CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Phát biểu chào mừng “Những giá trị tôn giáo và xã hội của Hệ phái Phật giáo Khất Sĩ Việt Nam trong khối đại đoàn kết dân tộc”

Kính thưa quý vị đại biểu,

Hệ phái Phật giáo Khất sĩ (PGKS) Việt Nam nguyên là Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập tại miền Nam Việt Nam. Trong vòng 10 năm tu tập và hoằng hóa (1944 – 1954), Tổ sư đã độ được hàng trăm Tăng Ni noi theo hạnh Phật Tăng xưa, sống đời đơn giản thanh bần, chuyên tu giải thoát. Trong số đó, có nhiều vị là bậc đại căn sau này trở thành các bậc Trưởng lão, thành lập các Giáo đoàn, hoằng dương Phật pháp, lợi lạc nhân thiên. Cư gia bá tánh quý kính hạnh đức và trí tuệ của Ngài, nên số lượng quy y lên đến nhiều ngàn, đủ mọi độ tuổi và thành phần xã hội. Với đạo hạnh thanh cao, pháp tướng trang nghiêm, Tổ đã được nhiều cư sĩ tại gia dâng đất cất lập tịnh xá trên 20 ngôi. Từ đó, bóng y Khất sĩ của Tổ sư từ miền Tây lên đến Sài Gòn hoa lệ, ra miền Đông Nam Bộ, hóa độ quần chúng khắp các tỉnh thành.  

“Một cành mà nở trăm hoa

Bóng Y BÁT đẹp quê ta tự rày

Chân truyền KHẤT SĨ là đây

Bóng xưa với lại hình này dặm không.

(Trụ Vũ, Thi hóa Tiểu sử Tổ sư Minh Đăng Quang)

Sự hiện diện của PGKS lúc bấy giờ như một làn gió thanh lương mang sức sống tinh khôi tươi mới thổi vào Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn suy vi cùng cực này, góp phần chấn hưng Phật giáo Việt Nam bằng con đường tu tập, giới hạnh trang nghiêm, hoằng dương Phật pháp, thiết lập chánh tín, tự giác giác tha. Sự xuất hiện của một bậc chân sư thời bấy giờ như tiếng chuông đại hồng trong buổi sớm mai đánh thức bao người còn say ngủ trong đêm trường sanh tử, mở ra một sinh lộ mới cho những ai muốn tìm cầu giải thoát theo phương châm: “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp – Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam”.

Với đường lối Tứ y pháp Trung đạo, thọ trì Y bát, dung hợp tinh hoa tư tưởng của hai truyền thống Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền, ăn chay trường tuyệt đối, đơn giản nghi lễ, thiết thực hiện tiền; từ đó, Phật giáo Việt Nam đã có thêm một tông phái Phật giáo mới, mang hình tướng và nhiều nội dung có bản sắc Phật giáo nguyên chất từ đầu nguồn của tuệ giác từ đức Bổn  sư  Thích-ca Mâu ni, phối hợp với bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam, tạo nên một Phật giáo Khất sĩ rất riêng của Việt Nam.

Mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ (1954), do duyên đến duyên đi, Ngài đã đi “tu tịnh núi lửa” và từ đó đến nay đức Ngài biệt vô âm tín. Năm 1957, hàng đệ tử kế thừa đạo nghiệp, nối chí đức Ngài, hai lần ra miền Trung hóa độ người hữu duyên thành lập Giáo đoàn II do đức Trưởng lão Giác Tánh và Trưởng lão Giác Tịnh dẫn dắt. Song song Trưởng lão Giác An thành lập Giáo đoàn III. Đức Nhị Tổ Trưởng lão Giác Chánh tiếp tục dẫn dắt Tăng đoàn gốc trở về miền Tây Nam Bộ tu tập và hoằng truyền Phật pháp, sau này gọi là Giáo đoàn I. Năm 1959, Đại lão Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên thành lập Giáo đoàn IV. Năm 1960, Trưởng lão Giác Lý thành lập Giáo đoàn V. Năm 1962, Hòa thượng Giác Huệ thành lập Giáo đoàn VI. Song song với vận hội hoằng truyền Chánh pháp ở miền Nam và miền Trung, Ni trưởng Huỳnh Liên và các vị Ni trưởng như Ni trưởng Bạch Liên, Ni trưởng Thanh Liên cùng với chư vị Ni trưởng khác ngay từ khi vừa mới thành lập Ni đoàn, độ Ni chúng cả vài trăm khắp cả 2 miền Nam Trung nước Việt.

Tuy Tổ đã thuận theo nhân duyên mà “vắng bóng”, nhưng để lại cho hậu thế bộ Chơn lý gồm 69 quyển, trong đó có 60 quyển là giáo lý, quan điểm cộng thông Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền, 9 quyển còn lại là Luật Tăng-già, thể hiện nhận thức sâu sắc và tuệ giác của Ngài qua các vấn đề Phật pháp và xã hội. Xin trích hai đoạn tiêu biểu sau của Tổ sư trong vô số đạo lý đặc biệt mà Ngài đã để lại cho hậu thế:

Giáo lý của Khất sĩ là trung đạo, chánh đẳng chánh giác vô thượng, cốt yếu để đem lại chữ hòa cho muôn loại, xin cái cao ban vào cái thấp để tạo sự bằng thẳng giữa cõi đời. Đi xin để kêu gọi lòng từ bi hỷ xả, đức từ ái cho nhơn loài; xin cái tham lam, sân giận, si mê là địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh để đưa người lên cõi người, Trời, Phật Thánh; là dắt cho người bước lên con đường bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn, đạo mầu.”

(Chơn lý “Khất sĩˮ)

“Ta là tất cả, tất cả là ta, ta sống cho tất cả, tất cả sống cho ta, tiếng ta đây là tất cả, đó tức là chơn lý võ trụ. Kẻ thật hành đúng chơn lý gọi là Khất sĩ. KHẤT ấy là xin, SĨ đây là học. Xin ấy rồi lại cho, học đây rồi lại dạy. XIN phẩm thực để nuôi thân giả tạm. CHO sự thiện lành phước đức để bảo giữ sự sống dài lâu. HỌC bằng cách lượm lặt phương pháp khắp nơi, rút nhiều kinh nghiệm. DẠY là đem kết quả thật hành đặc điểm, chỉ lại cho người. Cái xin - cái cho, cái học - cái dạy, hai pháp nương sanh, mở ra một con đường xán lạn cho tất cả kẻ về sau tiến bước. Con đường ấy kêu là đạo. Đạo của sống là xin nhau sống chung, đạo của biết là học chung, đạo của linh là tu chung.”

(Chơn lý “Hòa bình”)

Năm 1979-80, Hệ phái PGKS tích cực tham gia vận động thống nhất Phật giáo nước nhà. Tháng 11 năm 1981, GHPGVN được thành lập trong niềm hoan hỷ đại đoàn kết, đại hòa hợp của Tăng-già, mà Phật giáo Khất sĩ là một trong 9 thành viên tổ chức Hệ phái trong lòng Giáo hội. Kể từ đó, một số Tôn đức Tăng Ni Khất sĩ bắt đầu tùy thuận theo nhân duyên cảnh ngộ, dấn thân phụng sự theo tinh thần hộ quốc an dân, tham gia và đồng hành với GHPGVN và các tổ chức xã hội, góp phần định hướng Phật tử sống tốt đời đẹp đạo.

Trải qua 76 năm hình thành và phát triển (1944 – 2020), gần 40 năm tham gia tổ chức GHPGVN (1981 – 2020), Phật giáo Khất sĩ không những góp phần cho những hệ giá trị đạo đức, tôn giáo, tâm linh đối với Phật giáo Việt Nam ngày một sắc nét, mà còn góp phần cho sự ổn định, hòa hợp, đoàn kết trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cho đất nước có những bước phát triển bền vững trong nhiều lãnh vực xã hội.

Hôm nay, ngày 22/6/2020, Ban Tôn giáo Ủy ban Trung ương MTTQVN cùng với Ban Công tác phía Nam phối hợp tổ chức tọa đàm với đề tài: “Những giá trị tôn giáo và xã hội của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đây là một đề tài cần được triển khai rộng sâu với sự liên hệ giữa giáo pháp của đức Thế Tôn và lời dạy của đức Tổ sư Minh Đăng Quang, cũng như kinh nghiệm hành trì, hóa đạo của Ngài với các thế hệ đệ tử, để từ đó chúng ta sẽ nhận ra và khẳng định được những giá trị tôn giáo và xã hội mà đức Tổ sư và truyền thống PGKS đã đóng góp cho PGVN và cho dân tộc Việt Nam.  

Chúng tôi hy vọng rằng, sau buổi tọa đàm này, Hội nghị sẽ có được những kết quả thành tựu nhất định mà Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tin tưởng và giao phó cho ông Nguyễn Hoàng Tuấn chủ nhiệm đề tài dưới sự chủ trì của Ban Tôn giáo cùng với Ban Công tác phía Nam Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Chúng tôi cũng rất hoan hỷ, bày tỏ lòng trân trọng đối với chư vị đại biểu, quan khách, học giả đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và đến chia sẻ đề tài này. Kính chúc chư Tôn đức, quý vị đại biểu an lành và hội nghị tọa đàm hôm nay được thành công tốt đẹp.

Trân trọng kính chào liệt quý vị.

HT. Thích Giác Toàn

(Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN

Trưởng Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái)

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan