Tâm thái nhẫn hoà của vị Khất sĩ chân chính
- Thích Minh Thành
- | Thứ Tư, 09:16 24-06-2020
- | Lượt xem: 5654
I. DẪN NHẬP
Trong bất kỳ một xã hội nào, yếu tố nhẫn hòa là yếu tố bắt buộc phải có để giữ vững tinh thần đoàn kết. Tinh thần đoàn kết là sinh lực cũng là sinh mệnh của một dân tộc, một xã hội hay một tổ chức. Tiêu ngữ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đạithành công” đương nhiên là chân lý. Sự đoàn kết, tuy nhiên, phải dựa trên nền tảng của tinh thần bình đẳng, thượng tôn công lý và sự tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên thì sự đoàn kết đó mới lâu bền.
Đồng thời, sự đoàn kết phải có cốt lõi là tâm thái nhẫn hòa của hai bên thì sự đoàn kết mới có thực chất. Không may, độ nhẫn hòa trong xã hội hay tổ chức luôn luôn là một biến số dao động dựa trên dòng thác của những diễn biến bên trong tổ chức và bên ngoài xã hội. Vì vậy, tâm thái hay tinh thần nhẫn hòa của vị Khất sĩ khi được tu tập và rèn luyện đến độ thuần thục và nhuần nhuyễn sẽ là một vốn quý có tác dụng ổn cố ở nhiều phương diện. Ở một phương diện, nó như là một dạng định thủy châu, vừa làm mát mẻ vừa làm êm thắm trong dòng chảy của sự đời, góp phần làm giảm nhẹ những sóng gió, những biến động nhiệt não và rối loạn quá mức trong dòng chảy của những diễn biến xã hội, nhân sinh. Nhiệt não trong tâm hồn và rối loạn trong hành vi xã hội luôn tiềm ẩn nguy cơ hỗn loạn và bạo loạn xã hội, đưa đến những nỗi thống khổ, tạo nên những xung động tiêu cực trong số đông con người, làm đổ vỡ những mối quan hệ, thậm chí là gây nên những thương vong không cần thiết phải xảy ra và không nên xảy ra nhưng rõ ràng là đã và đang xảy ra ở những mức độ khác nhau, nơi này nơi kia, lúc này lúc khác, khắp mọi nơi trên thế giới. Các phương tiện truyền thông đại chúng gần đây đã đưa tin dày đặc, người viết không cần phải liệt kê.
Chủ hướng của người viết là làm rõ tinh thần, tâm thái và giá trị của nhẫn hòa; cố gắng đưa nó trở về đúng giá trị thật của nó để giá trị hiện rõ và giá trị tiềm ẩn của nó đỡ bị những giá trị xã hội khác như danh vọng, vị thế xã hội, sức mạnh tài chính và vật chất lấn át quá mức; cố gắng làm giảm bớt thái độ xem nhẫn hòa là thứ chỉ dành cho hoàn cảnh của những kẻ hèn hạ, thiếu bản lãnh và nhu nhược.
II. XU HƯỚNG NHẪN VÀ HÒA TRONG VĂN HÓA CỦA VIỆT NAM PHẬT GIÁO
Văn hóa Việt Nam Phật giáo ở đây chỉ cho nền văn hóa của Việt Nam khi còn mang đậm tính chất thuần hòa thâm trầm nhà Phật, khi mà những nét cứng rắn và lạnh lùng của nền văn minh cơ giới và những nét hào nhoáng lồ lộ của văn hóa phương Tây chưa tác động và tạo nên sự giao thoa tiếp biến vừa lợi ích vừa có tác dụng phụ như ngày nay. Nói như vậy, người viết không hề phủ nhận những giá trị đích thực của văn hóa văn minh phương Tây.
Đi vào nền văn hóa cổ kính đó, chúng ta bắt gặp ý tứ nhẫn hòa trong câu: “Một câu nhịn chín câu lành”.[2] Câu này có nghĩa là đã là những người cùng sống với nhau trong một địa bàn thì cần nhịn nhường nhau trong lời ăn tiếng nói, nếu nói rộng thêm là nhịn nhường với nhau trong suy nghĩ và trong hành động. Rõ ràng trong mối quan hệ xã hội làng xã thì ý tưởng như vậy là vô cùng cần thiết để tạo nên sự gắn kết và sức mạnh của cộng đồng cư dân. Như là một lời khích lệ để người ta biết kềm chế khi rơi vào tình thế là nạn nhân của bất công và cảm thấy bất bình, người xưa đã nâng cao chữ nhẫn lên đến chỗ cao quý đáng giữ gìn. Ai giữ gìn được thì thọ mạng lâu dài: “Chữ nhẫn là chữ tượng vàng; ai mà nhẫn được thì càng sống lâu.” [3]
Tuy nhẫn hòa là ý tưởng chủ đạo trong mối quan hệ xã hội nhưng nền văn hóa xem trọng ý tưởng đó không nhất thiết phải đi đến chỗ cực đoan khi vẫn có câu nói để trung hòa, quân bình và cân phân trở lại: “Lành với Bụt, chớ ai lành với Ma.”[4] Trong thế giới của ca dao tục ngữ, chúng ta lại có những câu: “Em thuận anh hòa là nhà có phúc”[5], “Những người đức hạnh thuận hòa; đi đâu cũng được người ta tôn sùng.” [6] Vừa có phúc vừa được tôn sùng, ai mà không thích.
Rời khỏi thế giới ca dao tục ngữ, mang theo lăng kính có khắc họa chữ “Hòa” mà đi vào dòng lịch sử cổ đại của Việt Nam, chúng ta thấy ý tưởng “Tam giáo đồng nguyên”, “Tam giáo đồng quy” và “Tam giáo hòa đồng” xuất hiện rất sớm và là một trong những mạch tư duy chủ đạo của nhà nước Việt Nam Phật giáo để đưa ra những quốc sách an dân. Như đã nói ở trên, nhà nước Việt Nam Phật giáo ở đây chỉ cho dạng nhà nước có tư duy quốc sách mang đậm tính chất thuần hòa thâm trầm của nhà Phật. Chủ trương cụ thể của nhà nước thời ấy là vào tháng 2 năm Ất Mão (1195), Nhà Lý tổ chức khoa thi Tam giáo. Mươi hai năm sau, vào tháng 8 năm Đinh Mùi (1247), Nhà Trần cũng tổ chức khoa thi Tam giáo. Nguyễn Khắc Thuần xem đây là một hiện tượng khá độc đáo. Người viết cho rằng độc đáo ở đây chỉ cho độc nhất vô nhị, chưa hề có ở một quốc gia nào khác, chưa hề có ở một thời đại nào khác, trước kia và cả sau này. Từ những khoa thi ấy, nhà nước chọn lựa những hiền tài bổ dụng làm quan, hướng đến mục tiêu thái bình thịnh trị, nhân dân ấm no hạnh phúc.
Khi Phật giáo rời khỏi vũ đài chính trị và khi một tôn giáo khác với Phật giáo giành được vị trí độc tôn, vị trí chủ đạo cho tư duy chính trị, thì câu chuyện trị nước không còn mang đậm dấu ấn của chữ “Hòa” nữa, cụ thể các cuộc thi như vậy không còn được tổ chức nữa[7].
III. NHẪN HÒA TRONG ĐẠO PHẬT
Đạo Phật là đạo của hòa bình, đây là điều mà cả thế giới mà đại diện là Liên Hợp Quốc đã vinh danh. Nói hẹp lại, trong thế giới tu hành khi có hòa và có bình thì việc tu tập mới có nền tảng vững chắc. Có thể hiểu theo kiểu chiết tự, hòa là hòa với người khác, hòa với thế giới chung quanh; bình là bình an trong tâm hồn. Hai chuyện này hỗ tương tác động lên nhau. Khi hòa với người khác thì có bình an trong tâm hồn và khi có bình an thâm sâu trong tâm hồn thì gia tăng độ hòa với người khác.
Một kiểu mở rộng ngoại diên[8] của chữ hòa là “thuận hòa” mà hai câu ca dao về đức hạnh và về tình anh em ở trên mục II đã nói đến. Chữ “thuận” ở đây có nghĩa là “đồng thuận” hay “đồng tình” với nhau về một quyết định nào đó, nhưng không hàm nghĩa rằng các bên đồng thuận có suy nghĩa giống nhau, cảm xúc giống nhau; nói một cách cụ thể là không hàm nghĩa các bên hưởng thụ hay hưởng lợi giống nhau khi thực thi quyết định theo kiểu đã được đồng thuận ấy. Chính vì sự khác nhau này mà người viết đã nêu lên khái niệm “nhẫn hòa”, ý nói thuận hòa mà có chứa yếu tố nhẫn nhịn trong đó theo tinh thần “Một câu nhịn chín cầu lành” như đã đề cập ở mục II.
Đại thể mà nói, trong bất kỳ một xã hội nào, một tổ chức nào yếu tố nhẫn hòa là yếu tố bắt buộc phải có để giữ vững tinh thần đoàn kết. Tinh thần đoàn kết liên quan đến sinh lực cũng là sinh mệnh của một dân tộc, một xã hội hay một tổ chức; sinh lực này đưa đến thành công và đại thành công[9]. Tổ chức Tăng đoàn hay Tăng-già của nhà Phật đã ý thức rất rõ về yếu tố hòa hợp và thể hiện tinh thần hòa hợp qua bảy pháp bất thối và sáu pháp hòa kính trong đời sống hàng ngày[10]. Thời đại công nghệ cho phép chúng ta nhấp chuột tìm kiếm chữ “hòa hợp” trong kinh văn đã số hóa của bốn bộ kinh Nikāya. Ngay tức khắc, kết quả cho thấy trên bốn trăm (400) trường hợp từ “hòa hợp” xuất hiện. Tìm kiếm chữ “đoàn kết”, chúng ta sẽ có bốn mươi lăm (45) trường hợp. Trong đó, “Bảy pháp bất thối” và “Sáu pháp hòa kính” là hai cụm giáo lý nổi trội, chứa đựng trí tuệ của bậc Chánh đẳng giác[11]. Giới hạn một bài viết không cho chúng ta triển khai cụ thể và chi tiết hơn nữa. (xin xem thêm ở phần PHỤ LỤC)
IV. NHẪN HÒA TRONG TÂM HỒN VỊ KHẤT SĨ CHÂN CHÍNH
Ngay từ ngày đầu thành lập tổ chức Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, những vị Khất sĩ tiên phong đã sớm ý thức được rằng hòa hợp và đoàn kết là yếu tố quyết định chuyện tồn vong hưng suy của một tổ chức, nhỏ như tổ chức giáo đoàn, lớn như tổ chức giáo hội, lớn hơn là các tổ chức của dân tộc. Tuy có những giáo đoàn riêng lẻ hành đạo ở những địa bàn khác nhau từ duyên hải đến cao nguyên, từ những vùng bờ xôi ruộng mật đến những vùng “nước mặn đồng chua... đất cày lên sỏi đá”[12], nhưng mỗi mùa Vu lan báo hiếu, Tự tứ thỉnh nguyện thì Tăng Ni các giáo đoàn đều quay về Tổ đình tụng giới sám hối chung với nhau trong tinh thần hòa hợp và đoàn kết, đúng nghĩa và thực chất ở mức độ rất cao. Trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt, việc đi lại rất khó khăn và đầy rủi ro nguy hiểm, sự kiện Tự tứ chung của tất cả giáo đoàn tuy phải dừng lại nhưng tinh thần nhẫn hòa trong tâm hồn Khất sĩ vẫn chiếm vị trí “tượng vàng”.
Tuy nhiên, đối trọng với những diễn biến chính trị ở miền Nam Việt Nam với các thế lực cực đoan và cực độ khác nhau, Phật giáo Khất sĩ đã cất lên tiếng nói và có những phản kháng cần thiết và trực diện, tiên phong và trực tiếp lãnh đạo là Đệ nhất cố Ni trưởng Huỳnh Liên.
Sau khi thống nhất đất nước, hầu như tất cả các tổ chức giáo hội, giáo đoàn, sơn môn, pháp phái... được thống nhất trong một ngôi nhà duy nhất: Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hệ thống Phật giáo Khất sĩ đã sớm chuyển mình và với tâm thái nhẫn hòa truyền thống sống hài hòa dưới mái nhà chung của Phật giáo.
Trong tâm hồn Khất sĩ, “tượng vàng” nhẫn hòa vẫn được hương hoa trà quả ấm áp mỗi ngày. Vững vàng và ấm áp như vậy một phần là do nền văn hóa Việt Nam Phật giáo un đúc, một phần là do tinh hoa của giáo lý hòa hợp và đoàn kết, vô ngã và vị tha, trong giáo lý Phật giáo, và một phần không thể thiếu là do Tổ sư Minh Đăng Quang và những tâm hồn Khất sĩ tiền hiền chủ trương. Người viết đã trình bày vài nét lớn về nền văn hóa Việt Nam Phật giáo, cũng đã đề cập đến Bảy pháp bất thối và Sáu pháp hòa kính trong giáo lý của nhà Phật, sau đây là một nét trực quan biểu tỏ tâm thái nhẫn hòa trong tu tập và trong ứng xử xã hội của những vị Khất sĩ chân chính:
Trong thế giới nhà Phật, bài minh hay văn bia được chạm khắc lên khối đá[13] hay bảng đồng có tầm quan trọng bậc nhất về mặt ngôn thuyết vì đó là tuyên ngôn chính thức, cung cấp những thông tin đã được chắc lọc, nói lên quan điểm cốt lõi của một sơn môn, pháp phái, ít nhất là của một ngôi tự viện tầm vóc. Đó là thần thái và cũng là tư tưởng chủ đạo, chủ hướng, dẫn dắt tư duy hay nếp nghĩ của tất cả thành viên của hệ thống ấy. Về mặt khoa học, văn bia này không chỉ là một luận cứ đơn thuần, mà còn là một thật cứ, hầu như bất khả phủ bác. Bài văn bia được chạm khắc trên một mặt của một bia ký đặt trước ngôi tháp cao kỷ lục của Hệ phái được mở đầu với câu: “Nhịn nhường là giới đầu tiên...”
Ảnh của Xác lập kỷ lục Bảo tháp Ngọc Phật:
Ảnh của bia ký:
V. THAY LỜI KẾT
Tượng vàng của vị thần nhẫn hòa vẫn an vị trong tâm hồn của nhiều ngàn vị Tăng Ni Khất sĩ ở nhiều độ tuổi khác nhau, trình độ tu tập và trình độ học vấn khác nhau. Không chỉ trường kỳ nhẫn hòa đoàn kết, tùy theo mỗi lúc, mỗi trường hợp, Tăng Ni Khất sĩ còn đóng góp xứng đáng trong mọi mặt hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chung tay xây dựng và củng cố tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái giữa các bộ phận, các thành phần trong khối đại đoàn kết dân tộc. Từ cơ quan lập pháp cao nhất là Quốc hội, đến đơn vị nhỏ nhất là phường, xóm, tổ dân phố, những người con trong sơn môn Khất sĩ, luôn sống nhẫn hòa, tu tập, làm việc và cống hiến cho Phật giáo, cho xã hội, và cho sự nghiệp chung của dân tộc Việt Nam. Chuyện có phúc, được sống lâu, hay được tôn sùng là chuyện chúng ta sẽ bàn vào dịp khác.
PHỤ LỤC:
1. Bảy pháp bất thối:
Bà-la-môn Vassakara, đại thần nước Magadha vâng theo lời dạy của Ajātasattu Vedehiputta, vua nước Magadha cho thắng những cỗ xe thù thắng, tự mình cỡi lên một chiếc, cùng với các cỗ xe ấy đi ra khỏi Rājagaha (Vương Xá), đến tại núi Linh Thứu, đi xe đến chỗ còn dùng xe được, rồi xuống xe đi bộ đến chỗ Thế Tôn, khi đến liền nói những lời chào đón hỏi thăm xã giao với Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Vassakara, đại thần nước Magadha, bạch Thế Tôn:
- Tôn giả Gotama, Ajātasattu Vedehiputta, vua nước Magadha cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Gotama, vấn an ngài có thiểu bệnh, thiểu não, khinh an, khỏe mạnh, lạc trú. Tôn giả Gotama, Ajātasattu Vedehiputta, vua nước Magadha muốn chinh phục dân xứ Vajjī. Vua tự nói: "Ta quyết chinh phạt dân Vajjī này, dầu chúng có uy quyền, có hùng mạnh, ta quyết làm cỏ dân Vajjī, ta sẽ tiêu diệt dân Vajjīī, ta sẽ làm cho dân Vajjī bị hoại vong".
4. Lúc bấy giờ, Tôn giả Ānanda đứng quạt sau lưng Thế Tôn. Thế Tôn nói với Tôn giả Ānanda:
- Này Ānanda, Ngươi có nghe dân Vajjī thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau không?
- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjī thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau không?
- Này Ānanda, khi nào dân Vajjī thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau, thời này Ānanda, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ānanda, Ngươi có nghe dân Vajjī tụ họp trong niệm đoàn kết giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết không?
- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjī tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết.
- Này Ānanda, khi nào nghe dân Vajjītụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết, này Ānanda dân Vajjīsẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ānanda, Ngươi có nghe dân Vajjī không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajjī như đã ban hành thời xưa không?
- Bạch Thế Tôn, con nghe dân Vajjī không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajjī như đã ban hành thuở xưa.
- Này Ānanda khi nào dân Vajjī, không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajjī như đã ban hành thuở xưa thời, này Ānanda, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ānanda, Ngươi có nghe dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjī và nghe theo lời dạy của những vị này không?
- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjī và nghe theo lời dạy của những vị này.
- Này Ānanda, khi nào dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjī và nghe theo lời dạy của những vị này, thời dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ānanda, Ngươi có nghe dân Vajjī không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjī phải sống với mình không?
- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjī không có bắt khóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjī phải sống với mình.
- Này Ānanda, khi nào Vajjī không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjī phải sống với mình thời, này Ānanda, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ānanda, Ngươi có nghe dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajjī ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp không?
- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajjī ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp.
- Này Ānanda, khi nào dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajjī ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp, thời này Ānanda, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ānanda, Ngươi có nghe dân Vajjī bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Vajjī khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc không?
- Bạch Thế Tôn, con nghe dân Vajjī bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Vajjī khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc.
- Này Ānanda, khi nào dân Vajjī bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Vajjī khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc, thời này Ānanda, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
5. Rồi Thế Tôn nói với Bà-la-môn Vassakara, đại thần nước Magadha:
- Này Bà-la-môn, một thời Ta sống ở Vesàli tại tự miếu Sārandada, Ta dạy cho dân Vajjī bảy pháp bất thối này. Này Bà-la-môn, khi nào bảy pháp bất thối được duy trì giữa dân Vajjī, khi nào dân Vajjī được giảng dạy bảy pháp bất thối này, thời Bà-la-môn, dân Vajjī sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
Khi được nói vậy, Bà-la-môn Vassakara, đại thần nước Magadha bạch Thế Tôn:
- Tôn giả Gotama, nếu dân Vajjī chỉ hội đủ một pháp bất thối này, thời dân Vajjī nhất định được cường thịnh, không bị suy giảm, huống nữa là đủ cả bảy pháp bất thối. Tôn giả Gotama, Ajātasattu Vedehiputta, vua nước Magadha không thể đánh bại dân Vajjī ở chiến trận trừ phi dùng ngoại giao hay kế ly gián. Tôn giả Gotama, nay chúng con phải đi, chúng con có nhiều việc và có nhiều bổn phận.
- Này Bà-la-môn, Người hãy làm những gì Người nghĩ là hợp thời.
Bà-la-môn Vassakara, vị đại thần nước Magadha hoan hỷ, tán thán lời dạy của Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy và từ biệt.
______________________________Chú Thích______________________________
[1] Ủy viên Thường trực HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó ban Giáo dục Phật giáo.
[2] Lệ Như Thích Trung Hậu, Ca dao tục ngữ Phật giáo Việt Nam, Nxb. TP. Hồ Chí Minh 2002, tr. 451.
[3] Sđd., tr. 579.
[4] Sđd., tr. 451.
[5] Sđd., tr. 141.
[6] Sđd., tr. 457.
[7] Nguyễn Khắc Thuần, Tiến trình văn hóa Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ XIX (tái bản lần ba), Nxb. Giáo Dục Việt Nam, 2016, tr. 367.
[8] Tức là thu hẹp nội hàm.
[9] Nói theo tiêu ngữ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – Thành công, thành công, đại thành công”.
[10] Như vậy về mặt lý luận, nền văn hóa cổ đại Việt Nam cung cấp lý do đủ lớn để đúc tượng vàng có tên là chữ nhẫn hòa rồi đặt lên bàn thờ rồi mỗi ngày nhang khói hoa quả. Kết quả sơ khởi là sống khỏe sống lâu.
[11] Nổi tiếng nhất có lẽ là câu chuyện giữa đức Phật và A-nan bàn thảo về trường hợp của dân Bạt-kỳ (Vajjī) ghi chép trong Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Bát-Niết-Bàn (Mahāparinibbāna sutta).
[12] Thơ của Chính Hữu.
[13] Thế gian gọi là “Bảng đồng – bia đá.”
Các bài viết liên quan
- Đạo Phật Khất sĩ và bốn tinh thần tiêu biểu trước khi hòa nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Thứ Bảy, 08:56 14-05-2022 - xem: 4363 lần
- Công trình dung hợp khởi phát từ Tổ sư Minh Đăng Quang - Thứ Ba, 09:42 19-04-2022 - xem: 8473 lần
- Sư phát triển của Hệ phái Khất sĩ tại hải ngoại - Thứ Ba, 08:11 19-04-2022 - xem: 5367 lần
- Căn cốt của Hệ phái Khất sĩ và yêu cầu của từng thời đại khác nhau - Thứ Ba, 01:10 19-04-2022 - xem: 5197 lần
- Bước đầu nhận diện những nét chính của Giáo đoàn Khất sĩ và của vị Hành giả Chơn lý - Thứ Ba, 00:51 19-04-2022 - xem: 4487 lần
- Tinh tấn tu tập nhiếp phục thân khẩu ý thanh tịnh - Thứ Năm, 10:14 29-07-2021 - xem: 12057 lần
- Kinh nghiệm kiểm soát và chuyển hóa ác nghiệp - Thứ Hai, 11:47 26-07-2021 - xem: 7246 lần
- Phát huy những giá trị tốt đẹp của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ - Thứ Bảy, 22:38 03-04-2021 - xem: 7784 lần
- Phát huy giá trị tôn giáo và xã hội của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - Thứ Năm, 10:28 01-04-2021 - xem: 6002 lần
- Những giá trị của Hệ phái Khất sĩ trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - Thứ Năm, 10:08 01-04-2021 - xem: 7883 lần
- Hòa thượng Thích Giác Toàn chia sẻ nhân duyên với Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang - Chủ Nhật, 00:03 14-03-2021 - xem: 8640 lần
- Quá trình hình thành và phát triển Hệ phái Khất sĩ Việt Nam ở Bình Dương - Thứ Bảy, 02:54 18-07-2020 - xem: 8878 lần