Tiểu sử TT. Minh Nhơn
- Ban TTTT Giáo đoàn VI
- | Thứ Ba, 23:28 09-05-2023
- | Lượt xem: 3528
TIỂU SỬ TT. MINH NHƠN
- Phó Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo GHPGVN tỉnh Bỉnh Thuận
- Phó Trị sự Giáo đoàn VI, Hệ Phái Khất Sĩ Việt Nam
- Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo GHPGVN huyện Hàm Thuận Nam
- Trụ trì Tịnh xá Ngọc Nhơn
1. THÂN THẾ GIA ĐÌNH
Dải đất Bình Thuận hình thành từ thế kỷ thứ XVI khi chúa Nguyễn Phúc Tần mở cõi vào Nam. Đây là một tỉnh ven biển nằm ở cực Nam khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, miền Trung nước Việt. Trải qua nhiều biến đổi thăng trầm của thời cuộc lịch sử, miền đất này ghi dấu biết bao bậc hiền tài xuất hiện xây dựng quê hương yên bình và giàu mạnh. Đây cũng là quê hương của cố Thượng tọa Thích Minh Nhơn – Phó trị sự Giáo đoàn VI.
Ngài tên thật là Lê Trọng Hoàng, sinh vào ngày 10 tháng 08 năm Canh Tý – 1960 trong một gia đình thuần lương chất phác ở xứ bưng biền tại xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Thân phụ Ngài là cụ ông Lê Hai, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Nhạn. Ngài là người con thứ năm trong gia đình có nhiều anh chị em. Tuổi trẻ được cha mẹ cho ăn học tươm tất về chữ nghĩa, nên Ngài có nếp hiếu thảo với song đường và thuận hòa với anh chị. Hàng ngày, ngoài việc chăm lo mưu sinh cùng thân phụ, Ngài còn biết lân la đọc sách Thánh hiền, tìm hiểu việc bốc thuốc chữa bệnh cứu người từ thiện.
Cơ duyên loan phụng hòa minh, vào năm 19 tuổi Ngài lập gia đình và có được 4 người con. Trong giai đoạn này, đất nước ta vừa trải chiến tranh nên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân. Nhận thấy thế cuộc vô thường, Thượng tọa khởi lên tâm niệm thoát trần, muốn tìm con đường an vui nơi cửa đạo. Nhưng do thời duyên chưa đến nên nhiều lần Ngài muốn xuất gia mà chưa tròn bổn nguyện.
Nhiều đêm, câu hỏi về con đường giải thoát cứ chập chờn trong tâm trí và tâm khát khao muốn chấm dứt nỗi khổ trong kiếp người cứ cuộn trào trong trái tim của người thanh niên miền sơn dã. Cho đến một hôm, Thượng tọa quyết chí rời nhà lên núi Tà Cú để ẩn tu thì cơ duyên xuất gia mới bắt đầu nảy lộc.
2. NHÂN DUYÊN XUẤT GIA
Núi Tà Cú từ lâu đời là một địa danh tâm linh của thành phố Phan Thiết nổi tiếng với nhiều ngôi cổ tự và các vị Tổ sư ẩn cư tu tập. Khoảng năm 1984, Thượng tọa Minh Nhơn tìm vào vùng đất này với chí nguyện cầu thầy học đạo. Ngài đến gặp Tổ Hữu Đức, vị khai sơn Tổ đình Linh Sơn Trường Thọ để tham vấn nhiều đạo lý nhiệm mầu. Trong thời gian tu tập đời cư sĩ nơi đây, Ngài được khai ngộ nhiều ý pháp cao sâu và được Tổ Hữu Đức chỉ dạy đi tham vấn các đạo tràng khác như chùa Kim Linh, thiền viện Chơn Không – Vũng Tàu, thiền thất Từ Ân của đạo sư Duy Lực phái tham thoại đầu…
Trong một lần chiêm ngưỡng hình ảnh đầu trần chân không, tay ôm bình bát đất của đoàn Du Tăng Khất Sĩ đã làm sinh khởi nhiều niềm tịnh tín trong lòng Ngài. Do đó, Ngài quyết chí muốn xuất gia theo truyền thống này. Ngài xin phép Tổ Hữu Đức để tìm đến tham vấn và xin quy y với trưởng đoàn Du Tăng là cố Thượng tọa Giác Huệ tại tịnh xá Ngọc Thanh – Thủ Thiêm, nay là thành phố Thủ Đức. Đây là vị Thượng tọa dẫn dắt đoàn Ca-diếp-ba khác với đoàn Du Tăng của Hòa thượng Giác Huệ - Khai sơn Giáo đoàn VI hiện nay. Tại đây, Ngài chính thức xuất gia năm 1987, lúc đó vừa tròn 29 tuổi. Năm 1988, Ngài xin phép Thầy vào rừng khai đất để lập thất và tới lui yên tu tại xã Hàm Thuận Nam.
Trải qua 2 năm hầu thầy, công quả và học luật nghi, Ngài được truyền trao Sa-di Thập giới năm 1989 tại tịnh xá Ngọc Thanh và được đặt pháp danh là Minh Nhơn.
Tuy nhiên, do tinh thần tu học của đoàn Du Tăng không ở lâu một trụ xứ nào quá 3 tháng để tôi luyện tinh thần buông xả của hàng Thích Tử nên Ngài theo Thầy rời đạo tràng nơi đây. Hầu Thầy rày đây may đó đến năm 1991, Ngài được gửi gắm tu học theo Trưởng lão Giác Đức tại Tổ đình tịnh xá Lộc Uyển và chính thức gia nhập Giáo đoàn VI cho đến hôm nay. Từ ngày làm đệ tử của Trưởng lão Giác Đức, Thượng tọa Minh Nhơn tinh tấn lập công bồi đức, học tập kinh luật và trọn lễ hầu Thầy. Nhận thấy công hạnh tròn đủ, Trưởng lão Giác Đức truyền trao Cụ túc giới vào ngày Rằm tháng Bảy năm 1993 tại tịnh xá Ngọc Châu – An Giang.
3. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO
Sau khi trở thành hàng Tỳ-kheo thiệt thọ như Pháp như Luật, Thượng tọa Minh Nhơn chăm lo tu hành và hỗ trợ Phật sự trong Giáo đoàn VI dưới sự lãnh đạo của Trưởng lão Giác Đức cho đến vài năm sau đó. Nhận thấy thuận duyên với chốn sơn lâm, Ngài tác bạch lên đại chúng trong ngày lễ Tự tứ xin phép trở về quê xưa để ẩn cư tu hành và được Giáo đoàn chấp thuận.
Tại quê xưa, từ năm 1988 Thượng tọa đã bắt đầu khai khẩn đất rừng làm nơi tu luyện. Nay trên danh nghĩa một vị Tỳ-kheo đệ tử Phật, Ngài trở lại đó để phát huy con đường y bát không không trong sạch của chư Phật ba đời. Trải qua mấy mươi năm giọt mồ hôi mặn đổ lên hạt cát nóng cháy da người, Ngài đã tạo dựng nên một cõi già-lam trang nghiêm, tú lệ. Nơi miền rừng núi năm nào, ngôi tịnh xá Ngọc Nhơn hiện lên như mọt dấu son tổ điểm cho nét thanh tú của cõi đất này. Ngôi tịnh xá Ngọc Nhơn dẫu được chính thức thành lập năm 2000 nhưng mấy mươi năm trước đó đã đánh dấu biết bao sự chăm sóc từ một bàn tay nối vạn bàn tay…
Ngài tiếp độ xuất gia gồm 8 vị Tỳ-kheo, hiện đang tu học trong Giáo đoàn VI và tại trú xứ. Ngài còn thành lập đạo tràng Bát Quan Trai giới mỗi tháng để hướng dẫn bà con Phật tử tu tập. Ngài còn có tài bốc thuốc chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền cứu sống rất đông chúng hữu tình có duyên với Ngài. Danh tiếng và đức độ của Ngài lan rộng nên có nhiều trăm thiện nam tín nữ đến xin quy y Tam bảo dưới ngôi đạo tràng tịnh xá Ngọc Nhơn.
Ngài đặc biệt chú trọng giáo lý Khất Sĩ được Tổ sư Minh Đăng Quang giảng dạy trong bộ Chơn Lý. Mỗi khi tham dự khóa tu Truyền Thống Khất Sĩ hay các kỳ đại lễ chung của Hệ phái, Ngài thường trùng tuyên lại các quyển Chơn Lý mà Ngài thuộc, cũng như nói lên chỗ sở đắc của mình. Đặc biệt, Ngài thường khuyên hàng Tăng Ni phải luôn chú trọng tu nhập định, vì chỉ có con đường nhập định mới là duyên thù thắng để phát sinh trí tuệ, đưa đến thoát ly khổ ách. Trong quyển Hồi Ký được viết năm 2019, Ngài nhấn mạnh: “Tôi dậm đi, dậm lại nhiều chỗ như vậy là vì tôi “Học” như vậy, tôi “Hành” như vậy! Cái: Học, cái: Hành của tôi là phải như ăn cơm bữa..! “Pháp-Thực” cũng thế..! Lời Pháp phải ăn nuốt mãi… phải ôn luyện mãi… khắc ghi mãi… từ trong cái: “Thức”, cái: “Biết” (Thần-Thức) chính là cái: “Nhân” (Hạt-giống) “Tâm-Chơn” của chúng ta, chúng ta không nên ỷ lại…”
Điều đáng trân quý ở cố Thượng tọa Minh Nhơn là dù đã theo tu học với Trưởng lão Giác Đức nhưng Ngài vẫn nhớ mãi công ơn khai đạo của Tổ Hữu Đức và Thượng tọa Giác Huệ trưởng đoàn Ca-diếp-ba. Ngài luôn dặn dò hàng đệ tử là dù sau này Ngài có viên tịch thì mong mỏi vị kế thừa vẫn giữ lại ngôi điện thờ 2 vị Thầy của Ngài tại tịnh xá Ngọc Nhơn. Đây là tấm lòng tri ân, báo ân thật xứng đáng là tấm gương mẫu mực của bậc chơn Tăng.
Về phía Giáo hội, Ngài nhiệt tâm cống hiến tài năng và phụ giúp nhiều công tác Phật sự cho Phật giáo tỉnh và huyện nhà. Mỗi khi Giáo hội cần, Ngài luôn túc trực sẵn sàng tận tâm phụng sự.
Về phía Giáo đoàn, Ngài hỗ trợ TT. Giác Nhuận cùng điều hành Phật sự dưới sự chứng minh của HT. Giác Tuấn để củng cố và phát triển trong giai đoạn mới. Sự đóng góp tích cực nhất thể hiện qua việc 3 lần đăng cai khóa tu Truyền thống Khất Sĩ tại tịnh xá Ngọc Nhơn mang đến điều kiện tu hành vô cùng trang nghiêm và kết quả.
Về phía xã hội, Ngài kêu gọi Phật tử đóng góp kẻ công người của thực hiện các chuyến cứu trợ khi bà con gặp thiên tai ở các tỉnh xa. Tại địa phương Ngài cũng chăm lo cho bà con nghèo cùng với chính quyền sở tại tùy theo khả năng trong mỗi lúc.
Thể hiện lòng từ bi của bậc hiền Tăng, Ngài hỗ trợ cho chư Ni xuất gia theo Phân đoàn Ni giới trực thuộc Giáo đoàn VI gồm 8 vị. Ngài còn xây dựng tịnh xá Ngọc Sanh do NS. Sanh Liên trụ trì để Ni chúng có nơi tu học.
Mấy mươi năm thi gan cùng tuế nguyệt, bóng vàng y rực sáng chốn núi rừng chưa một lần lung lay trước giông bão cuộc đời nhưng rồi ai cũng phải chịu theo luật vô thường tan hợp. Thời gian đã bào mòn tấm thân tứ đại cho đến một ngày hình hài ấy kiệt dần đi…
4. THỜI KỲ VIÊN TỊCH
Trải qua năm tháng lao tâm lao lực miền sơn cước, thân tứ đại của Thượng tọa Minh Nhơn ngày càng suy yếu. Ngài trở bệnh nặng từ sơ xuân năm 2019 tại trú xứ vô sự của mình. Thời gian này, Ngài không đủ sức tham gia các Phật sự chung của Giáo hội hay Giáo đoàn nữa mà chủ yếu lo tĩnh tâm, tu tập cho riêng mình những tháng ngày còn lại.
Tuy nhiên, tại trú xứ tịnh xá Ngọc Nhơn, Ngài vẫn tinh tấn công phu và vẫn duy trì mở đạo tràng Bát Quan Trai dành cho cư sĩ. Đến ngày 14 tháng 3 năm Quý Mão – 2023, Ngài vẫn đủ sức thuyết giảng đạo lý cho cư sĩ tu tập như thường lệ tại đạo tràng ấm áp này. Ai có ngờ đâu, chỉ một ngày sau vào lúc 23h ngày Rằm tháng Ba năm Quý Mão Ngài đã nhẹ nhàng viên tịch, buông bỏ thân tứ đại theo đúng quy luật sinh diệt của một đời người. Bên cạnh Ngài, có đầy đủ hàng đệ tử Tăng Ni, Phật tử nhất tâm hộ niệm và nhìn mặt lần cuối cùng. Ngài trụ thế 64 năm, hạ lạp 29 năm.
Duyên trần kiếp này đã mãn, cố Thượng tọa Minh Nhơn tiếp tục bước tiếp hành trình bằng một thân mới, để lại vô vàn tiếc thương cho Giáo hội và Hệ phái. Từ đây, Giáo đoàn mất đi một bậc Thượng tọa có thân tướng trang nghiêm, oai nghi và học giới mẫu mực, hàng Tăng Ni và Phật tử mất đị một bậc ân sư vô cùng bình dị mà vô cùng cao viễn.
Môn đồ Pháp quyến có đôi dòng tiểu sử, kính dâng cố Thượng tọa thùy từ chứng giám.
Nam mô Chứng Minh Sư Bồ-tát Ma-ha-tát tác đại chứng minh
Các bài viết liên quan
- Hàm Thuận Nam: Lễ viếng tang Thượng tọa Thích Minh Nhơn - Thứ Bảy, 22:57 06-05-2023 - xem: 2813 lần
- Hàm Thuận Nam: Lễ nhập kim quan Thượng tọa Thích Minh Nhơn - Thứ Sáu, 22:46 05-05-2023 - xem: 3712 lần
- Cáo phó Thượng tọa Thích Minh Nhơn viên tịch - Thứ Sáu, 12:17 05-05-2023 - xem: 5390 lần
- Lễ tưởng niệm Thượng tọa Minh Điển - Thứ Ba, 22:20 04-04-2023 - xem: 4098 lần
- Bình Phước: Tịnh xá Ngọc Chơn lễ tưởng niệm Trưởng lão Giác Đính - Chủ Nhật, 23:05 02-04-2023 - xem: 2998 lần
- Đắk Lắk: Trang Nghiêm tưởng niệm 10 năm cố Trưởng lão Hoà thượng Giác Dũng viên tịch tại Tịnh xá Ngọc Quang - Thứ Năm, 18:06 16-03-2023 - xem: 5043 lần
- Giáo đoàn V: Lễ tưởng niệm 50 năm Đức Trưởng Lão Giác Lý viên tịch tại Tịnh xá Trung Tâm (Q.6, Tp. HCM) - Thứ Tư, 10:54 15-03-2023 - xem: 11467 lần
- Gia Lai: Tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Giác Phúc viên tịch lần thứ 22 - Thứ Sáu, 18:59 10-03-2023 - xem: 4251 lần
- Đêm hoa đăng tưởng niệm Đức Thầy Giác An 55 năm tiếp độ Ni giới Giáo đoàn III - Thứ Tư, 15:11 01-03-2023 - xem: 3410 lần
- Ni giới Giáo đoàn III: Kỷ niệm 55 năm Đức Thầy thu nhận Ni giới Giáo đoàn III - Thứ Tư, 14:22 01-03-2023 - xem: 4450 lần
- Tây Ninh: Lễ tưởng niệm 43 năm Hòa thượng Pháp sư Giác Huệ vắng bóng & 60 năm thành lập Giáo đoàn VI - Thứ Ba, 15:41 28-02-2023 - xem: 9353 lần
- Bình Định: Tưởng niệm Cố Trưởng lão Giác Dưỡng và An vị Bảo Tháp Liên Hoa - Thứ Hai, 05:28 27-02-2023 - xem: 6232 lần