CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

ĐĐ. Thích Minh Sơn thuyết giảng buổi thứ 4 tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang

Kinh Di Giáo là nội dung buổi thuyết giảng thứ 4 của ĐĐ. Thích Minh Sơn - Ủy viên Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó văn phòng Hệ phái Khất Sĩ, trú xứ tại Pháp viện Minh Đăng Quang, sáng ngày 18/07/2023 (nhằm mùng 01/06 Quý Mão), trong mùa an cư PL.2567 – DL.2023.

Tiếp nối nội dung bài Kinh Di Giáo, Đại đức chia sẻ với đại chúng phần “Không nóng giận – Không kiêu mạn – Không siểm khúc”.

Sự sân giận hầu như có sẵn trong mỗi con người, kể cả các vị tu hành, người tu hành “Dầu tóc đã cạo tơ lòng đoạn phủi. Cuốn sổ đời tên tuổi đã bôi”, (kệ Ý- Luật Nghi Khất Sĩ). Đó là lý tưởng, nghiệp vẫn còn. Bước đầu tu là tạm dừng nghiệp, sau có khả năng chuyển nghiệp và cuối cùng là tịnh nghiệp. Quá trình tu học là một tiến trình chuyển hóa tâm thức, chuyển hóa nhận thức để chứng ngộ giáo lý Đức Phật dạy.

Trong bài Kinh Di Giáo phần đầu tiên của buổi học, Đại đức truyền tải lời Đức Phật dạy về việc không nóng giận: “Này các thầy Tỳ-kheo! Nếu có người đến xẻo thân thể ra từng mảnh, hãy tự nhiếp tâm không nên nóng giận; cũng phòng hộ nơi miệng, chớ nói lời ác độc".

Qua đó, ĐĐ. Minh Sơn nhấn mạnh chúng ta phải có sự kham nhẫn, phải biết chịu đựng đừng để cái tâm sân giận khởi lên, thậm chí người ta đến tổn hại thân thể mình thì mình cũng phải kìm tâm, phòng hộ miệng, chớ nói lời ác độc. Trong cuộc đời, có nhiều điều trái ý nghịch lòng, người tu tập sẽ thản nhiên, sẽ điềm tĩnh, định tĩnh để có những ứng xử phù hợp nhất, đúng với tư chất của một người xuất gia. Tu tập để chuyển hóa sân hận thì trước hết phải biết làm chủ cảm xúc, “Một cơn nóng giận không hiền / Khói sân tím ruột lửa phiền cháy gan / Hại gây lắm kẻ vô can / Họa tai một trận, khổ nàn biết bao / Rừng công đức một đời trồng gieo / Lửa sân nổi dậy đốt thiêu / Như chim mất cánh như diều đứt dây…”, (kệ Nhẫn, Luật nghi Khất sĩ).

Nóng giận là một trong ba độc tham sân si. Chư Tổ dạy Tăng hận bất cách túc”, tức người tu giận không quá một đêm, giận một chút thôi rồi bỏ, việc tu tập phải cẩn thận từ trong ý nghĩ, “Tục rằng no quá mất ngon. Và khi giận quá mất khôn thành khờ”, (kệ Nhẫn, Luật nghi Khất sĩ).

Đại đức nhấn mạnh người tu tập phải phát khởi tâm hoằng hóa, hộ trì, muốn hộ phải hành, muốn hành thì phải học, học để tu và học là tu. Do đó, đại chúng hãy luôn nhớ đến bốn chữ H gồm Học đạo – Hành đạo – Hộ đạo – Hoằng đạo, trong cuộc đời người tu sĩ.

Tổ sư dạy “việc học là việc cần thiết, học từ cỏ cây đất nước học từ hoàn cảnh…”, người đi học là người có tâm nguyện lớn, như lời Tổ dạy “lúa chắc hạt là lúa cuối đầu”. Đỉnh cao của trí tuệ là khiêm hạ. Tổ sư dạy “Tài trí không bằng đạo đức” (Chơn lý Khuyến tu, số 27), đạo đức có khả năng làm cho con người thuần thiện, tài trí chỉ là danh lợi. Người tu tập mà không thấy danh lợi như là những con virus thì sẽ bị ăn mòn cái phước, đi học mà không tiêu hóa được cơm của đàn na tín thí thì sẽ phải trả nợ lại.

Học dã hảo. Bất học dã hảo. Học giả như hòa như đạo, bất học giả như cảo như thảo”, cho thấy việc học như lúa nếp, không học như cỏ rác, mà lúa nếp là lương thực, là của quý của nhân loại là thực phẩm của nhân sinh, “Cỏ làm hại ruộng vườn. Sân làm hại người đời” (Kinh Pháp cú 357).

Đức Phật dạy Này các Tỳ-kheo hãy ra đi mỗi người mỗi hướng để tuyên bố giáo pháp truyền đạt giáo pháp cảm hóa chúng sanh”. Do đó, người tu mà thiếu chữ hoằng hóa là thiếu ý chí, thiếu nghị lực. Tổ sư dạy “thuyết pháp là hành vi Tăng lữ…”, Khất sĩ mà không biết thuyết pháp, không có tâm hoằng hóa thì là một thiếu sót lớn, cảm hóa nhân sinh không phải chỉ bằng kiến thức Phật pháp, mà còn có khả năng là thân giáo khẩu giáo ý giáo.

Tứ vô lượng tâm Từ-Bi-Hỷ-Xả, phải phát khởi thật nhiều thì không còn buông thả theo tâm sân, nóng giận, Đại đức chia sẻ.

Đức Phật dạy “Nhẫn nhục là đức tính mà trì giới với khổ hạnh cũng chẳng bì kịp. Người có thể nhẫn nhục mới đáng gọi là bậc đại nhân có sức mạnh. Người chẳng thể vui lòng nhận lời mắng chửi độc ác như uống nước cam lộ, thì chẳng thể gọi là bậc trí huệ đã nhập đạo” - đức tính nhẫn nhục có từ không nóng giận, để không nóng giận thì phải nhẫn nhục. Nhẫn nhục là chịu đựng được những điều sỉ nhục. Đức tính nhẫn nhục của người tu là gương sáng cho đời.

Này các Tỳ-kheo các ông! Khi tự xoa đầu nhớ rằng đã xả bỏ những món trang sức đẹp, mặc áo hoại sắc, ôm giữ ứng khí lấy việc xin ăn mà nuôi sống. Tự thấy như vậy, nếu khởi tâm kiêu mạn thì hãy mau trừ bỏ đi. Người thế tục còn chẳng nên để lòng kiêu mạn tăng trưởng, huống chi là những người xuất gia nhập đạo đã vì muốn được giải thoát mà tự hạ mình đi xin ăn?

Tâm kiêu mạn là phiền não đều có trong tất cả chúng ta. Tâm kiêu mạn đưa đến cái tôi, cái ngã mạn. Ngã mạn là sự chưa tỏ đạo, vô minh.  Là người Khất sĩ mà còn tâm kiêu mạn thì không thể chấp nhận được.

Này các Tỳ-kheo! Tâm siểm khúc là trái với đạo. Vì vậy nên cần phải giữ lòng chân chất, ngay thẳng. Nên biết rằng tâm siểm khúc chỉ là để lừa dối. Người nhập đạo ắt không như vậy. Các con nên giữ lòng đoan chính, lấy sự chân chất ngay thẳng làm gốc”.

Tâm siểm khúc là vua nịnh, phải trừ tâm này vì trái với Đạo. Người đi tu phải gắn liền với chữ “Chánh” như Bát Chánh Đạo.

Kết thúc buổi học, ĐĐ. Minh Sơn cho rằng: “Đạo Phật là đạo của trí tuệ, đạo của sự từ bi hỷ xả. Trong đạo có các con virus như tâm nóng giận, tâm kiêu mạn, tâm siểm khúc thì người tu phải dùng vắc xin để trừ các virus đó, trừ là trừ từ trong tâm của mình trước để bảo hộ chánh pháp. Người tu phải biết hộ đạo, học những lời dạy của Đức Phật, sẽ biết trách nhiệm lớn lao của người tu sĩ, sẽ biết làm gì, nếu không thì chỉ là người không định hướng, không lập trường, không thừa hành Phật pháp”.

Tăng là kẻ thừa hành phật pháp.

Thay Thế Tôn hoằng hóa đạo mầu.

Tùy duyên hóa độ vô cầu.

Làm thầy mô phạm dẫn đầu chúng sanh”.

 

Một số hình ảnh tại buổi thuyết giảng:

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan