CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Tổ sư Minh Đăng Quang với "con thuyền Bát-nhã" 2

03 Copy

Đạo Phật được mệnh danh là đạo trí tuệ, thật không có gì chính xác hơn. Trong lộ trình Bát chánh đạo (Đạo đế): chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định thì chánh kiến đi hàng đầu. Vì có chánh kiến chiếu soi nên tất cả các chánh kia đều có mặt. Trí tuệ đi trước, từ bi theo sau thì Bồ-tát hạnh mới được chu toàn mỹ mãn.

Thời pháp đầu tiên của Tổ sư được giảng tại chùa Linh Bửu, Tổ sư đã đề cập đến “Con thuyền Bát Nhã”, một khái niệm bao quát toàn bộ tinh hoa tư tưởng Phật giáo.

Nội dung Bát-nhã được Tổ sư giảng giải không đi ra ngoài nội dung Tứ diệu đế và bản chất của năm uẩn được trích từ kinh “Chuyển pháp luân” cùng kinh “Vô ngã tướng” của Phật giáo Nam truyền và kinh “Bát-nhã” của Phật giáo Bắc truyền. Tổ sư đã xoáy sâu vào Ngũ uẩn, Lục căn, Thập nhị nhân duyên, Bát chánh đạo v.v…, qua từng giai đoạn, từ khởi điểm của vọng thức cho đến khi sắc thân đầy đủ sáu căn, từ hình hài cho đến thức trí.

“Thuyết lý vốn không cùng, nhưng tóm lại cũng không ngoài chơn lý “làm cho con người mau giác ngộ. Để khi giác ngộ rồi, con người tìm ra lẽ sống an vui, không còn khổ não với sự vọng lầm, chấp lấy cõi đời là thật, cái thân ta là thật” (Chơn lý “Ngũ uẩn”, trang 36).

Tinh hoa Bát-nhã còn được Tổ sư giảng giải nhiều lần trong các bài “Chánh pháp” “Khất sĩ”, “Chơn như” v.v... Xác quyết chỗ đến cuối cùng của tất cả chúng sanh là chơn như thể tánh. Đó là mặt Bát-nhã Chơn đế.

Còn về mặt Bát-nhã Tục đế: Ngài đưa ra một quốc độ mẫu: Hòa bình miên viễn, an lạc thật sự. Quốc độ đó phải được xây dựng trên nền tảng đạo đức căn bản là giới luật nhà Phật.

Về mặt này, Ngài mở rộng trong các Chơn lý: Hòa bình, Tông giáo, Đời đạo đức, Xứ thiên đường v.v… Đây là mặt ứng hóa thân, diệu dụng của pháp thân. Hàng Bồ-tát, vận dụng phương tiện quyền xảo để tự độ độ tha, tự giác giác tha nhằm dìu dắt chúng sanh từng bước một trên con đường tiến hóa, rốt cuộc cũng để đưa họ về thể tánh chơn như (Vạn thiện đồng quy Bát-nhã môn).

Như vậy ta thấy Thuyền Bát-nhã của Tổ sư Minh Đăng Quang “Đời đạo dung thông”, nhưng mục tiêu tối hậu vẫn là thể nhập chơn như thể tánh.

Bát-nhã là dịch âm từ tiếng Sanskrit (Pajñā), là trí tuệ siêu thế thuộc phạm trù Chân đế, thành quả của Đạo đế Chánh đẳng giác. Chúng ta hãy nghe kinh Bát-nhã (Bắc truyền) nói về công năng chiếu soi của Bát-nhã.

“Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách” (Khi Bồ-tát Quán Tự Tại thực hành Bát-nhã một cách sâu xa, rốt ráo, Ngài thấy ra năm uẩn vốn không có thật, tức thời Ngài vượt thoát khỏi khổ ách). Kinh Bát-nhã có tới 600 quyển, được đúc kết lại còn 260 chữ đó là phẩm “Bổ khuyết tâm kinh”, nhưng chỉ cần 11 chữ vào đầu kinh: “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách” cũng đủ gói gọn tinh túy của Bát-nhã.

Chính từ cơ sở Bát-nhã này, Thái tử Sĩ-đạt-ta đã nhận ra chân tướng cuộc đời – Tứ diệu đế, bốn sự thật tột cùng vĩnh cửu - mà Ngài trở thành bậc Chánh Đẳng Giác. Cũng chính do Bát-nhã thúc đẩy bi tâm, Phật trở lại Vườn Nai độ năm anh em ngài Kiều-trần-như chứng quả Vô sanh, A-la-hán. Kể từ đây, đạo Phật hiện hữu ở thế gian, cho đến ngày nay trải qua hơn 2.559 năm, mà ảnh hưởng của Phật giáo vẫn còn sâu rộng, ân đức độ đời của Phật giáo vẫn còn thiết thực và lớn lao.

Bốn sự thật tột cùng mà đức Phật đã khám phá được chứng tỏ tư tưởng giáo dục truyền thống của thế gian về cái TA là hoàn toàn sai lầm, là hậu quả của mọi khổ lụy, tai ương.

1. Khổ đế: Sự thật cố hữu, thực tế không thể chối cãi. Chúng sanh tùy theo biệt nghiệp mà mỗi người cảm nhận, thọ lãnh khổ đau theo mức độ sai khác, nhưng căn bản khổ là không khác.

2. Tập đế: Nguyên nhân, nguồn gốc của mọi khổ lụy, tai ương trên thế gian này là do vô minh, tham ái. Vì không hiểu biết thật tướng cuộc đời, con người mới mãi tham đắm tầm cầu, mà càng tầm cầu thì càng đối diện với hư vô, rốt cuộc chỉ có khổ đau, tuyệt vọng.

3. Diệt đế: Chân lý tối hậu. Trạng thái an lạc, tự tại, khi vô minh tham ái đã được đoạn tận, không còn dư tàn.

4. Đạo đế: Còn được gọi là Bát chánh đạo, con đường có 8 nhánh: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, là phương pháp hay điều kiện tất yếu để thành tựu chánh trí, chứng nhập Niết-bàn, hoàn thiện mục tiêu tối hậu của Sa-môn hạnh. Cũng chính từ sự giác ngộ bốn sự thật này mà Thái tử Sĩ-đạt-ta trở thành Đạo sư của chư thiên và nhân loại.

Tổ sư Minh Đăng Quang trải bao năm tìm thầy học đạo, nghiên cứu sưu tầm hai nền giáo lý Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền, và sau 7 ngày đêm nhập đại định tại Mũi Nai, Hà Tiên, Ngài đã đắc Định. Từ định tâm sâu lắng, Ngài minh sát những lượn sóng của biển đời, thân chứng Tam pháp ấn: Vô thường, Vô ngã, Khổ. Rồi Ngài dùng thắng trí kiểm nghiệm lại những tri thức mà trước đây Ngài đã lĩnh hội được, tâm Ngài bừng sáng như bầu trời quang đãng không một gợn mây mờ. Ngài vô cùng phấn khởi khi thấu triệt giáo lý Tứ diệu đế một cách căn bản, sâu xa. Ngài hoàn toàn tín cẩn vào đạo lộ Bát chánh của Phật Tổ là phương pháp duy nhất có thể an tịnh phiền não cho chúng sanh, chấm dứt khổ ưu, giải thoát tự tại. Do vậy Ngài dõng mãnh từ bỏ phúc lạc thâm sâu của Định, phát nguyện hạ sơn, dong thuyền Bát-nhã, nêu cao tôn chỉ “NỐI TRUYỀN THÍCH CA CHÁNH PHÁP”, “dựng lại những gì đã bị nghiêng đổ, khêu lại ngọn đèn đã bị lu mờ” (lời của Giáo sư Nguyễn Trung Trực).

Để phá tan ngôi nhà bản ngã, Phật đã bỏ bao nhiêu công sức, bao nhiêu kiếp sanh thân, đến kiếp chót Ngài mới tìm ra được thủ phạm xây nhà chuyên nghiệp (Tập đế). Thế là Ngài lập tức khóa tay, vô hiệu hóa vai trò tạo tác của Tập đế, và Ngài kiên nhẫn, tháo rời từng bộ phận của ngôi nhà Ngũ uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức để mở mắt tuệ cho chúng sanh.

Năm anh em ngài Kiều-trần-như là những bậc thượng nhân đã chứng đắc các tầng thiền cao nhất của lộ trình tâm linh. Khi nghe xong kinh Vô ngã tướng do đức Phật giảng, các ngài liền nhập vào dòng Thánh, chứng quả Tu-đà-hoàn.

Còn đối tượng thính chúng của Tổ sư Minh Đăng Quang gồm có Tăng lẫn tục, họ là những người còn đang dọ dẫm từng bước trên lộ trình tâm linh. Do vậy, Tổ sư phải tùy duyên cảnh, tùy căn cơ của người nghe mà vận dụng ngôn ngữ sao cho chuyển tải được giáo lý uyên áo của nhà Phật vào tận tâm trí của thính giả, để người nghe dễ dàng lãnh hội thì mới có thể thâm tín phụng hành. Do đó, đức Tổ sư đã tận dụng danh từ địa phương bình dân, giản dị, đậm đà bản sắc dân tộc để thực hiện mục đích “Độ tận vô biên chúng sanh” của Bồ-tát hạnh, tuy vậy, cứu cánh vẫn là dẫn dắt chúng sanh “phản bổn hoàn nguyên, thể nhập chơn như Phật tánh”.

69 quyển Chơn lý của Tổ sư là những tiểu luận không trùng lập, mỗi chủ đề có những vị trí riêng biệt và đảm đương cả hai mặt: Tục đế và Chân đế. Tục đế là để giáo dục đạo đức căn bản xây dựng xã hội công bằng văn minh. Chân đế nhằm khai thông chơn lý, dẫn dắt tâm người phản bổn hoàn nguyên.

Về mặt Tục đế, Tổ sư có viết trong Chơn lý:

“Trong đời ai cũng phải ăn mà sống. Nhưng bởi có cái sống trước, vậy thì muốn sống là chớ sát sanh, muốn ăn thì không nên trộm cắp” (Chơn lý “Ăn và sống”, tr. 441).

“Mạng người quý báu, chúng ta nên biết rằng cái sống khó tìm, khi chết đi rồi đâu còn sống lại, chớ của cải trước sau mau chậm có ngày ta cũng kiếm được. Vậy muốn sống, chúng ta phải làm cho mọi người được sống, muốn ăn phải làm cho người được ăn” (Chơn lý “Ăn và sống”, tr. 441).

“Sự thờ phượng là để dung hòa kẻ chết với người sống, là pháp tạm trau tâm, thân tập sống chung, chớ đâu phải ta người tư riêng, kiến họ” (Chơn lý “Thờ phượng”, tr. 763).

“Lễ giáo là một chơn lý rất quý báu, là một phép tắc rất diệu mầu, là nấc thang thiện lành tránh ác” (Chơn lý “Lễ giáo”, tr. 853).

“Ta là tất cả, tất cả là ta. Ta sống cho tất cả, tất cả sống cho ta. Tiếng ta đây là tất cả, đó chính là chơn lý võ trụ (Tục đế) (Chơn lý “Hòa bình”, tr. 831).

Về mặt Chơn đế, Tổ sư viết:

“Phật là chỗ đến của tất cả chúng sanh, cũng như toàn giác là chỗ đến của tất cả sự học. Chơn như là chỗ đến của tất cả phước đức thiện lành, từ bi, trí huệ” (Chơn lý “Chư Phật”, tr. 456).

“Tất cả các pháp là để đến với Hoa Nghiêm.

Tất cả giáo lý là để đến với Chơn Như.

Tất cả sự học là để đến với Chơn Lý”.

(Chơn lý “Học Chơn lý”, tr. 281)

“Kẻ tối ở trong Niết-bàn cũng yên vui, người sáng ở trong luân hồi cũng yên vui. Thế là sao cũng được, sao cũng xong, chỉ cần nên biết cái tự nhiên chơn như là đủ” (Chơn lý “Ngũ uẩn”, tr. 36)

“Thân trong sạch ấy là xứ Phật,

Miệng trong sạch ấy là Pháp Phật,

Ý trong sạch ấy là con Phật

Tâm trong sạch tức là Đức Phật (Chân đế)

(Chơn lý “Tu và nghiệp”, tr. 660)

(Xin đọc Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang).

Con thuyền Bát-nhã của Tổ sư Minh Đăng Quang không chỉ thể hiện về mặt khẩu giáo mà thể hiện qua cả 3 mặt:

- Thân giáo, Ngài thực hành căn bản giới Tứ y pháp.

- Khẩu giáo, là những thời thuyết giảng của Tổ trước công chúng và 69 quyển Chơn lý.

- Ý giáo, Ngài thực hành thiền Tứ niệm xứ, chánh niệm tỉnh giác trong tứ oai nghi; và hàng đêm Ngài nhập định, thế cho nên lục căn của Ngài luôn tỏa sáng.

Thuyền Bát-nhã của Tổ sư Minh Đăng Quang lướt sóng vô minh, xông pha vào giữa biển đời đầy sóng gió trong thời buổi đạo pháp đang suy thoái, đất nước đang lâm nguy (1947 – 1954) là vô cùng đúng lúc, nhằm chấn hưng Phật giáo, cứu nguy cho đạo pháp quê hương. Thế cho nên, bước chân của đoàn Du Tăng Khất Sĩ đi đến đâu cũng được dân chúng hoan nghênh, hưởng ứng. Không có thời pháp nào của Tổ sư thuyết giảng mà không có giới trẻ phát tâm xuất gia, noi theo gương Ngài sống đời phạm hạnh. Còn giới cư sĩ tại gia thì hàng hàng, lớp lớp phát tâm thọ tam quy trì ngũ giới, bát giới và tu thập thiện. Theo sau gót chân đoàn du Tăng, tịnh xá hình bát giác cũng được mọc lên, như sự miêu tả của nhà thơ Trụ Vũ:

… “Bờ ao, vách miễu, mái đình

Sen thiêng thị hiện anh linh nhụy vàng

Hương lừng khắp cõi thế gian

Xóm thôn dậy pháp âm tràn sóng vui

Như hướng dương theo mặt trời

Một người đi cả vạn người theo chân.

Nền móng đạo đắp xây lần

Tăng-già Khất sĩ truyền chân Phật thừa”

(Thơ Trụ Vũ)

Kết luận

Thuyền Bát-nhã của Tổ sư Minh Đăng quang dung thông cả hai mặt: Đời và Đạo, Tục đế và Chân đế.

Đời: Thiết lập một thế giới thật sự an lạc hòa bình trên nền tảng đạo đức căn bản (Tục đế).

Đạo: Hướng dẫn con đường tâm linh, từ sinh tử đến Niết-bàn thể nhập Chơn như tự tánh (Chơn đế).

Ngày nay, dầu hình bóng đức Tổ sư không còn nữa, nhưng nhìn vào cơ ngơi của các tịnh xá và sự sinh hoạt của chư Tăng Ni Khất sĩ trên đất nước Việt Nam cũng như một số nước trên thế giới, ta thấy dấu ấn của Tổ sư vẫn còn in đậm, ta tưởng chừng như Tổ sư vẫn đang còn đó, và vẫn từng bước soi sáng, nâng đỡ, dìu dắt chúng ta trên lộ trình Khất sĩ để đến đích Vô thượng sĩ trong tương lai.

Nam-mô Chứng Minh Sư Bồ-tát Ma-ha-tát.

TX. Nhật Huy, 24. 12. 2015

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan