CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Giáo đoàn VI tổ chức lễ tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng

Sáng nay, ngày 23/2/2020 (nhằm 1-2 Canh Tý), tại Tịnh xá Lộc Uyển, 121 Kinh Dương Vương, phường 12, Quận 6 đã cử hành nghi Lễ Tưởng niệm 66 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng (1954 - 2020).

Quang lâm chứng minh buổi lễ có Thượng tọa Giác Nhuận, Tri sự phó Giáo đoàn 6; Thượng tọa Giác Minh Giáo thọ Sư lớp giáo lý và lớp Bát Quan Trai cùng hơn 20 chư tôn đức Tăng từ các miền tự viện trực thuộc Giáo đoàn 6 đồng về tham dự.

Trước khi diễn ra buổi lễ tưởng niệm, vào lúc 9 giờ sáng Thượng tọa Giác Minh cùng chư Tôn đức Tăng trú xứ các miền Tịnh xá đã hướng dẫn hơn 100 Phật tử trì tụng kinh. 

Sau đó, 10g30 buổi lễ Tưởng niệm diễn ra.

Trong buổi lễ Thượng tọa Giác Nhuận, Thượng tọa Giác Minh và Đại đức Giác Nghiêm đã dâng trầm lên cúng dường Tổ sư Minh Đăng Quang

Thượng tọa Giác Nhuận chia sẻ: do tình hình dịch bệnh Corona cũng như tuân theo sự chỉ đạo của Giáo hội nên lễ Tưởng niệm diễn ra nội bộ, tinh lược các nghi thức đơn giản nhất có thể.

Sư Minh Đạo đã hướng dẫn hơn 300 Phật tử hòa chúng tụng kinh.

Đại đức Minh Dẫn đã cung tuyên, lược sử của Tổ sư Minh Đăng Quang.

Nguyên thế danh Tổ Sư là Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Hườn, sinh lúc 10 giờ đêm ngày 26 tháng Chín năm Quý Hợi (tức 4 tháng 11 năm 1923) tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình (nay thuộc huyện Tam Bình) tỉnh Vĩnh Long; là con út trong một gia đình có năm người con. Song thân của Sư là ông Nguyễn Tồn Hiếu và bà Phạm Thị Nhàn.

Mười tháng sau khi sinh ra Sư, ngày 25 tháng Bảy năm Giáp Tý (1924), mẹ lâm bệnh nặng và qua đời, hưởng dương 32 tuổi. Từ đó, Sư được phụ thân và mẹ kế Hà Thị Song nuôi dưỡng cho đến lúc trưởng thành.

Có tiếng thông minh, lại chăm chỉ, việc học hành của Sư mỗi năm mỗi tiến phát. Ngoài giờ học tập ở trường, giúp việc nhà, Sư còn tìm tòi học hỏi về Tam giáo. Năm 15 tuổi, Sư xin phép cha qua Nam Vang để tầm sư học đạo. Tại đây, Sư thọ giáo với một tu sĩ người Khmer lai Việt để nghiên cứu kinh tạng và đường lối y bát chơn truyền của Phật Tăng xưa
Khoảng 3 năm sau, cuối năm 1941, Sư về lại Sài Gòn, vâng lời cha lập gia đình năm 1942. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, thì vợ (tên Kim Huê, người Chợ Lớn, không rõ họ) và con nhỏ của Sư đều lâm bệnh rồi lần lượt qua đời.

Cám cảnh vô thường, Sư quyết chí đi tu. Đầu tiên Sư đến Hà Tiên định lần qua Phú Quốc, rồi sau đó sẽ đi nước ngoài học đạo. Nhưng khi vừa đến nơi thì đã trễ tàu, Sư ra đầu gành bãi biển Mũi Nai (Hà Tiên) ngồi tham thiền 7 ngày đêm. Trước cảnh trời nước bao la biến đổi khôn lường, cộng với nỗi đau riêng (mẹ và vợ con đều mất sớm)...vào một buổi chiều, Sư ngộ được lý vô thường, vô ngã, khổ vui của cuộc đời,...và ngộ được lý pháp "thuyền Bát Nhã ngược dòng đời cứu độ chúng sinh".
Sau khi ngộ đạo, Sư lên vùng Thất Sơn (An Giang) để tiếp tục tu tập.

Ít lâu sau, chiến tranh lan tới vùng núi rừng Thất Sơn, phá tan cảnh yên tĩnh thường có. Trong bối cảnh ấy, Sư gặp được một nam tín đồ và theo vị này về trú ở Linh Bửu Tự, thuộc làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho. Nơi đây, suốt ba năm (1944 - 1947), thường thì buổi sáng Sư đi khất thực, đến trưa thì thọ trai, buổi chiều giáo hóa, buổi tối tham thiền nhập định, nêu gương về đời sống phạm hạnh thanh tịnh, y theo truyền thống của Phật Tăng thời chính pháp.

Đầu năm 1947, Sư rời chùa để đi giáo hóa khắp Nam Bộ, và các vùng miền khác như Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa, Vũng Tàu, v.v... Sau 8 năm tiếp độ tăng chúng, vào ngày 1 tháng Hai năm Giáp Ngọ (1954), Sư rời Tịnh xá Ngọc Quang đi với một vị sư già và một chú điệu qua Tịnh xá Ngọc Viên (Vĩnh Long), rồi qua tiếp Cần Thơ. Nhưng khi đến Cái Vồn (Bình Minh, Vĩnh Long) thì Sư bị một số người bắt đi thất tung cho đến nay.

Cuối buổi lễ Thượng tọa Giác Nhuận chia sẻ, nhắc nhở đại chúng khi bước chân vào cõi đời gian nguy, người cư sĩ phải cần đem theo giới định huệ. Vì không thế nào với cái tham sân si mà được sống đời nên công kết quả cho được?

Một ông vua mà còn chút điểm say mê, một vị quan tâm còn sân giận, một người giàu sang mà ý còn tham lam, là sẽ thất bại (vì không đạo). Cho đến đối với tất cả các hạng sĩ, nông, công, thương nghèo nàn, dân tội, mà còn tham sân si, thì không được tấn hóa, lợi ích và bình yên lâu dài. Từ trong gia đình đến ngoài xã hội, cùng khắp cả thế gian, tham sân si là cái chết sình từ trong ruột mà ra, nó sẽ giết thân mạng ta, của ta và tất cả trước khi ta lo làm, hoặc lúc đang lo làm, cùng lúc mới lo làm vừa xong, nó không bao giờ để yên cho ta hưởng được kết quả! Chính tham sân si là ác độc, là khổ hại.

Đối trị nó chỉ có đạo đức, của Giới - Định - Huệ mà thôi. Điều này không chỉ riêng hàng đệ tử xuất mà tại gia cũng phải tu tập học hành pháp bảo ấy.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan