CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Những chia sẻ về giai đoạn hành đạo sau khi Tổ sư vắng bóng

tsmdq42

Đại lễ Tưởng niệm 60 năm Tổ sư vắng bóng vừa qua đã đánh dấu chặng đường 70 năm hình thành và phát triển của Hệ phái Khất Sĩ.

Tôi xin chia sẻ thêm về giai đoạn hành đạo của chư Tôn đức Hệ phái sau khi Tổ vắng bóng.

1. Các bậc Tôn túc sau khi Tổ sư vắng bóng

ChuTonDucDeTu

Từ phải qua, hàng ngồi: Giác Tánh, Giác Chánh, Giác Như, Giác Nhơn, Giác Hải, Giác Hòa, Giác Tịnh, Giác Hạnh, Giác Lương.

Hàng quỳ: Giác Thường, Giác Tôn, Giác Hoằng, Giác Nguyên, Giác Trụ, Giác Lập, Giác Trung, Giác Chơn, Giác An.

Hàng đứng trước: Giác Thanh, Giác Nhiên, Giác Bình, Giác Duyên, Giác Nghiêm, Giác Bửu, Giác Giới, Giác Thông, Giác Đức, Giác Lý, Giác Hội. Bé Huệ Thành, Huệ Tựu, Huệ Pháp.

Hàng đứng sau: Giác Ẩn, Giác Vân , Giác Tường, Giác - , Giác -.

(Ảnh sưu tầm tại nhà Hàn Ôn)

Sau khi Tổ sư vắng bóng, chư Tăng còn khoảng 35 vị (theo tấm hình chụp chư Tôn đức ở Tổ đình Ngọc Viên – Vĩnh Long năm 1955). Và hiện nay còn 2 vị là HT. Pháp chủ Giác Nhiên và HT. Giác Tường. Tấm hình chúng tôi giới thiệu quý vị ở đây là những vị có tên sau: Trưởng lão Giác Tánh, Nhị Tổ Giác Chánh, Trưởng lão Giác Như, Trưởng lão Giác Thần – Đầu-đà Đệ nhất, Trưởng lão Giác Nhơn, Trưởng lão Giác Hải, Trưởng lão Giác Hòa, Đức Thầy Giác Tịnh, Trưởng lão Giác Hạnh, Trưởng lão Giác Lương, Giác Thường, Giác Tôn, Giác Hoằng, Giác Nguyên, Giác Trụ, Giác Tuân, Đức Thầy Giác An, Ngài Giác Thanh (anh của HT. Giác Đức), HT. Giác Nhiên, Giác Bình, Giác Ẩn, Giác Nghiêm, Giác Hoa, Giác Bửu, HT. Giác Tường, Giác Thủy, HT. Giác Đức, Đức Thầy Giác Lý, Giác Hội, Giác Phước, HT. Từ Huệ và một vài vị nữa.

2. Sự thành lập các giáo đoàn

Sau khi Đức Tổ sư vắng bóng, Nhị Tổ đã lãnh đạo Giáo hội Tăng-già Khất Sĩ đi hành đạo khắp miền Nam. Đến 1957, Ngài tổ chức một chuyến du hành ra miền Trung qua các tỉnh Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Huế. Sau đó, đoàn Du Tăng quay về và làm Lễ Tự Tứ đầu tiên ở Tịnh xá Ngọc Thạnh – Tây Ninh.

Tiếp theo, Đức Thầy Giác An, Giác Tịnh được đi hành đạo ở miền Trung.

Đức Thầy Giác An được nhóm Phật tử người Hoa ủng hộ và thành lập Tịnh xá Ngọc Cát đầu tiên ở Phan Thiết. Ngài hành đạo ở đó và nhận 2 đệ tử là Giác Đạt và Giác Kinh.

Đức Thầy Giác Tịnh xin phép Giáo hội hành đạo ở Phan Rang, nhưng khi ra đó bị chính quyền kỳ thị bắt nhốt 3 tháng. Sau khi được thả, Ngài đi Phan Thiết gặp Đức Thầy Giác An. Rồi ở rừng dừa tại Nha Trang, Ngài lập Tịnh xá Ngọc Trang, thâu nhận Giác Phổ, ra Bồng Sơn nhận Giác Thiên, Giác Chơn, Giác Định, Giác Nguyên. Sau đó, Trưởng lão Giác Tánh ra cùng hợp tác với Đức Thầy Giác Tịnh thành lập Tịnh xá Ngọc Nhơn đầu tiên ở Quy Nhơn và làm lễ khánh thành năm 1959.

Như vậy, Đức Thầy Giác An, Đức Thầy Giác Tịnh là những vị đầu tiên mở đoàn hành đạo ở miền Trung.

Năm 1958, đoàn Du Tăng ra hành đạo ở miền Trung lần thứ hai. Sư Giác Thích ở Quảng Ngãi, Sư Giác Hưng ở Bình Định xuất gia theo đoàn Du Tăng từ Nam ra.

Năm 1968, đoàn Ni ra đến Phan Thiết hành đạo (có Sư cô Minh và Sư cô Hà), nhưng Sư cô Minh bị bệnh nên trở về Nam. Sư cô Chiếu và Sư cô Hóa được gởi ở lại Tịnh xá Ngọc Cát – Phan Thiết vì Đức Thầy Giác An có cho cất dưới chân đồi một cái nhà dài cho chúng Ni ở.

Năm 1958, Sư bà Bạch Liên dẫn đoàn Ni ra hành đạo ở miền Trung đầu tiên và đi đến Quy Nhơn và xây dựng Tịnh xá Ngọc Ninh ở Phan Rang.

Năm 1959, khi đoàn Du Tăng của Đức Nhị Tổ hành đạo ra Bà Rịa – Vũng Tàu, HT. Pháp sư Giác Nhiên đã dẫn chư Tăng đang cùng tu tịnh tháp tùng đoàn. Trước đó, HT. Pháp sư Giác Nhiên về hành đạo ở Bạc Liêu cùng Giác Huệ, Giác Lạc, Giác Tấn, Giác Bảo, rồi lại đi tịnh tu ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

Rằm tháng Bảy năm 1959, đoàn Du Tăng tự tứ ở Tịnh xá Ngọc Bửu – Biên Hòa.

Năm 1959, đoàn HT. Pháp sư đi hành đạo vùng Gò Dầu, Trảng Bàng, Hóc Môn, Bình Dương xây dựng các tịnh xá như Ngọc Thanh, Ngọc Thuận, Ngọc Nhẫn, Ngọc Dương và về lại Vũng Tàu xây dựng Tịnh xá Ngọc Hương, dời Tịnh xá Ngọc Hòa ở Bà Rịa về Phước Tuy lập Tịnh xá Ngọc Phước.

Như vậy, đến thời điểm này đã có 3 giáo đoàn tách khỏi đoàn Du Tăng của Nhị Tổ để thành lập các giáo đoàn là đoàn của Trưởng lão Giác Tánh, Đức Thầy Giác Tịnh (Giáo đoàn II), đoàn của Đức Thầy Giác An (Giáo đoàn III) và đoàn của HT. Pháp sư Giác Nhiên (Giáo đoàn IV).

Đức Thầy Giác Lý lúc đầu cũng đi tu tịnh ở Hương Cống rồi qua Núi Bà (Tây Ninh), thâu nhận Giác Bạch, Giác Đính; sau đó trở về Nam xin Giáo hội lập Giáo đoàn. Rồi đoàn lại ra miền Trung thâu nhận đệ tử thành lập Giáo đoàn V vào năm 1960.

Năm 1963, đoàn Du Tăng làm Lễ Tự Tứ ở Tịnh xá Ngọc Giang (Long Xuyên). Lần này, các giáo đoàn miền Trung không thể về tham dự được do tình hình đất nước còn lộn xộn, việc đi lại khó khăn, nên Nhị Tổ cho phép các giáo đoàn làm Lễ Tự Tứ riêng theo đoàn. Lúc bấy giờ, HT. Giác Đức, Giác Tuệ xin thành lập Giáo đoàn VI.

Và kể từ đó chư Tăng của Giáo hội Tăng-già hình thành 6 giáo đoàn, trong đó Giáo đoàn I do Nhị Tổ lãnh đạo. Buổi đầu trên bước đường hành đạo, đoàn Du Tăng gặp vô vàn khó khăn từ việc khất thực đến chỗ nghỉ. Nhưng với sự kiên trì, nhẫn nại và trước sự mến mộ của dân chúng, các Đức Thầy đã vượt qua mọi thử thách cơ cực vất vả, hoằng dương Phật pháp ở miền Trung. Cũng chính vì thế, người dân nơi đó ngưỡng mộ hạnh tu Khất Sĩ của Tăng đoàn mà theo xuất gia và hộ trì chư Tăng rất đông. Từ đó, đạo tràng Khất Sĩ lần lượt mọc lên khắp nơi từ miền Trung đến các vùng cao nguyên.

Trước ngày ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập (1981), năm 1980, Hệ phái Khất Sĩ tổ chức An cư kiết hạ, và mời tất cả lãnh đạo các giáo đoàn họp bàn về việc hợp nhất trong tinh thần đoàn kết để gây dựng lại đường lối giáo lý Khất Sĩ mà Tổ sư đã khai mở. Kể từ ngày đó đến nay, cứ mỗi năm, tại Tịnh xá Trung Tâm được tổ chức An cư kiết hạ cho tất cả các giáo đoàn Tăng. Bên chư Ni thì An cư ở Tịnh xá Ngọc Phương và Tịnh xá Ngọc Phú.

3. Sự thành lập chư Ni Giáo đoàn IV và chư Ni Giáo đoàn III

Nguyên nhân đầu tiên: Chư Ni Giáo đoàn IV được về TXTT sinh hoạt cũng là cái duyên.

Từ năm 1963, Nhị Tổ tuyên bố rằng chư Tăng, chư Ni ở giáo đoàn nào thì làm Lễ Tự Tứ ở đoàn nấy. Sau đó, Sư bà Ngân Liên, Trí Liên cũng có một nhóm đệ tử lo tịnh tu chứ ít sinh hoạt. Chỉ có Sư bà Huỳnh Liên sinh hoạt ở Ngọc Phương. Sư bà Cung Liên (Tây Ninh), Sư bà Phổ Liên cũng tu tịnh chứ không về Ngọc Phương tự tứ.

Năm 1965, TX. Trung Tâm mới được xây dựng. Các Sư bà xin về nương tựa và hành đạo theo chư Tăng.

Và từ năm 1968, Đức Thầy Giác An đã cho chư Ni về sinh hoạt chung với chư Tăng Giáo đoàn III.

Mặc dầu thời duyên luôn biến chuyển nhưng tinh thần đoàn kết của Hệ phái vẫn luôn vững bền cho đến ngày hôm nay. Tôi còn nhớ bảy pháp bất thối hay còn gọi là bảy pháp cường thịnh trong Kinh Đại Bát Niết Bàn mà Đức Phật đã dạy cho chư Tỳ-kheo: Ngày nào mà chư Tỳ-khưu còn hội học trên tinh thần đoàn kết; ngày nào mà chư Tỳ-khưu còn họp bàn với nhau trên tinh thần đoàn kết; ngày nào mà chư Tỳ-khưu còn bàn luận và giải tán trên tinh thần đoàn kết; ngày nào mà chư Tỳ-khưu biết quý trọng, biết nghe lời những bậc trưởng lão, những bậc cha anh của mình để tuân theo những lời dạy đó mà tu hành tốt, thì ngày đó giáo pháp còn gìn giữ, phát huy thịnh vượng hơn. Do đó, tôi kính chúc chư Tôn đức Tăng Ni trong Hệ phái luôn sống đúng với tinh thần Phật dạy để giáo pháp được thịnh hành, làm lợi ích cho người trời, Phật pháp được cửu trụ ta-bà.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan