Những giá trị của Hệ phái Khất sĩ trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- Vũ Mạnh Hải
- | Thứ Năm, 10:08 01-04-2021
- | Lượt xem: 7695
Thông qua nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy, nếu so với nhiều tông phái, hệ phái khác của Phật giáo, thì Hệ phái Khất sĩ Việt Nam từ ngày ra đời đến nay khoảng 76 năm (1944 – 2020), một khoảng thời gian không quá dài so với sự hình thành và phát triển của Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Hệ phái lại xuất hiện trong bối cảnh đất nước rối ren bởi các cường quốc trên thế giới tranh giành thuộc địa để vơ vét của cải, mà nước ta đang rơi vào sự thôn tính của thực dân Pháp. Phật giáo lúc bấy giờ do ảnh hưởng của thời cuộc, nên cũng lâm vào tình trạng khó khăn. Giáo lý bị pha tạp, phai nhạt dần không còn tính trong sáng và thánh thiện của Phật giáo nói riêng và các tôn giáo nói chung. Lo ngại về sự khủng hoảng niềm tin, sự thoái trào của các tôn giáo, nên nhiều vị lãnh đạo các tôn giáo, trong đó có chư Tôn đức lãnh đạo Phật giáo thời bấy giờ đã phát động nhiều phong trào nhằm chấn hưng Phật giáo. Trong những phong trào chấn hưng đó, Hệ phái Khất sĩ đã xuất hiện một cách kịp thời, như một nguồn sáng soi rọi; qua đó từng bước củng cố niềm tin, bổ sung năng lượng cho nhu cầu tâm linh của đồng bào miền Nam thời bấy giờ.
Trải qua quá trình hình thành và không ngừng phát triển, đến nay Hệ phái Khất sĩ đã trở thành một trong những Hệ phái lớn của Phật giáo Việt Nam. Có thể nói, từ khi thành lập đến nay, Hệ phái đã có một sức sống mãnh liệt, sự lan tỏa với phạm vi ảnh hưởng rộng lớn và sự phát triển một cách nhanh chóng. Lúc mới hình thành, Hệ phái chỉ tập trung tại một số tỉnh Nam bộ và chỉ vỏn vẹn khoảng vài mươi người, nhưng sau một thời gian khá ngắn, Hệ phái đã phát triển rộng khắp các tỉnh Nam Bộ, thu hút nhiều người trở thành Tăng sĩ. Hệ thống tổ chức của Hệ phái được thành lập, Tăng Ni Khất sĩ mang y bát chân truyền và đem giáo lý của đức Tổ sư phổ độ, truyền khắp các vùng rộng lớn, như các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ và sau đó đã mở rộng ra miền Trung Bộ. Đến nay, Hệ phái đã hiện diện trên toàn cõi Việt Nam và hiện nay còn truyền đến một số nước trên thế giới.
Vì sao Hệ phái Khất sĩ Việt Nam lại có bước phát triển nhanh chóng như vậy? Theo tôi, đó là do có sự kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp từ truyền thống cao đẹp, tỏa sáng của Phật giáo, đồng thời đưa ra những quan niệm mới phù hợp với tính chất hiền hòa, chân chất, chịu thương, chịu khó, bao dung của người Việt Nam, khiến cho giáo lý càng thêm phù hợp với nhu cầu của thời đại. Bên cạnh đó, với sự khai sáng của Tổ sư Minh Đăng Quang và sự kế tục của hàng đệ tử, biết vận dụng linh hoạt những giáo lý, huấn từ của đức Tổ sư đã phát huy thêm đạo đức của Phật giáo trong xã hội và biến nó thành chỗ dựa tinh thần cho nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ. Mặt khác, còn có sự uyển chuyển của hai nền Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa, sự bắt nhịp của người tu sĩ ý thức gắn kết “Đạo với Đời”, ý thức trách nhiệm của người tu với cuộc sống, cùng vui niềm vui của mọi người; cùng lo lắng, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt với pháp môn khất thực của những nhà Du Tăng Khất sĩ, các vị đến từng ngõ ngách, con hẻm để hòa đồng cùng thế nhân, để cảm thông, huấn dạy, xoa dịu… từng bước đi, tính cách, sự hiểu biết, hòa nhã, khiêm tốn đã làm mọi người thêm gần gũi, thương mến, trân quý với giới Tăng Ni Khất sĩ.
Khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng, Tăng Ni Khất sĩ hòa cùng niềm vui đất nước hoàn toàn giải phóng và vui vẻ động viên nhau tham gia vào công cuộc sản xuất chung của nhân dân, như xây dựng các công trình thủy lợi, phục vụ nông nghiệp, tham gia trồng lúa ở các nông trường Đồng Tháp của Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước, phong trào trồng khoai, trồng sắn tự túc để cải thiện đời sống… Tăng Ni Khất sĩ tham gia các tổ hợp tác xã, sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp, trồng thuốc Nam, khám bệnh, châm cứu từ thiện...
Tại các tịnh xá, nhất là của Ni giới, phong trào lao động sản xuất đã được quý Ni tổ chức rất có nề nếp, học tập cách trồng rau, làm tương, đậu phụ, làm mứt, phục vụ các ngày lễ hội, Tết, vừa kiếm thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống, vừa tạo điều kiện cho chư Ni theo học các lớp thế học và Phật học, sự quan tâm này với ước mong đào tạo Ni tài, góp phần phát triển ngôi nhà Phật giáo hưng thịnh ngày mai.
Các phong trào “Tăng, Ni Phật tử xung kích phục vụ biên giới”, “Người Phụ nữ mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã được tầng lớp Tăng, Ni trẻ Hệ phái Khất sĩ xung phong đi đầu, nhiều vị xin tình nguyện ở lại phục vụ lâu dài; nhiều Sư bà các tịnh xá với phong trào nhịn ăn sáng để nuôi quân…
Đi đôi với tinh thần đó, nhiều tịnh xá của Hệ phái đã thành lập nhiều Tuệ Tĩnh đường như Tuệ Tĩnh đường Tịnh xá Trung tâm (quận Bình Thạnh), Tịnh xá Lộc Uyển (quận 6) và nhiều Tuệ Tĩnh đường hoạt động có hiệu quả; qua đó đã giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn vượt qua bệnh tật, tiếp tục cuộc sống mưu sinh, góp phần hỗ trợ thành phố thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Nếu như trước đây, Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ thường tập trung tu tập, ít quan tâm đến những việc bên ngoài tịnh xá, thì gần 40 năm nay, từ ngày hòa nhập trong lòng Giáo hội, Tăng Ni Khất sĩ đã ý thức trách nhiệm của mình với xã hội, cùng với các địa phương tổ chức nhiều hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện xã hội góp phần cùng thành phố chăm lo đến người dân còn nhiều khó khăn.
Với tinh thần bố thí, thể hiện lòng từ bi, thực hành lời Phật dạy, có thể nói các hoạt động của người tu sĩ Hệ phái Khất sĩ đã đi vào cuộc sống, sưởi ấm trái tim, xoa dịu nỗi khổ của mọi người. Hàng năm, nhiều cơ sở tịnh xá, tịnh thất tổ chức nhiều chuyến đi dài ngày đến các vùng sâu, vùng xa, đem những gói quà đến từng hộ gia đình nhằm chia sẻ những khó khăn, nhất là tại những vùng bị thiên tai, dịch bệnh, dẫu vất vả vẫn không hề than vãn. Những chuyến đi đến thăm hỏi, tặng quà đến các cụ già neo đơn, trẻ em câm, điếc, chất độc màu da cam... hoặc đi đầu tham gia đóng góp các hoạt động từ thiện xã hội do quận, huyện phát động với một tinh thần tự nguyện, với ý thức trách nhiệm của người tu sĩ... Các hoạt động này đã góp phần chung vào kết quả hoạt động của GHPGVN, thiết thực góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, làm đẹp thêm hình ảnh của Phật giáo trong thời đại mới, sáng rõ đạo lý nhân văn “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn”. Qua tổng kết sơ bộ, trung bình vào mỗi nhiệm kỳ, Tăng Ni và đồng bào Phật tử Hệ phái Khất sĩ đã vận động đóng góp trên hàng trăm tỷ đồng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, chia sẻ những khó khăn của xã hội. Với thành tích này, nhiều Tăng, Ni, cơ sở và đồng bào Phật tử Hệ phái đã được nhiều cấp Giáo hội, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở tặng nhiều danh hiệu cao quý. Nhiều tu sĩ, đồng bào Phật giáo Hệ phái cũng được tuyên dương với những hành động “thầm lặng nhưng cao cả”... Những điển hình của Phật giáo Khất sĩ hôm nay đã và đang khích lệ cho các hoạt động nhập thế của Phật giáo nói chung và đồng bào Phật tử nói riêng, góp phần thực hiện tốt chính sách Đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước.
Từ các hoạt động trên, có thể nói Hệ phái Khất sĩ Việt Nam hành đạo đến đâu cũng được đa số đồng bào yêu mến, sẻ chia, tận tâm ủng hộ. Trong mối quan hệ với chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể các cấp luôn gắn kết tạo điều kiện hỗ trợ để Hệ phái hoàn thành tâm nguyện.
Ngoài những hoạt động trên, các vị cũng luôn làm tốt vai trò của mình tham gia làm Ủy viên Mặt trận, các đoàn thể; tham gia ứng cử vào các cơ quan dân cử như Hội đồng Nhân dân các cấp, Đại biểu Quốc hội để có tiếng nói của giới mình trong việc xây dựng đất nước, xây dựng địa phương ngày một phát triển. Từ những mối quan hệ này, Hệ phái đã từng bước củng cố thêm uy tín, sự gắn kết với các địa phương, vui cùng niềm vui với những thắng lợi của địa phương, cùng chia sẻ, cùng gánh vác những khó khăn, nhất là tại địa phương trú xứ.
Tóm lại, suốt chặng đường 76 năm qua, Hệ phái Khất sĩ đã minh chứng sự phát triển, đó là một Hệ phái lớn mạnh và có sức lan tỏa, phù hợp với tâm nguyện của người Việt nói riêng và rộng ra một số nước trên thế giới nói chung. Hình ảnh những tấm y vàng đi dọc trên hè phố, chúng ta cảm thấy như có một sự bình an tỏa khắp không gian từ thành thị đến thôn quê. Thời gian qua đi, những bước chân khất thực ngày nào vẫn còn đó, chư Tăng Ni Khất sĩ với tâm nguyện mang Chánh pháp của đức Phật, của Tổ sư hòa quyện vào quần chúng, gắn kết, hài hòa giữa “Đạo với Đời”, thực hiện sứ mệnh “Sứ giả của đức Như Lai”, đóng góp, chia sẻ những khó khăn của đất nước cũng như trong khối Đại đoàn kết toàn dân tộc./.
Các bài viết liên quan
- Đạo Phật Khất sĩ và bốn tinh thần tiêu biểu trước khi hòa nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Thứ Bảy, 08:56 14-05-2022 - xem: 4200 lần
- Công trình dung hợp khởi phát từ Tổ sư Minh Đăng Quang - Thứ Ba, 09:42 19-04-2022 - xem: 8048 lần
- Sư phát triển của Hệ phái Khất sĩ tại hải ngoại - Thứ Ba, 08:11 19-04-2022 - xem: 5184 lần
- Căn cốt của Hệ phái Khất sĩ và yêu cầu của từng thời đại khác nhau - Thứ Ba, 01:10 19-04-2022 - xem: 5050 lần
- Bước đầu nhận diện những nét chính của Giáo đoàn Khất sĩ và của vị Hành giả Chơn lý - Thứ Ba, 00:51 19-04-2022 - xem: 4365 lần
- Tinh tấn tu tập nhiếp phục thân khẩu ý thanh tịnh - Thứ Năm, 10:14 29-07-2021 - xem: 11171 lần
- Kinh nghiệm kiểm soát và chuyển hóa ác nghiệp - Thứ Hai, 11:47 26-07-2021 - xem: 7112 lần
- Phát huy những giá trị tốt đẹp của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ - Thứ Bảy, 22:38 03-04-2021 - xem: 7699 lần
- Phát huy giá trị tôn giáo và xã hội của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - Thứ Năm, 10:28 01-04-2021 - xem: 5951 lần
- Những giá trị của Hệ phái Khất sĩ trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - Thứ Năm, 10:08 01-04-2021 - xem: 7695 lần
- Hòa thượng Thích Giác Toàn chia sẻ nhân duyên với Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang - Chủ Nhật, 00:03 14-03-2021 - xem: 8389 lần
- Quá trình hình thành và phát triển Hệ phái Khất sĩ Việt Nam ở Bình Dương - Thứ Bảy, 02:54 18-07-2020 - xem: 8750 lần