CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Tu học cần sự hiểu biết qua Chơn lý "Thờ phượng"

Trong cuộc sống hiện nay, có lúc nhận thấy việc tu học cũng như thờ phượng có xu hướng xảy ra sai lạc, hoặc ít nhất thì những điều đó không đúng như chư Phật, chư Tổ Thầy dạy. Nên, mặc dù nhiều lúc tiếp tục đối diện và cố gắng vượt qua, để tìm kiếm hạnh phúc mỏng manh tiềm ẩn trong tâm mình theo đuổi, nhưng nhìn lại, sao khó khăn như là phải đánh vật với chướng ngại to lớn. Bình tâm lại, xem kỹ những bài Tổ sư đã để lại cho đời trong bộ Chơn lý. Đọc kỹ bài Chơn lý “Thờ phượng” số 51, tôi đã giật mình khi đọc đến hàng chữ:

Khi xưa tại xứ Ấn Độ, thuở Phật sanh tiền, Phật và Tăng là bậc giải thoát tu chơn nên không có thờ phượng. Các Ngài không có bày ra sự thờ phượng bên ngoài, cùng các nghi lễ cúng kiến phức tạp, các Ngài chỉ quí trọng tư tưởng giáo lý. Còn đối với các hàng cư gia hữu lậu tội lỗi thì còn ham mộ đức tin, việc thiện chút ít nơi hình thức, như là tạo xây cốt tượng, cất lập chùa tháp, lễ bái cúng dường, đi viếng các nơi kỷ niệm quan trọng của Phật v.v… Nhưng điều quí trọng hơn hết của cư sĩ là sự học nghe Pháp bảo.

(Trích Chơn lý “Thờ phượng”)

3

Giờ học pháp trong khóa tu "Tâm tĩnh lặng"

Ôi! Điều quí trọng hơn hết của người cư sĩ là sự nghe học Pháp bảo, thì trái lại, ngày nay trong cái thời được cho là hiện đại, Pháp bảo thực thụ đã dần mai một dành cho những tà ma, ác kiến len lỏi từng ngóc ngách, ngay trong chùa, tự viện, tịnh xá, ngay người tu sĩ hướng dẫn, đến người Phật tử sơ cơ... Kinh sách vô số kể, có thể phát hành ấn tống, gởi tặng, băng đĩa nhiều không rõ nguồn gốc cũng được nhà chùa gởi tặng (đơn giản là vì có người phát tâm ấn tống cúng dường), mặc dù chưa hề biết bên trong nội dung là gì? Người Phật tử bình thường đến chùa rất ít tham cầu học hỏi giáo lý Phật-đà, mà đa phần là cầu xin van vái. Người hướng dẫn thì không dùng lời Phật dạy để giáo hóa chúng sanh, mà lại chạy theo hình tướng, chuộng theo thị hiếu giảng dạy làm phước cúng dường cho có công đức, sớm làm giàu, sớm thăng quan tiến chức.

Bởi vì sao, vì trong xã hội ngày nay con người trong đó có những người Phật tử dễ gặp nhiều điều bất như ý, những vấn nạn.

Những vấn nạn đó là gì? Đó là những trở ngại trong hạnh phúc, những điều sai lầm trong cuộc sống, những mong cầu thái quá, được gọi là các vấn nạn và có phản ứng gây buồn phiền, lo lắng và tức giận.

Thay gì cầu cứu van xin bề trên, người Phật tử cần có sự hiểu biết, cần có chánh kiến, đó là chiếc chìa khóa của sự chuyển đổi kỳ diệu bằng nhận thức, bằng kinh nghiệm riêng mình để xác định xem sự việc đó có phải là một vấn nạn hay không. Nếu chúng ta thường xuyên đổ lỗi cho thế giới bên ngoài đem lại những phiền nhiễu, hay mọi vấn đề vẫn luôn luôn xuất phát từ tham-sân-si, đó chính là tác nhân gây hại và nếu chúng ta không biết chuyển hóa, tu sửa bản thân, sẽ không bao giờ giải thoát khỏi đau khổ và sân hận.

Đừng mong cầu vào vị thần linh nào cả, hãy tự mình thắp đuốc mà đi, như lời di huấn tối hậu của đức Bổn Sư.

Để chuyển hoá khổ đau thành hạnh phúc, trước tiên, chúng phải từ bỏ thái độ hiểu biết sai lệch. Cho nên, nếu không thể sửa đổi thì ưu phiền cũng không thể giải quyết được. Đức Phật luôn đề cập đến đức hạnh, suối nguồn của hạnh phúc là tốt, và phi đạo đức là gốc của buồn đau, là xấu... Đức hạnh đến từ trí tuệ và lòng từ ái, còn phi đạo đức đến từ vô minh, ái ngã, tham chấp và sân hận. Thật sự, nếu chúng càng ngăn chặn khổ đau, có thể sẽ làm phát sinh các vấn nạn khác, nhưng nếu tâm chúng ta không có gốc phiền não thì chúng ta không thể có vấn đề gì để mà ngăn chặn, cũng như được an lạc... Ngoài ra, chúng ta phải từ bỏ ác cảm đối với các vấn đề, bởi vì sợ hãi, âu lo chỉ làm tăng thêm sự tổn hại ảnh hưởng đến lòng dũng cảm, ví dụ như có sự khác biệt trong tâm hồn của người Phật tử tin vào luật nhân quả, và người Phật tử tin vào sự ban phước giáng họa. Cho nên, sự âu lo làm cho bạn không thể chịu đựng được dù sự việc rất nhỏ. Hơn nữa, để chuyển đổi các vấn nạn thành hạnh phúc, chúng ta cần phải thực tập cho tâm bình thản khi có những vấn đề phát sinh, bởi vì điều đó giúp chúng phát triển đức hạnh, tránh xa điều xấu.

Giống như để tránh nghiện rượu, người nghiện cần phải loại bỏ ảo tưởng rằng say rượu sẽ đem lại hạnh phúc, mà ngược lại, chỉ gây tai hại cho chính họ và những người khác.

Để tránh mang các ảo tưởng là nguồn hạnh phúc thực nằm ở bên ngoài, chúng ta nên quán chiếu đến sự vô thường của các pháp, cái chết của người thân, để qua đó, như là cơ hội để nhìn rõ thực tại và phá vỡ sự chấp trước vào sự phù du của thế giới hiện tượng.

Lòng ngã mạn là trở ngại lớn nhất, nên, nếu chúng ta có thể tự nói các khuyết điểm, biết sự sai lầm của mình, sẽ ngăn ngừa lòng kiêu căng và tránh được sự che dấu các sai lầm của mình, kẻ thù nguy hiểm nhất là sự sân hận, chúng ta cần phải thực hiện hạnh nhẫn nhục, đó là liều thuốc hoá giải hữu hiệu nhất. Những người làm hại mình thực sự là người bạn tốt nhất để cho mình có cơ hội để vượt qua những điều gây tổn thương cho mình hơn bất cứ điều gì khác, đó là lòng sân hận.

Bằng cách thực hành những điều này và có thái độ tích cực đối với các vấn nạn, chúng sẽ cảm thấy tâm mình nhẹ nhàng hơn, sự an lạc và hạnh phúc sẽ không còn bị ảnh hưởng bởi các vấn đề trầm trọng, nên thay vì chúng gây nên nổi bất an, thì lại trở thành nguồn của hạnh phúc.

* Đó là chúng ta đang dùng Pháp bảo tự tu sửa bản thân mà không cần tìn cầu thần linh, hay xem tướng bói quẻ về tương lai, sanh mạng hay tài lộc gì cả.

... Lại cũng như vua A-dục xây lập ra vô số những tháp để thờ cốt tượng Phật, hoặc thờ món vật dụng dấu tích, thờ xá lợi tro tàn, cùng thờ Pháp bảo sách kinh của Phật tại các ngã ba, ngã tư đường đi, trên cao chót vót, mà bụi bặm, lời thô, việc ác trược của thế gian không hề bám tới. Vì đối với đạo Phật là Pháp bảo chung của tất cả chúng sanh, nên những kẻ đã biết đạo rồi là không bao giờ ai dám giữ lòng tư riêng ích kỷ trái ngược. Người ta cũng không dám thờ cốt tượng Phật tại nhà, mà cho rằng đó là một sự sái pháp luật của đạo, của lời Phật dạy, của sự giác ngộ tiến hóa cho cư sĩ. Người cư sĩ thuở xưa thờ phượng chư Phật Thánh là bằng đức tin tư tưởng và bằng giáo lý trí huệ. Vì hai lẽ thờ quí báu ích lợi ấy mà cư gia kính trọng lắm, chẳng bao giờ dám để tại trong nhà, là chỗ đi qua lại dể duôi cùng sự ăn ngủ khít bên, hay nói làm thế sự vô lễ.

tho phat

Ấy vậy mà ngày nay đi đến đâu từ trong chùa đến tư gia đều thờ phượng phức tạp, không biết bao nhiêu tượng Phật, tượng cốt, tượng từ Tây Tạng cho đến tượng Thái Lan v.v… mà thực ra chắc gì đã chịu tìm hiểu cuộc đời Đức Phật ra sao, vị nào là vị đang hóa độ cõi ta-bà, vị nào là đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, miễn sao thấy đẹp, hoặc giá trị thì thờ. Ai cúng dường thì nhận. Ai giàu sang có khả năng thì cũng thỉnh một ông Phật thật to bằng đá hoa cương về trưng bày trong nhà cho nó lạ.

Quí vị hướng dẫn thì cũng tạo cho Phật tử cái niệm mê mê mờ mờ, không phân biệt chánh tà, dễ dàng cung dưỡng, bỏ quên cái chí nguyện ban đầu xuất gia cầu đạo, tu học giải thoát.

*Xuất thế tục gia lại nhận một người cha nuôi, mẹ nuôi để có chỗ dựa trên con đường hành đạo, còn người cư sĩ nhận vị tu sĩ làm con nuôi chẳng khác chi lời của Tổ sư:

Như người ta nhận thấy ra rằng Phật và Tăng là bậc đã giải thoát xuất gia thanh tịnh, không thế nào ở trong nhà thế một ngày hay đêm. Bởi tâm của các Ngài đã quen sự yên lặng trầm mặc, các Ngài chẳng còn thấy nghe việc đời, tâm ấy như đã khắc kỵ tương đối với cõi đời, các Ngài đã xuất gia rồi thì đâu còn nhập gia luân hồi trở lại. Vả lại cũng không ai cư sĩ mà dám ép buộc cầm mời các Ngài để đặng phá hại đạo Phật. Đành rằng khi xưa cũng có lắm kẻ cư gia, vì sự mến mộ Tăng hoặc Ni thái quá, lắm kẻ muốn rước thỉnh Tăng hay Ni vào ở luôn trong nhà của mình, kẻ ấy tính ngăn ra một căn nhà để làm phòng cho các Tăng hoặc Ni ở đó với cư gia, khác nào là sự cầm tù nhốt trói các Ngài lại, để đặng làm tội phạt khổ các Ngài không cho tu học. Những kẻ ấy cũng là vọng tâm lành thái quá, mà không hay sự tội lỗi về sau. Muốn được riêng ích kỷ cho phần mình, hoặc mình sẽ được phước cúng dường riêng, không muốn cho Tăng hoặc Ni đi khất thực chia phước chung cho tất cả hay cũng là một mình muốn cho Tăng Ni ở chung gần khít một bên, để nhắc nhở tâm mình mỗi ngày, cùng dạy học tu cho một mình.

Đời người thật mỏng manh, hơi thở ra mà không trở lại, thì một cuộc đời đã đi qua. Nhưng, cuộc đời rồi ai cũng phải trải qua sanh già bệnh chết, là chân lý không bao giờ sai. Không phải là trong thân thể chúng ta, mỗi giờ phút đã có biết bao nhiêu là tế bào sanh diệt, diệt sanh. Và vì ưa chuộng bề ngoài, nên trong đời sống hàng ngày, ta chỉ trau chuốt bề ngoài, đôi khi quên hẳn đi những gì tiềm ẩn bên trong cơ thể, như: tim, gan, phổi, thận, v.v.., tất cả nội tạng, cơ thể đều cần tấm lòng từ bi, chia sẻ nuôi dưỡng và quan trọng hơn, ngay chính cái “tâm” cũng cần được sự cung cấp những chất liệu an lạc. Nhìn rộng ra, chúng ta sẽ thấy thân mạng của con người nhiều khi thật vô nghĩa, nhỏ nhoi, vô thường trước nghiệp lực.

Nguồn giáo lý vi diệu, siêu thoát, hiện hữu, thực tại, giản dị... đó đến từ vị Đại Giác, xuất hiện vì tình yêu thương muôn loài và vị Thầy dẫn đường để con người tìm về bến bờ an lạc, giải thoát. Ngài không phải là thần linh để ban phước, gieo họa hay thưởng phạt và Ngài đặt trọng tâm nơi con người là cao quí, vì nơi con người, nơi cõi ta-bà nhiều bất hạnh này, lại là nơi đến đi của các cõi lành, an vui hay hạnh phúc hoặc bất hạnh, khổ đau do nghiệp lực mình tạo tác. Con người là chủ vận mạng của chính mình. Những người hữu duyên với đạo Phật, đang thực hành pháp để chuyển hoá khổ đau, đem lại an lạc cho mình, từ đó, sẽ ảnh hưỡng đến mọi người tiếp cận với những an vui, tươi mát, thanh thản, giảm thiểu những căng thẳng của đời sống đem lại, do nội lực tự sinh. Tuy nhiên, những người vì thường sống vị kỷ, chỉ biết mình, ôm ấp những sở hữu dù là vật chất hay tinh thần, cho đó là nền tảng của sự hiện hữu chính của mình, lo sợ mất, vì quan niệm những thứ đó là miên viễn, không bao giờ lìa xa, biến mất, thì sẽ khó tiếp cận với đạo Phật, nếu không chịu sửa đỗi, hoặc do vì một sự cố bất an nào đó, tự mình thức tỉnh tìm về con đường an vui này. Vì đạo Phật không muốn con người bi quan, chán đời, nhìn sai sự thật để mù quáng, tham chấp, rồi bị khổ đau. Cho nên, giáo lý đạo Phật cần được áp dụng, không phải để thoả mãn tri thức, nhưng là tôn giáo của sự sống hay đúng ra, cần phải sống đạo cho chính mình, mới giải thoát khỏi những triền cái sanh diệt, vô thường. Nhìn rõ thực tại là phương pháp tối thắng, sáng suốt hơn là tham chấp, vị kỷ, và tự đánh lừa mình trong trường thiên vọng tưởng, rồi trôi lăn trong các nẻo.

Do đó, những vị chơn tu vẫn dạy thông qua phạm trù “Giới Định Huệ” cũng nhấn mạnh đến quan điểm thực tiễn, thực tu của đạo Phật, vì theo đạo Phật, nếu không có sự chuyên tu, không kiểm soát tâm, không chuyển hoá tâm, không nhìn rõ được các sinh diệt, vọng tưởng, không thanh tịnh hoá tâm... thì chúng ta chỉ có thể trở thành những nhà nghiên cứu, tri thức,... nhưng khổ đau vẫn còn đó, phiền não, vọng tưởng điên đảo vẫn còn đầy, tham sân si vẫn có mặt... thì tất cả mọi ứng xử, giao tế, tiếp cận với chính mình hay người chung quanh, đều chỉ biểu lộ cho những ảnh hưỡng do gốc rễ của bất hạnh, khổ đau và khó có thể chia sẻ cho bất cứ ai niềm an vui, an lạc. Với ý tưởng hãy thức dậy, để suy nghiệm rằng chúng ta sẽ làm gì cho cuộc đời mình, cho xã hội và cho con người để sống đúng với lý tưởng “hoàn thiện con người để hoàn thiện xã hội, tha nhân hoặc trau dồi, thực tập, áp dụng Giới Định Huệ để chuyển hoá chính mình, để làm hiển lộ con người nhân bản của mình để làm ích lợi cho mình và người”.

Cuộc đời như vậy, có phải là đẹp và đáng sống hơn không? Khi tâm ta không an, nhiều đau khổ, căng thẳng, xáo trộn... thì chúng ta không thể chia sẻ và cho ai được những gì an vui, hạnh phúc và ngược lại, khi tâm thanh thản, bao dung, từ bi, hỷ xả... thì chất liệu này sẽ ảnh hưỡng đến mọi người chung quanh, đem lại niềm hạnh phúc vi diệu cho mình và người và dù có ra đi, tâm vẫn an vui, thanh thoát và sống là thực hiện sinh động cho lý tưởng toàn thiện, hạnh phúc cho mình và người trong tinh thần cao đẹp của đạo Pháp, con người.

*Đừng để thời gian lãng phí trôi qua trong mộng huyễn.

Những lúc ấy chư sư thường dạy bảo cho rằng: Vẫn hay tấm lòng mộ đạo mến tu được đến thế là rất ít có, tốt đẹp báu quí lắm. Nhưng mà cái chi thái quá là sẽ có sự bất cập rất gần. Hễ ăn no là cái chi cũng nhàm chán chẳng còn biết ngon. Các Ngài bảo rằng: Phật Tăng vốn không khi nào ở trong chỗ thế, kìa chư Phật Tăng sống chết trọn đời đều ở nơi vườn rừng thanh vắng. Các Ngài không còn quyến luyến thiên vị riêng ai. Các Ngài bảo giữ trí huệ, thần thông, đức hạnh là phải ở nơi chỗ vắng êm cảnh tịnh. Thế nên giới luật của các Ngài là phải tách phân với cư sĩ thế tục. Các Ngài càng tu lâu là giới luật càng tăng thêm nhiều thì sự giải thoát thanh tịnh càng nhiều.

Các Ngài cho rằng chỉ có một pháp tu để đắc quả thánh trong sạch A-la-hán thôi, pháp ấy là dứt lòng kiêu mạn, mà pháp ấy có ra là do sự biết quý trọng một cái pháp để tự lặp đi lặp lại mãi, không cho nhàm chán là sẽ được sự trong sạch hoàn toàn, giải thoát hoàn toàn. Câu ấy thật rất đúng!

Tuy nhiên, sức mạnh chi phối của môi trường sinh sống, hoàn cảnh xã hội và điều kiện kinh tế hiện nay lại có sức mạnh ảnh hưởng trong thời hiện đại. Hiện tượng cá nhân tu sĩ “ra chùa”, hiện tượng Phật sự càng ngày càng đa đoan về chuyện cúng dường, xây dựng, là một hậu quả không thể thay đổi, ngược lại bởi tác dụng đầy vũ bão và quyết định của nếp sống cá nhân chủ nghĩa vào sinh hoạt tôn giáo.

Các chùa cần biến thành nơi tu tập và học hỏi giáo l ý hơn là duy tr ì hình thức tín ng ưỡng tôn giáo, v ì đạo Phật không phải là một tôn giáo. Tôn giáo chỉ là ph ương tiện giúp quần chúng khởi đầu để đến với đạo Phật, một khi đ ã vào ng ưỡng cửa đạo Phật th ì phải là một hành giả thấm đượm hương vị giải thoát .

Có người lại tưởng chừng như cốt tượng ấy là vị thần tài, thổ địa, giúp sự nên hay nơi gia đình người. Ấy bởi do nơi sự dể duôi nhàm chán mỗi ngày, mà gây sanh ác tội không hay. Ai ai tâm trạng chúng sanh là thảy giống nhau: ăn cơm mãi một món thì đâu còn biết ngon? Nói hoài một lời, làm cố một việc thì đâu còn vui thích? Sao bằng là ít nói, ít làm, ít ăn, hay lâu lâu mới ăn, làm, nói một lần, mới gọi là quý hay tốt đẹp.

Còn Tăng Ni nào mà đi chịu ở chung như thế, kẻ ấy đâu còn phải Tăng Ni có giới luật, thì cư sĩ kia nuôi dưỡng hạng mưu cầu y thực, há chẳng tưởng lầm, gây sanh ác tội hay sao? Mà cũng tệ thật, đời sau này cũng có ít nhà chùa và Tăng sư Ni cô cũng không còn giống như khi xưa. Có lắm nơi Tăng Ni ở chung nhà thờ Phật, chùa chẳng được chỗ vắng êm thanh tịnh an nhàn của tinh thần đạo lý, Tăng Ni không có thì giờ tu học giảng dạy pháp lý, giới luật cũng chẳng chịu theo xưa, tín đồ bổn đạo lại càng thâu nhiều phụ nữ, giai cấp lợi danh, chia rẽ đúng bực, không còn phải là chỗ tinh thần gom hiệp, tập sống chung bình đẳng, để dứt nạn chiến tranh của đạo Phật. Bởi thế nên có kẻ cư sĩ kia thấy mình tới đó không ích lợi chi, mà cho rằng chùa cũng Phật, ở nhà cũng Phật, đi tới đó lại thêm xót mắt đau lòng vì Phật. Thế là các Tăng Ni vật chất lợi danh ấy đã tự đốt chùa giáo hội đạo tràng tịnh xá của Phật, và luột thiêu cả hột giống Phật tử cư gia kia. Như vậy thì ai cũng tội lỗi cả, hai phía càng tranh nhau tức là càng giết đạo Phật, thảm thay!

Đó là điểm đặc biệt của Phật giáo mà không tôn giáo nào có được. Khi quần chúng học hiểu và hành trì đúng chánh pháp thì tà giáo không có đất sinh trưởng, nếu không chẳng khác nào như lời Tổ:

Kìa trước mắt ta, kẻ đồng bóng quỉ thần nọ cũng dựa nương tiếng Phật mà làm việc ác gian. Lắm kẻ lại xưng gọi cứu độ đời, Phật nhập cho người, tưởng chừng như tiếng Phật là trò chơi, đạo Phật như hình vẽ. Chính người thân kề bên Phật như kẻ dựa bệ, để đặng danh vọng lợi lộc, hưởng vui một lúc, đành chịu khổ muôn đời, thật là tai hại mê muội. Kẻ ấy phá đạo, giết Phật, hại chúng sanh, làm ra ma quái, tội lỗi lớn biết dường nào, thì làm sao tiến hóa kịp theo với người ta.

Quả vậy, ngày nay tà ma ngoại đạo, mượn danh nghĩa người tu làm điều xằng bậy, tà kiến mê muội, đánh mất con đường chân chánh mà Phật-Tổ-Thầy dày công tạo dựng. Trước hoàn cảnh xã hội đổi thay như chong chóng và sự phát tâm tu học của đại chúng ngày càng cao, đạo Phật nếu không có hướng chuyển biến thích hợp thì sẽ bị kéo theo đuôi của sự chuyển biến tự nhiên không thể nào dừng lại.

Ngoại đạo không phải là người ngoài đạo Phật mà chính ngay hàng Phật tử xuất gia và tại gia không an trú trong giới luật, đi ngược đường tu hay lệch hướng Chánh đạo.

Thật vậy, nhờ Tam bảo mànhân loại bước tới chư thiên, nhờ Tam bảo mà chư thiên đứng vững; nhưng chư thiên khó đem mình giải thoát làm Tăng để dứt khổ cõi trời. Ấy cũng bởi một là lãng quên Tam bảo, và hai là ngạo mạn tưởng mình như Phật. Hai hạng ấy thái quá bất cập với Tam bảo là bởi quá thân cận ôm giữ phượng thờ cốt tượng, cùng sự không còn biết đến làm Tăng mà phải sụt lui trở lại.

Ba ngôi Tam bảo có thể hình dung: Phật bảo là ngọn núi Tu-di, vững chãi như một chân lý nhiệm mầu; Pháp bảo là biển ta-bà gồm đủ thánh phàm, hải sản trân châu, kình ngư ác điểu và luôn những bè nổi, ghe thuyền để chở chúng sinh về núi Tu-di; Tăng bảo gồm những người biết chèo chống bè nổi và ghe thuyền trên biển ta-bà, đóng vai thuyền trưởng để đưa chính mình và người tới bến bờ chân núi Tu-di.

Thế nên, sự thờ phượng tạm của chúng ta là nên phải đơn giản thanh tịnh một lúc đầu thôi, rồi thì lo tu giải thoát làm Tăng, chớ chẳng nên cố chấp lắm, nhứt là sự thờ phượng phải cung kỉnh trang nghiêm, chẳng nên giữ tại chốn lợi danh phiền rộn, để phải mất sự tấn hóa giải thoát về sau. Những kẻ thật chơn tâm, tu cầu giải thoát, chẳng muốn mang khổ báo của cõi trời người, thì phải khá nên giác ngộ nhận ra điều ấy, mà ráng thật hành cho đúng lý, chẳng ngó ngày nay thì mai sau mới mong ích lợi.

Sở dĩ quyển Thờ Phượng này có ra là do sự kêu gọi chấn hưng chánh pháp của người tu tất cả. Vì thời kỳ chánh pháp thì tông giáo phải thu hẹp lại, đạo mới cao ráo quí báu sáng thơm, mới có được người tu giải thoát đắc đạo. Khác hơn là thời tượng pháp và mạt pháp, tông giáo lan tràn hữu vi bày bố, như nước lụt quến đủ thứ đồ trôi, sanh ma tác quái, làm việc trò chơi trẻ nhỏ đành bỏ lớp tuổi ông già. Ông già sắp chết lại bỏ không lo chỉ dạy, còn trẻ nhỏ sống dai mê muội ham vui mà đi dỗ hoài sao đặng? Bỏ ông già ấy tức là bỏ giáo lý giải thoát chơn tu thành Phật. Vậy ai ai khá nên giác ngộ, vì ham ăn thì chết đói, ham đạo là hết tu, chẳng bằng sự biết ăn và biết đạo là đúng lý tốt hay hơn.

Đạo Phật khi hẹp thì phải mở rộng, và khi rộng là phải thu hẹp, rộng hẹp phải biết tùy duyên mới gọi là phương tiện thiện xảo của trí huệ Phật, sẽ dắt dìu chúng sanh tiến lên từng nấc một, mà không còn phải là để cho chúng sanh chết nằm một chỗ. Cũng như khi xưa, đối với kẻ thế gian thì đức Phật xót thương xem như người khách quí, phải chìu chuộng, vì kẻ ấy còn ở trong địa ngục, như đứa bé con đang còn ở trong bụng mẹ, nên bà mẹ phải sợ sệt giữ gìn. Khi làm cư sĩ thì đức Phật đã khắc nghiêm năm giới, tám giới. Lúc xuất gia thì Phật lại gắt gao 10 giới sa-di tập sự và 250 giới Khất sĩ Tỳ-kheo. Và đến đã giác ngộ rồi thì đức Phật lại còn gắt nghiêm hơn nữa, vì giới càng nhiều thì định huệ sẽ càng nhiều. Cũng như lúc chưa có đệ tử thì Phật phải mở rộng cửa thâu vô, khi vô đầy là phải đóng cửa lại, và lựa bớt cho ra. Mỗi năm có mỗi kỳ thi, mỗi thời kỳ có một cuộc tuyển lọc, mỗi lúc mỗi có sự dễ dãi và khắc nghiêm thì mới có dìu dắt được từng lớp thấp tới cao lần lượt, mà thành nên sự sắp từng lớp của một con đường dài, từ trước tới sau có đầu và có đuôi vậy.

Vậy thì chúng ta cũng nên hãy biết dùng phép thờ phượng tạm, làm phương pháp cứu thế độ đời, chánh lý trong sạch trong lúc khổ nguy; đó là một sự thích hợp với thời cơ, dùng tạm hữu vi để bước tới vô vi, chân thật, yên vui vĩnh viễn. Vì vô vi là đúng lý quí báu hơn hết.

Vô thường không hẳn là bất thường vì đấy là lẽ bình thường của cuộc sống. Hoàn cảnh thay đổi, sinh hoạt Phật giáo cũng phải biến chuyển là một nguyên lý khách quan và tất yếu. Nhưng nguyên lý tùy duyên, bất biến vẫn là xương sống trong suốt cuộc hành trình mấy nghìn năm của đạo Phật.

vo thuong9

Tâm tư thì nhiều nhưng với vài trang giấy, với vốn kiến thức hạn hẹp, với ý nghĩ thiển cận, người viết chỉ mong những ai hữu duyên, ham tu, ham tầm cầu Phật đạo, cùng chung ý tưởng hãy đọc kỹ những lời mà Tổ sư đã dày công nghiên cứu, để lại cho đời, nhằm làm kim chỉ nam trên lộ trình tu học, đỡ phải lạc lối sai đường, đỡ phải sa vào mê cung cuồng tín.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan