Căn cốt của Hệ phái Khất sĩ và yêu cầu của từng thời đại khác nhau
- Thích Minh Thành
- | Thứ Ba, 01:10 19-04-2022
- | Lượt xem: 4784
CĂN CỐT CỦA HỆ PHÁI KHẮT SĨ
VÀ YÊU CẦU CỦA TỪNG THỜI ĐẠI KHÁC NHAU
*Thích Minh Thành
Tóm tắt: Như một dạng “ôn cố tri tân” nhân sự kiện trọng đại, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tròn 40 tuổi, bài viết là một cố gắng tiếp cận căn cốt Khất sĩ, duyên do hình thành và những biểu diện bên ngoài của căn cốt ấy. Căn cốt thì có tính bền vững cao nhưng biểu diện bên ngoài của căn cốt ấy lại có mức độ biến chuyển để thích ứng mỗi lúc với diễn tiến của lịch sử qua từng thời kỳ. Qua đó từ một tổ chức Phật giáo đơn thuần tu học theo chủ hướng phục dựng lại dạng đạo Phật nguyên chất mà Tổ sư Minh Đăng Quang đã chủ trương và phát triển để hóa thân thành một dạng đạo Phật phục vụ dân tộc, xã hội và nhân sinh thời các đức Thầy. Những giáo đoàn Khất sĩ với tinh thần hòa hợp và phụng sự cao độ đã hòa nhập vào Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trở thành Hệ phái Khất sĩ, đáp ứng tốt yêu cầu của thời đại suốt 40 năm qua.
Từ khóa: Phật giáo, Khất sĩ, căn cốt, chấn hưng, phụng sự, nhập thế.
I. Dẫn nhập
Gần một trăm năm từ nữa sau Tk XIX đến nữa đầu Tk XX là thời kỳ mà Việt Nam rơi vào tình trạng bị phương Tây xâm lược và bị độ hộ. Thực dân Pháp áp đặt lên đại đa số người Việt một chế độ cai trị mà tuyệt đại đa số người Việt không mong muốn. Các phong trào của người Việt nổi lên chống thực dân Pháp và chống cả những người Việt theo thực dân Pháp. Hệ quả của những mối xung đột phức tạp là những giá trị nền tảng về nhiều phương diện bị đổ vỡ, kể cả phương diện văn hóa và tôn giáo. Những hình thái sức mạnh mềm của phương Tây chiếm ưu thế. Phật giáo chịu ảnh hưởng nặng nề và rơi vào tình trạng suy thoái, dần dần mất đi vị thế tôn nghiêm, khó có thể phát huy được tác dụng hộ quốc an dân. Chuyện tầng bậc tu chứng hay cảnh giới thâm sâu của cõi đạo là chuyện xa vời. Tổ sư Minh Đăng Quang đã ưu tư về tình trạng của đạo Phật thuở ấy và nói rằng: “Đạo Phật ngày nay (Vùng đất Nam bộ thời Pháp thuộc - NV[1]) không còn cao quý, là bởi Tăng-già suy kém vật chất thạnh hành ...ít kẻ lo tu học tìm đạo.[2]” Câu chuyện bắt đầu như vậy.
Bài viết gồm có 5 phần. Phần đầu và phần hai nói sơ về tình trạng nhiễu nhương cao độ của xã hội và tình trạng quá nhiều bế tắt trong cuộc sống nhân sinh. Điểm nhấn là tình trạng suy thoái của đạo Phật. Sau đó, bài viết trình bày suy nghĩ về căn cốt Khất sĩ mà cũng là căn cốt Phật giáo, dạng Phật giáo nguyên chất. Khất sĩ là một dạng Phật giáo khá mới mẻ. Mới ở đây theo nghĩa sáng tạo mới một phương thức và thiết kế mới một tổ chức, góp phần hóa giải những bức xúc trước thời cuộc và đáp ứng những thao thức trở về nguồn cội tinh tuyền của đạo Phật. Tính chất giải thoát giác ngộ vô ngã vị tha của đạo Phật thì không cũ mới. Đóng góp ở đây chủ yếu là khai thông một sinh lộ về phương diện tâm linh và đời sống tín ngưỡng. Nói đơn giản, hình ảnh chuẩn mực của vị Khất sĩ giúp kích hoạt thiên lương mà trong lòng ai cũng có, nó giúp người dân, vốn bị nhiều áp lực đa phương diện, làm dày lên niềm tin đang rất mỏng manh đối với cuộc sống. Phần ba nói về nổ lực của những vị Khất sĩ trong việc củng cố tinh thần hòa hợp, thích nghi và cống hiến. Không chỉ làm đa dạng hơn, phong phú hơn những sắc thái khác nhau trong việc hành trì Phật giáo, những vị Khất sĩ còn làm gia tăng sức mạnh mềm của dân tộc qua việc lấy cục diện lớn làm trọng, lấy sự nhẫn hòa làm kim chỉ nam trong tư duy và hành động. Đối với những người bị thiên tai dịch bệnh, những vị Khất sĩ đã thể hiện tấm lòng chia sẻ và thương yêu với những món quà trao tận tay cho người đang gặp khó khăn. Phần bốn và phần năm nói về sự nhất quán nội tại bên trong vị Khất sĩ. Nhất quán ở đây không phải là không có sự khác biệt. Đúng hơn, đó là sự khác biệt nhưng hài hòa với nhau giữa những yếu tố của dạng đạo Phật nguyên chất và đạo Phật phát triển, những yếu tố của đạo Phật nhập thế dấn thân và tâm thái xả ly vô sở trụ. Nhất quán ở đây còn có nghĩa là nhìn ra những yếu tố tích cực cần phát huy và yếu tố tiêu cực cần hạn chế. Cuối cùng, nhất quán ở đây còn là cái nhìn tương tức, tương quan tương duyên với nhau, với tất cả những yếu tố, trên lộ trình hướng đến cảnh giới tốt đạo đẹp đời theo nghĩa phổ thông và cảnh giới chơn như giải thoát, vắng bặt vọng tâm theo nghĩa tối hậu.
II. Căn cốt Khất sĩ là một hoài bảo và triển khai hoài bảo vào hiện thực cuộc sống
Với tấm lòng ưu thời mẫn thế Tổ sư có một ước mơ và hoài bảo mà những tác giả của bộ sách Vùng đất Nam bộ – Quá trình hình thành và phát triển đã gọi là hoài vọng: “Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam có hoài vọng mở đường cho sự trở về gần gũi hơn với đời sống Đức Phật, thực sự được giải thoát, làm du tăng khất sĩ...[3]” Tổ sư đã mở ra con đường mới mẻ của đạo Phật trước khung cảnh nhiễu nhương của thời đại thực dân và phong kiến và đặt tên con đường này là Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam với chí nguyện Nối Truyền Thích Ca Chánh Pháp. Với chí nguyện như vậy thì ý niệm mới mẻ ở trên chỉ là cách biểu đạt bên ngoài chứ cái căn cốt vẫn là Thích Ca Chánh Pháp. Nói cách khác, đó chỉ là cách đặt trọng tâm mới chớ căn cốt vẫn là giải thoát giác ngộ, cách triển khai vào đời sống tu học, đời sống ăn mặc nói làm mới chớ căn cốt vẫn là giáo hóa độ sanh.
Công trình giáo hóa độ sanh này, như đã nói, có điểm xuất phát hay căn cốt là một ước mơ lớn, một hoài bảo lớn. Lớn ở đây có nghĩa là phạm vi của ánh nhìn tuệ giác và viễn kiến vừa nằm trong phạm vi của cục diện chính trị và xã hội trước mắt, vừa vượt khỏi phạm vi đó, hướng đến một cảnh giới thuần nhất đại đồng. Trong cảnh giới đó con người và mọi sinh thể không nói chuyện với nhau bằng loại hình ngôn ngữ hơn-thua, mạnh-yếu, giàu-nghèo, sang-hèn, trí-ngu... mà nói chuyện với nhau bằng loại hình ngôn ngữ của tầng bậc đạo đức và yêu thương không vướng mắc. Tuệ giác và viễn kiến của Tổ sư tuy là vượt khỏi phạm vi thông thường nhưng vẫn là đóa sen vươn lên từ nền tảng là bùn đất của cục diện chính trị và xã hội nhiễu nhương, phần nào phản ánh thực tế của nhân sinh thời ấy. Trong giai đoạn đạo Phật suy vi vì thế cuộc thì có hoài bảo và sau đó với tấm lòng nhiệt huyết dám triển khai và thực thi hoài bảo của mình vào hiện thực đời sống là một đóng góp có thực chất về nhiều phương diện, góp phần đẩy mạnh phong trào chấn hưng của Phật giáo Việt Nam, gia cố vững chắc sức mạnh mềm của dân tộc. Con đường phạm hạnh và thanh tịnh, trí tuệ và thương yêu một khi khai thông thì những con đường khác, những tuyến tư duy và hành động khác, sẽ có cơ hội mở ra theo nguyên lý tương quan tương duyên của cuộc sống.
Trong thực tế, nếu chỉ hoài vọng hay hoài bảo mà không triển khai được hoài bảo hoặc chỉ triển khai nữa chừng thì chắc chắn không có Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, một tổ chức nhằm thực hiện một cách thực chất tôn chỉ “Nối truyền Thích Ca Chánh Pháp.” Trong quãng thời gian non 10 năm, Tổ sư đã đưa hoài vọng đó vào hiện thực cuộc sống của bản thân và làm cho hoài vọng trở về ấy lan tỏa vào đời sống cộng đồng. Công việc phải làm là xây dựng đội ngũ nhân sự, xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng thời khóa tu tập và tụng niệm hàng ngày, thời khóa lễ nghi cho tứ chúng hàng tháng, các pháp sự và tăng sự quan trọng của toàn thể tăng đoàn và lễ hội cho bá tánh hàng năm. Muốn xây dựng trước hết phải thiết kế mô hình, sáng tạo ra những nét mới. Muốn sáng tạo phải dựa trên một quy chuẩn để làm nền tảng. Muốn có quy chuẩn phải có một triết lý hay học thuyết làm chủ hướng cho tất cả. Công trình xây dựng, thiết kế, biên soạn và sáng tạo ra và xây dựng nên những thứ mà chúng ta thấy ngày nay rõ ràng là đã đặt ra trong thời kỳ phác thảo sơ khai, vạn sự khởi đầu nan, những yêu cầu vô cùng to lớn mà Tổ sư phải tận lực đảm đương và đáp ứng.
Đơn cử như chuyện xây dựng đội ngũ tăng ni, Tổ sư phải tìm kiếm và đào tạo cho được những người có tố chất và có chí nguyện xuất gia thật sự. Đồng thời những người ấy phải cơ cảm được con đường trở về với đạo Phật nguyên chất mà Tổ sư đã vạch ra. Những người ấy phải biết sống chung, biết học chung, biết tu chung theo chuẩn mực Giới-định-tuệ, hướng về chổ tinh tuyền của nhà Phật. Những vị Khất sĩ tiềm năng thời ấy cần phải tiệm cận tới những chuẩn mực mà Tổ sư đặt ra. Người viết xin tùy tiện nêu lên một vài điều:
“Người Khất Sĩ phải có đủ điều kiện của một người học trò không dính dấp con vợ cửa nhà, bịnh hoạn thiếu nợ, tà ma nhập xác, hoặc kẻ trốn tránh, tội lỗi chi chi, phải trên mười tám tuổi, phải hiền hậu thông minh, có nết hạnh.[4]”
“Cấm người xuất gia mà không tu thiền định.[5]”
“Khất Sĩ phải là khổ cực không không, xem mình đã chết, chỉ sống bằng tâm hồn, nơi cõi này cũng như nơi cõi khác, năm này cũng như những tháng kia, chỉ biết một việc lo tu học cho mau tấn tới mà thôi.[6]”
“Giáo lý Khất sĩ phải là tiếng chuông cảnh tỉnh ngân nga vang dội, gọi thức quần sanh, kêu khuyên người trí, tiếp độ kẻ hiền.[7]” Người Khất sĩ tin rằng hình bóng vị Khất sĩ sống đời phạm hạnh, đầy đủ oai nghi cốt cách, sống bằng Chánh mạng, tái hiện hình bóng của những vị Khất sĩ thời Phật còn tại thế có công năng kích hoạt và khởi động những cái tốt đẹp nhất trong tâm hồn người dân. Nói rõ hơn, vị Khất sĩ có sứ mệnh kích hoạt thiên lương, khởi động cảm thức thiêng liêng về cõi đạo. Thiên lương và cảm thức này tuy có sẵn nhưng nhiều khi nằm im bất động trong tâm hồn. Khi thiên lương và cảm thức thiện lành này được kích hoạt thì chắc chắn người dân sẽ sống theo hướng thiện lành tốt đẹp.
Tiệm cận những chuẩn mực này thời phát tích khai sơn đã khó nhưng không quá khó vì có Tổ sư làm mẫu. Tiệm cận những chuẩn mực này ngày nay trở nên khó hơn vì những đặc điểm của thời đại; tuy nhiên, không có nghĩa là bất khả.
Những vị Khất sĩ thuộc thế hệ tiếp nối sau Tổ sư đã gìn giữ một dạng nguyên chất của Đạo Phật Khất Sĩ mà tiêu biểu là Đệ nhị tổ Giác Chánh. Song song với việc gìn giữ bản sắc Khất Sĩ, những vị Khất sĩ tiên phong cũng đã dấn thân vào công cuộc phá tà hiển chánh hộ quốc an dân trong thời chiến cũng như trong thời bình, đáp ứng tốt những yêu cầu ngày càng lớn hơn của thời đại, tiêu biểu là Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên và Ni trưởng Huỳnh Liên.
III. Nổ lực không ngừng trong thời duyên của hội nhập
Đến thời hòa bình thống nhất đất nước, tổ chức Phật giáo Khất sĩ tham gia vào Ban vận động thống nhất Phật giáo và trở thành một Hệ phái trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam với nguyên tắc: “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức; đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống Hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chính pháp.[8]” Tùy thuận với thời duyên mới và danh xưng mới, những vị Khất sĩ cần phải nổ lực không ngừng để tiếp nối những truyền thống mà thế hệ tiền hiền đã xây dựng và có những đóng góp nhất định cho Phật giáo và dân tộc. Hệ phái Khất sĩ đã thể hiện tinh thần hòa nhập và nổ lực không ngừng để giữ gìn truyền thống nhất quán trong tu tập song song với việc phát triển về mọi phương diện để đáp ứng và đóng góp đa dạng và đa tuyến cho những hoạt động tốt đạo đẹp đời.
Tiến sĩ Bùi Hữu Dược[9] đã liệt kê danh sách 8 vị Khất sĩ tham gia Hội đồng Chứng minh và 14 vị tham gia Hội đồng trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam nhiệm kỳ 2012 – 2017[10]. Dĩ nhiên, khi nói về tinh thần hòa hợp và sự nổ lực đóng góp thì những con số chỉ nói lên được phần nào của bức tranh toàn cảnh. Những đóng góp thực tế chắc chắn là phong phú và đa dạng hơn. Không chỉ Tiến sĩ Bùi Hữu Dược mà Thạc sĩ Phan Thuận[11] và Ngô Hương Giang[12] cũng đã thấy và trình bày những chổ tích cực của Hệ phái Khất sĩ trong dòng vận hành chung của Phật giáo và dân tộc: “Sự hình thành và phát triển của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã để lại những dấu ấn khá riêng biệt, điểm tô bức tranh Phật giáo Việt Nam với nhiều nét văn hóa đặc sắc ở vùng đất này[13]”, “Sự thống nhất về tổ chức và lãnh đạo, về tư tưởng và hành động, sự đoàn kết và hòa hợp trong nội bộ khiến hoạt động Phật sự của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ ở Cần Thơ đạt được nhiều kết quả đáng kể, vừa giữ vững nét đặc thù của Hệ phái, vừa làm phong phú hơn văn hóa truyền thống Phật giáo Việt Nam.[14]”
Thực tiển, cụ thể và dễ diễn đạt nhất là hoạt động từ thiện xã hội. Thông qua hoạt động này những nhà sư thuộc Hệ phái Khất sĩ đã góp phần nâng cao yếu tố yêu thương xan sẻ đến những người dân thiếu may mắn trong xã hội, một xã hội mà yếu tố cạnh tranh và vô cảm có dấu hiệu gia tăng. Đây cũng là hoạt động thể hiện tinh thần dấn thân nhập thế một cách rõ nét. Ban Từ thiện xã hội Hệ phái Khất sĩ từ tháng 09 năm 2019 đến tháng 05 năm 2020 đã thực hiện bốn chuyến cứu trợ và bản báo cáo về Thường trực Hệ phái về tinh thần phụng sự nhập thế dấn thân như sau:
Dưới sự chứng minh và chỉ đạo của chư Tôn đức Thường trực Giáo phẩm, Ban Từ thiện xã hội Hệ phái đã cố gắng nỗ lực hoàn thành các công tác Phật sự, từ việc cứu trợ đồng bào bị thiên tai bão lũ, đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, cho đến công tác vận động cứu trợ đồng bào dân tộc nghèo thiểu số vùng cao nguyên... Những thành quả đạt được trong công tác từ thiện này tất cả đều có sự chung tay góp sức tài lực, trí lực của chư Tôn đức Tăng Ni thành viên trong Ban, quý Cư sĩ – Phật tử gần xa, các Mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước... Tất cả... đều không ngoài tâm nguyện của người con Phật “Phục vụ chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật” và tấm lòng nhân từ bi đức muôn thuở của nhân gian “Dù cho cất chín phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”, cũng như bổn hoài của người xuất gia là đưa chúng sanh từng bước vượt thoát sông mê đến bờ an vui giải thoát.
Dưới đây là những con số mang tính thống kê:
1. Tháng 09 năm 2019: Thăm viếng và trao tặng 2 ngàn phần quà đến đồng bào bị thiên tai lũ lụt tại hai tỉnh: Quảng Bình và Hà Tĩnh.
2. Giữa tháng 12 năm 2019: Thăm viếng và trao tặng 1 ngàn phần quà cho đồng bào dân tộc vùng cao tại tỉnh Kon Tum.
3. Cuối tháng 12 năm 2019: Thăm viếng và trao tặng 3 ngàn 3 trăm phần quà cho đồng bào bị lũ lụt tại 4 tỉnh: Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam.
4. Tháng 05 năm 2020: Thăm viếng và trao tặng 1 ngàn phần quà cho đồng bào bị hạn hán, ngập mặn tại tỉnh Bến Tre.
Như vậy từ tháng 09 năm 2019 đến tháng 05 năm 2020, Ban Từ thiện xã hội Hệ phái đã thăm viếng, an ủi, động viên đồng bào gặp thiên tai ở các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bến Tre. Các nhà sư Khất sĩ đã trao tặng tận tay cho đồng bào gặp khó khăn và cần sự giúp đỡ của các tỉnh trên số phần quà lên đến 7 ngàn 3 trăm phần. Tổng trị giá ước tính là 4 tỷ VNĐ.
IV. Lý tưởng giải thoát xả ly, tinh thần phụng sự và một chút ưu tư cần có.
1. Lý tưởng giải thoát xả ly và tinh thần phụng sự
Điều mà những vị Khất sĩ nghĩ ngợi là phải làm như thế nào để giữ gìn truyền thống nhất quán trong tu tập song song với việc nổ lực phát triển để đóng góp và đáp ứng yêu cầu của mỗi thời đại. Phần II ở trên, người viết đã nêu lên tinh thần phụng sự với những đóng góp cụ thể ngay trong giai đoạn Giáo hội Phật giáo Việt Nam chưa thành lập cho đến ngày hôm nay. Tiến sĩ Bùi Hữu Dược, sau đó là Thạc sĩ Phan Thuận và Ngô Hương Giang đã có những nhận định có thẩm quyền về chức năng quản lý nhà nước và về nghiên cứu học thuật, người viết sẽ không chi tiết thêm.
Khi nói về gìn giữ căn cốt và phát triển đa phương diện thì gìn giữ ở đây nên hiểu là gìn giữ độ nguyên chất của Giáo pháp Khất sĩ mà Tổ sư đã chắt lọc tinh túy từ nhiều truyền thống để thiết lập lên. Tự thân Tổ sư đã thực hiện một cách trọn vẹn, đồng thời hóa độ nhiều người xuất gia, sống đời du phương hoằng hóa, để cùng thực hiện, tạo nên sự cộng hưởng cần thiết, nguồn năng lượng tích cực của Tăng đoàn.
Về hình thức, đó là hạnh y bát. Y ở đây là y bá nạp và bát ở đây là bát bằng đất. Trong Chơn Lý Y Bát Chơn Truyền số 13, Tổ sư nói: “Áo bá nạp[15] rách tháo ra, vá may lại nhiều miếng, dầu có kêu cho cũng không ai lấy. Bát đất như nồi thố đen thui, quên bỏ chẳng ai giành, bán chẳng ai mua, nài không ai nhận. Cũng như thân mình chết bỏ, vật tạm chẳng tiếc ham; khi rách bể, xin nơi giàu nghèo ai ai đều sẵn có; trộm cắp chẳng rình mò, nằm đêm không lo sợ, thong thả rất thanh nhàn. Muốn nhập định lúc nào cũng được...[16]”
Về nội dung tư tưởng thì cốt lõi là sống chung, học chung và tu chung để có được đời sống phạm hạnh và thanh tịnh, giác ngộ và giải thoát, không còn bị chi phối bởi phiền não và khổ ưu của sanh tử luân hồi. Vị Khất sĩ nơi tự thân thì hướng tới cảnh giới chơn như của chư Phật, nơi xã hội thì thuyết pháp giáo hóa tha nhân, khuyên người bỏ điều ác, theo điều thiện, theo đuổi cuộc sống lành mạnh và hướng thượng.
Hình thức và nội dung cần gắn bó để thành toàn cho nhau, nếu nói sự và lý không thể tách rời thì Thạc sĩ Phan Thuận và Ngô Hương Giang đã chính xác khi nói rằng: “Ở Việt Nam vào cuối những năm 1940, hình thức khất thực được Tổ sư Minh Đăng Quang khôi phục và hành trì nghiêm túc trong suốt thời gian ông còn tại thế. Ông xem pháp môn này là cách nuôi mạng theo Chánh pháp duy nhất của một vị Tỳ-kheo thanh tịnh...[17]” Nuôi mạng theo Chánh pháp duy nhất ở đây nên hiểu là Chánh mạng duy nhất. Vì vậy khi người viết đọc tác phẩm Vùng đất Nam Bộ tập V từ năm 1859 đến năm 1945 do Đoàn Minh Huấn, Nguyễn Ngọc Hà chủ biên (2017) nói: “Đạo đã lấy đặc điểm trong sinh hoạt gồm ba phương châm theo phong cách Hán-Việt: ‘Dĩ hòa vi quý, dĩ nông vi thiền, dĩ tâm vi Phật[18]’.” thì người viết cảm thấy cần thận trọng trong cách hiểu.
Dĩ hòa vi quý và dĩ tâm vi Phật đều không có liên quan gì đến Chánh mạng nhưng “dĩ nông vi thiền” thì có. Chúng ta nên hiểu rõ hoàn cảnh lịch sử và giai đoạn thời gian mà ý tứ “dĩ nông vi thiền” được nêu lên. Đồng thời nên tham chiếu Kinh điển để có thể hiểu đúng chứ không nên chỉ hiểu theo một hoàn cảnh hay một thời kỳ nhất định nào đó. Tương Ưng Bộ Kinh I[19], phẩm Cư sĩ cung cấp cho chúng ta một cách hiểu truyền thống xa xưa thời Phật còn tại thế với bài kệ sau đây:
Lòng tin là hạt giống, Khổ hạnh là mưa móc, Trí tuệ đối với Ta, Là cày và ách mang, Tàm quý là cán cày, Ý căn là dây cột, Chánh niệm đối với Ta, Là lưỡi cày, gậy đâm. Thân hành được hộ trì, Khẩu hành được hộ trì Ðối với các món ăn, Bụng Ta dùng vừa phải, Ta nhổ lên (tà vạy), |
Với chơn lý sự thật, Hoan hỷ trong Niết-bàn Là giải thoát của Ta. Tinh tấn đối với Ta, Là khả năng mang ách, Ðưa Ta tiến dần đến, An ổn khỏi ách nạn, Ði đến, không trở lui, Chỗ Ta đi, không sầu. Như vậy, cày ruộng này, Ðưa đến quả bất tử, Sau khi cày cày này, Mọi đau khổ được thoát. |
2. Một chút ưu tư cần có
Bức tranh toàn cảnh của dòng vận hành của đạo pháp không phải lúc nào cũng tinh tuyền thuần nhất mà luôn có sự đan xen của những yếu tố không mong muốn. Như vậy một mặt những thành tựu đã được ghi nhận tuy khó mà đầy đủ và mặt khác là những hạn chế, những hạt sạn, những yếu tố không mong muốn cần phải được phát hiện và chuyển hóa. Thạc sĩ Phan Thuận và Ngô Hương Giang trong bài viết “Một số vấn đề đặt ra đối với hoạt động hệ phái Phật giáo Khất sĩ trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong bối cảnh toàn cầu hóa[20]” đã cung cấp một số thông tin mà những vị Khất sĩ có trách nhiệm phải ưu tư. Đó là câu chuyện liên quan đến những phương diện như: Hoạt động Phật sự, hoạt động giáo dục Tăng Ni, hoạt động khất thực hóa duyên, hoạt động xây dựng trùng tu tôn tạo cơ sở thờ tự và hoạt động từ thiện xã hội. Từ những yếu tố căn cốt như tôn chỉ sống chung tu học, giác ngộ giải thoát và giáo hóa nhân sinh cho đến những yếu tố thực tiển như chuyện hành đạo tại cơ sở, chuyện nâng cao phẩm chất và trí thức của đội ngũ nhân sự... thỉnh thoảng, nơi này nơi khác đã báo hiệu về những vấn đề cần phải có những giải pháp thích hợp và thỏa đáng.
V. Thay lời kết
Con đường vẫn còn phía trước, tất cả những vấn đề một khi đã đặt ra thì đều có một hoặc nhiều đáp án. Với trí tuệ và lòng từ ái, với sự hỗ trợ của chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo và các cơ quan chức năng ban ngành thì con thuyền chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam hay bộ phận của con thuyền đó Hệ phái Khất sĩ ắt vượt qua những hạn chế và thực hiện chức năng của mình một cách tốt đẹp nhất có thể.
THƯ MỤC THAM KHẢO
- Đoàn Minh Huấn, Nguyễn Ngọc Hà (2017) chủ biên, Vùng đất Nam Bộ tập V từ năm 1859 đến năm 1945, Nxb. Chính Trị Quốc Gia Sự Thật, Hà Nội.
- GHPGVN, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018) tu chỉnh lần thứ VI, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
- Minh Đăng Quang (1965), Luật Nghi Khất Sĩ, Giấy phép số 3794/BTT/BC3/XB.
- Minh Đăng Quang (2016), Chơn Lý, Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, Tp HCM.
- Nhiều tác giả (2015) Phật giáo vùng Mê-kông tập 2 – di sản và văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh, Tp HCM.
- Nhiều tác giả (2015) Phật giáo vùng Mê-kông tập 3 – ý thức môi trường và toàn cầu hóa, Nxb Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh, Tp HCM.
- Nhiều tác giả (2016) Hệ phái Khất sĩ – quá trình hình thành, phát triển và hội nhập. Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
- Thích Minh Châu (1993) dịch, Tương Ưng bộ kinh I, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Tp HCM.
* Ủy viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự TƯ GHPGVN, Phó Trưởng ban Ban Giáo dục Phật giáo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
[1] Chú thích của người viết.
[2] Minh Đăng Quang, Chơn Lý, Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, Tp HCM 2016, tr. 321.
[3] Đoàn Minh Huấn, Nguyễn Ngọc Hà chủ biên (2017) Vùng đất Nam Bộ tập V từ năm 1859 đến năm 1945, Nxb. Chính Trị Quốc Gia Sự Thật, Hà Nội, tr. 405. “Với pháp môn tu hành theo lối “Khất sĩ”, nhà sư Minh Đăng Quang đã thể hiện sự sáng tạo và tính dung hợp hai đường lối Nam Tông và Bắc Tông qua bộ kinh Chân lý. Đây là bộ kinh đầu tiên của hệ phái này tại Nam Bộ, thể hiện được bản sắc riêng, không lệ thuộc vào kinh văn Hán tự. Bằng phương pháp xả kỷ, lợi tha, trì bình khất thực, hóa độ chúng sinh,” Minh Đăng Quang đã nêu hạnh nguyện: “Nối truyền Thích Ca chánh pháp, đạo Phật Khất sĩ Việt Nam”. Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam có hoài vọng mở đường cho sự trở về gần gũi hơn với đời sống Đức Phật, thực sự được giải thoát, làm du tăng khất sĩ qua hình ảnh túc hạnh, tứ y pháp. Đạo đã lấy đặc điểm trong sinh hoạt gồm ba phương châm: Dĩ hòa di quý, dĩ nông vi thiền, dĩ tâm vi Phật.”
[4] Minh Đăng Quang, Chơn Lý, Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, Tp HCM 2016, tr. 162.
[5] Minh Đăng Quang, Luật Nghi Khất Sĩ, Giấy phép số 3794/BTT/BC3/XB, ngày 22-12-1965, tr. 235.
[6] Minh Đăng Quang, Chơn Lý, Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, Tp HCM 2016, tr. 162.
[7] Minh Đăng Quang, Chơn Lý, Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, Tp HCM 2016, tr. 695.
[8] Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2018) tu chỉnh lần thứ VI, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 3.
[9] Nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ.
[10] Nhiều tác giả (2016) Hệ phái Khất sĩ – quá trình hình thành, phát triển và hội nhập. Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr. 925 - 26.
[11] Thạc sĩ, Học viện Chính trị Khu vực IV, Tp Cần Thơ.
[12] Học viện Chính trị Khu vực IV, Tp Cần Thơ.
[13] Nhiều tác giả (2015) Phật giáo vùng Mê-kông tập 3 – ý thức môi trường và toàn cầu hóa, Nxb Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh, Tp HCM, tr. 204.
[14] Nhiều tác giả (2015) Phật giáo vùng Mê-kông tập 3, sđd., tr. 205.
[15] Nhiều tác giả (2015) Phật giáo vùng Mê-kông tập 2 – di sản và văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh, Tp HCM, tr. 88. Trần Hồng Liên (Phó giáo sư, Tiến sĩ, Hội Dân tộc học & Nhân học Tp Hồ Chí Minh) đã chính xác khi giải thích như sau: “...Khất sĩ, tuy có ảnh hưởng cách vấn y và màu sắc của hệ phái Nam tông, nhưng có sáng tạo thêm, chiếc y gồm một trăm mảnh nhỏ ghép lại, gọi là y bá nạp.”
[16] Chơn Lý còn nói thêm về công năng của y và bát như là một dạng tài sản duy nhất hợp với Chánh pháp và giáo luật của Phật giáo của một vị Tỷ-kheo phạm hạnh thanh tịnh: “trộm cắp chẳng rình mò, nằm đêm không lo sợ, thong thả rất thanh nhàn. Muốn nhập định lúc nào cũng được, muốn chết lúc nào cũng an, học gẫm điều chi không xáo rộn, bằng mất hết cũng không nhìn.
[17] Nhiều tác giả (2015) Phật giáo vùng Mê-kông tập 3, sđd., tr. 209. Phan Thuận và Ngô Hương Giang nói thêm rằng: “... hình ảnh của người đi khất thực là một biểu trưng tốt đẹp của nguyên lý chia sẻ chan hòa về vật chất cũng như tinh thần. Nếu một xã hội hoặc một cộng đồng người coi trọng việc chia sẻ chan hòa thì cộng đồng đó chắc chắn sẽ thuần hòa đạo đức hơn, mối quan hệ giữa con người và con người sẽ đầm ấm an vui hơn. || Trong bối cảnh xã hội ngày nay, sự phân hóa giàu nghèo có khuynh hướng gia tăng, mức sống giữa người giàu và người nghèo ngày càng tách biệt; sự tranh giành địa vị và quyền lợi trở nên gay gắt; lối sống hưởng thụ trở nên phổ biến thì hình ảnh của một khất sĩ đầu trần chân không trang nghiêm từng bước giáo hóa Phật tử và nhân dân phải chăng là một đối trọng giúp cho việc trung hòa những xu thế đáng lo ngại đã nêu trên và gợi ý một nếp sống, nếp nghĩ trung đạo thăng bằng.”
[18] Đoàn Minh Huấn, Nguyễn Ngọc Hà chủ biên (2017), sđd., tr. 405.
[19] Thích Minh Châu (1993) dịch, Tương Ưng bộ kinh I, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Tp HCM, tr. 377 – 81.
[20] Nhiều tác giả (2015) Phật giáo vùng Mê-kông tập 3, sđd., tr. 205 - 13.
Các bài viết liên quan
- Đạo Phật Khất sĩ và bốn tinh thần tiêu biểu trước khi hòa nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Thứ Bảy, 08:56 14-05-2022 - xem: 3937 lần
- Công trình dung hợp khởi phát từ Tổ sư Minh Đăng Quang - Thứ Ba, 09:42 19-04-2022 - xem: 7444 lần
- Sư phát triển của Hệ phái Khất sĩ tại hải ngoại - Thứ Ba, 08:11 19-04-2022 - xem: 4888 lần
- Căn cốt của Hệ phái Khất sĩ và yêu cầu của từng thời đại khác nhau - Thứ Ba, 01:10 19-04-2022 - xem: 4784 lần
- Bước đầu nhận diện những nét chính của Giáo đoàn Khất sĩ và của vị Hành giả Chơn lý - Thứ Ba, 00:51 19-04-2022 - xem: 4114 lần
- Tinh tấn tu tập nhiếp phục thân khẩu ý thanh tịnh - Thứ Năm, 10:14 29-07-2021 - xem: 10206 lần
- Kinh nghiệm kiểm soát và chuyển hóa ác nghiệp - Thứ Hai, 11:47 26-07-2021 - xem: 6937 lần
- Phát huy những giá trị tốt đẹp của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ - Thứ Bảy, 22:38 03-04-2021 - xem: 7528 lần
- Phát huy giá trị tôn giáo và xã hội của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - Thứ Năm, 10:28 01-04-2021 - xem: 5846 lần
- Những giá trị của Hệ phái Khất sĩ trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - Thứ Năm, 10:08 01-04-2021 - xem: 7441 lần
- Hòa thượng Thích Giác Toàn chia sẻ nhân duyên với Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang - Chủ Nhật, 00:03 14-03-2021 - xem: 8131 lần
- Quá trình hình thành và phát triển Hệ phái Khất sĩ Việt Nam ở Bình Dương - Thứ Bảy, 02:54 18-07-2020 - xem: 8596 lần