Với chủ đề: “Phương pháp tu tập thiền định: Trích dẫn từ Kinh Pháp Bảo Đàn đến Chơn lý ‘Nhập Định’”, sáng 23/7/2025 (29/6/Ất Tỵ), tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang (P.Bình Trưng, TP.HCM), Trưởng lão HT. Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Viện trưởng VNCPHVN, Trưởng ban Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, đã có buổi giảng thứ 3 nối tiếp những pháp thoại trước về con đường tu tập thiền định, mở ra nhiều phương diện thực tập từ kinh điển Thiền tông đến giáo lý đặc thù của Hệ phái PGKS.
Mở đầu thời pháp, Trưởng lão Hòa thượng đã nhắc lại những nguyên tắc căn bản của việc tu tập thiền định, trong đó nhấn mạnh ba bước điều chỉnh trọng yếu: điều thân, điều tức và điều tâm. “Người hành thiền trước tiên phải điều thân, giữ cho thân ngay thẳng, không nghiêng lệch, không ngửa ra sau hay cúi về trước; ngồi bán già hoặc kiết già để tạo nền tảng vững chãi cho định lực. Kế đến là điều tức, điều hòa hơi thở nhẹ nhàng, sâu lắng, để từng nhịp hít vào, thở ra trở nên an ổn. Bước thứ ba là điều tâm, giữ cho tâm tánh được an tịnh, không vọng động. Muốn điều phục được tâm ý cần tinh tấn lâu dài và thực hành liên tục, từ đó mới có thể thành tựu các tầng thiền từ sơ thiền đến tứ thiền”, Trưởng lão Hòa thượng chỉ rõ.
Tiếp đó, Trưởng lão HT. Giác Toàn giảng giải cho đại chúng về ý pháp thiền định trong Kinh Pháp Bảo Đàn của Ngài Lục Tổ Huệ Năng. Hòa thượng trích dẫn từ phẩm Diệu hạnh: “Sao gọi là thiền định? Ngoài lìa tướng là thiền, trong không loạn là định. Nếu thấy cảnh mà tâm không loạn, ấy là định chân chánh. Sao gọi là tọa thiền? Không khởi tâm niệm gọi là tọa, bên trong thấy tự tánh bất động gọi là thiền”. Theo Trưởng lão Hòa thượng, tọa thiền không chỉ là tư thế ngồi, mà cốt yếu là giữ cho tâm không khởi niệm, bên trong thấy rõ tự tánh bất động chính là thiền.
Theo đó, trong đời sống tu tập và sinh hoạt chung, Hòa thượng dạy đại chúng không nên khởi niệm phân biệt tốt - xấu, giỏi - dở, thích - ghét với những người xung quanh, vì đó là nguyên nhân khiến tâm tán loạn. Hòa thượng nhấn mạnh: “Người tu hạnh bất động là người khi thấy mọi người mà không còn chấp vào chuyện phải - trái, tốt - xấu, ấy chính là tự tánh bất động”.
Mặt khác, với giáo lý thiền định trong Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang, Trưởng lão Hòa thượng cho rằng, cũng như Ngài Lục Tổ Huệ Năng, Tổ sư dạy có ý tương đồng: “Cái định hằng có nơi mỗi chỗ, nơi mọi lúc, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý phải định luôn luôn. Có chánh mới có định, chánh đạo là năng sanh định quả. Chính chánh định mới là bổn ngã vậy”. Qua đó, Trưởng lão Hòa thượng khai thị, thiền định không chỉ là hành trì trong giờ tọa thiền mà phải được duy trì trong mọi oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi. Chỉ khi có chánh kiến, quán xét đúng lẽ thật, hành giả mới có thể tiến đến chánh định, từ đó phát sinh an lạc chân thật.
Đặc biệt, Trưởng lão HT. Giác Toàn kết nối thiền định với Bát chánh đạo, chỉ rõ: “Có định mới có vui và có sống. Muốn vui sống có ta thì phải định, muốn có định thì phải có chánh kiến. Từ chánh kiến đến chánh định gọi là Đạo; chánh định chính là kết quả, là quả yên vui do sự giác ngộ, quét sạch căn trần”.
Khép lại buổi giảng, Trưởng lão Hòa thượng dẫn giải lộ trình thiền định từ sơ thiền đến tứ thiền theo Chơn lý: từ tầm sát, sự tìm tòi quán xét lẽ thật, hành giả sẽ đạt đến hỷ (niềm vui), rồi sinh lạc (niềm vui sâu lắng). Khi có lạc thì tâm an tịnh, đạt đến các tầng thiền: sơ thiền thuộc cảnh trời Dục giới, nhị thiền thuộc cảnh trời Sắc giới, tam thiền thuộc cảnh trời Vô sắc giới hay cõi Cực lạc của Đức Phật A Di Đà và tứ thiền chính là cảnh giới Tịnh độ.
Qua sự chỉ dạy sâu sắc của Trưởng lão HT. Giác Toàn đã giúp chư hành giả an cư thấu rõ hơn con đường thiền định, từ phương diện thực hành thân, tâm, hơi thở cho đến sự chuyển hóa nội tâm sâu xa, để mỗi bước tu tập đều hướng đến giải thoát, an lạc và giác ngộ.
Một số hình ảnh được ghi nhận: