CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

HT. Giác Giới sách tấn hành giả An cư tại Hạ trường Tổ đình Minh Đăng Quang

Ngày 19/5/Mậu Tuất (nhằm 02/7/2018), HT. Giác Giới – Phó Thư ký HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm chứng minh Hệ phái, Thiền chủ khoá Hạ đã sách tấn chư hành giả về oai nghi phẩm hạnh của người xuất gia sao cho trọn vẹn để xứng đáng là bậc mô phạm ở đời, “Một người thay mặt cho Phật thật không phải dễ, mỗi cách hành động như đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, nói, làm mỗi cách cư xử đều giống y Phật cho đặng thiện tín hễ thấy Tăng cũng như thấy Phật…”. Thông qua phần Thập lục hạnh của đức Tổ sư, Hoà thượng triển khai, hướng dẫn rất kỹ càng từ cách ăn chậm rãi, chánh niệm, như lời Tổ dạy: “…Tay trái ôm bát, tay mặt cầm muỗng không rời. Muỗng múc tém gọn, miệng không hả lớn. Đừng hả miệng trước, chớ cho rớt cơm hoặc lào thào. Nhai chớ hở môi, nhai cho thật nhuyễn và chậm rãi. Đang khi nhai chớ múc muỗng khác, chớ làm xao động…” hay cách đi, đứng, nói, làm,... cũng được Hoà thượng chỉ dạy rất tường tận như thế. Bằng những hình ảnh cụ thể đã minh hoạ cho từng oai nghi khiến cho chư hành giả luôn ý thức việc mình đã làm, đang làm và sẽ làm phù hợp với chánh pháp.

Hoà thượng còn chia sẻ với đại chúng hai bài Chơn lý: Chánh pháp,  Y bát chơn truyền để thấy rõ mối quan hệ về những lời dạy của đức Tổ sư cho người đệ tử Khất sĩ. Người đi theo lộ trình của chư Phật hay con đường khất sĩ mà hành trì một cách trọn vẹn, không được thất niệm trong từng hành động, lời nói, ý nghĩ sẽ đạt đến quả yên vui, giải thoát, như Tổ dạy: “Con đường khất sĩ đi đến quả Phật kêu là Trung đạo Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, Trung đạo ấy là Tứ y pháp. Vậy thì chúng ta nên phải thật hành đúng y Tứ y pháp, không nên viện lý lẽ gì bác bỏ đi cho được”.

Vì chính tứ y pháp là giáo pháp của chư Phật ba đời đã tu tập và giảng dạy cho hàng xuất gia phạm hạnh, như Ngài khẳng định: “Cái gì là chánh pháp của chư Phật?

- Tứ y pháp là chánh pháp của chư Phật mười phương ba đời, là giáo lý Y bát Khất sĩ vậy!” (Chơn lý Chánh pháp)

Cũng cùng với ý nghĩa trên, đức Tổ sư nói người đi theo con đường y bát Khất sĩ là bậc trí sau khi đã thấu hiểu cảnh phiền nhiễu của thế trần, “Bởi đạo Phật là đạo Khất sĩ Du tăng, con đường của Bậc Giác Ngộ. Đi theo con đường ấy là đến với chơn lý của võ trụ, để đạt mục đích Niết-bàn. Khất sĩ y bát là bậc thượng trí, sau sự học của lớp thế gian. Kẻ du học ấy phải đi xin ăn, mặc một bộ áo ba manh và một cái chén đựng đồ ăn, để nhẹ mình lo tu học và đi khắp xứ” (Y bát chơn truyền).

Qua phần Thập lục hạnh, Chơn lý Chánh pháp, Y bát chơn truyền, Hoà thượng triển khai thêm những ý nghĩa về pháp học, pháp hành liên hệ tới lời dạy của Phật, của Tổ, để chư hành giả ý thức hơn về đời sống thanh cao khi trở thành người con Khất sĩ hành trì y bát, như kinh Kandaraka số 51 trong Trung bộ kinh có dạy: “Ðời sống gia đình đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời. Ðời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật không dễ gì cho một người sống ở gia đình có thể sống theo phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc”.

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan