Chiều 10/7/2025 (16/6/Ất Tỵ), mở đầu chuỗi tham luận ttrong ngày thứ 6 của khóa BDTT PL.2569 tại Pháp viện Minh Đăng Quang (P.Bình Trưng, TP.HCM), TT. Giác Nhường – Phó Thư ký kiêm Trưởng ban Thông tin Truyền thông Hệ phái PGKS, đã có phần trình bày, nêu lên "Vài suy nghĩ trụ trì trong tình hình mới".
Với mục tiêu và chủ đề của khóa BDTT năm nay là hướng đến việc bồi dưỡng năng lực hành đạo, bồi dưỡng cốt lõi đạo tâm, đặc biệt dành tâm huyết cho các vị trụ trì, TT. Giác Nhường đã trình bày tham luận, qua đó bày tỏ những suy tư, cảnh tỉnh và định hướng người trụ trì trong tình hình mới.
Trước hết, chia sẻ về khái niệm “trụ trì”, Thượng tọa cho biết, khái niện này vốn không có trong kinh điển thời Đức Phật, mà chỉ mang tính phương tiện hoằng pháp khi Phật giáo du nhập và phát triển theo bối cảnh xã hội. Tuy nhiên, ý nghĩa cốt lõi của vị trụ trì vẫn được Đức Phật nhấn mạnh trong lời dạy cho chư Tăng: “Hãy là người thừa tự pháp, chớ là người thừa tự tài vật”. Từ đó, Thượng tọa khai triển khái niệm “Trụ pháp vương gia, Trì Như Lai tạng”, nhấn mạnh vai trò người trụ trì như là cột trụ giữ gìn Chánh pháp tại trú xứ, là nhân tố kết nối đạo pháp với đời sống xã hội, là trụ cột giúp ngôi Tam bảo trở thành điểm tựa tinh thần cho cộng đồng.
Song, trong bối cảnh mới, khi Phật giáo Việt Nam đang chuyển mình cùng đất nước, mỗi ngôi Tịnh xá đã trở thành tổ chức trực thuộc của Giáo hội, không còn đơn thuần là nơi tu học, điều này còn đặt ra cho vị đảm nhiệm trụ trì một yêu cầu cao hơn đối với vai trò và năng lực vận hành đạo tràng Tịnh xá.
Thượng tọa trăn trở: “Sau khi tổ chức hành chính Nhà nước được tinh gọn, việc thành lập Ban Quản trị cơ sở tự viện là bắt buộc, người trụ trì phải kiêm nhiệm chức vụ Trưởng ban, đồng thời chịu trách nhiệm điều hành hành chánh, kết nối chính quyền, tổ chức Phật sự, hướng dẫn đồ chúng và đào tạo nhân sự kế thừa. Cũng vì vậy, người trụ trì ngày nay không chỉ cần có đạo hạnh, cũng không thể chỉ lo nội tu, mà còn cần có tầm nhìn và năng lực ứng xử phù hợp với thời đại như: năng lực quản lý, am hiểu pháp luật, thông thạo hành chánh giáo hội và biết ứng dụng công nghệ”.
Trước những thay đổi và đòi hỏi của thời duyên, Thượng tọa cũng chỉ rõ những hạn chế mà một số trú xứ hiện đang mắc phải như: thiếu năng lực tổ chức, chưa cập nhật quy định mới của Giáo hội và pháp luật, yếu trong truyền thông hoằng pháp, hoặc chưa phát huy vai trò “tiếp Tăng độ chúng”, một trong những yếu tố quyết định sự tồn tại của ngôi Tam bảo.
Thượng tọa đặc biệt đề cao trách nhiệm “tiếp Tăng độ chúng” của vị trụ trì khi dẫn lời kinh Trung Bộ số 65: “Hãy bảo vệ người tu có chút ít lòng tin như bảo vệ con mắt còn lại”, hay trong kinh Bhaddali với lời Phật dạy đầy tình thương: “Chúng ta chớ để chút ít lòng tin, lòng thương của vị ấy bị đoạn diệt”, để nhấn mạnh rằng người trụ trì cần vừa từ bi vừa nghiêm trì giới luật. Theo Thượng tọa, việc tiếp Tăng độ chúng không chỉ là thế phát, độ người xuất gia, mà còn là trách nhiệm nuôi dưỡng, dìu dắt và bảo hộ đồ chúng tại trú xứ, là trách nhiệm nối dài mạng mạch đạo pháp của vị trụ trì.
Trong đó, Thượng tọa đặc biệt lưu ý đến sự khéo léo trong giáo hóa và sự nghiêm túc trong kỷ cương, thông qua dẫn chứng từ tấm gương của Ni trưởng Huỳnh Liên – người từng thay đổi nội quy nấu ăn tại Tịnh xá Ngọc Phương để bảo vệ các vị tập sự không bị tổn thương bởi sự quấy nhiễu của hộ pháp nữ. Điều đó thể hiện tình thương nhưng không buông lung, tinh thần nghiêm túc nhưng không hà khắc, nuôi dưỡng niềm tin, nhưng không dung dưỡng sai phạm, mà mỗi vị trụ trì cần học hỏi.
Từ đây, TT. Giác Nhường đi đến sự khẳng định về giá trị của mô hình “sống chung tu học” thông qua các thời khóa thiền định – khất thực – thuyết pháp mà Tổ sư Minh Đăng Quang đã khai sáng. Thượng tọa nhận định, những pháp hành như “Niết-bàn thời khắc biểu - trú dạ lục thời”, y bát truyền thống, cúng hội, tụng Chơn lý… cần được khôi phục và duy trì như nền tảng cho sự sống còn của Hệ phái.
Cuối phần tham luận, TT. Giác Nhường một lần nữa khẳng định: “Người trụ trì, do đó, không chỉ là người ‘trụ’, mà còn phải là người ‘hành’. Tức, luôn gắn bó giữa nội tu và ngoại hóa, giữa truyền thống và thực tiễn, giữa hoằng pháp và hộ pháp. Như lời Tổ sư dạy: ‘Có hành cũng phải có trụ. Hành - trụ đi đôi mới phải đạo’.” Đây là một nguyên lý thể hiện rõ sự quân bình giữa du hóa và an trú, giữa nội tu và ngoại hóa, giữa giữ đạo và độ sanh. Như vậy, người trụ trì phải biết thích ứng linh hoạt nhưng vẫn giữ vững cốt lõi giới - định - tuệ, để ngôi Tam bảo tại trú xứ trở thành nơi nương tựa vững chắc cho người dân và Phật tử địa phương.
Một số hình ảnh được ghi nhận: