan hòa bàng bạc trong tư tưởng các bài giảng Chơn lý của Ngài:
1/ Quan điểm “Nên tập sống chung tu học”: “Cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung, cái linh là phải tu chung”; sống với nhau trong tinh thần Lục hòa, 7 pháp bất thối chuyển, 7 điều thạnh pháp, bình đẳng vô trị…
2/ Quan điểm Tri - Hành hợp nhất: Xin rồi lại cho, học rồi lại dạy…, không lý thuyết suông mà phải hành trì. Trong Chơn lý “Học để tu” (số 42), Tổ sư dạy ý nghĩa như sau: Văn để Tư - Tu, chớ không phải để tự mãn, vênh vang, học mênh mông “cho hết thì giờ, tự vận” học có tu, tu có học. Ni trưởng Huỳnh Liên dạy: “Tu có học mới rạng ngời Chánh pháp/ Học có tu mới lợi đạo, ích đời.” Cổ đức cũng dạy: “Tu mà không học là tu mù/ Học mà không tu là cái tủ đựng sách.” “Đạo Phật là do chỗ hành mà giác ngộ, chớ không phải nơi cái học mà đắc. Và đâu có thể nào ai học hết pháp của võ trụ đặng.” “Hành đạo là đắc đạo, chớ học đạo chưa có đắc đạo đâu.”[10] Điều nầy đúng như lời Phật dạy trong Kinh Pháp cú, số 19-20, 51-52.[11]
3/ Quan điểm không chỉ lo tu học, mà vừa tu học vừa cứu độ chúng sanh trong mọi thời duyên cảnh ngộ, nhập trần nhưng bất nhiễm: “Phải vừa tu học, vừa cứu độ chúng sanh, cũng như có cứu trước, mới có độ sau, hai pháp phải đi đôi, mới tạo ra con đường chánh… có hành cũng phải có trụ, hành trụ đi đôi mới phải đạo.”[12] Trong ý nghĩa đó, Tổ sư chủ trương phát huy chánh niệm miên mật để hộ trì thân, khẩu, ý, oai nghi tế hạnh tề chỉnh, nghiêm trang. Đặt nặng về hành trì thiền định trên nền tảng giữ giới thanh tịnh, làm cơ sở phát sinh trí tuệ.[13] Bên cạnh đó, song song với tự tu, người Khất sĩ xây dựng tịnh xá, cất lập đạo tràng để thuyết pháp giảng đạo; từ thiện, tế bần, nuôi dưỡng cô nhi, tùy hoàn cảnh giúp đỡ các mặt trong đời sống nhơn sanh xã hội.[14]
4/ Quan điểm cả thảy chúng sanh là Khất sĩ đang trên con đường tiến hóa: Mục đích đời sống của chúng sanh là “để tu học, sống để mà biết, sống tạm để cho được cái biết ngày mai… Con đường tiến của sống để đến biết nghỉ yên vĩnh viễn ấy, tức là đạo Phật, là Khất sĩ, và tất cả chúng sanh là Đoàn Du Tăng Khất sĩ.”[15] “Cái sống là đang sống chung/ Cái biết là đang học chung/ Cái linh là đang tu chung. Cả thảy chúng sanh là Khất sĩ, xin học tu chung, tạm sống đổi thay mãi, đi tới hoài, không chỗ nơi an trụ, để tiến tới cảnh toàn giác toàn năng, toàn sống, toàn tu, hoàn toàn vắng lặng tự nhiên bất diệt của đạo đức võ trụ.
Đoàn Du Tăng Khất sĩ là chúng sanh chung, có ra do nhân duyên, y theo chơn lý võ trụ để tiến đến Niết-bàn, là con đàng đạo đức. Mục đích giải thoát, chánh đẳng chánh giác, sống chung tu học cho mình và tất cả, mong đem lại Niết-bàn hiện tại.”[16]
5/ Quan điểm không tài sản sở hữu riêng: Trong việc các tịnh xá trong HPKS được xem là tài sản chung của Giáo hội, do đàn-na tín thí trực tiếp hay gián tiếp cất lập, nên không ai được tự xem là chủ sở hữu riêng. Và chiếu theo giới luật, bản thân người tu sĩ không được cất giữ tiền của, vàng bạc, châu báu… Quan điểm người tu sĩ không tài sản sở hữu riêng cũng được thể hiện trong nếp sống hành đạo luân lưu bổ xứ từ 3 đến 6 tháng mỗi nơi, để tập hạnh không trụ chấp nhà cửa, tài sản, Phật tử riêng…
6/ Quan điểm không phân biệt tông môn, hệ phái: Tất cả là những nấc thang trên con đường tu tập, thăng tiến tâm linh, con đường tiến hóa của chúng sanh.[17] “(Chúng ta) phải nên nhớ rằng Đạo là con đường của tất cả chúng sanh, mỗi người tự đi, chớ không có TÊN ĐẠO GÌ cả; Giáo là sự dạy học để tu hành, chớ không có phải TÔN GIÁO GÌ cả; và Phái là sự làm việc giúp ích lợi chung cho nhau, chớ không phải PHÁI GÌ cả. Vì đối với tất cả chúng sanh, những sự việc, lý lẽ của đạo giáo phái là để sống chung tu học, cho được sáng suốt yên lặng và trong sạch mà thôi. Như vậy là lớp trên, lớp giữa, lớp dưới, phải biết kính nhường nhau. … lấy Giới-Định-Huệ của mỗi bậc mà làm thân quyến với nhau.”[18]
7/ Quan điểm sống với trí tuệ, có chánh kiến, không mê tín dị đoan, không theo thần quyền qua các bài: Chơn lý “Chánh pháp”, Chơn lý “Pháp tạng”, Chơn lý “Vô lượng cam lộ”, Chơn lý “Thờ phượng”, Chơn lý “Giác ngộ”, Chơn lý “Chánh kiến”,…
B. GIÁ TRỊ XÃ HỘI CỦA HỆ PHÁI KHẤT SĨ
Để “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, người Khất sĩ hành trì Tứ y pháp để hỗ trợ hoàn chỉnh con đường Giới-Định-Tuệ, mục đích để đạt đến rốt ráo chuyển phàm ra Thánh, giác ngộ như Phật, thành Phật, chấm dứt khổ sanh tử luân hồi do nghiệp lực.
Trong quá trình hành trì để trọn vẹn ý nghĩa hai từ Khất sĩ, con đường người tu sĩ thực hành là sống chung tu học, sống với nhau trong tinh thần lục hòa, tri hành hợp nhất, không mê tín dị đoan, không có tâm phân biệt các giai tầng tông môn, hệ phái trong xã hội. Đời sống tu tập là thường hành trì chánh niệm, biết rõ những gì xảy ra trong thân và tâm để làm chủ những tâm xấu quấy. Do làm chủ nên tâm được hộ trì, căn được hộ trì, không bị tâm xấu sai sử khống chế, hành giả dần chuyển hóa tập khí xấu thành tốt, không làm điều ác, làm các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch. Đây là những điều hết sức nhân bản.
Nếu mọi người trong xã hội tu tập theo như vậy, thường hành trì huấn luyện nội tâm như vậy, chắc chắn sẽ không có con người xấu, chắc chắn con người sẽ tốt đẹp lần, sẽ là những công dân tốt, xây dựng một gia đình hạnh phúc, một đất nước phồn vinh, một xã hội và thế giới an bình, không hận thù, chiến tranh, khi con người tham sân si từ từ lắng dịu đến trong sạch thanh tịnh.
Đó là ý nghĩa của những giá trị tôn giáo và xã hội của HPPGKSVN đã và đang đóng góp trong việc xây dựng vững mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.
[1] Chơn lý “Đạo Phật Khất Sĩ”, Hà Nội, NXB. Tôn giáo, 2014, tr. 880.
[2] Chơn lý “Luật nghi Khất sĩ”, Kệ Luật.
[3] Chơn lý “Y bát chơn truyền”, tr. 190.
[4] Chơn lý “Trường đạo lý”, tr. 18.
[5] Chơn lý “Hòa bình I”, tr. 369-71.
[6] Chơn lý “Khất sĩ”.
[7] Chơn lý “Hòa bình I”, tr. 368.
[8] Chơn lý “Khất sĩ”, tr. 292.
[9] Chơn lý “Đạo Phật Khất Sĩ”.
[10] Chơn lý “Học để tu”.
[11] PC 19: “Tụng nhiều hành chẳng theo kinh/ thì phần lợi ích dễ thành tựu cho/ Khác nào những kẻ chăn bò/ Đếm bò cho chủ sữa bơ không dùng.” PC. 20: “Tụng ít hành đúng theo kinh/ Thì phần lợi ích được thành tựu cho/ Dứt phiền não dứt âu lo/ Tịnh thanh giải thoát, cơ đồ Sa-môn”. (Ni trưởng Huỳnh Liên, Tinh hoa bí yếu, Kinh Pháp cú, NXB. Tổng hợp, TP. HCM, 2013, tr. 50.). PC. 51: “Như bông hoa tươi đẹp/ Có sắc nhưng không hương/ Cũng vậy, lời khéo nói/ Không làm không kết quả”. PC. 52: “Như bông hoa tươi đẹp/ Có sắc lại thêm hương/ Cũng vậy, lời khéo nói/ Có làm, có kết quả.” (HT. Thích Minh Châu, Kinh Pháp cú, NXB. Tôn giáo, 2000, tr. 19.)
[12] Chơn lý “Đạo Phật Khất Sĩ”, phần Tôi phải làm sao?, tr. 881-84.
[13] “Khất sĩ giữ giới thanh tịnh, tập cấm khẩu và tu thiền định, không làm mích bụng người, gìn thiện cảm với tất cả.” (Chơn lý “Đạo Phật Khất Sĩ”, tr. 878.)
[14] “Con đường của Khất sĩ là bố thí pháp học và hành, trao đổi với tài thí ở đời, để được mình đi và dắt kẻ sau cùng đi tới.” (Chơn lý “Đạo Phật Khất Sĩ”, tr. 878)
[15] Như trên, tr. 866.
[16] Chơn lý “Hòa bình I”, tr. 371-2.
[17] Chơn lý “Trường đạo lý”, Chơn lý “Tông giáo”.
[18] Chơn lý “Trường đạo lý”, tr. 18-20.
Các bài viết liên quan
- Đạo Phật Khất sĩ và bốn tinh thần tiêu biểu trước khi hòa nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Thứ Bảy, 08:56 14-05-2022 - xem: 1517 lần
- Công trình dung hợp khởi phát từ Tổ sư Minh Đăng Quang - Thứ Ba, 09:42 19-04-2022 - xem: 2892 lần
- Sư phát triển của Hệ phái Khất sĩ tại hải ngoại - Thứ Ba, 08:11 19-04-2022 - xem: 2062 lần
- Căn cốt của Hệ phái Khất sĩ và yêu cầu của từng thời đại khác nhau - Thứ Ba, 01:10 19-04-2022 - xem: 1924 lần
- Bước đầu nhận diện những nét chính của Giáo đoàn Khất sĩ và của vị Hành giả Chơn lý - Thứ Ba, 00:51 19-04-2022 - xem: 1786 lần
- Tinh tấn tu tập nhiếp phục thân khẩu ý thanh tịnh - Thứ Năm, 10:14 29-07-2021 - xem: 3875 lần
- Kinh nghiệm kiểm soát và chuyển hóa ác nghiệp - Thứ Hai, 11:47 26-07-2021 - xem: 3931 lần
- Phát huy những giá trị tốt đẹp của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ - Thứ Bảy, 22:38 03-04-2021 - xem: 5068 lần
- Phát huy giá trị tôn giáo và xã hội của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - Thứ Năm, 10:28 01-04-2021 - xem: 3879 lần
- Những giá trị của Hệ phái Khất sĩ trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - Thứ Năm, 10:08 01-04-2021 - xem: 4160 lần
- Hòa thượng Thích Giác Toàn chia sẻ nhân duyên với Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang - Chủ Nhật, 00:03 14-03-2021 - xem: 4868 lần
- Quá trình hình thành và phát triển Hệ phái Khất sĩ Việt Nam ở Bình Dương - Thứ Bảy, 02:54 18-07-2020 - xem: 5783 lần