Quá trình hình thành và phát triển Hệ phái Khất sĩ Việt Nam ở Bình Dương
- Tỳ-kheo Thích Tâm Thông
- | Thứ Bảy, 02:54 18-07-2020
- | Lượt xem: 5783
Thập niên 40-50 của thế kỷ XX là giai đoạn lịch sử Việt Nam có nhiều biến động, tình hình chính trị, xã hội đầy bất ổn, nhiễu nhương. Trước những bất ổn và biến động của hoàn cảnh đời sống xã hội lúc bấy giờ, xu hướng chung của con người là tìm cho mình một chỗ dựa tinh thần, một điểm tựa tâm linh để có thể vượt qua những nỗi khổ niềm đau. Vì thế, tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hướng dẫn, giúp đỡ tinh thần cho quần chúng nhân dân vượt qua những đau thương mất mát. Đạo Phật để làm được điều đó và có thể tồn tại, đi vào lòng người hay không cần phải xem sự thể hiện qua tư tưởng, lời nói, hành động của các vị Tăng sĩ có thấm nhuần giáo lý Phật-đà, nói và làm hợp nhất với Chánh pháp hay không. Giáo pháp của đức Phật được chính các Tăng sĩ và tín đồ thực hành đúng đắn có thể góp phần tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp, đưa đất nước đến đỉnh cao của sự phồn vinh, hạnh phúc.
Mỗi một hệ phái Phật giáo ra đời đều để lại nhiều dấu ấn lịch sử vô cùng quan trọng, dù Phật giáo Nam tông, Bắc tông hay Hệ phái Khất sĩ Phật giáo Việt Nam (HPKSVN). Hệ phái Khất sĩ ra đời không ngoài mục đích đáp ứng tâm tư, nguyện vọng cho số đông lúc bấy giờ, phát huy bản sắc dân tộc, tạo được thế đứng vững chắc trong lòng dân tộc, cũng như làm nền tảng tinh thần trong cuộc sống cho người dân. Được chắt lọc tinh hoa từ hai hệ phái Phật giáo, HPKSVN do Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng, ra đời vào khoảng giữa thế kỷ XX (1944) với chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, khai mở Hệ phái Phật giáo biệt truyền,[1] góp phần tạo nên một hệ tư tưởng mang đậm tính dân tộc bởi hình thức tu học, phương pháp hành trì, kiến trúc đạo tràng, thờ phượng… tất cả đều thuần bản chất của người Việt Nam, thể hiện được tính phổ biến, gần gũi, dễ học, dễ hiểu, và dễ hành trì. Thế nên, mặc dù ra đời sau hai hệ phái lớn, nhưng Hệ phái Khất sĩ vẫn đầy đủ về hình thức lẫn phương pháp tu học. Lợi ích thiết thực ấy đã có sức lan tỏa rộng lớn khắp mọi nơi, mọi chốn, làm nền tảng đạo đức trong cuộc sống hành trì giáo pháp của tín đồ. Từ những giá trị lịch sử thiết thực mà HPKSVN dâng hiến cho đạo và đời, người viết chọn đề tài: “Quá trình hình thành và phát triển Hệ phái Khất sĩ Việt Nam ở Bình Dương”. Người viết muốn đóng góp hoàn thiện và giới thiệu thêm tư liệu Tổ sư đã đến vùng đất Thủ Dầu Một hoằng pháp độ chúng.
Đức Tổ sư Minh Đăng Quang và sự hình thành Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam
Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, thế danh là Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Hườn, Ngài sinh vào lúc 10 giờ tối ngày 26 (Tân Tỵ) tháng 09 năm Quý Hợi (1923) tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, miền Nam Việt Nam. Thân sinh là cụ ông Nguyễn Tồn Hiếu và cụ bà là Phạm Thị Tỵ (tự Nhàn). Vào năm 1946, Ngài thọ Đại giới tại chùa Linh Bửu, sau thời gian vân du tìm học đạo, và thực hành pháp: “Nhất bát thiên gia phạn, cô thân vạn lý du, dục cùng sanh tử lộ, khất hóa độ xuân thu”.
Ngài đã đến và tham vấn học đạo nhiều nhà Sư lỗi lạc đương thời. Với sự quán sát trí tuệ, Ngài đúc kết những tinh hoa bí yếu của hai nguồn tư tưởng Nam và Bắc truyền, lập nên một lối đi riêng trên con đường Trung đạo không thái quá, không bất cập, nương vào tư tưởng Phật-đà hoằng dương Chánh pháp. Tổ sư muốn mở ra cánh cửa giải thoát để ánh sáng Chánh pháp được lan tỏa khắp nơi nên mở mang mối đạo với tông chỉ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”. Trong bộ Chơn lý, Tổ sư Minh Đăng Quang đã khẳng định: “... Khất sĩ chúng tôi nối truyền Chánh pháp của Phật Thích-ca Mưu-ni, xuất hiện nơi xứ Việt Nam này, với mục đích cố gắng noi y gương Phật, thay Phật đền ơn và để đáp nghĩa chúng sanh trong muôn một...” Tự thân Ngài tu học, nương tựa nơi con thuyền Chánh pháp của Như Lai để thành tựu đạo quả.
Trọn bộ Chơn lý gồm 69 quyển, dẫn dụ rõ ràng về các vấn đề như sự hình thành cuộc sống của con người và vạn vật, nhân sinh quan ra sao, con đường tu tập bắt đầu từ đâu, lấy gì để làm giềng mối hướng đến, sự vô nghĩa trong phân biệt tín ngưỡng tôn giáo, tông phái, và con đường đưa đến đạo quả. Bộ Chơn lý của Tổ sư là kho tàng Pháp bảo vi diệu cho hàng đệ tử xuất gia lẫn tại gia tu học theo. Nội dung giáo lý không ngoài: “Giáo lý Khất sĩ, một là dứt các điều ác, hai là làm các điều lành tùy theo nhân duyên cảnh ngộ, không cố chấp, vì lẽ không có thì giờ dư dả, cũng biết rằng các việc lành là để trau dồi tâm, vì tâm mà làm sự phải, chớ không ngó xem nơi việc làm kết quả, ba là cốt yếu giữ lòng trong sạch”.[2] Nghi thức tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ hầu hết thuộc văn vần, dễ đọc, dễ học, dễ hiểu.
Tổ chức của Đạo Phật Khất Sĩ trong giai đoạn đầu 1944-1954 chỉ học và tu tập mang tính gắn liền cuộc đời hành đạo của Tổ sư Minh Đăng Quang. Tổ sư vân du truyền bá Phật pháp khắp các miền Đông Tây Nam Bộ, từ Mỹ Tho, Cai Lậy, Vĩnh Long, Sa Đéc (Đồng Tháp), Ô Môn, Thốt Nốt (Cần Thơ), Phụng Hiệp, Thủ Thừa (Long An), Gia Định, Sóc Trăng, Long Xuyên, Châu Đốc, Kiên Giang, ngược lên Thủ Dầu Một (Bình Dương), Tây Ninh, Đồng Nai, Vũng Tàu và nhiều tỉnh thành khác. “... Cuộc đời hành đạo và đức độ của Sư trưởng Minh Đăng Quang cùng sáng chói đối với quần chúng cảm mến, theo thọ giáo rất đông, đi tới đâu cũng có người ủng hộ...”.[3] Tổ sư Minh Đăng Quang bị mất tích vào mùng 01 tháng 2 năm Giáp Ngọ (1954) trong chuyến đi hoằng pháp ở Cái Vồn, huyện Bình Minh. Chỉ trong thời gian 8 năm hoằng truyền hóa độ, Tổ sư đã thâu nhận hơn 100 đệ tử xuất gia, bao gồm Tăng, Ni, cảm hóa hàng triệu tín đồ, chứng minh và thành lập hơn 20 ngôi tịnh xá. Đây là những thành tựu vẻ vang trong sự nghiệp hoằng hóa của Ngài.
Giai đoạn từ năm 1954-1960 là thời kỳ các giáo đoàn được phát triển thành lập ở khắp vùng miền Trung và Nam Bộ. Chư Tôn Trưởng lão lần lượt thành lập nên các giáo đoàn: Giáo đoàn I do Trưởng lão Giác Chánh và Trưởng lão Giác Như lãnh đạo từ những năm 1955-1956, hiện có 33 tịnh xá, tịnh thất, trong đó Tăng có 22 tịnh xá, Ni có 11 tịnh xá, các tịnh xá của Giáo đoàn I đa phần ở miền Tây. Giáo đoàn II do Trưởng lão Giác Tánh và Trưởng lão Giác Tịnh thành lập năm 1957-1958, hiện có 17 tịnh xá và 1 tịnh thất, các tịnh xá của giáo đoàn này đa phần ở miền Trung. Giáo đoàn III do Trưởng lão Giác An thành lập năm 1957, Tăng có 63 tịnh xá, Ni có 45 tịnh xá, tịnh thất. Các tịnh xá của Giáo đoàn III đa phần ở các tỉnh cao nguyên miền Trung. Giáo đoàn IV do Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên thành lập năm 1957, hiện có 80 tịnh[4] xá, tịnh thất. Các tịnh xá của Giáo đoàn IV phân bố rộng ở TP. Hồ Chí Minh, miền Đông và Tây Nam Bộ. Giáo đoàn V do Trưởng lão Giác Lý thành lập năm 1960, hiện có 30 tịnh xá. Các tịnh xá của Giáo đoàn hầu hết ở TP. HCM và miền Đông - Tây Nam bộ. Năm 1962, Trưởng lão Giác Huệ thành lập thêm Giáo đoàn VI, hiện Tăng có 18 tịnh xá, Ni có 7 tịnh xá. Các tịnh xá của Giáo đoàn VI đa phần ở TP. HCM và miền Tây Nam Bộ. Về phía chư Ni, Giáo đoàn Ni giới Khất sĩ do cố Ni trưởng Huỳnh Liên thành lập. Ni giới Giáo đoàn I có hai hội chúng: một là hội chúng Ni trưởng Trung Liên, Ni trưởng Hạnh Liên, Ni trưởng Liên Liên và hai là hội chúng Ni trưởng Sáng Liên, xin y chỉ nương theo chư Tôn đức Tăng Giáo đoàn I. Năm 2006, hiện có 11 tịnh xá. Ni giới Giáo đoàn III do Trưởng lão Giác An chứng minh thành lập năm 1968, hiện có 45 tịnh xá, tịnh thất. Phân đoàn I Ni giới Giáo đoàn IV do Ni trưởng Ngân Liên làm Trưởng Phân đoàn, thành lập năm 1967, hiện có 13 tịnh xá, 2 tịnh thất. Hội chúng Ni trưởng Mai Liên hiện có 5 tịnh xá và 2 tịnh thất. Phân đoàn II Ni giới Giáo đoàn IV do Ni trưởng Trí Liên thành lập, hiện có 17 tịnh xá, tịnh thất. Ni giới Giáo đoàn VI hiện có 5 tự viện. Hội chúng Ni trưởng Cung Liên hiện có 4 tịnh xá.[5]
Ngày 24/4/1966, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam được chính thức thành lập mang tính pháp lý là một tổ chức Giáo hội tại Nghị định số 405/BNV/KS. Giáo hội có bản Điều lệ gồm 32 điều do Pháp sư Thích Giác Nhiên làm Tri sự trưởng. Sau Đại hội thống nhất Phật giáo toàn quốc (1981), các vị Cao Tăng của Giáo hội Tăng-già Khất sĩ tham gia vào Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hiện nay có Hòa thượng Thích Giác Toàn - Phó Chủ tịch HĐTS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.
2. Tổ sư và sự hình thành Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam ở Bình Dương
Năm 1949, đức Tổ sư Minh Đăng Quang hành đạo đến vùng đất Thủ Dầu Một, Sông Bé (nay là Bình Dương). Thời pháp đầu tiên Ngài giảng cho bà con chùa Thuận Thiên, (phường Phú Cường), đã cảm hóa và thu hút nhiều tín đồ tại nơi đây bởi lối giảng giải pháp lý bình dân, đầy thiện cảm và giản dị dễ hiểu.
Sau buổi thuyết pháp, Phật tử cung thỉnh đức Tổ sư ở lại để hướng dẫn Phật tử tu tập. Đi cùng với Tổ sư lúc bấy giờ có hai Sư cô Huỳnh Liên và Bạch Liên, Tổ sư đã thuận theo lời thỉnh cầu của Phật tử, cử hai Sư cô ở lại để hướng dẫn tín đồ có nguyện vọng tu tập. Vào năm 1951, hai Sư cô mượn tạm chùa Vạn Phước, phường Chánh Nghĩa cất cốc để có cơ sở truyền bá giáo lý của đức Tổ sư. Năm 1952, được sự phát tâm cúng dường một khu đất ở Hồ Nứa của gia đình bà Nguyễn Thị The, đồng thời được sự thuận ý, giúp đỡ của Hòa thượng Thích Thiện Hương, trụ trì chùa Hội Khánh lúc bấy giờ, Tịnh xá Ngọc Bình (phường Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) được thành lập. Tuy nhiên, lúc đầu, tịnh xá đơn sơ, trên nóc tịnh xá còn có cái nồi úp nên bà con quanh vùng gọi với một cái tên gần gũi là chùa Úp Nồi. Có thể nói Tịnh xá Ngọc Bình là tịnh xá đầu tiên của Hệ phái Khất sĩ ở Bình Dương, được Tổ sư giao cho Ni sư Huỳnh Liên đứng ra xây dựng tại Bình Dương: “Tông phái Khất sĩ Việt Nam có mặt tại Thủ Dầu Một, Bình Dương từ năm 1949, nhưng mãi đến năm 1951, hai Sư cô Huỳnh Liên và Bạch Liên mới dựng am cốc tại chùa An Phước (phường Chánh Nghĩa). Đến năm 1952, tông phái Tăng-già Khất sĩ Việt Nam Thủ Dầu Một, Bình Dương mới chính thức xây dựng Tịnh xá Ngọc Bình”.[6]
Sau khi thành lập tịnh xá, đức Tổ sư thường xuyên đến thuyết pháp, do đó tín đồ ngày càng đông và tịnh xá cũng được xây dựng khang trang. Lúc bấy giờ, chư Ni tu tập tại Tịnh xá Ngọc Bình có Ni sư Huỳnh Liên, Ni sư Bạch Liên, Sư cô Diệu Liên, Sư bà Khương Liên, Sư cô Ngân Liên, Sư bà Hậu Liên, Sư cô Nhuận Liên, Sư cô Đỗ Liên. Năm 1975, Ni trưởng Tập Liên về trụ trì và trùng tu lại ngôi tịnh xá vào năm 1998. Ni trưởng tham gia phụng sự Giáo hội với vai trò là Phó ban Trị sự Phật giáo tỉnh, Phó ban Thường trực Phân ban Ni giới tỉnh. Do bệnh duyên, vào năm 2013, Ni trưởng xin Giáo hội đề cử Sư cô An Liên làm trụ trì Tịnh xá Ngọc Bình.
Sau khi thành lập Tịnh xá Ngọc Bình, cách đó không xa Giáo đoàn còn thành lập Tịnh xá Ngọc Dương, xây dựng gần Ty Công an cũ. Sau năm 1975, Tịnh xá Ngọc Dương chuyển về huyện Thống Nhất, Đồng Nai, lấy tên mới là Tịnh xá Ngọc Nhẫn, lúc bấy giờ do Thượng tọa Giác Hoa trụ trì.
Nhìn chung, HPPGKS trong thời điểm đầu ở Bình Dương, hình thành và phát triển khá nhanh, nhiều cuộc thuyết pháp được tổ chức, do các vị lãnh đạo Hệ phái đến thuyết giảng như: Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, Pháp sư Giác Nhiên - Viện trưởng Viện Hành đạo Tăng-già Khất sĩ Việt Nam và nhiều vị Cao Tăng khác thuộc Hệ phái.
Vào năm 1965, Sư Giác Chiêu rời Giáo đoàn V chuyển sang tu học trong Giáo đoàn VI của Hòa thượng Giác Huệ, đã xây dựng nhiều tịnh xá như: TX. Ngọc Thuận, TX. Ngọc Chánh, TX. Ngọc Châu, TX. Ngọc Phú, TX. Ngọc Minh và nhiều tịnh xá khác, góp phần phát triển HPPGKS ở Bình Dương.
Hiện nay, HPPGKS ở Bình Dương có 23 tịnh xá.[7] Tại TP. Thủ Dầu Một có 6 tịnh xá: TX. Ngọc Bình, TX. Ngọc Chánh, TX. Ngọc Châu, TX. Ngọc Phú, TX. Ngọc Định, TX. Ngọc Hiệp. Tại thị xã Thuận An và Dĩ An có 8 tịnh xá: TX. Ngọc Thành, TX. Ngọc Thịnh, TX. Ngọc Lâm, TX. Ngọc Minh, TX. Ngọc Thuận, TX. Ngọc Bình, TX. Ngọc An, TX. Ngọc Tân. Tại huyện Tân Uyên có 2 tịnh xá: TX. Ngọc Khánh, TX. Liên Hoa. Tại Dầu Tiếng có 5 tịnh xá: TX. Ngọc Phước, TX. Ngọc Lâm, TX. Ngọc Bích, TX. Ngọc Phước, TX. Ngọc Châu. Tại huyện Phú Giáo có 1 tịnh xá, năm 1983 đổi tên thành chùa Ngọc Hòa. Tại huyện Bắc Tân Uyên có 1 tịnh xá: TX. An lạc.
Các tịnh xá thuộc các Giáo đoàn IV, VI và Giáo đoàn Ni giới Khất sĩ ở Bình Dương hiện nay được trùng tu khá khang trang. Các Tăng Ni thuộc HPPGKS ở Bình Dương đã tham gia vào Ban Trị sự tỉnh và Ban Trị sự cấp Thành phố, Quận, Huyện qua nhiều nhiệm kỳ có: Hòa thượng Minh Thuấn - Nguyên Phó ban Trị sự Phật giáo tỉnh, Cố Ni sư Thích nữ Diệu Nghĩa - Nguyên phó Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, Thượng tọa Minh Lực – Phó BTS kiêm Trưởng ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Bình Dương, Hòa thượng Giác Sự - Phó ban Trị sự thị xã Tân Uyên, Ni sư Tập Liên - Phó ban Trị sự huyện Dầu Tiếng, đặc biệt Ni sư Thích nữ Diệu Nghĩa - Trụ trì TX. Ngọc Định đã tham gia đóng góp vào Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương từ nhiệm kỳ đầu và đã có nhiều đóng góp trong công tác từ thiện, góp phần không nhỏ vào Phật sự của Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Dương.
Kết Luận
Ngay khi thành lập, HPPGKSVN mau chóng và không ngừng thấm sâu dần vào lòng nhân dân vùng miền Nam nước Việt. Sự thành công của Hệ phái Khất sĩ được thể hiện rõ nét ngang qua quá trình hành đạo chuyên cần của chư Tôn đức Tăng Ni Hệ phái. Chỉ trong thời gian không lâu, HPPGKS đã gieo giáo pháp và mối thiện cảm cho bà con hầu hết ở các tỉnh miền Nam, trong đó có Tăng, Ni, Phật tử tại Thủ Dầu Một. Tổ sư Minh Đăng Quang đã đến hành đạo hướng dẫn người dân Bình Dương tu học theo Chánh pháp, đó là ân đức vô vàn cho bà con Phật tử địa phương. Hàng Tăng Ni Hệ phái thật vinh dự được kế thừa và phát huy những giá trị cao đẹp về pháp học và pháp hành của đức Tổ sư và chư Tôn đức tiền hiền. Về sau, HPPGKS còn đóng góp to lớn hơn khi được trở thành một trong chín thành viên chính thức thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các bài kinh tụng đều được Việt hóa, phần nhiều được viết theo kiểu văn vần mà người Việt Nam rất ưa thích cũng là một đóng góp lớn của Hệ phái cho nền văn hóa dân tộc. Đường lối “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” của HPPGKSVN nhằm tiếp nối tư tưởng giải thoát của đức Phật ngày xưa, luôn giữ vai trò quan trọng trong tư tưởng của Hệ phái. Vì vậy, dù Hệ phái chỉ mới hình thành nhưng đã phát triển từ miền Nam ra miền Trung và miền Bắc, và hiện nay lan rộng sang cả hải ngoại như Mỹ, Canada, Úc, Pháp và nhiều quốc gia khác. Đó là minh chứng cho những giá trị tôn giáo, xã hội mà Tổ sư khai vẹt và sự phát huy truyền thống của chư Tôn đức thế hệ tiếp nối, làm nên một Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam phát triển như hiện nay.
--------------------------
Tài liệu tham khảo:
- HT. Thích Huệ Thông, Lịch sử Phật giáo Bình Dương, NXB. Văn hóa Văn nghệ TP. HCM, 2015.
- HT. Thích Giác Toàn (Chủ biên), Ánh Minh Quang, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, 2004.
- Huỳnh Minh, Vĩnh Long xưa và nay, NXB. Cánh Bằng, 1967.
- Thích Minh Cang, Biên niên sử Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, NXB. Hồng Đức, 2017.
- Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, tập II, Hà Nội, NXB. Tôn giáo, 2009.
UBND tỉnh Bình Dương, Địa chí Bình Dương, tập 4, chương 3, NXB. Chính trị Quốc gia, 2011.
[1] HT. Thích Giác Toàn (Chủ biên), Ánh Minh Quang, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, 2004, tr. 6.
[2] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, tập II, Hà Nội: NXB. Tôn giáo, 2009, tr. 880.
[3] Huỳnh Minh, Vĩnh Long Xưa và Nay, NXB. Cánh Bằng, 1967, tr. 290.
[4] Thông tin này có lẽ nhầm lẫn. Theo thông tin mới nhất năm 2020, Giáo đoàn IV chỉ có 41 ngôi tịnh xá. http://www.daophatkhatsi.vn/phap-hanh-khat-si/boi-duong-tru-tri/bao-cao-ban-tang-su-he-phai-nam-2020.html (cập nhật ngày 17/7/2020).
[5] Thích Minh Cang, Biên niên sử Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, NXB. Hồng Đức, 2017, tr. 553-54
[6] UBND tỉnh Bình Dương, Địa chí Bình Dương, tập 4, chương 3, NXB. Chính trị Quốc gia, 2011.
[7] HT. Thích Huệ Thông, Lịch sử Phật giáo Bình Dương, NXB. Văn hóa Văn nghệ TP. HCM, 2015, tr. 414.
Các bài viết liên quan
- Đạo Phật Khất sĩ và bốn tinh thần tiêu biểu trước khi hòa nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Thứ Bảy, 08:56 14-05-2022 - xem: 1517 lần
- Công trình dung hợp khởi phát từ Tổ sư Minh Đăng Quang - Thứ Ba, 09:42 19-04-2022 - xem: 2892 lần
- Sư phát triển của Hệ phái Khất sĩ tại hải ngoại - Thứ Ba, 08:11 19-04-2022 - xem: 2062 lần
- Căn cốt của Hệ phái Khất sĩ và yêu cầu của từng thời đại khác nhau - Thứ Ba, 01:10 19-04-2022 - xem: 1924 lần
- Bước đầu nhận diện những nét chính của Giáo đoàn Khất sĩ và của vị Hành giả Chơn lý - Thứ Ba, 00:51 19-04-2022 - xem: 1786 lần
- Tinh tấn tu tập nhiếp phục thân khẩu ý thanh tịnh - Thứ Năm, 10:14 29-07-2021 - xem: 3875 lần
- Kinh nghiệm kiểm soát và chuyển hóa ác nghiệp - Thứ Hai, 11:47 26-07-2021 - xem: 3931 lần
- Phát huy những giá trị tốt đẹp của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ - Thứ Bảy, 22:38 03-04-2021 - xem: 5068 lần
- Phát huy giá trị tôn giáo và xã hội của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - Thứ Năm, 10:28 01-04-2021 - xem: 3879 lần
- Những giá trị của Hệ phái Khất sĩ trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - Thứ Năm, 10:08 01-04-2021 - xem: 4160 lần
- Hòa thượng Thích Giác Toàn chia sẻ nhân duyên với Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang - Chủ Nhật, 00:03 14-03-2021 - xem: 4868 lần
- Quá trình hình thành và phát triển Hệ phái Khất sĩ Việt Nam ở Bình Dương - Thứ Bảy, 02:54 18-07-2020 - xem: 5783 lần