Phật giáo Khất Sĩ ở tỉnh Tây Ninh
- Phan Kỷ Sửu
- | Thứ Sáu, 00:04 24-10-2014
- | Lượt xem: 4934
Hệ phái Khất Sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang thành lập từ năm 1944, là một Hệ phái Phật giáo khá thịnh hành và liên tục phát triển ở Nam Bộ. Năm 1981, Hệ phái là một trong chín tổ chức thành viên sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tư tưởng của Hệ phái được hình thành trên cơ sở tổng hợp các phần tinh túy nhất từ hai truyền thống Phật giáo Nam tông và Bắc tông với chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”.
Nơi trú ngụ của Tăng Ni Hệ phái Khất Sĩ được gọi là tịnh xá. Theo giới luật của HPKS, Tăng và Ni tu học riêng biệt nên có tịnh xá Tăng và tịnh xá Ni. Ở Tây Ninh từ trước năm 1950, HPKS đã có mặt với tịnh xá đầu tiên là Tịnh xá Ngọc Thạnh. Trong bộ Chơn Lý có giới thiệu vài hình ảnh thuyết pháp và sinh hoạt của Tổ sư Minh Đăng Quang khi Ngài đến Tịnh xá Ngọc Thạnh (P1, thị xã TN) vào những năm 1950, 1952…
Ngôi chánh điện trung tâm của tịnh xá được xây dựng theo mô hình kiến trúc bát giác tượng trưng cho Bát Chánh Đạo, là con đường bát chánh hay 8 phương cách thực tiễn để giúp cho việc tu tập thành tựu viên mãn. Bên trong chánh điện chỉ tôn thờ một bảo tượng duy nhất là Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trên bảo tháp tam cấp. Sau này các tịnh xá có xây các mái cong, nâng cao tính thẩm mỹ, cổ kính nhưng vẫn giữ mô hình bát giác. Bên cạnh chánh điện còn có các khu sinh hoạt khác: Nhà thờ Cửu Huyền, giảng đường, khu biệt thất chư Tăng, nhà khói. Khu biệt thất gồm các cốc nhỏ, dựng bằng ván, mái tôn, đủ cho một người sinh hoạt.
Tịnh xá Ngọc Như
Trong HPKS, ngôn ngữ trong việc tụng đọc giới luật, kinh điển đến câu đối, thư hoạ đều sử dụng tiếng Việt. Hiện nay trong toàn tỉnh đã có 14 tịnh xá. Tịnh xá có số tuổi cao nhất gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Hệ phái Khất Sĩ từ buổi đầu thành lập là Tịnh xá Ngọc Thạnh (P1, TXTN). Các tịnh xá khác ở huyện Gò Dầu (Ngọc Khiêm, Ngọc Thuận, Ngọc Thạnh), Trảng Bàng (Ngọc Thuận, Ngọc Trảng, Ngọc Quang), Bến Cầu (Ngọc Chơn), Châu Thành (Ngọc Như), Tân Châu (Ngọc Lê), thị xã Tây Ninh (Ngọc Ninh, Kỳ Hoàn, Ngọc Truyền, Ngọc Thạnh), Tân Biên (Ngọc Tân).
Tịnh xá Ngọc Chơn
Thị xã Tây Ninh là khu vực tập trung nhiều tịnh xá nhất. Tịnh xá Ngọc Truyền dành cho Ni giới thành lập trong khu vực núi Bà từ năm 1954, sau đó chuyển về khu phố 1, P.1, TX. Tây Ninh và từ khoảng năm 1978 xây dựng lại trên núi Bà, góp phần tăng thêm nét đẹp cho khu văn hóa, du lịch nổi tiếng của tỉnh. Tịnh xá Ngọc Truyền ở khu phố 1, P.1 vẫn tiếp tục tồn tại. Chùa Linh Quang ở phường 3, trước đây thuộc truyền thống Phật giáo Bắc tông được cúng dường cho Hệ phái và hiện nay chư Ni Khất sĩ tu học và chăm sóc ngôi Tam Bảo này. Đây cũng là một ngoại lệ nhỏ trong Phật giáo Khất Sĩ ở Tây Ninh. Theo truyền thống cơ sở thờ tự xưa nay của Hệ phái đều là tịnh xá, thế nhưng HPKS tại thị xã Tây Ninh còn có một ngôi chùa.
Tịnh xá Ngọc Ninh (KP.3, P.1, thị xã Tây Ninh) là một tịnh xá được xây dựng kiên cố, vừa có tính thẩm mỹ cao, vừa thể hiện sự trang nghiêm của một nơi thờ tự văn minh. Bên cạnh chánh điện và các khu sinh hoạt khác, tịnh xá còn hình thành một khuôn viên tôn trí nhiều pho tượng Phật và Bồ-tát rất đẹp, như tượng Đức Phật Thích-ca Mâu-ni chuyển pháp luân, tượng Bồ-tát Quán Thế Âm. Đây là một tịnh xá quy mô nhất trong tỉnh từ điều kiện cơ sở vật chất đến tinh thần tu học, hoằng pháp và công tác từ thiện. Tịnh xá hiện nay dưới sự hướng dẫn của Ni sư Châu Liên - Ủy viên Kiểm soát Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tây Ninh, kiêm Phó ban Thường trực Ni giới Tây Ninh, Phó ban Đại diện Phật giáo thị xã Tây Ninh. Ngoài việc làm tròn hạnh nguyện tu học của hàng xuất gia, mỗi năm Ni chúng Tịnh xá Ngọc Ninh còn tổ chức bố thí, cứu trợ đồng bào nghèo và thiếu niên nhi đồng 4 lần vào các dịp Tết Nguyên đán, Lễ Phật đản, Lễ Vu Lan và Tết Trung thu. Hằng tháng còn trợ cấp gạo cho 10 gia đình với tâm nguyện “Phục vụ chúng sinh tức là cúng dường Tam Bảo”.
Các tịnh xá tại thị xã Tây Ninh ngày càng thể hiện sinh động hơn nữa lẽ sống tốt đời đẹp đạo, đồng hành cùng dân tộc.
*** Ban Biên tập: Bài này nguyên tác “Tịnh xá, nơi thờ tự của Hệ phái Khất Sĩ” được đăng trên trang mạng www.phatgiaotayninh.vn. Nội dung chủ yếu giới thiệu đôi nét về Hệ phái Khất Sĩ và các tịnh xá Khất sĩ ở Tây Ninh. Do đó, chúng tôi xin phép biên tập lại và đổi tựa đề cho phù hợp với nội dung của bài: “Phật giáo Khất Sĩ ở tỉnh Tây Ninh”. Mong tác giả hoan hỷ cho. Nhân đây chúng tôi kêu gọi, các vị có tâm viết về Tổ sư hoặc Hệ phái hoan hỷ gởi bài về Ban Biên tập trang nhà chúng tôi để được hỗ trợ về thông tin, sử liệu hoặc quan điểm tư tưởng của Hệ phái, giúp bài viết phản ánh đúng với sự thật khách quan về Hệ phái. Rất mong sự cộng tác của quý vị. Đó cũng là cách góp phần cho nền văn học Phật giáo Khất Sĩ nói riêng và nền văn học Phật giáo Việt Nam nói chung.
Các bài viết liên quan
- Danh sách chư Tôn đức Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ tham gia công tác TW GHPGVN nhiệm kỳ 2017 – 2022 - Thứ Tư, 11:08 10-06-2020 - xem: 2376 lần
- Danh sách Tịnh xá Giáo đoàn III - Thứ Hai, 17:22 12-08-2019 - xem: 2092 lần
- Tìm hiểu Phật giáo Khất sĩ tỉnh Kiên Giang - Thứ Tư, 09:56 17-07-2019 - xem: 2478 lần
- Danh mục các miền Tịnh xá sắp xếp theo tỉnh thành - Thứ Hai, 22:45 04-02-2019 - xem: 5120 lần
- HPKS tham gia công tác T.Ư GHPGVN nhiệm kỳ 2017 - 2022 - Chủ Nhật, 19:29 03-02-2019 - xem: 2296 lần
- Lễ cấp phát học bổng và Tri ân của Tăng Ni Khất sĩ - Thứ Tư, 20:27 15-11-2017 - xem: 2786 lần
- Danh sách Giáo phẩm Hệ phái nhiệm kỳ 2017-2022 - Thứ Bảy, 14:18 09-09-2017 - xem: 3380 lần
- Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành và phát triển - Thứ Bảy, 07:40 29-07-2017 - xem: 4497 lần
- Kỷ yếu Tang lễ Đại lão Hòa thượng Pháp sư - Thứ Ba, 01:50 13-06-2017 - xem: 5889 lần
- Cơ cấu tổ chức và các hoạt động chính của Hệ phái - Thứ Năm, 09:04 08-06-2017 - xem: 2624 lần
- HPKS: 35 năm hội nhập và phát triển - Thứ Ba, 01:11 29-11-2016 - xem: 2834 lần
- Diễn văn khai mạc lễ chào mừng Đại lễ Kỷ niệm 35 năm GHPGVN thành lập của HPKS - Thứ Bảy, 06:12 15-10-2016 - xem: 2660 lần