CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Tín thiệt nuôi hành vi thiện

chu tin2Lời hay ý đẹp, lời nói hữu ích… tất cả được biểu hiện thông qua ngôn ngữ của con người và có chức năng diễn đạt hành vi, quan điểm mà người nói muốn hướng người nghe đến mục đích nào đó. Với phương cách ấy đức Tổ sư có dạy: “Tín thiệt nuôi hành vi thiện”, nghĩa là lời nói chơn thật chính là cái sống của người thiện lành. Lời dạy cô đọng, xúc tích nhưng nội dung chứa đựng thật rộng lớn, thiết thực cho lối sống đạo của người con Phật. Dưới đây là cảm nhận về thông điệp khi chúng ta đọc lời dạy này.

Từ ý nghĩa lời nói đẹp, người xưa có khuyên: "Một lần thất tín, vạn lần thất tin", câu nói hàm ý khuyên nhắc con người ở đời biết tôn trọng chữ tín, người biết giữ gìn lời nói đẹp giống như bảo vệ tài sản mà mình có, gìn giữ được nhân cách, phẩm chất đạo đức con người. Từ nơi ngôn ngữ thiết lập nên các mối quan hệ sống giữa người với người...Suy ngẫm về chữ "tín" như thế nào để hạn chế tiêu cực và bảo vệ thành quả đạo đức mà con người làm được là điều chúng ta cần tìm hiểu.

Như chúng ta được biết về 5 giới mà đức Phật đã dạy cho người Phật tử, đây là nền tảng đức hạnh con người, trong đó có giới thứ tư là “Cấm nói dối, cấm ỷ ngữ, cấm ác khẩu, cấm lưỡng thiệt…” chỉ bao nhiêu đó mà thực hiện được thì đã tạo nên phẩm hạnh cao thượng. Những người có sự thành công trong đời và không ai thừa nhận kết quả của những con người sống trên sự lừa dối, không trung thực với người khác. Nhân quả không tương thích thì của có được sẽ không thực sự bền lâu, không thể gọi là quả phúc. Thế nên, “Hành vi ác nuôi vọng ngữ”, lời nhắc nhở về lối sống không có giới luật của con người, không có nhân của thiện pháp, nhận thức về lối sống đẹp không có trong chuẩn mực con người. Cho nên cuộc sống phải chịu bức bách khổ đau, sự oan trái cứ mãi xoay vần, hận thù càng thêm hận thù, và đã làm cho sự sống của con người mất phương hướng, như cây khô héo và tàn tạ trước cơn bão tố của cuộc đời. Nhân xấu chính là kết quả của lòng người không khéo huân tập, đời người ẩn khuất trong bóng đêm, quanh quẩn trong ba cõi sáu đường, khổ đau không cùng tận. Tổ dạy: "Lướt theo ý vọng mong cầu / Đèo cao băng gót biển sâu lao mình...". Tất cả điều này chính là do hành vi ác của con người mà chiêu cảm những quả báo có ra.

Thông thường, lời nói hay, nói giỏi, nói tốt… có ra chính là do nhận thức con người quyết định, ví dụ xét lời nói có ích lợi không, có khả thi không, có tính lâu dài không… Bởi lời nói đẹp là kết quả có ra khi con người có sự học hỏi, sự trải nghiệm, biết cân nhắc đúng sai trong mọi tình huống…cũng từ lời nói thể hiện sự hiểu biết, chia sẻ, thông cảm, làm giảm đi những áp lực trong đời sống thường nhật. Lời nói ra từ nhận thức chín chắn, suy tư sâu sắc thì sẽ làm sáng tỏ nhiều khía cạnh của vấn đề mà chúng ta sắp hành động. Chớ không phải là lời nói mang tính thăm dò, phỏng đoán, suy tưởng, làm cho sự thật của vấn đề càng mờ tối thêm.

Đời thường, người giữ được lời chơn thật, lời lành, lời khéo hay.. là điều không phải dễ. Con người khi đứng trước những chuyện trái ý nghịch lòng, như bị người khác lừa gạt, cướp đi những thứ có giá trị trong cuộc đời họ… không ai mà không cảm thấy xót xa trong lòng và ghét cay ghét đắng những kẻ mang lại tai họa cho người khác, đẩy cuộc sống con người vào đường cùng ngõ hẹp. Trên truyền hình đưa tin biết bao chiêu trò của tội phạm, chuyên đi lừa gạt những người nhẹ dạ cả tin để đưa hoàn cảnh của người khác vào con đường cùng.

Lặng nhìn người bị nạn chúng ta thấy ra lòng oan ức, sự bực tức, sự căm phẫn… đang ẩn chứa trong lòng người bị nạn. Những lời nói làm hại người thì có khác gì đoạt lấy cuộc sống người khác. Trong các mối quan hệ sống của con người với con người, những ai thành công trong đời mà bản thân không có năng lực thực sự, lại ác ý, biếng nhác, không tinh cần với mục tiêu mà mình đã đề ra thì quả thực muốn thành công là điều khó có thể.

Người xưa có dạy: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Muốn có được sự thành công nào đó thì con người phải có quyết tâm không ngừng nghỉ, phải học hỏi trao dồi kiến thức, dấn thân trải nghiệm… thì mới mong có được kết quả như mong muốn. Thế nên, lời nói phải đi đôi với việc làm, không thể nói quá sự thật mà mình đang có. Nếu có việc ấy xảy ra chúng ta không thể nào lường được hậu quả kế tiếp là gì, kết quả mang lại thường là điều chẳng lành. Ví dụ, một người thợ chưa học qua chuyên môn về kiến trúc mà đi thiết kế nhà ở là điều không thể, hậu quả thường là không tốt. Trong trường hợp trên, không ai dám bỏ ra số tiền lớn để đi thuê những người như vậy chịu trách nhiệm cho ngôi nhà mà mình chuẩn bị xây lên. Sự thiếu y cứ trong nhận thức thường tạo nên những kết quả không tốt. Xin trích dẫn lời nói của các nhà khoa học.

"Khoa học chứng minh, phần nhiều con người tiêu hao bởi vọng tưởng. Một người nằm trên gường nghỉ ngơi mà đầu óc chồng chéo cuồng loạn bởi bao ý nghĩ (chưa cần nói đến ý nghĩ xấu) thì năng lượng tiêu hao chẳng thua gì người bửa củi ngoài sân. Nhiều vọng tưởng phải ăn nhiều đồ bổ để bù lại sức, ít vọng tưởng thì cơ thể cần chút cháo cũng khỏe mạnh minh mẫn; nhiều vị sư ăn ngày có một muỗng cơm hay vài quả hạt mà vẫn sống chính là từ nguyên lý này." (Giác ngộ - số 708/17)

Thế nên, để hạn chế phần nào tác động đến từ ý loạn động, lời nói không tốt, lời nói thiếu bổn phận trách nhiệm, lời nói hại người hại vật để tạo nên nhân quả khổ đau thì chúng ta cần phải dựa trên cơ sở nhận thức và tư duy đúng đắn, nhằm giúp cho con người có thể phát huy được năng lực - trí lực - tâm lực và tạo ra những ảnh hưởng tốt đẹp cho đời. Hành động con người có suy nghĩ đúng, có chánh kiến, sẽ mang lại cho chúng ta nguồn an vui và hạnh phúc. Cho nên trong ngạn ngữ có nói: “Ngày hôm nay, tôi sẽcẩn trọng hơn với từng lời nóicủa mình. Tôi sẽ lựa chọn ngôn từ và diễn đạt chúng một cách có suy nghĩ và chân thành nhất”.

Những kinh nghiệm từng trải trong cuộc sống đã giúp cho con người nhận thức được thiện pháp. Lời nói mà nương tựa nơi sự hiểu biết, đạo đức, chân thật thì kết quả mang lại ai cũng quí mến kính yêu. Trong những quan hệ sống con người và con người sẵn sàng trao đổi theo chiều hướng có lợi ích cho cả hai bên. Hoàn toàn tin tưởng vào nhau như chân với tay tương trợ nhau mà thành. Qua đây chúng ta nhận thấy, người tốt chính là người hiểu được ý nghĩa và giá trị của lời mình nói.

Theo lời Tổ dạy: “Hành vi thiện nuôi tín thiệt” đã gợi mở cho chúng ta lối sống đạo đức cao quý, nhận được người tin tưởng, nhân nuôi dưỡng thiện pháp...nhân đưa đến hành động tốt. Chúng ta hiểu được tiến trình nhân duyên này thì sẽ biết gieo trồng nhân lành, biết hành động thiện nghiệp để mang lại sự hữu dụng cho đời. Một hành động thiện nghiệp được biểu hiện ra từ thân - từ khẩu - từ ý, có được ý nghĩa đạo đức, kết quả tốt đẹp, nhân này nuôi dưỡng, bảo vệ và tôn trọng cái sống chung của con người.

Nếu trong lòng người biết gìn giữ những giá trị đạo đức thì kết quả lời nói mới mang lại tốt đẹp, điều này Pháp cú 52, Phật dạy:

“Như bông hoa tươi thắm

Có sắc lại thêm hương

Cũng vậy lời khéo nói

Khéo làm có kết quả”

Như trên vừa trình bày chúng ta nhận thấy: “Hành vi thiện nuôi tín thiệt” là lối sống đạo quý báu, bởi thông qua lời nói con người biết quý trọng uy tín, nhân cách, đạo đức... và trong lời nói thể hiện được những giá trị của người đang sống, trân trọng cái sống, nuôi dưỡng tâm trở nên thăng hoa thiện lành tốt đẹp trong đời. Như lời nói của Phật khi xưa với tiếng Sư tử hống, Hải triều âm, Phạm âm, Oai âm vương,… lời nói giúp cho con người chuyển mê khai ngộ…Lời Tổ nay, quả thật không sai và không khác. Nhân đây các Ngài chỉ chúng ta lối sống đạo thật vô cùng quý báu. Lấy lời nói tốt đẹp trao đổi với nhau, chính là nhân nuôi dưỡng sự sống của muôn loài.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan