CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

HT. Bửu Chánh thuyết giảng “Kinh Thừa Tự Pháp” buổi thứ 5

Chiều ngày 24/07/2023 (nhằm mùng 07/06 Quý Mão) HT. Bửu Chánh - UVTT HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN, Phó Trưởng Ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Trụ trì Thiền viện Phước Sơn, đã có buổi thuyết giảng bài Kinh Thừa Tự Pháp trong Kinh Trung bộ (Pali – Việt – Anh – Hán đối chiếu), tại trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang.

Thời pháp được Hòa thượng bắt đầu bằng câu hỏi “Chúng ta tu theo Bát Chánh Đạo hay Bát Tà Đạo?” và đó cũng là nội dung trích từ bài Kinh Thừa Tự Pháp được Hòa thượng thuyết giảng trong buổi thứ 5 này.

Theo đó Hòa thượng giảng rõ, Bát Chánh Đạo là Chánh kiến (sammādiṭṭhi); Chánh tư duy (sammāsaṅkappo); Chánh ngữ (sammāvācā); Chánh nghiệp (sammākammanto); Chánh mạng (sammāājīvo); Chánh tinh tấn (sammāvāyāmo); Chánh niệm (sammāsati); Chánh định (sammāsamādhi). Trong khi đó, Bát Tà Đạo là Tà kiến; Tà tư duy; Tà ngữ; Tà nghiệp; Tà mạng; Tà tinh tấn; Tà niệm; Tà định.

Người hành theo đúng Bát Chánh Đạo sẽ khiến tịnh nhãn sanh, khiến chân trí sanh, tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Ngược lại, người hành theo Bát Tà Đạo hướng đến bất tịnh nhãn sanh, tà trí sanh, không tịch tịnh, không thắng trí, không giác ngộ, không Niết-bàn.

Như vậy, Chánh kiến là gì? Chi pháp của Chánh kiến là trí tuệ, tức thấy đây là khổ, đây là nhân của khổ, đây là sự diệt khổ, đây là con đường đưa đến diệt khổ. Thấy thế gian là khổ, thấy thân năm uẩn là khổ. Ngược lại thấy lạc thì chính là tà kiến.

Trong kinh Tứ Niệm Xứ, phần niệm pháp, có niệm Năm triền cái, Ngũ thủ uẩn, Mười hai xứ, Thất giác chi và Tứ diệu đế. Khi hành giả dùng chánh niệm để nhìn thấy được nguyên nhân của đau khổ là tham, khi nhìn ra tham thì tham mất, khi ấy sự diệt khổ xuất hiện. Đây là pháp hành của người hành thiền. Người có chánh kiến là người luôn nhìn ra khổ, nhân của khổ, sự diệt khổ, và con đường diệt khổ bằng Bát Chánh Đạo.

Bản thân chúng ta không thấy khổ vì thế nên đi giành giật, tìm kiếm, trôi lăn trong khổ. Ta phải biết từ bỏ “Một mình ta sống khỏe ru/ Tội chi chung với kẻ ngu bạn đàn/ Xa điều ác sống rảnh rang/ Rừng sâu vô sống thênh thang một mình”.

Hòa thượng chia sẻ chiều sâu Bát Chánh Đạo bằng chính kinh nghiệm tu tập của mình. “Tất cả các pháp hữu vi là vô thường, các pháp hữu vi là đau khổ, các pháp hữu vi là vô ngã”. Đệ tử là pháp hữu vi, nếu thấy đệ tử của tôi, sư phụ của tôi, chùa của tôi… thì đã là tà kiến. Ta phải nhờ chánh niệm để diệt tâm tham, niệm là biết ngay trong hiện tại: “Hãy quên đi những gì đã biết/ Mà chỉ biết những gì đang xảy ra”. Có nghĩa, phải nhìn tâm tham như là cảnh, là đối tượng, còn chánh niệm là tâm. Ví dụ cảnh là bình hoa, tâm tham bình hoa đẹp khởi lên, ta không nhìn bình bông mà nhìn tâm tham, bình bông chỉ là bóng mờ sương khói, niệm tâm. Khi ấy tâm chánh niệm làm chủ còn cảnh là tâm tham.

Hòa thượng chia sẻ pháp hành qua ví dụ với sự kết hợp giữa Vi Diệu PhápTứ Niệm Xứ. Pháp hữu vi là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn là khổ. Nếu khổ ra đi thì mình đâu còn đau khổ, tức ta đã thực hành chánh kiến. Nếu thực hành Bát Tà Đạo thì mới chịu khổ đau.

Người đi tu hy sinh cả cuộc đời mà không thực hành được Giới-Định-Tuệ, không thực hành Tứ Niệm Xứ thì chưa phải là nhà tu hành có chiều sâu của giáo pháp. Vì vậy, người tu hành phải gia công nhiều hơn, thực hành những lời dạy trong các bài chân Kinh của Đức Phật, đúng Kinh để học, đúng pháp để hành, tìm đúng chùa để ở, tìm đúng Thầy mà nương theo. Hòa thượng khuyên chư hành giả nhớ điều này, đừng để đi lạc và không nếm được hương vị giáo pháp.

Người tu đúng theo Bát Chánh Đạo là đi đúng với chánh pháp còn nếu tâm lúc nào cũng sân si phiền não thì là tà pháp, trường hợp này gọi là tà tư duy: “Chánh tư duy là không suy nghĩ liên hệ đến sân hận, không suy nghĩ liên hệ đến tham dục, không suy nghĩ liên hệ đến hãm hại”. Hòa thượng nhấn mạnh chánh đạo, tà đạo đều nằm trong Bát Chánh Đạo không phải nằm trong hình thức xưa và nay, Bát Chánh Đạo là ở trong tâm của mỗi người.

Tà mạng là nuôi mạng không chân chánh, nghĩa là không có tu, không có chánh niệm, không có trí tuệ, tham sân si phiền não, đang hành Bát Tà Đạo mà được cúng dường thì sự cúng dường ấy là tà mạng.

Chư hành giả cần phải phân tích để xét kỹ ta đang tu theo Bát Chánh Đạo hay Bát Tà Đạo. Tà tinh tấn là phóng dật. Tà niệm là không chánh niệm, chánh niệm là phải thực hành Tứ Niệm Xứ, niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp.  Trong Kinh Đức Phật dạy: “chánh niệm được thiết lập được an trú, sống không nương tựa điều gì, không chấp trước bất cứ cái gì trên đời. Này các Tỳ-khoe, ta gọi là sống quán thân trên thân”.

Chánh niệm trên tâm tức nhìn tâm của chính mình, trong Thanh Tịnh Đạo có câu “Tâm sân buộc tội chúng sinh / Trí tuệ buộc tội các pháp hữu vi”. Nhìn các pháp hữu vi sanh diệt, quy luật nhân quả hoạt động thì trí tuệ xuất hiện.

a

Khép lại thời pháp, Hòa thượng sách tấn chư hành giả cần phải học, học nữa học mãi và phải thực hành chánh niệm liên tục, có niệm mới có định rồi tuệ phát sinh, còn không nhiệt tình tu tập mà không hiểu pháp học, không thẩm thấu pháp hành sẽ thành ra phá hoại. Bản thân phải dựa trên Bát Chánh Đạo và Bát Tà Đạo để quán xét xem mình đang hành pháp gì hằng ngày, từ đó sửa đổi nếu sai hướng.

 

Một số hình ảnh tại buổi thuyết giảng:

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan