CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Giáo đoàn III: Chương trình Hành đạo Ngày thứ chín

Sáng ngày 19/03/2024 (nhằm ngày 10/02 Giáp Thìn), chư Tôn đức Ban Lãnh đạo GĐ.III tiếp tục khởi động chuyến hành đạo ngày thứ chín, đến các miền Tịnh xá trực thuộc Giáo đoàn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Sau khi tụng kinh và thiền định tại TX. Ngọc Chơn (thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk), dưới sự chủ trì của HT. Giác Hùng cùng chư Tôn đức Ban Lãnh đạo GĐ.III, phái đoàn đã trang nghiêm thực hiện hạnh trì bình khất thực hóa duyên tại cung đường Nguyễn Chí Thanh (phường An Bình, tỉnh Đắk Lắk).

 

1 - Tại Tịnh xá Ngọc Bửu (huyện Ea Kar)

Đến 08g45, phái đoàn đã ghé thăm TX. Ngọc Bửu (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk), do NT. Luật Liên trụ trì.

Tại đây, đại diện chư Tôn đức GĐ.III, HT. Giác Hùng đã dành lời thăm hỏi cũng như sách tấn chư Ni cùng Phật tử. Hòa thượng nhấn mạnh: “Là những người con Phật, mỗi hành giả Ni cần nỗ lực hết mình trong việc tu tập, hằng trau dồi kiến thức, đoàn kết, gìn giữ giới luật một cách nghiêm mật ngay trong đời sống sinh hoạt Tăng đoàn, nhằm trang nghiêm tự thân, cũng là trang nghiêm cho đạo pháp. Có như vậy mới tinh tiến trên lộ trình giải thoát đi đến giác ngộ”.

Hòa thượng cũng tán thán Ni Trưởng cùng chư Ni và quý Phật tử nơi đây đã góp công sức xây dựng đạo tràng TX. Ngọc Bửu trang nghiêm tú lệ. Qua đó, Hòa thượng khuyến tấn đại chúng: “Cố gắng gìn giữ nếp sống hoà hợp, thanh tịnh, an hoà với nhau, người đi trước làm gương cho người đi sau, hằng nuôi dưỡng tâm bồ đề, chớ ham mê tài sắc danh vọng mà quên mất việc tu hành, gieo trồng phúc điền để làm lợi ích cho mình và tha nhân”.

 

2 - Tại Tịnh xá Ngọc Nhiên (huyện Krông Pắc)

Đoàn hành đạo GĐ.III tiếp tục ghé thăm TX. Ngọc Nhiên (thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk), do ĐĐ. Giác Thăng trụ trì.

Đáp lời cung an của Đại đức Trụ trì, HT. Giác Hùng - Tri sự Trưởng Giáo đoàn, đã thăm hỏi chư Tăng và Phật tử nơi đây. Đồng thời Hòa thượng sách tấn: “Chư Tăng cần cố gắng tu hành, không từ lao nhọc, giữ gìn đạo hạnh, giới đức trang nghiêm, làm tấm gương sáng cho các Phật tử noi theo. Cần hiểu rằng, sự nỗ lực vượt qua chướng ngại, chướng duyên để tu tập, nhằm trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ tam đồ. Chư Tăng phải nhớ ơn Tổ Thầy dạy dỗ mà củng cố kiến thức, vun bồi đạo tâm, làm chỗ nương tựa quy hướng của các Phật tử, rồi từ đó tiến về nẻo giác, làm lợi ích cho mình và tha nhân”.

Nhân chuyến hành đạo của chư Tôn đức GĐ.III, quý Phật tử nơi đây đã hùn phước cúng dường Trai Tăng, cầu nguyện quốc Thái dân an, cửu huyền thất tổ được siêu thăng, gieo thiện căn đến với Phật pháp.

Thay mặt chư Tăng, Hòa thượng Tri sự Trưởng đã chứng minh, bày tỏ niềm tán thán trước công đức của các Phật tử và ban lời huấn từ: “Là hàng Phật tử, cư sĩ tại gia, mỗi người phải giữ lòng hiếu thuận với cha mẹ ông bà, khiến cho trên hoà dưới thuận. Bởi lẽ, nuôi con mới biết ơn cha mẹ, cực khổ lo toan đến bạc đầu. Do vậy, trước hết phải làm trọn bổn phận của người con với cha mẹ, sống có đạo đức, sau mới dụng công tu tập, học đạo, ra sức hộ trì Tam Bảo”.

Tiếp lời, HT. Giác Minh cũng sách tấn các Phật tử, qua đó nhấn mạnh thế nào gọi là chánh pháp. Hòa thượng dạy: “Bất kể lời nói, hành động, tư tưởng nào, đem lại lợi ích cho mình, lợi ích cho người, cho đời này và cho đời sau, đó gọi là chánh pháp. Ngược lại, bất cứ lời nói, hành động, tư tưởng nào, gây hại cho mình, đồng gây hại cho người, cho đời này và đời sau, như vậy không phải là chánh pháp.

Đạo Phật là đạo giải thoát, giác ngộ, là đạo của tỉnh thức, đem lại lợi ích cho mình và tha nhân. Trong đó, giải thoát có nghĩa là cởi trói, tháo mở cho mình và người khỏi những gì đem lại khổ đau, ràng buộc trong phiền não, trói buộc chúng ta trong sanh tử luân hồi. Giác ngộ và giải thoát ra khỏi sanh tử luân hồi chính là mục đích tối thượng của người tu. Bên cạnh đó cũng cần phải có từ bi trang trải khắp muôn nơi, nhưng từ bi phải có trí tuệ song hành. Đạo Phật cũng là đạo bình đẳng. Đã bước chân vào đạo không có phân biệt giai cấp, giàu nghèo, sang hèn, nhanh nhẹn hay chậm chạm. Bởi, tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, Phật tánh là bình đẳng”.

 

3 - Tại Tịnh xá Ngọc Phương (TP.Buôn Ma Thuột)

Sau khi dừng nghỉ tại TX. Ngọc Nhiên, phái đoàn tiếp tục khởi hành lúc 14g45, đến thăm TX. Ngọc Phương (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), do ĐĐ. Giác Kiến trụ trì.

Thăm hỏi và ban lời đạo từ, chư Tôn đức Ban Lãnh đạo GĐ.III sách tấn chư Tăng và Phật tử muốn cầu học đạo giải thoát, trước phải vững niềm tin với Tam bảo, dụng công thực hành tu tập, nhớ ghi luật nhân quả, làm lợi ích cho mình, cho gia đình và cả chúng sanh. Ngoài ra cũng cần siêng năng tạo nhiều phước đức, gieo nhiều nhân duyên lành, có phước báu thì chắc chắn sẽ sanh về cõi lành.

Được biết, vào năm 2019 có Phật tử cúng dường đất xây dựng ngôi Tam bảo, đến nay đang trong quá trình hình thành. Dịp này, ĐĐ. Giác Kiến cũng đã trình bạch lên chư Tôn đức GĐ.III, đồng thời tỏ bày mong muốn đặt tên ngôi Tịnh xá là “TX. Ngọc Tân”.

Theo đó, thay mặt chư Tôn đức, HT. Giác Minh tán thán đại chúng tại TX. Ngọc Phương. Hòa thượng ban huấn từ: “Đừng nên chạy theo pháp tướng bên ngoài. Mọi sự về hình tướng bên ngoài nên tùy theo lượn sống của cuộc đời nơi đây, hãy làm theo hoàn cảnh, địa phương, điều kiện nơi đây để đạt được thuận lợi. Thành công hay không là viên đá sau cùng. Hương nào có thể thiếu, nhưng tất cả chư Tăng trong Giáo đoàn, với đường lối Khất sĩ, không thể thiếu ba món hương, đó là: hương Giới, hương Thiền định, hương Trí Tuệ. Hương là ở trong lòng tỏa ngát ra bên ngoài, hãy là hương ngược gió khắp tung bay. Hãy cẩn thận, cẩn thận và cẩn thận, ghi nhớ rằng thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”.

 

4 - Tại Tịnh xá Ngọc Nhơn (huyện Buôn Đôn)

Đến 16g02 cùng ngày, dưới sự dắt dẫn của Hòa thượng Tri sự Trưởng cùng chư Tôn đức Lãnh đạo đoàn hành đạo GĐ.III, phái đoàn đã ghé thăm TX. Ngọc Nhơn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), do ĐĐ. Giác Minh Thủy trụ trì.

Thay mặt chư Tăng Tịnh xá, Đại đức dâng lời tác bạch cung đón và vấn an chư Tôn đức phái đoàn hành đạo GĐ.III, đồng thời trình bày: “TX. Ngọc Nhơn được HT. Giác Dũng khai sơn năm 1999. Đến năm 2017, con được cắt cử về chăm lo cho Tịnh xá. Sau đó, vào ngày 03/12/2022, con bắt đầu khởi công xây dựng ngôi chánh điện và cho đến nay đã hoàn thành xong khu vực Giảng đường”.

Ban huấn từ, HT. Giác Hùng khẳng định: “Muốn thành tựu ngôi đạo tràng như hôm nay đều là sự chung tay đóng góp của mỗi người, kẻ công người của. Từ đó mà ngôi Chánh điện mới sớm ngày hoàn thành, có chỗ tránh nắng trú mưa, sinh hoạt, tu tập cho chư Tăng và Phật tử nơi đây. Cũng nhờ đó mà góp phần tạo thêm niềm kính tin Tam bảo cho Phật tử, giúp Phật tử có nơi nương trú tu tập, ngày càng tiến lên bậc thánh thiện. Cần nhớ rằng, mỗi người là một ngọn đèn, hãy cùng nhau thắp sáng bóng đêm này. Chư Tăng và quý Phật tử cố gắng thực hiện lời Phật dạy, lời Tổ dạy, lời Thầy dạy, để phước tăng tội giảm, khi xả bỏ báo thân này có thể sanh về cõi lành”.

 

5 - Tại Tịnh xá Ngọc Hương (TP.Buôn Ma Thuột)

Đến 16g50, đoàn hành đạo GĐ.III đã ghé thăm TX. Ngọc Hương (số 144/21 Phạm Ngũ Lão, thôn 1, xã CưÊ Bua, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), do NS. Hạnh Liên trụ trì.

Được biết, TX. Ngọc Hương nằm trên vùng đất có diện tích là 5.000m2, do cố HT. Giác Dũng khai sơn năm 1977, để Ni chúng có một chốn già lam nương thân tu học. Mặc dù diện tích còn khá khiêm tốn, cơ sở còn nhiều thiếu thốn, nhưng niềm an lạc luôn dâng tràn, đạo tâm tăng trưởng, mầm tuệ giác ngày ngày được gieo trồng xanh tốt. Do nhu cầu sinh hoạt, tu học ngày một tăng, cơ sở cũ không thể đáp ứng được, nên Tịnh xá đã được khởi công trùng tu xây dựng năm 2013, trong sự nỗ lực, quyết tâm của Ni sư trụ trì cùng toàn thể Phật tử. Từ năm 1978, NS. Hạnh Liên được suy cử làm Trụ trì cho đến nay. Hiện, ngôi Tịnh xá vẫn đang trong quá trình tu sửa lại để trang nghiêm hơn.

 

6 - Tại Tịnh xá Ngọc Quang (TP.Buôn Ma Thuột)

Khép lại chuyến hành đạo ngày thứ chín, chư Tôn đức GĐ.III đã dừng chân tại TX. Ngọc Quang (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), do HT. Giác Tiến trụ trì, thăm hỏi và sách tấn chư Tăng, Phật tử tại đây.

Tịnh xá Ngọc Quang với diện tích 3.123m2, tọa lạc tại TP.Buôn Ma Thuột, có hình dáng tổng thể trông như một đoá sen vàng, nổi bật giữa màu xanh ngút ngàn của núi rừng Tây Nguyên. Vào năm Canh Tý (1960), Đức Thầy Giác An đã dừng bước du phương hóa độ tại đây. Khi ấy dân cư hãy còn thưa thớt, song với tâm nguyện hoằng pháp lợi sanh, Đức Thầy đã dày công tạo dựng nền móng ban đầu.

Ngày 01/02/1966, cơ sở hạ tầng của Tịnh xá bao gồm: chánh điện theo mô hình bát giác truyền thống của Hệ phái, đường kính 12m mái tôn vách ván, nhà thờ cửu huyền, nhà khách, nhà trù, tịnh cốc. Tất cả được xây dựng khá hoàn chỉnh. Đến năm 1975, đất nước hòa bình độc lập, HT. Giác Dũng được Tăng đoàn bổ xứ về Ban Mê Thuột đảm nhiệm cương vị Trụ trì TX. Ngọc Quang. Ngày 14/10/2003, Hòa thượng đã cho khởi công đại trùng tu, tôn tạo và mở rộng cơ sở vật chất với các công trình chính như: chánh điện, giảng đường, Quan Âm các.

Cuối năm 2012, công trình tái thiết khá hoàn mãn, được đưa vào sử dụng trong việc giảng dạy Phật pháp và thực hành tu tập. TX. Ngọc Quang còn là nơi tiếp Tăng độ chúng. Hàng năm, Tịnh xá là điểm An cư kiết hạ của chư Tăng, Bố-tát của Tăng Ni HPKS trong tỉnh. Ngày 24/05/2009, TX. Ngọc Quang vinh dự đón nhận Kỷ lục Việt Nam về “Tịnh xá Khất Sĩ đầu tiên quy y Tam Bảo cho đồng bào Ê-đê ở Việt Nam” do Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam trao tặng.

TT. Giác Phổ đại diện chư Tăng TX. Ngọc Quang dâng lời tác bạch: “Thật là hạnh phúc cho chư Tăng và Nam nữ Phật tử chúng con hôm nay, với lòng thương tưởng hàng đệ tử và Phật tử khắp nơi, các Ngài đã không từ khó khăn mà quang lâm đến TX. Ngọc Quang, chúng con thành kính đảnh lễ cung đón quý Ngài. Kính bạch chư Tôn đức, đạo tràng TX. Ngọc Quang có 4 ngày cúng hội, 6 buổi thuyết Pháp, 4 buổi tu tập Bát quan trai, 8 buổi tu tập Tịnh độ niệm Phật và học hỏi giáo lý, thường tổ chức các buổi chiều công phu tu tập cho hàng Phật tử. Thành kính đảnh lễ vấn an và cung thỉnh chư Tôn đức có đôi lời giáo dưỡng cho chư Tăng và nam nữ Phật tử được ân triêm Pháp bảo”.

HT. Giác Hùng chứng minh, ban lời đạo từ: “Cầu nguyện ân trên Tam bảo gia hộ cho các vị được vạn sư an lành, tu hành đạt được lý tưởng của mình, mang lợi ích cho mình và chúng sanh., là người kế thừa tự tiếp nối con đường chánh Pháp, do đó phải có trách nhiệm giữ gìn giềng mối của Tổ Thầy, phát huy cho lớn mạnh và rạng rỡ hơn nữa để quần sanh trở về nương tựa, làm tròn bổn phận của mình để đền đáp ơn đức của Tổ Thầy trong muôn một”.

Dịp này, HT. Giác Trong đã dành buổi thuyết giảng tại đạo tràng Tịnh xá vào lúc 19g00 cùng ngày.

Hòa thượng chỉ dạy: “Chúng ta là những người con của Phật, được sinh ra từ trong Phật. Được lớn lên từ trong Phật, được trưởng thành từ trong Phật. Chúng ta được soi sáng trong ánh sáng đại từ bi của Phật, dắt dìu trong bàn tay đại trí tuệ của Pháp và thành tựu vô lượng phước đức trang nghiêm của 10 phương chư đại Bồ-tát, chư hiền Thánh Tăng. Sự có mặt của các Phật tử nơi đây là minh chứng cho sự có mặt ở trong Phật Pháp Tăng.

Quy y Phật là trọn đời Phật tử được soi sáng trong Phật, được dắt dìu, che chở trong Phật. Quy y Phật là các Phật tử đã sống đời sống từ bi của Đức Phật, đã nói được tiếng nói, làm việc làm trong lời nói, việc làm của Phật. Đây là những điều quan trọng nhất của sự quy y Phật. Như Đức Phật đã dạy rằng: ‘Trong sự cúng dường tối thắng Phật, không có sự cúng dường nào bằng trở về với Phật, sống đời sống từ bi của Phật’.

Khi các Phật tử Quy Y Pháp là các Phật hiện hữu chính mình trong đại trí tuệ của pháp, đã soi sáng mình trong ánh sáng đại trí tuệ của Pháp, đời sống, lời nói, việc làm, suy nghĩ đều ở trong đại trí tuệ của Pháp. Đó là sự hạnh phúc vô cùng đối với những người đã trở về soi sáng trong sự trí tuệ của Pháp.

Khi các Phật tử quy y Tăng là các Phật tử đã sống với bàn tay của đại phước đức, dắt dìu trong bàn tay của đại phước đức và định hướng cho mình hướng đi của Đại phước đức. Từ việc ăn cơm, uống nước, sinh hoạt đời sống đều trong đời sống của đại phước đức.

Tự quy y Phật là trở về với tự tánh ở trong Phật, tự quy y Pháp là trở về với tự tánh ở trong Pháp và Tự quy y Tăng là trở về với tự tánh ở trong Tăng.

Các Phật Tử nên học về chữ ‘quang’ (có nghĩa là ánh sáng). Ánh sáng ở đây là ánh sáng của trí tuệ. Đem bài học này vào cuộc sống, từ lời nói, việc làm, cho đến suy nghĩ, khi ứng dụng vào cuộc đời này hãy đều bằng ánh sáng. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu còn người sống với nhau trong sự sống, việc làm, suy nghĩ của bóng tối?

Trong tất cả các sự sống, không sự sống nào bằng sự sống của trí tuệ, không có tiếng nói, bước chân, ý thức nào bằng tiếng nói, bước chân, ý thức trong trí tuệ. Hôm nay thế giới đang thiêu đốt trong sự giết chóc lẫn nhau bằng những thứ vũ khí man rợ, con người vô tình đã biến thế gian này thành địa ngục A-tỳ, máu đã chảy thành sông, xương đã chất thành núi. Điều đó khiến con người tiếp tục trôi lăn trong đau khổ, tất cả chỉ vì trong việc làm, lời nói, suy nghĩ thiếu sự sáng suốt, thiếu ý thức với nhau.

Nếu con người nói trong tiếng nói của sự sáng suốt, làm trong việc làm của sự sáng suốt, suy nghĩ trong sự sáng suốt, thì cuộc sống trở nên hạnh phúc, tốt đẹp biết bao. Nguyên nhân đem đến đau khổ cho mình, cho gia đình, cho quê hương đất nước, cho Giáo đoàn mình, cho đời này và đời sau, đều chỉ vì con người không sáng suốt từ lời nói đến việc làm của họ. Từ ý nghĩa đó Phật tử sẽ thấy chữ ‘quang’ quan trọng như thế nào trong sự sống này. ‘Quang’ là biểu trưng cho ánh sáng của trí tuệ, sự hiểu biết, ý thức. Và đó cũng chính là ý nghĩa mà Đức Thầy khi đặt chân đến đây đã đặt tên cho đạo tràng này là TX. Ngọc Quang. Đây là một câu kinh, một câu công án, một câu thần chú tổng trì, để soi sáng mình, xua tan màn vô minh hắc ám, làm sống dậy sự giác ngộ ở trong tâm hồn.

Với người Phật tử, chúng ta có ba ngọn đèn ánh sáng là ánh sáng của Phật, ánh sáng của Pháp, ánh sáng của Tăng. Ánh sáng của Phật là ánh sáng của từ bi, ánh sáng của Pháp là ánh sáng của trí tuệ, ánh sáng của Tăng là ánh sáng của phước đức. Khi chúng ta quy y Tam Bảo là chúng ta đã nhận được ánh sáng của Từ Bi, Trí Tuệ, Phước Đức”.

Hòa thượng khẳng định: “Có một sự thật rằng, con người chúng ta đều sống trong sự sáng soi của ánh sáng như mặt trời, mặt trăng, ngọn đèn. Ánh sáng của Phật thì soi tất cả pháp giới, trùng trùng điệp điệp 10 phương thế giới. Cho nên khi tâm ý mình thanh tịnh, thành kính hướng về Phật, quy y Phật, tức khắc ánh sáng của Phật soi sáng chúng ta.

Khi Phật tử tụng kinh, hay đọc kinh, ví dụ đọc kinh Quan Thế Âm, thì ánh sáng của Quan Thế Âm Bồ-tát tức khắc có mặt để soi sáng ta; nếu các Phật tử tụng kinh A Di Đà, thì ánh sáng của Phật A Di Đà tức khắc sẽ soi sáng… nên các Phật tử khi tụng kinh thì ánh sáng của chư Phật, chư Bồ-tát tức khắc có mặt để soi sáng ta. Giống như chúng ta muốn gọi cho ai, thì bấm đúng số điện thoại, hay zalo thì sẽ thấy rõ hoặc biết được, nghe được người mà ta muốn gọi. Chư Phật, Bồ-tát cũng vậy, dù ở xa cách vô lượng , vô biê , vô cùng thế giới, nhưng có một chúng sanh nào nhất tâm chánh niệm, đều có thể gặp Phật và Bồ-tát.

Khi các Phật tử khởi lên tâm thiện lành thì trong tâm niệm sẽ phát ra ánh sáng của thiện lành, khi khởi lên tâm xấu ác, thì trong tâm niệm sẽ phát ra bóng tối của xấu ác. Tóm lại, tâm chúng ta khởi lên tâm niệm như thế nào thì sẽ phát ra ánh sáng như thế ấy. Tâm ở chỗ nào ánh sáng ở chỗ đó sẽ soi vào.

Hôm nay, Phật tử ngồi ở đây, trong ánh sáng nghĩ về Phật, hướng về Phật, thì ánh sáng của Phật soi sáng các Phật tử, các Phật tử khởi ý niệm của việc giữ giới thì ánh sáng của thanh tịnh soi sáng các Phật Tử. Không sát sanh là ánh sáng của từ bi, không trộm cắp là ánh sáng phước đức, không tà dâm là ánh sáng của chánh hạnh, không nói dối là ánh sáng của chơn thật, không khoe khoang là ánh sáng của sự khiêm tốn, không ngạo mạn là ánh sáng của khiêm cung, không chấp ngã là ánh của sự vô ngã, không đâm thọc là ánh sáng của sự hoà hiệp, không hung dữ là ánh sáng của hiền hoà, không tham lam là ánh sáng của sự bố thí, không sân giận là ánh sáng của sự nhẫn nhục, không si mê là ánh sáng của trí tuệ. Tất cả ánh sáng này không phải từ đâu đem đến mà là từ trong chúng ta phát khởi lên.

Do vậy, các Phật tử phải luôn luôn khởi lên ý niệm của thiện lành, từ bi, trí tuệ, hoà hợp, trên thuận dưới hoà, giữ giới đã thọ trì, hướng về chư Phật, chư đại Bồ-tát, hiền Thánh Tăng, để những ánh sáng thiện lành đó soi sáng các Phật tử trên bước đường học đạo và trong cuộc sống của mình, xua tan màn vô minh hắc ám, đánh bay ánh sáng của xấu ác, gian tham, tật đố, sân hận. Từ đó có được hạnh phúc an lạc cuộc đời mình, cho gia đình mình, quê hương mình, đất nước mình và cả nhân loại này.

Thân trong sạch ấy là xứ Phật
Miệng trong sạch ấy là pháp Phật
Ý trong sạch ấy là con Phật
Tâm trong sạch tức là Đức Phật.

Hôm nay, chúng ta là con của Phật nên phải thừa hưởng những gia tài ánh sáng từ bi của Phật, ánh sáng đại bát nhã của Pháp, ánh sáng đại phước đức của Tăng. Mong rằng trong bước chân đi của các Phật tử ở cuộc đời này, trên vạn nẻo đường hôm nay và ngày mai, các Phật tử sẽ luôn đi trong ánh sáng thiện lành, sống trong ánh sáng thiện lành và thành tựu chính mình trong ánh sáng đại từ bi, đại trí tuệ, đại phước đức, mà hơn nửa thế kỷ trước, khi Đức Thầy đến nơi đạo tràng này, đã đặt tên là TX. Ngọc Quang”.

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan