CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Tư tưởng Phật học của Tổ sư trong bộ Chơn lý

Dẫn nhập

Tìm hiểu cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư Minh Đăng Quang, chúng ta được biết Ngài chỉ trụ thế 32 năm thì vắng bóng. Trong thời gian đó, 8 năm cuối cùng là thời kỳ Ngài mở đạo, khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, tiền thân của Hệ phái Khất sĩ trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

08 Copy

Trước tình hình xã hội và đất nước Việt Nam của những năm tiền bán thế kỷ XX đang ở vào giai đoạn vô cùng rối ren, dân chúng Việt Nam hết sức hoang mang, không biết nương tựa vào đâu. Xu hướng chung của nhiều người là tìm về tôn giáo, nhất là Phật giáo, nhưng Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ cũng suy thoái nặng nề. Xót xa trước sự kiện đó, Tổ sư Minh Đăng Quang với tư cách một bậc xuất trần thượng sĩ, tuy không cùng với các cao Tăng Phật giáo Việt Nam đề xướng, hô hào chấn hưng Phật giáo bằng khẩu hiệu, nhưng bằng cách dựng lập Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, hướng dẫn môn đồ của Ngài thực hành triệt để giới luật nhà Phật, điều đó cũng góp phần chấn chỉnh lối sinh hoạt của chư Tăng Ni Việt Nam thời bấy giờ. Ngài cho đó là cách “chấn hưng Phật giáo” Việt Nam hiệu quả nhất, căn bản nhất.

Từ hạt giống ban đầu ít ỏi, tu sĩ và cư sĩ Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam dần dần phát triển rộng lớn, lan tỏa khắp các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ. Cho đến năm 1981, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam với danh xưng mới Hệ phái Khất sĩ đã trở nên bề thế, vững vàng trên đất nước Việt Nam.

Trong cuộc đời hành đạo ngắn ngủi của Ngài, sau khi ra đi, Tổ sư Minh Đăng Quang đã để lại một di sản vô cùng quý báu, đó là bộ Chơn lý “mang đậm bản sắc dân tộc” (lời trong thư mời của Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam) cho Hệ phái nói riêng và cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung. Bộ Chơn lý ấy là kết quả của công trình tu tập và thuyết giảng của Ngài. Nội dung tác phẩm được Tổ sư rút từ kinh tạng Phật giáo cùng với sự thực nghiệm của tự thân và Ngài đã “dân tộc hóa” nền giáo lý uyên thâm trở thành giản đơn, bình dị để cho quần chúng Việt Nam dễ nắm bắt, dễ thực hành.

Cho đến tận bây giờ, những hiểu biết của chúng ta về bộ Chơn lý vẫn còn vô cùng nhỏ bé. Dẫu sao, bằng ngoại quan, chúng ta cũng thấy được sự độc đáo của nó, cũng như thấy được sự cống hiến lớn lao của Tổ sư Minh Đăng Quang vào kho tàng giáo lý Phật giáo Việt Nam.

Trong phạm vi của bài tham luận này, chúng tôi chỉ mong được làm người giới thiệu một số chỉ dấu mà bộ Chơn lý đã nêu ra, nhằm đóng góp một tiếng nói cho cuộc hội thảo đầy màu sắc và vô cùng bổ ích này.

1. Tư tưởng Phật giáo Đại thừa trong bộ Chơn lý

Ngày xưa, khi Phật còn tại thế, đạo Phật chỉ có một thừa, một cỗ xe duy nhất để đưa chúng sanh về một mục đích duy nhất là Phật quả. Sau ngày Phật nhập diệt, hàng môn sinh của Ngài chưa đủ phẩm chất như Phật, cho nên những lời tuyên giảng của họ chưa đủ sức thuyết phục thính chúng, chưa làm cho người nghe am hiểu liền, chấp nhận và thực hành liền, có kết quả liền như lời dạy trực tiếp của Đức Phật nên chư Tổ mới phân lập các khuynh hướng, các dòng truyền thừa khác nhau cho phù hợp với căn cơ và thời đại.

Vả lại, chúng sanh trong thời kỳ Chánh pháp, căn cơ cũng nhạy bén hơn, thiện duyên cũng đầy đủ hơn, nên khi nghe Phật khai thị nhiều người hiểu và tín thọ liền, không nghi ngờ gì cả. Khi Phật diệt độ rồi, thân tướng Đức Từ Phụ không còn nữa, căn cơ của chúng sanh lại thiển bạc, yếu đuối, không đủ sáng suốt để nhìn thẳng vào hiện thực, không đủ dõng mãnh để tiếp xúc những thực tế của trần gian, cho nên chúng sanh mất sự lợi ích rất nhiều. Nhìn thấy trần gian trong thời mạt pháp, các hàng cao đệ của Phật rất đau lòng. Biết pháp Phật là rất cao quý, là pháp “ly khổ đắc lạc” chắc chắn, và tất cả chúng sanh đều có khả năng giác ngộ thành Phật, do đó, các Ngài vận dụng trí tuệ và bi tâm, tạo mọi thuận duyên để chúng sanh được tiếp cận với Chánh pháp, gieo duyên lành với Tam bảo hầu nếm được hương vị giải thoát, đi vào cửa vô sinh.

Từ sự bức thiết đó, tam thừa Phật giáo được phân lập ra để phù hợp với tâm lượng chúng sanh trong mỗi lúc hầu độ tận chúng sanh vậy.

Trong Chơn lý “Tông giáo”, Tổ sư Minh Đăng Quang viết:

“Trong số Tăng đồ của Phật khi xưa có ba hạng trí, kẻ đang học, kẻ đang tu và kẻ đang dạy, gọi là Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát. Ba hạng này khác nhau bằng tâm trí chớ giới, luật, y bát cũng như nhau, đều gọi chung là Tăng, Khất sĩ, Tỳ-kheo; hay gọi là Tỳ-kheo có ba hạng giáo lý, ba cỡ pháp.

Cũng như loài người có ba hạng trí, mà cũng là một loài người chung, chớ không phải chia rẽ phân biệt. Nghĩa là Tăng chúng tu học Giới – Định – Tuệ, kẻ cao người thấp, chớ không phải khác đạo, khác giáo pháp” [1].

Có nghĩa là tư tưởng tam thừa đã có sẵn trong mỗi tâm trí chúng sanh, trình độ chênh lệch là tính chất của con người, bởi vì mỗi người có nhân quả riêng, cho nên có phước báu riêng biệt. Nhưng sự phân lập ba thừa hẳn hoi là sau khi Phật đã vào Niết-bàn và do lòng bi mẫn của hàng cao đệ của Đức Phật mà có phân lập ra ba thừa giáo.

Tuy nhiên, theo cách nhìn của Tổ sư: “Không có tam thừa gì bề ngoài cả, tam thừa là tâm trí của mỗi người, từ nhỏ tới lớn, từ hẹp tới rộng, chớ không phải mới sanh ra cũng Đại thừa… Tốt hơn là nên diệt lòng ích kỷ ngã ái, chung hòa hiệp một lại, cũng như cái vỏ lớn, cái hột nhỏ, dính hiệp nhau thì làm sao chẳng có được thịt cơm nơi khoảng giữa mà thành nên trái giác thơm ngon vậy”[2].

Với tâm đại bi bao la, hàng Bồ-tát chấp nhận sự thiệt thòi để cho có được sự lợi ích lớn, các Ngài cam tâm làm “ông thầy giáo lớp chót” (Tổ sư Minh Đăng Quang) để dạy cho được số đông học trò. Các Ngài chưa vội vào Niết-bàn mà tình nguyện ở lại cõi đời, hay đã lên được 9 phẩm sen vàng trên Cực lạc rồi mà vẫn nguyện “Hội nhập ta-bà, tế độ chúng sanh”. Các Ngài vận dụng phương tiện quyền xảo, để tạo mọi thuận duyên, cho chúng sanh được tiếp cận với Tam bảo, gieo duyên lành, hầu được giải thoát Niết-bàn trong ngày vị lai.

Thanh Văn thừa bảo thủ giới luật, chuyên tự độ nhiều hơn độ tha. Bồ-tát thừa không nỡ nhìn thấy chúng sanh trôi lăn trong biển sinh tử mãi nên các Ngài chưa vội vào Niết-bàn mà tình nguyện ở lại làm thủy thủ dong thuyền ra biển khơi, cứu vớt người sắp chết đuối. Quan niệm của Bồ-tát thừa là chúng sanh có tám vạn bốn ngàn phiền não thì Phật cũng phải chế tác ra tám vạn bốn ngàn pháp môn phương tiện mới có thể độ tận chúng sanh.

Chúng ta thấy Tổ sư cũng tán đồng phương tiện quyền xảo độ sanh. Nhưng theo Tổ phải phân biệt rạch ròi giữa phương tiện và cứu cánh, và phải là bậc thầy đầy đủ bi trí, đủ khả năng vận dụng sáng tạo trong việc độ sanh thì khi vào đời mới không bị đời thiêu đốt và việc độ sanh mới đem lại kết quả thiết thực.

Từ nền tảng đại bi, đại trí, Bồ-tát quyền xảo để độ chúng sanh trong thời mạt pháp. Tuy Bồ-tát vận dụng đa phương cách để tế độ đa tâm lượng của chúng sanh, nhưng Bồ-tát cũng nắm vững rằng hành đạo trên cơ sở Giới – Định – Tuệ thì “Vạn thiện đồng quy Bát-nhã môn”.

2. Tinh thần Bồ-tát đạo trong bộ Chơn lý

Theo quan niệm của Tổ sư, Bồ-tát phải là người đã đi trọn con đường Khất sĩ và sắp bước vào địa vị Vô Thượng Sĩ, là người đã tu học xong và hiện đang làm thầy giáo, đang ôm ấp hoài bão “độ tận chúng sanh”.

Trong hàng Tăng-già Khất sĩ, Tổ sư Minh Đăng Quang chia làm 3 hạng: Khất sĩ Thanh Văn, Khất sĩ Duyên Giác và Khất sĩ Bồ-tát.

Khất sĩ Thanh Văn là người đang học tập, Khất sĩ Duyên Giác là người đang tu, Khất sĩ Bồ-tát là bậc thầy, đang giáo hóa chúng sanh. Tổ viết: “Khất sĩ Bồ-tát là những bậc thầy giáo chẳng bao giờ thiếu hụt, cũng ví như vua trời, vua người, là bậc Tổ sư giáo chủ, vì muốn răn lòng cao trọng, vì muốn chứa đức thêm nhiều, vì muốn khuyên lơn hàng vương giả, vì theo sự giải thoát trong đạo, vừa làm gương Tăng chúng, vừa để đi khắp nơi công bình, vừa để tìm duyên hóa độ v.v… vậy nên phải đi xin chính sự, đi xin của chư Bồ-tát, chư Phật là điều khó nhất trong thế gian ít ai làm được”[3].

Tổ đánh giá rất cao về vai trò Bồ-tát:

“Giá trị của Khất sĩ quý báu hơn trời, người. Bởi biết sự quý báu, lợi ích của Khất sĩ, nên xưa kia vua Trời, vua người, bỏ ngôi vua xuất gia hành đạo, mong cầu quả Phật. Khất sĩ là trung đạo, chánh đẳng chánh giác, vô thượng của bậc giác ngộ… Chúng sanh dầu khổ nạn đến đâu, chỉ cần một người Khất sĩ cũng đủ giải cứu, độ thoát cho tất cả trọn vẹn. Trong mọi sự biến cố của gia đình, bất hòa của xã hội, xung đột giữa anh em, ngoài Khất sĩ ra không còn ai là bậc giải hòa can gián, vì Khất sĩ đủ ba báu: Giới – Định – Huệ. Khất sĩ như hòn ngọc báu trong sạch, yên lặng, sáng suốt và chơn không”[4]. Trong chương này, Tổ dành riêng cho Khất sĩ Bồ-tát, cho nên dầu cho Tổ chỉ nói hai chữ “Khất sĩ”, chúng ta cũng ngầm hiểu rằng đó là Khất sĩ Bồ-tát.

“Trong đời không có chi xấu xa bằng sự gian ác và không có chi tốt đẹp bằng người Khất sĩ, khác phàm phu, siêu nhân loại… Cho nên ba món quý báu nhất trên thế gian là Phật, Pháp, Tăng thì Khất sĩ đứng vào hàng Tăng bảo, học Pháp bảo để làm Phật bảo vậy”[5].

Tổ đã hết lời tán dương bậc Bồ-tát vì Bồ-tát xuất thân từ nền tảng Giới – Định – Huệ, đã đi hết lộ trình Đạo đế và sắp sửa bước vào địa phận Diệt đế - Niết Bàn, là bậc đã tự độ xong, nhưng còn cưu mang hoài bão độ sanh, muốn cho tất cả chúng sanh đều được giác ngộ giải thoát nên các Ngài mới ra làm thầy giáo để giáo hóa, dìu dắt chúng sanh từng bước một tiến lên cho đến quả vị Phật. Thế nên, Bồ-tát Địa Tạng phát nguyện: “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận phương chứng Bồ-đề” (chúng sanh chưa độ hết chưa thành Phật, địa ngục chưa trống không chưa chứng quả Bồ-đề).

Tinh thần Bồ-tát đạo trong Chơn lý của Tổ sư rất cao cả và có lẽ cũng vì ôm ấp hoài bão “độ tận chúng sanh” nên Tổ mới xả thân hành đạo trong lúc tuổi còn rất trẻ (trên dưới 30 tuổi). Ngài dựng lập giáo phái Khất sĩ tại miền Nam Việt Nam giữa thời buổi Phật giáo Việt Nam đang trên đà suy thoái. Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam đang quanh quẩn giữa rừng rậm âm u, đầy thú dữ, quỷ ma (ngũ dục), chúng đang chờ chực vồ mồi mà nhiều người tu chưa tìm ra được lối thoát, ngay khi ấy Tổ sư Minh Đăng Quang xuất hiện, tay cầm ngọn đuốc Chánh pháp với quyết tâm quét sạch bóng tối rừng già, khai vẹt con đường sáng sạch, thẳng tắp, để đưa hàng môn đồ nói riêng và chúng sanh nói chung ra khỏi “bát nạn tam đồ”, về tịnh thổ xứ Phật, an cư lạc nghiệp đời đời.

Tóm lại, đối với Tổ sư Minh Đăng Quang, Bồ-tát phải là bậc xuất thân từ nền tảng Khất sĩ, là Khất sĩ chơn chánh, Khất sĩ lý tưởng, chỉ có Bồ-tát mới đủ khả năng giải quyết mọi khổ đau trong cuộc đời, mới tạo lập được an vui thật sự cho trần thế.

Tinh thần Bồ-tát đạo của Tổ sư được thể hiện trong bộ Chơn lý và trải rộng trên khắp lưu vực đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Mặc dầu thời gian hành đạo rất ngắn ngủi (1946 – 1954), nhưng hình bóng giải thoát của Ngài là dấu ấn tốt đẹp vẫn còn khắc đậm, in sâu trong lòng môn đồ nói riêng và dân chúng miền Nam nói chung. Cho đến bây giờ (sau 60 năm), đạo hạnh của Tổ sư vẫn ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng trên khắp ba miền Nam, Trung, Bắc. Sự ra đi đột ngột của Tổ cũng là bài pháp chứng minh cho quy luật vô thường một cách cụ thể, hùng hồn “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” (Kinh Kim Cang) đánh bạt tư tưởng nương tựa, ỷ lại cố hữu của con người, và cũng để nhắc nhở môn nhơn rằng không có nơi nào vững chãi, an toàn hơn chơn tâm, giác tánh của chính mình, Chơn lý là như vậy.

“Tự ta nương tựa lấy ta, vững như hải đảo phong ba chẳng sờn” (Thi kệ của Ni trưởng Huỳnh Liên). Chỉ có ngôi Tam bảo tự tâm là nơi nương tựa vĩnh hằng, đời đời bất diệt.

3. Sự dung hòa Luật tạng trong bộ Chơn lý

Trước khi khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, Tổ sư Minh Đăng Quang đã suy nghiệm sâu sắc hai nguồn giáo lý Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Nguyên thuỷ. Sau đó, Ngài đọc Tăng đồ nhà Phật do cụ Đoàn Trung Còn biên soạn, và sau bao lần tham vấn, học tập với các nhà sư ở Campuchia, đối chiếu với pháp hành của chư Tăng Ni hai tông phái Phật giáo tại Việt Nam, Ngài phát hiện ra giữa hai bên: Tạng Luật Phật và pháp hành của Tăng Ni Việt Nam ngày nay có một sự khác biệt rất đáng kể. Lúc đó, phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam do các bậc Tôn túc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề xướng, nhằm khôi phục lại giá trị đích thực của Phật giáo để làm điểm tựa tâm linh vững chãi cho giới Phật tử nói riêng và cho dân chúng Việt Nam nói chung.

Từ bối cảnh trên, Tổ sư Minh Đăng Quang thiết lập một pháp hành, sao cho bảo tồn được thực chất của tạng Luật nhà Phật, đồng thời cũng phù hợp với căn cơ, hoàn cảnh của Tăng Ni Việt Nam; nghĩa là phải “khế lý, khế cơ”. Được vậy thì sự tu hành của Tăng Ni Việt Nam mới mong thành tựu chánh quả. Và, bộ “Luật nghi Khất sĩ” được ra đời như là khuôn thước cho đời sống tu hành của chính Ngài, đồng thời cũng hướng dẫn hàng đệ tử xuất gia của mình thực hành theo. Tứ y pháp là pháp hành căn bản mà chư Tăng Ni Khất sĩ phải thực hành để đối trị những bất cập giải đãi, buông lung trong giới tu sĩ.

Trong đạo có giới luật cũng như ngoài xã hội có pháp luật. Đã nói là luật thì phải bắt buộc chớ không được tùy tiện, luật không nghiêm là loạn, là không còn luật nữa.

Trước khi thành đạo, Thái tử Sĩ-đạt-ta đã bỏ ra sáu năm tu khổ hạnh. Ngài nhịn ăn, nhịn ngủ, hành hạ xác thân. Ngài ốm đến nỗi chỉ còn da bọc xương mà vẫn chưa tỏ ngộ. Ngài suy nghĩ: thân thể tiều tụy như thế này thì không thể phát sinh trí tuệ được. Cuối cùng, Ngài quyết định ăn ngày một bữa vào giờ ngọ để duy trì sự sống mạnh khỏe, làm điều kiện tốt cho sự tham thiền nhập định, mới mong đạt được sự tĩnh lặng của tâm, sáng suốt của trí. Sau khi suy nghĩ chín chắn, Ngài liền loại bỏ hai cực đoan thái quá – ép xác và bất cập – hưởng thụ, giữ lại mực trung - ăn ngọ. Khi sức khỏe được hồi phục, Ngài đến dưới cội Bồ-đề, trải tòa cỏ, ngồi yên tĩnh và nhập đại định một cách dễ dàng. Từ Sơ thiền đến Tứ thiền, và chuyển qua quán tam tướng, chứng đắc tam minh, thành tựu lục thông. Chỉ trong vòng 49 ngày đêm, Ngài hoàn tất con đường tâm linh một cách rốt ráo, viên mãn.

Từ đó, Ngài đem kinh nghiệm bản thân, khai vạch con đường Đạo đế (Bát chánh đạo), hướng dẫn môn đồ đi vào Diệt đế Niết-bàn như Ngài. Theo chân Ngài, biết bao Tăng Ni thời đó đã áp dụng lối tu Trung đạo mà đạt được quả vị Vô sanh A-la-hán.

Pháp hành của Phật và chư Tăng ngày xưa là tấm gương sáng chói, còn lưu truyền lại trong tạng Luật, trong tạng Kinh Phật giáo. Tổ sư vô cùng ngưỡng mộ pháp hành đó. Ngài đã áp dụng và xác tín những Phật ngôn qua tự thân. Ngài cũng xác thực sự hành trì của chư Tăng Ni Việt Nam và nhận ra rằng sự suy vi của Phật giáo Việt Nam phần lớn là do hàng Tăng sĩ Việt Nam không thực hành nghiêm túc giới luật Phật chế. Muốn chấn chỉnh lại những sai lầm hiện có trong giới Tăng Ni, Ngài đem bản thân ra làm gương mẫu. Luật Khất sĩ từ đây được khai sinh, Tăng-già Khất sĩ do đây được thành lập.

Đức Phật và chư Tăng ngày xưa giữ giới ăn ngọ rất kỹ. Bởi vì sự sống của chư Tăng sĩ chỉ bằng phương tiện khất thực. Trong chùa không được phép nấu nướng và chư Tăng Ni chỉ đi khất thực vào buổi sáng, độ cơm vào buổi trưa, chiều nghe Phật thuyết giảng hoặc học kinh (Phật ngôn), tối tham thiền và nghỉ ngơi. Nếu ăn vào buổi chiều tối thì chiều phải đi khất thực, mất thời giờ nghe pháp, học kinh, ban đêm bị thức ăn làm nặng bụng, khó nhiếp tâm thiền định. Ngày xưa, cũng có hàng cư sĩ vì quý kính Phật và chư Tăng, nên họ thỉnh Phật ăn thêm bữa sáng (điểm tâm) cho đủ sức khỏe. Nhưng Phật dạy: “Ngày ăn một bữa, ta thấy có sức, ít bịnh, nhẹ nhàng, an vui”. Dầu vậy, Ngài vẫn khai giới cho những người già bịnh được ăn thêm bữa sáng bằng những thức ăn loãng, nhẹ. Tổ Minh Đăng Quang cũng vậy, mỗi ngày Ngài chỉ dùng một bữa duy nhất vào giờ ngọ nhưng Ngài vẫn “mở ngoặc” cho những người già bệnh.

Như vậy, ta thấy bữa ăn chiều là không cần thiết. Khoa học ngày nay cũng xác nhận là bữa ăn chiều tối không sinh năng lượng mà chỉ sinh mỡ, không phù hợp với phép dưỡng sinh. Căn bản là chế ngự tâm tham ăn, vì trong ngũ dục: Tài, sắc, danh, thực, thùy (những chướng ngại lớn cho việc phát triển tâm linh) thì cái dục ẩm thực cũng rất nặng nề, cũng rất khó khắc phục. Phòng hộ được 6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, thì giới to (cụ túc giới Tỳ-kheo), giới nhỏ (thập giới Sa-di) đều không phạm.

Việt Nam là một đất nước vốn dồi dào rau quả, người dân Việt Nam có thể sống bằng rau quả không cần đến huyết nhục chúng sanh mà cũng đủ bổ dưỡng để khỏi cộng nghiệp sát. Hơn nữa, tâm tánh người Việt Nam vốn nhân từ, tu sĩ Việt Nam mà ăn thịt cá là “Bất cận nhân tình”, không mấy được Phật tử Việt Nam hoan nghênh, ủng hộ.

Tóm lại, bằng tuệ giác của bậc chân tu, Tổ sư rút tỉa ưu điểm của mỗi bên: ăn chay của Bắc tông, ăn ngọ của Nam tông, cộng với Tứ y pháp của Đức Phật. Tam y nhứt bát, vân du giải thoát (vô ngã, vô ngã sở), không trú xứ nhất định, không sở hữu chùa chiền tông phái, môn đồ để hình thành đặc điểm riêng của Hệ phái Khất sĩ là ăn chay ngọ. Đó là sự dung hòa nổi bật trong tạng Luật Khất sĩ, là nét đặc trưng của Khất sĩ.

4. Vũ trụ quan và nhân sinh quan trong bộ Chơn lý

Tổ sư thấy bầu vũ trụ này giống như một quả lựu cực to, và những quả địa cầu trong vũ trụ như những hạt lựu trong quả lựu, đó là cách diễn đạt mới mẻ của Tổ :

“Vũ trụ là cái thể rộng lớn, tối đen, tự nhiên vắng lặng, đứng vững mãi mãi, tựa như vỏ trái lựu cực to, trong đó có những quả địa cầu lơ lửng như hột lựu nhỏ. Cái vỏ ấy không ai biết nó là tới đâu vì muôn loài đều ở trong”.

“Những quả địa cầu không có số đếm, không có số lường, không thể nói được, là vì cái đang nổi, cái đang tan, cái dồn qua, cái tẻ lại, cái lớn, cái nhỏ, không thường”[6].

“Thể của võ trụ là một cõi thăm thẳm, tối đen, bao la, vô cực. Trong ấy có vô số quả địa cầu. Mỗi quả địa cầu đối với võ trụ cũng như mỗi mạng sống của chúng ta đối với quả địa cầu, nghĩa là một vật rất nhỏ đối với một vật rất to thì lẽ sanh hóa hay tàn tiêu của quả địa cầu đối với võ trụ vẫn là thường lắm, tự nhiên lắm, không khác nào sự tử sanh của ta đối với trời đất bao la”[7].

Quả địa cầu nào cũng do bốn chất hiệp lại: chất đặc là đất, chất lỏng là nước, chất nóng là lửa, chất hơi là gió. Quả địa cầu nào cũng thế, có sẵn tự nhiên như vậy.

Vũ trụ quan theo Phật giáo Nguyên thủy chỉ trong vòng tam thiên đại thiên thế giới, cho nên không có tha phương tịnh độ chẳng hạn như Tây phương Cực lạc của Đức Phật A-di-đà. Nhưng vũ trụ quan của Phật giáo phát triển thì ngoài hiện tượng sai biệt còn có vô số uế độ và tịnh độ nhiều như vi trần. Tất cả đều từ thể tánh chơn tâm mà ra. Thể tánh chơn như của vũ trụ cũng là thể tánh chơn như của chơn tâm, cho nên có câu “Nhứt thiết duy tâm tạo”.

Triết học nói: “Bản thể là tự tánh của hiện tượng. Hiện tượng là tác dụng của bản thể”.

Phật học nói: “Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc” (Bát-nhã Tâm kinh).

Tổ sư nói:

Trong cái KHÔNG sẵn chứa cái CÓ, tất cả cái CÓ đều quy về cái KHÔNG. KHÔNG và CÓ là hai lẽ tương đối, KHÔNG là cái lý, CÓ là cái sự” (Chơn lý “Võ trụ quan”).

PHẬT HỌC TRIẾT HỌC TỔ MINH ĐĂNG QUANG

Không = thể tánh chơn như

Sắc       = vạn pháp

= bản thể

= hiện tượng

Không

“Ai ai cũng đang có chơn như, có trong mỗi niệm và cả thảy đều ở, sống trong chơn như”[8].

Như vậy, vũ trụ quan trong Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang, không khác vũ trụ quan của Phật học và vũ trụ quan của khoa học, có khác chăng là ở sự diễn đạt ngôn ngữ mà thôi.

Tìm hiểu vũ trụ quan là gián tiếp tìm hiểu con người. Đức Phật thường gọi thân này là thế giới (loka), là vũ trụ. Hiểu biết mình cũng là hiểu biết thế giới, vũ trụ luôn (nhơn thân như tiểu vũ trụ, thân người là vũ trụ nhỏ). Bởi vì những điều kiện cấu tạo ra thế giới cũng là những điều kiện cấu tạo nên thân người, đó là : đất, nước, lửa và gió. Thịt xương thuộc về đất, chất lỏng như nước mắt, máu, nước tiểu v.v… thuộc về nước, nhiệt độ thuộc về lửa và hơi thở, hô hấp thuộc về gió. Cho nên thân người và vũ trụ đều cùng một tính chất, không khác.

Về nhân sinh quan thì Phật giáo Nguyên thủy cũng như Phật giáo Phát triển là cùng quan điểm, đều căn cứ vào Tam pháp ấn: vô thường, khổ và vô ngã.

Theo quan niệm của Phật giáo, bản chất của vũ trụ, trong đó có con người là vô thường, vô ngã và khổ. Nói một cách khác, thân này luôn luôn đổi thay, biến hoại, hư huyễn, trống rỗng, là khát khao, bất toại nguyện, khổ.

Đối với Phật giáo, thân này là một hợp thể gồm 5 nhóm được gọi là ngũ uẩn, đó là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc gồm có: đất, nước, gió, lửa. Về phần vật chất được gọi là sắc pháp. Thọ, tưởng, hành, thức thuộc về phần tinh thần, được gọi là danh pháp. Nghĩa là thân con người được kết hợp bởi năm nhóm gồm hai phần vật chất và tinh thần hoặc sắcdanh. Bởi kết hợp cho nên nó không có thật thể, không có cốt lõi (vô ngã). Theo nguyên tắc, hễ cái gì do điều kiện kết hợp, cái đó luôn đổi thay (vô thường), đó là chân lý, là lẽ thật rất khoa học, không thể khác được. Thật thể ngũ uẩn đó luôn đổi thay không thường hằng, không bền vững, mà con người vì vô minh, vì tham chấp, cố bám níu vào cái vô thường và mong mỏi một cách hão huyền rằng nó thường hằng, cho nên phải khổ đau khi tham cầu đó không thành tựu, bất toại nguyện. Khổ đau không phải do thực tế vô thường mà do tâm tham, muốn biến đổi vô thường trở thành thường, vô minh tham đắm là nguyên nhân sinh ra mọi khổ đau trên thế gian này.

Giáo lý vô ngã của nhà Phật là chân lý tuyệt đối, là lẽ thật hiển nhiên của cuộc đời. Giác ngộ chân lý là hiểu rõ lẽ thật của vạn pháp, không còn cố chấp vào những cái hảo huyền, không cần cố gắng dụng công tu tập, chỉ cần hiểu ra lẽ thật (giác ngộ chân lý) để không ước mơ hão huyền nữa, dũng mãnh chấp nhận lẽ thật, sống với lẽ thật thì mọi khổ đau được giải tỏa, mọi trói buộc được tháo gỡ. Nếu không trực diện được vấn đề và sống thể nhập với chân lý thì hãy theo sự chỉ dẫn của Đức Phật thực hành Bát chánh đạo: Giới – Định – Huệ (Đạo đế), đó là lộ trình duy nhất đưa chúng sanh vượt khỏi khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn (Diệt đế), chấm dứt khổ đau.

Do vậy, Kinh Bát-nhã dạy chúng ta phải quán chiếu (chiếu kiến) thân ngũ uẩn này cho tỏ tường và phải tu tập cho rốt ráo (hành thâm), để có cơ hội tiếp xúc với lẽ thật (chân lý) về thân ngũ uẩn để biết chắc, thấy chắc thân ngũ uẩn này là hoàn toàn vô ngã mà buông bỏ, mà thoát ra (giải thoát) khỏi sự ràng buộc của ngũ uẩn: “Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”. (Bậc Bồ-tát thực hành trí tuệ rốt ráo, thấy ra năm uẩn đều là hư giả, không thật, vượt qua khỏi khổ ách).

Bài pháp thứ hai Phật thuyết ở Vườn Nai khai thị cho năm anh em ông Kiều-trần-như là bài pháp “Vô ngã tướng”. Khi nghe Phật nói kinh Vô ngã tướng xong, năm anh em Kiều-trần-như liền đắc quả vô sanh A-la-hán. Cho nên, pháp môn quán vô ngã là pháp môn căn bản hàng đầu của giáo lý nhà Phật. Giáo lý của Đức Phật có huy hoàng, có vượt trội hơn các học thuyết của ngoại đạo đương thời đều do từ giáo lý Vô ngã mà ra.

Ngày xưa Phật cho hàng đệ tử biết rằng: “Những gì ta đã nói ra như lá nắm trong tay, những gì ta chưa nói ra như lá trong rừng”, nghĩa là còn nhiều lắm. Khi có người hỏi Ngài về vấn đề vũ trụ, Ngài trả lời rằng: Pháp của Ngài nói ra chỉ nhằm vào mục đích yểm ly, ly tham, đoạn diệt, chứng ngộ Niết-bàn. Bàn luận về vũ trụ Ngài cho là huyền đàm, hư luận. Suốt 45 năm thuyết giảng, Ngài chỉ nói sự thật về khổ và con đường đưa đến sự diệt khổ.

Cách nhìn của Phật giáo về mọi sự vật hiện tượng là Vô thường, Khổ, và vô ngã. Các pháp tuy nhiều vô cùng tận, nhưng không ngoài Tứ diệu đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

Tổ Minh Đăng Quang đã tích cực triển khai giáo lý này qua pháp hành Khất sĩ nhằm chuyển hóa thân ngũ uẩn vô thường, vô ngã này vào thể tánh chơn như. Đó là lối thoát khỏi khổ đau duy nhất mà Đức Phật đã dày công khai vạch, đã tận lực dạy bảo, dìu dắt hàng môn đồ. Tạng Kinh, tạng Luật Phật giáo là di sản Pháp bảo vô cùng vĩ đại mà Đức Phật đã để lại cho chúng sanh. Lý thuyết và phương pháp thực tập con đường giác ngộ là nền giáo lý đồ sộ, là một cống hiến lớn lao cho hạnh phúc nhân loại, giá trị của nó vượt thời gian, vượt không gian. Cho đến nay ảnh hưởng của pháp Phật hầu như lan tỏa khắp năm châu bốn bể, đem lại lợi ích lớn lao, thiết thực cho nhân loại và tất cả chúng sanh đến vô tận, vô cùng.

Kết luận

Tư tưởng Phật học được thể hiện trong bộ Chơn lý chẳng những bằng ngôn ngữ thuần Việt mà còn sử dụng nhiều hình ảnh rất sinh động, gần gũi với đời sống của người dân. Tác phẩm mang nhan đề: “Chơn lý” thật không có gì chính xác hơn, đó là lẽ thật hiển nhiên. Do huân tu trí tuệ nhiều đời và do kinh nghiệm tu tập trong hiện đời, Tổ đã vận dụng sáng tạo quần chúng hóa những từ ngữ kinh điển hàn lâm thành ngôn ngữ dân gian bình dị, cụ thể như trong Chơn lý “Khất sĩ”, “Chánh pháp”, “Tông giáo”, “Hòa bình”, “Chơn như” v.v… Cho dù người đọc với trình độ nào cũng hiểu được và cảm thấy thích thú, như chợt phát hiện kho báu trong nhà mình.

Tịnh xá Ngọc Long
Xuân Hòa, Xuân Lộc, Đồng Nai


[1]Tổ sư Minh Đăng Quang , Chơn lý tập II “Tông giáo”, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 99-100.

[2] Sđd, tập II “Tông giáo”, tr.100.

[3] Sđd, tập II “Khất sĩ”, tr. 275.

[4] Sđd, tập I “Khất sĩ”,tr. 277.

[5] Sđd, tr. 279.

[6] Sđd, tập I “Võ trụ quan”, tr. 5 -6.

[7] Sđd,tr. 6.

[8] Sđd, tập III “Chơn như”, tr. 348.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan