CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Vài nét về nghi lễ của Hệ phái Khất sĩ

Triết học, nghi lễ và thần thoại là ba yếu tố được các nhà nghiên cứu tôn giáo xem là những thành tố bắt buộc để cấu thành một tôn giáo. Nhìn từ góc độ tôn giáo, Phật giáo hiện tại hội đủ ba yếu tố kể trên. Tuy nhiên, khác với các tôn giáo hữu thần, yếu tố nghi lễ chỉ đóng vai trò nhỏ và chiếm một vị trí khiêm tốn trong Phật giáo. Về ý nghĩa và bản chất của yếu tố nghi lễ này cũng hoàn toàn khác so với sự hiện diện của chúng trong các tôn giáo hữu thần.

Đối với các tôn giáo hữu thần, nghi lễ là một đặc quyền của tu sĩ. Đây là phương tiện để các tu sĩ giao tiếp với Thượng đế cùng các thần linh, một công việc mà người thường được xem là không có khả năng cũng như phẩm chất để thực hiện. Vào thời Đức Phật tại thế, Bà-la-môn là tôn giáo cực kỳ cổ xúy nghi lễ, tế tự với những hình thức hiến tế đẫm máu. Sự đả kích mạnh mẽ, bác bỏ quan niệm sai lầm trên của Đức Phật đủ để minh chứng cụ thể cho sự khác biệt về quan niệm nghi lễ trong tôn giáo của Ngài.

Xuất hiện vào năm 1944 tại miền Nam nước Việt, Đạo Phật Khất Sĩ[1] ra đời với tông chỉ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”. Thời gian trải dài gần 70 năm có mặt, phát triển và đóng góp cho dân tộc Việt Nam là thước đo cụ thể về chân giá trị của Hệ phái Khất sĩ. Trong bài viết này, người viết sẽ tìm hiểu về nghi lễ của Phật giáo Khất sĩ nhằm thấy được Chánh pháp được nối truyền trong một dòng truyền thừa của Đạo Phật tại Việt Nam theo quan điểm lập tông của Tổ sư Minh Đăng Quang – vị khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ.

1

1. Khái lược về nghi lễ Phật giáo Việt Nam

a. Nghi lễ

Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh và của Thiều Chửu định nghĩa:

Nghi: là dáng vẻ bên ngoài như oai nghi.

Lễ: là khuôn mẫu, phép tắc, cung cách như lễ bái.

Trong Sa-di luật nghi yếu lược tăng chú quyển hạ, ghi: “Oai nghi giả, vị hữu oai khả úy, hữu nghi khả kính”. Quả thật, “có oai khá sợ, có nghi đáng kính” và “nghi tại tướng, lễ tại tâm”.

Tóm lại, “nghi” là phép tắc, khuôn mẫu bên ngoài mà mọi người nương theo để bày tỏ cái “lễ” bên trong.

“Lễ” là lề lối cư xử, cách thể hiện sự kính trọng, giao tế tốt đẹp mà nếp“nghi” định sẵn.

Thời Phật còn tại thế, khái niệm về nghi lễ đơn thuần chỉ là cung cách hành xử giữa chư Tỳ-kheo với Đức Phật, cách hành xử trong Tăng chúng và cách hành xử của hàng cư sĩ đối với chư Tăng. Điều mà Tăng đoàn thời bấy giờ chú trọng đó là thực hành theo sự hướng dẫn của Đức Phật, tấn tu Tam vô lậu học để hướng đến mục tiêu thành tựu giác ngộ, giải thoát; hàng cư sĩ tại gia thì tin tưởng và y cứ vào lời dạy của Đức Phật mà hành trì, ngõ hầu thành tựu các thiện nghiệp về thân, miệng, ý để được an lạc, lợi ích hiện đời cũng như đời sau. Do nhờ học hỏi và hành trì lời Phật dạy mà thành tựu được sự thấy biết như thật, cũng như cảm nghiệm được niềm tịnh lạc hiện tiền nên dân chúng phát khởi niềm tịnh tín, và trở thành Phật tử ngày càng đông. Vì thế, vào thời bấy giờ, khái niệm nghi lễ với công năng hoằng pháp thường đóng vai trò như một phương tiện dẫn dắt người dân đến với đạo Phật, hay đưa đạo Phật tiếp cận với xã hội đương thời. Chỉ đến khi Phật giáo truyền bá rộng rãi ra các nước, nhất là các nước bị ảnh hưởng nền văn hóa Phật giáo được truyền từ phương Bắc Ấn Độ, vì phương tiện độ sanh, chư Tổ đã tùy theo phong tục, tập quán của mỗi dân tộc mà chế tác ra nghi lễ để dễ bề cảm hóa người dân bản xứ. Đặc biệt là tại Tây Tạng, Trung Hoa, những quốc gia có nền văn minh lâu đời, lễ nhạc phong phú, Phật giáo muốn nhiếp phục được các nhà tri thức và giới thượng lưu, hay đi vào lòng quần chúng, đương nhiên phải làm cho phần nghi lễ trở nên thiêng liêng huyền bí. Vì vậy, nghi lễ Phật giáo từng bước được hình thành, ngày càng phong phú về loại hình và phát triển mạnh mẽ.

Đặc biệt, tại Trung Quốc, thời kỳ phong kiến kéo dài tại Trung Quốc, nghi lễ tế tự được ưa chuộng khuyến khích. Triết lý đạo Phật tuy cao siêu và trong sáng nhưng tại một quốc gia mà văn hóa vọng cầu, lễ bái đã thành một hệ ý thức vững chắc thì triết lý uyên áo của Đức Phật cũng đành lùi một bước để nghi lễ dẫn đầu trong công cuộc độ sanh. Nghi lễ giai đoạn này đã cho thấy tính thiết thực và hiệu quả trong công cuộc truyền bá chánh pháp. Tuy nhiên, với trí tuệ và tâm huyết xiển dương giáo lý Phật-đà, chư vị Tổ sư tiền bối vẫn thường nhấn mạnh rằng:“Nghi lễ dù quan trọng vẫn chỉ là phương tiện dẫn dắt chúng sinh vào đạo, chứ không phải là con đường thật sự đạt đến giác ngộ”[2] để hàng đệ tử hậu học phân định được đâu là hóa thành, đâu là bảo sở.

Dù đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, nhưng điều quan trọng nhất trong nghi lễ Phật giáo là phải thể hiện được biểu tướng của Tăng bảo – người đại diện cho hình ảnh Đức Phật, truyền bá lời Phật. Hình tướng của chư Tăng phải đĩnh đạt, trang nghiêm để thông qua biểu tướng Tăng bảo, người chưa biết đạo sẽ phát khởi tín tâm, người chưa hiểu đạo sanh lòng kính tin Tam Bảo. Vì thế, muốn giữ cho Phật pháp được trường lưu thì bắt buộc các nghi biểu của vị Tăng đó thể hiện được nội lực tu tập. Cái tâm trong lễ phải được biểu hiện rõ ràng qua cái tướng trong nghi, đó mới là nghi lễ đúng nghĩa của Phật giáo. Như vậy, nghi lễ Phật giáo có một ý nghĩa bao trùm cả hành vi, thái độ tín ngưỡng, văn hóa, ngôn ngữ, phong cách, v.v… được phát xuất từ tâm thanh tịnh, trong sáng của người đang thực hành nghi lễ.

b. Nghi lễ Phật giáo Việt Nam

Phật giáo du nhập vào Việt Nam hơn 2.000 năm. Đem Phật giáo đến nước ta đầu tiên là các vị Tổ sư phương Nam, đến từ Ấn Độ bằng đường biển; nhưng để lại dấu ấn và hình thành một dòng chảy Phật giáo Việt Nam lại là công của các vị Tổ sư phương Bắc, bằng đường bộ, đến từ Trung Hoa. Đưa Phật giáo du nhập nước ta, các vị Tổ sư phương Bắc ngoài việc dịch kinh, thuyết pháp còn vận dụng hình thức nghi lễ làm phương tiện trong công việc hoằng pháp độ sanh để hướng dẫn tín đồ trở về Chánh pháp. Trên tinh thần “tùy duyên hóa độ chúng sanh”, các đời Tổ sư đã khéo léo vận dụng giáo lý Phật-đà lập ra những nghi lễ phù hợp với bản sắc dân tộc. Những giai điệu âm nhạc dân tộc trở thành công cụ chuyên chở tiếng kệ, lời kinh để lời Phật dạy ngày càng phổ biến trong đời sống người dân, nhằm khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật. Điều đó đã hình thành nên bộ môn nghi lễ, áp dụng rộng rãi trong chốn thiền môn, giúp cho sự ứng phó đạo tràng được hài hòa và làm tăng thêm sự gắn bó giữa đạo và đời. Chính nhờ thế mà triết lý thâm diệu của đạo Phật có cơ hội vượt thoát ra khỏi phạm vi cửa thiền, lan rộng khắp mọi miền đất nước và có mặt trong đủ mọi giai tầng xã hội. Tất cả tạo nên nét đặc thù trong nghi lễ Phật giáo Việt Nam, hành sự nhưng vẫn hiển lý và luôn giữ được bản chất thiền vị, phù hợp với bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam trên tiêu chí “Phương tiện đa môn, quy nguyên vô nhị”.

Từ cái nôi Phật giáo Luy Lâu, đạo Phật được truyền đi các nơi trên đất Việt. Một lần nữa, để Phật giáo phát triển thích nghi theo từng vùng miền văn hóa khác nhau, nghi lễ đã được chư vị Tổ sư cải biên thành nhiều hình thức với nội dung thâm thúy, phong cách điêu luyện, nghệ thuật nhuần nhuyễn, phù hợp với những loại hình văn hóa nghệ thuật, kết hợp nhạc điệu, sân khấu của từng vùng miền trong nước. Ví dụ: Trong âm điệu Nghi lễ Phật giáo miền Bắc có sự ảnh hưởng ít nhiều của loại hình nghệ thuật chèo, quan họ, chầu văn. Phong cách xướng tán của Nghi lễ miền Trung lại thấp thoáng nghi lễ cung đình Huế hay hát bộ, bài chòi ở Bình Định, Phú Yên. Cung cách và giọng điệu nghi lễ miền Nam lại rất gần gũi với loại hình nghệ thuật cải lương. Ứng dụng và vận dụng một cách hài hòa sinh động những loại hình văn hóa nghệ thuật của từng địa phương, các Tổ sư đã sáng tác, cải biên hoạt động nghi lễ với sự chuẩn hóa cao về mặt thẩm mỹ và nghệ thuật, đi vào đời sống tâm linh, và đã được xem như là nhu cầu tinh thần của cuộc sống xã hội.

Có thể nói, nghi lễ Phật giáo Việt Nam là kết quả của sự kết hợp giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc. Chính nhờ sự giao lưu và tiếp biến của hai nền văn hóa nên Phật giáo hài hòa với tín ngưỡng dân gian Việt Nam, đồng thời văn hóa dân tộc Việt Nam cũng góp mặt trong văn hóa Phật giáo. Sự tiếp biến văn hóa, tính thích nghi vùng miền ở đây không chỉ được thể hiện đơn thuần ở lễ nhạc (nhạc trong khóa lễ) mà còn thể hiện ở nhiều khía cạnh khác của nghi lễ như: lễ tụng (cách tụng niệm trong khóa lễ), lễ khí (pháp khí sử dụng trong khóa lễ), lễ nghi (oai nghi, cách đi đứng, cách thiết bàn trong khóa lễ), lễ bái (cách lễ bái trong các khóa lễ), lễ phục (cách ăn mặc trong khóa lễ cũng như trong đời sống hằng ngày của người xuất gia và tại gia), lễ đường (nơi tổ chức các khóa lễ) v.v…

Nghi lễ đã tạo nên sự gắn kết văn hóa Phật giáo với nền văn hóa dân tộc Việt Nam, tạo nên bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử Phật giáo Việt Nam, ta thấy nghi lễ tuy không phải phương tiện đưa đến cứu cánh giải thoát, nhưng đó lại là phương tiện hoằng pháp hữu hiệu, giới thiệu đạo Phật đến thế gian.

2. Quan điểm về Nghi lễ của Tổ sư Minh Đăng Quang

a. Bối cảnh Phật giáo Miền Nam

Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là một bức tranh với những gam màu không mấy sáng sủa. Từ khi nắm quyền trị vì đất nước, các vị vua triều Nguyễn (1882 - 1945) dựa vào Nho giáo để xây dựng nhà nước tập quyền, chuyên chế. Phải thừa nhận rằng, vào thời Nguyễn, Phật giáo không còn vững mạnh như các triều đại Lý – Trần. Nho giáo lúc bấy giờ không chỉ chiếm địa vị độc tôn mà còn đả kích cả Phật giáo. Tình hình Phật giáo lúc bấy giờ được đánh giá như sau:“Khi nhà Nguyễn thống nhất, từ thời Gia Long cho đến đầu thế kỷ XX, Phật giáo trở thành lợi khí chính trị trong tay các vua chúa để củng cố, xây đắp ngôi báu của mình, còn Tăng sĩ thì bị trục xuống hàng thủ tự (ông giữ chùa) hay thầy cúng. Phật giáo bây giờ chỉ còn cái xác. Một số chùa, Tăng Ni phạm trai phá giới là chuyện bình thường”[3].

Không được sự ủng hộ của triều đình, vai trò và vị trí chư Tăng trong bộ máy Nhà nước không còn, có lẽ đây là một trong những nguyên nhân đưa Phật giáo (kể từ thời nhà Nguyễn) trở nên suy yếu. Từ đây, trong lịch sử không thấy chép gì để chứng minh cho một Phật giáo vẫn giữ vị trí quan trọng trong xã hội. Nhìn tổng thể, Phật giáo Việt Nam vẫn tiếp tục suy vi cho đến những năm hai mươi của thế kỷ XX. Đó là nguyên nhân ngoại tại. Còn nguyên nhân nội tại, sở dĩ Phật giáo suy yếu, suy giảm uy tín và ảnh hưởng đối với quần chúng nhân dân là chư Tăng bấy giờ không còn chuyên tâm tu học đúng với Chánh pháp, giới luật lỏng lẻo, chú trọng việc ứng phó đạo tràng, nương vào tín ngưỡng dân gian bày vẽ cúng kiến để kiếm lợi. “Có kẻ mượn Phật làm danh, cũng ngày đêm hai buổi công phu, thọ trì, nhập sóc vọng cũng sám hối như ai, nhưng lại luyện bùa học ngải, luyện roi thần, khi lên ông lúc gặp bà, gọi là cứu nhân độ thế, nhưng thực ra lợi dụng lòng mê muội của thiện nam tín nữ, rộng túi tham vơ vét cho sạch sành sanh”[4]. Hay hủ bại hơn: “Đau đớn thay xứ ta, những hạng xuất gia vào chùa phần nhiều chỉ học đặng vài bộ kinh, lo luyện hơi cho hay, tập nhịp tán cho già, nay lãnh đám này, mai lãnh đám kia; cũng tràng hạt, cũng cà-sa, thử lật mặt trái của họ ra mà xem thì có khác nào người trần tục”[5]. Đó là tình hình Phật giáo chung, còn ở tại miền Nam, theo nhận định của Sư Thiện Chiếu, một Tăng sĩ tri thức, thông hiểu thế học, rành rẽ Phật học, thì: “Xét lại Tăng giới hiện thời ở nước ta mà nhất là ở Nam Kỳ, phần nhiều không chuyên tâm về đường học vấn, kẻ hảo tâm thời lo độc thiện, có khi lạc vào cái chủ nghĩa yếm thế nên không biết nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; mình đã chẳng biết thời làm sao truyền bá ra cho người khác biết được? Phật lý đã không rõ rệt, nên những kẻ tại gia tín ngưỡng phần nhiều là mê tín, chỉ biết đốt hương cầu khấn Phật thần phù hộ cho cuộc đời của mình được sung sướng thảnh thơi mà thôi, chớ ít có ai tiêm nhiễm một chút từ bi bác ái, thành ra cái chùa Phật hình như cái bảo hiểm công ty, thời tránh sao khỏi những kẻ gian tà, họ lợi dụng để mưu kế sinh nhai, khiến cho trong Tăng giới hằng ngày diễn tấn bi kịch”[6].

Suy nghĩ về sự suy vi của Phật giáo lúc bấy giờ, nghi lễ trở thành một vấn đề nổi cộm, đáng quan tâm. Việc vận dụng nghi lễ một cách tiêu cực trở thành một trong những nguyên nhân chính làm cho Phật giáo ngày càng sa sút.

b. Quan điểm của Tổ sư

Từ nền tảng giáo lý hướng thiện, tin sâu nhân quả, khuyên người ăn chay, làm lành lánh dữ của đa phần các giáo phái tại miền Nam bấy giờ chủ trương, sau khi nghiên cứu và thực hành giáo lý Phật-đà từ cả hai nguồn tư tưởng Nam – Bắc truyền, Tổ sư Minh Đăng Quang đã sáng lập Đạo Phật Khất Sĩ với chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” nhằm xác lập lại con đường cứu khổ và giải thoát mọi khổ đau mà Đức Phật đã vạch ra hơn 2600 năm trước. Đạo Phật Khất Sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập chủ trương nâng cao hơn về mặt hành trì, tu tập đưa đến giác ngộ, giải thoát. Với chủ trương tu tập rốt ráo cùng bối cảnh Phật giáo hiện tại, Tổ sư đã có những quan điểm rất riêng về vấn đề nghi lễ, đặc biệt được đề cập chủ yếu trong 3 bài tiểu luận gồm “Thờ phượng”, “Đạo Phật” trong Chơn lý và “Thờ cúng Lễ bái” trong Bồ-tát giáo.

Đồng quan điểm với các bậc chân tu thật học, các nhà trí thức có thiện chí với Phật giáo, Tổ sư nhận định rằng: “Ở xứ ta thờ cúng lễ bái rất phiền phức lộn xộn. Bởi chẳng có Tỳ-kheo nên tự lòng bá tánh muốn thờ chi thờ. Người ở chùa lo việc ăn uống. Bá tánh đến chùa lễ Phật, cầu nguyện, độ cơm nơi đó rồi cúng tiền trước trả lại tiền cơm sau, cùng giúp đỡ những việc túng thiếu hư hại trong chùa. Cung cấp cho những người ở tại chùa để họ thắp hương cầu nguyện giùm… Người ở chùa lại cũng làm việc ruộng rẫy, làm các nghề khác, như mua bán, tụng kinh mướn, làm sớ điệp, các món giả dối… Chùa đời nay chỗ nhà thương chữa bịnh, bói khoa, coi tướng, ngày giờ, những việc phù pháp, sanh nhai bằng cách đó. Có người chẳng ăn chay, thiền định, niệm quán, ăn chay kỳ: 2 – 4 – 6 – 8 – 10 hoặc 15 ngày hay mỗi năm 1 tháng, 3 tháng; nơi chùa lại sát sanh, nuôi súc vật, chài lưới, cầu bùa… Không chừa nghề chi hết, miễn có được danh và lợi, lấy sự cầu phước nguyện vái làm sự tu, lý đạo không thông cho mấy, kinh sách chỉ đọc hề hà, chẳng biết đọc để làm chi, trong đó nói những gì? Người tu miễn cho có được chức phận cao sang đặng lãnh giữ chùa cao Phật lớn, bổn đạo đông, vừa ý, chỉ giữ giới luật trong lúc thụ cho có chức mà thôi”[7].

Với chí nguyện lấy việc giải thoát rốt ráo làm mục tiêu tu tập và hành đạo nên nhận định về nghi lễ, Tổ sư nói rõ như sau: “Khi xưa tại xứ Ấn Độ, thuở Phật sanh tiền, Phật và Tăng là bậc giải thoát tu chơn nên không có thờ phượng. Các Ngài không có bày ra sự thờ phượng bên ngoài, cùng các nghi lễ cúng kiến phức tạp, các Ngài chỉ quý trọng tư tưởng giáo lý. Còn đối với các hàng cư gia hữu lậu tội lỗi thì còn ham mộ đức tin, việc thiện chút ít nơi hình thức, như là tạo xây cốt tượng, cất lập chùa tháp, lễ bái cúng dường, đi viếng các nơi kỷ niệm quan trọng của Phật v.v… Nhưng điều quý trọng hơn hết của cư sĩ là sự học nghe Pháp bảo”[8]. Không những thế, cảm thấy đau lòng với tình hình Phật giáo trở nên lệch lạc, xa rời Chánh pháp tại miền Nam bấy giờ nên trong Chơn lý “Đạo Phật” (số 43), một lần nữa Tổ sư khẳng định: “Người trong đạo Phật ít ai nghĩ rằng: Tăng Sư là người không còn có ham mộ nghi lễ cúng kiến nữa. Chính Phật Tăng xưa kia không có thờ cúng lễ bái thần quyền, tham vọng. Mà đúng chơn lý thì tất cả chúng sanh hay Phật là bình đẳng như nhau, há có ai lại bắt buộc thờ cúng lễ bái hay sao? Hoặc may ra những kẻ sanh sau tội lỗi nên tự họ lễ bái kính trọng bậc Phật Thánh để noi gương, cũng tự họ cung dưỡng ông thầy là để giữ cất sự học dạy, tự ý nơi kẻ đi sau, chứ nào phải ai ép buộc”[9]. Qua lời nhận định trên, Tổ sư đã cho thấy một đạo Phật đúng với tính chất ban đầu của nó, một Phật giáo mà nếu đứng ở góc độ thời gian sẽ mang tên gọi Chánh pháp. Tổ sư đã chỉ rõ rằng, thời Phật còn sanh tiền, việc nghi lễ cúng kiến tuyệt nhiên không có trong đời sống Tăng đoàn. Việc thờ cúng lễ bái cũng sái với chơn lý vũ trụ. Qua lời nhận định, Tổ sư cũng giải thích ngọn ngành nguyên nhân, hoàn cảnh ra đời của nghi lễ là gì và dù nghi lễ, hình thức đến đâu đi nữa, cốt lõi của nó vẫn là sự thể hiện niềm cúng kính, tăng trưởng niềm tin, làm nền tảng cho sự nghe, học hỏi và hành trì Pháp bảo cao quý.

Giữa sự phức tạp của Phật giáo buổi suy vi, đạo Phật đã mất đi hương vị giải thoát thuần túy, bị che đậy bởi nhiều lớp bụi mờ, lời nhận định của Tổ sư Minh Đăng Quang đã minh định lại đâu là lời dạy của Đức Phật và đời sống Tăng đoàn hơn 2.500 năm trước để thấy rõ một đạo Phật nguyên chất, không hề pha tạp bởi bất kỳ một hình thức, sắc màu nào khác.

Còn đối với Phật giáo thời kỳ sau Phật Niết-bàn, khi nghi lễ xuất hiện và dần có chỗ đứng trong Phật giáo, Tổ sư vẫn ghi nhận khách quan sự đóng góp của nghi lễ trong Phật giáo, đồng thời giảng giải rõ ràng triết lý thờ phượng, cúng bái của chư vị Tổ sư tiền bối cũng như cách thức thờ cúng như thế nào cho hợp lẽ. “Sau Phật tịch, các Ngài thờ phượng xây lập đền tháp nền cao, chỗ tịnh; ngoài cuộc nhóm họp làm lễ, sám hối, khi có việc, hoặc quét dọn, chẳng bao giờ ai dám léo hánh tới gần. Chỗ ăn ngủ phải cách xa nền đất, riêng hẳn mái hiên, tiếng nói chẳng cho nghe lọt bay vào nơi ngôi cốt Phật, giữ y như lúc Phật thuở sanh tiền. Các Ngài kỉnh Phật như thế, tức là để kỉnh tâm, tâm sẽ biết quý trọng pháp mà dễ bề tinh tấn, tu theo chơn Phật. Vì ở trong đời, hễ cái chi ta còn quý trọng là sẽ còn ham mộ cố gắng thật hành, bằng hết quý trọng là cái chi ta cũng sẽ giải đãi chán nản bỏ bê”[10]; “Chùa, tịnh xá khi xưa của Tỳ-kheo, chỗ thờ Phật riêng, chung quanh chư Tăng chỉ lo việc tu hành, khất thực, tại chùa chẳng có nấu nướng, chẳng làm việc sắc tướng hữu vi, chẳng biết đến lợi danh thế tục. Sự thờ cúng chỉ thờ Phật, chẳng thờ tà ma, quỷ quái, cô bà tiên thần chi hết; giữa tượng hoặc cốt một vị Phật thay cho tam thế, chung quanh trống lỗng chẳng có vật chi”[11].

Có thể nói, khi đã dung thông được lý tánh, các sự tướng hành đạo sẽ được sử dụng một cách tùy duyên. Đây là điều mà chư Tổ sư Ấn Độ, Trung Hoa và cả Việt Nam đã áp dụng trong công cuộc hoằng truyền giáo pháp. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được và hành đúng với bản nguyện của chư Tổ. Nhận chân được những ý nghĩa trên, Tổ sư Minh Đăng Quang đã tích cực phê bình sự sai lạc và nói rõ nguyên nhân làm cho Phật giáo bấy giờ ngày càng xuống dốc, trong đó việc tăng sĩ thiếu hiểu biết, hành trì sai lạc nghi lễ góp phần không nhỏ: “Hồi nghĩ lại đạo Phật khi xưa ở nơi xứ Ấn Độ, người ta biết xây tháp lập đền chỗ tinh khiết thanh tịnh mà thờ và Tăng Sư có giới hạnh, có thuyết pháp. Cư gia có chỗ tới lui tu học, được giải thoát phiền não, khuây khỏa tâm thần. Cư gia đến để tắm rửa thân tâm trong sạch, mát mẻ nhẹ nhàng và tập sự sống chung hòa thuận, thật là hay quý tốt đẹp. Kế đến xứ Tàu theo đức Lão Tử, người ta cất lập lư bồng nhà mát rất cao, ở nơi chỗ vắng cảnh êm là cảnh mát tâm rộng trí, để tu học cho mau tấn tới quả linh và đạo lý, cũng là còn khá. Trái lại đời nay, xứ này lắm nơi thờ phượng, không phải để nâng cao tinh thần giáo lý thanh tịnh của Niết-bàn vắng lặng, mà là sự thờ phượng tự ý cho là tượng trưng, trò chơi kỷ niệm, không kỉnh trọng, xem thường địa ngục, khinh dể Niết-bàn, tưởng mình như Phật, để chôn sâu đạo và Phật trong giữa đất bùn, nhiễm ô vật chất lợi danh. Vì thế nên ai ai cũng khổ nạn về sự sống chung tu học của trong đạo và tiếng Phật, tức là nạn khổ của sự tục và Tăng tranh nhau cái tiếng đạo Phật”[12].

Cuối cùng, nghi lễ, thờ phượng nên được hiểu rằng: “Vậy thì chúng ta nên hiểu rằng, thờ phượng là một phương pháp tạm trong lúc đầu cho kẻ ác quấy tội lỗi yếu tâm non dạ. Sự thờ phượng tạm ấy là để an ủi khuyến khích kiềm giữ đức tin, nhắc nhở cho kẻ mới sơ cơ, như nhỏ dại một lúc đầu thôi, rồi về sau là phải tự giác ngộ, tự lo tu để mà làm Phật, y như Phật, chớ phải đâu vĩnh kiếp làm tôi đòi cho cốt tượng, cùng sự lập công kể ơn với tượng cốt, đặng mưu sự toại danh hưởng lợi cho thêm khổ nạn. Thế mới biết rằng: sự thờ phượng không phải thật, thờ phượng là pháp trợ tu cho kẻ nhỏ, chớ đó chẳng phải là cách tu đâu, thì chúng ta đi nhọc lòng bào chữa làm chi?”[13].

Chính nhờ sự phân định rõ ràng đâu là đạo Phật thuần túy cùng sự nguy hại của việc áp dụng nghi lễ mà không hiểu rõ được công năng của nó, nên trong kiến trúc thờ tự của các tịnh xá Khất sĩ chỉ duy nhất có một tượng Đức Phật Bổn sư được tôn trí giữa ngôi chánh điện bát giác. Điều này cho thấy, cái “mực trung” mà Tổ hằng nhắc đến. Xa thời Phật, chúng sanh đời nay quả đúng như là “kẻ ác quấy tội lỗi yếu tâm non dạ” cần phải nương cốt tượng để được khuyến khích gìn giữ đức tin, răn lòng tội lỗi. Tuy nhiên, chỉ thờ mỗi tượng Đức Bổn sư để xác định rõ ràng đâu là vị Phật Bổn sư của hiện kiếp, đâu là bậc giải thoát giác ngộ tuyệt đối để tu tập và hành trì theo lời dạy của Ngài, khỏi phải hoang mang trước nhiều thần thánh, lời sấm truyền v.v… để rồi sự tu hành không đến nơi đến chốn.

Kế đến, trong sinh hoạt tu tập của Phật giáo Khất sĩ, việc tụng đọc kinh điển không mang nhiều tính nghi lễ, không lễ nhạc như tán xướng... Vì thế, khi thực hiện các nghi thức tụng niệm của Phật giáo Khất sĩ thì âm đọc phải rõ ràng. Một thời tụng kinh chỉ đơn giản bắt đầu bằng nghi thức dâng hương, xưng tán ân đức Tam Bảo, các bài kinh, kệ liên hệ trực tiếp đến việc tu tập, quán tưởng và kết thúc bằng nghi thức hồi hướng. Tất cả đều dễ đọc, dễ hiểu, không rườm rà dài dòng; không có mật chú phạm âm để thời tụng kinh mang nhiều màu sắc huyền bí. Một điểm đặc biệt trong nghi thức Khất sĩ, đó là những bài kinh tụng niệm được Việt hóa bằng thể thơ lục bát, song thất lục bát mang âm hưởng dân ca Nam Bộ rất hàm súc dễ hiểu, để người nghe có thể lãnh hội được lời Phật dạy.

Các lễ nghi trong các khóa lễ, tụng niệm của Phật giáo Khất sĩ cũng vô cùng đơn giản. Các sư cùng cư sĩ chỉ chắp tay nghiêm trang trước ngực, đối trước Tam Bảo chí thành đảnh lễ sát đất sau đó chắp tay thể hiện lòng tôn kính đối với Phật – Pháp – Tăng trong suốt thời tụng kinh hay khóa lễ. Các hình thức ấn quyết, sái tịnh,... đều không được Tổ sư cho phép sử dụng. Mọi lễ nghi đều đơn giản nhưng là biểu hiện của tâm thành kính sâu sắc.

Các pháp khí hỗ trợ như mõ, khánh, linh, đẩu, mộc bản, các loại tiêu sáo, đờn kèn v.v… đều không được dùng trong các thời tụng kinh bái sám. Chỉ có chiếc chuông gia trì được sử dụng để nương theo tiếng chuông ngân, tâm người đọc tụng dễ tìm về với chánh niệm hiện tiền, ngõ hầu thời trì tụng kinh điển được trọn vẹn công đức.

Lễ phục trong khi hành lễ cũng chỉ có tam y thường nhật chứ không thêm bất cứ lễ phục nào khác. Chư Tăng đắp y bày vai hữu thể hiện niềm tôn kính đối với Đức Phật như Tăng đoàn trước đây hơn 2500 năm. Chư Ni trong mặc áo, ngoài đắp y chỉnh tề trong các khóa lễ. Phật tử cư sĩ mặc áo giới trắng được may theo kiểu áo dài của người Việt. Màu trắng vốn là màu của hàng cư sĩ được biết đến với hình ảnh “bạch y cư sĩ” bắt gặp trong nhiều kinh điển Phật giáo Nam truyền lẫn Bắc truyền. Như thế cho thấy, Phật giáo Khất sĩ trong sự hài hòa, vẫn lưu giữ được truyền thống thời Chánh pháp, đồng thời lại mang dấu ấn đậm nét của dân tộc. Có thể nói, lễ phục của Tăng Ni, Phật tử Khất sĩ đơn giản nhưng mang nhiều ý nghĩa.

Cuối cùng, nơi diễn ra các khóa lễ của Phật giáo Khất sĩ đơn giản chỉ với hương, hoa, đèn. Các pháp cụ dùng cho lễ đường như tràng phan, bảo cái,… tuy không được sử dụng nhưng bằng tâm thành của Tăng Ni và Phật tử, các khóa lễ vẫn trang nghiêm, ý nghĩa.

Ngoài việc đơn giản hóa nghi lễ, giúp Phật giáo trở lại đúng bản chất trong sáng, thuần túy cần thiết, đồng thời vẫn đảm bảo ý nghĩa phương tiện độ sanh, Tổ sư không cho phép Tăng sư đi làm đám, tụng kinh cầu an, cầu siêu như một phương tiện mưu sinh, mà xem đó như là phương tiện hoằng pháp thông qua lời kinh tiếng kệ.

3. Thay lời kết

Nhận thấy được sự thái quá đang diễn ra và tiếp theo sau là sự bất cập đến liền kề, bằng trí tuệ của một bậc thấu đạt chơn lý, Tổ sư đã minh định lại con đường giải thoát của Đức Thế Tôn một cách khéo léo, mang lại diện mạo như thật của đạo Phật Thích-ca vốn đang suy vi tại miền Nam. Đối với vấn đề nghi lễ, thờ phượng cũng vậy, Tổ sư luôn giữ cái mực trung, lợi ích cho cả ta và người. Tổ sư xây dựng một quan điểm nghi lễ với nền móng là đức tin và tư tưởng. Chính vì vậy mà trong nghi lễ của Đạo Phật Khất Sĩ, ta thấy cả tính chất thuần túy của một đạo Phật thuần chất, đồng thời vẫn có sự góp mặt của phương tiện thiện xảo của chư vị Tổ sư tiền bối trong công cuộc truyền giáo. Kế đến, văn hóa bản địa cũng được các vị tiền bối trong Đạo Phật Khất Sĩ sử dụng khéo léo, đã góp mặt hài hòa trong nghi lễ Khất sĩ làm cho Phật giáo dễ dàng đi vào lòng người dân bản xứ. “Đạo Phật khi hẹp thì phải mở rộng, khi rộng thì phải thu hẹp”[14]. Quả thật, Tổ sư đã khéo léo “rộng hẹp” ở phương diện nghi lễ để Đạo Phật Khất Sĩ trở nên hợp thời, hợp xứ một cách tùy duyên. Như vậy, rõ ràng Chánh pháp Thích-ca đã được nối truyền trong một đạo Phật xuất hiện tại Việt Nam. Nhờ đó, người mê biết đường lần hồi vào đạo, người tỉnh nương theo nấc thang tiến hóa bước vào hàng huệ sĩ, người trí tiếp tục tấn hóa xuôi dòng đến bờ giác chơn.

 


[1] Ngày nay được biết đến với tên gọi “Hệ phái Khất Sĩ”, là một trong 9 tổ chức thành viên thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981.

[2] Thích Viên Giác, Ý nghĩa nghi lễ Phật giáo, xem tại http://www.tuvienquangduc.com.

[3]Tuệ Giác, Việt Nam Phật giáo tranh đấu sử, Nxb. Hoa Nghiêm, 1964, tr. 74.

[4]Cư sỹ Khánh Vân, Tạp chí Duy Tâm, số 18, 1926.

[5]Cư sỹ Thanh Quang, Tạp chí Đuốc Tuệ.

[6] Sư Thiện Chiếu, Đông Pháp thời báo, số 532, ngày 14/1/1927.

[7] Bồ-tát giáo“Thờ cúng Lễ bái”, Tịnh xá Ngọc Viên ấn hành, 1962, tr. 126.

[8]Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, tập III “Thờ phượng”, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 235.

[9]Sđd, “Đạo Phật”, tr. 47 – 48.

[10]Sđd, “Thờ phượng”, tr. 238.

[11] Bồ-tát Giáo“Thờ cúng Lễ bái”, Tịnh xá Ngọc Viên ấn hành, 1962, tr. 127.

[12]Sđd, “Thờ phượng”, tr. 246.

[13]Sđd, tr. 248-249.

[14]Sđd, tr. 252.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan