CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

ĐĐ. Thích Minh Sơn thuyết giảng Kinh Di Giáo buổi thứ 3 tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang

Sáng ngày 04/07/2023 (nhằm 17/5 Quý Mão), ĐĐ. Thích Minh Sơn - Ủy viên Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó văn phòng Hệ phái Khất Sĩ, trú xứ tại Pháp viện Minh Đăng Quang, đã quang lâm thuyết giảng Kinh Di Giáo cho hành giả trong mùa an cư PL.2567 – DL.2023.

Trong buổi giảng thứ 3 này, Đại đức đã chia sẻ cho đại chúng phần “Tiết chế trong ăn uống và ngủ nghỉ” trong Kinh Di Giáo. Theo đó, người xưa có dạy: “Bệnh tùng khẩu nhập / Họa tùng khẩu xuất”, nghĩa là: bệnh từ cái miệng do ăn uống phàm tục mà và, họa cũng từ cái miệng do nói chuyện thị phi mà thành. Vậy nên, đối với người xuất gia thì Chư Phật dạy việc ăn uống chỉ để nuôi thân, chứ không tham đắm, thọ dụng không phải để vui đùa, đam mê hay trang sức làm đẹp cho thân.

Do đó, việc ăn uống được Đức Tổ sư truyền thừa từ Phật là ăn ngọ, dùng bát (trộn đồ ăn không lựa chọn, chê bai ngon dỡ), trong khi thọ thực phải luôn quán tưởng “bát cơm này từ đâu đem đến...”, hoặc tam đề ngũ quán. Qua đây, Đại đức nhấn mạnh, không phải chỉ đọc suông mà phải thực hành ngay trong đời sống tu tập, ngay lúc đang ăn, tâm tham muốn ăn nhiều hơn thì biết rõ, tâm khó chịu khi món không vừa miệng thì nhận biết... mới là thọ thực đúng nghĩa.

Việc thọ dụng thực phẩm cho vừa đủ, vì nó là nhu cầu cần chứ đừng đòi hỏi quá mức cần thiết (muốn). Khi thọ dụng vừa đủ sẽ giúp mình kiệm phước, giúp mình tập sự kham nhẫn để chiến thắng bản thân về sự ham muốn thực phẩm, không tổn hại sự tín tâm của Phật tử “như con ong hút mật, chỉ lấy nhụy hoa mà chẳng làm tổn hại hương sắc”. Theo Đại đức, khi quán chiếu trong khi ăn và tu tập tốt thì sẽ làm tăng trưởng phước báu của người cúng dường.

Việc thứ hai là sau khi thọ dụng vật thực thì đừng ham ngủ nhiều, phải biết chế ngự cơn ngủ, không để làm mê lầm, không làm trì trệ việc tu tập. Việc điều phục hôn trầm cũng là một công phu của sự tinh tấn. Đôi khi, có lúc ham mê ngủ, thất niệm, thì việc nhớ nghĩ công ơn của tín thí cực nhọc để nấu ăn, vất vả của người nông phu, sự thành kính... lo bữa ăn, cái mặc, việc ở đầy đủ cho chư Tăng thì sao mà còn vui thích trong việc ngủ. Đức Phật dạy: “thường nhớ đến ngọn lửa vô thường luôn thiêu đốt cõi thế, sớm lo cầu độ thoát lấy mình, chẳng ham mê ngủ”. Ngọn lửa vô thường sớm còn, tối mất luôn hiện hữu bên ta, vậy việc ăn và ngủ có phải đúng với tư cách của chính mình. Nhìn nhận lại chính mình đã chuyển hóa được tham, sân, si chưa, đã làm được gì để trả ơn Phật, cống hiến cho Đạo, giúp cho đời chưa, vậy sao còn ham ăn mê ngủ.

Đức Tổ sư dạy, trước khi ngủ phải chánh niệm quán chiếu niệm lành, tâm thức phải chánh trực, ngủ phải nghiêng bên phải để trừ rơi vào mê ngủ. Khi còn mê ngủ thì chỉ tăng trưởng tam độc, khi chế ngự được cơn ngủ thì sự tỉnh giác phát sinh. Đại đức nhấn mạnh, sự chú tâm vào đề mục khi ngồi thiền sẽ giúp ta không thất niệm, không thất niệm thì sẽ không buồn ngủ.

Việc phát huy tàn quý trong mỗi người, cũng là cách chế ngự cơn ngủ, giúp ta vực dậy được chính mình. Ngủ nhiều sẽ dễ đưa đến si mê (ngu), tâm sẽ dễ tạp nhiễm nhiều tính bất thiện. Tu tập là đừng đồng hóa tôi ngủ, mà nên nhận thấy cơn ngủ đang xâm chiếm tôi; đừng nói tôi tham, mà hãy nhận ra tâm tham đang có trong tôi, Đại đức chia sẻ.

 “Phản quang tự kỷ” là để sửa đổi thói quen xấu, phát huy đức tính tốt, thay đổi suy nghĩ chín chắn, tư duy đúng sẽ giúp mình thay đổi bản thân. Nếu không thì từ trong suy nghĩ đưa đến lời nói và hành động sẽ dễ tạo thành thói quen, nếu ta không đủ tỉnh giác sẽ thành nhân cách tốt hay xấu và đó là nghiệp của mỗi người. Đại đức sách tấn chư hành giả, hãy tiết chế trong ăn uống và cùng nhau tinh tấn để có lợi lạc trong việc tu tập và đem lại sự bình yên cho mình và cho người.

 

Một số hình ảnh tại buổi giảng:

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan