CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

ĐĐ. Thích Minh Sơn thuyết giảng Kinh Di Giáo tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang

Sáng ngày 27/6/2023 (nhằm 10/5 Quý Mão) ĐĐ. Thích Minh Sơn - Ủy viên Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó văn phòng Hệ phái Khất Sĩ, trú xứ tại Pháp viện Minh Đăng Quang, đã quang lâm thuyết giảng Kinh Di Giáo cho hành giả trong mùa an cư PL.2567 – DL.2023.

Trên tinh thần tu tập, thực hành chuyển hóa bản thân là chính, ĐĐ. Thích Minh Sơn khẳng định trong phần mở đầu buổi giảng: “Việc học không chỉ để nghiên cứu hay học thuật. Nếu có học cả trăm năm mà không hành trì, không thẩm thấu lời Phật dạy thì chỉ là uổng công, chẳng lợi ích gì trên bước đường đoạn trừ lậu hoặc”. Trong kinh Pháp cú Phật có dạy: “Dầu nói ngàn ngàn lời. Nhưng không gì lợi ích. Tốt hơn nói một câu. Nghe xong được tịnh lạc”.

Theo đó, việc Đức Phật dạy trong Kinh Di Giáo được Đại đức nhấn mạnh là “Chế ngự tâm ý”. Người xưa nói, đôi mắt là cửa sổ tâm hồn có thể nhìn mọi sự vật sự việc, nhưng thường thì chúng ta không nhìn được trong sáng, mà chen lẫn tư ý để phân biệt phải quấy, tốt xấu, được mất ... theo ý mình; rồi phản ứng theo cảm xúc buồn vui, giận hờn, ganh ghét ... “Con người cái ý vốn hai. Khi mừng khi giận đổi thay không lường”, lúc đó tâm không còn an yên mà luôn xao động, bất an. Do vậy, việc tu tập là phải “Luôn luôn đôi mắt phải kềm. Đừng hay nhìn liếc kiếm tìm chi chi. Ngó ngay dưới bước chân đi. Ngó vào tâm ý luôn khi không rời” (kệ Ý- Luật Nghi Khất Sĩ).

Chư Tổ thì thường dạy “phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”. Đại đức nói, cuộc sống tu hành không thể cứ mượn cảnh để yên tâm, chạy tìm cảnh vừa ý để cho an, mà cảnh thì luôn sanh diệt thay đổi, vậy tâm ta cũng buồn vui luôn sao. Do đó, việc thay đổi là chuyển hóa tâm thức cho an yên thì ở nơi nào cũng an, làm việc gì cũng ổn. Như vậy thì bước đầu tiên là phòng hộ các căn, không buông lỏng tâm ý, an trú ngay hiện tại.

Qua đây, Đại đức cũng giải nghĩa sự khác nhau giữa “tinh tấn” với sự “siêng năng”. Theo đó, việc siêng năng công quả, đi học, phụng sự, làm việc chăm chỉ... nhưng tâm ý không chuyên nhất, không chú tâm thì không phải tinh tấn trong nhà Đạo. Tinh tấn là mọi lúc mọi nơi luôn điều phục tâm ý không cho xao động, không chạy theo cảnh, nghĩa là làm chủ giác quan, “ngó vào tâm ý luôn khi không rời”. Vậy nên, đức Phật dạy chư Tỳ kheo phải luôn luôn để tâm ý trong thực tại, tâm không buông lung theo trần cảnh, hoặc khi ta nhớ những điều lành, thiện pháp, nghe kinh, nghe pháp thì tâm ý sẽ không nghĩ nhớ chuyện xấu, chuyện quấy:

Vị Tỷ kheo thích Pháp, mến pháp, suy tư Pháp.
Tâm tư niệm chánh Pháp, Không rời bỏ chánh Pháp.”
(Kinh Pháp cú 364)

Hằng ngày, nếu không trọn vẹn được với chính mình trong mọi lúc thì tâm ý ta hay vọng tưởng, mơ tưởng, tưởng tượng mọi thứ, rồi hướng ngoại tìm cầu theo ý muốn, đạt được thành công, thành đạt gì trong cuộc sống, mong cầu địa vị, danh lợi... Đó không phải là lõi cây mà Đức Phật dạy. Đại đức nhấn mạnh phải phân biệt rõ ràng Phật sự hay tạp sự, làm nhiều mà sân si, bực bội, phiền não nhiều thì không phải Phật sự, Đại đức khuyên nên dùng từ phụng sự Phật pháp khi đủ duyên, đúng với khả năng của chính mình.

Việc của người xuất gia là “chế ngự năm căn, chớ để phóng dật mà chạy theo năm dục”. Không biết kiểm soát tâm ý thì chạy ra bên ngoài thỏa mãn giác quan, khi đó tâm khó mà an tịnh, vì bản chất con người không bao giờ biết đủ. Chỉ khi nào biết đủ là đủ, biết nhàn sẽ nhàn thì tâm ý mới an ổn.

Đức Tổ sư cũng đã dạy: “Thờ cốt tượng không bằng thờ kinh sách, thờ kinh sách không bằng thờ ông thầy, thờ ông thầy không bằng thờ bản tâm thanh tịnh của mình” (Chơn Lý Thờ Phượng, 51).

Bản chất tâm đã thanh tịnh mà chúng ta không rõ biết, chỉ thích vọng động, vui thích cái bên ngoài để thỏa mãn cảm xúc, để tăng trưởng bản ngã, đắm chìm trong ngũ dục. Vậy nên, giá trị tu tập trong ba tháng là thúc liễm thân tâm, nghĩa là hạn chế các duyên, trọn vẹn tâm ý cho việc tu tập, vì ngũ dục đã lôi kéo chúng ta nhiều đời, trôi lăn sanh tử.

“Người có trí chế ngự các căn, chẳng hề tùy theo; phòng giữ như giặc cướp, không để buông thả” (Kinh Di Giáo)

Theo đó, ĐĐ. Thích Minh Sơn nhấn mạnh: “Hãy tu tập và kiểm soát bản thân từ những bước chân ta đi, từ phòng tới lớp học, tới trai đường, luôn chánh niệm, tỉnh giác, ý niệm khởi thì nhận diện liền. Đại đức khuyên chúng ta hãy tự là chính mình, không phải tu để người khác xem, không phải tu vì bị Ban quản chúng quở trách”.

Cuối lời Đại đức nhắc nhở thêm, hãy tinh tấn phòng hộ căn, hãy trải nghiệm, thực nghiệm và chứng nghiệm lời Phật dạy trong cuộc sống khi đi đứng, nằm, ngồi, mọi lúc, để cảm nhận sự an lạc của pháp, để hiểu và thẩm thấu những lời kinh Phật hằng ngày đã học qua chính bản thân mình. Khi mình có bình yên thì mọi cảnh sẽ yên, khi lòng mình tươi mát thì mọi duyên sẽ tốt đẹp.

 “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện” nghĩa là giữ tâm mình an định một chỗ thì sự việc gì cũng tốt.

Một số hình ảnh tại buổi giảng:

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan