Sự tích hợp Nam tông và Bắc tông trong giáo lý của Phật giáo Khất sĩ qua bộ Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang
- PGS. Phan Thị Thu Hiền
- | Thứ Sáu, 02:49 09-12-2016
- | Lượt xem: 10888
Trong số nhiều tôn giáo địa phương của Việt Nam như Cao Đài, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật giáo Hòa Hảo,… Phật giáo Khất sĩ là một trường hợp khá độc đáo.
Phật giáo Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng năm 1944 ở miền Nam Việt Nam với tôn chỉ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”. Dù Tổ sư vắng bóng từ năm 1954, các thế hệ đệ tử vẫn tiếp tục duy trì, phát triển Hệ phái.
Trước năm 1975, Phật giáo Khất sĩ có khoảng trên 250 ngôi tịnh xá ở miền Nam Việt Nam. Từ năm 1981, Phật giáo Khất sĩ được chính thức công nhận là một trong chín hệ phái của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong dân tộc Kinh / Việt, Phật giáo Khất sĩ là tông phái Phật giáo đông tín đồ thứ hai[1] (chỉ sau Phật giáo Bắc tông), phát triển ở miền Nam Việt Nam và mở rộng cả ở nước ngoài (Mỹ, Canada, Pháp, Úc...).
Với bộ Chơn lý (gồm 69 bài giảng liên quan đến Kinh, Luận, Luật) của Tổ sư Minh Đăng Quang, Phật giáo Khất sĩ là hệ phái có hệ thống kinh điển bằng tiếng Việt, không sử dụng kinh điển Ấn Độ trong nguyên bản tiếng Pali, tiếng Sanskrit hay qua các bản dịch.
Nghiên cứu Phật giáo Khất sĩ là cần thiết và có ý nghĩa, góp phần tìm hiểu sự tiếp biến của Phật giáo ở Việt Nam.
Tuy nhiên cho đến nay, Phật giáo Khất sĩ hầu như chưa được nghiên cứu chuyên sâu và có hệ thống. Ở Việt Nam mới chỉ có một số bài viết giới thiệu khái quát về Phật giáo Khất sĩ, chủ yếu của các học giả tu sĩ. Về các học giả nước ngoài, theo chúng tôi biết, mới chỉ có bài báo của McLeod, Mark W. (2009): “Đạo Khất sĩ: Lịch sử, triết học và thực hành ở Tịnh xá Trung Tâm tại TP. HCM”. Dựa trên phương pháp điền dã là chính, Mac Leod chú tâm tìm hiểu phương diện nghi lễ, cụ thể là nghi lễ Bát quan trai giới ở Tịnh xá Trung Tâm (Bình Thạnh - TP. HCM), để minh họa “sự tái sinh của tôn giáo” qua trường hợp nghiên cứu Khất sĩ như một hệ phái có khuynh hướng trở về Phật giáo Nguyên thủy[2] trong bối cảnh Phật giáo của người Việt ở Nam Bộ mà Phật giáo Bắc tông giữ vai trò thống lĩnh.
Báo cáo này của chúng tôi sử dụng phương pháp hệ thống, phương pháp phân tích văn bản và phương pháp so sánh, tìm hiểu đặc điểm tích hợp trong giáo lý qua bộ Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang nhằm làm sáng tỏ bản sắc dân tộc và sắc thái văn hóa vùng của Phật giáo Khất sĩ như một hệ phái Phật giáo của Nam Bộ, Việt Nam. Tư liệu khảo sát chủ yếu tập trung vào các tiểu luận liên quan trong bộ Chơn lý, như: “Tam giáo”, “Tông giáo”, “Đại thừa giáo”, “Đạo Phật”, “Pháp Tạng”, “Vô Lượng Cam Lộ”, “Quan Thế Âm”, “Đại Thái Thức”, “Địa Tạng”, “Pháp Hoa”...
1. Hoàn cảnh và điều kiện cho sự tích hợp Nam tông và Bắc tông trong Phật giáo Khất sĩ
Phật giáo Khất sĩ ra đời khoảng nửa đầu của thế kỷ XX trong hoàn cảnh đất nước nằm dưới ách thực dân. Qua quá trình xâm lăng và công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp mà Việt Nam tiếp xúc mạnh mẽ với ảnh hưởng của văn minh phương Tây, được và bị “khai hóa”, đồng thời từ tự phát đến tự giác, ngày càng ý thức nhu cầu học tập những tiến bộ tư tưởng, khoa học, công nghệ của phương Tây. Hoàn cảnh như vậy đặt ra những đòi hỏi canh tân đất nước và tôn giáo cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó.
Thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, triều Nguyễn tôn sùng Nho giáo, thực dân Pháp bảo trợ cho Thiên Chúa giáo, do đó, Phật giáo gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong nỗ lực trở về với những giá trị truyền thống phương Đông, Phật giáo lại có sức mạnh thu hút. Nhiều trường hợp các Nho sĩ cùng với Tăng sĩ Phật giáo góp sức chống kẻ thù chung là thực dân phương Tây. Không hiếm người tin tưởng rằng Phật giáo có thể huy động sức mạnh tinh thần và khối đoàn kết của dân tộc để chống giặc ngoại xâm[3].
Phong trào chấn hưng Phật giáo trên thế giới đã bắt đầu ở Ấn Độ từ những năm 1900, ở Trung Quốc từ những năm 1910, tiếp tục lan rộng qua các nước theo Phật giáo Nam tông (Sri Lanka, Myanmar, Thailand, Campuchia), Bắc tông (Nhật Bản) ở châu Á cũng như trên thế giới. Phong trào này đã ảnh hưởng tới Việt Nam.
Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam được khởi xướng ở Nam Kỳ năm 1931 với Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học, ở Trung Kỳ năm 1932 với Hội An Nam Phật học và ở Bắc Kỳ năm 1934 với Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Các hội Phật học này đều góp phần tập hợp lực lượng của Phật giáo (khi đó đang phân tán) và chỉnh đốn Tăng-già. Các hội đều mở đạo tràng, xuất bản kinh sách, báo chí để bồi bổ đội ngũ tu sĩ hữu học, hoằng dương Chánh pháp.
Tổ sư Minh Đăng Quang (1923 - ?) lớn lên khi phong trào chấn hưng Phật giáo hình thành và bắt đầu phát triển. Năm 1938, 15 tuổi, Ngài qua Campuchia tu học theo Phật giáo Nam tông. Ba năm sau, trở về, lại tự nghiên cứu kinh điển của Phật giáo Bắc tông. Vấn đề cơ bản khiến Ngài trăn trở là sự phân chia giữa hai trường phái, những sự hiểu lầm, những biểu hiện niềm tin và thực hành đương thời xa chệch với Phật giáo chính gốc[4] như Đức Phật Thích-ca truyền dạy. Hơn 10 năm sau các hội Phật học ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội, Tổ sư Minh Đăng Quang đã khai sáng Hệ phái Khất sĩ, tích hợp Phật giáo Nam tông và Phật giáo Bắc tông với tôn chỉ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”.
1.1 Sự tích hợp Nam tông và Bắc tông trong nội dung giáo lý của bộ Chơn lý
Trong diễn đạt của chính Tổ sư Minh Đăng Quang, Ngài dùng từ “hiệp chung” chứ không phải “tích hợp”, nghĩa là hiệp chung Phật giáo Nam tông và Phật giáo Bắc tông. “Tích hợp” vẫn dựa trên tư tưởng nhị nguyên A-B, trong khi “hiệp chung” thì hướng tới nhất nguyên, đúng hơn là tìm lại cái nhất nguyên vốn có từ “thời pháp lý”, “thời chánh pháp” của Phật giáo chính gốc.
Chơn lý “Tông giáo” nhấn mạnh: “Khi xưa Đức Phật sanh tiền, Ngài chỉ dạy đạo lý cho chúng sanh tu. Bấy giờ đạo Phật còn là thời pháp lý, giáo lý hay là triết lý. Cũng như một cội cây, gốc cái còn và các cành nhánh đều sống nương theo mình mẹ; Tăng chúng tuy chia ra đông nhiều giáo hội mà vẫn quy hợp về theo Phật, nên cách tu học không có sửa đổi chi cả. Người ta gọi đó là thời chánh pháp”[5]. Tổ sư Minh Đăng Quang chỉ rõ sự hiệp chung Bắc tông - Nam tông làm lợi lạc, trong khi sự chia rẽ làm suy yếu Phật giáo: “Phải chi các sư đời nay chỉ cứ lo tu là tốt hơn, dứt lòng tư kỷ ngã ái, dung hòa hiệp một lại (…) thì chắc là chánh pháp của Phật hưng thạnh trở lại (…) còn nếu các sư mà chia rẽ thì có khác nào xé hai thân hình Phật, giết đạo Phật…” [6].
Chơn lý “Đạo Phật” có đoạn vấn đáp như sau: “Vấn: Phải chăng đạo Phật có nhiều pháp, nhiều thừa? Đáp: Một thừa, một pháp, trong tự nhiên còn chẳng có, huống hồ dốt nát gì mà tìm đặt tên lộn xộn”[7]. Nói cách khác, “Tiểu thừa”, “Đại thừa” là những tên gọi hình thức sai lầm, thực sự chỉ có “Phật thừa”, không phân biệt.
Mà nói đến cùng, thì “chỉ có giới, định, huệ là phải tu học, chớ không có thừa gì cả”[8]. Trong Tam Bảo, Tổ sư Minh Đăng Quang chủ yếu dựa vào Pháp. Chơn lý “Pháp Tạng” giảng giải: “Pháp bảo có ra là do chư Phật quá khứ. Pháp bảo là thầy của chư Phật hiện tại và vị lai, thay thế cho chư Phật quá khứ. Vậy thì, nhất là trong những thời kỳ xa Phật, chúng ta phải nên thờ Pháp tạng hơn là thờ cốt tượng Phật, vì cốt tượng Phật không có dạy dỗ quý báu bằng Pháp tạng. Vả lại, chư Phật xưa kia, được thành Phật là bởi cả thảy đều do nơi Pháp tạng”[9]. Chơn lý “Có và không” khẳng định: “Pháp bảo là thầy của Phật, là thầy của Tăng và chúng sinh. Vậy nên chúng ta mau mở trí ra mà chứa đựng Pháp bảo. Vì trong đời, Pháp bảo là quý hơn hết”[10].
Tổ sư Minh Đăng Quang thấy biết bản chất của Phật giáo là chân lý Đạo: “Đạo là con đường của tất cả chúng sinh, mỗi người tự đi chứ không có tên đạo gì cả; Giáo là sự dạy học để tu hành, chớ không phải tôn giáo gì cả và phái là sự làm việc giúp ích lợi chung cho nhau, chứ không phải phái gì cả. Những sự việc lý lẽ của đạo giáo phái là để sống chung tu học, học cho được sáng suốt yên lặng, và trong sạch mà thôi”[11].
“Đạo là con đường”, “Tôn giáo là dạy học để tu”, “giáo phái là sống chung tu học” – Những đúc kết giản dị mà sâu sắc như vậy thực sự đã trở về bản chất của Phật giáo chính gốc với tư cách một triết học đạo đức hơn là một tôn giáo.
Tâm đắc với lời dạy của Phật Thích-ca: “Ta đến đây không phải để cứu độ các con. Ta đến đây là để chỉ đường đi cho các con. Các con hãy noi theo đó mà tiến tới, để tự độ lấy mình”, Tổ sư Minh Đăng Quang đặt trọng tâm tu tập ở Tự giác. Theo Chơn lý “Tông giáo”, tự giác là phương tiện cho giác tha: “Phật xưa kia thuyết pháp giảng đạo dạy tu, là siêu độ cả chúng sanh, và muốn cho người siêu độ, là tự mình phải siêu độ trước (…). “vì chúng sanh mà ta đi tu hành đạo; cắt đứt tham ái của ta, thì tham ái của người mới mong diệt được”[12]. Theo Chơn lý “Ăn và sống”, tự giác là tuyệt đích đối với tất cả: “Trời Phật cứu độ ta là bằng Pháp bảo, ta mà được cứu độ hay chăng, là bởi tự nơi mình, xét lại hành vi của mình”[13].
Với khái niệm “Niết-bàn”, Tổ sư Minh Đăng Quang cũng trở về ý nghĩa đích thực như Phật Thích-ca đã giảng giải: “Niết-bàn không phải một địa điểm, mà đúng hơn là cảnh giới thành tựu của tinh thần, khi tâm ta đang tối mà hóa sáng, dập tắt tham - sân - si mà được an lành, mát mẻ, yên bình”. Chơn lý “Vô Lượng Cam Lộ” nói: “Thân giới là xứ Cực lạc Tịnh độ, còn tâm định là Phật A-di-đà”[14]. Chơn lý “Giác ngộ” giảng giải: “Tâm Niết-bàn yên hơn cảnh Niết-bàn, trí thiên đường vui hơn cảnh thiên đường, thân địa ngục khổ hơn cảnh địa ngục, vì cảnh ngoài dễ mau dời đổi, chứ cảnh trong thì khó lâu dời đổi đặng”[15]. Chơn lý “Tam giáo” cắt nghĩa thêm: “Cõi Niết-bàn là lòng từ bi bình đẳng, tất cả chúng sinh chung, là sự trong sạch không nhơ uế, là sự sáng láng của trí tuệ, là sự yên lặng của tâm chơn, chứ không phải ở đâu cả”[16].
Không chỉ thuyết giảng giáo lý chung chung, Tổ sư Minh Đăng Quang phân tích những niềm tin và thực hành cụ thể trong thực tế. Ngài không khi nào đặt đối lập Nam tông – Bắc tông để chia rẽ các hệ phái. Ngài thường xuyên nhấn mạnh sự tương phản đạo Phật xưa (thời Đức Phật) và đạo Phật nay (hiện tại) nhằm làm rõ những cách thức tu hành xa rời Chánh pháp. Như Ngài nói ở Chơn lý “Đạo Phật”: “Đạo Phật Thích-ca xưa và giáo pháp của tượng cốt ngày nay đã khác xa nhau lắm”[17] hay ở Chơn lý “Tông giáo”: “Ngày xưa ít học mà nên nhiều, ngày nay học nhiều mà nên ít, là cũng bởi trọng học tài, quên tu đức”[18].
Tiếp đó, Tổ sư Minh Đăng Quang chỉ con đường của Phật giáo Khất sĩ như sự “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”. Chơn lý “Khất sĩ” trình bày: “Chính Phật là Vô thượng sĩ, là ông thầy có sự học không ai hơn! Còn Tăng là Khất sĩ”, “là học trò khó đi xin ăn để tu học”[19]. Chơn lý “Phật tánh” chỉ dạy: “Khất sĩ là giải thoát trói buộc phiền não vô minh vọng động để sống bằng chơn như trí huệ, an lạc thong thả, rảnh rang, không còn tạo nghiệp, thì luân hồi sanh tử mới đặng dứt”[20].
Như vậy, có thể nói nội dung giáo lý bộ Chơn lý của Tổ sư đã tích hợp Phật giáo Nam tông và Bắc tông một cách sâu sắc, nhuần nhị trên cơ sở trở về bản chất của Phật giáo chính gốc là con đường Chánh pháp của thấy biết chân lý và thực hiện toàn mãn Từ - Bi - Hỉ - Xả. Từ đó vận dụng để xây dựng giáo lý của Phật giáo Khất sĩ đáp ứng những yêu cầu thực tiễn của Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX.
1.2 Sự tích hợp Nam tông và Bắc tông trong hình thức thể hiện của bộ Chơn lý
Như đã đề cập ở phần dẫn nhập, với bộ Chơn lý (gồm 69 bài giảng liên quan đến cả Kinh, Luận, Luật) của Tổ sư Minh Đăng Quang, Phật giáo Khất sĩ là hệ phái có hệ thống kinh điển riêng bằng tiếng Việt chứ không sử dụng kinh điển Ấn Độ trong nguyên bản tiếng Pali, tiếng Sanskrit hay qua các bản dịch. Sử dụng tiếng Việt là việc làm với ý thức tự giác cao của vị Tổ sư theo đường hướng “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”. Nguyên khi Phật còn tại thế, Ngài đã chọn Pali là một ngôn ngữ thông dụng (chứ không phải Sanskrit là một loại ngôn ngữ bác học, thuộc độc quyền của một thiểu số tu sĩ, trí thức) để quần chúng, giàu cũng như nghèo, có học cũng như thất học, đều có thể hiểu và sống theo Phật pháp. Tổ sư Minh Đăng Quang cho rằng trong quá trình truyền bá Phật giáo về sau, hàng rào ngôn ngữ chính là một trong những cản trở khiến người ta xa rời nội dung triết học đạo đức sâu sắc mà chạy theo hình thức tôn giáo phụng thờ nông cạn. Chơn lý “Tông giáo”, Tổ dạy: “Những lúc về sau này không có Phật, người ta bèn ghi chép lời nói của Phật (…) truyền ra nhiều xứ, nhiều thứ chữ, tiếng đọc khác nhau, và ý nghĩa không còn xác thật. Vì vậy, mà lắm kẻ cư gia chỉ đọc tụng khen tán, tin tưởng lời nói của Phật là linh thiêng, chớ không cần hiểu chi là nghĩa lý, ý dạy chi cả. Vả lại, Tăng chúng cũng lu mờ, thì cư gia biết hỏi nơi ai nghĩa chữ, nào ai dạy pháp lý, nào có ai chỉ rõ ý nghĩa của Phật dạy, trách gì chân lý chẳng khó ai đạt được!”[21]. Chơn lý “Vô Lượng Cam Lộ” diễn giải, đặt sự đối chiếu: “Kìa các xứ Ấn Độ, xưa nay họ có cầu vái đi đâu, hoặc theo ai gì đâu. Ấy là nhờ họ hiểu rõ lý, nghĩa và ý của Phật dạy; theo chữ, tiếng của họ, nên khác hẳn với xứ ta vậy”[22].
Cũng trên đường hướng để Tăng chúng, Phật tử dễ hiểu và làm theo Chánh pháp như vậy, Tổ sư Minh Đăng Quang học theo cách thức của Phật Thích-ca, dùng lối vấn đáp để giảng giải, lại cũng sử dụng văn xuôi và cả thơ ca.
Vấn đáp trong Chơn lý thường sáng rõ, dễ hiểu nhưng cũng không hiếm khi mang giọng nghịch lý kiểu “công án”, diễn nghĩa những điểm giản dị mà sâu sắc đặc thù của Phật giáo Khất sĩ. Chẳng hạn, trong Chơn lý “Đạo Phật”: “Có người hỏi một Khất sĩ: Vấn: Ông tu như vậy để chi? Đáp: Vì không để chi mới tu như vậy. Vấn: Có phải ông muốn cho người ta tu theo ông hết không? Đáp: Tôi tu là bởi tại người ta không ai tu theo tôi hết”[23].
Nhiều bài trong Chơn lý xen văn xuôi và thơ. Chơn lý “Bài học cư sĩ”, “Kinh Tam Bảo” hầu như toàn bằng thơ. Hình thức thơ ca được Tổ sư sử dụng phổ biến nhất là lục bát, song thất lục bát, những thể thơ truyền thống quen thuộc với tâm hồn dân tộc.
Nghệ thuật Tự sự - Thuyết pháp dùng các câu chuyện sinh động để giảng giải giáo lý của Đức Phật cũng được sử dụng rộng rãi trong Chơn lý.
Tổ sư Minh Đăng Quang rất ít kể những câu chuyện tiền thân (Jataka - Bổn sanh kinh) mà quan tâm nhiều hơn đến những câu chuyện về cuộc đời của Đức Phật lịch sử (Phật Thích-ca). Chơn lý “Phật tánh” kể chuyện Đức Phật sau khi thành đạo trở về xứ Ca-tỳ-la-vệ, vua cha Tịnh-phạn trách Người “dòng họ vua chúa” mà “lại đi xin làm chi cho xấu hổ, cực nhọc” để nhân đấy giảng về truyền thống Khất sĩ tiếp nối theo Phật: “Với lẽ thật trong võ trụ, chúng sanh sanh ra do nhơn duyên chuyền níu, chẳng đầu chẳng cuối, cả thảy đều là bố thí cho nhau (…), cả thảy chư Phật đều là Khất sĩ…”[24].
Tổ sư cũng không đặt nặng những câu chuyện về các phép mầu ảo diệu, các kỳ tích, ân phước hiển linh. Thí dụ, trong câu chuyện kể đoàn thương nhân đắm tàu, nhờ lực Quán Thế Âm tức thì gặp đặng chỗ cạn, Tổ sư không quảng bá sự thần thông tế độ mà lại hướng tới dẫn giải về giác ngộ: “Người thương chủ là tâm của chúng sanh, dẫn bọn thương nhơn là mắt, tai, mũi, lưỡi, các pháp trong mình… Họ sinh ra là để lo lời lỗ đua tranh tráo chác, đi ra giữa biển là vào xa trong giữa biển khổ của đời, bán buôn kiếm tìm châu ngọc là mong kiếm tìm sự ích lợi; cái tham, bị quỷ la-sát nhận chìm thuyền là bị cái ý lôi cuốn xác thân chìm đắm. Tâm liền niệm tưởng Quan Thế Âm, là giữa lúc ấy thấy ra sự khổ của người của mình, quán xét sự thế, tiếng khổ tối tăm của tất cả, mà phát lòng từ bi trí huệ, là tức thì thấy gặp đặng đạo đức để nương theo. Như gặp đặng chỗ cạn mà thoát khổ nạn của biển trần thế, được xuất gia giải thoát, đó là nhờ đức oai thần lực của pháp lý Quan Thế Âm vậy”[25].
Tổ sư Minh Đăng Quang tập trung khai thác những câu chuyện về hành trình tu tập của Đức Phật và các đại đệ tử tiêu biểu của Ngài. Các vị Phật khác, các vị Bồ-tát cũng đều được soi chiếu từ phương diện hành trình tu tập. Chẳng hạn, Chơn lý “Pháp Tạng” kể câu chuyện Đức Phật A-di-đà đã kiên trì chịu đựng thử thách (lãnh nhận tội đánh vỡ cái chén quý bể, lãnh nhận trách nhiệm chôn cái xác thân hôi thối…) chính là để trau dồi Lục độ (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ), cuối cùng, đắc quả Phật[26].
Lối Dụ ngôn với những biểu tượng ẩn dụ, khơi gợi pháp nghĩa mà Đức Phật hay dùng cũng được Tổ sư phát huy rộng rãi. Một mặt, Ngài tiếp biến những ẩn dụ nổi tiếng của Đức Phật dễ dàng quen thuộc với cư dân Việt như: Cày ruộng, Hột giống, Hoa sen trên mặt nước, ...
Mặt khác, Ngài sáng tạo những ẩn dụ mới, phản ánh dấu ấn tư thức riêng của Phật giáo Khất sĩ ở Nam Bộ, Việt Nam đầu thế kỷ XX như:
- Hệ thống ẩn dụ Trường học – Lớp học – Thầy giáo – Sách vở: “Ngày giờ qua như câu chữ, năm tháng như hàng trương, mỗi kiếp sống là một quyển tập. Võ trụ như một kho tàng Pháp bảo, mỗi quả địa cầu là một quyển sách to. Chúng sanh như những học trò, xung quanh ta là bạn lữ, kẻ dạy dỗ ví như những ông thầy; chúng sanh chết đi sống lại như thay thầy đổi bạn, lên lớp xuống lớp lăng xăng, vạn vật biến hình như sửa tập, các pháp thấp cao, sái khác không như một là bài vở” (Chơn lý “Đi học”)[27].
- Hệ thống ẩn dụ về các cấp tiến hóa: “Giáo lý của Phật như mặt trời, giáo lý của đức Lão Tử như mặt trăng, giáo lý của đức Khổng Tử như ngôi sao”[28].
Đọc, nghe Chơn lý, là một hành trình tinh thần bổ ích, lý thú. Người ta nhận thấy những cốt lõi căn bản của Phật giáo được gìn giữ trung thành, được trình bày dễ hiểu, dễ cảm, dễ nhớ, đồng thời cũng khám phá những nỗ lực suy tư, chiêm nghiệm, thực hành nhằm khế lý, khế cơ tinh thần Phật giáo trong những điều kiện đổi thay, cập nhật của địa phương, dân tộc và thời đại.
2. KẾT LUẬN
Hình thành và phát triển trong công cuộc chấn hưng Phật giáo đang hồi sôi nổi trên thế giới và ở Việt Nam, hệ phái Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng đã tích hợp tư tưởng Phật giáo Nam tông và Bắc tông trên tinh thần “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”. Giáo lý của Tổ sư trong bộ Chơn lý đã mở ra con đường tu tập trong sự thực hành trí huệ và từ bi, tự giác và giác tha, trung thành với thông điệp của Đức Phật, đồng thời đáp ứng những nhu cầu thực tiễn của Việt Nam thời kỳ hiện đại. Con đường ấy, đến ngày nay, vẫn vẹn nguyên ý nghĩa giáo dục đạo đức và dẫn dắt tâm linh.
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Hệ phái Khất sĩ (1993), Chơn lý. Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành.
Hệ phái Khất sĩ (2008), Ánh Minh Quang. Nxb. Tổng hợp TP.HCM.
Hàn Ôn (2001), Minh Đăng Quang Pháp giáo, Cơ sở Tinh thần – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam.
McLeod, Mark W. (2009), "The Way of the Mendicants: History, Philosophy, and Practice at the Central Vihara in Hồ Chí Minh City". Journal of Vietnamese Studies. University of California Press.
Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận (Chương 26: “Khái quát công cuộc chấn hưng Phật giáo từ 1930 đến 1945”). http://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/thien-tap/viet-nam-phat-giao-su-luan/chuong-26-khai-quat-ve-cong-cuoc-chan-hung-phat-giao-tu-1930-den-1945?set language=vi
Sa-môn Thích Thiện Hoa: Phongtrào chấn hưng Phật giáo trên thế giới và ở Việt Nam hiện đại.
http://www.tangthuphathoc.net/timhieupg/phongtraochanhungpg.htm
Thích Hạnh Thành (2007): Tìm hiểu Phật giáo Khất sĩ Nam Bộ Việt Nam. Nxb. Tổng hợp TP.HCM.
PGS.TS. Phan Thị Thu Hiền
Trưởng Bộ môn Hàn Quốc học
Trường ĐHKHXH & NV – ĐH Quốc gia TP. HCM
[1]Theo Diễn văn khai mạc Hòa thượng Thích Giác Toàn đọc trong Đại lễ Tưởng niệm 55 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng , ngày 24/2/2009, Hệ phái Khất sĩ có “ hơn 2.500 Tăng Ni, 500 ngôi tịnh xá, tịnh thất và còn nhân rộng ra ở nhiều nước trên thế giới với hơn 30 ngôi tịnh xá, tự viện, thiền viện”. Theo báo cáo của bà Minh Anh, Phó Ban Phật giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, năm 2010, cả nước có 44.498 T ăng Ni, trong đó, 32.165 T ăng Ni thuộc Phật giáo Bắc tông, 9.379 vị Tăng thuộc Phật giáo Nam tông (phần lớn là người Khmer), 2.954 T ăng Ni thuộc Phật giáo Khất sĩ.
[2] “Phật giáo Nguyên thủy”, trong thuật ngữ tiếng Anh là “Primitive Buddhism”, chỉ Phật giáo thời ban đầu khi Đức Phật còn tại thế và chừng trăm năm sau khi Ng ài tịch diệt, hàm ý sự trung thành với c hánh pháp được trao truyền trực tiếp từ Phật Thích -ca. Một số học giả không thích cách dùng “primitive” có thể hàm ý “nguyên thủy”, sơ khai, chưa phát triển hoàn thiện, đã đề nghị cách dùng “Basic Buddhism” (Phật giáo cơ bản / cốt lõi).
[3]Phan Chu Trinh tin tưởng chấn hưng Phật giáo sẽ tăng cường sức mạnh chiến thắng ngoại xâm: "Nước Đại Nam chúng ta ngày nay sở dĩ yếu hèn là vì thiếu tinh thần tôn giáo, chúng ta không biết cương cường xả thân vì nghĩa, chỉ bo bo giữ cái lối riêng của mình. Nay bà con thử xét, đời Trần sao dân tộc ta hùng dũng như vậy? Quân Nguyên thắng cả Á cả Âu, nuốt trọn Trung Hoa mà qua đến nước ta thì bại tẩu; nào bị cướp sáo ở Chương Dương độ, nào bị bắt trói ở Bạch Đằng, như vậy chẳng phải là nhờ đạo Phật ở ta thời đó rất thịnh ư? Nhờ cái tinh thần tôn giáo của ta ư?" [Nguyễn Hiến Lê, Đông Kinh nghĩa thục, Lá Bối, Sài Gòn, 1974. Dẫn lại theo Nguyễn Lang]. Phan Khôi cũng “biểu đồng tình” với chấn hưng Phật giáo theo cách như vậy: "Ở nước ta cũng vậy: vào thuở nhà Lý, nhà Trần, đạo Phật tràn ngập cả nước, chùa chiền khắp nơi, thầy tu làm dân tráng, nhưng nước nhà chưa hề có cái vẻ tích nhược như hồi Lê trung hưng hay Nguyễn thống nhất là cai thời đại Nho học thịnh hành. Trái lại, nhà Lý, nhà Trần mạnh lắm, dân khí còn hăng lắm: mấy phen giặc Tàu sang chúng ta đuổi đi như đuổi vịt. Lịch sử là cái chứng mạnh lắm, không ai cãi được. Nó đã làm bằng chứng cho Phật giáo; không phải là một thứ như thuốc phiện làm mòn yếu con người" [Tiếng chuông sớm số 9, ra ngày 12.10.1935. Dẫn lại theo Nguyễn Lang].
[4] Chúng tôi muốn dùng khái niệm “Phật giáo chính gốc” (Original Buddhism) . Trong diễn đạt, Tổ sư cũng dùng hình tượng “cội cây”, “gốc cái”, “thân cây mẹ ” … (như ta thấy ở trang tiếp theo).
[5]Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, tập II “Tông giáo”, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 85.
[6] Sđd, “Tông giáo”, tr.101 .
[7] Sđd, tập III “Đạo Phật”, tr. 6 1.
[8] Sđd, tr. 368.
[9] Sđd, tập III “Pháp Tạng”, tr.110.
[10] Sđd, tập I “Có và không”, tr.143 .
[11] Sđd, tập II “Trường đạo lý”, tr.363 .
[12] Sđd, tập II “Tông giáo”, tr.110 .
[13] Sđd, tập II “Ăn và sống”, tr.2 45.
[14] Sđd,tập III “Vô Lượng Cam Lộ”, tr. 132.
[15] Sđd, tập II “Giác ngộ”, tr .163.
[16] Sđd, tập II “Tam giáo”, tr.78 .
[17] Sđd, tập III “Đạo Phật”, tr 57.
[18] Sđd, tập II “Tông giáo”, tr. 106.
[19] Sđd, tập I “Khất sĩ”, tr. 260.
[20] Sđd, tập III “Phật tánh”, tr .22.
[21] Sđd, tập II “Tông giáo”, tr.104 - 105 .
[22] Sđd, tập III “Vô Lượng Cam Lộ”, tr.132.
[23] Sđd, tập III “Đạo Phật”, tr. 6 2 .
[24] Sđd, tập III “Phật tánh”, tr. 21 - 23.
[25] Sđd, tập III “Quán Thế Âm”, tr. 150 - 151.
[26] Sđd, tập III “Pháp Tạng”, tr. 104 - 105 .
[27] Sđd, tập II “Đi học”, tr. 435.
[28] Sđd, tập II “Tam giáo”, tr. 70.
Các bài viết liên quan
- Đạo Phật Khất sĩ và bốn tinh thần tiêu biểu trước khi hòa nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Thứ Bảy, 08:56 14-05-2022 - xem: 3939 lần
- Công trình dung hợp khởi phát từ Tổ sư Minh Đăng Quang - Thứ Ba, 09:42 19-04-2022 - xem: 7452 lần
- Sư phát triển của Hệ phái Khất sĩ tại hải ngoại - Thứ Ba, 08:11 19-04-2022 - xem: 4892 lần
- Căn cốt của Hệ phái Khất sĩ và yêu cầu của từng thời đại khác nhau - Thứ Ba, 01:10 19-04-2022 - xem: 4789 lần
- Bước đầu nhận diện những nét chính của Giáo đoàn Khất sĩ và của vị Hành giả Chơn lý - Thứ Ba, 00:51 19-04-2022 - xem: 4114 lần
- Tinh tấn tu tập nhiếp phục thân khẩu ý thanh tịnh - Thứ Năm, 10:14 29-07-2021 - xem: 10223 lần
- Kinh nghiệm kiểm soát và chuyển hóa ác nghiệp - Thứ Hai, 11:47 26-07-2021 - xem: 6939 lần
- Phát huy những giá trị tốt đẹp của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ - Thứ Bảy, 22:38 03-04-2021 - xem: 7530 lần
- Phát huy giá trị tôn giáo và xã hội của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - Thứ Năm, 10:28 01-04-2021 - xem: 5849 lần
- Những giá trị của Hệ phái Khất sĩ trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - Thứ Năm, 10:08 01-04-2021 - xem: 7442 lần
- Hòa thượng Thích Giác Toàn chia sẻ nhân duyên với Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang - Chủ Nhật, 00:03 14-03-2021 - xem: 8135 lần
- Quá trình hình thành và phát triển Hệ phái Khất sĩ Việt Nam ở Bình Dương - Thứ Bảy, 02:54 18-07-2020 - xem: 8601 lần