CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Đại lễ Tự Tứ Giáo đoàn III: Pháp thoại "Ý nghĩa Vu Lan"

Tối ngày 14/7 Nhâm Dần, ngày thứ 2 trong chương trình Đại lễ Tự tứ tăng – Vu lan Báo hiếu được kết thúc bằng chương trình pháp thoại do TT. Giác Phổ - Phó Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Đăk Lăk, Phó Ban Văn hóa GĐ III  và ĐĐ. Giác Tuyên – Trưởng Ban Hoằng pháp BTS GHPGVN tỉnh Cam Ranh – Khánh Hòa, trụ trì Tịnh xá Ngọc Y (Cam Ranh, Khánh Hòa) thuyết giảng với chủ đề: ‘Ý nghĩa Vu Lan’. 

TT. Giác Phổ đã mở đầu buổi pháp thoại với đề tài ‘Đạo hiếu: Giá trị nhân văn và giá trị giác ngộ’. Thượng toạ chia sẻ về góc độ nhân văn của đạo hiếu qua kinh Tăng Chi mà đức Phật có dạy: ‘Hiếu thuận là tối thắng’. Trong vô lượng vô số kiếp, đức Thế Tôn sinh ra ở nhiều cõi khác nhau, dầu ở cõi người hay cõi trời, kiếp nào Ngài cũng là một người con hiếu thảo. Đối với Ngài đạo hiếu là một đức hạnh tối thắng mà mỗi người con Phật không thể thiếu, vì tất cả những gì mà ta đang có đều do cha mẹ ban cho. Công ơn sanh thành, dưỡng dục ấy lấy gì báo đáp được? Vì thế trong kinh Tương Ưng đức Phật có dạy:

‘Người nào theo thường pháp

Nuôi dưỡng mẹ và cha

Chính do công hạnh này

Đối với cha và mẹ

Nhờ vậy bậc Hiền thánh

Trong đời này tán thán

Sau khi chết được sanh

Hưởng an lạc chư Thiên’.

Văn hóa của Ấn Độ là thờ phượng các bậc Phạm Thiên. Nhưng đức Phật lại đặt giá trị cha và mẹ như là một vị trời. Chính vì thế, đức Phật đã cho chúng ta thấy được ý nghĩa của hiếu. Thực hành đạo hiếu là việc làm vô cùng cần thiết và đáng tự hào.

Tiếp đó ĐĐ. Giác Tuyên nhắc lại có ba hạng người khó tìm được ở đời: ‘Hạng người thứ nhất là bậc Như Lai; hạng thứ hai là vị tuyên giảng chánh pháp hướng dẫn mọi người đi trên con đường chánh giác; hạng thứ ba là người tri ân và báo ân’.

Cha mẹ còn hiện tiền cũng như đức Như Lai còn tại thế. Chính vì thế, ngày nào đạo hiếu còn được thể hiện thì giáo pháp đức Thế Tôn vẫn còn hiện hành trên cõi đời và lưu truyền mãi về sau. Ngày nào chúng ta vẫn còn nghĩ đến cha mẹ thì ngày đó chúng ta vẫn còn đi trên con đường giác ngộ. Dầu ở quốc độ nào, dầu ở đất nước nào thì việc thờ cha kính mẹ vẫn luôn giữ nguyên giá trị và được thực hành trọn vẹn ý nghĩa của nó. Cho nên, đạo hiếu là chân lý của cuộc đời. Hạt giống giác ngộ được ươm mầm trong dòng sữa pháp và được nuôi dưỡng bằng sự hiếu thảo.

Tóm lại, đạo hiếu và Phật pháp là hai mặt tồn tại song song và bổ sung ý nghĩa cho nhau. Sự hiếu kính cha mẹ trong nhà Phật nhiều không kể siết. Việc báo đáp công ơn cha mẹ mang giá trị về mặt nhân văn, còn hướng được cha mẹ đến với đạo pháp là thể hiện được giá trị giác ngộ. Chúng ta thực hành song song được hai giá trị ấy mới thể hiện trọn vẹn chữ hiếu trong nhà Phật.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan