Quan điểm "Học để tu" của Tổ sư Minh Đăng Quang
- Viên Anh
- | Thứ Hai, 22:21 23-05-2016
- | Lượt xem: 3532
I. Dẫn nhập
Đạo Phật không phải là một tín ngưỡng mà là con đường đưa đến hạnh phúc, an lành và đỉnh cao là giải thoát Niết-bàn.
Phương tiện để đi trên con đường giải thoát chính là Pháp bảo, là phương pháp mà chư Phật xưa kia đã chứng ngộ và truyền đạt lại. Vì vậy, người muốn đạt được kết quả an lành giải thoát cần học và hành theo phương pháp ấy.
Nối truyền, kế thừa Thích-ca Chánh pháp, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang - Tổ khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam đã khéo léo, phương tiện và tùy duyên sử dụng những câu chuyện, lời kệ, ý pháp gần gũi, giản dị đúc kết lại lời Phật dạy một cách cô đọng và thiết thực, phù hợp với văn hóa và bối cảnh xã hội của người dân Nam Bộ giai đoạn thập niên 40 của thế kỷ trước.
Đức Tổ sư đã trình bày chơn lý của vũ trụ xuyên suốt 69 bài pháp của bộ Chơn lý. Đây cũng chính là điều Đức Phật đã chỉ ra, đó là cái lẽ thật, tự nhiên, những ai thấu đạt được sự hiểu biết sẽ đạt được trí tuệ giải thoát.
II. Nội dung
1. Thế nào là học?
Học là sự tiếp thu những cái mới, bên ngoài, cái chung và biến nó trở thành nguồn tri thức, cái riêng cá nhân. Học mang lại cho chúng ta sự hiểu biết, phương pháp giải quyết các vấn đề và những bài toán của cuộc sống theo công dụng của tri thức đó. Người có học thức và hiểu biết sâu rộng, con đường đến với thành công nhanh hơn, gần hơn. Hầu hết các quốc gia phát triển mạnh về kinh tế trên thế giới luôn gắn với nền tri thức xã hội ở tầm cao. Con người muốn tồn tại và phát triển thì không thể thiếu sự học. Do vậy, việc học là yếu tố cần cho mỗi người, mỗi công việc trong từng lĩnh vực để đạt được mục đích và kỳ vọng khác nhau.
Mục đích lớn nhất của con người là vượt thoát khỏi nỗi khổ để có hạnh phúc. Khổ đau và hạnh phúc là hai mặt mâu thuẫn và tồn tại song song nhau. Đạo Phật không bác bỏ, không phớt lờ, phóng đại hay chủ quan, trốn chạy mà nhìn nhận nó với con mắt như thật. Tìm ra được phương pháp, cách đối trị khổ đau và đạt được an lành, giải thoát Niết-bàn chính là việc làm của chư Phật quá khứ. Con đường ấy đã được khai sáng, chơn lý đã được tìm thấy và từ đó, chúng sanh có sẵn công thức để học tập và vận dụng.
Chư Tôn đức học pháp mùa an cư 2015
2. Đối tượng học và vai trò của học và tu
2.1. Tất cả chúng ta đều phải học
Chúng sanh là học trò, thầy giáo là các bậc trí, Pháp bảo.
Lấy Pháp làm thầy, Pháp là trường học, là nơi nương tựa trở về. Chơn lý “ Pháp Tạng” viết rằng : “Pháp bảo có ra là do chư Phật quá khứ. Pháp bảo là thầy của chư Phật hiện tại và vị lai, thay thế cho chư Phật quá khứ… Vả lại, chư Phật xưa kia được thành Phật là bởi cả thảy đều do nơi Pháp tạng ”.
Trong Chơn lý “Đi học ”, Tổ sư đã phương tiện khéo léo sử dụng hình ảnh đám trẻ được cha mẹ chúng cho đi học, chúng tự tìm tòi mày mò trong hoàn cảnh biệt lập, lúc ốm đau tự kiếm thuốc. Rồi chúng nó ham chơi lêu lổng khi gặp quỷ ma, chúng hoảng loạn, không lối thoát. Khi thấy ông già Khất sĩ chống gậy, là chỗ ánh sáng duy nhất cho chúng chạy theo để thoát khỏi hiểm nguy, từ đó chúng không dám chơi bời mà gắng công tu học. Đám trẻ ở đây chính là chúng sanh trong cõi đời, quỷ ma là những mối hiểm nguy, rình rập. Ngôi nhà lửa mà đám trẻ cứ mải mê vui chơi là các cám dỗ, thú vui thế gian. Ông già Khất sĩ đại diện cho bậc trí tuệ, ánh sáng giác ngộ.
Tổ ví Pháp bảo kinh điển như 3 cỗ xe: xe trâu, xe nai, xe dê đặng cho đám trẻ ham thích 3 cỗ xe ấy mà chạy theo để thoát khỏi ngôi nhà lửa đang thiêu đốt và đe doạ mạng sống mà chúng không hay biết. Pháp bảo mang đến niềm vui cho người học cũng giống như những đám trẻ kia thích thú với 3 cỗ xe mà quên đi sự cám dỗ. “Có Pháp bảo mới tạo nên được học trò thầy giáo tốt đẹp. Có Pháp bảo mới chỉ ra được mục đích tu học của chúng sanh cái sống. Có Pháp bảo người ta mới có đi học, không còn lêu lổng mê chơi. Có Pháp bảo tức là có con đường cho người đi học ”.
Pháp cung cấp công thức tổng quát để truy tìm nguyên nhân, nguồn gốc của mọi sự vật, hiện tượng. Xác định được nguyên nhân cấu thành bên trong bản chất mới có được cách giải quyết thoả đáng như tìm ra thứ thuốc trị bệnh tận gốc. Theo Tổ sư, chúng sanh do chẳng biết nguyên nhân của chứng bịnh nên không tìm được thuốc phù hợp, hoặc uống nhầm thuốc nên không thể hết bịnh.
Người học Pháp, hiểu chơn lý, giải quyết vấn đề bằng Tứ Đế, thực tập Chánh tri kiến, trong mỗi tình huống cụ thể khi đứng trước các sự vật, hiện tượng, người đó hiểu rõ được bản chất thật của vấn đề, nhìn nhận một cách tổng quát, thấu đáo, luôn có niềm tin, và hành trang an toàn không bị tiêu cực trong suy nghĩ, không bế tắc trong phương pháp. Thậm chí, người học Phật pháp dù không có bằng cấp nhưng vẫn cao hơn người không học Phật pháp về hiểu biết thế giới quan, nhân sinh quan. Họ xoá bỏ những hoài nghi, băn khoăn, để phân biệt tỏ tường đúng sai, để lựa chọn cho mình cách hành xử sáng suốt. Người hiểu được chơn lý là hiểu rõ được tiến trình nhân quả, thoát khỏi nỗi sợ hãi, lo lắng dù trong hoàn cảnh thuận hay nghịch duyên. Họ luôn có một ý chí sắc bén nhưng không tự cao, lạm dụng quyền hạn. Hay “Người biết chơn lý cũng như người thợ làm bánh, tự họ biết đó là bao nhiêu thứ bột gì, bao nhiêu thứ đường gì, cách thức làm bánh ra sao? Họ tin chắc, biết chắc tự làm mà ăn, không dùng các thứ bánh khác ”. Ngày nay, người Phật tử tại gia có thể học pháp dưới nhiều hình thức. Pháp tạng bao gồm Kinh, Luật, Luận mà cơ bản là Bát chánh đạo, Tứ diệu đế, Nhân quả, Thập nhị nhân duyên, các bài kinh dành cho cư sĩ Phật tử. Do đó, học Pháp là học trong kinh sách, học từ các nguồn tài liệu nghiên cứu Phật giáo.
2.2. Học từ các bậc thiện tri thức
Thân cận bậc trí, bạn lành để lắng nghe, chánh tâm suy tư, học từ hành động, lời nói của các vị ấy. Bên cạnh đó, nhờ sự phổ biến của các phương tiện truyền thông hiện đại, chúng ta dù không có thời gian tầm sư học đạo từ các vị thầy, cũng dễ dàng thỉnh và nghe được pháp từ các băng đĩa giảng. Các khoá tu, lớp giáo lý ngày càng được lan rộng. Nghe pháp để cho biết Phật, biết Phật là biết chơn lý. Trong Chơn lý “Pháp học cư sĩ ”, Tổ sư đã liệt kê các lợi ích cụ thể từ việc nghe pháp đó là :
1. Được nghe thêm pháp lành hay quí.
2. Làm cho hiểu rõ ràng những điều khó hiểu.
3. Làm cho dứt hoài nghi.
4. Dứt nghi ngờ thì đắc chánh tín Phật pháp.
5. Kiến thức được nương chỗ tốt lành tột phước.
Cụ thể, đối với người Phật tử tại gia, điều đầu tiên là học và thọ trì 5 giới là 5 điều đạo đức cơ bản, từ đó sẽ có được tấm lá chắn bảo vệ bản thân tránh khỏi những việc làm phạm pháp, tranh giành. Người đó trí tuệ luôn sáng suốt, biết giữ gìn hạnh phúc gia đình, luôn giữ được lòng tin, chữ tín với cộng đồng, xã hội do không tham lam, nói dối. Trí tuệ minh mẫn do không say sưa các chất kích thích. Tổ sư đã khéo léo, nhẹ nhàng diễn giải điều này trong Chơn lý “Học để tu” như sau: “Muốn học hành tu tập yên ổn là tôi phải tự mình xét lựa, bỏ ra hết những cái xấu, đem vào những cái tốt, giữ tâm cho được bình yên, tôi phải đừng sát sanh giết hại mạng thú người để gây sự quả báo đòi hỏi lôi thôi, phí học, và bị người giết hại lại. Tôi phải không trộm cắp để tránh khỏi đôi chối bắt buộc phiền hà, mất cả thời giờ. Tôi chớ nên dâm dục, làm bịnh hoạn xác thân, mệt tâm khổ trí. Tôi chẳng nên nói dối, rủa chửi, khoe khoang, đâm thọc, xảo trá không thật. Tôi không nên uống rượu say sưa, tham lam, sân giận, si mê”.
Người làm thiện, tránh ác tin vào nhân quả, thực tập chánh đạo, sẽ thành thật trong việc làm, sản xuất, kinh doanh. Không lừa dối, tham lam với người khác. Không làm ra các sản phẩm vượt quá các tiêu chuẩn cho phép về độ an toàn có hại sức khoẻ người tiêu dùng. Không phóng đại, nói sai sự thật về công dụng của sản phẩm đó nhằm thu hút người mua để đạt lợi nhuận tối đa. Không mưu đồ bất chính, lợi dụng quyền hạn để làm những việc sai trái, phạm pháp được lợi ích cho bản thân nhưng gây thiệt hại cho cộng đồng. Bởi dù có che giấu hoặc lọt khỏi vòng pháp luật thì không thể nào chạy trốn khỏi quy luật nhân quả.
Trong mối quan hệ xã hội, tập thể, vận dụng lời Phật dạy vào nghề nghiệp, cách đối xử chủ tớ, đồng nghiệp,… Sự hiểu biết về vô ngã, vị tha trên nền tảng trí tuệ người ta sẽ có cách thu phục người khác tin theo, phụng sự và đạt được kết quả tốt cho công việc. Dù kiên quyết nhưng mềm mỏng để uyển chuyển thu phục người cộng sự, cấp dưới, giữ được hoà khí và tinh thần đoàn kết. Điều này Tổ sư đã đúc kết lại cụ thể qua Chơn lý “Pháp học cư sĩ” bao gồm: Cách vợ chồng thương yêu nhau, cách đáp lại bạn bè, ứng xử trong quan hệ chủ tớ, thầy trò.
Vậy sự học là cái quan trọng mang đến nền tảng vững chắc cho con người, đặc biệt học pháp, học chơn lý là điều mà tất cả chúng ta đều phải học. Và để đạt được mục đích của sự học, phát huy được công dụng của tri thức thì điều cần thiết là thực hành theo những cách thức và phương pháp đó. Hay nói cách khác, chính là sự tu tập, tu để học.
3. Đối tượng và phương pháp “học để tu”
3.1 Đối tượng
Tu là quá tình thực tập, rèn luyện, sửa chữa theo cái đã được học. Cụ thể là những kiến thức cần cho sự tồn tại và phát triển mà cao nhất là Chánh pháp, lời dạy của Đức Phật. Qua sự chiêm nghiệm, thẩm thấu người học thấy, hiểu, tin tưởng và vận dụng. Bởi đạo Phật là đạo trí tuệ, người học Phật, tập pháp là người thấy, hiểu rồi mới tin và làm theo. Không có chuyện tin mù quáng, tin khi chưa thấu hiểu đó là gì, tin để có phước báu và không bị trừng phạt. Bởi chính Đức Phật đã nói “Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”.
Hiện nay, trên thế giới, các nền giáo dục tiên tiến phương Tây phổ biến cách giáo dục tự chủ, không giáo điều áp đặt mà để cho người học tự thân vận động, nghiên cứu tài liệu, người thầy chỉ giải đáp thắc mắc sau khi học sinh đã tự học. Phần thời gian thực hành, thực tế cho môn học được chú trọng và đầu tư nghiêm túc. Không học vẹt mà học đến đâu vận dụng, thực hành ngay đến đó, nên kết quả đạt được của nền giáo dục ấy là người học có được nền tảng kiến thức căn bản, tổng thể về cái mà họ đã học qua, không rơi vào tình trạng học trước quên sau.
Năm 1979, tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nhật Kuroyanagi Tetsuko – Totto Chan: Cô bé ngồi bên cửa sổ đã nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều độc giả, là cuốn sách bán chạy nhất ở Nhật sau chiến tranh thế giới thứ 2. Sau đó tác phẩm này cũng được đón nhận của các em học sinh, các bậc phụ huynh và người làm nghề giáo dục ở nhiều quốc gia nên tác phẩm được biên dịch thành nhiều thứ tiếng và xuất bản lại. Trong đó câu chuyện xoay quanh cách mà ông Hiệu trưởng trường Tomoe giáo dục học sinh. Đó là lối giáo dục kỳ lạ, là để cho trẻ tự cảm nhận và lựa chọn cái mình thích rồi lựa chọn môn học theo sở thích đó. Và kết quả là, lớp học trên một toa tàu cũ, những học sinh đặc biệt hay cá biệt đều tìm ra khẩu vị ưa thích và cảm thấy hăng hái vì chúng cảm giác được học cho chính mình, phát huy tối đa khả năng của học sinh. Thầy giáo chỉ là người hướng dẫn khi học sinh cần và cho bài tập. Thậm chí, trường còn tổ chức cắm trại, thực tế cho các em làm quen với thiên nhiên. Câu truyện đề cao cách giáo dục thực tế và công dụng của việc tự học thông qua thực hành sẽ giúp người học tiếp thu tối đa kiến thức bên ngoài.
Tư tưởng học phải đi đôi với thực tập, trải nghiệm, hoàn toàn phù hợp với những gì Đức Phật đã chỉ ra gần 26 thế kỷ trước đó, học là phải tu, học mà không tu sẽ chỉ là cái đãy đựng sách. Và trong Chơn lý “Học để tu”, Tổ sư đã nhấn mạnh việc học để tu là cái học như tận thấy, tận rờ, phải của mình cất giữ, chứ không tưởng tượng bóng dáng của sự vật dù bằng trí thông minh cũng không phải là cái thật của vấn đề. Chính vì đạo Phật là chỗ hành để giác ngộ.
3.2. Phương pháp học theo Tổ sư Minh Đăng Quang
3.2.1 Học một cách sáng suốt
Học để tu không đồng nghĩa với sự mê tín, mù quáng, chấp khư khư vào lời pháp phương tiện. Theo Tổ sư, người mù quáng là kẻ thuốc nào cũng uống mà không phân biệt được thuốc nào dùng cho bệnh nấy. Ở đây, loại trừ cả hai thái độ, học không mục đích và học chỉ vì mục đích làm đầy tràn chữ nghĩa mà không thấy được tác dụng. Nên biết mình học để làm gì, chứ không phải là cứ cắm đầu vào học, học cho chán, cho hết thì giờ.
Thực tế cho thấy, không ít người học và bị vướng mắc vào cái thấy biết, chấp khư khư máy móc vào đó. Rồi cũng có người cái gì cũng học, không phân biệt được cái nào phù hợp với “khẩu vị” và điều kiện bản thân. Cách học này, dân gian thường hay gọi “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”. Nghĩa là cái gì cũng học, cũng biết mà đều dừng lại ở chỗ mơ hồ, không thông suốt. Thứ hai là cách học như điên cuồng, học chỉ vì mục đích thoả mãn tri thức hay đặt quá nặng, quá cao về mục đích, học đến hết thời gian, đến phát bệnh. Người học theo cách này sẽ rất áp lực với bản thân. Tổ sư gọi đó là người có “con mắt ngó xa thì vấp té”. Do đó, theo Tổ sư, học như đi trên con đường, cần phải xác định trước hết là phương hướng, mục đích rõ ràng. Tuy nhiên, không phải cứ chằm chằm vào cái phương hướng đang ở xa xôi phía trước mà quên đi hiện tại. Mỗi bước đi vững chãi, tập trung thấy và biết mình bước đi đâu, thỉnh thoảng ngó chừng ra xung quanh chứ không phân tâm, phóng mãi theo cái đích chưa tới.
3.2.2. Học phải thấy mình dốt
Là cái học đi đến tận tường ngõ ngách và tránh né khỏi những cách học tiêu cực nêu trên. Thấy mình dốt không đồng nghĩa với thái độ tự ti, mất niềm tin và lý trí. Học thấy mình dốt là nhận ra những gì mình cần học không dừng lại ở sự hiểu biết đôi chút mà thấy mình đi tới chơn lý. Chính vì vừa học vừa tu, học đâu tu đó vừa vặn, như người ăn thức ăn, phải có sự tiêu thụ, chuyển hoá, thẩm thấu dinh dưỡng để nuôi thân thể và phát triển. Từ đó mới lại nạp được thức ăn mới mà không bội thực, càng học càng thấy mình dốt, thiếu thốn tri thức cũng đồng nghĩa với việc sẽ nạp thêm tri thức cao hơn, mới mẻ hơn. Cái cũ đã trở nên thấm nhuần và thuộc về quyền sở hữu của bản thân người học. Học mà thấy mình dốt cũng chính là cái học của người khiêm tốn, không khoe khoang, rêu rao, ngã mạn, không chấp vào sự hiểu biết của mình. Là cái học trong im lặng, điềm tĩnh, trang nghiêm.
Sự thành công được người thế gian yêu mến, kính nể không phải ở chiêu trò, phô trương mà chính năng lực thật sự. Khiêm nhường điềm đạm làm người đối diện cảm thấy dễ gần, hài hoà, dễ chịu. Tổ sư ví người cao ngạo, khoe khoang như những đứa trẻ chỉ thích la inh ỏi, còn người thầy giáo gặp nhau thì điềm tĩnh, an nhiên. Cái dốt đó là cái nền đức hạnh, tĩnh tâm, yên lặng. Và quan trọng hơn hết, nó tạo sức định cho con người ấy, là sức mạnh vượt qua mọi chướng ngại, đứng vững trước rủi ro. Theo Tổ sư, định sinh là để nuôi huệ, huệ là nuôi định, định huệ là chơn như mà không phải cố chấp vào tài học, trí hay. Ngược lại, kẻ ngu thấy mình hay giỏi, vướng mắc vào sở tri chướng và thích thể hiện, cho rằng cái thấy biết của mình là trên hết. Và người đó tự xây cho mình rào cản, tách biệt bản thân ra khỏi tập thể. Trong mọi tình huống luôn thích ganh đua, tranh luận, gây ra những hiềm khích, khó chịu cho chính mình và cộng đồng.
Điều này, trong Kinh Pháp Cú, phẩm Ngu, Đức Phật cũng đã dạy:
Người ngu nghĩ mình ngu,
Nhờ vậy thành có trí.
Người ngu tưởng có trí,
Thật xứng gọi chí ngu.
Người ngu si thiếu trí,
Tự ngã thành kẻ thù.
Làm các nghiệp không thiện,
Phải chịu quả đắng cay.
Người ngu theo thế gian, là người không có học thức bằng cấp cao nhưng thấy được cái hạn chế, cái ngu của mình thì vẫn là người có trí. Bởi dù là người ngu mà có phản quang tự kỷ soi rọi bản thân, nhận ra được hiện tại họ là ai, cần làm gì, nên làm gì nghĩa là đã có trí. Ngược lại, kẻ có tri thức học vấn thế gian mà nghĩ mình cao siêu là tạo điều kiện cho dục và mạn tăng trưởng, tăng pháp bất thiện gây hại cho chính mình. Người trí theo Phật giáo là người nhìn nhận vấn đề bằng Tứ Diệu đế, thực tập Bát Chánh đạo để tăng trưởng thiện căn, diệt trừ bản ngã, mang lại an vui thật sự. Do đó, ở đâu có trí tuệ ở đó có hạnh phúc.
Để biến những lời Kinh, ý Pháp trở thành thuốc tự chữa các chứng bệnh của riêng mình đòi hỏi sự nỗ lực từ trong cả việc học và thực tập. Học và thực hành (tu) là hai mặt không thể thiếu của quá trình học vấn mọi tri thức. Đặc biệt, với việc học Phật thì tập Pháp, tu theo lời Phật, Tổ, Thầy đã dạy là con đường ngắn nhất, trực tiếp giải quyết vấn đề khổ đau để mang lại hạnh phúc ngay trong đời sống hiện tại.
III. Kết luận
Giáo lý của Đức Phật là nguồn Pháp bảo quý báu nhất cho những ai đã, đang tu học và hành trì theo. Trong đó, Tổ sư Minh Đăng Quang bằng phương tiện giản dị, chân thật trong cách sử dụng văn tự, hình ảnh gần gũi đã diễn bày cho người học nắm bắt và tương thích không những trong bối cảnh xã hội cách đây hơn 60 năm mà cho đến tận bây giờ, những bài pháp ấy vẫn còn nguyên vẹn giá trị bởi đó là “là tự nhiên, cái tự nhiên sống mãi đời đời”. Nhờ vào công lao khai sơn của Tổ mà Phật giáo Việt Nam đã có thêm một Hệ phái Đạo Phật Khất Sĩ mang những nét đặc trưng riêng nhưng vẫn chung, vẫn là chất của đạo lý giải thoát bao đời. Để cho hôm nay, chúng ta vẫn bắt gặp đâu đó hình ảnh của người Khất sĩ, đầu tròn áo vuông, chậm bước trên những nẻo đường tấp nập, ôm bát, khất thực, gieo duyên cho đời. Hình ảnh những bậc chân tu, bình dị, giản đơn mà cao quý vô cùng.
Nhân dịp Đại lễ Tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, chúng ta có cơ hội tìm hiểu về Chơn lý của Tổ sư, đây là nhân duyên hi hữu để cùng nhau ôn tập, chia sẻ, đóng góp suy nghĩ, sự trải nghiệm của mỗi người khi học tập theo chơn lý. Một lần nữa cùng nhìn nhận lại giá trị, ích lợi rốt ráo và phước báu của việc học theo Chánh pháp và cố gắng nỗ lực tinh tấn vận dụng để thành tựu an lành, hạnh phúc. Qua đó, nhắc nhở mỗi người học trò về lòng kính ân của mình lên chư Phật, chư Hiền Thánh, Tổ sư cùng chư Tăng mười phương – những bậc Thầy đã và đang nối truyền Chánh pháp, dẫn dắt soi rọi đèn Chơn lý, mang ánh sáng và con đường giải thoát cho tất cả chúng sanh.
Các bài viết liên quan
- Đạo Phật Khất sĩ và bốn tinh thần tiêu biểu trước khi hòa nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Thứ Bảy, 08:56 14-05-2022 - xem: 4200 lần
- Công trình dung hợp khởi phát từ Tổ sư Minh Đăng Quang - Thứ Ba, 09:42 19-04-2022 - xem: 8052 lần
- Sư phát triển của Hệ phái Khất sĩ tại hải ngoại - Thứ Ba, 08:11 19-04-2022 - xem: 5185 lần
- Căn cốt của Hệ phái Khất sĩ và yêu cầu của từng thời đại khác nhau - Thứ Ba, 01:10 19-04-2022 - xem: 5050 lần
- Bước đầu nhận diện những nét chính của Giáo đoàn Khất sĩ và của vị Hành giả Chơn lý - Thứ Ba, 00:51 19-04-2022 - xem: 4365 lần
- Tinh tấn tu tập nhiếp phục thân khẩu ý thanh tịnh - Thứ Năm, 10:14 29-07-2021 - xem: 11177 lần
- Kinh nghiệm kiểm soát và chuyển hóa ác nghiệp - Thứ Hai, 11:47 26-07-2021 - xem: 7112 lần
- Phát huy những giá trị tốt đẹp của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ - Thứ Bảy, 22:38 03-04-2021 - xem: 7699 lần
- Phát huy giá trị tôn giáo và xã hội của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - Thứ Năm, 10:28 01-04-2021 - xem: 5951 lần
- Những giá trị của Hệ phái Khất sĩ trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - Thứ Năm, 10:08 01-04-2021 - xem: 7695 lần
- Hòa thượng Thích Giác Toàn chia sẻ nhân duyên với Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang - Chủ Nhật, 00:03 14-03-2021 - xem: 8389 lần
- Quá trình hình thành và phát triển Hệ phái Khất sĩ Việt Nam ở Bình Dương - Thứ Bảy, 02:54 18-07-2020 - xem: 8750 lần