TP.HCM: Đại đức Minh Sơn giảng kinh “Sa-môn quả” nhân khóa an cư tại trường hạ Pháp Viện Minh Đăng Quang

Chiều 1/7/2025 (7/6/Ất Tỵ), trong khuôn khổ khóa ACKH PL.2569, tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang (TP.Thủ Đức, TP.HCM), ĐĐ. Minh Sơn đã có buổi thuyết giảng đầy ý nghĩa về bài kinh “Sa-môn quả”, một bản kinh trọng yếu trong Trường Bộ Kinh (Dīgha Nikāya), ghi lại cuộc đối thoại sâu sắc giữa Đức Phật và vua A-xà-thế (Ajātasattu).

Mở đầu buổi pháp thoại, ĐĐ. Minh Sơn đã nêu rõ ý nghĩa của thuật ngữ “Sa-môn” (Pāli: Samaa), vốn là từ chỉ chung những người từ bỏ đời sống thế tục, sống đời phạm hạnh, hành trì giới luật, tu tập thiền định, đoạn tận dục vọng và hướng đến giải thoát tối hậu.

Theo Đại đức, “Sa-môn” bao hàm ba ý nghĩa: 1. Tu sĩ – người xuất gia, rời bỏ gia đình để cầu đạo giải thoát; 2. Khất sĩ – người sống bằng hạnh khất thực, nuôi mạng chánh mạng; 3. Ẩn sĩ – người xa lánh thế gian, hành đạo nơi rừng sâu núi thẳm. Đồng thời, “Sa-môn” cũng được phân thành bốn hạng: 1. Thánh đạo Sa-môn – bậc đã chứng đắc quả vị A-la-hán, hoàn toàn giải thoát; 2. Thuyết đạo Sa-môn – bậc hữu học, có tri kiến sâu sắc, giảng dạy chánh pháp; 3. Hoạt đạo Sa-môn – người chưa xuất gia nhưng đã đạt một số tầng thiền và tuệ giác; 4. Ô đạo Sa-môn – người chỉ có hình thức xuất gia nhưng không hành trì giới luật nghiêm túc.

Tóm lược bối cảnh bài kinh, Đại đức cho biết: “Vào một đêm trăng tròn, Vua A-xà-thế, sau khi được các đại thần khuyến khích, đã đến vườn xoài của Kỳ-bà (Jīvaka) để đảnh lễ và thỉnh vấn Đức Thế Tôn về lợi ích thiết thực của đời sống xuất gia. Trước đó, Nhà Vua đã lần lượt đến thăm sáu vị đạo sư đương thời, nhưng không ai đưa ra được câu trả lời viên mãn”.

Qua đó, Đại đức đã lần lượt trình bày tư tưởng của sáu vị ngoại đạo này:

  1. Pūraṇa Kassapa (Phú-lan-na Ca-diếp): Chủ trương Vô hành luận (Akiriyāvāda) – phủ nhận nghiệp và quả, cho rằng mọi hành động (dù thiện hay ác) đều không đưa đến hậu quả đạo đức.
  2. Makkhali Gosāla (Mạt-già-lê Câu-xá-lê): Theo thuyết Định mệnh (Niyativāda) – cho rằng mọi sự đều đã định sẵn, không cần tu tập, mọi hành vi đều vô ích.
  3. Ajita Kesakambala (A-kì-đa Sí-xá-khâm-bà-la): Chủ trương Hư vô luận và duy vật luận – phủ nhận luân hồi, nghiệp và quả; cho rằng chết là hết, thân xác chỉ là vật chất tan rã.
  4. Pakudha Kaccāyana (Ca-la-cưu-đà Ca-chiên-diên): Dạy thuyết Bảy thân (Satta-kāyavāda) – cho rằng vũ trụ gồm bảy yếu tố bất biến, không tương tác, nên hành vi con người không có hệ quả đạo đức.
  5. Nigaṇṭha Nātaputta (Ni-kiền-tử Na-tha-phất): Giáo chủ của Kỳ Na giáo, chủ trương tu khổ hạnh cực đoan nhằm tiêu trừ nghiệp bằng cách hành xác.
  6. Sañjaya Belaṭṭhaputta (Tán-nhã-di Tỳ-la-phê-phất): Theo thuyết Hoài nghi (Amarāvikkhepikavāda) – không đưa ra lập trường rõ ràng, tránh né mọi câu hỏi về chân lý, sợ sai và sợ bị chỉ trích.

Dựa trên nội dung bài kinh, ĐĐ. Minh Sơn đã hệ thống và trình bày 13 lợi ích siêu việt của đời sống xuất gia, hay còn gọi là “quả Sa-môn”, bao gồm:

  1. Được cung kính, cúng dường từ hàng vua chúa đến dân thường.
  2. An trú trong giới luật từ tiểu giới, trung giới đến đại giới.
  3. Không sợ hãi, sống an nhiên, đầy tín tâm giữa đời.
  4. Các căn được hộ trì, không bị trần cảnh lôi kéo, không dao động bởi ngoại duyên.
  5. Tỉnh giác trong ba nghiệp: thân, khẩu, ý – sống chánh niệm và tự chủ.
  6. Sống đời thiểu dục tri túc, không chạy theo vật chất.
  7. Xả ly năm triền cái: tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo cử, nghi hoặc.
  8. Chứng đạt tâm giải thoát – đạt an trú nội tâm thanh tịnh.
  9. Thành tựu bốn tầng thiền: từ sơ thiền đến tứ thiền.
  10. Đạt được chánh kiến và trí tuệ về thực tại.
  11. Thành tựu các năng lực thần thông phi thường.
  12. Đắc ngũ thông: thiên nhãn, thiên nhĩ, thần túc, túc mạng và tha tâm thông.
  13. Giác ngộ Tứ Diệu Đế, đoạn trừ lậu hoặc, chứng quả A-la-hán – giải thoát tối hậu.

Buổi thuyết giảng của ĐĐ. Minh Sơn không chỉ giúp chư hành giả trong mùa an cư hiểu sâu về giá trị của đời sống xuất gia, mà còn khơi dậy lòng kính tín đối với lý tưởng Sa-môn, con đường vượt thoát mọi hệ lụy sinh tử, đạt đến thanh tịnh và giải thoát viên mãn. Qua đó, hàng hậu học cũng được nhắc nhở về lý tưởng cao cả và sự cần thiết của chánh kiến giữa một thời đại đa quan điểm và phức tạp như hiện nay.

 

Một số hình ảnh được ghi nhận: