CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Đề dẫn hội thảo

quoc tuanNăm 1944, sau nhiều năm tu học ở trong nước và nước ngoài, Tổ sư Minh Đăng Quang đã chính thức thành lập ra Hệ phái Khất sĩ (nguyên là Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam).

Trong 70 năm qua (1944 - 2014), Hệ phái Khất sĩ đã góp phần không nhỏ trong công cuộc chấn hưng Phật pháp, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam trong thời chiến cũng như trong thời bình. Từ một đoàn Du Tăng, sau 70 năm tồn tại, Hệ phái Khất sĩ đã có những bước phát triển mạnh mẽ và sâu rộng không chỉ ở Việt Nam với trên 500 tịnh xá, hơn 3.200 Tăng Ni, trên khắp các tỉnh thành từ Quảng Trị tới Cà Mau, mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp, Lào, v.v...

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hệ phái Khất sĩ (1944 - 2014), 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng (1954 - 2014), để bày tỏ lòng biết ơn đối với Tổ sư Minh Đăng Quang đã tạo nên một truyền phái Phật giáo mang đậm bản sắc dân tộc Việt, cũng như ghi nhận những đóng góp của Ngài nói riêng, của Hệ phái Khất sĩ nói chung với Đạo pháp và Dân tộc, Hệ phái Khất sĩ phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập”. Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu trong và ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong và ngoài Hệ phái Khất sĩ, các nhà quản lý xã hội hội tụ nhằm đánh giá một cách khoa học và khách quan về cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư Minh Đăng Quang, bối cảnh xuất hiện Hệ phái Khất sĩ, đóng góp của Tổ sư Minh Đăng Quang nói riêng và Hệ phái Khất sĩ nói chung đối với phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam; đi sâu phân tích tư tưởng Phật học của Tổ sư Minh Đăng Quang trong bộ Chơn lý, phương cách tu tập và hoằng pháp của Tổ sư Minh Đăng Quang và Hệ phái Khất sĩ, đặc biệt là sự hòa trộn các trường phái Phật giáo; nêu bật các giai đoạn phát triển của Hệ phái Khất sĩ trong 70 năm qua, nhất là những đóng góp của Hệ phái này với sự nghiệp xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đất nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; làm rõ hướng đi phù hợp của Hệ phái Khất sĩ trong bối cảnh hội nhập hiện đại.

Theo chúng tôi, cuộc hội thảo này, thông qua nghiên cứu trường hợp Tổ sư Minh Đăng Quang và Hệ phái Khất sĩ, còn góp phần làm sâu sắc hơn, toàn diện hơn một số đặc điểm và đặc trưng tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam như tính vùng miền và tộc người; tính hiện đại song hành với tính truyền thống; tính thống nhất và hòa hợp; sự dấn thân và tham gia xã hội; việc bảo tồn các giá trị truyền thống và nhu cầu hiện đại hóa v.v... Với một tinh thần như vậy, xin chúc hội thảo khoa học “Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập”thành công tốt đẹp.

TS. Nguyễn Quốc Tuấn

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan