CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐÃ GHÉ THĂM TRANG NHÀ. CHÚC QUÝ VỊ AN VUI VỚI PHÁP BẢO CAO QUÝ !

HT. Giác Pháp giảng pháp Hạ trường Tổ đình Minh Đăng Quang

Ngày 13/5/Mậu Tuất (nhằm 26/6/2018), HT. Giác Pháp – Uỷ viên HĐTS GHPGVN, Phó ban Nghi lễ Trung ương, Phó ban Thường trực Giáo phẩm kiêm Chánh Thư ký Hệ phái đã quang lâm viếng thăm và chia sẻ với hội chúng An cư tại Hạ trường Tổ đình Minh Đăng Quang.

Hoà thượng nói đến vai trò của người xuất gia rất quan trọng đối với Phật pháp sau này nên tự thân phải nỗ lực tu tập vì chí nguyện lớn lao là vượt thoát luân hồi khổ, nên không thể nào lơ là để thời gian cứ trôi qua vô ích, như Quy Sơn Cảnh Sách dạy rằng: “Từ thân quyết chí phi tri, ý dục đẳng siêu hà sở, hiểu tịch tư thỗn, khởi khả thiên diên quá thời. Tâm kỳ Phật pháp đống lương, dụng tác hậu lai qui cảnh, thường dĩ như thử, vị năng thiểu phần tương ưng”. (Từ giả thân quyến quyết chí khoác áo người tu, là ý muốn vượt trên chỗ nào? Sớm tối nghĩ suy việc ấy thì đâu thể dây dưa cho mất thời giờ. Trong lòng tự hứa sẽ làm trụ cột cho Phật pháp, gương mẫu cho đời sau, thường nghĩ như thế đó mà còn chưa được chút phần tương ưng với việc xuất gia?).

Đối với đạo quả giác ngộ, giải thoát của người xuất gia là thể nhập Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, Vô sanh A la hán quả của Thinh văn hay quả vị cao hơn; các vị này được nói đến rất nhiều trong các bản kinh và đức Tổ sư cũng diễn đạt qua quyển Chơn lý Khất sĩ. Ngài nói Khất sĩ có ba bậc: 1, Khất sĩ Thinh Văn; 2, Khất sĩ Duyên Giác; 3, Khất sĩ Bồ tát. Quả Dự lưu của bậc Khất sĩ Thinh Văn là phải đoạn ba hạ phần kiết sử: Không mê lầm bổn ngã, không nghi não, không ham mộ nghi lễ cúng kiến.

Và để chia sẻ về việc thành tựu mục tiêu cao thượng, Hoà thượng đã dẫn dắt hội chúng đi vào bài kinh Thâu Lũ Na số 32 trong kinh Tạp A Hàm (quyển 1).

Nội dung của bài kinh này, Tôn giả Xá Lợi Phất dạy cho Thâu Lũ Na soi thấu thân năm uẩn không bền chắc, hư nguỵ không chủ thể, nên tìm sự xuất ly chúng để thoát khổ, như Ngài Xá Lợi Phất dạy: “Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào mà biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly của sắc, thì Sa-môn, Bà-la-môn này có đủ khả năng vượt qua khỏi sắc. Cũng vậy, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào mà biết như thật về thọ, tưởng, hành và thức, về sự tập khởi của chúng, về sự diệt tận của chúng, về vị ngọt của chúng, về sự tai hại của chúng, về sự xuất ly của chúng, thì Sa-môn, Bà-la-môn này có đủ khả năng siêu việt khỏi chúng.”

Qua cuộc giảng giải của Ngài Xá Lợi Phất, Hoà thượng đã minh chứng cho chư hành giả hiểu thêm từ bài Bát Nhã Tâm Kinh: “Quán Tự TạiBồ-tát hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Và bài kệ Huệ của đức Tổ sư:

“Trí thần sáng chiếu thế gian,

Trừ tiêu tiếng khổ, phá tan bóng mờ.

Sông mê đã vượt khỏi bờ,

Soi ra ngũ uẩn, một giờ thành không.

Tai ương nạn khổ thoát vòng,

Nầy đây cái sắc, cái không khác gì…”

Từ việc hiểu thấu ý nghĩa nội dung của bài kinh Thâu Lũ Na và sự hướng dẫn khích lệ của Hoà thượng, hội chúng An cư thấy được lợi ích thiết thực của thực tập, chiếu soi để dần dần thấy như thực về thân năm uẩn này mà không còn mê lầm bổn ngã, hướng tới chân trời giác ngộ vĩnh viễn, chắc thiệt yên vui.

Cung thỉnh Hòa thượng quang lâm giảng đường

Đại diện hành giả đảnh lễ cầu pháp

 

    Chia sẻ với thân hữu:
    In bài viết:

Các bài viết liên quan