CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Giáo đoàn III: Long trọng chương trình hoài niệm Tứ ân – Bông hồng cài áo tại Tịnh xá Ngọc Phúc

Trong chuỗi chương trình đại lễ Tự tứ Tăng - Vu lan báo hiếu PL.2568 - DL.2024 được tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Phúc (P.Yên Đỗ, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai), chiều 17/8/2024 (14/7/Giáp Thìn), lễ Hoài niệm Tứ ân – Bông hồng cài áo được chư Tôn đức Giáo phẩm GĐ.III HPKS long trọng tổ chức.

Chứng minh và tham dự lễ có sự hiện diện của HT. Giác Trí – Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự phó kiêm Trưởng ban Giáo Dục GĐ.III; TT. Giác Viễn – Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử GĐ.III; cùng chư Thượng toạ, Đại đức Tăng Ni trực thuộc GĐ.III, đông đảo Phật Tử từ khắp các miền Tịnh xá trong và ngoài tỉnh tham dự.

Thay lời BTC, TT. Giác Hành tuyên bố lý do và điều hành chương trình buổi lễ, đồng thời các em trong đội dâng hoa TX.Ngọc Phúc, dâng lên chư Tôn đức chứng minh những lẵng hoa tươi thắm thay cho lòng tôn kính. Kế đến, chư vị đại diện hàng Phật tử, dâng trà cúng dường lên chư Tôn đức Tăng Ni và đại diện các cha mẹ, để mọi người con biết kính yêu và chăm sóc cha mẹ ngay khi còn hiện tiền. Chương trình này giúp các Phật tử tham dự lễ biết cách kết nối tình thương và sự kính trọng của mình đến hai đấng sanh thành.

Tiếp đó, Phật tử Ngọc Linh, đại diện Phật tử, dâng lời cảm niệm Bông hồng cài áo lên chư Tôn đức. Trong lời cảm niệm, Phật tử nêu lên ý nghĩa của các màu hoa như: “Nếu còn mẹ còn cha, cài hoa hồng nơ xanh; nếu còn cha mất mẹ, cài hoa trắng nơ xanh; nếu còn mẹ mất cha, cài hoa hồng nơ trắng; nếu mất cha lẫn mẹ, cài hoa trắng nơ trắng”.

Như vậy, hoa hồng đỏ tượng trưng cho những ai đang còn mẹ, hoa hồng trắng dành cho ai đã mất mẹ và hoa hồng vàng là màu giải thoát được dâng lên cúng dường chư Tôn đức Tăng Ni. Qua đó nhấn mạnh, dù là màu nào thì mỗi người con cũng đã từng có và những ai đang còn cả cha mẹ thì hãy nên trân trọng và phải biết đền ơn và báo ơn. Lời bộc bạch của Phật tử Ngọc Linh làm xúc động đến hội chúng.

Ban lời đạo từ đến hội chúng, Hòa thượng chứng minh đã kể lại xuất xứ của bài hát Bông hồng cài áo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Theo đó, trong một dịp Hoà thượng đến tại Nhật Bản và bài hát này là tiền đề cho lễ hội Vu lan.

Hoà thượng nhấn mạnh, lễ hội Vu lan là một nét đẹp văn hoá truyền thống, lễ hội không dành riêng cho Tôn giáo là Phật giáo mà dành để tôn vinh nét đẹp truyền thống văn hoá của dân tộc, đó là truyền thống tri ân và báo ân. Màu hoa không chỉ là màu đẹp, mà còn là màu tượng trưng cho những ai hạnh phúc khi còn mẹ như: “Nếu ai còn mẹ hữu duyên, thì là sẽ được cài riêng hoa hồng; bằng ai mà mẹ ta không, thì ta sẽ chịu cài bông trắng màu”.

Hòa thượng cũng chỉ rõ: "Thông qua ý nghĩa của lễ hội còn cho chúng ta nhận thức được, mỗi người đều có hai gốc rễ: một là gốc rễ tổ tiên ông bà cha mẹ, đó là tổ tiên huyết thống. Còn gốc rễ thứ hai là tổ tiên tâm linh, tổ tiên tâm linh chính là Tam Bảo. Tổ tiên tâm linh rộng lớn tựa như bầu khí quyển bao bọc tất cả mọi loài chúng sanh. Như vậy chúng ta có hai gốc rễ, chúng ta phải lấy làm trân trọng và biết ơn".

Buổi lễ Hoài niệm tứ ân – Bông hồng cài áo kết thúc trong những lời ca tiếng hát của các ca sĩ được ngân lên, ca ngợi tình cha nghĩa mẹ, giúp buổi lễ càng thêm phần ý nghĩa và xúc động.

 

Một số hình ảnh được ghi nhận:

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan