CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Công trình dung hợp khởi phát từ Tổ sư Minh Đăng Quang

CÔNG TRÌNH DUNG HỢP

KHỞI PHÁT TỪ TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG

Thích Minh Thành

Khi nói về sự nghiệp hay công trình mà Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng thì từ khóa chủ lực là ‘dung hợp’ hay ‘kết hợp’. Hai từ này được dùng tùy ý, trong một số văn cảnh chúng có thể thay thế cho nhau. ‘Nối truyền Thích Ca chánh pháp’ là tiêu ngữ chính, còn gọi là tông chỉ chủ đạo cho tất cả ngôn hành của những vị Khất sĩ Việt Nam.

Câu hỏi được đặt ra: Nối truyền như thế nào khi đầu nguồn thì đơn giản chất trực, sát sao với sự thật, sát sao với thực tiển của xã hội và nhân tâm, của nền văn hóa và nền triết học thời thượng của Ấn Độ cổ đại. Nối truyền như thế nào khi trung đoạn với nhiều chục bộ phái khác nhau hình thành ở những địa bàn cư trú tỏa rộng, mỗi nơi mỗi vẽ. Nối truyền như thế nào khi đạo Phật rơi vào trạng thái suy vi ở Việt Nam thời ngoại bang đô hộ. Nối truyền như thế nào với tổng thể vô cùng phức tạp của xã hội và nhân tâm thời khốn khổ và lầm than, bời rời và mất phương hướng[1]. Tổ sư Minh Đăng Quang đã xuất hiện, sáng tạo nên con đường sống, CON ĐƯỜNG SÁNG. Đó là con đường dung hợp. Bài viết là một cố gắng tìm hiểu và lý giải con đường dung hợp đó.

Bài viết được triển khai qua ba tiêu đề:

I. Sự dung hợp trong mối liên quan đến pháp môn Khất thực hay CON ĐƯỜNG SÁNG phiên bản thực-nghiệm- thực-chứng;

II. Nhận thức về ‘kết hợp’ hay ‘dung hợp’ trong mối liên quan đến Trung đạo hay CON ĐƯỜNG SÁNG phiên bản triết học;

III. Nhận thức về ‘kết hợp’ hay ‘dung hợp’ trong mối liên quan đến Bồ tát đạo hay CON ĐƯỜNG SÁNG phiên bản lợi lạc nhân sinh. 

Người viết xin được hỷ xả vì ba điều: (1) Tâm trí người viết bị chi phối bởi cụm từ ‘CON ĐƯỜNG SÁNG’; (2) Ba tiểu tựa này khi thiết kế và khi triển khai có thể làm cho người đọc có cảm giác là ba bài viết riêng lẽ được lấp ráp lại rồi lấy CON ĐƯỜNG SÁNG làm mẫu số chung cho sự dung hợp; (3) Người viết đôi khi ‘đi quá xa ngôn ngữ thường dùng’.

I. Sự dung hợp trong mối liên quan đến pháp môn Khất thực hay CON ĐƯỜNG SÁNG phiên bản 01

Bài “Giới Thiệu Tổng Quan” trong quyển Kỷ yếu Hội Thảo Hệ Phái Khất Sĩ – Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập (KYHTKS) có đoạn: “Trong mảng giáo pháp mà Tổ sư Minh Đăng Quang chủ trương, có bài viết nhận ra giá trị của pháp môn Khất thực, một pháp môn tự ngàn xưa được phục hoạt, xưa đến đỗi có nơi đặt danh xưng mới cho pháp môn này là “Cổ Phật Khất Thực”. Hình tượng của pháp môn cổ đại này đã được bàn tay trí tuệ của Tổ sư Minh Đăng Quang phác họa và đưa ra thực hiện. Hình thái khất thực mà Tổ sư Minh Đăng Quang tiếp thừa chế tác dĩ nhiên không giống hoàn toàn với kiểu khất thực hiện đại ‘cho gì nhận nấy’ kể cả tiền bạc hay ngân phiếu[2]; mặt khác nó cũng không giống với kiểu ‘tam tịnh nhục’ của thời xa xưa thuộc hệ Nam truyền. Pháp môn khất thực mà Tổ sư Minh Đăng Quang chủ trương và thực hiện hướng đến một mục tiêu quan trọng nhất và tiên quyết nhất: Pháp môn thực tiển này phải là cửa ngõ dẫn hành giả đi lên trên con đường Như Lai, ‘Cửa Khất sĩ đường Như lai’. Trên con đường đó, lợi đắc hay danh xưng, âm thanh hay sắc tướng... đều bỏ lại sau lưng. Có đoạn viết, ‘Thật ra, trì bình khất thực không phải là pháp tu do Ngài đặt ra. Thời đức Phật còn tại thế, Người đã áp dụng lối tu này. Nhưng điểm nổi bật của Tổ sư Minh Đăng Quang chính là đã vận dụng đường lối này trong sự dung hợp của hệ phái Bắc và Nam truyền để trở thành một mô hình mẫu, vừa có thể dễ dàng áp dụng, đưa tới sự giác ngộ và chứng ngộ thông qua sự trải nghiệm thực tiễn, đó chính là chơn lý’ . Như vậy sự nối truyền trong tông chỉ Nối Truyền Thích Ca Chánh Pháp không phải là sao y bản chánh, cũng không phải đơn thuần là sự dung hợp mà còn là nhận chân được mục đích ý nghĩa trong dạng tinh túy nhất của nó. Điều có sức thuyết phục cở ‘ngoan thạch điểm đầu’ là tinh túy đó được thể hiện qua việc thực hành hằng ngày và phát huy được tác dụng cao nhất trên lộ trình khai sáng.” Người viết gọi lộ trình khai sáng này là CON ĐƯỜNG SÁNG phiên bản thực-nghiệm-thực-chứng hay trực-nghiệm-trực-chứng.

Như vậy, ‘dung hợp’ không phải là sao y bản chánh[3]. Du hành khất thực là một truyền thống xa xưa có trước thời Phật và Thánh chúng. Du hành khất thực được thực hành bởi khá đông những vị du sĩ mà kinh điển nhà Phật gọi là du sĩ ngoại đạo, những vị này có khi cũng được gọi là Sa-môn, và ngay cả những vị Bà-la-môn trong giai đoạn gọi là Du hành kỳ, một trong bốn giai đoạn của một đời người theo hệ thống tư tưởng Bà-la-môn. Giáo đoàn do Đức Phật sáng lập thực hành khất thực và xem đó là Chánh Mạng duy nhất đúng đối với một vị Tỷ-kheo[4]. Thời ấy hiếm có ai thắc mắc hay bàn luận về chuyện khất thực, nó được xem là mặc định như thế, được xem là đương nhiên như thế, Đức Phật lại khẳng định rằng ngàn xưa là như thế; cụ thể, chư Phật ngàn xưa cũng như thế.

Khất thực trở thành một định lệ, một truyền thống, một chân lý bởi tự nó. Nó không cần một lý lẽ, một nguồn tham chiếu có thẩm quyền, một đấng quyền năng ấn ký hay một giấy chứng nhận là tông truyền. Như thế là như thế, không cần lý giải gì thêm. Chuyện người tu đi khất thực, thời xưa ít người thắc mắc. Xã hội ngày xưa thường là nghèo khổ nhưng sống trong cái nghèo khổ đó tăng đoàn ngày xưa coi vậy mà khỏe: Chỉ cần làm mà không cần nói. Thời Tổ sư Minh Đăng Quang đã khác nhiều. Phục dựng lại truyền thống khất thực theo ‘Phiên bản dung hợp’ cần phải giảng dạy để tăng cường nhận thức của những vị Khất sĩ trong tăng đoàn và cần phải lý giải để thuyết phục giới tinh hoa trong xã hội. Tổ sư đã thành công. Đằng sau hành động khất thực theo ‘Phiên bản dung hợp’ là cả một học thuyết vững chắc. Có thể nói một cách an toàn khoa học rằng bản thân ‘Phiên bản dung hợp’ đã có sức thuyết phục nơi tự thân chính nó: Đầu trần, chân không, rày đây mai đó, chay lạt qua ngày, thân không sở hữu tiền bạc vật chất, chùa không lửa khói. Khó có thể xây dựng một “phiên bản dung hợp” nào chuẩn hơn. Bề mặt hay biểu diện của nó là hình thái đời sống phạm hạnh thanh khiết. Bề lưng của nó còn có cả một học thuyết vững vàng có sức thuyết phục đẳng cấp thượng tầng kiến trúc xã hội và tư duy triết học.

Câu hỏi được đặt ra. Yếu tố nào khiến cho công trình dung hợp thành công? Người viết có thể nói rằng muốn dung hợp thành công phải có yếu tố sáng tạo. Bộ máy dung hợp cần nguồn sáng tạo vận hành. Nói thẳng thừng hơn: Dung hợp chẳng qua là sản phẩm của sáng tạo. Sáng tạo chính là cây đủa thần, là Đấng sáng tạo theo nghĩa: Đã tạo ra một trường tư duy mới cho hành động khất thực. Trong đó, ‘Khất thực đa tầng nghĩa’ có vai trò là hạt nhân trung tâm điều phối toàn bộ sự sống, cái biết và tính thiêng liêng siêu việt vượt lên khỏi thân phận con người và cũng siêu việt vượt lên chính nó. Con đường siêu việt này cũng có thể được gọi tên là CON ĐƯỜNG SÁNG phiên bản thực-nghiệm-thực-chứng.

II. Nhận thức về ‘kết hợp’ hay ‘dung hợp’ trong mối liên quan đến Trung đạo hay CON ĐƯỜNG SÁNG phiên bản triết học.

“...có bài viết nói, ‘Tổ sư đã khéo léo kế thừa, thâu hóa sáng tạo những tinh túy mang tính dung hòa giữa hai truyền thống’; ‘Tổ sư đã phối hợp được tinh hoa đường lối của Nam và Bắc truyền’ . Lại có bài viết đã gợi lên một mối liên hệ mới, mối liên hệ giữa chuyện dung hợp và trung đạo, cho rằng ‘Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam được đức Tôn sư sáng lập mang tinh thần `trung đạo` giữa hai truyền thống Nam tông và Bắc tông’”. Đây là đoạn được trích ra từ bài “Giới Thiệu Tổng Quan” trong quyển Kỷ yếu Hội Thảo Hệ Phái Khất Sĩ – Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập (KYHTKS). [Trung đạo là bàn tay và đồ đựng thực hiện chuyện Dung hợp.

Người viết chú mục vào từ khóa Trung đạo, xem Trung đạo là ý tưởng chủ đạo vận hành công trình dung hợp. Người viết xin một phút rời khỏi thế giới của những khái niệm trừu tượng để nói rằng Trung đạo được hình dung là cái bình, cái bầu, cái khung, cái đồ đựng trên tay của một người trên hành trình góp nhặt, thu thập, rồi đặt những cái thu nhặt được vào đó theo một trật tự nhất định. Trước đó hay sau đó, người ấy có một dung môi để viên dung tất cả thành một sắc thái trước kia chưa từng có.

Trở về thế giới học thuật, Chúng ta biết rằng phiên bản đầu tiên của Trung đạo rất đơn giản chất trực và được đức Thế Tôn tuyên bố ngay trong bài pháp đầu tiên sau này được đặt tên là Kinh Chuyển pháp luân. Trong đó, Đức Phật dạy các hành giả hãy từ bỏ hai cực đoan: Hành trì dục lạc và Hành trì tự kỷ khổ hạnh[i]. Sau đó Đức Phật vận dụng nguyên lý Trung đạo trong nhiều trường hợp khác nhau, tạo nên sinh động những phiên bản Trung đạo ngay trong thực tiển đời sống tu hành và phương thức tư duy có thể đặt tên là phương thức tư duy Trung đạo.

Ở đây chúng ta có thể thưởng thức thêm một phiên bản Trung đạo trong Tăng Chi Bộ Kinh, phẩm Con Ðường Ði Ðến Bờ Bên Kia như sau:

1. Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Bàrànasi, tại Isipatana, vườn Lộc Uyển. Lúc bấy giờ, nhiều Tỷ-kheo trưởng lão, sau bữa ăn, trên con đường đi khất thực trở về, ngồi tụ họp tại ngôi nhà hình tròn, và câu chuyện sau đây được khởi lên:

- Này chư Hiền, Thế Tôn đã nói như sau trong "Con đường đến bờ bên kia" trong câu hỏi của Metteyya:

Ai biết hai cực đoan,

Giữa bậc Trí không nhiễm,

Ta gọi bậc Ðại nhân,

Ðây, vượt người dệt vải.

- Thưa Hiền giả, thế nào là một cực đoan? Thế nào là cực đoan thứ hai? Thế nào là chặng giữa? Thế nào là người dệt vải?

2. Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão:

- Thưa chư Hiền, xúc là một cực đoan. Xúc tập khởi là cực đoan thứ hai. Xúc diệt là chặng giữa. Ái là người thợ dệt; vì rằng ái dệt, nên khiến cho vị ấy phải sanh ở hữu này. Cho đến như vậy, thưa chư Hiền, Tỷ-kheo thắng tri được điều có thể thắng tri, liễu tri được điều có thể liễu tri. Do thắng tri được điều có thể thắng tri, do liễu tri được điều có thể liễu tri, ngay trong hiện tại, vị ấy có thể chấm dứt khổ đau.

Lịch sử triết học Phật giáo cho chúng ta biết rằng hết thế hệ này đến thế hệ khác nguyên lý Trung đạo đã được triển khai càng lúc càng sâu xa tương thích với sự phát triển của con người triết học và với mức độ sâu xa của năng lực tư duy và ngôn ngữ diễn đạt sản phẩm của tư duy. Có thể nói đỉnh cao là cảnh giới Trung đạo của Tổ Long Thọ, tác giả của Trung Quán Luận[5]. Phạm vi của bài viết không cho phép triển khai thêm về Bát bất trung đạo này[6]. Người viết chỉ có thể nói rằng phiên bản của con đường Trung đạo do Tổ sư Minh Đăng Quang là con đường tiến hóa mà cũng là CON ĐƯỜNG SÁNG. CON ĐƯỜNG SÁNG là con đường được định dạng sơ bộ và kinh điển về bốn hạng người mà rất có thể Tổ sư đã học được từ Kinh tạng truyền thống. Dựa trên khung nhận thức nhị phân sáng và tối, Tương Ưng Bộ Kinh và Tăng Chi Bộ Kinh đều có đề cập đến những hạng người này: “Sống trong bóng tối và hướng đến bóng tối, sống trong bóng tối hướng đến ánh sáng, sống trong ánh sáng hướng đến bóng tối, sống trong ánh sáng hướng đến ánh sáng”[7].

III. Nhận thức về ‘kết hợp’ hay ‘dung hợp’ trong mối liên quan đến Bồ tát đạo hay CON ĐƯỜNG SÁNG phiên bản lợi lạc nhân sinh.  

Bài “Giới Thiệu Tổng Quan” trong quyển Kỷ yếu Hội Thảo Hệ Phái Khất Sĩ – Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập (KYHTKS) nói như sau: “Lại có ngòi bút đã cố gắng trả tầm quan trọng của sự việc dung hợp Nam Bắc tông về đúng vị trí của nó. Điều này gợi lên vấn đề cái nào là chính cái nào là phụ. Nói rõ hơn, ngòi bút đặt câu hỏi, Tổ sư Minh Đăng Quang dung hợp để có giáo pháp hay Tổ đã có giáo pháp rồi và chỉ dung hợp các yếu tố được xem là tinh túy để làm phương tiện rồi sử dụng các phương tiện nhằm triển khai giáo pháp[8]... Ngòi bút bổng tỏa sáng bất ngờ khi cho rằng: ‘tinh thần Khất sĩ là tu tập để đi vào tánh giác ngộ mà Tổ gọi là cái biết. Đức tánh giác ngộ này không nằm ở giáo nghĩa Tiểu thừa hay Đại thừa mà nằm ở chổ tu tập có đúng chơn lý hay không’”.

Người viết tạm lướt qua cách nói không buồi tai về Tiểu thừa hay Đại thừa và bắt đầu với việc phân biệt giữa từ vựng ‘kết hợp’ hay ‘dung hợp’. Trong quyển Kỷ yếu Hội Thảo Hệ Phái Khất Sĩ – Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập (KYHTKS), từ ‘kết hợp và từ ‘dung hợp’ đều có tầng suất xuất hiện gần như ngang nhau, khoảng 60 lần. Dưới đây là vài đoạn văn được lựa chọn ngẩu nhiên có chứa từ vựng ‘kết hợp’:

“...kết hợp hài hòa giữa hai truyền thống Nam và Bắc truyền, hay Nguyên thủy và Phát triển, từ hình thức đến nội dung, để Phật giáo Việt Nam có bộ mặt mới mẻ hơn, thích hợp với trình độ dân trí và sở thích người dân Nam Bộ lúc bấy giờ, bằng giáo lý với những ảnh dụ gần gũi và ngôn ngữ trong sáng.”

“... nền tảng Kinh-Luật-Luận, kết hợp với sự chứng đắc của bản thân trong quá trình tu tập.”

“...kết hợp nhuần nhuyễn truyền thống và hiện đại, phát huy văn hóa Phật giáo và dân tộc với tất cả những gì tinh hoa nhất, tích cực nhất, phù hợp nhất với hoàn cảnh lịch sử, địa lý của Nam Bộ bấy giờ, biến nó thành chất men hội tụ và làm chất xúc tác để Phật giáo Việt Nam phát triển đa dạng, hội nhập bằng chính sự đoàn kết trong nội bộ Phật giáo Việt Nam, làm cho mỗi Tăng Ni, đồng bào Phật tử Hệ phái Khất sĩ trên những cương vị khác nhau, luôn phát huy cao độ trí huệ và dũng khí của chính mình để cống hiến cho đạo pháp và dân tộc.”

Còn một lượng lớn những ý tứ phong phú nội hàm trong từ ‘kết hợp’ được trình bày[ii]. Ở đây người viết chỉ nêu ba ý tứ như trên mà thôi.

Cá nhân người viết nghiêng về việc sử dụng từ ‘dung hợp’ nhưng không phủ nhận giá trị của từ ‘kết hợp’ vì cho rằng ‘kết hợp’ chỉ là gắn lại với nhau còn ‘dung hợp’ có nghĩa là làm cho những thành tố được kết hợp chan hòa vào nhau như nước với sữa. ‘Dung hợp’ còn gợi lên sự hiện diện của một dạng dung môi có khả năng nhuộm màu toàn bộ những thành tố đã được kết hợp lại với nhau để tạo thành một thể duy nhất mang sắc thái thống nhất và thuần nhất, xuyên suốt và nhất quán. Kết quả của ‘kết hợp’ là một hợp thể bao gồm những thành phần được gắn lại với nhau thành. Kết quả của ‘dung hợp’ cũng là một hợp thể bao gồm những thành phần được chan hòa vào nhau với độ thống nhất và thuần nhất, xuyên suốt và nhất quán cao hơn.

Ở trên người viết đã hình tượng hóa việc dung hợp qua hình ảnh một người cầm trên tay một đồ đựng,

cái bình, cái bầu, cái khung. Người ấy lên đường đi trên một hành trình góp nhặt, thu thập, rồi đặt những cái thu nhặt được vào đó theo một trật tự nhất định. Trước đó hay sau đó, người ấy có một dung môi để viên dung tất cả thành một sắc thái trước kia chưa từng có.

Để hiểu sâu sắc hơn và hình tượng hơn, người viết thiết kế ba nhóm câu hỏi gồm 10 câu hỏi như sau:

1. Ai là người góp nhặt, thu thập rồi kết hợp?

1b. Có bao nhiêu người, bao nhiêu tác nhân?

1c. Nếu có một số tâm hồn, một số con người, thì tâm hồn nào là chủ lực?

2. Có sẳn như một tiền lệ một con đường mòn, một lộ trình nào đó để góp nhặt và kết hợp hay không?

2b. Nếu có tiền lệ thì tiền lệ đó đậm nhạt như thế nào?

2c. Có ai đã từng đi trước hay không?

2d. Nếu không thì có người nào chưa từng đi đâu mà vẫn góp nhặt và kết hợp được hay không?

3. Khi khởi sự lên đường đi góp nhặt là đi với tay không hay đã có sẳn cái bao, cái bị, cái đãi để chứa đựng?

3b. Nếu có cái đãi để chứa đựng trước khi xuất phát lên đường góp nhặt thì có cái gì đã để sẳn trong đó hay không?

3c. Nếu không có cái gì đã để sẳn trong đó thì cái gì được bỏ vào bị trước tiên?

Trong giới hạn của bài này người viết chỉ xin trả lời nhóm câu hỏi thứ nhất gồm 3 câu dưới đây:

1. Ai là người góp nhặt, thu thập rồi kết hợp?

1b. Có bao nhiêu người, bao nhiêu tác nhân?

1c. Nếu có một số tâm hồn, một số con người, thì tâm hồn nào là chủ lực?

Câu số một “Ai là người góp nhặt, thu thập rồi kết hợp?” đã hàm ý rằng trước khi kết hợp thì phải có công đoạn góp nhặt và thu thập. Giả định rằng góp nhặt mang tính tự phát cao trong khi thu thập là đã có định hướng thu cái gì và bỏ qua cái gì, thu như thế nào. Thu thập như vậy đã tiến gần đến công đoạn chắt lọc. Hiểu câu hỏi tương đối chi li nhưng người viết xin chọn câu trả lời hay đáp án đơn giản: Tổ sư Minh Đăng Quang.

Câu số hai “Có bao nhiêu người, bao nhiêu tác nhân?” được thiết kế để chống lại khuynh hướng và thói quen lười quán chiếu, lười tư duy, lười động não của khá đông đảo những tâm hồn mang tính cách thụ động của Việt Nam nói chung[9]:

Đáp án của người viết:

Chiêm nghiệm cuộc đời của Tổ sư Minh Đăng Quang từ khi vào đời đến khi vắng bóng chúng ta có thể thấy rằng có khi Ngài hiện thân là một người tầm sư học đạo; có khi hiện thân là một người vừa bừng ngộ đạo mầu; có khi hiện thân là một bậc thầy dạy đạo; có khi hiện thân là một Tổ sư khai tông lập giáo, xây dựng đạo tràng, tiếp tăng độ chúng, biên soạn kinh tụng, thiết kế pháp phục, hướng dẫn hành trì;   có khi hiện thân là một nhà hiền triết, có khi hiện thân là một người tự vấn: “Tôi phải làm sao?”, có khi hiện thân là một trượng phu “Dục bình thiên hạ”, có khi hiện thân là một Bồ-tát ưu thời mẫn thế. Đáp án này có thể dài hơn hay ngắn hơn tùy theo từng cái nhìn khác nhau.

Câu hỏi số 3 “Nếu có một số tâm hồn, một số con người, thì tâm hồn nào là chủ lực?”

Đáp án của người viết:

Lãnh đạo cho công trình dung hợp là tâm tư của một Bồ-tát ưu thời mẫn thế và tâm lượng của một bậc hiền trí trượng phu muốn mở ra con đường chủ đạo soi sáng cho nền tư tưởng Việt Nam. Con đường đó người viết đặt tên là CON ĐƯỜNG SÁNG. Nói như vậy người viết không có ý phủ nhận những hiện thân khác của Tổ sư mà chỉ nói rằng tâm tư của một Bồ-tát là nổi trội dẫn dắt tất cả, dẫn dắt những tâm tư khác.

Vị Bồ-tát ấy bừng ngộ con đường cứu độ “Con thuyền bát nhã” vượt sóng ra khơi mà bản thân Minh Đăng Quang mục kích bằng nhục nhãn xuất thần thành tuệ nhãn, để từ đó pháp nhãn được vận hành tạo thành một dòng pháp chủ lưu bất tuyệt. Trong dòng pháp đó, con đường tư duy và hành động được trải rộng. Nội hàm trong đó là cái lõi của đạo Phật kết hợp[iii] với biện chứng của phương Tây, nền minh triết Đông phương gồm Khổng học và tư tưởng Lão Trang kết hợp với tâm hồn Việt Nam bình dị mà thâm sâu.

TẠM KẾT:

Đấng sáng tạo theo cách thuyên thích hiện đại và hậu hiện đại đều là tác nhân đã sáng tạo và vận hành, tiếp tục sáng tạo và vận hành. Công trình hay chương trình đó bí mật và không ai biết rõ. Công trình của Tổ sư Minh Đăng Quang cũng là một công trình được sáng tạo và vận hành. Đây không phải là công trình hay bí mật mà là một công trình công khai, đã tỏa sáng, cần tiếp tục sáng tạo và vận hành. Tổ sư đã làm xong công việc của mình. Thế hệ các Đức Thầy đệ tử Tổ sư cũng đã hoàn thành phân đoạn lịch sử dành cho mình. Những vị Khất sĩ hiện tại cần tiếp tục nhận thức và triển khai CON ĐƯỜNG SÁNG một cách tốt nhất để con đường mà Tổ sư mở ra luôn luôn sáng tỏ, lợi ích cho bản thân, cho số đông, lợi ích cho chư Thiên và loài người.


[1] Thời đó là thời mà những tín đồ đạo Phật rơi vào một trường nhiễu nhương cùng tột của thế sự. Chiến tranh và hận thù khiến cho văn hóa và đạo đức đổ vỡ và không còn sức gắn kết nhân tâm. Đó là thời của những mảng Phật giáo manh mún và lệch lạc, phần lớn tín đồ Phật giáo phải sống với những mảng nhận thức chấp vá và những cách hành trì đa tạp.

[2] Không nhận gì cả mà chỉ nhận tiền tươi là một chuyện rất phổ biến trong cộng đồng Phật tử Việt Nam ở thế giới phương Tây. Không chỉ phổ biến mà gần như là chính thức được chuẩn y bởi những vị lãnh đạo Phật giáo cấp cao nhất do vậy chuyện này được đưa vào chương trình chính thức của những Đại lễ hằng năm, được thực hiện vừa công nhiên vừa với quy mô lớn nhất có thể.

[3] Có công chứng hay không có công chứng theo nghĩa có phải tông truyền hay không phải tông truyền.

[4] Vị Tỷ-kheo làm việc khác có thể trở thành vị Bồ-tát nhưng đã không còn là vị tỷ-kheo đúng nghĩa.

[5] Trung Quán Luận có khung sườn là Bát bất được trình bày như sau:

不生、不滅、

不斷、不常、

不一、不異、

不去、不來

八者,是龍樹《中論》

[6] Để ngỏ như vầy có thể kích khởi khả năng tư duy của người đọc/người học; đồng thời làm giảm bớt tính thụ động vì nhiều năm sống với thói quen tiếp nhận giáo pháp qua những sản phẩm tư duy đã hoàn tất, đóng gói ngôn ngữ và chuyển khoản.

[7] Tăng, II: 85.

[8] Hay xuề xòa hơn, khi cho rằng đây là con đường hai chiều mỗi bên có số làn xe bằng nhau.

[9] Câu hỏi số hai này khiến cho đáp án đơn giản “Tổ sư Minh Đăng Quang” của câu số một không thỏa mãn. Câu số hai hàm ý rằng Tổ sư Minh Đăng Quang ở mỗi một cảnh giới hiện thân mỗi một nhân vật


[i] Tương Ưng Bộ Kinh, Phẩm Chuyển Pháp Luân (S.v,420) có đoạn như dưới đây:

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Bàrànasi, tại Isipatana, chỗ Vườn Nai.

2) Tại đấy, Thế Tôn bảo chúng năm Tỷ-kheo:

-- Có hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, một người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai?

3) Một là đắm say trong các dục (kàmesu), hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, là con đường Trung đạo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

4) Và thế nào là con đường Trung đạo, này các Tỷ-kheo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là: chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Ðây là con đường trung đạo, này các Tỷ-kheo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.”

Trung Bộ Kinh, Kinh Vô tránh phân biệt số 139 có đoạn dưới đây:

“Chớ có hành trì dục lạc, hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích. Và cũng không nên hành trì tự kỷ khổ hạnh, đau khổ, không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích. Từ bỏ hai cực đoan ấy, có con đường Trung đạo đã được Như Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Nên biết tán thán và nên biết chỉ trích. Sau khi biết tán thán và sau khi biết chỉ trích, không tán thán, không chỉ trích, chỉ nên thuyết pháp. Nên biết phán xét về lạc. Sau khi biết phán xét về lạc, nên chú tâm vào nội lạc. Không nên nói lên lời bí mật. Mặt đối mặt (với ai), không nên nói lời mất lòng. Nên nói thật từ từ, không có vội vàng. Chớ có chấp trước địa phương ngữ, chớ có đi quá xa ngôn ngữ thường dùng.”

[ii] - kết hợp hài hòa được hai hệ phái Phật giáo (Bắc tông và Nam tông) để hình thành một hệ tư tưởng xác lập tính đặc thù của dân tộc. Sự dung hợp này được thể hiện qua trang phục có ảnh hưởng Nam tông, nhưng kinh điển lại mang dấu ấn của Bắc tông, với chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam” nhằm xây dựng một hệ phái Phật giáo biệt truyền, ảnh hưởng sâu đậm tính dân tộc và chỉ có ở Việt Nam.

- khéo kết hợp quan điểm của Phật giáo Phát triển và Phật giáo Nguyên thủy hình thành một đường lối tu tập đúng với tinh thần từ bi, trí tuệ, giải thoát của Bồ-tát đạo.

- kết hợp hài hòa giữa hai truyền thống Nam và Bắc truyền, từ hình thức đến nội dung. Để Phật giáo Việt Nam mới mẻ hơn, thích hợp với trình độ dân trí và hoài bão của người dân Nam Bộ lúc bấy giờ, kinh điển của Đạo Phật Khất Sĩ được chuyển dịch sang văn vần giản dị, trong sáng.

- kết hợp hài hòa tinh hoa của cả hai truyền thống lớn của Phật giáo, Nam truyền và Bắc truyền với phương châm bất hủ:

Cái sống thì phải sống chung; Cái biết thì phải học chung; Cái linh thì phải tu chung.

- kết hợp và ứng dụng hiệu quả hai nền tảng giáo lý vào con đường tu hành

- hài hòa giữa truyền thống Phật giáo Việt Nam và truyền thống Phật giáo Nguyên thủy Ấn Độ.

- kết hợp dựa trên giáo lý căn bản của đạo Phật cùng với đạo lý văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Mặc dầu Đức Tổ sư có một thời gian tu tập và học đạo tại Campuchia, nhưng Ngài lại không hề rập khuôn theo lối kiến trúc chánh điện của các nước Phật giáo Nam truyền hoặc các chánh điện của đồng bào Khmer Nam Bộ. Ngài cũng không bị ảnh hưởng nhiều từ truyền thống chánh điện của Phật giáo Bắc truyền.

- kết hợp màu truyền thống của Phật giáo Bắc truyền cùng với truyền thống hoại sắc y ca-sa của Phật giáo Nam truyền tạo nên màu huỳnh y đặc trưng của Hệ phái Khất sĩ Việt Nam.

- Lễ khí của Hệ phái Khất sĩ: Là những pháp khí phối hợp trong việc tụng niệm hằng ngày của Hệ phái. Nghi thức truyền thống của Hệ phái Khất sĩ Việt Nam không sử dụng mõ, chỉ hòa âm đều nhau, giọng ngang, đều hơi, không sử dụng các pháp khí tán tụng như Bắc truyền Phật giáo, không lên giọng, xuống giọng, trầm bổng. Trong nghi thức của Hệ phái Khất sĩ, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang có phần kết hợp nghi thức của Nam truyền Phật giáo, nhưng có sử dụng chuông trong các thời khóa lễ. Như vậy, lễ khí của Hệ phái Khất sĩ, rất đơn giản và tinh lược, giữ nguyên truyền thống của Giáo đoàn Khất sĩ thời Phật, giúp lời kinh mầu nhiệm dễ dàng đi sâu vào lòng người đọc và chuyển hóa thân tâm của họ.

- Phật giáo Đại thừa quy định Đại y của sa-di là không vá, Hệ phái Khất sĩ cũng vậy, trong khi đó Phật giáo Theravada lại không, tất cả y đều giống nhau. Truyền thống của Thượng tọa bộ không cho người thọ giới sa-di trở lên mặc áo quần (dù là lam hay nâu), Hệ phái Khất sĩ cũng vậy, trong khi đó các nước Phật giáo Đại thừa hầu như đều mặc quần, ngoại trừ Phật giáo Tây Tạng và Mông Cổ. Do đó, y phục của Hệ phái Khất sĩ có thể được khẳng định là kết hợp giữa hai truyền thống Phật giáo lớn.

- kết hợp những điểm đặc thù, tinh túy của Phật giáo Đại thừa và Nguyên thủy mà hình thành, nên có thể ví Đạo Phật Khất Sĩ như chiếc cầu nối giữa hai truyền thống Phật giáo lớn hiện có mặt tại Việt Nam lúc bấy giờ. Mặc dù ra đời muộn màng nhưng y theo đường lối của Phật Tăng xưa, trung thành với hoài bão chư Phật, lại xuất hiện tại bổn xứ, phù hợp với phong tục tập quán, tư duy, nguyện vọng của người Việt, khiến Phật tử dễ dàng lãnh hội áo nghĩa của đạo Phật.

- “Phật là đấng tối cao giác ngộ,

Lập đạo tràng tế độ chúng sanh.

Luật nghiêm giới cấm ban hành,

Làm người dẫn lộ chỉ rành nẻo tu…”.

Thật không còn gì đầy đủ dễ hiểu bằng. Chúng ta có thể giải thích rất dài về định nghĩa “Phật” nhưng với người mới bước chân đến chùa, thuật ngữ, văn chương, triết lý đôi khi càng khiến cho đầu óc họ rối bời hơn. Nói thật gần, thật rõ lại kết hợp diễn vần tiết tấu thơ khiến lời kinh dễ đọc, dễ thuộc, dễ thấm vào lòng người đọc, người nghe.

- Dung hòa bằng việc kế thừa hình thức mặc y, mang bát và thiền định của Nam truyền: khất thực, ăn ngọ, giảng về y bát chân truyền và đạo quả A-la-hán; kế thừa việc ăn chay, nhập thế độ sanh và thu nhận Ni giới như Bắc truyền; cùng giảng kinh Pháp Hoa, kinh A-di-đà... triển khai các khái niệm của Đại thừa như Phật tính, Chân như... và kết hợp tinh hoa Nam - Bắc truyền để thành hình Hệ phái Khất sĩ. Tăng Ni Khất sĩ phải mặc y mang bát, trì bình khất thực và phải ăn chay, lấy thiền định làm căn bản cho sự tu chứng, sống cuộc đời phạm hạnh thanh cao.

- một đường lối hoằng pháp rất thức thời của PGKS từ ngày thành lập đến nay. Đó là chủ trương dùng Việt ngữ trong các kinh sách và kết hợp đạo đời trong các bài thuyết giảng. Đường lối đó càng ngày càng được chứng nghiệm.

- kết hợp nhuần nhuyễn tư tưởng của hai truyền thống: Phật giáo Nam tông và Bắc tông ở Việt Nam, cũng như sự khế hợp xuất sắc giáo lý thâm diệu của nhà Phật với tâm thức và trình độ học vấn của người dân Nam Bộ bấy giờ.

- Tịnh xá Ngọc Tâm cũng đã kết hợp với giáo lý của Phật giáo Lào một cách hết sức nhuần nhuyễn. Sự dung hợp hai tư tưởng như là sự bổ khuyết trong hoằng pháp. Nếu như Kinh tạng của Phật giáo Lào với tiếng Pali thâm diệu làm cho tín đồ khó liễu ngộ thì ở giáo điển của Phật giáo Khất sĩ từng câu, từng chữ rõ ràng đã làm cho họ thấm nhuần nhanh hơn, hành trì tu tập dễ dàng hơn.

- kết hợp hài hòa được hai truyền thống lâu đời của Phật giáo thế giới, khẳng định con đường tu tập theo Phật giáo đều ngang qua Giới Định Tuệ. Với lòng từ bi, vị tha; với bổn nguyện độ sanh thúc giục, Ngài phát tâm Bồ-đề mở mang mối đạo

khắp miền Nam lúc bấy giờ, độ được nhiều đệ tử xuất gia và tại gia. Phật giáo Khất sĩ đã dung hợp tinh hoa từ hai hệ phái Bắc tông và Nam tông, đề cao đường lối không phân Đại thừa và Tiểu thừa, hình thành nên một hệ tư tưởng mang đậm tính dân tộc, thể hiện được tính phổ biến, gần gũi và dễ hiểu, dễ học, dễ hành trì.

- kết hợp việc khất thực với việc ăn chay.

- kết hợp hài hòa giữa hai truyền thống Nam truyền và Bắc truyền, hình ảnh chiếc bình bát và màu huỳnh y của các vị Khất sĩ đang ngày càng xích lại gần hơn với người con đất Việt cũng như bạn bè năm châu trên thế giới. Phật giáo Việt Nam nói chung, cũng như Đạo Phật Khất Sĩ đã và đang thực hiện tốt vị trí và trách nhiệm của mình trong đời sống xã hội hiện đại.

[iii] Khi nói về khả năng kết hợp, dung thông, viên dung, quán xuyến, bản thân người viết có một trải nghiệm về sự vô hạn lượng, không biên tế, tổng nhiếp tổng trì của nhà Phật: Có một lần nọ, khi nói chuyện với một tín hữu nước ngoài thuộc một tôn giáo độc thần. Sau khi nghe người ấy nói về mọi chuyện nhân sinh và vũ trụ, tôi mới buột miệng thốt lên: Ồ! Cái nhìn của bạn, nhận thức của bạn và mọi thứ mà nhận thức của bạn nhận thức được đều xuất phát từ vị Thần sáng tạo của bạn. Vị tín hữu độc thần cảm thấy phấn khích và vui vẻ vì tôi đã hiểu đúng ý. Câu nói thứ hai của tôi đưa vị tín hữu độc thần ấy trở về một trạng thái quân bình hơn. Nguyên văn câu nói bằng tiếng Anh của tôi là: “The sight is stopped at the God”. Câu này có thể dịch là “Tầm nhìn của bạn bị dừng lại trước vị Thần sáng tạo ấy”. Câu nói hàm ý: Tín hữu độc thần không đi vượt qua và tiếp tục đi ra sau lưng của vị Thần sáng tạo. Nói cách khác, khung trời của vị Thần sáng tạo không ai được quyền đục ra một cái cửa sổ nào cả, dù chỉ là một cánh cửa sổ trong trí tưởng tượng. Có lẽ người bạn của tôi chưa từng được giới thiệu về cảnh giới Thức vô biên xứ mà nhà Phật từng giới thiệu vì thức của vị tín hữu độc thần đã được bảo bọc hay che chắn bởi một biên giới sừng sửng làm bằng thép siêu cứng không rỉ dày khoảng bốn ngàn dậm Anh, tức là khoảng một trăm hai chục ngàn cây số. Biên tế ấy khiến cho không ai được đi ra sau lưng của Đấng sáng tạo hay đục một cửa sổ để nhìn ra ngoài sản phẩm sáng tạo.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan