CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

HT. Giác Điệp có buổi thuyết giảng thứ 2 tại Trường hạ Pháp viện Minh Đăng Quang

Sáng ngày 12/7/2023 (nhằm ngày 25/5 Quý Mão), HT. Giác Điệp – Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự phó Giáo đoàn VI đã quang lâm về Tịnh nghiệp đạo tràng của Hệ phái, có bài thuyết giảng về “Tu tập Ngũ uẩn” cho hành giả an cư PL.2567 – DL.2023.

Mở đầu buổi giảng, Hòa thượng nói lên tầm quan trọng của Ngũ uẩn xuyên suốt, nối kết từ Phật giáo Nguyên thủy đến Bộ phái và tư tưởng Phật giáo Đại thừa. Qua đó, nêu bậc việc trọng yếu của người tu học là phải nhận thức rõ và trải nghiệm ngũ uẩn vận hành ngay nơi chính bản thân mình. Hòa thượng chỉ rõ, người tu cần lấy căn bản văn tuệ làm nền tảng đi sâu và quán chiếu sâu sắc ngũ uẩn, có như vậy làm xa lìa bất thiện pháp, đoạn trừ khổ đau, trần lao, khổ lụy.

Song, Hòa thượng nhấn mạnh nếu chỉ học mà thiếu đi sự tư duy, quán chiếu và tu tập thì chỉ giống như con két đọc lại những gì nó học mà không hiểu gì, không lợi ích gì. Trong kinh, Đức Phật lấy ví dụ cái muỗng với nồi canh, chỉ múc được canh chứ không bao giờ nếm, cảm nhận, thấm được vị ngọt, chua của nồi canh.

Đi vào tu tập ngũ uẩn, Hòa thượng chia sẻ cho đại chúng bài Đại Kinh Giáo Giới La Hầu La (Kinh Trung bộ - 62)  để quán chiếu về thân tứ đại thông qua: đất, nước, lửa, gió. “Này Rahula, do tu tập sự tu tập như đất, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại”.

Thân này được làm từ tứ đại, chất cứng là đất, còn phải vay mượn những thực phẩm (đất bên ngoài) để nuôi dưỡng và tồn tại, vậy cái gì là ta, của ta? Nếu là ta, của ta thì ta phải làm chủ nó, nhưng không, nó vận hành theo nguyên lý của nó, chúng ta cũng không can thiệp được, nó già, nó bệnh... Vậy nên, “người ta quăng đồ tịnh, quăng đồ không tịnh, quăng phân uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu; tuy vậy đất không lo âu, không dao động, hay không nhàm chán”.

Trong nước người ta rửa đồ tịnh, không tịnh, phân uế, nước tiểu, nước miếng, mủ, máu; tuy vậy nước không lo âu, không dao động, không nhàm chán;... hãy tu tập sự tụ tập như nước”. Cơ thể 70% là nước, cũng đều là vay mượn bên ngoài mà có và tồn tại, không có gì là ta, là của ta để mà tham đắm, chấp thủ và phiền não. Hãy tẩy rửa những tật xấu, ích kỷ, tham lam, gột trôi mà không than phiền, trách cứ.

Lửa đốt các đồ tịnh, đốt các đồ không tịnh, đốt phân uế, đốt nước tiểu, đốt mủ, đốt máu; tuy vậy lửa không lo âu, không dao động, không nhàm chán;... hãy tu tập sự tu tập như lửa”. Sức nóng của thân là từ lửa, luôn biến động thay đổi, lửa đốt sạch những tư tưởng xấu quấy, hơn thua, tính toán, nhỏ mọn, tham lam... làm cho tâm trong sạch bằng lửa tam muội.

Gió thổi các đồ tịnh, thổi các đồ không tịnh, thổi phân uế, thổi nước tiểu, thổi nước miếng, thổi mủ, thổi máu, tuy vậy gió không lo âu, không dao động, không nhàm chán;… hãy tu tập sự tu tập như gió”. Hơi thở tượng trưng cho gió, gió của quạt Ba tiêu làm tắt Hỏa diệm sơn. Cũng vậy, ngọn gió của sự tu tập là không dao động trước tám ngọn gió của thế gian. Hòa thượng kể câu chuyện của Tô Đông Pha và Phật Ấn để làm sáng tỏ ý pháp về bát phong. “Như ngọn núi kiên cố, chẳng bao giờ bị gió lay, những lời phỉ báng hoặc tán dương, chẳng bao giờ lay động được người đại trí”. (Kinh Pháp Cú 81)

Về cảm thọ thọ, Hòa thượng phân tích tất cả các cảm thọ hỷ lạc trong thiền chỉ đều vô thường, biến hoại, đừng bám vúi mà dừng lại, ví như bắt rắn ở đuôi hoặc thân thì đều sẽ bị cắn (Kinh Ví Dụ Con Rắn -Kinh Trung Bộ). Vậy nên, người tu chấp thủ chỗ nào, nơi nào thì đều bị kẹt dù cõi trời sắc giới đến vô sắc giới. Nhất là dính mắc cảm thọ ngon, yên, dịu, nhẹ nhàng của cõi dục cũng làm con người say đắm. Chư Phật và Tổ sư đều dạy thực hành tứ y pháp để bớt tham chấp là vậy.

Tưởng tượng cũng là phần rất quan trọng, nó ảnh hưởng rất nhiều trong đời sống. Chúng ta hay nghĩ về điều gì đó, tưởng tượng thêm thắt khi gặp tình huống, tai nạn... làm sao để dừng, bớt vọng tưởng. Hòa thượng chỉ dạy nên chánh niệm, tỉnh giác trong mọi lúc, mọi nơi để thấy ra sự suy nghĩ nhiều trong tâm, trong khi sự việc chưa hẳn đã xảy ra như vậy. Cõi trời Phi tưởng cũng chưa giải thoát, vậy nên đừng chấp thủ  “Tưởng tam thế cận, viễn. Cũng chỉ là tưởng thôi”.

Phần hành uẩn cũng cực kỳ quan trọng, quyết định về thân và khẩu có tạo nghiệp hay không. Dựa trên nền tảng của giới giúp thân và khẩu trong sạch, nhưng ý thì phải tu tập. Mọi chủ ý đều không thật, luôn thay đổi tùy theo hoàn cảnh, tâm trạng. Hãy nhận diện chúng mà không đồng hóa chúng.

Đối với thức tạo nên cái biết của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, nhưng đừng quá tin vào chúng. Thức phân biệt nhưng đừng chấp thủ để rồi thích hay không thích, lấy hoặc loại trừ. Hòa thượng đã chia sẻ bài kinh BahiyaTrong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là các thức tri” cho đại chúng có cái nhìn trong sáng, trung thực để không nhận lầm và chuốc lấy khổ đau.

Khép lại buổi giảng, Hòa thượng sách tấn đại chúng “tùy theo khả năng, trình độ, tâm thức mà chọn pháp môn tu để cuộc đời mình tươi mới, tâm mát mẻ, có niềm an vui, bình yên nội tại. Đừng đợi Phật kéo về Tây phương thì làm gì có, trong khi chúng ta không chịu tu. Chịu ăn thì no, chịu tu thì giải thoát, tu kiếp này không được nhiều thì nhiều kiếp khác, quan trọng là chúng ta phải nỗ lực, tinh tấn, hiểu biết, nhận thức đúng, nhẫn nại, kiên trì”.

 

Một số hình ảnh tại buổi thuyết giảng:

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan