CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Phát biểu đúc kết chứng minh toạ đàm

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính thưa quý vị đại biểu!

Được sự cho phép của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nay Ban Tôn giáo, Ban Công tác phía Nam thuộc Ủy ban Trung ương MTTQVN và Hệ phái Khất sĩ đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Những giá trị Tôn giáo và Xã hội của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam trong xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.”

Sau gần 3 giờ đồng hồ làm việc, đã có nhiều ý kiến đóng góp hữu ích từ các vị đại biểu tham gia, với những đề tài thảo luận thực tiễn, giá trị và mang tính khoa học, cùng những ưu tư, trăn trở, thao thức để góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cũng như góp phần củng cố đường lối Hệ phái Khất sĩ nói riêng và GHPGVN nói chung.

Cảm xúc đầu tiên của tôi sau khi lắng nghe các vị đại biểu trình bày là vô cùng hoan hỷ khi nhận thấy sự tập trung của đại chúng vào những tâm nguyện mà đức Thế Tôn đã dạy từ ngàn xưa. Hội đủ duyên lành, hôm nay cũng là dịp chúng ta có cơ hội ngồi lại bên nhau để cùng ôn nhắc và chia sẻ về hành trình tiến tới giác ngộ giải thoát của những người con Phật, điển hình ở đây là Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam. Và đó cũng chính là một trong những tư tưởng chính yếu về sự Nối truyền Thích-ca Chánh pháp của đức Tổ sư Minh Đăng Quang.

Trong Kinh Tăng chi, Phật dạy: “Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán Chánh Ðẳng Giác.” Đó chính là tâm nguyện tối thượng của Thế Tôn. Và trong Chơn lý “Hoà bình” (số 56), đức Tổ sư cũng có dạy: “Chúng tôi sanh trong thời loạn, thấy cảnh thương tâm, mong tìm phương cứu chữa…” Tâm nguyện này đã trở thành động cơ để Ngài dũng mãnh, quyết tâm thực hiện lý tưởng xuất gia tầm cầu chân lý, độ đời.

Cũng như trong phần phát biểu của PGS. Tiến sĩ Trần Hồng Liên có trình bày rằng: “Tổ sư đã xuất hiện trong giai đoạn Phật giáo suy vi, và đang trên đà chấn chỉnh, nhiều tông môn giáo phái xuất hiện, kinh điển thì bị xen tạp…, nên Ngài quyết một lòng ra đi tìm sự thật. Ngài qua Nam Vang để nghiên cứu đạo Phật.” Như chúng ta đã biết, đức Tổ sư Minh Đăng Quang xuất gia năm 1944, tìm học nơi hai giáo lý Nguyên thuỷ và Đại thừa, ở Cao Miên và Việt Nam. Năm 1946, vì nạn chiến tranh danh lợi, đốt phá núi rừng, người tu không chỗ ở, Tổ sư rời Cao Miên trở về Nam Việt, thực hành luật Tăng đồ tại tỉnh Vĩnh Long.

Chính sự tầm cầu đó mà Ngài tuyên bố: “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp.” Chúng ta nhớ lại, xưa kia đức Phật khi còn là Thái tử, tương lai Ngài sẽ trở thành một vị vua đứng đầu thiên hạ, nhưng khi tiếp xúc với những nỗi khổ của thế gian, vì lòng từ bi muốn tìm phương cứu giúp chúng sanh thoát khổ, nên Ngài quyết ra đi tìm cầu chân lý. Ngài lần lượt đến học đạo với Alara Kalama, Uddaka Ramaputta, và trải qua những năm thực hành khổ hạnh. Thế nhưng, Ngài nhận chân ra đây không phải là con đường rốt ráo, Ngài khẳng định rằng “Ta quyết đi tìm cái chí thiện, vô thượng, tối thắng an tịnh đạo lộ.” Và đến khi chứng đạt pháp cao thượng, Ngài đã quán sát nhân duyên hoá độ ở mỗi chúng sanh, vì rằng giáo pháp mà Ngài chứng ngộ, quá thâm sâu, khó thấy, khó biết và khó chứng… chỉ có người trí mới có thể thể nhập được. Thế nên đức Phật mới lựa “Pháp khí” để có thể đón nhận pháp mầu cao siêu này. Như Đại đức Narada (Tích Lan) đã từng nói: “Đạo Phật có thức ăn cho người lớn, nhưng cũng có sữa cho trẻ nhỏ.” Nên đức Phật chỉ dạy pháp tối thượng cho người có căn tánh rộng lớn; còn đối với những người hạ căn hơn, Ngài ứng cơ dùng pháp phương tiện thuận thứ để giáo hoá (như bố thí, trì giới, hạnh phúc các cõi trời, sự nguy hiểm của 5 món dục lạc, và lợi ích của sự xuất ly). Sau khi thấy căn tánh họ thuần thục, Ngài mới công bố pháp cao siêu, đó chính là giáo lý Tứ đế.

Trong bài pháp đầu tiên, khi đức Phật đến Vườn Nai độ cho 5 anh em Kiều-trần-như, lời nói đầu để chuyển bánh xe pháp là: Có hai cực đoan mà các ông cần phải tránh xa, tức là: Khổ hạnh và lợi dưỡng thái quá, đó chính là Tứ y Chánh pháp. Nối tiếp theo bước chân của Như Lai, đức Tổ sư Minh Đăng Quang luôn đề cao Tứ y pháp, Ngài dạy rằng: “Người Khất sĩ phải biết thực hành Tứ y Chánh pháp”, và điều này đã được đức Tổ sư triển khai trong 69 chủ đề - hay còn gọi là bộ Chơn lý. Tôi rất trân trọng khi biết rằng các nhà nghiên cứu đã thấy được tầm quan trọng của Tứ y pháp qua hình thức khất thực hoá duyên, cũng như câu: “Đi xin làm cớ hoá duyên, cho người gieo ruộng phước điền về sau ...” Đây là một giá trị văn hóa cần phát huy trong công cuộc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hôm nay, tại buổi toạ đàm khoa học với chủ đề “Những giá trị Tôn giáo và Xã hội của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, một lần nữa chúng tôi rất hoan hỷ và vô cùng trân trọng sự đóng góp của toàn thể quý vị đại biểu, đã góp phần làm rõ nét thêm những giá trị tôn giáo và xã hội của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ, trong quá trình xây dựng và tiến tới phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng tôi rất mong rằng, thông qua chuyên đề này, các cơ quan ban ngành chức năng sẽ cố gắng tạo điều kiện cho Hệ phái chúng tôi có thể thực hiện được đỉnh cao của giá trị tôn giáo, cũng như giá trị xã hội, từ những việc làm lợi ích cho cộng đồng dân tộc và cao cả hơn là hướng nhân sanh tiến đến những mục tiêu mà đức Phật đã đặt ra, tức là hướng con người từ thành tựu vật chất đến giá trị tinh thần cao quý hơn. Kính mong các vị quan tâm và hỗ trợ cho GHPGVN nói chung và Hệ phái Khất sĩ nói riêng để đạt đến trọn vẹn viên mãn theo tinh thần của đức Phật, đó là hướng con người tiến đến chơn hạnh phúc.

Xin chân thành cảm ơn!

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan