CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Toàn Giác - chỗ đến của tất cả sự học

 

buddhaocenanTrong Chơn Lý, bài “Chư Phật”, Tổ Minh Đăng Quang dạy: “Phật là chỗ đến của tất cả chúng sanh, cũng như Toàn Giác là chỗ đến của tất cả sự học; Chơn Như là chỗ đến của tất cả phước đức thiện lành, từ bi, trí huệ.” Toàn giác là trí hiểu biết của chư Phật, là cái Biết viên mãn vẹn toàn. Trí hiểu biết nầy, thuật ngữ chuyên môn trong nhà Phật gọi là Nhứt thiết chủng trí. Nhứt thiết chủng trí là trí tuệ của chư Phật, cũng vốn có ở mỗi chúng sanh. Đó là Phật tâm, Phật tánh là tánh trí linh quang, hiểu biết sáng suốt, chiếu soi cùng khắp.

Nhứt thiết chủng trí: Tiếng Phạn là Tát-bà-nhã-na (Saraynana), nghĩa là trí của Phật, là một trong ba trí: Nhất thiết trí, Đạo chủng trí, Nhứt thiết chủng trí. Vì trí này hiểu biết hết tất cả các pháp nên gọi là Nhứt thiết chủng trí.

Luận Đại Trí Độ nói: “Cũng giống như cái hộp lớn thì nắp hộp cũng phải lớn, vì dùng vô tận trí mà biết vô tận pháp, cho nên Như Lai được gọi là bậc Nhứt Thiết Trí”.

Lại nói: “Nhứt thiết trí tổng phá vô minh tối tăm trong tất cả pháp. Nhứt thiết chủng trí quán xét các pháp môn, phá diệt vô minh.”

Luận Đại Trí Độ nói:

1. Nhứt thiết trí là trí của hàng Thanh văn, Duyên giác, chỉ biết được tổng tướng của tất cả pháp.

2. Đạo chủng trí là trí của hàng Bồ-tát, biết được tất cả các đạo pháp sai biệt.

3. Nhứt thiết chủng trí là trí của chư Phật, hiểu biết thông suốt cả tổng tướng cùng biệt tướng của tất cả các pháp.

Kinh Nhân Vương nói: “Cái được gọi là Nhứt thiết trí, tức tâm vô lậu đã đầy tràn, thân thường giải thoát và thanh tịnh, tịch diệt không thể nghĩ bàn”.

Phật tính này vốn có ở mỗi chúng sanh, đó là điều Đức Thế Tôn sau khi đắc đạo thành Phật, Ngài kinh ngạc tuyên bố: “Lạ thay! Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh (Nhất thiết chủng trí) như chư Phật, nhưng vì vô minh vọng tưởng che khuất, làm cho Phật tánh bị che mờ, mê muội mà tạo ác nghiệp để rồi phải chịu sanh tử luân hồi trong sáu nẻo khổ đau.”

Muốn hiểu rõ cái Phật tính ấy, chúng ta hãy xét một vài thí dụ sau đây trong Kinh Đại Niết Bàn và chắc chắn chúng ta cũng sẽ xác nhận được mình vốn có Phật tính, có khả năng giác ngộ vô thượng.

Phật tính là cái tánh Biết “Biết trùm khắp bao quát thường còn, Phật giáo gọi là Chánh biến tri”. Bởi cái tánh Biết không có hình tướng, cho nên nó hằng có, chẳng bao giờ mất đi. Ví dụ như lấy một viên sắt mát lạnh bỏ vào lửa thì viên sắt sẽ đỏ nóng; nhưng khi nguội thì viên sắt vẫn là viên sắt mát lạnh. Phật tính cũng vậy, nếu diệt lửa phiền não si mê thì nó lại trở về bản thể của nó, nghĩa là nó lại vẫn sáng suốt.

Chúng ta vốn có Phật tính sáng suốt này, nhưng vì bị tà kiến mê hoặc, dục vọng đảo điên cho nên vẫn chìm đắm trong chỗ tối tăm mà vẫn tưởng mình sáng, lặn lội trong bể phiền não vẫn tưởng mình là an lạc ung dung. Tuy thế, Phật tính của ta vẫn ở “cái thể chân thật thanh tịnh” của nó. Dứt bỏ tà kiến dục vọng, quay lại Phật tính của ta mà hành đạo, tức là thực hành Phật đạo, chẳng khác chi viên sắt vốn lạnh, bị lửa nóng, nhưng ít lâu sau hơi nóng bốc đi, viên sắt lại trở về bản thể lạnh của nó. Dù kẻ cực si cũng có Phật tính, cực si không quyết hẳn là si. Ví dụ thanh thép soi đứng thì bóng dài, soi ngang thì bóng dẹp mà thôi. Người trí trông cái bóng của thanh thép dựng đứng hay nằm ngang thì biết ngay, dù thanh thép đứng hay ngang vẫn là cái bóng. Người si trông thấy bóng thanh thép nằm ngang thì cứ cho rằng bóng thanh thép ngang, hoặc bóng thanh thép dọc thì cứ cho rằng bóng thanh thép dọc mà chấp cho rằng chỗ sở kiến của mình đúng, nên gọi là si. Vậy si còn có nghĩa là chấp, chấp cái hiểu biết của mình cho là đúng là hay, không chịu nhận xét sự vật, cũng gọi là ngã chấp. Phá chấp thì nó rõ hơn cái chân thực, phá si thì hiểu rõ Phật tính. Cho nên có thể nói Phật tính và si mê, đứng về phần tướng có hai, đứng về phần tánh vẫn là một. Phật tính không bao giờ hòa hợp ngã chấp dù bị ngã chấp khuất lấp đi, ví như mặt trời đang chiếu sáng dù bị mây mù che khuất mà vẫn không đồng hóa với mây mù.

Xét ý này, ta thấy rõ cái thể thường trụ, thường tồn của Phật tính. Nó là cái toàn năng, toàn thiện, toàn chân, toàn mỹ, cho nên ngã chấp đối với nó không đồng hóa được, vì chính ngã chấp không có thực thể. Ngã chấp do nghiệp duyên của chúng sinh gây ra, trong một thời gian nào đó, nó có thể mất hẳn, không tồn tại mãi. Cho nên đối với Phật tính, nó chỉ như mây mù che mặt trời, khi khí nóng mặt trời tăng cường mây ắt tan mất.

Phật tính của chư Phật và Phật tính của mỗi chúng ta đều bình đẳng, bất nhất bất dị, bất tăng bất giảm. Khi Phật tính của mỗi chúng ta hiển lộ ra toàn thể sáng ngời tức khi chúng ta tu tập tâm hết vô minh vọng tưởng, mây mù phiền não tan, ánh minh quang Phật tính hiển phát, khi ấy mỗi chúng ta là một vị Phật, bình đẳng với hằng hà sa số chư Phật khắp mười phương. Đức Phật bảo các đệ tử: “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành” là ý này vậy.

Tóm lại, Phật tính không phải mơ huyền hay ở đâu xa. Những lời trên đủ chứng tỏ ý nghĩa và năng lực của Phật tính. Vậy chúng ta sao lại chẳng cố tu để hiểu rõ và quay về với Phật tính của chính mình?

Trong Kinh Đại Niết Bàn, phẩm Ca Diếp Bồ-tát, thứ 32 nói: “Phật tánh cũng như vậy, có bảy đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, Chơn, Thật và Thiện”. Bảy đức trên là phân loại nội tại của Phật tánh và coi nó là bản chất của Phật tánh. Nếu như chúng ta đích thân thể nghiệm nội tại tánh, phát huy trên bình diện sinh hoạt hiện thực thì mới thành cái giá trị chơn thật. Nếu căn cứ ý nghĩa bản chất, có thể nói chúng sanh đều có Phật tánh, vì bản chất đương nhiên là có, nhưng nếu chiếu theo đầy đủ bảy đức, thì đương nhiên phải nói là không. Vì thế ở đây cần có sự tu hành, ngầm chỉ nếu không tu thì không thể nào có bảy đức.

Có một vị Tăng hỏi Tổ Triệu Châu: “Con chó có Phật tánh không?”

Tổ đáp: “Không.”

Vị Tăng đó hỏi tiếp: “Con nghe trong kinh, Đức Phật dạy: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh.” Như vậy các loài trùng kiến đều có Phật tánh, vì sao con chó không có Phật tánh?”

Tổ liền đáp: “Vì nó còn nghiệp thức mê man.”

Một hôm, cũng câu hỏi đó, một vị Tăng khác hỏi Tổ: “Con chó có Phật tánh không?”

Tổ đáp: “Có.”

Vị Tăng ấy lại hỏi: “Phật tánh là tánh linh quang sáng suốt, vì sao lại chui vào thân con chó, một đãy túi da tanh hôi?”

Tổ đáp: “Vì biết mà cố phạm.”

Nghiệp thức ở đây chính là tâm thức vọng động của chúng sanh chạy theo ngũ dục trần cảnh, đam mê sa đọa chưa một lần tỉnh thức để rồi mê muội tạo nhiều ác nghiệp tội lỗi mà trầm luân sanh tử.

Cho nên tu theo Phật là phải chế ngự tâm ý của mình cho đạt đến sự thanh tịnh. Câu chuyện sau đây chứng minh cho hành giả dễ hiểu mà tu tập:

Thiền sư Huệ Tạng lúc còn tại gia chuyên về săn bắn, không thích gặp các nhà tu. Một hôm, nhơn đuổi rượt bắn một con nai chạy qua trước am của Thiền sư Mã Tổ. Gặp Mã Tổ đứng trước cửa am, Huệ Tạng liền hỏi:

- Hòa thượng có thấy con nai chạy qua đây chăng?

- Chú là ai?

-Tôi là thợ săn.

- Chú có biết bắn không?

- Tất nhiên là biết bắn.

- Một mũi tên chú bắn được mấy con?

-Một mũi tên tôi bắn được một con.

- Vậy là chú bắn không giỏi và không biết bắn.

- Hòa thượng biết bắn không?

- Biết bắn.

- Một mũi tên Hòa thượng bắn được mấy con?

- Một mũi tên ta bắn được một bầy.

- Sao Hòa thượng ác vậy, con thú cũng có mạng sống như thầy, sao Hòa thượng lại bắn chết cả bầy!

- Chú đã biết rõ như thế sao không tự bắn mình đi?

- Cho dù tôi có muốn tự bắn mình, tôi cũng chẳng biết cách nào mà bắn mình được.

- Chú nầy vô minh phiền não nhiều kiếp ngày nay sẽ mau chóng dứt.

Ngay khi đó, người thợ săn ném cung, bẻ tên, tự lấy dao cạo tóc theo Mã Tổ xuất gia và được đặt pháp danh là Huệ Tạng.

Một hôm, Huệ Tạng đang bửa củi dưới bếp, Mã Tổ xuống hỏi: “Con đang làm gì đó?”

Huệ Tạng đáp: “Dạ, con đang chăn trâu.”

Mã Tổ hỏi: “Làm sao chăn?”

Huệ Tạng đáp: “Một khi trâu vào ăn cỏ ruộng của người ta, con bèn nắm mũi kéo lại.”

Mã Tổ cười nói: “Con thật là người biết chăn trâu.”

Nói đến sự mê muội vô minh của chúng sanh, Đức Phật gọi đó là lậu hoặc. Lậu hoặc làm cho chân tâm vô niệm bị dấy khởi thành vọng niệm rồi chạy theo ngoại cảnh mà chấp trước thành nghiệp sanh tử. Phật dạy có bảy thứ lậu hoặc che mất chân tâm sáng suốt của chúng sanh như sau:

1 - Kiến lậu: Mắt trông sắc mà không rõ sắc với tánh là bình đẳng, cứ đắm vào phần sắc tướng mà sinh tâm phân biệt, nhân cảnh tốt xấu mà sinh tâm yêu ghét.

2 - Chư căn lậu: Không những nhãn căn mà tất cả các căn khác cũng thế.

3 - Vọng lậu: Quên điều lành rong ruổi theo điều ác.

4 - Ác lậu: Đối với nghịch cảnh sinh tâm ghét bỏ.

5 - Thân cận lậu: Không tuân lời thầy dạy, gần gũi bạn ác.

6 - Ái lậu: Gặp cảnh thuận thì ham mê mãi miết không biết.

7 - Niệm lậu: Chân tâm vô niệm, cứ rong ruổi theo vọng niệm.

Tu là diệt trừ bảy thứ vô minh hữu lậu nầy thì Phật tánh hiển phát, quang minh soi chiếu không còn sanh tử nữa.

Xưa, có ông vua nghe tiếng đàn quá hay nên say mê, bèn hỏi một quan cận thần rằng:

- Tiếng gì vậy, từ đâu ra?

- Thưa, đó là tiếng đàn, từ cây đàn mà ra.

- Hãy tìm cây đàn cho ta.

Khi cây đàn có rồi, ông vua một hai bảo với cây đàn rằng: “Hãy ra tiếng đi!” Nhưng cây đàn vẫn lặng thinh. Tức quá, ông bẻ trục, sổ dây để tìm tiếng đàn (vì ông chấp rằng tiếng đàn ở trong cây đàn) nhưng vô hiệu quả. Ngay lúc ấy, quan cận thần trở lại. Ông nổi giận: “Sao ngươi nói dối ta? Tiếng đàn ở đâu?” Quan cận thần thưa: “Bệ hạ lầm rồi, tiếng đàn là phải do nơi tương hợp của đàn và dây đàn và phải tập đánh, mới ra tiếng”. Cũng giống như chúng ta vậy, Phật tính của chúng sinh vốn có nhưng phải tu mới phát hiện ra nó.

Cái phương pháp tu trước hết để làm phát hiện Phật tính là “không phóng dật”.

Phóng” tức là thả ra, thả rộng cái thú tính của mình, tiêm nhiễm mọi cảnh vật của thế gian mà chịu lấy khổ não.

Dật” là buông lung quá độ, chấp trước một cách vô ý thức mọi tư tưởng hoặc hành động sai biệt ở đời để đến nỗi bị trụy lạc, gây nghiệp báo, thậm chí không biết lối nào phải để đi, đường nào chính để theo, không có cái đích cao quý để phụng sự. Sống không được an vui, chết phải đọa ngục tối, trôi lăn trong vòng luân hồi sinh tử.

Cho nên, muốn thể nhập Phật tính, tức là phần độc tôn, tinh túy, linh diệu, sáng suốt và thường còn trong mỗi chúng ta, thời cần phải diệt ngay tính “phóng dật” của ta đi. Một khi phóng dật đã tận diệt, ngã chấp không còn nữa, thì dĩ nhiên Phật tính ắt hiển hiện nơi ta, chẳng cần tìm kiếm đâu xa cả.

Thảo Đường Thiền sư cổ vũ các thiền sinh: “Muốn trị tâm, phải ngăn ngừa khi vọng niệm chưa sinh, thức tịnh chưa khởi, thì dùng sức rất ít mà thu công thật lớn. Đừng để đến khi tính tình loạn động yêu ghét… nổi lên công phá thì đối với mình sẽ hại cho kiếp sống, còn đối với người sẽ hại đồng nhân vậy.”

Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo! Không có một vật nào, khi đã điều phục và chế ngự mà lại có thể đem lại nhiều hạnh phúc như tâm của chúng ta. Ta không thấy một pháp nào khác. Này các Tỳ-kheo, có thể đưa đến lợi ích như là tâm được điều phục.”

Cách đáp của Tổ Triệu Châu khi nói có, khi nói không, chiếu theo luận lý đương nhiên thấy có mâu thuẫn, vì mâu thuẫn như thế nên khiến cho người tu chẳng hiểu gì cả. Duy xét trên lập trường của Tổ Triệu Châu, dù đồng một câu hỏi nhưng lúc đáp có, lúc đáp không, vẫn không có gì trái nhau. Đó là bởi ứng hợp với lập trường của người hỏi chẳng đồng mà đáp. Điều cốt yếu là khiến cho khởi nghi hoặc, kế giải nghi, gột sạch lậu hoặc mà được giải thoát. Trả lời lý do “không Phật tánh” nhấn mạnh nơi “còn nghiệp thức mê man”. Lý do “còn nghiệp thức” tuy thành vấn đề nhưng thực tế câu trả lời “không” mới thật là vấn đề. Chữ “không” như chày sắt trong nhà Thiền đập phá cửa vô minh cứng ngắc; là búa bén chặt đứt phiền não văn tự ngữ ngôn.

Trong đây có thể nói, chữ Không có liên quan đến Phật tánh được thuyết minh trong Kinh Niết Bàn. Giả sử chữ Không của Tổ Triệu Châu được giải là không có bảy đức, chữ được giải là có Phật tánh. Do vì “còn nghiệp thức” nên bảy đức chẳng hiện nên nói là không, dù có Phật tánh mà nay “biết mà cố phạm” nên phải đọa làm súc sanh. Chỉ cần giải thích như thế cũng quá đủ minh bạch rồi. Do đó, muốn chứng đạt Phật tánh phải tu 7 đức. Bảy đức thể hiện đầy đủ thì chứng nhập Niết-bàn. Nhưng theo ngài Hoàng Bá và Vô Môn Thiền sư nói: “Giải như thế thì hoàn toàn mất đi chơn ý Thiền”. Vì vậy, nhìn trên lập trường nhà Thiền, Không của Tổ Triệu Châu là cái Không độc sáng, là sanh mạng, là tôn giáo, là căn cứ theo nghĩa nầy nên cần phải khảo sát ý chữ Không đặc biệt của Tổ Triệu Châu. Theo ngài Hoàng Bá và Vô Môn Thiền sư, chữ Không là cửa ải mà người tu Thiền trước phải lọt qua, là bước đầu khai hiển Phật tánh. Do có bước nhảy vọt nầy mới mở được diệu cảnh Niết-bàn. Song việc thiết yếu không phải do nghiên cứu học thuyết, mà chỉ là dứt tuyệt đường tâm nơi chính mình. Muốn dứt tuyệt đường tâm cần phải tinh tấn nỗ lực mới được.

Theo Phật giáo, “đường tâm có nghĩa là phiền não. Nói theo Thành Duy Thức Luận, căn bản của “đường tâm” là thức thứ tám, còn gọi là Tàng thức; tất cả chủng tử thiện, ác đều được cất chứa trong thức ấy. Dù cho chủng tử thiện cũng là thiện đối với ác, không được gọi là Phật tánh thuần chơn. Thiền vượt lên cái chủng tử thiện, ác ấy, tiến đến Chơn như thức “Vô nhứt vật ”, nói cách khác là đạt đến Phi hữu phi vô.

Trong Kinh Niết Bàn, ý nghĩa chữ Không của Thiền có hai phương diện: Tác dụng phủ định và Chủ thể tự thân của Không.

Tác dụng phủ định Không trên quá trình đi đến chủ thể, Không có nghĩa là phủ định tất cả khái niệm tương đối, phủ định những gì tồn tại trên tự ngã như sanh tử, Niết-bàn, phiền não, Bồ-đề, phàm thánh, sai biệt bình đẳng, sự lý v.v… tất cả ý niệm về tự ngã.

Kế đến, chỗ gọi chủ thể Không là tự thân của Không vượt lên những đối đãi. Không siêu việt tất cả, tức là bao hàm tất cả và đồng thời chủ thể căn bản phú tất cả cho sinh mạng, khiến cho nó sống động.

Trong Kinh Tương Ưng Bộ, tập 3, phẩm Trưởng Lão, Đức Phật dạy: “Người không giỏi về đường xá, này Tissa là ví cho kẻ phàm phu. Người giỏi về đường xá, nầy Tissa là ví cho Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác.” Qua đoạn kinh nầy, chúng ta thấy hạng phàm phu chúng sanh là những người không biết rõ con đường đi đến Niết-bàn, con đường đi đến giải thoát khổ đau, chấm dứt luân hồi vô lượng kiếp. Còn Đức Phật đã biết rõ con đường và đã đi con đường đó, Phật đã đi con đường giải thoát và đi đến nơi đến chốn. Từ ý nghĩa nầy chúng ta thấy sự khác biệt giữa Phật và chúng sanh chỉ có một chữ thôi, đó là chữ Biết. Con người chúng ta hơn nhau chỗ cái Biết. Như vậy là tu, chúng ta phải biết cách tu, phải biết đường vào đạo, thì mới đến Phật quả toàn giác, toàn chơn được.

Cổ đức dạy:

Tu hành vô biệt tu

Chỉ yếu thức lộ đầu

Lộ đầu thức đắc thấu

Sanh tử hữu thời hưu.

Dịch nghĩa:

Tu đâu cần đặc biệt

Chỉ thật rõ đầu đường

Đầu đường chân đặt đúng

Sanh tử có ngày dừng.

Một học Tăng tham vấn Thiền sư Tịnh Thất: “Trong thiền môn phải hội đủ điều kiện gì mới có thể tiến vào thiền đạo?”

Thiền sư đáp: “Sư tử trong hang không thú khác, voi chúa đến đâu bặt dấu chồn.

Hội đủ điều kiện: là xin cho con biết muốn vào cửa thiền (vào đạo) thì cần phải làm gì? Thiền sư Tịnh Thất không trả lời rằng con phải bố thí, cúng dường, ăn chay, ngồi thiền, niệm Phật v.v… hay chỉ thẳng “đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền”, mà nói hai câu thơ, trong đó chỉ sư tử và voi chúa. Sư tử và voi chúa là chỉ cho loài có sức mạnh, một khi chúng có mặt thì những loài khác đều quy phục hay mất dạng. Ý Thiền sư nói là muốn bước vào cửa thiền (hay vào cửa đạo vãng sanh cực lạc) thì mình phải có điều kiện “Nhất” như hình ảnh sư tử và voi chúa kia.

Khi đã chọn được pháp môn tu hành thì trước sau đều phải Nhất. Nhất là duy nhất một việc tu hành mà thôi, ngoài việc đó ra không còn việc gì khác. Nhất là trước sau luôn kiên trì với pháp môn mình đã chọn. Niệm Phật thì phải niệm cho đến khi nhận ra thực tướng của niệm Phật, hay niệm cho đến “nhất tâm bất loạn”. Tham công án thì tham cho đến cùng. Không phải chỉ “Nhất” với những việc như thế mà phải “Nhất” cả nơi tâm.

Thiền sư Thiên Cơ dạy: “Hạ thủ công phu tu thiền, tôi có một câu diệu quyết, chỉ bốn chữ Kiên, Trì, Chánh, Giác. Người phát khởi chánh giác thì bản tánh tự nhiên hiển lộ, tất cả vọng tâm chẳng đợi đuổi dẹp mà tự hàng phục, ví như ánh sáng mặt trời vừa soi thì tối tăm liền sạch. Đây tuy bốn chữ, kỳ thật chỉ một chữ Giác”. Giác, phải nói đủ là: “Giác sát” và “Giác ngộ”. Giác sát là “tỉnh xét” thật rốt ráo. Bấy lâu lầm lạc, lấy phiền não làm tâm, nay chợt tỉnh, xét thấy đó là giặc ác mà bấy lâu nay mình không biết nhận giặc làm con. Giác ngộ là “tỉnh biết” thật rõ ràng. Bấy lâu nay ngủ mê, lấy mộng làm chơn, nay giác ngộ, nhận thức được đâu thật đâu giả. Từ Giác sát đi đến Giác ngộ là mình phải nhận ra, phải biết rõ từng hành động, từng lời nói, từng suy nghĩ của chính mình. Chẳng những thế mà còn phải tập trung không sa vào tranh chấp vô bổ với bất cứ ai do những điều dị biệt không cần thiết, để vừa tránh những cãi vã không đưa đến đâu, vừa tránh những oán hận thù hằn. Trước hết, chúng ta luôn luôn tự kiểm mình có lầm lỡ việc gì làm cho can danh phạm nghĩa, không tình không hiếu, bất hòa bất mục, đối với ai chưa? Có thể vì thiếu tỉnh thức, chúng ta không chú ý đến cách nói, cách làm của ta, mà lại nặng chú ý đến những gì ở ngoại cảnh có sức thu hút hấp dẫn đang thúc dục Tham cầu, ý Sân hận do tánh Si mê huân tập từ lâu đời chưa dứt sạch.

Cho nên chúng ta cần biết tỉnh giác từ trong thân tâm chúng ta ngay khi tư tưởng phát sanh, và kịp chận đứng không cho thân hành sai quấy. Giác ngộ chỉ cho cái Biết của mình. Một khi cái Biết xuất hiện, ngay lúc đó, vọng niệm, suy nghĩ v.v… không còn. Vận dụng được cái Biết như thế là điều kiện đầu tiên để mình tiến vào cửa thiền, cửa đạo. Cổ đức nói: “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm. Niệm khởi liền giác, giác nó liền không”. Tùy Giác nhiều hay ít, mà tiến vào thiền đạo chậm hay mau, cạn hay sâu. Như vậy, những việc như bố thí, cúng dường, ăn chay, công quả, tụng kinh, sám hối, nghe giảng v.v… nói chung việc tu hành nào còn đặt nặng hình thức bên ngoài thì nó chưa đủ để giúp mình bước vào cửa đạo. Nói “chưa đủ,” tức không có nghĩa là phản bác các việc đó, nhưng chỉ lấy những việc đó làm sự nghiệp tu hành thì cái gọi là tu thiền mình chưa có phần.

Nói đến tu thiền là phải ngay trên tâm mà tu. Tâm phiền não, ganh ghét, đố kỵ, bực bội, tham ái khởi lên, chúng ta liền biết tâm ganh ghét đang có mặt trong nội tâm của ta. Biết để làm gì? Biết để không theo, Biết để cắt đứt, Biết để ngưng dứt, không cho chúng tiếp nối. Biết như vậy, cái Biết đó mới có giá trị. Cứ có niệm là có Biết. Biết là cắt đứt, là ngưng dứt, không cho nó tiếp tục vọng khởi. Cứ vậy mà tùy lực, tùy việc mà tu. Càng dụng công, cái Biết càng sáng suốt bén sắc. Lâu ngày dài tháng đủ cơ duyên để miên mật, Chánh giác sẽ hiện tiền, là thể nhập thiền đạo, tâm thiền hiển bày.

Trong Kinh Có Pháp Môn Nào thuộc Tương Ưng Bộ Kinh, Phật đặt vấn đề với các Tỳ-kheo rằng: “Có pháp môn nào, này các Tỳ-kheo pháp môn ấy vượt ngoài niềm tin, vượt ngoài ưa thích, vượt ngoài học hỏi, vượt ngoài khổ hạnh, vượt ngoài tư duy, ngoài nhẫn nhục, ngoài lý luận mà có thể xác chứng Chánh Trí, vị ấy biết rõ sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong, không còn trở lui trong trạng thái nầy nữa?”

Đoạn kinh nầy rất quan trọng, mở ra con đường thấy đạo. Không cần lòng tin ở đây là không cần đến tín ngưỡng vào một đấng thần linh nào, tức là lòng tin hướng ra ngoài mà tin vào tự tâm; không cần lắng nghe có nghĩa là không cần học hỏi vay mượn, không cần vận dụng suy tư phân biệt, không cần phải chịu đựng khổ hạnh, hành hạ xác thân, không cần phải biện luận nhiều lý lẽ, pháp môn ấy vẫn có thể làm cho vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni thực tập, tin chắc mình đã đoạn tận được sinh tử, không còn sinh trở lại trong vòng luân hồi này nữa. Đức Phật hỏi có pháp môn nào như thế không?

Ngài Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: “Đối với chúng con, tất cả những pháp tu học đều nương vào lời dạy của Thế Tôn làm căn bản, xin Thế Tôn chỉ dạy, chúng con chưa biết pháp môn nào như thế cả.”

Đức Thế Tôn nói tiếp: “Ở đây này các Tỳ-kheo! Có một pháp môn không cần lắng nghe, không cần suy tư, không cần khổ hạnh, không cần biện luận, mà vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni ấy có thể đi ngang qua dòng sinh tử, chứng nhập Niết-bàn ngay hiện thời. Đó là khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, nếu nội tâm ta có tham sân si, liền biết rõ nội tâm ta có tham sân si, nếu nội tâm ta không có tham sân si cũng biết rõ nội tâm ta không tham sân si.”

Rồi Đức Phật muốn các thầy Tỳ-kheo xác nhận vấn đề vừa nêu trên nên Ngài nói tiếp: “Này các Tỳ-kheo! Cái biết rõ đó là do niềm tin hay do ưa thích, do học hỏi, do suy tư, do lý luận, do nhẫn nhục chăng?” Các thầy Tỳ-kheo đáp: “Thưa không, bạch Thế Tôn”. Đức Phật hỏi tiếp: “Có phải cái biết rõ đó là do trí tuệ chăng?” Các thầy Tỳ-kheo đáp : “Thưa phải, bạch Thế Tôn.”

Với bài kinh nầy, Đức Phật đã dạy một pháp môn vượt ngoài các pháp môn khác. Vì sao? Vì do không bị lệ thuộc ở niềm tin của sự tín ngưỡng, không do kiến thức học hỏi nghiên cứu sưu tầm ở nơi thầy bạn, không do suy tư, nghĩ tưởng lý luận, mà chỉ đơn giản Phật dạy người tu chúng ta phải sống bằng tỉnh giác với trí huệ bản hữu của mình, để biết rõ tình trạng nội tâm ta đang bị phiền não chi phối, hay đang thanh thản bình an. Chỉ cái Biết đơn sơ mộc mạc đó, không thêm cái gì khác. Phật khẳng định đây là con đường đủ đưa đến Niết-bàn. Đoạn kinh Đức Phật nói ở trên, yếu chỉ của vấn đề là gì? Đó là sự nhận biết.

Chúng ta qui chiếu trở lại, thử hình dung trước mắt một người không biết bơi, rớt xuống dòng sông bị nước nhận chìm. Tuy không biết bơi nhưng bản năng sinh tồn, nhu yếu sống còn khẩn cấp, người ấy cố ngoi lên để thở nhưng lại bị sóng nước dìm xuống, và dòng nước ấy là một dòng cuồng lưu đẩy người ấy xuống lên, lên xuống rồi cuối cùng nhận chìm người này trong lòng sông.

Tâm thức của chúng ta cũng như thế. Khi trong lòng có nỗi buồn, ta thường vụng về thấy chính ta là nỗi buồn ấy, nên nhào vào dòng sông buồn để cho dòng cuồng lưu này cuốn trôi và nhận chìm mình trong đó. Thế nên trong đoạn kinh trên, Đức Phật dạy chúng ta không phải làm gì cả. Chúng ta không cần khởi lòng tin, không cần phải khổ hạnh, không cần lắng nghe, không cần học tập nhiều, không cần phải suy tư cho mệt óc, lý sự dài dòng… thông minh thì chúng ta mời năng lượng chánh niệm hiện hữu, nhận biết từng cảm thọ, từng ý niệm đang có mặt hay không có mặt trong tâm thức ta. Đó là con đường thực tập đưa chúng ta đến chỗ nhận biết rằng sinh tử đã chấm dứt, phạm hạnh đã thành tựu, không còn luân hồi trong ba cõi. Đây chính là pháp môn tuyệt vời nhất.

Tiến tu lên một bực! Kinh Viên Giác thuộc hệ Đại thừa phát triển đã tuyên bố dõng dạc như sau: “Tri huyễn tức ly, ly huyễn tức giác”.

Chúng ta nếu biết được tất cả các pháp, hay muôn sự vạn vật trên thế gian này từ Tâm, Thân, Cảnh đều là huyễn hóa không thật, giống như hoa đốm giữa hư không, tức thì xa lìa vọng huyễn. Mà đã xa lìa vọng huyễn tức là giác ngộ chứ không có gì lạ cả.

Bước sang lãnh vực Thiền tông Trung Hoa, xuất phát từ câu chuyện tối sơ sau đây: Sau khi được Tổ Đạt Ma chấp nhận, Huệ Khả đem nỗi khắc khoải bấy lâu ra thưa với Tổ: “Bạch Thầy, tâm con không an, xin Thầy dạy con pháp an tâm”. Tổ bảo: “Đem tâm ra đây ta an cho”. Huệ Khả ngơ ngẩn tìm lại tâm mình không thấy bóng dáng gì cả, thưa: “Bạch Thầy con tìm tâm không được”. Tổ bảo: “Ta đã an tâm cho con rồi đó!” Sau câu nói nầy, Huệ Khả thấy được đường đi vào đạo.

Chúng ta thấy rõ Tổ Đạt Ma không đem kinh điển, chữ nghĩa ra dạy, nhưng Ngài đã khéo léo đưa Huệ Khả lọt vào đúng ý của kinh muốn nói. Thay vì Tổ nói: “Hãy tỉnh giác nhìn lại tâm mình”, Tổ lại bảo: “Đem tâm ra đây ta an cho.” Câu nói này đẩy Huệ Khả rơi vào trạng huống tỉnh giác nhìn lại tâm mình. Và khi ai biết “tỉnh giác nhìn lại tâm mình”, người đó bắt đầu được Tổ “an tâm cho,” thấy được đường đi như Ngài Hụệ Khả.

Tóm lại, qua hệ thống Nguyên Thủy, hệ thống Đại thừa và Thiền tông, lời dạy của Phật, của Tổ tuy có khác trên ngôn ngữ văn tự, nhưng cùng mang chung một ý nghĩa cao tột. Dạy chúng ta phải sống với Trí tuệ bản hữu sẵn có của mình bằng tinh thần tỉnh giác. Cho nên chư vị Tổ Sư thường dạy rằng: “Phản quang tự kỷ bổn phận sự.”

Vậy thì bổn phận chính yếu của người tu là trong từng phút giây cuộc sống phải thường xuyên quán sát về mình. Một niệm vừa chớm phát khởi, ta phải diệt nó khi còn trong trứng nước. Chính Thiền sư Vô Niệm đã nói: “Chớ sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm.” Thật vậy, người tu hành thiếu sự tỉnh giác, tinh nhuệ, nhạy bén thì vọng niệm sẽ lôi đi vào dòng đời gây nhiều tội lỗi. Lúc đó, chúng ta đã quên mình theo vật và mấu chốt của sự luân hồi, tạo nghiệp từ đây mà sanh ra.

Muốn thấu rõ mấu chốt luân hồi chúng ta hãy nghe Thiền sư Tông Mật định nghĩa về chữ Tu như sau. Thiền sư dạy: “Biết vọng là tu”. Bởi từ nhiều kiếp si mê, chúng ta lầm tưởng cái tâm suy nghĩ lăng xăng, chợt có chợt không là thật mình. Chư Phật cũng như liệt vị Tổ sư ra đời, cốt chỉ bày sự thật rằng, tâm suy nghĩ lăng xăng đó là hư vọng không phải thật mình. Đây chính là then chốt của sự tu hành giải thoát. Chúng ta bị vọng tưởng lừa gạt kéo trôi vào dòng đời vô định. Chỉ khi nào ta biết rõ tính chất hư vọng lừa dối của vọng tưởng đó là chúng ta đã dừng lại dòng luân hồi đau khổ chập chồng kia. Muốn trở về sống lại với tánh giác hiện hữu nơi sáu căn thì trong từng phút giây của cuộc sống ta phải cố gắng tỉnh giác thường xuyên, biết rõ tâm mình, không để cho vọng tưởng điên đảo lừa gạt nữa. Chính là chúng ta sống được với chính mình.

Có sáu kẻ thường hay lừa dối và dẫn dắt chúng ta vào mê lộ sanh tử luân hồi. Câu chuyện về Pháp sư Nguyên Hiểu khi Pháp sư bước đến dòng suối uống nước giữa bóng đêm mờ mịt. Lúc đó, Ngài cảm thấy dòng suối trong mát tựa như dòng nước cam lộ do Bồ-tát ban tặng. Nhưng khi ngày mới vừa lên, nhìn thấy xác chết nằm giữa dòng suối, Ngài lập tức cảm thấy buồn nôn. Khoảnh khắc ấy, chính là lúc mắt Ngài xác định rốt cuộc đó là nước cam lộ hay nước thối. Chúng ta bị sáu kẻ lừa gạt dối trá cả đời, đó chính là lục căn “Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý”.

Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta thường phải chịu sự che đậy của đôi mắt, khiến tâm sinh ra phân biệt tốt xấu. Dùng câu chuyện của Pháp sư Nguyên Hiểu làm dẫn chứng cho cuộc sống thường nhật của chúng ta. Khi một việc nào đó phát sinh, chúng ta cảm giác đó là một việc xấu, nhưng cuối cùng lại biến thành một việc tốt, khi ta cảm giác đó là một việc tốt, kỳ thực nó có thể biến thành một việc xấu. Do vậy, nhà Phật vẫn dạy chúng ta không cần tốt, cũng không cần xấu, căn bản sự vật không có sự phân biệt giữa tốt và xấu, tất cả tốt và xấu đều do tâm của con người đặt định mà ra. Phật giáo dạy rằng “Nhất thiết duy tâm tạo” ý nói tất cả mọi sự vật trên đời đều do tâm con người quyết định là tốt, là xấu. Chúng ta vẫn thường thông qua biểu hiện bên ngoài của sự vật để phán đoán những chuyện thị phi, được mất của thế gian. Ví dụ trong vấn đề giao tiếp, yếu tố đầu tiên thu hút chúng ta chính là diện mạo bên ngoài xinh đẹp, chúng ta rất dễ sinh cảm tình yêu mến gần gũi hơn đối tượng có dung mạo xấu xí nhiều khi còn tìm cách tránh xa. Do vậy, con người vẫn thường dùng mắt quyết định quan hệ giao tiếp, dùng mắt xác định duyên phận. Nếu chúng ta hiểu rõ thế nào là chánh pháp thì sẽ hiểu phải quảng kết thiện duyên như thế nào. Nếu chỉ kết duyên với những người có tướng mạo xinh đẹp, chẳng màng bận tâm đến những người xấu, thì đó không phải là phương thức kết duyên của nhà Phật nữa vậy. Phật gia cần buông bỏ sự phân biệt tốt xấu, đó mới là chánh pháp.

Muốn trở về sống lại với tánh Giác, thường xuyên biết rõ tâm mình, không để cho vọng tưởng điên đảo lừa gạt nữa. Chính là chúng ta sống được với chính mình. Tu không phải dễ, có thực hành vào sự tu tập công phu này, càng ngày mới thấy sự nhiêu khê và biết rõ cái cay đắng của nó. Vì sao? Bởi vô lượng kiếp đời trôi lăn trong ba cõi sáu đường, chúng ta đã tự đồng hóa mình với vọng tưởng lăng xăng từ quá lâu nên tin theo vọng tưởng, chấp theo vọng tưởng tựa như một người nhắm mắt đi theo sự hướng dẫn của tên cướp một cách ngoan cuồng.

Tâm của con người rất động. Đức Phật ví tâm chúng sanh như con cá vứt ra khỏi nước, nó giẫy giụa lung tung. Nho giáo gọi “Tâm viên ý mã”, ý nói tâm của con người như con vượn, khi bám cành nầy, khi bám cành nọ; ý như con ngựa, luôn chạy nhảy.

Lại có người ví tâm con người như bánh xe luôn quay không bao giờ nghỉ, như cái gương treo chẳng vật nào qua mà không chiếu vào.

Tâm con người lại được ví như mặt nước nổi sóng, đợt nọ tiếp nối đợt kia làm che lấp đáy sông. Phải tìm hiểu cái tâm của mình, phải biết điều khiển, cải tạo nó.

Trong “Khóa Hư Lục,” Vua Trần Thái Tông gọi là Biện Tâm. Biện Tâm tức là thiền, Biện Tâm tức là tu. Vì cốt lõi của thiền là thấy được Phật tính trong mình mà thành Phật. Người nào điều khiển cái tâm thì hạnh phúc, không biết điều khiển nó thì khổ. Có thể điều khiển cái tâm bằng ba cách:

- Làm tâm tỉnh lại tức là tỉnh tâm.

- Làm tâm vừa tỉnh lại vừa sáng.

- Rèn trí tuệ trước rồi tâm sẽ tỉnh, tức là tâm lặng yên. Ở đây chỉ nói tỉnh tâm bằng thiền.

Cổ đức thường nói: “Dĩ Phật trị tâm, dĩ Đạo trị thân, dĩ Nho trị thế”, ý nói muốn điều khiển cái thân của mình thì phải dùng đạo Lão, muốn điều khiển cuộc đời thì phải dùng đạo Nho. Nhưng muốn trị thân thì phải trị cái tâm trước đã. Mà muốn trị cái tâm tức muốn điều khiển cái tâm của mình, thì phải thực hành thiền định. Thiền là nhằm mục tiêu mang lại cho chúng ta phương tiện để quan sát những trạng thái bên trong nội tâm. Dụng cụ được sử dụng là tinh thần, sức mạnh của ý chí. Những năng lực tinh thần khác nào như những tia sáng lu mờ, khi nào tập trung lại thì chúng soi sáng. Thiền là lấy tâm để thấy tâm, lấy tâm làm sáng tâm, thấy được bản thể của tâm.

Có câu danh ngôn: “Ta hãy tự biết ta”. Biết để tự mình sàng lọc, thấy rõ đâu là thấu tình đạt lý, không lẫn lộn lấy vui làm buồn, thích sướng sợ khổ, ngược xuôi điên đảo, bỏ gốc theo ngọn, đang giải thoát mà lại tự trói buộc. Hiểu biết mình là Kiến Tánh Minh Tâm, chuyển hóa tư tưởng chân chính thành hành động chân chính, thực tiễn thích ứng với cuộc sống đạo, phổ biến lợi ích cho chính mình và cả mọi người.

Học “Y giáo quan tâm, y lý khởi hành” giúp chúng ta biết rõ mình mà không chạy theo danh sắc giả tạo, khỏi xu phụ theo những sở thích đua đòi, tránh những giành giựt phô trương bất lương, bất chính. Nhờ đó chúng ta an nhiên vui sống với cảnh giới chân thực, trường tồn bất biến. Đó cũng là lẽ sống khiến người tu Phật trở thành thắng lợi và không ngừng nghỉ với đầy đủ ý nghĩa vun bồi công quả làm sự nghiệp Phúc Tuệ song tu cho bản thân. Còn ở đây biết tâm mình đang bực, đang sân, đang phiền não, đang tức ghét, mà cứ bực, cứ ghét, cứ sân si, cứ cho ghét luôn thì cũng là Biết, nhưng là “Biết mà cố phạm”. Cố phạm thì tương lai sẽ mang lông đội sừng. Thành Biết là để không theo, để dừng đi những cái nhân đưa mình đến khổ nạn, không chỉ trong hiện đời mà cho cả mai sau. Cho nên dù làm bất cứ chuyện gì, dù đang bận bao nhiêu công việc, một khi tâm tham, tâm sân, tật đố v.v… khởi lên mà mình thấy được nó, định tỉnh dừng ngay hoặc chưa dừng được mà ý thức việc đó là cần thiết cần phải dừng cho được, thì cũng có nghĩa mình có khả năng tu thiền. Nói có khả năng vì đó là bước đầu cho thấy mình biết cách tu hành.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan