Vài suy nghĩ về Hệ phái Khất sĩ
- NT. Cảnh Liên
- | Thứ Hai, 02:14 07-08-2017
- | Lượt xem: 3855
Đạo Phật Khất Sĩ là một truyền thống Phật giáo mới, ra đời vào cuối thế kỷ XX tại miền Nam Việt Nam. Truyền thống này đề cao tôn chỉ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, vừa vực dậy tinh thần tu học đúng Chánh pháp cho người học Phật, vừa xoa dịu lòng dân bất an trong thời điểm xã hội nhiễu nhương lúc bấy giờ.
Tôn kính con đường chư Phật ba đời đã khai lưu, ngưỡng phục tâm nguyện tiếp nối pháp học và pháp hành của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, nơi đây chúng con xin được chia sẻ vài suy tư của tự thân khi được đi trên con đường Chánh đạo thiêng liêng này.
1. Ý nghĩa về sự ra đời của Đạo Phật Khất Sĩ
Đạo Phật Khất Sĩ chính thức khai mối đạo tại chùa Linh Bửu (Mỹ Tho) năm 1944 bởi Đức Tổ sư Minh Đăng Quang. Sau 10 năm tu tập và hoằng pháp, vào ngày 01 tháng 02 năm Giáp Ngọ (1954), Ngài vắng bóng. Chỉ trong thời gian không lâu ấy, Hệ phái hiện diện hầu hết ở các tỉnh miền Nam, đại chúng Tăng Ni tu học hòa hợp dưới sự hướng dẫn của Đức Tổ sư khoảng 100 vị, đồng thời, Ngài chứng minh thành lập trên 20 tịnh xá.
Trong tiến trình phát triển của lịch sử tư tưởng nhân loại, sự ra đời một hệ tư tưởng mới, hay hình thành nên một tôn giáo mới chắc chắn không thể nào tránh khỏi sự tác động của các điều kiện xã hội. Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật trên. Điều kiện kinh tế, chính trị, hoàn cảnh địa lý, văn hóa, đời sống tinh thần, đặc biệt là vấn đề tôn giáo đầu thế kỷ XX là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đời của Đạo Phật Khất Sĩ. Sự có mặt của Đạo Phật Khất Sĩ và các tôn giáo khác tại Việt Nam trong giai đoạn này nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân lúc bấy giờ. Người dân Việt Nam sống trong cảnh nửa chế độ thực dân, nửa phong kiến thối nát, nên hết sức bất mãn với thực tại. Vì vậy, đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo và Hệ phái Khất sĩ cùng các tôn giáo xuất hiện trước đó đã góp phần làm giảm nỗi đau tinh thần cho con người đương thời. Ngay khi vừa thành lập, Hệ phái đã mau chóng hòa nhập, thấm sâu, gieo hạt Phật pháp trong lòng nhân dân miền Nam nước Việt. Không những góp thêm nguồn năng lượng cho Đạo pháp, mà đặc biệt trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo nước nhà, Hệ phái Khất sĩ đã giúp con người thời bấy giờ giữ vững tinh thần giữa lúc xã hội loạn lạc.
Điểm nổi bật là Đạo Phật Khất Sĩ kết hợp những điểm đặc thù, tinh túy của Phật giáo Đại thừa và Nguyên thủy mà hình thành, nên có thể ví Đạo Phật Khất Sĩ như chiếc cầu nối giữa hai truyền thống Phật giáo lớn hiện có mặt tại Việt Nam lúc bấy giờ. Mặc dù ra đời muộn màng nhưng y theo đường lối của Phật Tăng xưa, trung thành với hoài bão chư Phật, lại xuất hiện tại bổn xứ, phù hợp với phong tục tập quán, tư duy, nguyện vọng của người Việt, khiến Phật tử dễ dàng lãnh hội áo nghĩa của đạo Phật.
2. Về bộ Chơn lý của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang
Trong 10 năm tu tập và hành đạo, tư tưởng cũng như những lời giảng của Đức Tổ sư hiến tặng cho thế nhân đương thời và hậu lai được kết tập lưu lại trong bộ Chơn lý và Ngài đã hoàn thiện bộ sách quý báu này vào ngày 12-10-1953. Ngày nay, một số học giả, nhà nghiên cứu nhận thấy nơi đây hội tụ những bài pháp hàm tàng toàn diện về cả ba lĩnh vực Kinh - Luật - Luận của đạo Phật cũng như các giá trị đạo đức, giáo dục thiết thực cho mọi người trong xã hội nên đã cung kính gọi là bộ “Kinh Chơn lý”.
Bộ Chơn lý bao gồm 69 quyển, trong đó có 9 quyển dạy về giới bổn, luật nghi, pháp hành cho hàng Tăng Ni Khất sĩ. 60 quyển còn lại bàn về nguồn gốc vũ trụ, mối tương quan tiến hóa của thế giới tự nhiên và con người trong ánh sáng Phật pháp như Võ trụ quan, Ngũ uẩn, Lục căn, Thập nhị nhân duyên…; bàn về phương pháp hành trì của hàng xuất gia như Bát chánh đạo, Chánh đẳng chánh giác, Nhập định, Thần mật, Giác ngộ, Chư Phật, Pháp Chánh giác, Số tức quan, Sám hối…; bàn về các tôn giáo khác và tư tưởng Đại thừa như Tam giáo, Tông giáo, Đại thừa giáo, Đạo Phật, Pháp Tạng, Vô Lượng Cam Lộ, Quan Thế Âm, Đại Thái Thức, Địa Tạng, Pháp Hoa, Chơn như…; bàn về đạo lý sống trong đời như Công lý võ trụ, Khuyến tu, Đi tu, Tu và nghiệp…; và bàn về phương thức xây dựng đời sống hạnh phúc an lạc như Trường đạo lý, Đời đạo đức, Xứ thiên đường…
Như thế, bộ Chơn lý tóm thâu khá đầy đủ những lời dạy nền tảng của Đức Phật, những minh triết trong cuộc sống, những nguyên lý tồn tại của thế giới tự nhiên trong đó có con người. Bộ Chơn lý giúp những ai có duyên đọc được sẽ tích lũy một nguồn kiến thức Phật pháp chuẩn mực, có chánh kiến. Hệ phái Khất sĩ ra đời với chí nguyện trở về pháp hành uyên nguyên của một đạo Phật thời kỳ đầu, y bát chân truyền, chủ trương vô sở hữu, đời sống du hành đó đây, vừa tự tu tự độ vừa hoằng hóa giáo pháp, nêu cao phương châm “cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung, cái linh là phải tu chung” (Chơn lý “Hòa bình”). Hệ phái Khất sĩ đã góp phần nhấn mạnh hơn về tầm quan trọng của pháp hành y như lời Đức Thế Tôn dạy thuở ban đầu. Trú dạ lục thời, chư Tăng Ni sống trong thời khắc biểu của cõi Niết-bàn tịch tĩnh: 5 – 6 giờ: thiền định, 8 – 9 giờ: khất thực, 11 – 12 giờ: thọ thực, 15 – 16 giờ: thuyết pháp, 18 – 19 giờ: hành thiền định, 24 – 01 giờ: thiền định.
Pháp ngữ mà Đức Tổ sư nói hầu hết được chọn lựa từ lời của Đức Phật đã tuyên thuyết hoặc trích từ trong kinh điển truyền thừa từ bao lâu nay. Để người học Phật có thể hiểu rõ, đúng đắn lời Phật dạy, các pháp ngữ đều được diễn dịch sang tiếng Việt, đồng thời có chú giải thêm. Đơn cử như trong Kinh Pháp Cú, kệ 183, Đức Thế Tôn dạy:
“Sabbapāpassa akaraṅaṁ kusalassa upasampadā
Sacittapariyodapanaṁ etaṁ buddhāna sāsanaṁ”.
Nghĩa là: “Không làm mọi điều ác, / Thành tựu các hạnh lành, / Tâm ý giữ trong sạch, / Chính lời chư Phật dạy ” (HT. Thích Minh Châu dịch).
Trong Luật nghi Khất sĩ, ngay câu đầu tiên của phần Phật ngôn, Tổ sư viết: “Đừng làm việc quấy nào hết, hãy làm việc phải luôn luôn, làm cho trong sạch các sở ý của mình, ba cái lý đó tóm rút đạo lý của chư Phật”.
Trong kinh Tứ thập nhị chương, chương 25 “Dục hỏa thiêu thân” (tức Lửa dục đốt người), nguyên văn như sau: “Phật ngôn: Ái dục chi nhân, du như chấp cự, nghịch phong nhi hành, tất hữu thiêu thủ chi hoạn ”. Câu trên có nghĩa là: “Đức Phật dạy: Người ham mê ái dục ví như kẻ cầm đuốc đi ngược gió, tất sẽ mắc phải nạn cháy tay ”.
Trong Luật nghi Khất sĩ, phần Diệt lòng ham muốn, câu thứ 6, Đức Tổ sư viết: “Người ở trong vòng ham muốn giống như kẻ điên cầm đuốc đi ngược gió, nếu không quăng đuốc phải cháy tay, sự vụng về của họ đã thấy rõ ràng, bởi vậy khi người còn tam chướng là tham, sân, si và chưa thấy được đạo, thì in như kẻ điên cầm đuốc đi ngược gió, mà không buông để đến phải cháy tay”.
Trong bộ Chơn lý, ngôn ngữ Đức Tổ sư sử dụng để diễn đạt ý pháp rất chân chất, mộc mạc nên người có duyên đọc là hiểu ngay. Lời pháp cao sâu song lại được diễn đạt bình dị mà vẫn không làm giảm giá trị uyên áo của giáo pháp, đó là biện tài thiện thuyết của Đức Tổ sư vậy.
3. Tứ Y pháp - Pháp hành của Hệ phái Khất sĩ
Mãi cho đến ngày nay, hình ảnh nhà sư khất thực vẫn làm người con Phật dâng niềm xúc động ngỡ như đang được sống trong thời Đức Phật còn tại thế. Trong hoàn cảnh xã hội hiện tại, một số thành phần xấu lợi dụng lòng tôn kính tín tâm của Phật tử, đã giả làm nhà sư đi khất thực thọ nhận vật phẩm cúng dường. Vì để tránh tình trạng lợi dụng làm hoen ố hình ảnh và ý nghĩa khất thực cao thượng từ bao đời nay, chư Tăng Ni tạm không thường xuyên hành pháp khất thực nữa mà chỉ hành trì trong những ngày cúng hội, trong dịp lễ hoặc trong các khóa tu. Trong những dịp lễ đặc biệt, chương trình đi khất thực hóa duyên luôn được chú trọng. Đoàn chư Tăng Ni ôm bát, bước đi trang nghiêm thanh tịnh ngang qua những con đường phố thị, nhà cửa xe cộ nhộn nhịp, dường như khi có sự xuất hiện những bước chân bình an này làm cho không gian vốn huyên náo thường ngày trở nên lắng dịu thiêng liêng.
Quả thật, đây là một bài pháp không lời, sống động vô cùng. Dù người không phải Phật tử nhưng khi bắt gặp hình ảnh này cũng sinh tâm cung kính và quý mến trước sự trang nghiêm cao cả của giáo pháp và đức hạnh từ hòa, dung dị của hàng xuất gia theo đạo Phật. Bởi hạnh khất thực là hạnh của chư Phật ba đời nên có công năng và sức mạnh khó nghĩ bàn. Chư Phật tử mục thị cảnh này còn xúc động bội phần, niềm tin kính đối với Tam Bảo kiên định hơn. Ấn tượng này lưu lại trong tâm mỗi Phật tử rất lâu khiến sinh hỷ lạc và tăng thêm lòng tinh tấn dõng mãnh thực tập theo giáo pháp của Đức Phật.
Đối với chư Tăng Ni Khất sĩ, pháp khất thực là một pháp hành cần yếu và thiêng liêng để hỗ trợ cho lộ trình giải thoát của hàng xuất gia. Mỗi bước chân đi kết nối với mọi động thái của thân trong chánh niệm, kiến lập một sức định tĩnh rõ rệt trong tâm mỗi hành giả đang ôm bát khất thực. Ý niệm “trên xin giáo pháp, dưới xin vật thực nuôi thân qua ngày…” (Chơn lý “Khất sĩ”) làm cho các bất thiện tâm như ngã mạn, phóng dật, thất niệm, v.v… rơi rụng dần dần, tâm hành giả trở nên trong sáng, thanh tịnh. Đức Tổ sư giảng rộng: “Giáo lý ăn xin là sự chan hòa cho nhau, tức là công lý võ trụ, là pháp bảo hay chơn lý, triết lý nhiệm mầu. Từ hạng bậc xin bằng thân, xin bằng trí, xin bằng tâm, chỉ có Khất sĩ là kẻ xin bằng tâm, cái xin cao thượng trong sạch hơn hết, tự người hảo tâm cho, chớ không điều ép buộc. Khất sĩ đi xin để răn lòng tội lỗi. Đi xin để đền nghiệp cũ, đặng sớm nghỉ ngơi, mau hết vốn lời. Đi xin để nhịn nhường bố thí của cải lại cho chúng sanh. Đi xin để làm gương nhơn quả tội lỗi cho chúng sanh ngừa tránh. Đi xin để đừng phạm tội lỗi mới…” (Chơn lý “Khất sĩ”).
Hạnh khất thực là pháp hành đầu tiên trong Tứ Y pháp, đó là:
1. Người tu xuất gia chỉ ăn đồ xin mà thôi, nhưng ngày hội, thuyết pháp được ăn tại chùa.
2. Người tu xuất gia phải lượm những vải bỏ mà đâu lại thành áo, nhưng có ai cúng vải, đồ cũ thì được nhận.
3. Người tu xuất gia phải nghỉ dưới cội cây, nhưng có ai cúng lều, am nhỏ bằng lá, một cửa thì được ở.
4. Người tu xuất gia chỉ dùng phân uế của bò mà làm thuốc trong khi đau, nhưng có ai cúng thuốc, dầu, đường thì được dùng.
Đức Tổ sư khẳng định: “Tứ y pháp là chánh pháp của chư Phật mười phương ba đời, là giáo lý Y bát khất sĩ vậy!... Pháp hành Tứ y pháp chơn tu trung đạo. Tứ y pháp là chánh sự quí báu hơn hết, đến chơn như đặng, và đúng chơn lý hơn hết” (Chơn lý “Chánh pháp”).
Hành trì Tứ Y pháp là đi con đường trung dung không phạm vào 4 pháp thái quá, đó là – 1. Nhịn đói không ăn, 2. Lõa thể không mặc quần áo, 3. Phơi nắng dầm mưa giữa khoảng trống và 4. Đau không uống thuốc, liều mạng; và cũng không rơi vào bốn pháp bất cập, đó là : 1. Ăn nhiều bữa, nhiều món, chấp vị ngon, 2. Mặc áo quần, chưng diện đủ thứ, 3. Ở nhà ngói, lầu đài, xe cộ sang trọng, 4. Không đau mà trữ sẵn thuốc bổ dưỡng luôn luôn (Chơn lý “Chánh pháp”).
4. Pháp phục
Khi mới ra đời, Hệ phái đã gây không ít ngạc nhiên, hiếu kỳ cho người dân Nam Bộ. Người dân làng Phú Mỹ rất ngạc nhiên khi thấy mỗi sáng, nhiều nhà Sư đầu trần chân không, quấn y bá nạp đi vào làng khất thực. Người đến xem, có kẻ phỉ báng chế nhạo, có người cảm mến cúng dường. Hình ảnh đoàn Du tăng Khất sĩ không chỉ gây sự bất ngờ đối với ngôi làng quê Phú Mỹ nhỏ bé, mà người dân đất Sài thành cũng hết sức lạ lẫm, xôn xao bàn tán trước dung nghi đức hạnh của nhà Sư y vá, giản dị, từ hòa.
Chư Tăng Ni Khất sĩ tuân giữ ba y, một bình bát. Trong Luật Khất sĩ có quy định y thượng của người Khất sĩ “phải bằng vải cũ hoặc vải vụn chắp vá lại. Không được may vải vụn đủ bông đủ màu rằn rực sặc sỡ, phải may bằng vải trắng, vải vàng, hoặc những thứ lợt màu, để có thể sau khi may rồi, nhuộm cho tiệp màu vàng sậm, cấm dùng vải chỉ bằng tơ lụa hàng nỉ nhiễu, len, tố cẩm tự… đồ vật của sanh mạng, cấm dùng màu đen trắng xanh tím đỏ vàng,… màu tươi tốt”. Việc mặc, trong Tứ Y pháp, pháp thứ 2 cũng có quy định: “Người tu xuất gia phải lượm những vải bỏ mà đâu lại thành áo, nhưng có ai cúng vải, đồ cũ thì được nhận”.
Hạnh dùng bát đất, đắp y phấn tảo này được Đức Tổ sư phân tích rất chân tình, rõ ràng, hợp lý: “Xưa kia cổ nhân mặc vỏ lá cây, mảnh manh lá miếng, chẳng có tay ống áo quần may vá, dưới cái chăn, trên tấm choàng, khi đi đâu thì phủ thêm một tấm choàng lớn quấn từ trên tới dưới, đêm đến lấy đó làm mền, nên được thong thả rảnh rang, không điều phiền phức, không có cất giữ dư để dành cho cắp trộm. Khi rách mất mới sắm thêm cái khác, bỏ ra cái cũ, lúc nào cũng mặc một bộ trong mình, không làm tôi tớ cho áo quần dư dả. Muốn đi đâu, ở đâu, lúc nào, vào lúc nào cũng được, không điều chi nán lại. Cũng như rễ cỏ dính liền với cỏ, như lông da thú dính sát với thịt xương, cho nên lúc nào cũng rảnh trí thanh nhàn, thung dung, khoái lạc. Thân như vỏ trái chín muồi đen xấu, mà tâm trí bên trong cứng chắc lại ngon thơm. Trẻ nhỏ mới sanh, mẹ cha lót cho miếng tã, khăn choàng vải đậy, cũng là bộ tam y như người xưa. Ông già khi sắp chết bệnh đau cũng chỉ mặc chăn, vải choàng và mền đắp, tam y như trẻ nhỏ. Đến chết tắm rửa, liệm, đem theo cũng tam y đó vậy. Người Khất sĩ mặc tam y để dứt trừ tham vọng, ngăn ngừa kẻ ác, đoạn diệt phiền não trong tâm trong sạch, nên gọi là y thanh tịnh. Cũng gọi là y giải thoát, áo rảnh rang, hay là y trẻ nhỏ, áo ông già, y cổ nhân, áo người trí, y của kẻ chơn như v.v...” ( Chơn lý “Y bát chơn truyền”).
Choàng tấm y vá víu đủ chỗ, dùng chiếc bát đen xấu để đi khất thực, độ ngọ qua ngày, một cuộc sống đơn giản, thanh thản, không bận lòng tốt xấu, không ngại người dòm ngó trộm cắp. Người xuất gia biết đủ, biết rõ mọi thứ đều phù du tạm bợ nên sống một cuộc đời thanh bần mà an lạc, bởi “muốn nhập định lúc nào cũng được, muốn chết lúc nào cũng an, học gẫm điều chi không xáo rộn, bằng mất hết cũng không nhìn” ( Chơn lý “Y bát chơn truyền”). Và Đức Tổ sư dạy giáo lý Y bát chơn truyền có ý nghĩa: “Y là Pháp, Bát là Đạo, tức là đạo pháp đường chơn truyền dạy, có y bát mới có chơn như” ( Chơn lý “Y bát chơn truyền”).
5. Kiến trúc tịnh xá
Kiến trúc đặc thù của Hệ phái đó là chánh điện bát giác. Mô hình ngôi chánh điện này khiến chúng ta liên tưởng đến hình ảnh ngôi nhà tròn, nơi Tăng chúng nhóm họp để nghe Đức Phật thuyết giảng giáo pháp hoặc Tăng đoàn họp Yết-ma thường được khắc họa trong Kinh tạng.[1] Mô hình tròn này còn được ví như bầu vũ trụ bao dung, hay như bầu đạo đức dung chứa muôn loài vạn vật, như lòng từ bi vô tận của Đấng Cha Lành.
Đức Tổ sư hướng dẫn chư Tăng Ni Hệ phái xây dựng ngôi chánh điện theo mô hình tám cạnh để mọi người khắc sâu diệu nghĩa Bát chánh đạo, đó là con đường chân chánh tám ngành đưa người từ sông mê về bến giác. Phần trên chánh điện có hình tứ giác tượng trưng cho Tứ diệu đế, đó là bốn chân lý chắc thật muôn đời. Trên đỉnh chóp chánh điện là hoa sen biểu trưng hoa giác ngộ thuần khiết thanh tịnh nở giữa cõi đời phiền não, hoặc ngọn đèn chơn lý soi ánh sáng cho trần thế. Bên trong chánh điện có bốn trụ lớn chống đỡ cho toàn bộ cấu trúc chánh điện, biểu trưng cho Bốn chúng. Bệ để tôn trí tôn tượng Đức Bổn Sư có ba bậc tượng trưng cho tam vô lậu học. Quả thật, chỉ một mô hình kiến trúc chánh điện đã khắc họa vô vàn đạo lý nền tảng vi diệu của đạo Phật. Bát chánh đạo, Tứ diệu đế là giáo lý đặc thù của đạo Phật. Duy nhất con đường thực sự này mới đưa người thực tập vượt thoát khổ đau, chứng đắc Niết-bàn. Tứ chúng gồm Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc (cận sự nam) và Ưu-bà-di (cận sự nữ) chính là rường cột bảo trì cho Tăng đoàn tồn tại, làm cho ngọn đèn giáo pháp của Đức Thế Tôn sáng mãi. Chỉ cần một trong bốn chúng không làm tròn phận sự của mình sẽ khiến cho Tăng đoàn không bền vững. Đức Tổ sư quả thật rất thấu đáo, chỉnh chu khi phát thảo mô hình kiến trúc tịnh xá cho Hệ phái một cách đặc thù như vậy.
Mỗi khi ở trong không gian ngôi chánh điện và nhất niệm về ý nghĩa của nó, chắc chắn chúng ta sẽ cảm nhận được mạch pháp đang lưu chuyển nơi châu thân, sẽ cảm thấy niềm tin vào Tam Bảo là tuyệt đối, sẽ tự nguyện với lòng tinh tấn không mỏi mệt và ắt hẳn trong tâm chúng ta đều dâng lên niềm an lạc khôn nguôi trong giáo pháp.
6. Kinh tụng của Hệ phái
Một số phần trong kinh tụng Khất sĩ giống với kinh tụng Bắc tông như Nghi thức Sám hối, Nghi thức Cầu an, Nghi thức Cầu siêu, tuy nhiên, các bài kinh tụng đều được dịch sang tiếng Việt thuần túy và phổ theo thể văn vần, hay thể thơ lục bát, song thất lục bát, thơ năm chữ. Kinh Phổ Môn, Kinh Di Đà hay các bài kinh và sám ngắn như Kinh Bát-nhã, Tán thán Phật, Sám Mười phương, Mười nguyện, Phúng kinh, Nguyện tiêu, Nguyện sanh, Hồi hướng, Tự quy y đều được dịch từ kinh điển Bắc tông sang tiếng Việt và diễn thơ. Chủ trương Việt hóa của Đức Tổ sư rất phù hợp với văn hóa người Việt, cũng như phù hợp với trình độ dân trí quần chúng lúc bấy giờ tại miền Nam và còn phù hợp với chủ trương Việt hóa kinh văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Điều này cũng dễ hiểu vì còn gì dễ cho bằng người Việt nói tiếng mẹ Việt Nam. Hơn thế nữa, người chân quê mộc mạc, chất phác làm sao có thể hiểu ngay lời Phật dạy trong âm Hán, hay Pali, Sanskrit. Ông bà mình đã tạo ra tiếng Việt để dễ dàng chuyển tải tư tưởng, ý tưởng cho người Việt, và Đức Tổ sư đã áp dụng ngay điều ấy trong việc chuyển tải lời Đức Phật dạy cũng như soi dẫn người Việt hiểu được đạo Phật một cách đúng đắn nhất.
Nhiều người sau khi quy y Tam Bảo đã thật tình tâm sự : Lần đầu tiên về viếng cảnh tịnh xá, thấy cảnh thanh tịnh, u tịch, lối kiến trúc giản dị, thấp thoáng bóng áo vàng của chư Tăng, lòng con cảm thấy hết sức bình yên, gần gũi và khởi lên niềm cung kính vô vàn. Khi vừa nghe lời kinh trong bài Dâng hương, con đã hiểu ngay ý kinh và có cái cảm giác sâu lắng, trân quý, chí thành, tha thiết làm sao.
“Khói hương xông thấu mấy tầng xanh,
Rốt ráo tâm con bổn nguyện lành,
Trên khói hương này xin Phật ngự,
Chứng minh đệ tử tấc lòng thành”.
Cũng thế, nếu giải thích “Phật là ai” cho một người mới học Phật hiểu được, chúng ta chỉ tụng 4 câu đầu trong bài Xưng tụng Phật Bảo, mọi người đều có thể dễ dàng lĩnh hội ngay:
“Phật là đấng tối cao giác ngộ,
Lập đạo tràng tế độ chúng sanh.
Luật nghiêm giới cấm ban hành,
Làm người dẫn lộ chỉ rành nẻo tu…”.
Thật không còn gì đầy đủ dễ hiểu bằng. Chúng ta có thể giải thích rất dài về định nghĩa “Phật” nhưng với người mới bước chân đến chùa, thuật ngữ, văn chương, triết lý đôi khi càng khiến cho đầu óc họ rối bời hơn. Nói thật gần, thật rõ lại kết hợp diễn vần tiết tấu thơ khiến lời kinh dễ đọc, dễ thuộc, dễ thấm vào lòng người đọc, người nghe.
7. Sự hội nhập và đóng góp của Hệ phái trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Việc công nhận pháp nhân, pháp lý trước sự hiện diện của một dòng truyền thừa mới là điều kiện, cơ hội và là thách thức của Hệ phái trong quá trình hội nhập, sánh bước cùng hai tông phái chính là Nam tông và Bắc tông. Chỉ mới 70 năm Hệ phái có mặt, khoảng thời gian quá ngắn ngủi so với sự ra đời của Phật giáo Nguyên Thủy thế giới hơn 2500 và hơn 2000 năm đối với Phật giáo Đại thừa. Từ năm 1981 trở đi, Hệ phái trở thành một trong chín tổ chức thành viên chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã có thêm cơ hội được chia sẻ chung tay đóng góp công sức cho Giáo hội, đất nước và dân tộc.
Nhiều Tăng Ni của Hệ phái tham gia vào hàng Giáo phẩm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như tham gia làm công tác Giáo hội tại các tỉnh thành, quận huyện trên cả nước. Nguồn kinh sách của Hệ phái làm phong phú thêm hệ thống Pháp bảo của Phật giáo. Hệ phái Khất sĩ còn có nhiều đóng góp đáng kể trong các hoạt động từ thiện xã hội, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, nghèo đói, bệnh tật, xây dựng nhà tình nghĩa...
8. Thay lời kết
Với tinh thần hội nhập và sáng tạo, Phật giáo khi du nhập vào bản địa đã được quần chúng hoan hỷ đón nhận, dung hoà và hình thành một đạo Phật theo bản sắc Việt. Vốn sẵn có cảm tình quý kính đối với đạo Phật nên khi Đạo Phật Khất Sĩ ra đời với tư cách là một dòng truyền thừa Phật giáo mới được phát sinh tại Việt Nam, do người Việt Nam sáng lập, người dân Việt Nam nhất là người dân vùng Nam Bộ, chiếc nôi của Hệ phái Khất sĩ, đã nhanh chóng tiếp nhận và phát huy.
Ngang qua quá trình hành đạo trong giai đoạn Đức Tổ sư Minh Đăng Quang trực tiếp dẫn đoàn du Tăng hoằng hoá, khoảng 7 năm (1947 – 1954), những thành tựu của Hệ phái đã thể hiện quá rõ. Cho đến ngày nay, 70 năm đã trôi qua, Hệ phái Khất sĩ đã hiện diện khắp ba miền tổ quốc và ở một vài nước trên thế giới. Hiện nay, trong nước, số lượng chư Tăng Ni Khất sĩ có hơn 3.200 vị và số tịnh xá, tịnh thất thuộc Hệ phái hơn 500 ngôi. Chư Tăng Ni trẻ, có đạo hạnh được khuyến khích tham học tại các trường Trung cấp Phật học, Đại học Phật giáo trong nước và quốc tế. Với thành quả khiêm tốn này cũng cho thấy con đường “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” mà Đức Tổ sư khai vẹt thật sự rất đúng đắn và phù hợp với tâm nguyện người Việt Nam.
Năm tháng vô thường, cuộc sống xã hội, con người thay đổi theo chiều tiến hóa của quy luận vạn hữu, cho dẫu gặp khó khăn thử thách, Hệ phái Khất sĩ với ý chí và lòng tinh tấn sẽ vẫn luôn kiên định tiến về con đường phía trước, sẽ vẫn bảo trì giới bổn và nguồn đạo lý nhiệm mầu mà chư Phật đã khai sáng, Đức Tổ sư đã tiếp nối để ánh đạo vàng rực sáng mãi. Người con Hệ phái Khất sĩ sẽ mãi tinh cần tu tập và góp sức cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, làm tròn sứ mệnh phụng sự đạo pháp, dân tộc và chúng sinh.
Huỳnh y bát đất thong dong,
Tứ Y Pháp bảo, một lòng cần tu.
Niết-bàn bao dặm xuân thu,
Viên thành quả giới hạnh nhu giúp đời.
[1] Kinh Sa-môn quả, số 2, Trường Bộ Kinh.
Các bài viết liên quan
- Đạo Phật Khất sĩ và bốn tinh thần tiêu biểu trước khi hòa nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Thứ Bảy, 08:56 14-05-2022 - xem: 4046 lần
- Công trình dung hợp khởi phát từ Tổ sư Minh Đăng Quang - Thứ Ba, 09:42 19-04-2022 - xem: 7615 lần
- Sư phát triển của Hệ phái Khất sĩ tại hải ngoại - Thứ Ba, 08:11 19-04-2022 - xem: 4995 lần
- Căn cốt của Hệ phái Khất sĩ và yêu cầu của từng thời đại khác nhau - Thứ Ba, 01:10 19-04-2022 - xem: 4888 lần
- Bước đầu nhận diện những nét chính của Giáo đoàn Khất sĩ và của vị Hành giả Chơn lý - Thứ Ba, 00:51 19-04-2022 - xem: 4237 lần
- Tinh tấn tu tập nhiếp phục thân khẩu ý thanh tịnh - Thứ Năm, 10:14 29-07-2021 - xem: 10576 lần
- Kinh nghiệm kiểm soát và chuyển hóa ác nghiệp - Thứ Hai, 11:47 26-07-2021 - xem: 7023 lần
- Phát huy những giá trị tốt đẹp của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ - Thứ Bảy, 22:38 03-04-2021 - xem: 7603 lần
- Phát huy giá trị tôn giáo và xã hội của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - Thứ Năm, 10:28 01-04-2021 - xem: 5901 lần
- Những giá trị của Hệ phái Khất sĩ trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - Thứ Năm, 10:08 01-04-2021 - xem: 7560 lần
- Hòa thượng Thích Giác Toàn chia sẻ nhân duyên với Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang - Chủ Nhật, 00:03 14-03-2021 - xem: 8226 lần
- Quá trình hình thành và phát triển Hệ phái Khất sĩ Việt Nam ở Bình Dương - Thứ Bảy, 02:54 18-07-2020 - xem: 8675 lần