CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Con đường đến Toàn giác không có phân thừa

tsmdq 19

Trong bài viết này, người viết mạo muội trình bày quan điểm cá nhân về Nguyên nhân Tổ sư khai sơn lập đạo; Mục đích rốt ráo của Khất sĩ là gì và Con đường đưa đến toàn giác không có phân thừa mà đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã trình bày qua ba quyển Chơn lý: “Hòa bình”, “Trường đạo lý” và “Đạo Phật Khất Sĩ”.

Con đường tu tập đến toàn giác vốn có tự ngàn xưa, nhưng do lớp bụi thời gian đã phủ mờ, và đức Thế Tôn đã phải trải qua thời gian dài “lang thang trong vòng luân hồi vô lượng kiếp” để mãi tìm người thợ làm nên ngôi nhà ngũ uẩn của chúng sanh, cuối cùng Ngài đã bật lên lời cảm thán khi vừa thành đạo dưới cội Bồ-đề: “Này kẻ làm nhà kia, nay Như Lai đã tìm gặp ngươi. Từ nay ngươi khỏi cất nhà cho Như Lai nữa. Kèo cột ca ngươi đã bị ta phá tan; cây đòn dông của ngươi cũng bị ta bẻ gãy. Như Lai đã chứng quả vô sanh bất diệt, đã đoạn tận mọi ái dục1. Con đường tu tập để đoạn tận vô minh và ái dục ấy chính là con đường Bát chánh đạo, Giới - Định - Tuệ, hay nói rộng ra là 37 Phẩm trợ đạo.

Con đường tu tập ấy vốn có tự ngàn xưa2, Thế Tôn đã làm sống dậy và làm huy hoàng với hình ảnh Tăng đoàn đầy trí tuệ, trang nghiêm.

Bẵng qua thời gian hơn 2.500 năm đến thời đại của Tổ sư Minh Đăng Quang, Phật giáo Việt Nam như cái bát bể3, chia manh mún ra tông giáo, đất nước loạn lạc chiến tranh, nhơn sanh thống khổ.

Trong Chơn lý “Hòa bình”, Tổ sư xót xa thấy chúng sanh thời nạn khổ nên suy tư tìm phương cứu khổ. Ngài thấy rằng:

- Người đời chia rẽ từng nhóm khối xã hội gia đình, cá nhân tư kỷ, do đó mới có họa chiến tranh4.

- Do con người sống thiếu đạo đức, mất cả lòng nhơn. Do sát sanh gây oan oan tương báo lẫn nhau. Do lòng tham lam ích kỷ sanh trộm cắp, giựt giành5.

Phương pháp để chấm dứt chiến tranh là:

- Con người phải sống đạo đức, phải tu: “Thế gian tất cả hiền lành / tức thời thế giới hòa bình tự nhiên6.

- Con người phải không sát sanh, không trộm cắp mà hành hạnh bố thí, cúng dường:

Đạo cứu thế muôn ngàn điều luật,

Đây hai điều phương thuật cứu tinh:

Không trộm cắp, không sát sinh,

Ấy là hai đấng thần linh hộ trì”. (tr.395)

“Lòng tham làm giặc hiểm nghèo,

Hạnh tu bố thí gương treo sửa đời”. (tr.397)

Tiến lên một bước rốt ráo, con người xuất gia, hành Tứ y pháp, đi trì bình khất thực, làm gương đạo đức để lập đời đạo đức, dẫn loài người đến mức an vui, không còn loạn khổ:

Trong đời phải cần tu hai pháp / Ăn chay và vui hạp đi xin

Luật nghiêm giới cấm giữ gìn / Muôn người hòa hiệp như in một người.

Ấy phương pháp lập đời đạo đức / Dẫn loài người đến mức yên vui

Không còn loạn khổ chia phui / Ủ ê tang tóc ngậm ngùi đau thương !” (tr. 398)

Như vậy trong mỗi xứ muốn được bình yên là phải cần có đạo đức, trước lập đạo, sau cứu đời mới đặng. Sự lập đạo ấy là hòa hiệp, hòa hiệp là sẽ bình yên, có hòa bên trong trước, thì ngoài sẽ bình sau. Sao gọi là hòa bên trong? Tức là phải hợp tác Tăng-già, phải liên hiệp tông giáo cư gia, và phải cải tổ xã hội gia đình. Tất cả bằng giới luật Phật. Hòa bên trong bằng giới luật của Phật như vậy thì người ngoài mới quí trọng, thương yêu chúng ta. Do vậy được bình yên bên ngoài. Trong hòa thì ngoài bình.

Vậy giới luật quí báu ở đời là:

- Giới luật xuất gia (đạo làm Phật).

- Giới luật tại gia (đạo làm Trời).

- Giới luật xã hội, gia đình (đạo làm người).

Trong đời ai cũng đều giữgiới luật như thế thì lớn nói nhỏ mới nghe. Cũng như cha không uống rượu thì dạy con kiêng cữ rượu mới được…

Chỉ có đạo đức mới có hòa bình, bằng không có đạo đức thì chẳng có hòa bình. Nếu có hòa bình chăng nữa đó là những hòa bình tạm dối, không bền thật”.

Thế mới gọi đời là lẽ sống chung tu học càng nhiều thiện lành trong sạch, có giới luật ca từng lớp một như nhau, là báu quý, tốt đẹp lắm. Còn ai không kỷ luật là tất nhiên phải bị tai nạn sợ sệt, vì tưởng sai, lầm hiểu. Có biết rõ như vậy, mới thấy ra võ khí sức lực ca trong đời, là dùng phòng ngừa sự thất luật, cùng việc bất ngờ thôi, chớ hòa bình là ở tại nơi giới luật đạo đức, nếu ai đem chỉ ra bằng lời nói rõ rệt, là sẽ nên được việc7.

Người nói đạo lý phải thật tu thì lời nói mới có kết quả, mới có trọng lượng. Người cầm cân nẩy mực cho dân phải gần dân, sát dân thì mới hiểu dân, lời nói ra của mình kêu gọi bình đẳng dân là chủ mới đúng, mới kết quả. Bằng không là sai lạc, dân không tin, không nghe.

Tóm lại, “có Giới luật mới không còn là đám rừng hoang hỗn loạn, con người sẽ định tâm sáng trí. Thế nên: đạo Phật, đạo Trời, đạo Người là Giới luật. Tăng-già, tông giáo, xã hội, gia đình là Giới luật. Giới luật là hòa, là đạo, là quả. Kết quả giới luật là kết quả quý báu, quý báu vô cùng. Vì chúng sanh ở trong một xứ nào mà có đạo, có giới luật là mặt đất tốt đẹp, có tu học, sống chung thì đâu còn có sự ghét ganh hiềm tỵ, vị kỷ đối với nhau nữa. Chừng ấy tức là kẻ thiếu ăn, người thiếu sống, trong ngoài, với ai, người ta đều hiểu biết cho nhau, trao đổi cùng nhau, đâu còn ai đói chết mà không phải gọi là bình yên trong ngoài, bình yên lâu dài mãi mãi, do nhờ sự kết quả ca Giới luật Phật. Với chơn lý ấy, mà thực hành đúng được thì chừng đó trong ngoài, việc lớn nhỏ, ta người, với ai, ở đâu, đều cũng thảy được hòa bình hết8. Vì tất cả lý do trên nên Tổ sư đã chủ trương cần phải thành lập “Trường đạo lý”, vì Tổ sư thấy ra chơn lý của võ trụ là xin nhau sống chung không thể riêng lẻ được.

Chơn lý ca võ trụ là sống chung: xin, cho, học, dạy. Ta là tất cả, tất cả là ta, ta sống cho tất cả, tất cả sống cho ta, tiếng ta đây là tất cả, đó tức là chơn lý võ trụ. Kẻ thật hành đúng chơn lý gọi là Khất sĩ. KHẤT: ấy là xin, SĨ: đây là học. Xin ấy rồi lại cho. Học đây rồi lại dạy. XIN phẩm thực, để nuôi thân giả tạm, CHO sự thiện lành phước đức, để bảo giữ sự sống dài lâu. HỌC bằng cách lượm lặt phương pháp khắp nơi, rút nhiều kinh nghiệm. DẠY là đem kết quả thật hành đặc điểm, chỉ lại cho người. Cái xin, cái học, cái dạy, cái cho, hai pháp nương sanh, mở ra một con đường xán lạn cho tất cả kẻ về sau tiến bước. Con đường ấy kêu là đạo. Đạo ca sống là xin nhau sống chung, đạo ca biết là học chung, đạo ca linh là tu chung”.

- “Đạo đây là chơn lý võ trụ ca chúng sanh chung, chớ không phải tông giáo tư riêng. Kẻ sống đúng chơn lý kết quả rốt ráo giác ngộ gọi là Phật, theo tiếng thông thường cũng kêu là đạo Phật. Khất sĩ chúng tôi lập nối truyền Chánh pháp ca Phật Thích-ca Mưu-ni, xuất hiện nơi xứ Việt Nam này, với mục đích cố gắng noi y gương Phật, thay Phật đền ơn và để đáp nghĩa chúng sanh trong muôn một, đang thời nạn khổ9.

- Trường đạo lý cũng đồng nghĩa với Trường đạo đức. Trường này “sống chung tu học mở rộng các lớp, lấy dùng chung cho tất cả đạo giáo phái10. Nơi đó mọi người cùng hành trì theo Giới - Định - Tuệ, lớp dưới 5 giới, lớp giữa 8 giới, lớp trên là bậc xuất gia từ 10 giới trở lên. Tùy cấp giữ giới, tu định và trình độ trí tuệ cao thấp mà phân thứ lớp. Trong trường học nầy mọi người bình đẳng, không phân biệt chủng tộc, màu da, giai cấp, số tuổi. Chỉ biết có sự ngăn ác, làm thiện, tu học sống với nhau cho được sáng suốt, yên lặng và trong sạch mà thôi.

- Trong trường này mọi người sống y chơn lý lẽ thật là tu hành tiến lên, từ địa vị một học trò, lên một đàn anh, đến trở nên thầy giáo; sau rốt là giám đốc, Tổ sư, nghỉ việc. Có nghĩa là trong trường đạo lý hay trường học đạo đức này chúng sanh sẽ tiến hóa, bước lên, đi tới, học chung. Mục đích chỗ đến của chúng sanh là nên người thiện lành, rồi làm bậc Trời, Thánh, và sau rốt thành Phật là chỗ đến rốt ráo11.

Trường đạo lý được ví như một cái trái ngon thơm ca 3 lớp người, đó là: người thiện lành (vỏ), Trời (thịt cơm) và Phật tại thế (hột). Trường này sẽ là hột giống. Từ hột giống này sẽ nẩy nở lan tràn ra khắp thế giới, nhơn loại, sẽ là gương mẫu thiên đường, là miếng đất mới đầu tiên trong không gian lịch sử ca quả địa cầu này. Y theo đó làm bản dạng, thì vĩnh viễn chúng sanh không còn chiến tranh, không còn chết khổ vì nhau, không còn vô minh tội lỗi, phân chia cướp lợi, là bởi ai ai cũng tự giữ gìn luật răn, cấm ác, từ 5 giới sắp lên, và có được học kinh nghiệm. Noi theo đó thì trong đời chỉ dụng cái thiện, cái học, cái tu. Càng nhiều cái thiện là càng hay, còn cái ác, một mảy cũng không nên chứa để12.

Trường đạo lý cũng chỉ cho thân và tâm của mỗi con người. “Mỗi thân hình người, mỗi một thế giới cũng có thể lập nên một cõi Phật, một trường đạo lý, nó phải là cái nhà sống chung tu học hòa thuận an vui ca chúng ta tạm trong mỗi kiếp; nó có ích quí đối với chúng ta lắm13.

Vậy, nguyên nhân Tổ sư khai sơn lập đạo là vì: Chiến tranh hiện tại đã khiến cho chúng sanh sống trong thống khổ. Tổ sư mong muốn chấm dứt nạn khổ chết, đem lại hòa bình cho chúng sanh bằng cách: tu hành cảm hóa giác ngộ diệt tranh; đem Chánh pháp của Phật đi vào cuộc đời. Chúng sanh nhơn loại nếu sống theo giới luật của Phật sẽ sống với nhau hòa bình, dứt chiến tranh, không còn khổ14.

Bên cạnh đó, đạo Phật ở Việt Nam lúc bấy giờ “như cái bát bể”, phân chia tông phái, người tu chơn chánh hiếm hoi, người không chơn chánh đi sai lệch đường lối cổ xưa của Phật. Cho nên, nhằm phục hồi chấn chỉnh như Phật Tăng xưa, Tổ sư giương cao ngọn cờ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam” để làm duyên cho chứng đắc đạo và quả, tự giác - giác tha, tự lợi - lợi tha.

Ta có thể tóm lại, mục đích của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam là:

- Nâng cao đời sống tu tập với mục đích đạt đến rốt ráo giải thoát. Không dừng lại, bằng lòng ở phước báu hữu lậu của cảnh giới nhơn, thiên. Noi y theo gương Phật, Chánh pháp của Phật, hành Tứ y pháp, tu tập Giới-Định-Tuệ để đạt sự giác ngộ giải thoát khỏi sanh tử luân hồi.

- Sau đó đem sự giác ngộ ấy dạy lại cho chúng sanh, thay Phật để đền ơn đáp nghĩa cho chúng sanh trong muôn một đang thời nạn khổ15.

con đường tu tập ấy không có phân thừa, không phải là đạo Phật gì cả, chỉ là danh xưng tạm để hiển lộ chơn lý. Con đường ấy cho tất cả chúng sanh chung, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, màu da, đẳng cấp xã hội, không có phân thừa.

Khất sĩ là danh từ chơn lý ca tất cả chúng sanh, là sống xin, để cho được biết linh tu học, chớ không vì tư kỷ. Khất sĩ mặc dầu đang mang hình thức đạo Phật, nhưng Khất sĩ cũng cố sức để hiểu rằng: Phật là giác chơn, là cái biết thật tự nhiên, là nghĩa lý ca tiếng Phật, mục đích ca cái biết nơi mình, chớ không phải mê tín mờ quáng, mà tự trói mình trong chữ Phật, tiếng đạo, hay tông giáo riêng biệt ! Nghĩa là, Khất sĩ là đang học pháp Phật, mà cũng như là đang học với các giáo lý khác, học chung với các pháp trong võ trụ, tách mình xa với tất cả sự trói buộc, mực giữa không không, không dính nhập vào riêng với ai hết !”. Bởi lẽ Khất sĩ là đang tập tu tìm học, lẽ phải nào, sự ích lợi nào, đời đạo cái chi tốt đẹp là Khất sĩ sẽ về theo tu học. Quyến thuộc của Khất sĩ may ra tạm có, ấy là những ai đã nhận ra và thật hành đúng chơn lý Khất sĩ như nhau, chớ ngoài ra, tất cả chúng sanh là bạn chung, đang sống chung tu học. Khất sĩ như của tất cả, tất cả cũng là như của Khất sĩ; Khất sĩ như lòng võ trụ, trong đó bao bọc chung những chúng sanh các pháp và vạn vật. Giáo lý Khất sĩ là con đường sáng của nhựt nguyệt tinh quang, là ánh sáng để chỉ rõ con đường trong sạch giải thoát, là hạnh phúc quý báu của sự sống chung tu học, yên vui, tiến hóa, là cảnh sáng giữa ban ngày; cũng là con mắt mở sáng tỏ rõ phân biệt, hay là con đường trung đạo chánh đẳng chánh giác vô thượng, là con đường tạm đi đến nơi chơn thật.

Khất sĩ là con đường tạm đi đến nơi chơn thật !

Kìa đoàn Du Tăng Khất Sĩ là con đường tạm hiện tại, để đi đến nơi chơn thật16.

Con đường tu tập ấy không có phân thừa, không phải là đạo Phật gì cả. Chỉ là danh xưng tạm để hiển lộ chơn lý. Con đường ấy cho tất cả chúng sanh chung, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, màu da, đẳng cấp xã hội, không có phân thừa.

Tịnh xá Ngọc Phương – TP. HCM

1. Kinh Pháp cú, 153-154.

2. Tương Ưng bộ kinh, kinh Thành cổ.

3. Chơn lý “Hòa bình” II, tr.374.

4. Chơn lý “Hòa bình” I, tr.367.

5. Chơn lý “Hòa bình” VII, tr.395- 397.

6. Chơn lý “Hòa bình” VII, tr.395, 397, 398.

7. Chơn lý “Hòa bình” V.

8. Chơn lý “Hòa bình” IV, tr.383.

9. Chơn lý “Hòa bình” I, tr.368.

10. Chơn lý “Trường đạo lý”, tr.23.

11. Chơn lý “Trường đạo lý”, tr.16-20.

12. Chơn lý “Trường đạo lý”, tr.24.

13. Chơn lý “Trường đạo lý”, tr.25.

14. Chơn lý “Hòa bình” VII, tr.398.

15. Chơn lý “Hòa bình” I, tr. 369, tr.372.

16. Chơn lý “Đạo Phật Khất Sĩ”, tr. 880-881.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan