CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

Tìm hiểu Phật giáo Khất sĩ tỉnh Kiên Giang

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang ngày nay bao gồm cả ba Hệ phái chính là Hệ phái Phật giáo Nam tông, Bắc tông và Khất sĩ. Mỗi Hệ phái có truyền thống đặc trưng từ pháp phục, nghi lễ, hình thức hoạt động, quan điểm giáo lý... nhưng vẫn sinh hoạt chung trong lòng Giáo hội. Đây là một trong những nét rất đặc biệt của Phật giáo Việt Nam so với Phật giáo các nước khác trên thế giới. Ngay tại lời nói đầu của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nêu rõ: “Sự thống nhất Phật giáo Việt Nam xây dựng trên nguyên tắc: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống Hệ phái cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chính pháp”.[1] Tinh thần đoàn kết hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội được xem là tiêu chí của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trên cùng mảnh đất Kiên Giang, các Hệ phái Phật giáo lần lượt du nhập vào, có quá trình hình thành và phát triển để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân đất Việt.

Chư Tôn đức Hệ phái Khất sĩ cùng với Ban trị sự cung đón HT. Chủ tịch Hội đồng trị sự Thích Thiện Nhơn
(Nguồn: Phatgiaokiengiang.com)

Nói về Hệ phái Khất sĩ ở tại tỉnh Kiên Giang một trong những dấu chân lịch sử của Tổ sư Minh Đăng Quang mà mọi người thường đến thăm viếng đó là Mũi Nai nay thuộc phường Pháo Đài, TP. Hà Tiên. Trong những ngày tham cầu học đạo Tổ sư đã từng đến đây tu tập “Đầu tiên Ngài đi đến Hà Tiên định lần qua Phú Quốc, rồi sau đó sẽ tìm sang các nước học đạo truyền giáo. Nhưng khi vừa đến nơi thì đã trể tàu. Ngài ở lại ra đầu gành bãi biển Mũi Nai ngồi tham thiền bảy ngày bảy đêm quán xét nhơn duyên”.[2] Đây được xem là dấu ấn đầu tiên của một nhà sư Khất sĩ đến với vùng đất Kiên Giang. Mặc dầu khi thành lập Tăng đoàn Tổ sư Minh Đăng Quang không có dịp đến hành đạo ở Kiên Giang, nhưng chư đệ tử của Ngài thường vân du khắp các tỉnh thành Nam Bộ để truyền đạo. Một trong số đó chính là Hòa thượng Giác Nhiên và Ni trưởng Huỳnh Liên, hai vị nhiều lần dẫn đoàn Du Tăng Khất sĩ đến đây hóa đạo. Ni trưởng Huỳnh Liên được xem là người đặt nền móng đầu tiên xây dựng cơ sở vật chất cho Hệ phái Khất sĩ ở Kiên Giang. Theo tác phẩm Lược sử những ngôi chùa ở Kiên Giang có ghi Tịnh xá Ngọc Hải ở Rạch Giá là ngôi Tịnh xá đầu tiên Ni trưởng thành lập: “Năm 1950, hai Sư cô Trí Liên và Châu Liên thuộc Ni giới Hệ phái Khất sĩ đến hành đạo tại thị xã Rạch Giá. Năm sau được Phật tử Huệ Ngọc (thế danh Lý Thị Dậu) phát tâm cúng dường một khu đất thuộc khu phố 1 phường Vĩnh Lạc, thị xã Rạch Giá ngày nay và được bà Trần Kim Ngọc vận động tiền của công đức Ni trưởng Huỳnh Liên đã chủ trì xây dựng một Tịnh xá lấy tên hiệu là Tịnh xá Ngọc Hải”.[3] Đến năm 1957, Ni trưởng Huỳnh Liên lập thêm một ngôi Tịnh xá nữa ở thị xã Hà Tiên là Tịnh xá Ngọc Hồ, khi ngôi Tam Bảo khánh thành Ni trưởng có làm một bài thơ chúc mừng, nhan đề Lễ Dâng Tịnh xá Ngọc Hồ, bài thơ được viết vào ngày 27 tháng 01 năm Mậu Tuất:

“Ngọc Hồ Tịnh xá nét đơn thanh

Kiến tạo vừa xong lễ khánh thành

Thượng cấp tháp cao trùm mái thiếc

Hạ từng cốc nhỏ phủ sườn tranh

Thênh thang một cõi lồng mây trắng

Bát ngát tư bề ngọc núi xanh

Cảnh trí u nhàn gần thị tứ

Phải ngôi thắng địa Phật riêng dành...[4]

Các ngôi Tịnh xá được thành lập tiếp theo là TX. Ngọc Châu (1960), TX. Ngọc Hòa (1963), TX. Ngọc Sơn (1964), TX. Ngọc Tiên (1967), TX. Ngọc Minh (1969), TX. Ngọc Thạnh (1970), TX. Ngọc Tâm và TX. Ngọc Phúc (1975)…Tịnh xá Ngọc Sơn là ngôi Tịnh xá Tăng đầu tiên do Cố Đại lão Hòa thượng Giác Nhiên thành lập.

Theo lời kể của Hòa thượng Giác Tường, Đạo sư chứng minh Hệ phái Khất sĩ trong khoảng thời gian những năm 1964, 1965 Hòa thượng Giác Nhiên đã nhiêu lần dẫn Tăng đoàn đến Kiên Giang hành đạo. Các điểm như Rạch Giá, Hà Tiên các Ngài thường lưu trú từ 10 đến 15 ngày để thuyết pháp giảng đạo, gieo duyên với bà con trong vùng. Ở Rạch Giá các Ngài thường mượn sân đình Nguyễn Trung Trực làm hội trường, mỗi buổi chiều có thuyết pháp thường có Phật tử dùng loa phóng thanh thông báo cho bà con địa phương biết để đến nghe, các Hòa thượng Giác Nhiên, Hòa thượng Giác Huệ, Hòa thượng Giác Tường... chia nhau phụ trách giảng dạy. Sự hiện diện của chư Tăng Ni Khất sĩ thường xuyên đến Kiên Giang hành đạo làm giềng mối cho đạo Phật Khất sĩ dần dần phát triển nơi vùng đất này. Từ những bước chân hoằng hóa đầu tiên đó, hiện nay Hệ phái Khất sĩ ở Kiên Giang  tiếp tục kế thừa phát triển về số lượng Tăng Ni, Phật tử và cơ sở Tịnh xá. Theo báo cáo tổng kết Phật sự năm 2017: “Toàn tỉnh Kiên Giang có 16 ngôi Tịnh xá, có 70 vị Tăng Ni, 04 vị Hòa thượng, 08 vị tốt nghiệp cử nhân Phật học, 05 vị tốt nghiệp Cao đẳng Phật học và 01 vị tốt nghiệp Cử nhân quản trị giáo dục”.[5] Hệ phái Khất sĩ tạo nên những nét đặc biệt của Phật giáo Việt Nam từ pháp phục, nghi lễ, kiến trúc, sinh hoạt và dần được phát triển ra nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Canada, Úc...

Lễ Cổ Phật Khất thực giữa các Hệ phái Phật giáo tỉnh Kiên Giang
(Nguồn: Phatgiaokiengiang.com)

Hệ phái Khất sĩ ở Kiên Giang đã có đóng góp tích cực cho đạo pháp và dân tộc. Các bậc tôn túc như cố Ni trưởng Thích nữ Liễu Liên, nguyên Phó Ban Trị sự kiêm Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Kiên Giang, HT. Minh Nhuần và HT. Minh Tông Chứng minh Ban trị sự, HT. Giác Nghiêm Phó Ban trị sự, ĐĐ. Minh Khải Trưởng Ban từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh Kiên Giang và nhiều chư Tăng Ni Khất sĩ khác được Giáo hội tin tưởng giao nhiều chức vụ quan trọng. Các đạo tràng Tịnh xá ở Kiên Giang vẫn giữ gìn nề nếp sinh hoạt truyền thống của mình, vào ngày Rằm và 30 đều tổ chức Cúng hội, quý Phật tử ở các nơi trở về sớt bát cúng dường gieo duyên kết phước, chư Tăng Ni thuyết giảng kinh pháp hướng dẫn thiện tín tu học. Vào Chủ nhật hàng tuần các Tịnh xá như Ngọc Sơn, Ngọc Sơn II, Ngọc Hải, Ngọc Hồ, Ngọc Hòa, Ngọc Giang... đều mở những khóa tu Bát quan trai, Niệm Phật cho quý Phật tử chuyên tâm tu tập thuần thục hơn trong đời sống tâm linh. Trong những ngày lễ hội lớn của Phật giáo như Phật đản, Vu lan, lễ vía Phật, Bồ tát... các đạo tràng tổ chức nhiều chương trình sinh hoạt ý nghĩa, cho hàng Phật tử tại gia nâng cao nếp sống đạo đức tâm linh và niềm tịnh tín. Các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện như xây nhà tình thương, xây cầu, phát quà cho người có hoàn cảnh khó khăn được chư Tăng Ni Khất sĩ thường xuyên vận động các nhà hảo tâm thực hiện, thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ của nhà Phật. Tuy thời gian hình thành và phát triển không dài nhưng Hệ phái Khất sĩ tạo nên bản sắc riêng biệt, đóng góp nhiều giá trị vật chất, tinh thần thiết thực cho Giáo hội và quê hương đất nước.

Nhằm tiếp tục kế thừa những thành quả đạt được và khắc phục những hạn chế để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Hệ phái Khất sĩ ở Kiên Giang cần phát huy tinh thần đoàn kết hòa hợp giữa các Hệ phái Phật giáo. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực là những Tăng Ni trẻ có nhiều tâm huyết, năng lực, đạo hạnh để phát huy hiệu năng hoạt động kế thừa sự nghiệp Giáo hội. Xây dựng củng cố đời sống Tăng đoàn thông qua việc Bố tát, An cư Kiết hạ, giáo dục quản lý tốt đời sống phạm hạnh của Chư Tăng Ni. Lập thủ tục xin phép thành lập những cơ sở Tịnh xá mới để đáp ứng nguyện vọng tu học và nhu cầu tín ngưỡng Phật giáo đối với các xã tại các huyện chưa có cơ sở thờ tự Phật giáo. Biết ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hoằng pháp lợi sinh, phổ biến Phật pháp sâu rộng đến mọi giới. Tiếp tục triển khai chương trình hoạt động từ thiện xã hội vận động Tăng Ni, Phật tử, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân tích cực hưởng ứng công tác xã hội. Với những việc làm thiết thực đó, chúng ta có thể hiểu rằng Hệ phái Khất sĩ Kiên Giang ngày một phát triển bền vững.

Lễ dâng y tại tịnh xá Ngọc Sơn  (Nguồn: Phatgiaokiengiang.com)

Hiện nay, Hệ phái Khất sĩ cùng với các Hệ phái Phật giáo Nam tông và Phật giáo Bắc tông cùng sinh hoạt chung trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang. Các Hệ phái có mối tương quan mật thiết với nhau trong công tác Phật sự nhưng mỗi Hệ phái vẫn giữ truyền thống biệt truyền của mình. HT. Thích Huyền Thông chứng minh Ban Trị sự phát biểu: “Mặc dầu mỗi Hệ phái có những nét đặc thù riêng nhưng bằng tinh thần đoàn kết hòa hợp của các Hệ phái, Tăng Ni, Phật tử trong Tỉnh, đã tạo nên một sức mạnh tập thể, một trí tuệ nhạy bén làm tiền đề cho mọi thành tựu Phật sự đã được đề ra, tinh thần đoàn kết là những viên gạch đã xây nên những tường thành vững chắc xuyên thời gian, là yếu tố cần thiết để Phật giáo Kiên Giang tiếp tục phát huy những thế mạnh để chung tay xây dựng phát triển tỉnh Kiên Giang ngày càng phồn vinh giàu đẹp”.[6] Chính sự hiểu biết và tôn trọng tính biệt truyền lẫn nhau giữa các Hệ phái Phật giáo tạo nên tính dung hòa đồng thuận cao trong các công tác Phật sự tỉnh nhà. Sự đoàn kết hòa hợp này tạo nên sức mạnh, hướng đến sự ổn định cao hơn và phát triển qua mỗi nhiệm kỳ Phật giáo ở Kiên Giang. Hệ phái Phật giáo Khất sĩ ở Kiên Giang góp phần phụng sự đạo pháp, phục vụ tổ quốc nhân sinh, tiếp nối sự nghiệp người đi trước, dẫn bước người đi sao, xây dựng ngôi nhà Phật giáo tỉnh Kiên Giang ngày thêm vững mạnh.

Chú thích

 

[1] Giáo hội PGVN (1998), Hiến chương GHPGVN, Nxb Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 05

[2] HT. Giác Toàn, Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành và phát triển, http://www.daophatkhatsi.vn, 29/07/2017.

[3] Thích Giác Phước chủ biên (2002), Lược sử những ngôi chùa ở Kiên Giang, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 27.

[4] Thích nữ Huỳnh Liên (2012), Đóa Sen thiêng, Nxb Tổng hợp, Tp.HCM, tr.339.

[5] Ban Thông tin truyền thông Phật giáo tỉnh Kiên Giang, Văn kiện Đại hội Đại biểu Phật giáo Kiên Giang nhiệm kỳ IX (2017 -2022), Ban trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang ấn hành, tr. 46.

[6] Ban trị sự Phật giáo tỉnh Kiên Giang, Văn kiện Đại hội đại biểu Phật giáo Kiên Giang nhiệm kỳ IX (2017 - 2022) , tr. 62.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan