CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Vài cảm nghĩ về bài kệ tụng “Lễ Phật” trong Nghi Thức Tụng Niệm

le phatĐối với những ai thường hay đi tịnh xá lễ Phật tụng kinh, chắc đều đã thuộc bài kệ Lễ Phật mở đầu cho thời khóa tụng kinh rồi, ở đây người viết chỉ xin nhắc lại để cùng ôn lại và tìm hiểu nét đẹp của việc lễ Phật qua bài kệ này. Và bài kệ Lễ Phật này được ghi lại trong Nghi Thức Tụng Niệm của người khất sĩ:

Kính lạy Phật từ bi cứu thế

Đem đạo lành phổ tế chúng sanh                   

Trần gian biết nẻo tu hành

Nhờ đèn trí huệ quang minh soi đường.          

Ngay nơi mở đầu bài kệ, chúng ta đã thấy chữ “Kính” để bắt đầu cho việc lễ Phật đầy thiêng liêng và cao đẹp. Bởi chữ kính nghĩa là thể hiện sự tôn trọng của mình đối với những bậc bề trên, kính ngưỡng đối với những người có đầy đủ thánh đức, những bậc vô cấu vô nhiễm, vô ưu vô phiền…., mà ở đây chính là sự kính ngưỡng từ nơi đáy lòng đối với bậc Toàn Giác Toàn Năng. Điều đó muốn chỉ dạy cho ta công việc đầu tiên cần phải làm trước khi lễ Phật là phải đem hết lòng thành kính quy hướng về đức Thế Tôn để mà đảnh lễ, chứ không phải là việc chắp tay cho có lệ để mà lễ lạy cầu nguyện. Và chính cái việc làm lấy lệ ấy đã phần nào đánh mất đi vẻ đẹp của thân hành chắp tay thành búp sen để xin dâng cúng Người. Đồng thời việc làm ấy còn đưa đến hình ảnh thân hành thiếu sự trang nghiêm như đôi tay chắp so le chẳng giống búp sen tí nào chẳng hạn…., như thế thì làm sao tạo nên nét đẹp trong việc lễ lạy được. Chính vì thế đức Tổ sư mới dạy ta phải thể hiện lòng thành kính trong khi đảnh lễ bậc Đại Giác. Và tại sao chúng ta phải lễ Phật, phải chăng do Ngài là đấng quyền năng có thể ban phước giáng họa, hay là bậc cứu thế với tâm từ bi như câu đầu của bài kệ đã xưng tán? Vậy tinh thần cứu thế đó có khác với sự ban ân hay không? Vấn đề này sẽ được giải đáp qua những câu còn lại của bài kệ.

Hai từ cứu thế có thể làm cho mọi người nhầm tưởng và cho rằng đây cũng là một dạng ban ân của đấng thần linh hay đấng tạo hóa, nhưng kỳ thực ở đây hoàn toàn không phải vậy. Bởi việc cứu thế ở đây chính là “Đem đạo lành phổ tế chúng sanh”. Điều đó có nghĩa là đem cái đạo thiện lành để tế độ và cứu giúp cho chúng sanh, làm cho đạo lành ấy được phổ biến rộng lớn ra khắp muôn nơi trong tam đồ lục đạo. Chính vì vậy mà cứu thế ở đây chính là con đường đi vào đời để đem phương pháp thiện lành, lối sống không phiền não khổ đau đến với nhân sinh bằng cái tâm đại bi như câu kệ đầu đã nói “từ bi cứu thế”. Mà đã là đại bi thì phải chứa đựng tình thương rộng lớn và không có sự phân biệt kẻ thân người sơ, kẻ giàu người nghèo, mà phải bình đẳng đến với mọi người, để tất cả đều được nếm hương vị giải thoát mỗi khi thực hành giáo pháp. Một tinh thần bình đẳng tuyệt đối mà không một đấng thần linh nào có thể ban ân bình đẳng như thế được.

Như thế việc cứu thế bằng cách đem phương tiện giáo pháp, con đường thực hành để đi đến sự toàn giác cho sanh chúng như vậy có đáng để mọi người cung kính đảnh lễ không? Hơn thế nữa, việc cứu thế với tâm đại bi ấy chính là điểm mấu chốt của vấn đề, và cũng là sự khác biệt hoàn toàn với sự ban ân của đấng tạo hóa. Bởi việc cứu đời ở đây hoàn toàn không hề có sự hỗ trợ hay được ban phát ân huệ từ một đấng thần linh nào, mà nhân sanh được cứu và đạt được nguyện vọng mong ước của mình là do họ đã nỗ lực thực hiện những phương pháp thiện lành, tinh chuyên huấn luyện tâm để chuyển hóa những não phiền khổ đau, chứ không phải đạt được qua lời cầu khấn van xin. Hình ảnh đó cũng đã biểu trưng cho nhận thức chân chánh của chúng sanh, hay nói cách khác đó chính là ngọn đèn trí huệ dùng để soi đường chỉ lối cho nhân sanh biết được cách thức tu hành, và cũng là hướng đạo sư cho đường đi lối về của mọi người. Vậy ngọn đèn trí tuệ ấy như thế nào?

Ngọn đèn đó cũng chính là những phương pháp thiện lành mà chúng ta đã được đề cập ở trên, chúng là những phương pháp có thể giúp cho người thực hành thăng tiến tâm thức và đạt đến lối sống toàn chân toàn thiện như 5 giới, 10 giới cho đến Giới-Định-Tuệ, Bát chánh đạo, Tứ niệm xứ…. cùng tất cả những phương pháp mà có thể giúp cho người hành trì đạt đến mục đích không phiền não khổ đau, cũng như thể nghiệm đời sống an vui ngay trong thực tại hiện tiền. Chẳng hạn như 5 học giới của người cư sĩ tại gia là bước đầu căn bản nhất của lộ trình đạt đến sự vô ưu vô nhiễm. Đơn giản như giới không sát sanh là đã ứng hiện tình thương trong cuộc sống, hay như thể hiện tinh thần ban bố, giữ gìn và bảo vệ mạng sống cho kẻ khác…, mà mạng sống là thứ quý giá nhất của một sinh vật sống nên việc bảo vệ mạng sống cũng đồng nghĩa với tinh thần bố thí cao thượng và vĩ đại. Đây cũng là con đường mà hành giả đang tiến bước trên lộ trình đi đến đích Bố thí Ba-la-mật, một trong lục Lục độ Ba-la-mật của vị Bồ-tát vào đời cứu nhân độ thế. Cho nên chúng tuy là nấc thang thấp nhất của lộ trình nhưng lại đóng một vai trò căn bản không thể thiếu cho sự thăng tiến của tâm thức, đồng thời làm nền tảng cho tất cả các phương pháp khác thăng hoa và pháp triển. Bởi bất cứ con đường nào hướng về sự toàn giác đều có sự đóng góp căn bản của Giới cả. Chính vì vậy trong giáo pháp của đức Thế Tôn luôn có sự hiện hữu của Giới. Điều này chúng ta có thể nhận ra như trong Bát chánh đạo có Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng là đại diện cho giới; giới trong Giới-Định-Tuệ…. và không một lộ trình nào đi đến sự toàn giác mà có thể thiếu sự hiện hữu của chi phần này.

Qua đó chúng ta thấy được tinh thần tự mình thắp đuốc lên mà đi của người con Phật, và cũng đã thể hiện nét đẹp thanh cao của việc lễ Phật. Đồng thời chỉ có như thế mới thể hiện cái giá trị thiêng liêng của việc lễ Phật, và mới thấy tinh thần cứu thế của đạo Phật có sự khác biệt lớn lao như thế nào với tinh thần ban ân cứu thế của Thượng đế hay đấng tạo hóa. Đây cũng chính là cái đẹp tinh túy nhất và mang đầy giá trị nhân văn của đạo Phật.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan